- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

THANH VIỆT NGHỊ HÒA TIẾN TRÌNH NHÀ THANH CÔNG NHẬN TRIỀU ĐẠI QUANG TRUNG – phần mở đầu


More history’s made by secret handshakes

than by battles, bills and proclamations.

John Barth[1]



GIẢNG HÒA THEO SỬ CŨ …

Tài liệu triều Nguyễn chép về tiến trình nghị hòa và việc nhà Thanh phong vương cho vua Quang Trung rất giản lược.

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép:

… Tháng 2, Khang An đến mạc phủ Thái Bình thuộc Quảng Tây. Văn Huệ sai bầy tôi là Ngô (Thì) Nhậm lén sang nhà Thanh để xin đầu hàng và tạ tội. Lại đem nhiều vàng lót cho Khang An, nài xin Khang An dàn xếp cho. Khang An đã được nhiều của lót, lại lấy làm may rằng nếu thôi việc dấy quân thì được ung dung vô sự, bèn tâu xin vua Thanh nên nhân đó cho Văn Huệ được thông hiểu, đừng gây hấn ở ngoài biên giới nữa. Vua Thanh y theo...[2]

Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, quyển XXX, Nguỵ Tây chép:

Thế rồi Phúc Khang An đến Việt Tây [tức Quảng Tây] một lòng giảng hoà, viết thư lấy điều lợi hại mà trình bày. Huệ [Nguyễn Huệ] lấy vàng lụa rất nhiều đem đút lót để mong cho việc xong, lại đổi tên là Quang Bình rồi sai cháu là Nguyễn Quang Hiển cùng bồi thần Vũ Huy Tấn đem cống phẩm gõ cửa quan khẩn khoản xin nhập cận[3]

Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái, một bộ lịch sử tiểu thuyết có ảnh hưởng sâu rộng trong cả quần chúng lẫn giới nghiên cứu chép:

… Lại nói tân đốc thần Lưỡng Quảng là Phúc Long An [đúng ra là Khang An] là người thuộc Nhương Hoàng Kỳ Mãn Châu, từ ấm sinh lên đến chức vụ cao tột bực, được vua Thanh rất tin dùng, cho nên mới ủy thác cho việc lo liệu chuyện nước Nam.

Khi mới thay Nghị làm tổng đốc, theo đường dịch đến mạc phủ Quảng Tây, tận mắt thấy Nghị một thân chạy về, lại nghe Bắc Bình Vương thế mạnh, không khỏi có ý sợ sệt, lại nhận được thư ở biên cương, lấy hết can đảm đứng ra lo việc phương nam, bí mật nói với phân phủ họ Vương phủ Thái Bình rằng: “Nam Bắc bãi binh ấy là phúc của sinh linh mà cũng là việc cực may mắn cho kẻ biên thần! Ta nghe nước Nam có một bầy tôi chuyên về văn thư là Ngô Nhậm, vốn việc từ trát rất giỏi, vậy ông hãy trả lời cho y bảo y chuyên chú việc nghị hòa, viết biểu cho hay mà đệ lên, ta ở bên trong giúp cho thì việc thể nào cũng xong”.

Vương phân phủ đi ra, lập tức viết trát gửi Ngô Nhậm, Nhậm đem việc đó bẩm với Bắc Bình Vương. Vương tuy đã định được Bắc Hà nhưng biên cương phía nam vẫn còn chuyện phải lo nên đưa binh về, nhân dịp đó nói với chư tướng: “Việc binh ở Bắc Hà ta giao cho Văn Sở, Văn Lân còn việc Trung Quốc ta ủy cho Ngô Nhậm, Phan Ích, mọi việc cứ thấy phải thì làm. Khi ta về rồi, nếu việc không quan trọng thì không cần qua lại bẩm báo làm gì”. [4]

Nếu như thế, việc giao thiệp với Trung Hoa tưởng như bỡn cợt nên hậu nhân coi cuộc giảng hòa không có gì quan trọng mà cả hai bên đều giả dối cho qua chuyện. Không hiếm tác giả hoàn toàn không đề cập đến việc tái lập bang giao mà coi xung đột vẫn tiếp tục dưới những hình thức khác cho đến khi Nguyễn Huệ từ trần.

Thực tế, việc qua lại với nhà Thanh cuối thế kỷ XVIII bao gồm nhiều việc lớn kế tiếp nhau mà trước đây riêng một việc cũng đã mất hàng năm [có khi nhiều năm], đi đi lại lại rất phiền toái, nay tuy thuận lợi nhưng không phải không phức tạp.


TÓM TẮT

Trong tiến trình đàm phán với phương bắc, hai bên không phải tuỳ ý muốn làm gì thì làm. Trung Hoa dưới triều Thanh Càn Long là một quốc gia lớn, có kỷ cương lề lối nên nhất nhất đều theo qui định trong điển lệ, vừa là khung hình luật pháp để nương theo, vừa là thứ tự làm mẫu mực cho đời sau tuân thủ.

Trên hình thức, nhà Thanh cố tình phô trương “sức mạnh nước lớn” để chứng tỏ với dân chúng, với lân bang rằng An Nam đã thần phục trong “một cuộc chiến mà không cần động binh”. Sức mạnh bề ngoài có tính “phùng xoè” được thi triển rất lớp lang, bài bản nhưng bên trong có thể ngược lại với những gì người ta nhìn thấy.

Thanh triều từ quan ngoại vào cai trị trung nguyên nên rất quan tâm đến việc phòng ngừa những cuộc nổi dậy [từ bên trong] và đe dọa [từ bên ngoài]. Song song với việc trấn áp nội loạn, Thanh triều cố gắng tạo một hình ảnh trưởng thượng đối với lân bang để các nước xung quanh phục tòng và làm “phên dậu” cho họ.

Chính sách ngoại giao vì thế có nhiều mặt, đối với những tiểu quốc kế cận thì làm sao cho họ thần phục và chấp nhận chế độ “triều cống”. Khi chấp nhận vai trò này, quốc trưởng các nước nhỏ phải được triều đình Trung Hoa phong vương để chính thức hóa vai trò của mình, sai người sang triều cống theo định kỳ, cáo ai [báo tin vua cũ chết] và cầu phong [cho vua mới]. Ðể đáp lại, hoàng đế nhà Thanh sẽ ban thưởng cho quốc vương và sứ bộ dưới danh nghĩa “hậu vãng bạc lai” (厚往薄來) [giá trị đồ thưởng nhiều hơn giá trị đồ tiến cống].[5]

Về lễ nghi, các triều đại Trung Hoa đều chú trọng cả hai phần: nội dung và hình thức. Nội dung là ý nghĩa triết học thuộc phần hình nhi thượng của văn hoá Trung Nguyên còn hình thức phô trương ra bên ngoài bao gồm lễ khí và nghi thức mà cổ nhân cho rằng cũng như “cây trúc có vỏ ngoài màu xanh, tùng bách có lõi hình tròn[6] hai bên phải tương ứng với nhau. Theo quan niệm đó, thiên tử là cốt lõi, là tâm điểm để mọi nơi hướng về cũng giống như các vì sao nhỏ chầu đến sao Bắc Thần [Bắc Cực] (chúng tinh củng chi). Tương quan giữa nước nhỏ và nước lớn, giữa thiên tử với phiên thuộc là một sắp đặt thiêng liêng mà mọi nước phải tuân thủ.

Việc tiểu quốc được công nhận và phong tước là sự thể hiện một trật tự xã hội để hai bên cùng có sự chính danh. Tiến trình công nhận vua Quang Trung vì thế vượt ra khỏi đàm phán giảng hoà mà là thiết lập quan hệ để nước ta có một vị trí theo tôn ti Khổng giáo, trước là đối với Trung Hoa, sau là sánh với các nước cũng thần phục thiên triều như Triều Tiên, Xiêm La, Miến Điện, Nam Chưởng, Lưu Cầu… Trong cái trật tự tiền chế đó, những từ ngữ mà Thanh triều dành cho nước ngoài đều nhất nhất nói lên vị thế không sai chạy (quốc thư, sứ thần, bồi thần, tòng [tụng] thần, quốc vương, nhập cận, triều cống …) chưa kể tạo ra uy nghi của triều đình khiến cho người nước ngoài phải run sợ dù rằng thực tế có thể không đúng như vậy.[7]

Nói tóm lại, công nhận và phong vương không phải là nước lớn đáp ứng một yêu cầu của nước nhỏ mà là một chuỗi dài các tranh biện về lễ nghi để hợp thức hóa một triều đại chính thống.

