Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

Bờ Kia- kỳ 1

0 bình luận ♦ 13.11.2014

 

Chống lại cái nỗi sợ truyền kiếp, chuyện lên đồng tập thể là một liệu pháp có thật nên tác giả truyện theo thể loại phóng sự này buộc phải đổi danh tính nhân vật, tên địa phương, nhằm tránh những hậu quả không cần thiết. Dĩ nhiên tác giả giữ trách nhiệm trước mọi thẩm quyền, có hay không có chính danh.


MỘT

Đúng ngọ, ô Quan Chưởng im lìm trong cơn ngái ngủ bỗng ầm ầm tiếng:

Tùng tùng tùng, tùng tùng tùng!

Lại ông đánh trống mồm, bà cụ bán nước chè lề đường lẩm bẩm. Nhô ra từ góc phố nơi hàng quán hạ mành xuống che nắng, người đàn ông râu ria, quần áo dơ dáy, tay giơ hai chiếc đũa lên đập vào khoảng không trước mặt, miệng ngoác ra hét tùng tùng tùng, thỉnh thoảng lại kêu ‘’ Bớ bà con thiên hạ, hãy nghe tiếng trống Đăng Văn!’’.

Trống do vua Lê Thánh Tôn cho đặt để hàng dân ai có điều oán thán báo cho quan quyền biết. Một anh dân phòng áo lơ quần mầu cứt ngựa ở cổng ô bước ra, đi sau là một anh công an, trang phục xanh lá cây, đầu cát- két gắn huy hiệu cờ đỏ sao vàng. Người đàn ông râu ria tiến lại, cúi rạp người xuống:

– Chào hai vị thượng quan, hạ dân tôi xin kính bẩm…

Anh dân phòng quay về phía anh công an:

– Vẫn cái nhà ông khùng khùng này, cứ hò hét từ mấy tháng nay. Đem đến nhà thương xét nghiệm thì bên y tế xác nhận là hắn có bệnh tâm thần! Anh mới về đây công tác nên chưa biết.

Người râu ria giơ tay, nói chen vào:

– Hừm, gì mà quan Chưởng binh không biết cơ chứ. Quan chỉ huy đội Trung Kính phủ Chúa, Nội mật viện bá cáo hàng ngày hàng giờ, chẳng có cái chi qua mắt được…hà hà!

– Thường thì các anh đối phó thế nào? Anh công an hỏi.

– Thường thì đuổi, bắt im. Chống đối người thi hành công vụ thì – anh giơ cao cây gậy – quật cho một hèo!

– Ấy quan ơi, đừng đánh tôi…Người đàn ông râu ria lùi lại, quì gối khom lưng nhưng miệng tiếp tục hét tùng tùng tùng.

Thình lình, bật ngồi dậy, người râu ria cắm đầu chạy thục mạng, miệng la ‘’ Cướp, hàng dân ơi, có cướp!’’ Ngoái lại nhìn không thấy ai đuổi, hắn cười ằng ặc rồi thủng thỉnh bước, tay vuốt ria mép, tay mở quạt giấy giơ lên đầu che nắng. Cao lớn, mắt trũng sâu dưới cặp lông mày chổi xể, miệng khi cười nhìn như mếu, người râu ria gốc Tuy Hòa nhưng rêu rao mình là dân Bắc Hà đặc sệt. Trong những cơn cuồng, hắn kể theo cha ra Thăng Long từ thuở Kiêu binh lập Trịnh Cán lên ngôi Chúa, khoe chứng minh nhân dân tên Trần Chà, xưng là Đô úy trong đội Trung Kính lính Tam Phủ. Tên cúng cơm Chà là tiếng cha hắn thốt lên khi mạ đẻ được đứa con trai mà ông hằng mong đợi sau khi hai đứa đầu lòng đều là con gái. Lối xóm gọi Chà là thằng Tư cho gọn.

