Trang chính » Alice Munro và Thể Loại Truyện Ngắn, Bàn Tròn: Văn Học Nghệ Thuật, Chuyên Đề, Tiểu luận Email bài này

Alice Munro, Mỹ Học Mới trong Một Thế Giới “Vắng Mặt”

 

Trong nhiều năm Alice Munro luôn nhắc nhở người đọc về những tiếng nói, những giọng kể, những hiện diện, và những nghi vấn nằm bên dưới bề mặt của những câu chuyện được kể. Bà gọi đó là “nether voices.” Những tác phẩm của Munro thường trực gây ý thức về những hiện hữu tiềm ẩn bên dưới bề mặt của đời sống và/hay những thứ thoát lên từ nền tảng của hiện thực. Đó là thế giới của văn bản. Đó là kiến trúc tinh thần mà Munro thường so sánh với một ngôi nhà. Trong ngôi nhà của Munro, thoạt tiên chúng ta thấy những đồ vật rất bình thường, rất nhiều chi tiết hiện lên rất thực, rất nhiều con người với những tâm tư khó hiểu, và rất nhiều những quan hệ phức tạp giữa những con người đó- tuy được diễn tả bằng một giọng văn tối giản dường như với dụng tâm che dấu, tất cả vẫn xảy ra trong một bối cảnh chấp nhận được. Nhưng, mọi thứ trở mặt lúc nào không hay. Sự trở mặt xảy ra thật êm. Bất ngờ người đọc cảm thấy dường như một cái gì đã bị đánh tráo. Hoặc chính chúng ta bị đánh tráo vào một khung cảnh khác. Tôi muốn nói đến cảm giác đi giữa hai thế giới, một thế giới với mọi quy luật bình thường vận hành trong những quan hệ xã hội, và một thế giới mà mọi thứ có thể trượt đi, như một trò ảo thuật, trong một giây phút mất cảnh giác. Nhiều khi đó là cảm giác như bị lấy mất trí nhớ, việc đánh tráo ký ức này xảy ra rất nhẹ nhàng, tựa như trò đùa bỡn lấp lửng trong “The Bear Came Over The Mountain.” Ngôi nhà của Munro thường là một cái bẫy, nếu chúng ta là những người đọc tinh ý và sẵn sàng tham dự vào cuộc thăm viếng ngôi nhà, thì những câu nói, những ý tưởng, những suy nghĩ của nhân vật sẽ đột nhiên khiến ta giật mình, buộc ta tìm cách định hình lại môi trường chung quanh, vị trí đang đứng, và nguồn sáng chiếu lên sự vật. Truyện ngắn “Dance of the Happy Shades” trong một tuyển tập cùng tên, đã cảnh giác người đọc rằng mọi thứ đều có thể xảy ra, ngoài tầm kiểm soát. Đứng trong thế giới của những “shades,” bóng mờ, sắc độ, chúng ta sẽ có cảm giác những góc cạnh tiếp nối của một căn phòng bị xóa mờ đi. Những yếu tố làm nên không gian bây giờ là những sắc độ của ánh sáng hơn là giới hạn thực thể của tường, vách, trần, nền. Tương tự, Munro dựng nên thế giới văn bản với những mô hình ngôn ngữ mang tính cách tượng trưng. Chính những diễn ngôn mang tính tượng trưng này đã phủ định, hoặc nâng cấp, hoặc đào mạch, hoặc tạo tính đa nghĩa cho những tường thuật tưởng như là hiện thực, trên nguyên bản.

