Trang chính » Chụp và Chép, Dịch Thuật, Sáng Tác, Sang Việt ngữ, Song ngữ Email bài này

Rừng Thúy/Oakton Woods

Autumn-Diorama_thumb.jpg

 

Autumn Diorama

 

Ngoài cửa sổ nhà tôi là những cây phong, sồi, nhựa ruồi, bách xù, độc cần, và dương đào. Thỉnh thoảng một đàn nai – giống có đuôi trắng như bông gòn – hoặc một con chồn màu hổ phách, vụt bừng qua những bóng cây. Khi Xuân sắp sang Hạ, tôi thường thấy con rùa hộp – như một dũng sĩ trong phim Kurosawa, với cái mai ngoằn ngoèo những đốm vàng, nằm bần thần trong luống cỏ. Có lẽ nó vẫn tưởng nhớ người yêu rùa của nó đã bị chém đứt đầu năm nào bởi lưỡi động cơ của máy cắt cỏ. Những đêm mưa tôi sợ bọn cóc du kích, nhảy lổm chổm như bom bi ở giữa lối đi vào cửa sau. Nếu ra khỏi nhà bằng cửa chính sẽ thấy mấy con cắc kè tím nhẫy lấp lớ từ những hốc đất dưới thềm nhà. Ở dốc đồi trước nhà, bên tay trái, là một cây anh đào. Bị lấn át bởi những cây tùng cao nghều nghệu, cây anh đào chậm lớn, không như những đứa con của chúng tôi. Khải trồng cây anh đào từ mười bốn năm trước. Anh tưởng tượng nó như người lính gác trung thành, luôn đứng chào mỗi sáng sớm khi chúng tôi lái xe rời nhà đến sở làm và mỗi chiều khi chúng tôi trở về nhà.

 

view of outside with kumquat

Chúng tôi mua căn nhà gỗ vào tháng Chạp – viễn ảnh không gian xanh mướt của mùa Xuân tháng Tư đã khuyến khích chúng tôi ký hợp đồng với chủ nhà trước. Cây cỏ rừng Oakton, tiểu bang Virginia, không giống những cây me, long não, vú sữa, dừa, đu đủ và ổi của tuổi thơ tôi, nhưng từ bao lâu nay tôi vẫn thích nhìn những cây vùng Đông Mỹ qua khung cửa sổ, nhất là những lúc tôi bị bí chữ khi dịch hay viết. Làm sao để băng qua những vũ trụ?

Mẹ tôi bảo Bích Thúy có nghĩa là màu xanh biếc của vườn, cũng là màu xanh của sự chung thủy. Hồi còn bé học trường Bác Ái nằm trên đường Nguyễn Trãi ở Quận Năm Sàigòn bà giáo người Pháp đặt tên tôi là Sylvie. Mẹ tôi nói như Sylvie Vartan. Nhưng tôi chữa, không, cô giáo nói Sylvie là từ chữ sylvan – rừng cây, như Daphne đã chạy vượt ra khỏi tầm tay của thần Apollo và biến thành cây và lá. Tôi cũng nghĩ tên mình giống tựa tuồng cải lương Trăng Thề Vườn Thúy với Bạch Tuyết và Hùng Cường mà tôi được thức khuya xem trên tivi với ông bà ngoại. Vườn Thúy chắc là vườn của Thúy Kiều. Nhưng tôi cũng thắc mắc: Thúy Kiều leo ra khỏi vườn của mình để qua vườn nhà Kim Trọng. Như vậy ai thề ở vườn ai?

Ở đây chung quanh là rừng. Rừng Thúy. Ở Rừng Thúy chúng tôi được hạnh phúc, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng sợ. Tôi thấy một con rắn con, dài và mảnh như dây giầy, nở ra từ một cái trứng ở khe tủ quần áo trong phòng ngủ tháng Tư năm ngoái. Những con bọ nai – loại bọ gây bệnh Lyme – đã được phát giác trong phòng giặt, nơi chúng tôi cởi giày và treo các áo mặc ngoài. Những mùa đông ác nghiệt đến rồi đi. Những người hàng xóm lần lượt chết. Chúng tôi già hơn trước. Nhưng nhìn ra khung cửa sổ, tôi dường như vẫn thấy đứa con gái đầu lòng đi lẫm chẫm xuống dốc đồi trong một ngày lộng gió vào cuối tháng Ba, những vết chân tròn của nó dệt với lộc sồi và những nụ anh đào màu hồng nhạt

 

View of Bisected Holly and Driveway

 

Outside my window are maple, oak, American holly, juniper, Eastern hemlock, and flowering dogwood. Occasionally a herd of cottontail deer or a red fox will blaze amidst the shadows. In late spring, a stoic box turtle, like a Kurosawa samurai, sometimes appears in the grass, while on rainy autumn nights we are likely to be ambushed by a smattering of toads on our walkway. Purple skinks dart in and out of holes under our front steps. Toward the down slope of our long driveway is a weeping cherry. Shadowed by towering pines, it hasn’t grown much, unlike our children. My husband planted it some fourteen years ago, imagining a faithful sentinel that would see us off at dawn as we leave for work and greet us coming home in the evening.

