Sinh 1962 và là cháu ngoại nhà văn Hoàng Đạo, Đặng Thơ Thơ từ vị trí kế thừa Tự lực Văn đoàn đã luôn cách tân và khai phá. Tác giả của Ở Khoảng Giữa Một Gang Tay định nghĩa thể truyện Chớp: “..là một thế giới trong đêm đen, bất chợt một luồng chớp xẹt lửa và toàn cảnh hiện hình rõ như ban ngày, rồi lập tức tan lại vào bóng tối, để lại một kinh ngạc không lời.” Đến Đi Tìm Bản Kinh Thánh Cuối, Đặng Thơ Thơ truy tìm dằn vặt của một thầy tu phải chép lại bản kinh chính thức của nhà thờ, cùng lúc ước muốn tìm lại bản gốc, với ý thức phải chọn giữa lương tri và giáo điều. Sức đột phá đột ngột của một nhà văn, thường xuyên song hành với một dấn thân. Mạo hiểm và chuyển hóa bút pháp, là dấn thân của Đặng Thơ Thơ.
Trần Vũ: Các nhà văn đồng hành nhìn thấy Đặng Thơ Thơ trải nghiệm hai mùa Xuân: Mùa Xuân văn chương khi cô quyết định thay đổi bút pháp hiện thực của Phòng Triển Lãm Tranh Mùa Đông sang bút pháp huyễn ảo trong Đi Tìm Bản Kinh Thánh Cuối. Ngay sau đó là mùa Xuân tình yêu: Tác giả của Phong Linh Vỡ đoạn tuyệt với đời sống gia đình truyền thống để dấn bước vào một hành trình mới… Orhan Pamuk, trong diễn từ nhận giải Nobel Văn chương 2006 từng phát biểu: “Tiểu thuyết hay, phải tiết lộ cho nhân loại những gì bị che khuất trong ánh mắt thường nhật […] Nhà văn, là kẻ dành nhiều năm dài để thử khám phá con người thứ nhì sinh sống trong mình hắn…” Có phải chính là kinh nghiệm của Đặng Thơ Thơ, trong sáng tác cũng như trong đời sống?
Đặng Thơ Thơ: Nếu hiểu theo nghĩa thông thường về phong cách hiện thực, tôi không nghĩ rằng Phòng Triển Lãm Mùa Đông (PTLMĐ) được viết bằng bút pháp hoàn toàn hiện thực. Có những truyện là sự khuếch tán hiện thực qua những lăng kính dị biệt của một chủ đề đặc thù. Những truyện Lời Chia Tay Cuối, hay Phòng Triển Lãm Mùa Đông là một hiện thực “ảo,” xét về mặt bối cảnh, nhân vật, không khí, chủ đề… Một Nơi Để Viết là một truyện về truyện, một siêu hư cấu, khi một người viết đi theo một tia nắng và gặp lại một bản sao cũ của chính mình mà mình đã tìm cách từ bỏ. Độ Đau của Máy và Vườn Lan là một dạng hiện thực giả tưởng hay phóng tưởng, như cách viết của Ray Bradbury. Mùa Xuân Trắng và Mùa Hè… Từng Đoạn Ngắn là một dạng montage của ngôn ngữ điện ảnh, đặt để nhiều hình ảnh nối tiếp nhau, và hiệu quả là các mảng tự sự mang tính thị giác và thi ca. Các truyện bây giờ đọc lại vẫn thấy xúc động được viết theo phong cách hiện thực đúng nghĩa: Cụ và Chắt và Nhà Trẻ. Sau hơn mười năm, một khoảng thời gian đủ dài để có sự khách quan, truyện vẫn có sức mạnh của chúng trên người viết, thể hiện sự áp chế của quyền lực và sự tha hóa lương tri bằng một bút pháp hiện thực rất giản dị và thẳng băng. So với tập đầu tay PTLMĐ, các truyện của tập Khả Thể có bút pháp huyễn ảo được xử dụng tinh tế hơn, đặc biệt là Đi Tìm Bản Kinh Thánh Cuối. Thay đổi cách tường thuật, thay đổi một phong cách tự sự như thế phản ảnh sự thay đổi trong cách nhân vật và người viết nhìn nhận thế giới. Các truyện trong Khả Thể là những sáng tác theo phong cách hủy cấu trúc, trong nghĩa chúng chất vấn vai trò của ngôn ngữ (Lý Lịch Hoang Tưởng của Tôi, hay Bản Nháp cho Một Tình Yêu, một siêu hư cấu) hoặc chúng là một cái nhìn xét lại về những giá trị đã được minh xác (Người Vợ Khổng Tử và Cô Giáo Nữ Quyền, Đi Tìm Bản Kinh Thánh Cuối…). Nói chung, chúng là những truyện có thể được tháo gỡ ra theo hơn-một-cách để bảo đảm tính đa nghĩa và đa tầng trong diễn dịch.