Diễn ngôn tượng trưng về một thế giới vắng mặt

Truyện ngắn của Alice Munro là những mô hình lồng hai thứ diễn ngôn hiện thực và tượng trưng vào trong một cấu trúc ngôn ngữ. Nhiều người đọc Alice Munro và thấy “không có gì” vì họ chỉ nhìn văn bản như một câu chuyện kể và không phát hiện ra đó là một dạng diễn ngôn mang tính cách tượng trưng – diễn ngôn với những chiều kích ngầm, tiềm ẩn, ám chỉ, và mang những yếu tố ngược ngạo (Heble 7). Không khí truyện Munro luôn là sự ám ảnh bởi điều vắng mặt trong tác phẩm. Tất nhiên sự vắng mặt ấy nằm trong chủ ý của bà. Điều vắng mặt ấy chính là chủ đề (subject matter) của tác phẩm. Đó là một diễn ngôn tượng trưng để kêu gọi nhận thức/ cảm thức về một điều nào đó không thể nói, trong kiến trúc ngôn ngữ và cảm quan tinh tường của Munro. Bà thường trực tra vấn khả năng của ngôn ngữ trong việc tái thiết hiện thực, và nhiều truyện của bà, trong đó có tập Something I’ve Been Meaning to Tell YouWho Do You Think You Are?, đặt vấn đề về những giới hạn của ngôn ngữ và khoảng cách giữa điều được viết ra và điều mà cái viết muốn hướng tới. Như vậy điều mà văn bản nói ra (what they say) không hẳn là điều mà văn bản muốn chúng ta hiểu (what they mean) (Heble 7). Những cặp phạm trù trong thế giới truyện của Munro: điều đã xảy ra/điều lẽ ra có thể xảy ra, giao tiếp bên ngoài/suy nghĩ nội tâm, yếu tố tỉnh nhỏ/ yếu tố phổ quát, dữ kiện/hoài nghi dữ kiện, văn bản/hiện thực, tính lan tỏa của các chi tiết hiện thực/tính hướng nội của chiều kích tư tưởng và tường thuật,… tất cả là những bảng đường nhắc nhở người đọc về sự hiện diện của hai thế giới đồng hành trong truyện: thế giới của hiện diện và thế giới của vắng mặt. Để cảm nhận về thế giới vắng mặt, Munro đòi hỏi người đọc một cách tiếp cận khác, một cảm quan tinh tế khác, trong một mỹ học khác.

Nghệ thuật truyện ngắn của Munro không nằm ở cách diễn đạt và những hình thức lôi cuốn chú ý thường thấy, không phải giọng văn, hay những tường thuật mang tính thử nghiệm lộ rõ trên bề mặt. Mà là ở kiến trúc và hình thái nghệ thuật, việc kiến tạo những không gian chìm, từ đó người đọc phải xét lại cách chúng ta nhìn đời sống. “Carried Away” là một truyện tiêu biểu mang không khí đậm đặc của một diễn ngôn tượng trưng bao trùm trên văn bản: con người bị ám ảnh bởi những thứ họ không nhìn thấy được. Truyện được kiến trúc bằng bốn phần, hay bốn chương ngắn, với sự thay đổi góc nhìn của nhân vật, làm tăng tính nghi hoặc của tường thuật. Phần một là những thư từ trao đổi giữa Louisa, quản thủ thư viện và Jack, một chiến binh trong thế chiến thứ nhất, tình cảm nảy sinh giữa hai người, và cuối phần một Louisa khám phá ra Jack đã hứa hôn với một cô gái khác từ trước khi nhập ngũ. Phần hai được kể qua góc nhìn của một nhân vật khác về cái chết thảm khốc của Jack trong một tai nạn nghề nghiệp. Qua phần ba, nhân vật này tìm đến thư viện nơi Louisa làm việc để trả những cuốn sách mà Jack đã mượn trước khi chết. Lúc này người đọc được biết những cuốn sách là do Jack lấy trộm, không có dấu thư viện, không có thẻ mượn, và đó dường như là điều anh ta đã làm trong bao nhiêu năm: lén mang sách đi, âm thầm trả lại sách trên kệ, kín đáo quan sát Louisa mà cô không hề hay biết. Đây là một sự thật đáng sợ, phát hiện này làm người đọc ớn lạnh, bởi động cơ nằm sau những hành động dấu mặt không hề được tiết lộ. Trong bao nhiêu năm tháng Louisa bị ám ảnh bởi Jack: một điều có thật, thường trực, nhưng không thể nhìn thấy. Jack mãi mãi là một hiện hữu vắng mặt. Và cái chết của anh khiến tình trạng tồi tệ hơn, sự ám ảnh trở nên vĩnh viễn, không cách nào cứu chữa được. Thêm nữa, việc con người tin tưởng rằng mình là một chủ thể đã bị đảo nghịch: Louisa không bao giờ nhìn thấy Jack nhưng trong bao năm cô bị nhìn trộm, bị theo dõi, bị khuếch đại dưới một tia nhìn vô hình, bị tước đoạt quyền được biết và làm chủ tình huống trong đời sống. Điều con người muốn nhìn thấy sẽ luôn nằm ngoài khả năng của họ. Munro từ chối nhân vật và độc giả của bà quyền được biết, bởi chính bà cũng không có nhu cầu muốn biết. “So much that lay open now would be concealed” (Munro 463), những thứ nằm phơi ra đó giờ nên che đậy lại. Munro đã phát biểu trong một phỏng vấn với Geoff Hancock rằng “What I like is not to really know what the story is all about. And for me to keep trying to find out” (tạm dịch: tôi không muốn biết hẳn hoi câu chuyện muốn nói gì. Và để cho tôi còn tiếp tục khám phá) (Hancock 84).

