Lời người dịch: trích đoạn dưới đây là một phần trong chương 3 (từ trang 130 đến 141) tác phẩm Tinkers, do nhà Belleville Literary Press, New York xuất bản năm 2009. Trích đoạn này không liên hệ gì tới tên của cuốn truyện, nhưng mô tả tình cảm giữa hai cha con, một chủ đề thích hợp cho ngày Hiền Phụ (Father’s Day).
Tinkers, giải thưởng Pulitzer bộ môn tiểu thuyết năm 2010, tác phẩm đầu tay của Paul Harding, được xem như một kiệt tác văn chương dạng cổ điển (a modern classic). The Dallas Morning News ghi nhận “Cũng như Faulkner, Harding không bao giờ tránh né việc mô tả những thứ được xem như không thể nào diễn tả bằng lời.” Nếu có dịp đọc Tinkers và Enon (HarperCollins Publishers Ltd xuất bản 2013) của Harding, bạn sẽ thấy nhận xét của The Dallas Morning News vô cùng chính xác. Paul Harding đã từng dạy tại Iowa Writers’ Workshop, Đại Học Harvard, và Grinnell College.
Tinkers là những người bán rong ở nước Mỹ những thế kỷ trước, thường rong ruổi xe ngựa đến các miền quê xa xôi, bán những món đồ lặt vặt dùng trong nhà, hoặc sửa chữa những món đồ bị vỡ hay hư hỏng. Nhân vật Howard trong truyện là một tinker. Vì không có từ ngữ nào chính xác người dịch tạm dùng “Đồng nát” là từ ngữ tương đối gần với nghề nghiệp này nhất. Mong được sự góp ý của bạn đọc.
Phải nói là những bài giảng sáng Chủ Nhật của cha tôi nhạt nhẽo và mơ hồ. Giáo dân thường ngồi trên ghế nhà thờ ngủ thiếp đi và rất thường nghe thấy tiếng ngáy vang hết góc này đến góc kia của căn phòng. Giọng nói của cha tôi đều đều về tầm quan trọng của mọi sinh vật nhỏ bé ngoài đồng, liệt kê một cách rành rẽ từng loại thú vật bò, bơi, bay mà ông nhớ được, đồng thời nhắc đi nhắc lại rằng chính con vật ấy, cũng quan trọng không kém bất kỳ loài sinh vật nào của Thượng Đế. Và thử nghĩ đến lũ chuột đồng trong vựa thóc, ông nói. Rồi lũ quạ lắm điều, và bầy sóc đi tha những quả hạch. Những con vật ấy đấy chẳng phải là tạo vật do Chúa dựng lên sao? Và con chồn chuyên sục sạo nữa.
Chẳng có chút liên quan nào giữa những bài giảng vụng về với trang viết đầy nhiệt tình ngay cả đầy ám ảnh mà ông viết bên dưới mái nhà quét hắc ín. Dường như cha tôi càng dành nhiều thời gian giam mình trong văn phòng để soạn, thì những bài giảng càng tồi tệ, cho tới lúc trên thực tế chúng không khác gì hơn những lời lẩm bẩm không đầu đuôi, đó đây xen lẫn, nếu thực sự chú ý lắng nghe, bạn có thể nhặt ra được tên một đấng tiên tri kỳ quặc nào đó hoặc trích dẫn một thánh vịnh, một chương hay một đoạn nào đó. Dân trong thị trấn không mấy kiên nhẫn với lối lẩm bẩm ấy, và điều mà lúc đầu có lẽ phải được xem như sự thông thái gián tiếp một cách đặc biệt, ngay cả người ta dám coi việc soạn những bài giảng của ông như những ngụ ngôn giống như Chúa vẫn thường kể, thì chẳng bao lâu sau họ chán ngấy với và bắt đầu than phiền – lúc đầu còn qua những lá thư nói xa nói gần, sau đó họ nói thẳng với cha tôi lúc bước ra khỏi nhà thờ. Cha tôi đáp ứng lại với sự phê phán này bằng vẻ ngạc nhiên chân thật, như thể sững sờ vì những gì đúng ra có trong tâm trí ông đã không được gói vào trong bài giảng của ông. Chúa ơi, bà Greenleaf, cha tôi sẽ nói, tôi rất tiếc là bài giảng không vừa ý bà. Lối đi nhỏ hẹp. Tôi phải luồn lách, cha tôi nói với đầy vẻ bối rối. Đó là dấu hiệu đầu tiên rằng dưới hình thức nào đó cha tôi đã dần dần không còn nối kết được với thế giới chúng ta và bắt đầu trôi dạt đi xa.