We had bought our dream home in December but it was the promise of April greenery that had sealed the deal for us. The trees of Oakton, Virginia, are nothing like the tamarind, camphor, milk fruit, coconut, and papaya trees of my childhood, but their presence helps sustain Vietnam in my translation of Vietnamese poetry. Like most exiles, I often have to navigate across space, time, and syntax. My mother said my name means “green jade” and is derived from a classical play about a couple’s betrothal in a garden, the greenness of the landscape symbolizing their constancy. Here, in our woods, we find contentment, and sometimes dread. A snake was discovered in our bedroom one April. Deer ticks were observed in the mudroom last October. Brutal winters come and go. Neighbors die. We grow older. But looking outside the window, I still see our first child toddling down that endless driveway on a windswept day in late March, leaving tiny imprints woven in wet leaves and crushed blossoms.

bài đã đăng của Đinh Từ Bích Thúy

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

5 Bình luận

  • Bài tuỳ ký ngắn thật hay. Câu hỏi: “Như vậy ai thề ở vườn ai?” làm cho bài văn sáng lóng lánh một cách rắc … rối.
    Kính.

  • Tản mạn về 碧 bích & 翠 thúy

    Bích là một loại ngọc cẩm thạch, jade, màu xanh biếc. Thuý là tên loài chim Phỉ Thuý. Sắc lông phỉ thuý, từ điển Thiều Chửu gọi là con trả, là sắc xanh biếc nhưng ánh dạ sắc xanh dương. Có lẽ chính là màu lông chim công, peacock, hoặc là con chim bói cá kingfisher. Màu thuý hay dùng để mô tả màu xanh của lá cây và màu rừng, núi. Kim Dung đặt tên một nhân vật võ hiệp là Thuý Sơn. Nguyễn Trãi của VN đã có bài thơ về Dục Thuý Sơn rất hay.

    Tháp ảnh trâm thanh ngọc
    Ba quang kính thuý hoàn

    Cái tháp (trên núi) trông như cái trâm xanh cài tóc
    (Trái núi) in bóng làn nước giống như búi tóc màu thuý

    Hiên lãm thuý là hiên nhà nhìn ra vườn cây hay rừng cây. Vườn thuý có thể là vườn của Thuý Kiều nhưng nói chung là vườn có nhiều cây, hoa, lá màu xanh biếc.

    Màu thuý trên bộ lông kingfisher bird
    http://www.dailymail.co.uk/news/article-2089427/An-ice-way-hunting-Kingfisher-dives-hole-frozen-pond-snatch-minnow.html

  • đặng thơ thơ says:

    Khung cửa, thế giới viết, không gian suy tưởng của Đinh Từ Bích Thúy hẳn khiến nhiều người ao ước, vì chúng đẹp, trong lành, ẩn chứa nhiều hy vọng (mùa xuân, nụ anh đào, bé gái) và tin cậy (người gác cổng mười bốn năm). Nhưng nhìn kỹ, chúng cũng mang những bất trắc và những mất mát không thể tránh khỏi, như tất cả, trong hành trình sống.
    Hình ảnh đứa bé lẫm chẫm đi xuống đồi sẽ mãi mãi được khung cửa lưu giữ, với tôi – như một người mẹ, nó thật ám ảnh, đau đớn, và cùng lúc an ủi. Vì tôi vẫn thỉnh thoảng nhìn thấy con tôi thời nhỏ khi lái xe qua những công viên cũ, hay những nơi chốn mà bây giờ tôi không còn dám ghé vào.
    Câu hỏi “làm sao để băng qua những vũ trụ?”thật hay. Nó mở ra những biên độ của vũ trụ không gian trong- ngoài cửa sổ, vũ trụ quá khứ- hiện tại trong ký ức, vũ trụ thiên nhiên và ngôn ngữ thi ca…
    chúng ta luôn đi lạc giữa những vũ trụ của chính mình, Vườn Thúy nào, của ai, ở đâu? Có còn là Vườn Thúy cũ, của Nguyễn Du, của cải lương, của huyền thoại, của vị trí chúng ta đang đứng để nhìn lại ngôi vườn?
    Tôi còn thấy những vũ trụ biến thiên ngay trong cách thể hiện hai bản Việt- Anh: cùng khởi đi từ một khung cửa, một tâm trạng, một người viết, một dịch giả, mà qua hai ngôn ngữ đã là một sự “băng qua” chứ không chỉ là chuyển dịch. Tôi nghĩ đó là dụng tâm rất tinh tế của ĐTBT.

  • Người ta hay nói về nước Mỹ với tự do, giáo dục, y tế, khoa học, kỹ thuật, âm nhạc hay phim ảnh. Có một thực tế khác rất đáng chiêm ngưỡng nữa ấy là thiên nhiên đất trời. Cảnh sắc. Thiên nhiên thì ở đâu chả có. Trăng VN hay trăng Mỹ thì cũng thế. Rừng VN hay rừng ở Mỹ thì cũng hoa lá cỏ cây muông thú. Tuy nhiên, cái nỗ lực của con người để bảo vệ môi sinh, môi trường và bảo vệ an toàn cho công chúng thì có khác. Cho nên, cảnh sắc thiên nhiên đất trời ở Hoa Kỳ còn có thể được xem như là kết quả đồng tác giả giữa Trời và người.

    Nguyệt thướng liễu tiêu đầu
    Nhân ước hoàng hôn hậu
    (Thơ cổ Trung Hoa)

    Trăng lên đầu cành liễu
    Người hẹn sau hoàng hôn

    Cảnh đẹp, chuyện người cũng đẹp. Thật ra nó chỉ đẹp khi được bảo toàn trong điều kiện an ninh, không bị quấy rối.

  • Đỗ Trí says:

    Người yeu rùa hay rùa yeu ?!?!

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)