Orhan Pamuk nói đúng phần nào về những hiện diện kép trong cùng một bản thể, tuy nhiên điều này không chỉ áp dụng riêng cho trường hợp nhà văn. Theo tôi thì ai cũng có một, hoặc nhiều “kẻ thứ nhì sinh sống trong mình hắn.” Và cái mà hắn tưởng là nguyên thể, là kẻ thứ nhất, tạm gọi như thế, cũng đáng hồ nghi không kém. Tôi được tạo ra như một chủ thể như thế nào? Không phải tự nhiên mà tôi là tôi như bây giờ, mà không phải là một con người khác với một cách sống khác. Bây giờ tôi hiểu vì sao tôi viết Khi Phong Linh Vỡ vào thời gian đó, khi mọi thứ trong đời sống nhìn bề ngoài rất ổn định nhưng thực chất thì chẳng ra đâu vào đâu: tôi hoàn toàn không hài lòng với đời sống, với chính mình, với những lựa chọn của mình, với sự đóng khung trong các quy ước truyền thống xã hội. Nhân vật Ly chờ đúng giao thừa để ném ly rượu từ tầng thượng xuống vườn, một hành động mang tính biểu tượng dứt khoát. Cô ta muốn là một thể lỏng, trôi chảy, không bị đóng khung trong bất cứ hình dạng nào, như rượu từ chối mang hình thể của cái bình chứa đựng nó. Một dòng chảy không ngừng là sự chuyển đổi liên tục, để tránh việc đóng băng trong một khuôn thước. Vào thời điểm viết những dòng đó mọi thứ vẫn rất mơ hồ, bây giờ kiểm nghiệm lại thì dường như điều tôi viết ra rất linh ứng. Hoặc giả hành động (viết/ đập vỡ) xảy ra trước để mở đường cho bản chất định hình, như phát biểu “l’Existence précède l’essence” của Jean Paul Sartre. Hoặc giả đây là hành trình loại trừ dần những tác động của truyền thống, xã hội, văn hóa, môi trường… và chất vấn những nguyên tắc liên quan đến bản chất, giới tính, và khuynh hướng cá nhân đã bám cứng vào tâm thức. Nếu một đứa bé được mặc một chiếc áo khi chào đời, và qua năm tháng chiếc áo tăng trường cùng với cơ thể nó, thì nó sẽ tưởng chiếc áo ấy chính là nó. Những điều mà nó tưởng là tự nhiên như màu da, dục tính, và giới tính, thật ra là một chiếc áo đã được mã hóa bằng truyền thống, quy ước, văn hóa và lịch sử. … Judith Butler, triết gia Pháp, đã nói rằng giới tính chỉ là sự trình diễn, và đa số chúng ta vẫn trình diễn giới tính, một cách vô thức, trên sân khấu lớn của đời sống. Và chính sự trình diễn ấy trở thành “bản thể” của chúng ta (Sartre), quay trở lại khống chế chúng ta trong mọi sinh hoạt, trong một thế giới bị “giới tính hóa” thành hai đối cực nam và nữ, thẳng và “gay.” Thế giới chúng ta sống ưu tiên cho sự đồng dạng, gọi sự đồng dạng là sự thật, và gọi những thứ khác biệt- dựa vào những kiến thức đồng dạng- là bất thường, sai lệch, tội lỗi… Ở giữa những lưỡng cực Nam-Nữ, Chân-Giả, Dị tính-Đồng Tính là một lỗ đen chứa những thứ không có, hay chưa có, tên gọi đúng nghĩa. Kinh nghiệm của cá nhân tôi là kẻ nằm trong lỗ đen, tìm cách hủy cấu trúc nó, để thấy giới tính và dục tính là mọi sắc độ qua lại giữa trắng và đen, và thấy thế giới của những màu xám dị biệt thì luôn đa dạng và gần với sự thực hơn thế giới lưỡng cực. Kinh nghiệm của tôi là chống lại việc áp chế bản thể vào những khuôn mẫu có sẵn, khởi đi bằng đời sống mình và bằng điều mình viết. Tất nhiên là có cái giá phải trả cho khoản chênh lệch giữa việc tự tạo một bản thể cho riêng mình và việc nhận không một cái áo may sẵn miễn phí.
Bản thể của tôi bắt nguồn ở đâu? Bản thể ấy có phải là một điều hiển nhiên không? Còn bao nhiêu lớp áo chồng chất tôi vẫn đang mang trên mình? Có lẽ không nên trả lời phỏng vấn bằng những câu hỏi, nhưng mọi hành trình đi tìm kiếm đều là diễn tiến của những câu hỏi nối tiếp nhau. Tôi phải tiếp tục cởi bỏ những lớp áo này, cởi lần hồi cho đến khi cảm thấy cái đau của thịt da trần trụi tiếp xúc với đất đá, với cái lạnh, với sự khắc nghiệt của thế giới. Bản thể của tôi là cái đau của tôi khi va chạm với bên ngoài. Sau khi trừ hết những điểm chung với mọi người, bản thể tôi của tôi là điều khác biệt còn sót lại.