Cuối cùng tình hình trở nên báo động với cộng đoàn (sau một buổi lễ sớm Chủ Nhật đầy ngỡ ngàng kia, trong đó có một lúc cha tôi nói toạc ra điều gì đó về chuyện ma quỷ dù gì thì cũng không đến nỗi xấu xa) tới mức giáo dân đòi triệu tập một buổi họp đặc biệt để thảo luận tình trạng suy thoái nơi vị mục sư mới của họ. Vào sáng thứ Tư cha tôi phải đi gặp các các vị trợ tế và cộng đoàn, mẹ tôi phải đích thân mặc áo quần cho ông. Nhìn ông xanh xao, râu ria xồm xoàm và ngu ngơ như một đứa trẻ. Mẹ tôi nhìn ông rồi khóc, Ông làm sao thế? Chúa tôi, Chúa tôi. Mình phải đến nhà thờ để họp cho ông đấy. Trong suốt thời kỳ suy thoái của cha, mẹ tôi khóa kín tâm tư. Bà nấu nướng, ủi áo quần, giữ nhà cửa tươm tất và lúc đầu tin chắc rằng cha tôi đang ở trong một trạng thái suy sụp nào đó, rằng những bài giảng yếu kém của ông hẳn là chuyện thường xảy ra như thủy triều lên xuống trong sự nghiệp của bất kỳ vị mục sư nào. Có lẽ bà còn nghĩ là ông đang trải qua một hình thức khủng hoảng niềm tin, thứ mà sau khi thoát khỏi, chồng của bà sẽ vươn lên với đức tin tươi mới và những khẳng định vững mạnh hơn bao giờ hết. Dù mẹ tôi có nghĩ thế nào đi nữa bà cũng chẳng bao giờ hở môi về chuyện ấy.
Sau cùng khi hoàn tất việc cạo râu và mặc áo quần cho cha tôi rồi đi lên nhà thờ, mẹ bảo tôi nghỉ học để coi nhà và có mặt ở nhà khi ông bà về tới. Bố mẹ đi rồi, tôi ngồi ở bàn ăn với cuốn sách lịch sử mở ở chương tôi đang học về Napoléon. Có một bức tranh vẽ ông ta cỡi bạch mã và một bức vẽ ông dẫn đầu đoàn quân với gươm tuốt trần chĩa thẳng về phía quân địch vô hình. Tôi không thể nào chú tâm vào bài học. Tôi lo cho cha tôi. Trong suốt giai đoạn bệnh tình của ông (chữ này cho tới bây giờ, đây là lần đầu tiên tôi nghĩ đến, nó làm tôi choáng váng và bỗng dưng làm tôi hoảng sợ), cha tôi vẫn hiền từ và xa vắng đối với tôi, như ông vẫn thường như thế, nhưng lúc sau này tôi hay thấy ông nhìn tôi với nét gì đó như niềm mơ ước xa xôi, như thể không phải ông đang nhìn tôi, mà đang nhìn một bức tranh hay một tấm hình của tôi, như thể ông đang hồi tưởng về tôi.