Sau khi thoả thuận những điểm cơ bản đó, nước ta phải thực hiện một số “nhiệm vụ” trong quĩ đạo “phiên thuộc – thiên triều”, từ việc gửi thư sang trần tình, tạ tội đến đưa người sang dâng biểu cầu phong. Nước ta cũng phải tái tục lệ triều cống mà hai bên đã thực thi trong nhiều năm – ba năm một lần triều cống, sáu năm cho sứ thần mang cống phẩm cả hai lần gộp lại.

Khi công nhận nước ta là phiên thuộc, Thanh triều sẽ ban cho một quả ấn [lần này thay thế quả ấn ban cho Lê Duy Kỳ (vua Chiêu Thống) đã thất lạc] và một sắc thư chính thức công nhận Nguyễn Quang Bình (vua Quang Trung) làm An Nam quốc vương rồi cho người sang quốc đô làm lễ. Nước ta cũng phải chiếu theo cựu lệ mà tiếp đón.

Khi xem xét những qui luật lễ nghi đó chúng ta có thể hiểu được cơ sở tranh luận và lý lẽ của hai bên, những được và mất hầu không bị thành kiến chủ quan làm lệch lạc vấn đề.

ĐIỂN TỊCH

Tài liệu của nước ta liên quan đến giao thiệp với Trung Hoa không nhằm ghi nhận những biến cố lịch sử mà chỉ ghi lại khuôn mẫu cho đời sau một khi gặp phải một trường hợp tương tự. Thư từ gửi đi phần lớn là những biện bạch để xin được công nhận và phong vương cho người đứng đầu nước. Dù thực tế có hiển nhiên và hợp lý thế nào chăng nữa, lời lẽ trong văn chương ngoại giao vẫn phải giữ vẻ khiêm cung coi như được thiên triều ban cho một đặc ân. Những văn kiện còn lưu lại trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí [phần Bang Giao Chí] (Phan Huy Chú), Bang Giao Lục (Lê Thống) , Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (Quốc Sử Quán triều Nguyễn), Tây Sơn Bang Giao Tập … cho thấy hai nước không trao đổi những vấn đề quốc gia (kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá …) mà chỉ minh xác một vị thế: nước ta phải thần phục nước lớn theo trật tự phiên thuộc – thiên triều.

Đọc lại văn thư Lê Lợi cầu phong với nhà Minh chúng ta mới hiểu tại sao đời Mạc, đời Lê trung hưng vẫn chỉ lập lại cùng một cách thức mà ai cũng biết rằng giả dối: dâng biểu do các kỳ lão khai là họ cũ không còn ai, nay thay một họ mới. Thảng hoặc đôi khi sứ thần nước ta có phản ứng khi tiếp xúc với Trung Hoa thì thường chỉ là tiếng kêu của kẻ yếu bị ức chế quá đáng chứ chưa hẳn là tranh biện để đòi hỏi một vị thế khác.

Cuối đời Lê, khi Nguyễn Huệ ra bắc diệt họ Trịnh, ông cũng lập lại như các thời trước (hẳn là do các văn quan nhà Lê chỉ dẫn). Đối với Trung Hoa, ông đưa ra một người họ Lê làm “giám quốc” nhưng thực tế là một thứ “bù nhìn”, không có thực quyền (tương tự như Trần Cảo sau khi đuổi được giặc Minh). Ngoài các tờ biểu suy tôn của một số sĩ phu để tìm sự chính danh ở Bắc Hà, ông còn ép Lê Duy Cẩn và triều thần viết thư sang Trung Hoa xin tự ý nhường quyền trị nước cho mình nhưng không thành công. Những người ký tên trong tờ biểu này về sau đã bị vua Chiêu Thống trừng phạt.

Khi quân Thanh sắp sửa sang đánh, vua Quang Trung cũng làm tờ khai [do các kỳ mục ký tên] để giãi bày tình hình chính trị và lý do tại sao trước đây ông phải đem quân ra Bắc. Chỉ sau khi Tôn Sĩ Nghị bại trận, tư thế mới dần dần thay đổi nhất là từ khi “bắt thóp” được đối phương đang cần nước ta cho một nhu cầu “quốc thể”, tiêu chí mà Phúc Khang An khi nhậm chức tổng đốc Lưỡng Quảng đã khẳng định với vua Càn Long rằng sẽ hết sức để chu toàn.

Để công nhận Nguyễn Huệ nhà Thanh phải có một lý do chính đáng (rất có thể chỉ là bịa đặt) nên Nguyễn Huệ đã khai rằng gia đình ông chín đời ở đất Tây Sơn, là người dân không quan tước (bố y) chỉ có liên hệ hôn nhân chứ không có tình nghĩa quân thần với vua Lê. Vin vào đó Thanh triều giải trừ việc kết án ông là loạn thần cướp nước mà trước đây họ đã nhân danh “hưng diệt kế tuyệt” để đem quân sang nước ta. Lý lẽ này hẳn hai bên có trao đổi để cùng chấp nhận được.

Thanh triều cũng nhất loạt đổ tội cho Lê Duy Kỳ [tức vua Chiêu Thống] đánh mất ấn tín, bỏ chạy trước làm hoảng loạn quân dân gây ra thất trận. Nhiều chứng cớ cho thấy thực tế chính Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy trước, vua Lê hốt hoảng chạy theo. Vả lại nội dung trong thư từ trao đổi bí mật giữa triều đình nhà Thanh với Tây Sơn không tiết lộ ra ngoài, dù nạn nhân có bị vu oan cũng không tài nào biện bạch.

Về trận đánh quân Thanh, Nguyễn Huệ khai rằng ông chỉ muốn ra Thăng Long để bày tỏ phải trái với Tôn Sĩ Nghị nhưng vì quân thiên triều quá dũng mãnh nên đành phải chống đỡ cho khỏi chết chứ thực tâm không dám kháng cự thiên binh. Để chứng tỏ thành tâm, Nguyễn Huệ trả về các binh sĩ bị bắt coi như thực lòng qui thuận.

Trong khi đàm phán, nhà Thanh cũng gia tăng áp lực bằng cách đưa ra những điều kiện tương tự như các triều đại Trung Hoa trước đây đã đòi hỏi chẳng hạn như dâng đất (đời Mạc), cống voi (đời Lý), quốc vương đích thân sang chầu (đời Trần) hay lên Nam Quan làm lễ thụ phong (đời Lê Trung Hưng) … Những yêu sách đó đều bị bác bỏ và nước ta chỉ bằng lòng lập một đền thờ những người tử trận và xét xử [trên giấy tờ] những ai đã giết hại quan tướng nhà Thanh.

Để đáp lại yêu sách nếu quốc vương không tới Nam Quan xin phong vương thì phải cống người vàng, vua Quang Trung đã cho cháu là Nguyễn Quang Hiển “tuy đại do thân” (tuy thay mặt nhưng cũng như chính mình) đem biểu cầu phong lên kinh đô khiến vua Càn Long vui mừng công nhận Nguyễn Quang Bình làm An Nam quốc vương và xúc tiến các thủ tục bình thường hoá ngoại giao.

Trước hết là việc triều cống định kỳ (sách gọi là tuế cống). Đời Lê nước ta ba năm một lần triều cống nhưng sáu năm mới sai sứ đi một lần, mang theo cả hai lần cống phẩm. Lần sau cùng nước ta đem cống vật sang nhà Thanh là năm 1783 đời vua Hiển Tông, đến năm Kỷ Dậu 1789 vừa đúng 6 năm. Theo đúng thủ tục, cống phẩm phải đưa tới Lạng Sơn và thông báo cho quan nhà Thanh để trình lên, việc Thanh triều bằng lòng coi như chính thức công nhận.