Có lẽ điều ngăn trở một số người đọc và người viết trong việc nhìn nhận Munro đúng với tầm vóc của bà, dù không cần phải yêu thích những gì bà viết, là họ không tìm thấy, trong cái thế giới vắng mặt, những thứ không thể đặt tên gọi. Kiểu “phá giới,” trong câu hỏi đưa ra của Da Màu, ở Alice Munro là việc chống trả những điều người đọc chờ đợi và hy vọng, theo một logic chung về cấu trúc, kết cuộc, cách thể hiện, hay chủ đề. Để thuyết phục người đọc tin vào những điều quái đản, huyền ảo, hay phi lý, thường văn bản vừa phải tuân thủ những quy luật logic nội tại, vừa phải thỏa mãn những quy ước hiện thực: truyện khoa học giả tưởng thường phải căn cứ trên kiến thức khoa học trước khi làm một dự phóng xa hơn, truyện hiện thực huyền ảo thường xây dựng trên nền móng của hiện thực hàng ngày, một cách để rào đón người đọc, trước khi cho huyền ảo cất cánh bay lên. Đó là những nguyên tắc chung để giữ người đọc chấp nhận hay tình nguyện“tin” vào tình trạng hư cấu- điều mà Coleridge gọi là “willing suspension of disbelief- khi đọc. Nhưng truyện của Alice Munro đi theo hướng đối nghịch: dù chỉ viết về đời sống “hiện thực” của những con người “hiện thực,” chúng luôn mang yếu tố hoặc phi thực, phản thực, hoặc nằm ngoài vùng từ trường trong cách nghĩ thông thường về hiện thực. Một hiện thực có rất nhiều tầng ngầm và bên trên hiện thực đó là rất nhiều tầng khí quyển khác bao phủ. Sự kết hợp hiện thực với những thứ ngoài tưởng tượng, hình dung, lý luận, hoặc trông đợi của người đọc, và cả những người viết chuyên nghiệp. Văn bản của Alice Munro, nhân vật của Munro, một lúc nào đó sẽ chối bỏ tính logic như chuẩn mực của hiện thực. Vì bà luôn viết với một ý thức gây vấn đề cho những quy ước của hiện thực. Trong cách đó, có thể nói Munro đã thay đổi định nghĩa về chủ nghĩa hiện thực, đẩy xa hơn, hoặc thêm vào những khái niệm mới cho hiện thực.

“Trục” –  Có thể nào là một cái “viết nhỏ?”

“Trục” không phải là một truyện ngắn thông thường, hiểu theo cách những gì được kể và những gì người đọc phát hiện được. “Trục” là một tác phẩm đòi hỏi phải được đọc bằng văn bản lẫn hình thể nghệ thuật của nó. Tôi cho rằng chính yêu cầu này tạo ra khả thể mới cho truyện ngắn. Truyện mở đầu với hai nữ sinh viên vào đại học với mục đích chính là để “tìm một tấm chồng,” những băn khoăn của họ về hôn nhân, trinh tiết, tình dục, con cái, phá thai,… dường như muốn đưa ra những vấn đề nữ quyền, tương quan giới tính, các khái niệm về trinh tiết và bình đẳng trong môt xã hội phụ quyền. Nhưng càng đi sâu vào câu chuyện và khi đến kết cuộc, người đọc nhận ra chủ đề và nội dung rộng lớn hơn, tinh tế hơn, phức tạp hơn, khó định hình hơn, rất nhiều. Đề tài và cái viết của Munro không như Phạm thị Hoài đã nhận định:

“Bà không có một magnum opus nào hết. Mọi truyện của bà đều không quá 40-50 trang, viết khi con ngủ, nghĩ khi gọt khoai tây. Bà viết nhỏ.

