Trang chính » Dịch Thuật, Sáng Tác, Sang Việt ngữ, Trích đoạn tiểu thuyết Email bài này

Phúc Lành

♦ Chuyển ngữ: 0 bình luận ♦ 10.04.2015
Haruf-Benediction-cover_thumb.jpg

 

Hoàng Chính chuyển ngữ từ Benediction (chương 4), xuất bản tại Hoa Kỳ bởi Vintage Books năm 2013. Ken Haruf là tác giả của The Tie that Binds, Where you once belonged, Plainsong, Eventide, Benediction…

Haruf-Benediction-cover

 

Bốn mươi năm trước, khi chuyện đã rồi, ông đã chỉ ngạc nhiên là biết bao lâu mà mình không khám phá ra. Quả là ông đã không tinh ý chút nào.

Sau khi phát hiện ra, ông không chần chừ, ngày thứ Bảy sau khi đóng cửa tiệm, món hàng èo uột cuối cùng đã có người mua, tiền thối lại đã được trao tay qua mặt kệ gỗ sần sùi, người khách cuối ngày bước ra khỏi cửa, vào lề đường tối tăm và lạnh lẽo trên con phố chính, ông lên tiếng hỏi, Mình khóa cửa chưa?

Người thanh niên đứng bên cửa trước, nhìn ra ngoài con đường mùa đông vắng ngắt. Làm như tuyết sắp rơi, anh ta nói.

Vậy à, ông nói. Mọi người về hết rồi chứ?

Vâng, họ về hết rồi. Cháu cũng sắp về thôi. Hôm nay mệt quá. Bận quá trời là bận.

Vào văn phòng một tí đã, ông nói.

Có việc gì hở bác?

Không, cứ vào văn phòng đi đã.

Anh ta quay lại, bước qua lối đi hẹp giữa những quầy xếp dụng cụ làm ống nước với đủ loại những khúc ống nước cong bằng nhựa và những chiếc kẹp kim loại, qua những cuộn dây xích và dây thừng ny lông cùng những dây nhợ treo ở cuối quầy hàng, đi vào văn phòng ở phía sau tòa nhà hướng ra lối đi và ngồi xuống ghế.

Người nhân viên trẻ đi theo ông và dừng lại, dựa vào khung cửa, tuột hai tay áo màu xanh đã xăn cao xuống như vẫn làm mỗi ngày sau khi đóng cửa tiệm.

Ngồi xuống đi, ông nói.

Có chuyện gì không bác?

Vào đây và ngồi xuống.

Cháu hy vọng sẽ không lâu quá. Nhà cháu đang chờ cháu ở nhà. Tụi cháu tính gửi mấy đứa nhỏ cho người giữ trẻ và đưa nhau đi đâu đó ăn tối. Một buổi tối riêng cho hai đứa.

Vậy à. Cứ ngồi xuống đó đã, ông nói.

Người thanh niên bước vào phòng và ngồi xuống. Có chuyện gì vậy, bác? anh ta hỏi.

Ông nhìn người thanh niên rồi nhìn lướt qua cánh cửa văn phòng mở ra phía ngoài một lát. Một chiếc xe chạy qua con hẻm, nóc xe hiện rõ qua khung vuông cửa sổ trên cánh cửa phía ngoài. Ông xoay người rút cuốn sổ biên nhận lớn màu xanh từ cái kệ phía sau lưng rồi thong thả xoay người trong ghế, đặt cuốn sổ lên bàn, lật tới trang mà ông muốn, rồi xoay cuốn sổ một nửa vòng để cạnh phải cuốn sổ cặp sát bên người thanh niên.

Cái này cậu giải thích thế nào đây? ông nói.

Người thanh niên ngó ông rồi nhìn xuống những trang giấy. Anh ta nhìn những con số rồi nhanh chóng nhìn lên. Cháu không hiểu bác muốn nói gì.

Tôi nghĩ là cậu hiểu.

Không, cháu không hiểu. Bác đang buộc cháu tội gì đó phải không?

Cậu muốn tôi phải nói thẳng ra à? ông nói. Có chắc là cậu không hiểu gì không?

Ông trỏ ngón tay vào tổng số bán ra của tháng vừa qua rồi lật ngược một trang và chỉ vào tổng số của tháng trước.

Những con số này nó nhảy từ trong đầu cậu ra phải không?

Cháu không hiểu bác muốn nói gì, người thanh niên nói.

Tôi đang chỉ cho cậu đây. Nhìn kỹ đi.

Ông lật cuốn sổ lùi trở lại cũng tháng này bốn năm trước. Cậu thấy cái này không? Ông nói. Ông chỉ vào con số của năm trước.