Kế tiếp hoàng đế nhà Thanh sẽ ban cho nước ta một ấn bạc mạ vàng, núm hình lạc đà nằm và viết một sắc thư công nhận Nguyễn Quang Bình (vua Quang Trung) là An Nam quốc vương rồi sai người sang tuyên thị cho mọi người biết và từ đó quốc ấn mới được dùng để đóng vào công văn gửi đi các nước khác. Cũng từ đó, nhà Thanh mới gọi ông là quốc vương thay vì quốc trưởng (khi gửi riêng trong nội bộ có khi họ gọi là tù trưởng, trưởng mục …). Trong công văn, vua Quang Trung cũng không còn phải tự xưng là An Nam quốc tiểu mục, trưởng mục, tiểu phiên … như trước.

Những thủ tục hình thức ấy được thực hiện gấp rút một cách bất thường không phải vì nhà Thanh khiếp sợ như nhiều người suy diễn mà ẩn náu một đòi hỏi là vua Quang Trung phải minh định sẽ đích thân sang chúc thọ vua Càn Long năm Canh Tuất.

Tuy đây là một mặc cả khá thuận lợi cho nước ta nhưng lại dấy lên nhiều quan ngại. Việc lần đầu tiên trong lịch sử một quốc vương An Nam sang triều cận có thể đưa đến hoang mang và dị nghị trong quần chúng. Ngoài nguyên nhân thực tế phải xa nước lâu ngày, vua Quang Trung cũng sợ Thanh triều dùng kế điệu hổ ly sơn, nhân cơ hội mình vắng nhà mà đưa vua Chiêu Thống về nước.[8]

Để bảo đảm rằng vai trò của Lê Duy Kỳ đã hoàn toàn bị loại trừ, Phúc Khang An sắp xếp cho phái đoàn Nguyễn Quang Hiển được gặp vua Chiêu Thống và tòng vong – nay đã cắt tóc thay áo theo y phục nhà Thanh – hiện đang an tháp ở Quế Lâm. Viên tổng đốc Lưỡng Quảng cũng bí mật sai người đưa nhóm đầu não thân Lê ở trong nước ra bên ngoài rồi giữ họ lại trước khi cử người sang Thăng Long làm lễ phong vương.[9]

Tuy nhiên, một sự việc tương đối trái chiều khiến nhiều dự định phải thay đổi. Khi vua Càn Long chấp thuận cho cháu vua Quang Trung là Nguyễn Quang Hiển lên kinh đô chiêm cận (triều kiến hoàng đế) như một hình thức thay mặt quốc vương sang chầu, nhà Thanh đã có ý làm rềnh rang nhằm khoả lấp việc thua trận, đồng thời nêu cao thành quả “thắng mà không cần dụng binh” nên ngoài việc tiếp đãi long trọng trên đường đi, ông cũng cho Nguyễn Quang Hiển được dự yến với các vương công đại thần và làm một đại lễ trao sắc ấn ở kinh đô để sứ thần An Nam mang về nước.

Vua Càn Long cũng muốn phô trương việc công nhận Nguyễn Quang Bình mà ông chủ quan cho rằng uy tín của thiên triều sẽ triệt tiêu sự chống đối của thành phần hoài Lê ở Bắc Hà – một hình thức thi ân để vua Quang Trung càng thêm kính sợ. Ngay khi Nguyễn Quang Hiển còn trên đường lên Bắc Kinh, vua Thanh đã gửi một đặc dụ và một bài ngự thi xuống Quảng Tây với lời dặn Phúc Khang An phải cho người đích thân mang sang Thăng Long giao tận tay cho vua Quang Trung hầu công bố cho toàn cõi An Nam biết rằng mệnh trời đã đổi và ngầm ý rằng khi Nguyễn Quang Hiển mang sắc ấn về thì Phúc Khang An sẽ đích thân sang phong vương để sự công nhận vua Quang Trung còn huy hoàng hơn Tôn Sĩ Nghị trước đây làm lễ cho vua Chiêu Thống.

Việc hai sứ bộ kế tiếp nhau (thông báo trước, phong vương sau) theo kế hoạch của vua Càn Long nảy sinh nhiều trở ngại về tổ chức cũng như thực hiện. Sau nhiều năm binh hoả, nhân hoạ, thiên tai kinh đô Thăng Long nay tiêu điều, hoang phế không còn được sầm uất như trước, nếu tổ chức phong vương ở đây sẽ phải tốn phí rất nhiều tài lực, nhân lực cho việc trùng tu. Quan trọng hơn, với niềm tin vào “phong thuỷ” và ám ảnh của người dân Nam Á, vua Quang Trung muốn việc thay đổi triều đại phải đi kèm với việc dời đô như truyền thống của Chiêm Thành, Xiêm La … Việc xây dựng kinh đô mới ở Nghệ An, sắp xếp cung điện, cưu tập dân chúng cần một thời gian khá dài nên tuy xây dựng gấp rút cũng chưa sẵn sàng để thành một quốc đô bề thế.

Về phần Phúc Khang An, chủ đích không phải là làm cho việc phong vương thêm long trọng mà là ép vua Quang Trung cam kết sang chúc thọ vào năm sau – một công tác ảnh hưởng rất lớn đến hoạn lộ của ông ta[10]. Kế hoạch hai sứ đoàn, hai nhiệm vụ đòi hỏi phải chuẩn bị lớp lang mà thời gian lẫn phương tiện hầu như bất khả.

Vì tình hình cấp bách trong khi nhiều vấn đề lớn cần giải quyết ngay nên Thanh triều đã gộp chung phái đoàn tiền sát [đem đặc dụ và ngự thi] và phong vương làm một đưa đến sự hoang mang và lúng túng cho cả hai bên. Thay vì chỉ một sứ đoàn với một nhiệm vụ, sứ bộ phong vương cho vua Quang Trung đã bao gồm ba thành phần gồm ba nhiệm vụ khác nhau:

1. Hậu bổ đạo[11] Thành Lâm mang theo tờ đặc dụ của vua Càn Long (dùng như một văn kiện thay thế sắc thư công nhận),

2. Thự đồng tri[12] Vương Phủ Đường mang bài ngự thi ban tặng (trên hình thức thay thế quốc ấn),

3. Đặc mệnh của Phúc Khang An do viên tổng quản thân tín sang trao đổi về việc triều cận (trên danh nghĩa đem quà sang chúc mừng).

Chính vì thành phần đa dạng, trong văn thư hai bên trao đổi đã phân biệt sắc sứ (sứ thần mang sắc dụ) và đại viên (viên chức lớn) mang ngự thi là hai người thay mặt Thanh đình [đều do Phúc Khang An chỉ định, không phải vua Càn Long sai đi] nhưng ít ai nhận ra sự phân biệt đó. Riêng viên tổng quản là một thành phần bán công khai nên chỉ mãi về sau nước ta mới biết và nhắc đến trong các thư từ giao thiệp với Phúc Khang An.

Chính vì lễ phong vương cho vua Quang Trung không có sắc ấn [Nguyễn Quang Hiển đang trên đường mang từ Bắc Kinh về nước] nên triều đình Tây Sơn nghi ngại và tìm đủ cách để thay đổi việc phong vương. Đây cũng là lần đầu tiên mà sứ giả nhà Thanh phải chờ đợi đến hai tuần ở Nam Quan và khi đến ngoại ô kinh đô lại phải tạm trú gần một tháng ở Gia Quất với lý do chờ vua Quang Trung [bị bệnh] chưa ra đến Thăng Long. Triều đình Tây Sơn cũng mấy lần xin đổi địa điểm, khi thì đòi vào Nghệ An là kinh đô mới, khi lại xin vào Phú Xuân là cựu đô của chúa Nguyễn, dân cư trù mật thành quách huy hoàng.