Văn chương, theo Paul Valéry, là nghệ thuật đùa với tâm hồn người khác. Có người đùa bằng sức mạnh của ngôn ngữ. Có người đùa bằng trí tuệ siêu phàm. Bằng kiến văn bao la. Bằng trí tưởng tượng rực rỡ. Bằng năng lực đi trước hoặc năng khiếu đi cùng thời đại. Bằng cảm xúc và cảm hứng. Bằng thủ pháp hay thủ đoạn. Bằng thử nghiệm hay những mớ thần kinh cách điệu… Tất cả những thứ ấy không có chỗ trên những trang viết nhỏ của Alice Munro.” (Phạm thị Hoài)

“Trục” và những truyện ngắn khác của Munro không phải là một cái “viết nhỏ,” hoặc chỉ quay quanh những chuyện phụ nữ vặt vãnh (tuy có thể bàn cãi rằng chủ đề về một nửa của nhân loại hẳn không thể coi là vặt vãnh được, và cũng không có đề tài nào nhỏ mà chỉ có những nhà văn nhỏ). “Trục” là một điển hình cô đọng nhất cho chủ đề truyện ngắn của Munro: đặt câu hỏi về những nỗ lực cá nhân để thể hiện chính mình, đặt câu hỏi về khả năng của con người trong giao tiếp thông qua ngôn ngữ, hoài nghi và tra vấn những kiến thức của con người về bản thân và đời sống, và vai trò của ngôn ngữ (nếu có) trong việc tái hiện kinh nghiệm sống. Bên dưới nền của thủ pháp hiện thực, điều mà Phạm thị Hoài cho là “miêu tả thế giới,” thực ra là một thế giới khác tiềm ẩn trong đời sống. Thế giới tưởng như là hiện thực của Munro, thực ra là một hiện thực lừa mị, trá hình. Một hiện thực ảo (như trong “Carried Away” khi cuối cùng người đọc không biết chắc điều gì đã thật sự xảy ra). Một hiện thực phủ nhận mọi kiến thức (như trong “The Ottawa Valley” khi chính người tường thuật thú nhận sự bất lực trong việc ghi lại câu chuyện). Tôi gọi đó là thủ pháp hiện thực “trá hình” vì mặc dù các truyện của Munro đặt nền tảng trên đời sống, cách bà vận dụng những quy ước của nhãn hiệu hiện thực lại hoàn toàn theo một kiểu cách mới mẻ và phản thực. Munro chống đối lại niềm tin vào giá trị biểu hiện của kiến thức vì vậy bà không thuộc về nhóm nhà văn miêu tả thế giới lẫn tạo dựng thế giới, mà đúng hơn bà là kẻ đặt vấn đề với mọi thế giới được tạo dựng, dù bằng ngôn ngữ hay kiến thức.

“Trục” là một kết tinh của nghệ thuật truyện ngắn Munro : cách kiến tạo văn bản bằng chất liệu ngôn ngữ tinh giản, những motifs ngữ nghĩa liền lạc, những khoảng trống của ngôn ngữ, và hiệu quả là một lai tạo giữa hiện thực và siêu hiện thực (super-realism), hiện thực thậm phồn (hyper-realism) (Moss, Reader’s Guide 215) hay hiện thực tăng cấp (heightened-realism) (Moss, ‘Introduction’ 9). Những mảng khung cảnh ráp lại cạnh nhau trong một kiến trúc suy tưởng vừa thoáng khí vừa chặt chẽ. Alice Munro xử dụng rất nhiều thủ pháp điện ảnh để xây dựng “Trục”: chuyển động của những chuyến xe lửa, chuyển cảnh liên tục giữa những nhân vật, hồi tưởng và dự phóng với những dấu mốc thời gian đặt sơ sài, hờ hững, những “montage sequence” của đồng quê, núi đá, đất đai, nông trại, đường làng, nhà bếp, phòng ăn, phòng ngủ,… đặt để liên tục cạnh nhau, nói lên những điều vượt lên trên đối thoại và tường thuật. Những giấc mơ, những bức thư, những hồi tưởng, những lời nói của một người khác về những nhân vật truyện, tất cả gợi cảm giác rằng đây không chỉ là một câu chuyện kể về tương quan giữa các nhân vật, mà đây là một nguyên bản tự soi rọi chính nó. Văn bản như vậy, không phục vụ cho việc miêu tả hay tường thuật thế giới bên ngoài, mà hiện hữu tự thân là một tác phẩm nghệ thuật, tự nó quy chiếu về chính thế giới riêng của nó. “Trục” là một hệ thống cấu trúc tinh vi của ý tưởng. Trong lúc từ chối người đọc một sự sắp xếp “hợp lý” về không/thời gian, “Trục” thách thức cách nhìn thông thường về một truyện ngắn, thách thức khả năng của một truyện ngắn, về tác động và phạm vi đáng kể của nó. “Trục” tạo ra khả thể mới bằng cách bao trùm kinh nghiệm trải dài của một tập hợp người, không theo cách của truyện dài, nhưng không hề kém tác dụng. Truyện của Munro luôn cho cảm tưởng rằng, trong khi phần tường thuật được bố trí vừa đủ để tương tác với những dữ kiện và xung đột, câu chuyện lại tự nó tăng trưởng và đi theo nhiều hướng khác. “Trục” là một cách mạng trong truyện ngắn vì nó mang sức nặng của một truyện dài trong chỉ mười lăm trang, trải dài hơn năm mươi năm và qua ba góc nhìn của ba nhân vật. “Trục” không phải là một tác phẩm hiện thực như nhiều người hằng tưởng khi chỉ đọc trên bề mặt văn bản. “Trục” cũng như nhiều truyện ngắn khác của Munro là một tác phẩm với nhiều thế giới vắng mặt. Khiên Canadian trong truyện là một hình tượng ẩn dụ về những tầng ngầm của hiện thực trên bề mặt. Giấc mơ của Avie và thư của Grace là những vòng xoay của xác xuất giữa điều có thể và điều không thể kiểm chứng của ngôn ngữ. Bằng ngôn ngữ nghệ thuật cao cường, “Trục” thể hiện điều tác giả không cần phải nói ra, nhưng người đọc cảm nhận được, toát ra từ những tường thuật chọn lọc và những khoảng trống mang tính gợi nghĩa. Đó là sức mạnh của truyện ngắn Munro. Tuy chỉ có mười lăm trang nhưng có thể gọi “Trục” là một truyện dài chớp (nếu như có thể dùng danh xưng này cho một số những truyện ngắn cùng tính cách của Munro) vì nó đứng giữa hai thể loại ngắn/dài về hình thái, tư tưởng, và biên độ và cùng lúc sở hữu những tinh hoa của cả hai thể loại.