Đối với tôi dường như cha tôi chỉ mờ dần đi. Càng lúc ông càng trở nên khó nhìn thấy. Một ngày nọ, tôi tưởng ông đang ngồi trên ghế, cạnh chiếc bàn, viết. Mỗi lần nhìn thấy ông, tôi luôn thấy ông hí hoáy trên trang giấy. Khi tôi hỏi cái túi để đem đi hái táo đâu rồi, ông biến mất. Tôi không thể biết là cha tôi có ở đó từ đầu hay tôi đã chỉ đặt câu hỏi với hình ảnh nào đó còn vướng vất lại. Vậy là cha tôi rò rỉ dần khỏi thế giới này. Lúc đầu ông chỉ có vẻ như mơ hồ hoặc tản mạn ra ngoại biên. Nhưng rồi ông không còn cung ứng thân thể ông như chiếc khung để treo những áo quần của mình lên nữa. Từ phía sau cái thùng nơi tôi ngồi bóc vỏ đậu và gọt khoai tây cho mẹ tôi, ông sẽ hỏi tôi một câu, và khi trả lời mà không thấy động tĩnh gì, tôi sẽ quay lại, để thấy chiếc mũ, cái thắt lưng hoặc một chiếc giầy của ông nằm bên khung cửa như thể một đứa trẻ nghịch ngợm nào đã để ở đó. Kết cuộc xảy đến khi chúng tôi không còn trông thấy ông nữa, mà cảm nhận được ông qua những giao động ngắn ngủi của bóng hình hay ánh sáng, hoặc như một chút sức ép thoảng qua, như thể khoảng không gian mà người ta chiếm ngự bỗng dưng bị một vật gì đó chêm vào, hoặc chúng tôi ngửi thoáng được mùi hương trái mùa nào đó, giống như tuyết tan vào lớp len của chiếc áo khoác mùa đông của ông, nhưng lại vào một buổi trưa tháng Tám nóng bong da, như thể những lần vừa mới đây tôi cảm nhận được ông như một thực thể nào khác hơn là một ký ức, ông đã nghĩ sẽ kiểm chứng lại thế giới này vào không đúng thời điểm và tình cờ bước từ nơi chốn mùa đông nào đó mà ông đang hiện diện, đến thẳng những ngày nóng nực của mùa hạ. Và có vẻ như làm điều đó cũng chỉ xác định cho ông rằng thân phận ông phai nhạt đi, sự hiện hữu của ông ở nhầm chỗ, để trong những chuyến viếng thăm gây sửng sốt này, dù không trông thấy ông, tôi có thể cảm thấy được sự ngạc nhiên của ông, sự bỡ ngỡ của ông, sự u uẩn cảm nhận được trong một giấc mơ khi bạn bất ngờ gặp người anh ruột bạn quên rằng mình đã từng có, hoặc nhớ lại đứa bé bạn bỏ lại trên sườn đồi cách xa bao nhiêu dặm đường, trước đó bao nhiêu giờ đồng hồ, bởi vì một lý do nào đó, bạn bị đãng trí và vì một lý do nào đó, bạn đâm ra tin tưởng vào một cõi sống khác và bạn giật mình trước những hồi tưởng đáng kinh sợ này, những sự đoàn tụ bất ngờ này, tìm đến từ cơn buồn của bạn về điều mà bạn đã bê trễ khi nó đến từ nỗi lo âu về chuyện bạn đâm ra tin tưởng nhanh chóng và hoàn toàn vào một thứ gì khác. Và cái thế giới khác ấy mà bạn đã mơ tưởng thì luôn tốt đẹp hơn nếu không là có thật, bởi vì ở trong thế giới ấy bạn đã không phụ bạc người tình, bỏ bê con cái, quay lưng lại với người anh ruột thịt của bạn. Thế giới rời xa cha tôi cái cách mà ông rời xa chúng tôi. Chúng tôi trở thành giấc chiêm bao của ông.