Ngoài việc phong vương bị trở ngại, quyết định sang dự lễ Bát Tuần Khánh Thọ cũng không dứt khoát vì vua Quang Trung chưa có đủ tin tức để đánh giá về sự thành thật của Thanh triều [phái đoàn Nguyễn Quang Hiển đang trên đường trở về]. Thêm nữa, trước đây Tôn Sĩ Nghị có gửi thư cho Xiêm vương yêu cầu đem quân chặn đường rút lui của quân Tây Sơn một khi bị đánh bại. Vì thông tin bị chậm trễ (do chuyển đi theo thuyền buôn) nên đến tháng Hai (năm Kỷ Dậu, khi quân Thanh đã thua trận) vua Xiêm mới nhận được và yêu cầu chúa Nguyễn Ánh (Gia Định khi đó coi như thuộc quốc của Xiêm La) động binh. Tháng Năm, chúa Nguyễn chuẩn bị ra quân, một mặt cho chở lương thực (bằng đường biển) yểm trợ quân Thanh (nhưng bị bão đánh chìm) đưa đến những nghi ngại mà vua Quang Trung cho rằng nhà Thanh dùng kế điệu hổ ly sơn, dụ ông ra Thăng Long để đánh tập hậu bằng đường thuỷ vào Thuận Hoá.

Sau hơn một tháng giằng co, sau cùng thì ngày 15 tháng Mười năm Kỷ Dậu [vốn ấn định vào cuối tháng Tám hay đầu tháng Chín] việc phong vương cũng hoàn tất. Nương theo thế đang được chiều đãi, vua Quang Trung yêu cầu mở cửa thông thương ở biên giới để giải tỏa một số áp lực về kinh tế trong mấy chục năm qua. Lá thư chính thức gửi lên vua Càn Long nhân danh tân quốc vương mới được phong cũng để đến sau lễ khai ấn vào ngày đầu năm [đến giữa tháng Một thì Nguyễn Quang Hiển mới về đến Nam Quan].

Việc thay đổi và trì hoãn đưa tới nhiều đồn đãi – nhất là trong giới cựu thần nhà Lê – về những trá ngụy và tranh chấp khiến Phúc Khang An phải đề nghị cho người giả đi thay. Tuy nhiên, nếu không bị ảnh hưởng bởi thuyết âm mưu (conspiracy theories) thường gặp trong tiểu thuyết đời Minh Thanh mà đi sâu vào thủ tục, nghi lễ dựa trên văn thư chính thức còn lưu lại của hai phía thì chúng ta sẽ có những nhận định phù hợp hơn.

Khi nhận ra những bất toàn của phía nhà Thanh, triều đình Tây Sơn dùng chính các nguyên tắc lễ nghi [là những tiêu chí và tôn chỉ họ đề cao] để bẻ lại những yêu sách hay thay đổi không thích hợp – một hình thức “gậy ông đập lưng ông” khiến cho đối phương phải nhượng bộ. Nói tóm lại, tiến trình ngoại giao Thanh – Việt cuối thế kỷ XVIII là một hình thức “đấu trí” mà nhà Thanh tưởng rằng trong cương vị đại quốc họ có ưu thế áp đặt nhưng những đòi hỏi của họ đều bị giới nho gia nước ta phủ bác.


TÀI LIỆU

Việt Nam

Về việc nhà Thanh công nhận vua Quang Trung, chính sử triều Nguyễn [Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Đại Nam Thực Lục hay Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện] ghi chép rất sơ sài, có thể nói là làm cho có lệ. Điều đó cũng dễ hiểu vì triều đại Tây Sơn là triều đại bị lãng quên và sử chép về họ có lẽ chỉ được bổ túc vào hậu bán thế kỷ XIX khi có sự thỉnh cầu và phê phán của giới nho gia miền Bắc. Khu vực Đàng Ngoài là một khu vực mới chinh phục, vốn dĩ bị triều đình nhìn bằng cặp mắt nghi kỵ, không được coi là đi cùng chiều với Đàng Trong.

Tuy tài liệu về tổ chức hành chánh, kinh tế, quân sự … thời kỳ Tây Sơn hầu như rất ít – và chỉ được ghi chép trong dã sử do người ngoài triều đình ghi nhận theo lối mắt thấy tai nghe – nhưng việc giao thiệp với Trung Hoa thì khá phong phú so với những thởi kỳ khác khiến chúng ta phải dấy lên một số câu hỏi. Những tài liệu về thời kỳ này chủ yếu là văn thư trao đổi giữa hai bên, khi thoả hiệp, khi tranh biện mà mục đích chính yếu là nghi lễ vốn dĩ rất được coi trọng. Những nho sĩ được giao cho công tác giao thiệp với Trung Hoa đều thấy đây là một ân điển đặc biệt lớn rất vinh dự cho gia đình, cho dòng họ. Những người được cử đi sứ cũng rất phấn khởi nên nhiều thi tập ghi lại hành trình còn tồn lưu cho thấy họ hoàn toàn không bị ép buộc hay miễn cưỡng, lại càng không phải bị đặt vào thế phải tham gia một vở kịch đem tính mạng ra đánh cuộc.

Theo Thư Mục về Tây Sơn Nguyễn Huệ do Thư Viện Khoa Học Tổng Hợp thuộc sở Văn-Hoá Thông Tin, Uỷ Ban Khoa Học – Kỹ Thuật tỉnh Nghĩa Bình (Nguyễn Trí Sơn biên tập nội dung) ấn hành năm 1988 tại Hà Nội thì tới thời gian đó đã có tới 1623 tài liệu/sách/bài viết về thời kỳ này. Trong số các tài liệu ghi nhận, phần lớn là các bài viết hay sách nghiên cứu. Số lượng tài liệu gốc thực sự không nhiều và lẫn lộn nhiều văn kiện không mấy giá trị.

Tây Sơn Bang Giao Tập (西山邦交集), còn có tên là Bang Giao Lục (邦交錄), hiện nay còn hai bản sao các văn thư qua lại, tàng trữ trong kho sách Viện Hán Nôm chép các tài liệu và văn thư ngoại giao đời Tây Sơn:

– A. 1916 nhan đề Bang Giao Lục, 183 trang

– A. 2364 nhan đề Tây Sơn Bang Giao Tập, 114 trang

Tài liệu viết tháu, khó đọc nhưng có nhiều văn thư đặc biệt trong chuyến đi của vua Quang Trung sang Yên Kinh. Nếu tổng hợp và đối chiếu với những tài liệu khác chúng ta có thể dựng lại nghi lễ và bang giao với Trung Hoa đầu đời Cảnh Thịnh (khi vua Càn Long còn tại thế).[13]

Bang Giao Hảo Thoại (邦交好話), tác giả Ngô Thì Nhậm (呉時任)

Ngô Thì Nhậm (1746-1803), tiến sĩ khoa Ất Mùi (1746) tự Hi Doãn, hiệu Đạt Hiên được phong tước Tinh Phái Hầu. Bang Giao Hảo Thoại hay Bang Giao Tập là tập hợp văn thư giao thiệp chủ yếu là nghị hoà thời Quang Trung và giao thiệp với nhà Thanh thời Cảnh Thịnh.

Dụ Am Văn Tập (裕庵文集), tác giả Phan Huy Ích (潘輝益) TVKHXH A.604

Phan Huy Ích (1751-1822) tự Khiêm Thụ Phủ, hiệu Dụ Am giữ việc bang giao đời Quang Trung cùng với Ngô Thì Nhậm, được phong tước Thuỵ Nham Hầu.

Sách chép tay, gồm 8 quyển (sách), các quyển I, II, III, IV chép các loại biểu chương, giản trát gồm nhiều văn thư liên quan đến việc bang giao đời Tây Sơn.