“Menesseteung” -Tính Tự Quy Chiếu của Hành Động Viết

Sự tự quy chiếu của văn bản có lẽ là cách tốt nhất để Munro tra vấn bản chất của chuyện viết, qua những câu chuyện bà dựng ra. Munro đã viết nguyên một tuyển tập Something I’ve Been Meaning To Tell You và nhiều truyện ngắn khác, như một cách tự dàn xếp với bản thân, cùng lúc nhìn nhận sự khó khăn- dường như bất khả – trong việc giải thích thế giới-viết cho thế giới-bên ngoài. Tính cách bấp bênh bất ổn còn đến từ kiến trúc câu chuyện. Munro viết truyện, nhưng không chỉ để kể chuyện. Các tường thuật thường đóng vai công cụ để tra xét hành động viết hơn là mục tiêu của chuyện viết. Tập truyện Friend of My Youth được viết để khai phá và khai thác khái niệm tái tạo đồng nghĩa với lừa gạt (Heble 167). Truyện “Meneseteung” trong tuyển tập này là một cách thử nghiệm vị trí của người kể (ngôi thứ nhất) khi tường thuật về một người khác- nhân vật chính Almeda trong truyện. Người kể xưng “tôi” trong Meneseteung tìm cách dựng lại quá khứ của một nhà thơ nữ sống vào thế kỷ 19 tên Almeda Roth. Có thể nói truyện ngắn “Meneseteung” bao gồm cùng lúc hai tường thuật song song, một là đời sống và sáng tạo nghệ thuật của Almeda Roth- một nhà thơ đã chết, và hai là cách “tôi”- người kể chuyện về Almeda Roth- đặt để nhà thơ này vào khung tường thuật của mình (Carrington 214). Người đọc biết về nhà thơ Almeda Roth phần nào qua tường thuật của người kể xưng “tôi,” và nếu tinh ý, sẽ đồng thời cảm nhận được nhân vật “tôi” qua điều người đó muốn chứng minh, nghi hoặc, và cuối cùng thú nhận, về Almeda Roth. Không thể bỏ qua vai trò quan trọng của người kể chuyện, cách người đó chỉ dẫn, giải thích, nghi ngờ, tưởng tượng, phỏng đoán, sắp xếp, chọn lọc chi tiết này, không chọn lọc chi tiết khác. Văn bản “Meneseteung” tự quy chiếu về nó qua những vòng tròn khép kín. Câu kết-thúc nhắc nhở người đọc rằng chúng ta không đọc một truyện ngắn hay một tiểu sử, mà chúng ta đang đọc một “écriture”- cách kể về một câu chuyện. Munro dựng lên một câu chuyện để thử nghiệm một cách kể, một giọng kể, một cách kết cấu motifs khác, trong một cấu trúc, chất liệu khác, và thao tác một diễn ngôn khác. Munro cụ thể hóa những quan niệm viết trừu tượng của bà bằng những câu chuyện đeo cái mác “hiện thực.” Cũng vì vậy mà cái hiện thực được miêu tả đó trở nên đáng ngờ vực. Trong “Carried Away,” Louisa luôn bị ám ảnh bởi điều chỉ được xây dựng trên ngôn ngữ: Jack- qua thư từ, lời nói, tin tức, báo chí địa phương, và những cuốn sách anh đã đọc. Chuyện Jack chết vì bị cưa đứt đầu trong một tai nạn nghề nghiệp, đến một lúc nào đó trong tiến trình câu chuyện, trở nên đáng nghi hoặc cũng như cách anh ta lẻn đến thư viện lấy sách về trong bao nhiêu năm Louisa làm quản thủ thư viện. Chuyện anh ta trao đổi thư từ với Louisa trong lúc đã hứa hôn và cả việc giấu mặt sau khi giải ngũ cũng hoàn toàn bí ẩn, khó hiểu. Đi vào thế giới truyện của Munro là cảm giác bước trên một bề mặt trơn trượt, sự trơn trượt của một lớp băng trải mỏng trên một biển nước ngầm. Như đã nói ở trên, nhận định của Heble rằng điều mà văn bản nói ra không hẳn là điều văn bản cần được hiểu (8), có thể dùng để giải thích cho trường hợp ngộ nhận rằng Munro “viết nhỏ.” Bởi nếu chúng ta không bắt được mức độ vắng mặt của ý nghĩa trong thế giới truyện Munro, chúng ta chỉ nhìn thấy những gì bày biện trên bề mặt, chúng ta chỉ nhìn thấy một phần nổi rất nhỏ của một tảng băng sơn khổng lồ chìm dưới nước.