Thời giặc mới đây với vết tích bom đạn chưa kịp xóa, không như mọi thanh niên cùng lứa tuổi, phía bên này thì bên kia bắt ở tù, nhưng riêng Chà đặc biệt ở tù cả hai phía, và nhiều lần. Đến thời bình, nghĩa là sau 1975 nếu quên đi cuộc chiến tranh biên giới phía Ải bắc, Chà kết thân với Sư chùa Lọ. Chùa không xa gò Ai Ơi, nơi Chà tin như đinh đóng cột rằng kiếp trước mình đã chết ở đó. Với cách thế để quá khứ lấn vào hiện tại, thứ quá khứ lưng chừng giữa hư thực, Chà lắm lúc hoảng loạn lẫn lộn thời gian. Lê la đầu đường cuối chợ ăn nói những chuyện chẳng mấy ai hiểu, người ta nay gọi Chà là chú Tư-cuồng. Nhưng cuồng chỉ có lúc. Bình thường, Chà nhìn sự đời khá sáng suốt, từng nhiều lần dự báo thế sự sâu sát, nhất là trước những kỳ Đại Hội Đảng, kiểu ai vào Bộ Chính Trị, ai lên Tổng Bí Thư, vân vân. Những dự báo này Tư-cuồng đều diễn ngôn như chuyện xảy dưới thời vua Lê chúa Trịnh. Người ta cho là hắn cố tình nói lái vì lo an ninh bản thân, thứ lý do chẳng mấy người không hiểu ở cái thời đầy ắp những rình rập nghi kị trình báo này.

Thuở niên thiếu, Chà nhút nhát, nghe nhiều nói ít, khéo tay nên vẽ rất đẹp. Năm 15 tuổi, một chuyện không đâu đổi đời Chà. Gặp một đoàn lính Mỹ GI trên quốc lộ 1, Chà thấy dân khom mình thưa bẩm người thông dịch viên cầu khẩn anh nói thế nào để cứu mạng cho họ. Trong trí óc còn non nớt, Chà hiểu tiếng Anh quan trọng. Nó đánh cắp một quyển Từ điển Việt-Anh, và học từ A, đến B,C…và Z. Trí nhớ nó khi đó khủng khiếp, mỗi ngày học được trăm chữ, thuộc nằm lòng. Bắt đầu vần A…a-dua, a-phiến, a-tòng…Vần Z, tiếng mình không có, kết thúc với Y, như yêu, yêu đương, yêu quái, yêu sách…Nhưng nói tiếng Anh thì phát âm và lắp chữ thế nào? Chà bỏ nhà ra Đà Nẵng, đi vẽ chân dung cho lính tráng ở mấy cái ba rượu, vừa kiếm ăn vừa học nói tiếng Mỹ. Chỉ vài tháng, nó nói khá lưu loát, và mua một cuốn văn phạm Anh văn về tự học. Một tối, ba rượu bị VC quăng lựu đạn, Chà lãnh một miểng đạn và khi vào nhà thương thì Quân Cảnh điều tra, biết Chà vị thành niên nên họ chỉ đuổi về quê. Năm 18 tuổi, Chà bị bắt lính, đóng ở Quảng Ngãi. Mấy tháng sau thì Chà bị quân Cách Mạng bắt đem giam một nơi trong rừng không rõ là đâu. Máy bay Mỹ ném bom. Lửa bùng lên cuồn cuộn như sóng biển. Chết, chết cả người coi lẫn kẻ bị tù, chỉ một số rất ít còn sống tứ tán. Chà chạy rồi lạc trong rừng, đầu ù, tai gần như điếc, hai ngày sau gặp quân Cách Mạng. Chà kể lại chuyện bị đánh bom, và lấy tên một cán bộ quản giáo cùng quê mà Chà biết. Thế là Chà thành cán bộ, được đưa vào vùng giải phóng, và nhờ biết tiếng Anh, Chà phiên dịch cho lính Mỹ bị bắt làm tù binh. Cán bộ Chà vốn thông minh nên học bài bản chống Mỹ cứu Nước rất nhanh, thuộc lòng cả luận cương Lê-nin lẫn Hồng thư Mao Chủ tịch. Khéo léo lấy lòng lãnh đạo, Chà được họ đề cử làm công tác điệp vụ, ra Bắc học ít lâu rồi chuyển vào Sài Gòn qua một đường dây nội tuyến. Lại dưới một cái tên khác, Chà thành hạ sĩ trong cơ quan Chiến tranh Chính Trị của chế độ cũ, năm 74 chung đụng với những nhà văn nhà thơ tầm cỡ như Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên… Bị lộ, người ta bắt giam Chà nhưng chẳng bao lâu sau là ngày Giải Phóng 30 tháng 4.