Tính trung bình mỗi tháng cửa tiệm của mình thu vào ít hơn bốn năm trước là ba trăm đô la. Sao lại có thể như thế được? Lý do nào khiến nó lại như thế cậu biết không?

Cháu không biết nữa. Có thể vì khách hàng tìm mua ở chỗ khác chăng.

Mua ở đâu? Cả thành phố này chỉ có mỗi một tiệm của mình.

Hay là tại mình không đông khách như trước.

Không. Khách vẫn đông chứ. Cứ xem danh sách kiểm hàng thì biết.

Vậy thì cháu cũng chả biết tại sao.

Có thể cậu quên cái gì chăng.

Bác nói vậy là sao?

Như cậu để mất cái gì đó chẳng hạn. Có thể cậu đánh rơi cái gì đó từ túi áo khoác lúc cậu treo nó lên cái móc sáng nay mà cậu không biết.

Ông nghiêng người duỗi thẳng chân để có thể thọc tay vào túi quần, rút ra một cái chìa khóa nhỏ và cúi ra trước mở khóa ngăn bàn dưới thấp nhất. Ông ngồi thẳng người lại và để một cuốn biên nhận nhỏ mà một nửa số trang đã mất lên bàn. Phần đuôi những tờ biên nhận phía sau hàng lỗ thủng vẫn còn, nhưng những miếng giấy các-bon đúng ra phải còn đó đã bị xé đi.

Tôi thấy cái này trên nền nhà phía dưới cái áo khoác của cậu trong hành lang, ông nói. Gần chỗ góc tường. Nhờ vậy tôi mới biết cách làm ăn của cậu. Khách hàng đến mua một món đồ, cậu xé biên nhận từ xấp giấy này đưa cho người ta rồi khi khách hàng ra về, cậu đóng kín cửa lại, cậu bỏ túi số tiền ấy không để lại dấu vết gì. Không phải là món gì lớn lao, bởi nếu không là tôi biết liền. Và cậu cũng tính kỹ là tôi đang ở đàng sau cửa tiệm trong văn phòng này, hoặc về nhà ăn trưa, và tôi không đoán là cậu đã làm chuyện đó quá thường đến mức một người cả tin như tôi cũng phải đâm nghi ngờ. Và tôi cũng đoán chắc cậu cũng lo chuyện có khách hàng nào đó trả cái xẻng hoặc cái cuốc làm vườn để lấy tiền lại, và đưa cái biên nhận giả này cho tôi, mà không đưa cho cậu. Nhưng chuyện đó chưa xảy ra, phải không. Tôi nghĩ càng lâu cậu càng ăn quen, đúng không nào. Nếu như cậu chỉ lấy ba bốn trăm đô la một năm thì tôi đâu có biết. Hoặc cả ngàn đô một năm cũng vậy. Nhưng mà chuyện đó chỉ êm ả nếu như cậu không đánh rơi cuốn sổ nhỏ này khỏi túi áo khoác của cậu, đúng không nào.

Ông ngừng nói và nhìn anh ta đăm đăm. Người thanh niên không nói một lời.

Được rồi, tôi sẽ nói cho cậu biết, ông nói. Chuyện này làm tôi ghê tởm. Đúng vậy. Nó làm tôi nghi ngờ luôn cả cái giống người khốn kiếp này. Mà tôi thì không muốn nghĩ kiểu đó. Cậu bị cái chứng gì vậy chứ?

Ngồi đối diện với ông, khuôn mặt tròn của người thanh niên bắt đầu tươm mồ hôi. Lát sau ông vẫn còn nhớ, dường như mồ hôi đã bất ngờ tuôn ra từ người anh ta, ngay giữa mùa đông, tháng Hai, bên ngoài lạnh buốt, và ngay trong cái văn phòng nhỏ bé không cửa sổ phía sau cửa tiệm bán đồ ngũ kim cũng không ấm áp chút nào.

Bác cho cháu bao lâu?

Bao lâu để làm gì?

Để trả lại cho bác.

Cậu không thể nào trả lại được.

Không trả liền được. Nhưng cháu vẫn có thể trả nếu bác cho cháu đủ thời gian.

Không, cậu không trả được đâu. Tôi không muốn cậu lảng vảng ở đây nữa. Cậu không còn làm ở đây nữa. Tôi không còn muốn thấy mặt cậu nữa.

Nhưng cháu còn phải lo cho vợ và hai con của cháu.

Đúng, ông nói. Tôi biết. Lẽ ra cậu phải nghĩ đến chúng nó trước, chuyện cậu làm sẽ ảnh hưởng đến chúng nó như thế nào.

Người thanh niên nhìn ông đăm đăm. Anh ta lấy tay quệt mồ hôi trán rồi chùi lên ống quần.

Bác có định báo cảnh sát không? Anh ta hỏi.