Ở truyện ngắn Việt Nam, đa số điều câu chuyện muốn nói có thể tìm thấy, suy nghiệm ra từ tường thuật trong văn bản. Người viết thường có khuynh hướng dẫn đến một khẳng định cho chủ đề, dù bằng phong cách ẩn dụ, siêu thực, hay huyền ảo. Ở Munro, văn bản và ý nghĩa có thể không nhất thiết phải khẳng định nhau, vì vậy nhiều độc giả có cảm tưởng bị “đánh lừa.” Tôi cho rằng những độc giả này mang quá nhiều chủ kiến của họ vào truyện và chính sự trông đợi của họ làm cho họ thất vọng nơi câu chuyện. Nói về vai trò người đọc, hay người thưởng ngoạn nói chung dành cho mọi bộ môn nghệ thuật: kịch nghệ, văn chương, điện ảnh, hội họa,… quan tâm nữa của bài viết này, là mức độ tham gia của người thưởng ngoạn. Tôi còn nhớ giai thoại được kể khi còn nhỏ về diễn viên đóng vai Tào Tháo trong tuồng chèo Tam Quốc Chí. Người này diễn xuất quá đạt đến nỗi bị khán giả gớm ghiếc và ném đá. Khi vở kịch Death of a Salesman (1949) của Arthur Miller mới được trình diễn tại New York, nhiều khán giả trong nghành buôn đã đứng bật dậy cuối vở kịch và lớn tiếng khuyên bảo nhân vật chính Willy Loman trên sân khấu. Chúng ta nghĩ sao về cách thưởng thức nghệ thuật của những khán giả này? Nơi họ, “khoảng cách mỹ học,” tức ý thức về khác biệt giữa hư cấu và hiện thực, đã bị bôi xóa. Khoảng cách mỹ học này là điều cần để đảm bảo việc tham gia vào nghệ thuật. Giữ khoảng cách mỹ học, ngược ngạo thay, mới là dấu hiệu của việc đánh mất bản ngã trong nghệ thuật. Khi khán giả tràn lên sân khấu để thay đổi kết cuộc của một vở kịch, họ không thể hiện việc đánh mất bản ngã, mà họ chỉ đặt để cái “ego” của chính họ vào tác phẩm đang thưởng ngoạn (Martin và Jacobus 216). Họ không đánh mất họ trong nghệ thuật, ngược lại, nghệ thuật bị đánh mất trong cái tôi của họ.