Người nào về địa phương ấy nên ‘‘điệp viên’’ Chà không được địa phương chứng nhận, khai báo đâu nửa năm thì lộ tẩy. A, giải phóng ai chứ Chà lại bị bắt và đưa vào trại học tập cải tạo tận Thanh Hóa. May mà chưa có chứng cớ gì buộc Chà vào tội bức hại cán bộ Cách Mạng. Mặt khác, những kẻ đã đề cử Chà vào công tác điệp vụ xác minh là Chà có ít nhiều đóng góp vào công cuộc Giải Phóng nên thời gian học tập chỉ 3 năm. Chính trong thời gian đó Chà quen sư cụ chùa Lọ, và cũng qua vị này Chà học chữ Hán, rồi chữ Nôm, sau một mình cả gan soạn lại cả Tự Điển Việt-Hán-Nôm trên những khuôn giấy khổ to bằng cái bàn chữ nhật 60 x 100 phân phải hai người mới khiêng nổi.

Chà tức Tư-cuồng chơi trò giả điên rất hợp vai, lâu lâu diễn xuất một lần, riết thành trò giải trí công cộng cho mọi người hò hét vỗ tay, đặc biệt là khi Chà giả đánh trống Đăng Văn, vừa chạy vừa la, đôi khi lại vừa bò vừa sủa gâu gâu như chó dại. Nhưng trò giả chó khá nguy hiểm vì bọn con nít chúng ném đá, và đám trộm chó lỡ mà tưởng là chó thật thì xương thịt Tư-cuồng có thể lên đĩa ở những quán vùng Nhật Tân nổi tiếng là khu ăn nhậu.

*

Đẩy cổng chùa Lọ, Chà đi lối sau chánh điện ra bờ ao. Chùa lẩn dưới những lùm cây mọc cạnh gò Ai Ơi, sân lát gạch nay long lở, trên bệ thờ tượng Bồ Đề Đạt Ma miệng như cười nhìn xuống hiền từ. Mùa này giữa hè, ve kêu inh ỏi trên những tàn cây cao. Gió im, không khí nóng như sắp bốc lửa, hai con chó nằm cạnh cổng lim dim ngủ.

Sư trụ trì thủng thỉnh bước ra cửa thềm, đậm người, mắt xệ xuống dưới cặp lông mày hình cung thon thả. Sư vẫy Chà rồi trầm giọng:

– Lại đi làm sô về hả? Diễn mà kệch cỡm quá, người ta chẳng ai tin nữa đâu. Cái gì cũng cứ quá là hỏng. Đi tắm rửa đi, vào mình có chuyện bàn!

Chà gật đầu. Việc đầu tiên hắn làm, như lệ thường, là gọi ‘‘Con, con ơi’’ rồi đến bên cái lồng chim treo trên một chạc cây cạnh bờ ao. Trong lồng, con sáo mỏ vàng lông đen mượt mà nhẩy cà tửng, véo con : ‘‘ Chào chà, Chào chà ’’. Chà đổ chút nước mưa vào một cái lọ bé xíu, bốc một vốc kê cho sáo ăn. Nó lại véo von ‘‘Đ. má mày, Đ. má mày’’, học được nhờ nghe Chà chửi thề liên tục. Trong Chùa, Sư rất ít nói, lắm khi cả ngày mới mở miệng. Chà đành mua một con sáo, cho ăn ớt đến bóc lưỡi, gọi nó là con rồi sau dậy nói, ngày nào cũng trò chuyện cho đỡ buồn. Sáo cũng đầy năng khiếu ngôn ngữ, chỉ phát âm hơi sai, như Chào cha thì thành Chào chà. Sau hai tháng ngày, sáo nói được năm bẩy câu, như ‘‘Chào Thày’’ hay ‘‘ Mô Phật’’ khi thấy Sư. Nhưng sau khi sáo bắt chước chửi thề thì Sư bắt Chà mang lồng chim ra treo ở bờ ao, không để cho khách thập phương đến lễ Phật phải nghe văng tục.