Một lần khác, tôi thấy cha tôi mò mẫm một trái táo trong cái thùng chúng tôi cất dưới tầng hầm. Tôi có thể thấy hình dáng ông trong bóng tối nhá nhem. Mỗi lần ông tìm cách cầm lấy một quả, nó lại tuột khỏi tay ông, hoặc tôi có thể nói ông tuột khỏi nó, bởi cái nắm bắt của bàn tay ông không mạnh hơn làn gió thoảng luồn qua khe hở nơi cửa sổ. Nhưng rồi ông cũng nắm được, sau khi đã chú ý tập trung một lúc, đẩy được quả táo lăn khỏi chỗ của nó trên chóp đỉnh đống trái cây, nhưng quả táo ấy lăn xuống, va vào những quả táo khác, sau cùng nằm yên ở vành miệng thùng. Có vẻ như với tôi giả dụ tôi có thể nhặt một quả táo lên bằng những bàn tay yếu nhược, làm sao tôi có thể cắn vào nó bằng những chiếc răng hao mòn, tiêu hóa nó với ruột non ruột già huyền ảo? Tôi nhận ra rằng ý nghĩ đó không phải của riêng tôi mà thực ra của cha tôi, rằng ngay cả những ý nghĩ của ông cũng rò rỉ ra khỏi cá thể lúc trước của riêng ông. Những bàn tay, những chiếc răng, ruột rà, ngay cả những ý nghĩ, tất cả chỉ không nhiều thì ít phù hợp với hoàn cảnh con người, và trong lúc cha tôi thoái lui khỏi tình cảnh con người, những đặc tính này cũng thoái hóa theo, về một nơi phù phiếm nào đó không thể biết, nơi chúng có thể được tái phối trí thành những vì sao, thành nút khóa gài dây thắt lưng, thành bụi trăng hoặc những chiếc đinh đường rầy xe lửa. Có lẽ chúng đã từng là tất cả những thứ này và sự tan biến dần của cha tôi cũng vì ông nhận ra điều này: Chúa ơi, tôi được tạo dựng từ những hành tinh và gỗ, kim cương và vỏ trái cam, thỉnh thoảng, đó đây; chất sắt trong máu tôi đã có lần là lưỡi của một cái cày La Mã; lột ngược da đầu tôi và bạn sẽ thấy xương sọ tôi được bao phủ trong món đồ chạm trổ được khắc bởi một gã thủy thủ cổ xưa kẻ không bao giờ ngờ rằng ông ta đang gọt xương sọ tôi – không, máu của tôi là cái cày La Mã, xương của tôi được chạm khắc bởi những người mà tên của họ mang ý nghĩa người cỡi sóng và kẻ vượt đại dương, và những hình ảnh mà họ làm ra là những hình ảnh của những ngôi sao bắc đẩu ở những mùa màng khác nhau, và cái người giữ cho dòng máu tôi tuôn thẳng vòi khi nó cày vào đất có tên là Lucian và ông ta sẽ trồng lúa mì, và tôi không thể nào chú tâm vào quả táo này, quả táo này, và thứ duy nhất chung với tất cả những thứ này là tôi cảm thấy nỗi buồn da diết, đó phải là tình yêu, và họ bực bội bởi vì trong khi họ chạm khắc và cày xới họ bị vướng mắc bởi những hình ảnh cố gắng bốc một quả táo trong những cái thùng tròn. Tôi quay mặt đi và chạy lên lầu, tránh những bậc thang vẫn thường kêu cót két, để tôi không làm cha tôi bối rối, người mà tới phút giây ấy vẫn chưa biến hình từ đất sét thành ánh sáng.
Giả sử mẹ tôi giúp cha tôi mặc áo quần vào sáng sớm một ngày tháng Tư. Trời tối và lộng gió bên ngoài, với mưa tuyết xoáy tròn rụng xuống từ trời như thể chúng là những phoi bào rụng ra từ những đám mây bị chuốt mỏng, và ba người chúng tôi giam mình trong nhà đã bốn ngày vì trời mưa và gió lộng và những con sông những hồ nước trào dâng tràn bờ. Cách đây hai đêm, chúng tôi còn thấy ông già Sabbatis chèo xuồng xuyên khu rừng sau nhà chúng tôi. Cha tôi lom khom và loay hoay mãi mà không xỏ tay vào tay cái áo khoác được. Rồi mẹ tôi giúp ông, tay áo khoác ngoài quấn lấy tay áo sơ mi và cả hai cuộn lên tới tận khuỷu tay lúc ông kéo chúng lên. Đầu ông lắc lư, và trong lúc cả hai cùng vất vả với cái áo, cái mũ rộng vành của ông bị đẩy lệch qua một bên, thành ra trông như thể mẹ tôi đang cố gắng mặc áo cho một thằng bù nhìn. Mẹ tôi nói với ông bằng một giọng vừa bực bội vừa năn nỉ, Ồ, Bố này, Bố biết là mình chỉ đội mũ khi nào mặc áo xong hết thôi mà. Cha tôi có vẻ nứt nẻ vì khô hạn và ngó ngoáy cái lưỡi như đang cố tìm nước.