Hoa Nguyên Tuỳ Bộ Tập (華原隨步集), tác giả Vũ Huy Tấn (武輝瑨)

Vũ Huy Tấn (1749-?), tự Tự Chiêu, người Mộ Trạch đời Tây Sơn làm thị lang bộ Công, phong tước Hạo Trạch Hầu. Hoa Nguyên Tuỳ Bộ Tập ghi lại một số văn thơ của VHT trong chuyến đi sứ lần đầu năm Kỷ Dậu (1789) từ khoảng tháng Năm đến tháng Chạp. Lần này ông làm phó sứ tuế cống cho Hô Hổ Hầu Nguyễn Hữu Trù sau khi nhà Thanh công nhận Nguyễn Quang Bình [vua Quang Trung] làm An Nam quốc vương. Chuyến đi này khá đặc biệt vì cùng với Nguyễn Quang Hiển là cháu vua Quang Trung thay mặt sang triều cận và được vua Càn Long đặc biệt cho cầm sắc ấn mang về.

Bản chúng tôi có trong tay là bản chép tay số hiệu A 375 của Viện Hán Nôm Hà Nội, được in lại theo lối ảnh ấn trong Việt Nam Hán Văn Yên Hành Văn Hiến Tập Thành, quyển số VI [đệ lục sách] từ trang 293 đến 343. Bản viết rõ ràng theo lối chân phương, mỗi trang 9 hàng, mỗi hàng 20 chữ.

Trong phần “Tự” ông kể khá rõ ràng việc ông được vời ra sau khi vua Quang Trung đánh tan quân Thanh và cần người giao thiệp với phương bắc nên được đưa lên Lạng Sơn hầu mệnh rồi được cử đi sứ ngay. Tuy không cho biết quan điểm của ông trong các vấn đề quan trọng khác nhưng với lối tường thuật cuộc hành trình chúng ta biết rằng những ghi nhận của họ Vũ được đánh giá rất cao và ngay khi vừa về đến nhà ông lại được đi trong sứ bộ của vua Quang Trung năm Canh Tuất.

Lịch Triều Tạp Kỷ (歷朝襍紀), tác giả Ngô Cao Lãng (呉高朗)

Lịch Triều Tạp Kỷ là sách chép tay, tất cả 6 quyển nhưng nay chỉ còn 5 (quyển V chưa tìm thấy).[14] Trong công việc giao thiệp với phương Bắc, một số tài liệu hiếm có được trích lại trong quyển VI, nhan đề Chiêu Thống Đế. Tuy chép về vua Chiêu Thống nhưng có phần phụ Tây Sơn Vương chép nhiều chuyện bang giao và tình hình miền Bắc tương đối trung thực. Về tài liệu, một số văn thư gốc được sao lục phần lớn tìm thấy trong Đại Việt Quốc Thư, Bang Giao Hảo Thoại hay Dụ Am Văn Tập nên có lẽ tác giả cũng tham chiếu từ các nguồn này. Cũng có một số tài liệu không thấy xuất hiện ở nơi khác nhưng nội dung ăn khớp với tài liệu nhà Thanh nên có thể tin rằng Ngô Cao Lãng sưu tầm được nhiều tư liệu hiếm có còn tồn tại ngay trong thời ấy.

Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (歷朝憲章類誌) của Phan Huy Chú (潘輝注)

Phan Huy Chú (1782-1840), tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong tuy chỉ đỗ tú tài nhưng là một nhà nho uyên bác. LTHCLC chép theo chí truyện là tác phẩm kỹ càng về công việc tổ chức hành chánh và điển nghi của triều đình gồm 49 quyển chia làm 10 loại. Bang Giao Chí chép từ quyển 46-49.

Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (欽定大南會典事例) gồm 262 quyển do nội các triều Nguyễn biên soạn.

Bộ sách này được khởi thuỷ soạn từ đời Thiệu Trị sang đến năm Tự Đức thứ 4 thì xong chia theo cách thức của Đại Thanh hội điển sự lệ. Phần Bang Giao chép trong quyển 129 có thể dùng để đối chiếu về đường đi của sứ bộ từ Lạng Sơn xuống Thăng Long.

Trung Hoa

Tài liệu của Trung Hoa tương đối phong phú vì nhà Thanh có một hệ thống lưu trữ rất hoàn chỉnh. Các văn thư thường có bản sao được giữ ở cả trung ương lẫn địa phương chưa kể để dùng như phương thức tham chiếu ngày nay, những chi tiết quan trọng thường được chép nguyên văn ở những văn thư liên hệ. Đối chiếu và chọn lọc từ nhiều nguồn chúng ta có thể minh hoạ khá chi tiết các phản ứng của Thanh triều, đặc biệt là thái độ và cách xử trí của vua Càn Long. Các quan ở địa phương sẽ nương theo quan điểm của hoàng đế mà vạch ra một hướng đi cho thuận lý.

Theo các tác giả Đài Loan từng nghiên cứu về các chiến dịch đời Càn Long như Trang Cát Phát hay Lai Phúc Thuận, chúng ta biết rằng một số số văn thư gốc liên quan đến thời kỳ này hiện lưu trữ trong kho đáng án của Cố Cung Bác Vật Viện. Tuy một số văn bản đã công bố, nhiều tài liệu còn bị bỏ quên trong kho tài liệu đồ sộ của Hoa lục hay Đài Loan và nếu có điều kiện chúng ta có thể tìm thấy nhiều tư liệu đáng chú ý trong việc nghiên cứu lịch sử nước ta.

Một trong những khó khăn khi sử dụng văn bản là thường không có ngày tháng. Các tấu triệp, dụ chỉ ít khi ghi ngày gửi mà thường chỉ ghi ngày nhận công văn nên thời gian giữa lúc gửi đến lúc nhận có thể từ vài tuần đến hàng tháng, nhất là từ những nơi xa xôi như Quảng Tây, Nam Quan hay thậm chí Thăng Long. Vào thời điểm quyết liệt, thời gian qua lại này có thể làm đảo ngược tình thế và nếu không tìm hiểu cho kỹ, chúng ta có thể đưa ra những kết luận không thích đáng.

Khâm Định An Nam Kỷ Lược (欽定安南紀略)

Khâm Định An Nam Kỷ Lược là tập hợp những văn thư quan trọng nhất trong chiến dịch đánh An Nam, tổng cộng 32 quyển gồm 2 quyển Thiên Chương Nhất/Nhị và 30 quyển thư từ qua lại giữa triều đình và các tỉnh kể cả một số văn thư từ nước ta. Tài liệu chúng tôi dùng là bản trong cung do Phương Lược Quán tập hợp hiện tàng bản tại Cố Cung Bác Vật Viện (故宮博物院) Bắc Kinh. Hải Khẩu: Hải Nam xbx in theo lối ảnh ấn năm 2000. Ngoài ra chúng tôi còn tham khảo bản chép tay nhan đề An Nam Kỷ Lược (安南紀略) 32 quyển trong Trung Quốc Văn Hiến Trân Bản Tùng Thư (中國文献珍本叢書), Thư Mục Văn Hiến xbx, 1986. Bản dịch NDC (chưa xb). Vấn đề nghị hòa chiếm gần một nửa bộ sách từ quyển XIII đến hết quyển XXVI.

Thanh Thực Lục (清實錄)

Thanh Thực Lục hay Đại Thanh Lịch Triều Thực Lục (大清歷朝實錄) là bộ sách lớn chép theo lối biên niên của toàn bộ triều Thanh. Tài liệu tham khảo về giai đoạn nghị hoà này chủ yếu nằm trong Càn Long Triều Thực Lục (乾隆朝實錄), còn gọi là Thanh Cao Tông Thuần Hoàng Đế Thực Lục hay Cao Tông Thực Lục, năm Kỷ Dậu (Càn Long 54) bao gồm các quyển 1231-1345 in theo lối ảnh ấn của Trung Hoa Thư Cục, Bắc Kinh 1985-7.

Đông Hoa Tục Lục (東華續錄)

Đông Hoa Tục Lục do Vương Tiên Khiêm [王先謙] (1842-1918) biên tập, tổng cộng 5 sách, trong bộ Cận Đại Trung Quốc Sử Liệu Tùng San Tam Biên do Văn Hải ấn hành theo lối ảnh ấn năm 2006. Sách số 5 từ quyển 39-48 chép đời Càn Long từ năm 50-60 nhưng tài liệu nghị hoà chủ yếu trong quyển 43. Đông Hoa Tục Lục in theo lối cũ, chữ rất nhiều chia ra thành từng tháng nhưng không phân biệt rõ nên cũng khó tra tìm.