Chà cởi áo đẫm mồ hôi, tay múc nước vỗ lên mặt. Tiếng nước ao bì bõm, rồi tiếng nước giếng xối trên sân gạch. Lát sau, quần áo tươm tất, Chà bước vào trai phòng nơi sư tiếp khách. Sư nhổm lên, tay chỉ một người ngồi dựa vào vách:

– Đây là người đến muốn gặp xin qua Bờ Kia!

Người đàn bà tuổi trạc ngũ tuần, mặt hoa da phấn, khẽ nghiêng mình kiểu cách:

– Xin chào ông, Sư đây có nói nhiều về ông, nay hân hạnh được diện kiến!

Giọng nửa nam nửa bắc, trang phục hơi loè loẹt, bà ta không có vẻ những thiện nam tín nữ thường lui tới chùa. Ngạc nhiên, Chà giữ thái độ lạnh lùng, mắt nhìn Sư dò hỏi. Chà lấy giọng từ tốn, bâng quơ buông một câu hỏi :

– Bà có biết Bờ Kia ở đâu không? Có ai biết thêm gì về dự định của chúng tôi không?

– Không! Sư mới chỉ nói qua loa nhưng tôi thì bám vào như phao cứu độ. Tôi không biết Bờ Kia ra sao, ở đâu…Nhưng tôi chắc nó khác bờ này. Và càng xa cái bờ này tôi càng muốn đi! Ở đây tôi ngột ngạt lắm rồi, lắm lúc không thể thở được nữa!

Chà nhìn kỹ người đàn bà. Bà mang cái dáng Mệnh phụ, phúng phính trong bộ đồ kiểu người Nam bộ. Chà hỏi lai lịch, giả như hỏi để hỏi thôi chứ chẳng có gì quan trọng. Bà đáp, giọng thật thà, lan man kể lể. Bà vốn là vợ một ông quan tam phẩm, thời nay chức vụ ngang cấp Vụ Trưởng. Bà gặp ông trước Giải Phóng, giấu ông dưới hầm ở Củ Chi, và đêm hôm khuya khoắt ông đã xử dụng bạo lực cách mạng, tặng cho bà một cái thai nhưng xử lý khá có tình có lý bằng cách lấy bà làm vợ. Chửng giỡn, ông bảo tiền trảm hậu tấu, cấp trên ban hành nghị quyết miệng như vậy.

Đâu khoảng 10 năm trong thời kỳ hậu chiến, ông bà sống đời sống viên chức nhà Nước, khá vất vả, nhưng vẫn thêm 2 đứa, một trai một gái. Bà tảo tần chạy chợ, giúp ông thu vén kinh tế gia đình. Khá lanh lợi ông cứ thế thăng quan tiến chức, được điều ra Thành Phố nhận những nhiệm vụ phức tạp. Từng bước, văn hoá phong bì được phổ biến và chẳng lạ gì nó cám dỗ kể cả những người tử tế nhất. Ấy, cái nước mình nó vậy, ông thi thoảng than cho người ta nghe thấy, làm như ông không để tiền bẩn dính nhơ tay. Nhưng còn cái vụ tình tang thì ông hơi bị đào hoa. Khi thì cô trợ lý, lúc thì người em nuôi mang giấc mơ người mẫu, ông dẫu cố che giấu nhưng rồi có lúc hầm bí mật cũng bị lộ. Ông lại dùng cái quyền tiền trảm hậu tấu, nhưng phu nhân không chịu được nữa. Bà buộc ông thanh toán ân xưa nghĩa cũ bằng cách đưa bà một số kim ngân. Ông dùng dằng thì bà kêu than với những anh Ba anh Tư trong Thành ủy. Đi xa hơn một bước, bà bắt chước cô Quờn miền Nam thành đồng tổ chức đốt sống cô bé người mẫu. Vụ việc bất thành, cô người mẫu được báo nên tông cửa chạy tuốt luốt. Nhà Nghỉ 60,000 đồng một giờ ở Tân Định trình báo công an khu vực và đòi bồi thường. Bà bị bắt, ông phải bịt miệng công quyền bằng khí giới phong bì. Tai tiếng, ông được đánh lên Trung Ương, lãnh hàm tam phẩm, nhưng khéo chạy nên ông được xếp đặt vào một vị trí khá nhiều lợi nhuận. Ông ăn rất nên, làm rất ra, mua hẳn một cái vila ở hồ Tây. Bà Mệnh phụ đi theo, quản lý khá chặt, nhưng chỉ quản lý được tài sản chứ bó tay với cái tật tiền trảm hậu có cần mới tấu. Một tối nổi cơn tam bành, bà nắm lấy chú tiểu yêu thủ phạm thò dao ra cắt. Ông vùng chạy được, vào bệnh viện 108 giành cho cán bộ gốc quân đội nhân dân, máu me tùm lum như trong thời chiến.