Giả như mẹ tôi mặc áo quần cho cha tôi trong phòng khách thay vì phòng ngủ của ông bà và rằng điều này làm tôi hoảng sợ, khi thấy, chẳng hạn như, cặp cẳng chân trần trụi xanh xao của ông trong căn phòng nơi ông vẫn an ủi những bà góa phụ. Những tấm mành hai cái cửa sổ được kéo xuống và mẹ tôi không thắp đèn, thành ra ông bà giằng giật trong cái ánh sáng mỏng manh luồn vào qua khoảng hở chung quanh viền những tấm mành cửa. Tôi đứng ở lối cửa ra nhà bếp, nhìn hai người. Cha tôi gánh chịu sự sỉ nhục lớn lao và tôi không biết làm cách nào để phục hồi cho ông. Việc ông và mẹ tôi phải co kéo tròng áo quần vào cho ông trong bóng tối có vẻ gì đó lén lút và tệ hại. Tuy nhiên, ý nghĩ bước băng qua căn phòng và mở tung những tấm mành cửa cho thứ ánh sáng sống sượng và yếu đuối trào lên người họ xem ra lại tệ hại hơn, như thể chút ân sủng èo uột nhất mà cha tôi có thể được hưởng là được phép vỡ tan trong bóng tối.
Khi cha tôi mặc quần áo xong, mẹ tôi dẫn cha tôi qua nhà bếp. Hai người bước đi bên nhau gần như trong vòng tay nhau, tay này mẹ tôi xoa lưng cho cha tôi và tay kia cầm lấy một bàn tay của ông, dẫn ông đi, trấn an ông, dịu dàng thì thầm với ông, chăm chú từng bước chân của ông để ông không vấp ngã. Tôi lùi vào trong bếp, và khi đi qua cửa, mẹ tôi trông thấy tôi và nói, Hôm nay con phải tự làm đồ ăn sáng nhé, Howard, mẹ phải đi với cha con. Cha tôi nhìn tôi và gật đầu, cái cách người ta vẫn làm khi lần đầu tiên gặp người quen của một người bạn ngoài phố. Mẹ tôi mở cửa ngoài và ánh sáng ùa vào khắc chạm mọi đồ vật trong nhà bếp thành những di vật cổ xưa. Tôi đã không thể nào tưởng tượng ra được người ta làm gì với những cái chảo sắt và những cây cán lăn bột. Bên ngoài khung cửa, tuốt ngoài sân nhà, tận lề đường, bốn người đàn ông đứng đó, tất cả đều mặc áo khoác đen và đội mũ đen, chờ mẹ tôi và cha tôi. Họ là những người bạn của cha tôi, người của nhà thờ. Tôi đứng trong khung cửa nhìn mẹ tôi và cha tôi đi về phía họ, lúc này bắt đầu vây quanh cha mẹ tôi và áp tải hai người đi về phía cỗ xe kéo bởi bốn con ngựa, đang đợi ngoài đó ở một khoảng cách vừa phải và được điều khiển bởi một người xà ích mà tôi không biết mặt, đang ngồi khom trong chiếc áo choàng và khăn quàng cổ để chặn gió và tuyết và mưa, lại đang bắt đầu đổ xuống. Những người đàn ông giúp cha tôi leo vào trong cỗ xe trước rồi đến mẹ tôi, sự đảo ngược trình tự và cách cư xử của bố mẹ so với những gì thường thấy, khiến tôi cảm thấy tan nát, đây là kết cuộc mất rồi. Người xà ích vụt dây cương và những con ngựa vùi chân trong bùn, nhích tới, kéo lê cỗ xe vài thước trước khi bánh xe bắt trớn lăn theo. Cỗ xe và bảy hình hài đen ngòm co ro băng qua góc phía xa của sân nhà biến vào lùm cây, và đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy cha tôi.