Thanh Cung Nhiệt Hà Đáng Án (淸 宮 热河 档案)

Toàn bộ tổng cộng 18 quyển, do Trung Quốc Đệ Nhất Lịch Sử Đáng Án Quán thực hiện và ấn hành năm 2003 bao gồm các văn thư khi hoàng đế ở Nhiệt Hà tránh nóng hàng năm. Các quyển liên quan đến nước ta đời Tây Sơn là quyển 6 và 7. Đây là bản chụp nguyên văn, có cả châu phê và con dấu nguyên thuỷ. Về giao thiệp nghị hoà, Nhiệt Hà Đáng Án có rất ít vì tài liệu về giai đoạn này vì đã được tập trung để soạn An Nam Kỷ Lược và Thực Lục. Tuy nhiên nhiều chi tiết nhỏ lại soi sáng những vấn đề khá quan trọng, chẳng hạn nguyên do việc vua Quang Trung được ban y phục thân vương, một ân sủng đặc biệt nhưng đến nay sử gia nước ta đánh giá sai đã đành mà chính các sử gia Trung Hoa cũng nhầm lẫn về sự quan trọng của nó.

Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng (乾隆朝上諭檔)

Là một tập hợp đồ sộ bao gồm tất cả các sắc dụ đời Càn Long do Trung Quốc Đệ Nhất Lịch Sử Đáng Án Quán biên tập, Đáng Án xbx Bắc Kinh ấn hành (tổng cộng 18 quyển) năm 1991. Phần Thanh Việt nghị hoà nằm trong quyển XIV, XV. Các văn thư quan trọng có thể được nhận biết vì do chính Hòa Thân (Khôn) trong Quân Cơ Xứ viết tay (tự ký) và gửi đi theo lối hỏa tốc (600 dặm một ngày).

Cung Trung Đáng Càn Long Triều Tấu Triệp (宮中檔乾隆朝奏摺)

Tập hợp các tấu triệp đời Càn Long của các địa phương và trung ương tâu lên hoàng đế do Cố Cung Bác Vật Viện Đài Bắc in lại theo lối ảnh ấn năm Dân Quốc 76-7 (1987-8), nhiều tài liệu bị tàn khuyết có đóng dấu “nguyên đáng tàn tổn”. Tập tài liệu này quí giá vì là nguyên bản, nhiều nơi có châu phê của vua Càn Long và ngày tháng rõ ràng, có chỗ bị bôi đen cần phục hồi để xem tài liệu vì sao bị dấu bớt. Vì phần lớn là văn thư mật do chính người gửi viết nên có thể nhận ra tự tích của Tôn Sĩ Nghị, Phúc Khang An, Tôn Vĩnh Thanh … Đây là nguồn tài liệu rất đồ sộ và quí giá, phần liên quan đến nghị hoà với nước ta có thể tìm thấy trong các tập 67-74. Với lối hành văn, cách gửi thư và tình hình qua lại theo hệ thống hành chánh của triều Càn Long, chúng ta biết được cách giải quyết vấn đề công nhận triều đại Nguyễn Tây Sơn.

Minh Thanh Sử Liệu [明清史料] Thẩm Vân Long [沈雲龍] chủ biên

do Văn Hải ở Đài Bắc ấn hành năm 1967. Trong bộ này, chỉ riêng Canh Biên có nhiều tài liệu về nước ta, từ thời Lê trung hưng đến đời Tự Đức được in lại trong bộ Thanh Quý Nội Các Đáng Án Toàn Tập [清季内阁档案全辑] (Bắc Kinh: Học Uyển xbx, 1999) các quyển 11, 12. Những tài liệu này tuy không phải ảnh chụp nhưng đều sao lại theo nguyên bản có một số văn thư riêng mà không đâu có cho ta một số chi tiết giải quyết được nhiều nghi vấn của giai đoạn này.

Ngoài những văn liệu gốc nêu trên, một số công trình tập hợp tài liệu thành một chuyên đề cũng đóng góp rất nhiều giúp cho người nghiên cứu giảm thiểu thời gian tìm kiếm và sao lục:

– Trung Quốc Xã Hội Khoa Học Viện Lịch Sử Nghiên Cứu Sở (中国社会科学院历史硏究所) Cổ Đại Trung Việt Quan Hệ Sử Tư Liệu Tuyển Biên (thượng và hạ) (古代中越关系史资料迭编). Bắc Kinh: Trung Quốc Xã Hội Khoa Học xbx, 1982.

– Viện Nghiên Cứu Lịch Sử Vân Nam (云南省歷史研究所). Thanh Thực Lục: Việt Nam, Miến Ðiện, Thái Quốc, Lão Qua sử liệu trích sao (清實錄: 越南緬甸泰國老撾史料摘抄). Côn Minh: Vân Nam nhân dân xbx, 1985

Những bộ sách nêu trên đã tập hợp gần như toàn bộ văn thư qua lại giữa triều đình nhà Thanh và địa phương. Bản chính những tài liệu của nước ta – các tấu thư gửi sang Thanh triều – có lẽ một số vẫn còn trong văn khố mặc dù cũng bị huỷ hoại nhiều trong thời kỳ binh lửa.

Nghiên cứu – Tiểu luận

Bang giao và quan hệ Trung Hoa – Việt Nam cũng là một đề tài lớn có nhiều tác giả nghiên cứu nhưng thường kéo dài nhiều thời kỳ và nhấn mạnh vào cận đại sử. Những tập tài liệu đó có ích cho việc nhìn vấn đề một cách tổng quát, thường chỉ là một bộ phận của triều đình Trung Hoa nhưng lại khá quan trọng đối với các triều đại của nước ta.

– Tôn Hoành Niên (孫宏年). Thanh Ðại Trung Việt Tông Phiên Quan Hệ Nghiên Cứu (清代中越宗藩關繫研究) Hắc Long Giang Giáo Dục xbx, 2006.

– Lý Quang Ðào (李光濤). Ký Càn Long Niên Bình Ðịnh An Nam Chi Dịch (記乾隆年平定安南之役 ). Ðài Bắc: Trung Ương Nghiên Cứu Viện Lịch Sử Ngữ Ngôn Nghiên Cứu Sở, 1976

– Trang, Cát Phát (莊吉發). Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu (清高宗十全武功研究). Ðài Loan: Cố Cung Tùng San, Giáp Chủng số 26, tháng 6 năm 1982.

Nghiên cứu riêng về giao thiệp Thanh – Việt liên quan đến nghị hoà đời Tây Sơn của các học giả Trung Hoa, Nhật Bản … cũng chưa nhiều, phần lớn là những tiểu luận đăng tải trên các tập san Sử học nhưng cũng có thêm nhiều chi tiết mới.

Trang Cát Phát (莊吉發) viết tương đối kỹ lưỡng trong luận văn nhan đề “Hưng Diệt Kế Tuyệt – Tự Tiểu Tồn Vong: Thanh Cao Tông Dụng Binh Ư An Nam Đích Chính Trị Lý Niệm” (興滅繼絕字小存亡清高宗用兵於安南的政治理念)[15] để giải thích về lý do nhà Thanh đem quân sang nước ta. Tuy đưa ra nhiều tài liệu mới mẻ nhưng Trang Cát Phát đã không nhận được một điều cốt lõi mà Tôn Sĩ Nghị che dấu. Gia quyến họ Lê không chạy sang cầu cứu Thanh triều mà chỉ chạy trốn một cuộc thảm sát và nhiều sự kiện được nguỵ tạo để Tôn Sĩ Nghị có cớ dụng binh ngõ hầu thăng quan tiến chức.