Không. Tôi quyết định không báo cảnh sát. Vì các con của cậu. Nhưng tôi sẽ bắt cậu phải ký cái này.

Ký cái gì?

Tờ giấy này.

Giấy gì vậy?

Ông rút một tờ giấy từ ngăn tủ trước mặt và đẩy ngang qua mặt bàn. Người thanh niên đọc tờ giấy. Tờ giấy được đánh máy gọn ghẽ, kể lại việc anh ta lấy trộm từ cửa tiệm như thế nào và ghi nhận số tiền anh đã lấy cùng lời thú nhận của anh rằng sự việc xảy ra đúng như vậy, phía cuối trang có chừa chỗ cho anh ký tên và ghi ngày ký.

Bác sẽ làm gì với tờ giấy này sau khi cháu ký nó?

Ồ, cậu sẽ ký tờ giấy này. Chẳng có gì phải thắc mắc hết.

Được rồi. Giả như cháu ký. Xong rồi sao nữa?

Rồi tôi sẽ cất kỹ nó trong cái hộp đựng đồ quý ở ngân hàng. Phòng hờ có lúc cậu tính chuyện dọn về lại thành phố này.

Nhưng mà cháu đâu có dọn đi.

Có chứ, cậu sẽ dọn đi.

Ý bác muốn nói là bác muốn cháu dọn đi khỏi thành phố này?

Tôi không muốn đụng mặt cậu, ông nói. Thế nào mà chẳng gặp cậu đâu đó trên đường phố này.

Nhưng mà cháu lớn lên ở đây.

Tôi biết. Tôi biết bố mẹ cậu nữa mà. Đây là chuyện đổ bể tệ hại nhất.

Nhưng cháu phải làm gì bây giờ?

Việc ấy cậu phải tự nghĩ ra. Không phải việc của tôi. Có thể cậu sẽ học một môn gì đó. Chuyện ấy tôi không biết.

Hay là – người thanh niên nhìn quanh một cách tuyệt vọng – cháu sẽ phải nói thế nào với vợ cháu đây chứ? Cháu biết giải thích thế nào với nhà cháu đây?

Cái đó tôi cũng không có ý kiến. Sẽ chẳng vui thú gì, tôi biết. Tôi cũng chẳng sung sướng gì.

Người thanh niên chăm chú nhìn nét mặt của người đàn ông, nhưng không tìm ra được chút gì của sự có thể thuyết phục hoặc tha thứ. Thôi được, mẹ kiếp! anh ta nói. Anh nhắc cái bút từ mặt bàn lên và ký nhanh vào tờ giấy rồi đẩy tờ giấy ra xa trên bàn.

Ông cầm tờ giấy lên xem, nhìn kỹ chữ ký và ngày tháng, rồi gấp đôi lại và nhét vào túi áo sơ mi.

Bây giờ, cậu về đi.

Chơi kiểu này không công bằng chút nào.

Không công bằng à? Tôi nghĩ tôi cư xử hơn cả công bằng đấy chứ.

Cháu đâu có đáng bị đuổi như thế này. Cháu đã làm việc với bác năm năm nay rồi.

Vì vậy tôi mới bảo cậu nên đi đi. Nếu không tôi đã có thể quên điều đó.

Ngày hôm sau, Chủ nhật, người thanh niên gọi điện thoại cho ông tại nhà, lúc xế trưa. Cháu cần nói chuyện với bác, anh ta nói.

Tối qua mình đã nói hết chuyện rồi.

Cháu biết. Nhưng cháu có chuyện cần nói với bác lần chót.

Về cái gì?

Cháu gặp bác ở cửa tiệm được không?

Cậu tính làm gì, muốn bắn tôi hay sao? ông nói.

Không. Chúa ơi. Làm gì có chuyện ấy. Cháu chỉ muốn chuộc lại lỗi lầm.

Cậu làm sao mà chuộc được nữa.

Cháu năn nỉ bác. Bác làm ơn làm phước. Cho cháu nói chuyện với bác.

Ông nghĩ ngợi một lúc. Thôi được, ông nói. Tôi sẽ mở cửa sau, cho cậu vào văn phòng. Trong vòng một tiếng nữa. Đúng hai giờ. Đừng để tôi chờ. Mà chuyện này cũng chẳng thay đổi được gì đâu.

Cám ơn bác.

Trước hai giờ, không nói cho vợ biết mình đi đâu, ông đi vào ngõ sau cửa tiệm, không khóa cửa và mở đèn lên. Ông đi vào cái văn phòng bé tí, mở đèn và kiểm lại khẩu súng trong ngăn bàn rồi đóng lại. Ông nghe tiếng xe, rồi tiếng người đi vào qua cửa sau. Ông ngồi chờ, nhưng không phải người thanh niên làm công cho ông. Mà là vợ anh ta, người đàn bà trẻ tóc vàng.