Thế là, hát nho nhỏ lời một bản hát khá đồng bóng, thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo….

Đầu tiên, người ta tái thiết tiểu yêu cho ông, loan báo cho cơ quan ông bị tai nạn… lao động. Bà tự nguyện chia ngay đống tiền giấy cho các đồng chí, chỉ bị cơ quan điều tra kết vào cái tội vô ý đả thương tiểu yêu khi bà cạo lông làm đẹp cho ông. Sau, hệt như hành xử của những nhóm lợi ích trong nền kinh tế thị trường cộng hưởng với sự cạnh tranh quan chức có định hướng phong bì khiến ông bị tạm ngưng công tác chăn dân, và công quyền tiến hành điều tra tài sản khiến bà phải chuyển tiền thành vàng mang đi chôn ở một nơi tuyệt mật. Giai đoạn này gay go, bà thôi thoa son trát phấn, ăn nói mềm mỏng nhưng rất thận trọng, có dịp lại kể lại những ngày chiến đấu chống Mỹ dưới địa đạo Củ Chi. Bà chăm đi Chùa, đến những nơi linh thiêng xin được Bề Trên gia ân, và tuyên bố ăn chay trường hòng giải sạch nghiệp trần gian. Phần ông, ông mím môi lập danh sách những kẻ đã bày kế lập mưu đẩy ông về hưu non, hạ giọng rủa họ là bọn chó đẻ chứ không còn đồng chí đồng choé gì nữa.

Nghe Bà Mệnh phụ kể, Chà thót dạ, tự nhủ mình phải cảnh giác tuyệt đối. Đối tượng này khá phức tạp và hẳn trong tầm ngắm của đám kiêu binh Lam-y, cách Chà chỉ bọn lính Tam Phủ trong Nội mật viện thời này. Chà cười hề hề:

– Ai bảo bà chị đến đây nhỉ? Bọn chúng em chỉ định tổ chức một buổi du ngoạn dã ngoại trên phố Hiến, thăm mấy cái làng dệt lụa và đình chùa cổ qua hợp tác với SaiGon-Tourism để moi ít bạc vụn thôi!

– Dzậy mà cô Đồng phán, cứ đi đến chùa Lọ, ắt có quí nhơn phù trợ sang được bên kia, Bà Mệnh phụ thốt lên, giọng ngờ vực.

– Không có thế đâu, bà chị. Chà gãi đầu, mà cô Đồng là ai chứ?

– Cô là nhà ngoại cảm nổi tiếng đền bà Chúa Ngọc Trần, từng tìm ra hàng ngàn mộ xác liệt sĩ ở Quảng Trị, báo chí nói ầm ầm, ông không biết à?

– Dạ có, Chà lại gãi đầu. Nhưng thôi, bà chị định đi dã ngoại phố Hiến thì cứ bảo em và để lại số phôn tay, hiện nay em chỉ mới bắt đầu gọi khách, bà chị là ưu tiên số một. Quay sang nhà Sư, Chà tiếp – Bạch thày, đệ tử phải trẩy Kinh lo thu xếp chuyện thuê xe Sinh Ca-phê, thày tiếp khách nhé!

Nói xong, Chà đứng dậy bước ra, ngoái lại thoáng thấy cái nhìn ê chề thất vọng của Bà Mệnh phụ.

bài đã đăng của Nam Dao

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)