Tiếp theo, Trang Cát Phát cũng có viết thêm một bài nhan đề “Thanh Cao Tông Sách Phong An Nam Quốc Vương Nguyễn Quang Bình Thuỷ Mạt” (清高宗册封安南國王阮光平始末)[16] để biện minh cho việc công nhận triều đại Tây Sơn.

Trương Minh Đương (张明當) trong một tiểu luận nhan đề “Phúc Khang An Dữ Càn Long Mạt Trung An Tông Phiên Quan Hệ Đích Tu Phục” (福康安与乾隆末中安宗藩关系的修复)[17] miêu tả khá chi tiết về thủ đoạn của Phúc Khang An trong tiến trình nghị hoà với nước ta.

Đồ họa

Tranh ảnh và tài liệu về việc giao thiệp và nghị hòa với nhà Thanh hiện nay rất hiếm hoi. Ngay cả bản đồ thời Lê cũng không dễ dàng. Hiện nay nước ta chỉ còn bộ Hồng Đức Bản Đồ (洪德版圖) do Bộ Giáo Dục, Saigon ấn hành năm 1962 (Tủ Sách Viện Khảo Cổ, số III) là bản chụp từ âm bản microfilm nên cũng không rõ ràng lắm.

Trong tập bản đồ này, bức vẽ quan trọng nhất là bản đồ Trung Đô, tức Thăng Long (từ trang 6-9) có kinh thành và những kiến trúc nổi bật như Vương Phủ, tháp Bảo Thiên và nhất là các cung điện.[18] Điều đáng tiếc là từ triều Tây Sơn sang triều Nguyễn, cố đô Thăng Long nhiều thay đổi nên khôi phục nguyên trạng khung cảnh khi Nguyễn Quang Bình được phong vương có nhiều khó khăn. GS Hoàng Xuân Hãn đã cố gắng vẽ lại nghi vệ, lỗ bộ và sắp xếp của triều đình nước ta trong kỳ lễ phong vương năm Quí Hợi (1683) cho vua Lê Hi Tông (đời Khang Hi). Hành trình của sứ bộ nhà Thanh cũng gần đúng như phái đoàn Thành Lâm nên hai lần phong vương có thể tham chiếu và bổ túc.

Về phía Trung Hoa, đời Càn Long là một thịnh thế nên nhiều loại đồ hoạ, trường đồ rất qui mô và vĩ đại do hoạ công trong triều thực hiện. Bức tranh liên quan đến việc công nhận vua Quang Trung là “Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến chi đồ” (阮惠遣姪阮光顯入覲賜宴之圖) trong bộ tranh An Nam Chiến Đồ vẽ phái đoàn Nguyễn Quang Hiển triều kiến vua Càn Long tại Thanh Âm Các ở Nhiệt Hà.

Nhận xét

Trong quá trình tìm kiếm, chúng tôi phát hiện khá nhiều tài liệu liên quan đến bang giao Thanh Việt đời Tây Sơn, hoặc được sao lục riêng thành một quyển riêng, hoặc lẫn trong di văn của các viên chức có tham gia vào công việc từ lệnh của cả Việt Nam lẫn Trung Hoa. Tuy nhiên, việc sắp xếp lại cho lớp lang, thứ tự và nhất lả nêu lên được những trọng điểm cho từng thời kỳ tương đối phức tạp vì có nhiều chi tiết bị che khuất cũng như biến đổi theo thời gian.

1. Tài liệu đã bị sửa và chép đi chép lại nhiều lần và không còn như nguyên thuỷ. Tài liệu nước ta chủ yếu nằm trong các thư viện tư gia bị ảnh hưởng của thời thế đã đành nhưng ngay cả tài liệu nhà Thanh vốn dĩ là đáng án, nhiều văn kiện cũng đã bị thêm bớt cho phù hợp với ý muốn của triều đình và che dấu những sai lầm của cấp trên.

2. Tài liệu thường không có ngày tháng gửi hay nhận nên phải so sánh nội dung và những chi tiết để phỏng đoán thời điểm được soạn thảo. Thời điểm viết ra và thời điểm nhận được thường có một khoảng cách nên việc tính toán để biết được hiện trạng khi lưu hành văn thư đóng góp đáng kể vào việc lượng giá vấn đề. Văn thư đời Thanh tuỳ theo mức độ khẩn và mật, được chuyển đi theo những dạng thức khác nhau, tốc độ khác nhau nên cần am tường nguyên tắc để lượng giá cho chính xác.

3. Nội dung tài liệu chưa hẳn đã phản ảnh sự thật. Ngoài ngôn từ ngoại giao nói cho đẹp lòng người nhận, nhiều trường hợp một lý do nêu lên không đúng như diễn tiến và cần phải đọc những văn bản khác để minh xác thực tế lúc đó như thế nào.

Một cách tổng quát, tài liệu thời Tây Sơn tập trung chính yếu trong hai hạng mục:

1. Văn thư ngoại giao (được gọi chung là quốc thư) chủ yếu là ghi chép về các thủ tục, tiến trình liên lạc với nhà Thanh có lẽ được dùng làm tài liệu tham khảo cho triều Nguyễn hơn là mục tiêu lưu giữ tài liệu dùng trong việc soạn sử.

2. Thơ văn xướng hoạ và ngâm vịnh khi sang Trung Hoa, khi dự tiệc hay thăm viếng thắng cảnh. Một số thư từ thù tạc không quan trọng nhưng cũng được bảo tồn như để đánh giá sự quan trọng của tác giả trong khi đi sứ.

So sánh di văn của nước ta với tài liệu của phái đoàn nước khác như Triều Tiên, Anh quốc trong cùng một thời kỳ chúng ta thấy có những dị biệt quan trọng. Phái đoàn Triều Tiên ghi nhận rất chi tiết về thể lệ và nghi lễ (các loại quan phục, lỗ bộ, yến tiệc, hí khúc …), phái đoàn Anh quốc (nói chung Tây phương) ghi nhận về sinh hoạt xã hội, kinh tế, quân sự … và những điều mắt thấy tai nghe trên đường đi và kinh đô.

Trong khi đó, sứ thần nước ta ghi lại phần lớn là thơ văn ngâm vịnh các danh thắng được đến thăm, nhất là những địa điểm từng gặp trong sách vở như Xích Bích, Hoàng Hạc Lâu, lầu Lạc Dương … hay các bài hoạ lại thơ văn trao tặng. Những chi tiết đó cho thấy tâm tư và thói quen của nhà nho nước ta chỉ hạn chế vào những gì đã được đào tạo và tập luyện nên không mấy chú trọng đến những tiết mục khác và cũng ít ai có hoài bão đem cái hay của người về bổ túc cho sở đoản của chính mình.

(còn tiếp)



[1] Robert I. Fitzhenry (ed.), The Harper Book of Quotations (NY: HarperCollins, 1993) tr. 205

[2]二月。康安至廣西太平幕府。文惠隨使其臣呉壬。潛往歸降謝罪。又多以金賂。懇康安爲之主張。康安旣得厚賂。又幸其無事。奏請因而許之。毋開邊釁。清帝從之。

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục [viết tắt CM] q. XLVII, tr. 43, bản dịch Viện Sử Học (1998) Tập Hai tr. 848-9.

[3] …已而福康安抵粵西専意講和移書以利害譬諭之。惠亦以金幣厚遣求爲玉成遂改名光平遣其姪阮光顯竝陪臣武輝瑨齎遞貢品叩關懇請入覲… Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện [viết tắt LT] q. XXX, Nguỵ Tây, tr. 37B

[4] 且說兩廣新督臣福隆安乃滿州鑲黄旗人,由蔭生致位台鼎,清帝素信用,故委以料理南事。初代毅爲總督,乘驛至廣西幕府,親見毅隻身奔還,又聞北平王勢燄,未免逡巡畏縮,及接邊書,遂一心大膽,即以南事自任,密謂太平府王分府曰: 南北弭兵,生民之福,而寔邊彊諸臣之大幸也!我聞南國詞臣,有呉任者,向之詞札皆出其手,公可爲書答復,使之專主和議,急繕謝表投遞,我爲内主,事無不濟。王分府出,即移札于呉任。呉任以事禀于北平王,王雖旣定北河,而南陲猶有内憂,急於還師,因會諸將謂曰: 北河兵事呉委文楚,文璘,中國使命呉委呉任,潘益,凡事並聽便宜處置。我且還,事無關緊,不必往復禀報爲也。Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết Tùng San, q. V: “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” (1987) tr. 239, NDC dịch.