Sáng hôm sau, tôi xuống bếp nơi mẹ tôi đang làm bánh kếp. Tôi ngồi vào chỗ của mình ở bàn ăn và nhận ra là không có phần ăn của cha tôi trên bàn. Tôi thường ngồi bên tay trái của cha và mẹ tôi, khi bà cùng ngồi trong bàn ăn (bà không bao giờ ngồi ăn sáng với chúng tôi), thì đối diện với ông ở đầu bàn kia. Tôi hỏi, Cha đâu rồi? Mẹ tôi ngưng nấu nướng, tay này cầm cây quét bột, tay kia cầm cái cán của cái chảo sắt cuộn trong chiếc khăn lau chén bát. Howard, mẹ nói, Cha đi rồi. Mọi cửa sổ trong nhà bếp đều mở về hướng tây, vì vậy ánh sáng ban mai chỉ lùa vào trong phòng khi chúng phản chiếu trên những đám mây cuối cùng tàn lụi theo bóng tối và từ đám cây ở bìa rừng phía ngoài sân nhà. Với tôi điều này giống như một giấc chiêm bao về cái chết của cha tôi, một thứ diễn tập phòng hờ khi nó thực sự xảy ra, hơn là sự kiện đơn giản của thế giới tỉnh thức. Tôi đã phân biệt một cách khó khăn thực tại với chiêm bao trong thời gian ấy, bởi vì tôi vẫn thường có những giấc mơ thấy cha tôi vào phòng ngủ của tôi để hôn tôi và kéo chăn đắp cho tôi, cái chăn mà, vì tôi hay lăn lộn trong giấc ngủ, đã tuột xuống nền nhà. Trong những giấc mơ ấy, lúc bừng tỉnh, thấy cha tôi, tôi đã bị choáng ngợp bởi cảm giác cha tôi quý báu đối với tôi biết chừng nào. Ông đã chết một lần, và tôi đã hiểu thế nào là mất mát, và bây giờ cha trở về, tôi cương quyết sẽ săn sóc cha tận tình. Cha à, tôi nói với cha trong những giấc mơ ấy, cha làm gì ở đây vậy? Cha đã chết đâu, cha tôi sẽ nói với tôi bằng giọng khôi hài mà tôi có thể nhận ra là thuộc về cơn mộng mị, bởi cha không bao giờ dùng giọng ấy ngoài đời sống, dù tôi vẫn mơ ước cha sẽ dùng nó. Được rồi, lần này con sẽ chăm sóc cho cha thật chu đáo, tôi sẽ nói thế, và ôm cứng lấy ông.
Nhưng mà chuyện gì chứ, cái kẻ lảm nhảm lỗ mãng kia? Cơn gió trần trụi của ngươi có làm dịu đi được ngọn lửa bừng cháy trong tim ta không? Tuyệt đối là không! Bởi ngọn lửa trong ta là thứ không hề tiêu hủy, và chuyện vớ vẩn mà ngươi gào rú sẽ chỉ thổi bùng nó lên, khiến nó bừng sáng hơn, nóng bỏng hơn, và chắc chắn hơn.
Tôi quyết định vào rừng tìm cha tôi. Khi đi sâu vào rừng, tôi đi đôi giầy bố cũ của cha tôi. Đôi giầy quá lớn nên tôi phải đi ba đôi bí tất để chân không lỏng lẻo. Tôi mang thức ăn theo trong cái giỏ câu bằng mây của cha tôi, đeo vắt ngang vai. Tôi đội chiếc mũ rộng vành của cha. Khi đi xuyên qua dải đất trồng ngô của nhà Gaspar, tôi tưởng tượng bẻ một trái bắp từ cuống, lột lớp vỏ ngoài, và bắt gặp những chiếc răng của cha viền trên lõi trái bắp. Chúng sạch và trắng, nhưng mòn giống hệt răng của cha. Những lọn tóc của cha đan lấy hạt ngô thay vì những râu ngô. Lúc đi bộ xuyên khu rừng, tôi tưởng tượng lột vỏ một cây phong, lớp vỏ ngoài mềm mại, như da. Tôi sẽ bóc cho đến khi vào đến gỗ. Tôi sẽ nhấn mũi dao vào gỗ và gài sâu cho đến khi nó chạm vào thứ gì đó cứng chắc. Tôi sẽ cắt một thớ gỗ, nạy cho nó tróc ra từng phân một, và tìm thấy một cái xương dài gài sâu giữa thân cây. Tôi tưởng tượng vớt một tảng đá dẹp từ lòng con rạch. Tôi tưởng tượng trèo lên cây và nếm để tìm dấu vết cha trong nhựa cây. Đó là cách mà tôi nghĩ về tôi, lúc đi tìm cái mà cha vẫn thường gọi trong những bài giảng là điều sâu sắc và bí mật, vâng, một ý tưởng mà tôi không bao giờ biết được là ý của cha hay là điều ông đọc được trong những cuốn sách của ông. Tôi sục sạo những chỗ khác nhau nơi hai cha con đã từng cùng nhau đi tới, nhưng chẳng bao lâu phát hiện mình đang đi về chỗ tháo nước của hồ Tagg Pond.