Chồng cô đâu? Ông hỏi.

Anh ấy không đến. Chỉ có em thôi.

Cô làm gì ở đây?

Cô ta bước vào cái văn phòng nhỏ hẹp không cửa sổ. Cô ta mặc áo khoác dài, loại áo mưa đàn ông, thứ vải nhựa trơn. Cô ta đi vòng qua đầu bàn và đứng cách xa ông khoảng một mét. Rồi cô mở tung hai vạt áo. Thân thể cô trần truồng. Hình ảnh một người đàn bà trẻ liên tiếp hai lần sinh đẻ phơi cả ra trước mặt ông. Bụng cô ta tròn và nhão với những vết nứt màu trắng. Cô có cặp hông rộng. Đôi vú lớn hơi xệ. Nhưng nhìn chung cô ta không đến nỗi tệ.

Ông sẽ có hết mọi thứ, cô nói. Suốt một năm tròn, ông sẽ có tất cả những thứ này thường xuyên và đều đặn như ông muốn. Em còn biết một vài ngón nghề đặc biệt có thể ông sẽ thích.

Cái gì? ông nói.

Nếu ông chịu xé tờ giấy mà tối qua anh ấy đã ký, mình xem như không có chuyện gì xảy ra.

Ông nhìn mặt người đàn bà. Một khuôn mặt đẹp. Cô nhìn ông chăm chú, đôi mắt cô rực lửa, cứng rắn, đầy lo sợ và thách thức. Cô chờ.

Không, ông nói. Không, tôi không thích. Cô hiểu sai hết rồi bởi tôi sẽ không bao giờ làm những chuyện như thế. Chồng cô quá sai lầm khi bắt cô làm chuyện này.

Chuyện đó em không lo, cô nói.

Cô sẽ lo.

Cô mở rộng thêm hai vạt chiếc áo mưa, như thể phơi bày chính mình như thế vẫn chưa đủ. Cô đổi thế đứng, ưỡn người ra trước, phô bày thân thể. Cô đặt một tay lên hông, đẩy vạt áo qua một bên. Cô hơi xoay người để ông thấy vóc dáng nhìn nghiêng của cô.

Ông thấy không? Cô nói. Ông có nhìn không đấy?

Có chứ, ông nói. Nhưng tôi có gia đình rồi và vợ tôi là người duy nhất tôi muốn và không bao giờ thay đổi.

Ông không nhìn kỹ, cô nói.

Có, tôi nhìn kỹ. Cô nên về ngay đi.

Rồi ông sẽ tiếc. Ông sẽ ước gì ông có thể đổi ý.

Không. Chuyện đó không bao giờ xảy ra. Bây giờ tôi muốn cô ra khỏi đây.

Cô túm hai vạt áo lại và nhìn ông ngồi trên chiếc ghế xoay bên cạnh bàn. Rồi hai vạt áo lại tung ra và bất ngờ đôi vú cô rung rinh, bập bềnh một chuyển động bạo loạn khi cô vung tay tát mạnh lên má ông. Vết đỏ tươi hằn rõ lên mặt ông. Rồi cô xoay người bước ra khỏi văn phòng.

Đêm ấy tuyết rơi như người thanh niên đã tiên đoán ngày hôm trứớc. Trận tuyết ướt giống như thứ tuyết vẫn rơi vào tháng Ba hay tháng Tư chứ không phải tháng Hai, và ngày hôm sau cặp vợ chồng trẻ đem hai đứa con với vài thứ lặt vặt nhét vào mấy va li cùng những hộp các tông, và lái xe hàng trăm dặm đường về phía nam, dọn về ở chung với bố mẹ cô.

Vào mùa xuân vài tháng sau đó, vào một ngày uể oải ông nhận được cú điện thoại. Ông đang ngồi trong cái văn phòng nhỏ bé ấy, lúc xế trưa. Từ đầu dây kia, giọng đàn bà, gào thét ngay khi ông vừa nhắc điện thoại lên.

Đồ khốn nạn! Anh ấy tự tử rồi! Ông là đồ khốn nạn.

Ai vậy?

Ông biết tôi là ai mà. Anh ấy dọn về đây rồi đâm ra say sưa rượu chè, rồi lấy súng, bắn vào đầu, vỡ sọ. Không một lời trăn trối. Tại ông hết. Ông gây ra chuyện đó. Ông đẩy người ta vào chỗ chết. Trời ơi, tôi cầu cho ông cháy tan trong hỏa ngục! Đồ khốn nạn! Tôi cầu cho ông xuống hỏa ngục đời đời.

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)