[5] Thực tế những đồ ban thưởng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, rất ít giá trị vật chất như ngọc như ý, hà bao, vải vóc, quần áo… trong khi họ đòi hỏi tuy tiếng là phương vật như vàng, bạc, sừng tê, ngà voi, trầm hương, ngọc trai… nhưng giá trị thương mại cao gấp bội.

[6] …其在人也,如竹箭之有筠也,如松柏之有心也。Vương Vân Ngũ (chủ biên) Vương Mộng Âu (chú dịch). Lễ Ký Kim Chú Kim Dịch, q. thượng (1977) tr. 389-90.

[7] Xem thêm John K. Fairbank “The Early Treaty System in the Chinese Order” The Chinese World Order: Traditional China’s Foreign Relations. Cambridge, Mass: Havard University Press, (2nd Ed.) (1970) tr. 257-70

[8] Theo sự tra vấn của Phúc Khang An, các cựu thần nhà Lê đã loan truyền rộng rãi một số tin đồn về sự nghi ngại và không thành thật của triều đình Tây Sơn trong đó có 2 sự kiện quan trọng:

1/ Nguyễn Quang Hiển không thực sự là cháu ruột vua Quang Trung (để tạo ảnh hưởng đối với Thanh triều)

2/ Nhà Thanh sẽ đem quân sang đánh bất ngờ khi vua Quang Trung ra khỏi nước (để gây hoang mang cho triều đình Tây Sơn).

Những tin đồn này đều không có cơ sở, tuy có gây ra một số thắc mắc nhưng lại ảnh hưởng khá nhiều vào lịch sử nước ta. Tấu thư của Phúc Khang An ngày 24 tháng Một năm Càn Long 54 (Thanh Quí Nội Các Đáng Án toàn tập, q. 11, tr. 4262 – trích từ Minh Thanh sử liệu, Canh biên đệ Nhị bản, tr. 143)

[9] Xem thêm “Lê Duy Kỳ, đáng thương hay đáng trách?” và “Lê Quýnh, 1750-1805” (biên khảo của NDC)

[10] Ngay trong thời gian này, Phúc Khang An đang mắc vào một vụ đại án mà vua Càn Long rất bất bình nhiều lần trách mắng, nhắc đến thân thế (cháu của hoàng hậu Hiếu Hiền, con của đại học sĩ Phó Hằng …) và công lao, nhất là vai trò quan trọng trong việc giao thiệp với nước ta nên phải giữ lại mà không bị trừng phạt hay tước bỏ các tước vị. Chính vì thế, bằng mọi giá Phúc Khang An phải mời cho bằng được vua Quang Trung sang dự lễ Bát Tuần Khánh Thọ. Xem Đông Hoa Tục Lục (q. V), tr. 1572.

[11] Hậu bổ là người còn đang chờ bổ nhiệm, chưa có chức vụ chính thức.

[12] Thự là người tạm nắm quyền, chưa được bổ nhiệm, chúng ta ngày nay gọi là xử lý thường vụ. Cả Thành Lâm lẫn Vương Phủ Đường đều chưa ai có quan chức, chỉ mới được dùng theo nhu cầu thực tế tại địa phương nên cũng chưa có ngạch trật, chỉ tương đương ngũ lục phẩm, chưa đủ tư cách làm khâm sứ thay mặt triều đình sang phong vương (thường là tam hay nhị phẩm được nâng lên nhất phẩm cho trang trọng).

[13] Phần cuối có 380 câu đối treo nơi công quán khi đón sứ thần (đời Cảnh Thịnh khi triều đình Càn Long cho người sang dụ tế và phong vương cho Nguyễn Quang Toản).

[14] Người viết có hai bản chụp, một từ VHN Hà Nội và một bản từ Viễn Đông Bác Cổ Paris. Bản tàng trữ ở Paris có nhiều chi tiết và viết rõ ràng hơn.

[15] Thanh Sử Luận Tập, q. VI (2000) tr. 169-188

[16] Thanh Sử Luận Tập, q. XVI (2008) tr. 206-256

[17] “Fu Kangan and the Restoration of Suzerain Vassal Relationship Between the Qing Dynasty and Vietnam in the Later Period of Qianlong Emperor” Tạp Chí Đại Học Tây Nam (Journal of Southwest University), Vol. 36, No. 4 tháng July, 2010.

[18] Gần đây chúng tôi có nhận được một tập bản đồ nhan đề Tiền Lê Nam Việt Bản Đồ Mô Bản (前黎南越版圖摹本) rõ ràng và đẹp hơn tập bản đồ Hồng Đức. Rất tiếc là tập bản đồ này thiếu bản đồ Kinh Bắc. Xin chân thành cảm tạ GS Lê Văn Đặng đã có nhã ý gửi tặng.

bài đã đăng của Nguyễn Duy Chính

1 Comment (Open | Close)

1 Comment To "THANH VIỆT NGHỊ HÒA TIẾN TRÌNH NHÀ THANH CÔNG NHẬN TRIỀU ĐẠI QUANG TRUNG – phần mở đầu"

#1 Comment By black raccoon On 15/07/2015 @ 10:44 am

You have to defend your honor. And your family. Suzanne Vega

Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử trí Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ
(Trích, Chiếu Xuất Quân của BBV Nguyễn Huệ)

Câu 1,2 là tự hào văn hoá . Câu 3 câu 4 là lòng tự tin vào dân tộc mình. Câu 5 nêu bật ý chí tự chủ.
Thật ra, về mặt học thuật và biên khảo, rất nên giữ tính cách ngay thẳng của sử ký. Theo tôi, trong biên khảo, rất nên có một “khởi điểm” chính trực để làm việc. Amh đứng ở vị trí này khác anh đứng vị trí kia. Thậm chí, ngòi bút vô tâm còn có thể thay đen đổi trắng được. Người VN trong thế tự vệ chính đáng. Bảo vệ đất nước của mình, bảo vệ dân tộc văn hoá mình. Như vậy há không đáng để tự hào hay sao ?

Đan cử thỉ dụ, tôi đọc đâu đó, có người viết rằng Quang Trung (giả) sang yết kiến Càn Long và được ban cho lễ “Bão Tất” rất cao quý, tức là “Ôm Hôn Đầu Gối” của vua nhà Thanh. Họ còn giải thích nghi lễ này của Mãn Thanh chỉ có cha con hoặc thân thuộc lắm mới được nhận. Chứng tỏ Càn Lòng rất “thương yêu” Quan Trung như con cái trong nhà (?)
Xin thưa 抱膝 bão tất chỉ có nghĩa là ngồi tay ôm đầu gối 以手抱膝而坐 . Quý vị có thể tìm thấy hình ảnh này trong các phim Tàu thời Mãn Thanh, chân phải quỳ, chân trái chống, 2 bàn tay đặt trên gối. Ngoài ra, chưa kể, nếu có nghi thức “ôm hôn đầu gối” của người Thanh thì liệu Càn Long có dám để cho người lạ đụng vào mình hay không ? Chưa kể khía cạnh Quang Trung giả (do phía VN sắp đặt và người Thanh ắt cũng đoán ra) cũng đũ chứng tỏ người VN sang gặp Càn Long trong thế rất tự tin và tự hào.

Tôi chưa thấy người VN nào trong giới học thuật khai triển các ý nghĩa sâu sắc của câu 1 và câu 2. Răng và tóc thì có gì đáng để kêu gọi toàn dân một lòng chống giặc ? Hay là, đối với người thời nay, răng đen và dài tóc tầm thường quá ? Nhưng, tại sao một ông Hoàng Đế lại nhắc tới nó trong một văn bản hùng hồn nảy lửa như vậy ?