Kết luận:

Đọc Munro không bị cái dồn nén đến từ những hành ngôn trùng điệp để thể hiện những ý tưởng, mục tiêu, thông điệp, và cả văn tài của người viết như thường thấy ở nhiều truyện ngắn khác. Ở những truyện ngắn đó, nhiều khi người viết với chủ tâm tạo dựng một thế giới, trong một cố gắng quá độ, đã tiếm đoạt khả năng tìm kiếm thế giới từ phía người đọc. Thay vì đặt câu hỏi: câu chuyện muốn nói gì? – cũng có thể tiếp cận bằng một câu hỏi khác: chúng ta muốn điều gì, từ phía người đọc? Chúng ta muốn bị lôi cuốn, bị mê hoặc, bị đắm chìm trong thế giới tiểu thuyết? Hay chúng ta muốn giữ một khoảng cách mỹ học để thưởng ngoạn một tác phẩm nghệ thuật? Chúng ta muốn nhập vào nhân vật và thử nghiệm đời sống của họ? Hay chúng ta muốn quan sát, phân tích, và cảm thụ một kết hợp hữu cơ giữa hình thức, chất liệu, và chủ đề biểu hiện? Chúng ta muốn “sống” tiểu thuyết như cuộc đời? Hay chúng ta chọn “đọc” một phản chiếu đã gãy khúc của cuộc đời thông qua việc xem tiểu thuyết? Không có chọn lựa nào đúng hơn chọn lựa nào. Những câu hỏi đặt ra chỉ để chiếu ánh sáng vào một mỹ học đặc thù trong một thế giới tự hiện hữu nhờ mỹ học đó. Theo Northrop Frye, ông cho rằng dữ kiện, hay sự thực, hay ý nghĩa của văn bản chỉ là thứ yếu đối với mục tiêu chính của văn chương là xây dựng một cấu trúc tự thân của ngôn từ (Frye 74)- điều này loại trừ khả năng rằng Munro dùng ngôn ngữ để “miêu tả thế giới” như Phạm thị Hoài nhận định. Theo tôi, nếu có thể chia người viết ra làm hai loại: (1) viết trong ý thức mình là Thượng Đế trong cõi sáng tạo, và (2) viết trong ý thức mình là người kể chuyện; thì Munro thuộc về loại thứ hai. Mỹ học của Munro không phải để quyến rũ người đọc vào một thế giới nhân tạo đầy mê hoặc của người viết. Mà là lời mời tham dự một trò chơi, người đọc đi vào thế giới của trò chơi, thử nhận dạng quy luật chơi, tương tác với những kẻ tham dự bí ẩn, lần mò trong cái bẫy của người viết, và tìm cách giải câu đố cho riêng mình. Với mỹ học này, người đọc là một kẻ luôn ý thức vai trò của hắn và cố giữ một khoảng cách cần thiết với trò chơi. Còn trò chơi là gì? Có thể là sự thách đố của một thế giới luôn vắng mặt.

 

Tài Liệu Tham Khảo

Carring ton, Ildiko de Papp. Controlling the Uncontrollable. DeKalb: Northern Illinois University Press, 1989. Print.

Frye, Northrop. Anatomy of Criticism: Four Essays. Princeton: Princeton UP, 1957.

Hancock, Geoff. “An Interview with Alice Munro.” Canadian Fiction Magazine 43 (1982): 75-114.

Heble, Ajay. The Tumble of Reason: Alice Munro’s Discourse of Absence. Toronto: University of Toronto Press, 1994. Print.

Martin, F. David and Lee A. Jacobus. The Humanities Through The Arts. New York: Mcgraw-Hill, 2007. Print.

Moss, John. ‘Introduction.’ Here and Now: A Critical Anthology. Ed. John Moss. Toronto: NC P, 1978.
                          A reader’s Guide to the Canadian Novels. Toronto: McClelland and Stewart, 1981.

Phạm Thị Hoài. “Viết Nhỏ.” Pro&Contra. 15 Oct. 2013. Web. 24 Apr. 2014. <http://www.procontra.asia/?p=3476>

.

bài đã đăng của Đặng Thơ Thơ

Cancel


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

4 Bình luận

  • Bùi Vĩnh Phúc says:

    Cái đọc của Đặng Thơ Thơ đối với những sáng tác của Alice Munro, cho dù ở một mức độ nào đó dựa trên những kiến giải khung của Ajay Heble, là một cái đọc thú vị. Và đáng chú ý. Nó kích thích, soi sáng và mang đậm tính diễn giải. Bởi thế, tôi xin phép được trích ra, ở đây, một đoạn ngắn trong bài viết của mình (sẽ được đăng nay mai trên Da Màu), như một chia sẻ, một “comment”, dưới bài viết của Đặng Thơ Thơ. Sở dĩ như thế vì nó thích hợp, không những đối với “cuộc chơi” trong sự luận bàn về truyện ngắn (và trong chính truyện ngắn) của nhiều tác giả liên tục mấy tuần qua trên Da Màu, mà nó còn thích hợp đặc biệt với bài viết của nhà văn Đặng Thơ Thơ cùng những suy nghĩ, luận giải mà chị đặt ra:

    ” (…) Quá trình diễn dịch là một sự chơi. Và nó cũng là một trò chơi với những khung tư duy và luật tắc riêng của nó. Viết là một trò chơi/một cách chơi, và đọc lại là một trò chơi/một cách chơi khác. Con người là những “homo ludens”, những “kẻ chơi”. Vấn đề là ý thức của mỗi chủ thể viết và chủ thể đọc. Nếu mỗi người đọc trưởng thành, có ý thức, đều có một “tín ngưỡng văn chương” riêng, hay, nói một cách khác, có một tín niệm mỹ học riêng trong thẩm thức văn chương của mình, chuyện khác biệt trong nhận thức về những khía cạnh thẩm mỹ, những giá trị văn học của một tác phẩm văn chương, hay trong đánh giá văn học về một cuộc đời sáng tạo, cũng là chuyện tự nhiên. Cái thú vị trong “trò chơi” ở đây cũng dành cho—thậm chí đặc biệt dành cho—những “người đọc thứ hai”, những kẻ đọc cái đọc về những văn bản đã được đọc. Để nhắc lại, sáng tạo là một sự chơi; diễn dịch lại là một sự chơi khác. Nếu gọi sáng tạo là “sự chơi cấp một” thì diễn dịch có thể xem là một “sự chơi cấp hai”. Mỗi sự chơi ấy lại có thể có những quy luật riêng của nó. Mỗi sự chơi lại dâng hiến một lạc thú riêng. Đối với người đọc, cái lạc thú ấy là một thứ “pleasure of the text”, nói như kiểu Roland Barthes. (…)”

    Cái đọc, cái diễn dịch của Đặng Thơ Thơ là một “sự chơi” lý thú. Một sự chơi đậm ý nghĩa. Và có phong cách. Những cái đọc, cái diễn dịch khác, thuận chiều hay nghịch chiều, ở những giác độ nào đó, về cùng một tác phẩm hay một tác giả (ở đây là Alice Munro), lại là những “sự chơi” khác. Ắt hẳn chúng cũng có những cái “lý” và cái “thú” riêng, trong những giác độ riêng, của mình.

    Hãy hân hoan vì sự “bất đơn sắc” của thế giới chúng ta!

    27/4/14

    bvp

  • Nguyễn Đức Tùng says:

    Tiểu luận của Đặng Thơ Thơ và của Lê Anh Hoài kỳ này đối với tôi rất đáng chú ý, có ích cho những người quan tâm đến truyện ngắn và Alice Munro.
    Trong bài của Lê anh Hoài có hai link cho các phê bình về truyện ngắn Việt nam mà tôi đồng ý về một số điểm, tiếc là chưa có dịp khai triển thêm.
    Truyện ngắn VN cho đến nay thật ra chưa có phê bình.

    Nguyễn Đức Tùng.

  • Biet the thoi says:

    Hiện-thực-cuộc-sống vốn đơn giản. (?)

    Nhưng, mỗi-người-trong-mọi-người nhìn cùng-cái-hiện-thực-đó lại “thấy” khác nhau, thế là hiện-thực trở nên phức tạp.

    Có người nhìn nhưng không thấy;
    có người thấy nhưng không hiểu;
    có người hiểu nhưng không thông cảm…

    … thế là hiện-thực trở nên phức tạp.

    Alice Munro có lẽ không phức tạp, không cố-gắng-phức-tạp. (?)

    Bà chỉ ghi lại những gì bà nhìn-và-thấy, những điều mà nhiều người khác cũng nhìn nhưng không-thấy-hoặc-thấy-nhưng-bỏ-qua.

    Trả lại sự phức tạp cho người đọc:
    người-đọc-sau-khi-đọc-Alice-Munro
    – có thấy hiện-thực-như-nó-là-(?)?
    – thấy nhưng có hiểu?
    – hiểu nhưng có thông cảm?

    Ồ, đó là chuyện của người đọc, không phải chuyện của bà (có phải ý bà muốn nói thế không?)

    Suy cho cùng, cuộc sống vốn đơn giản và Alice Munro cũng thế – tôi nghĩ vậy.

    (Thêm một chút: Alice Munro hẳn là người yêu cuộc sống nhưng cuộc sống có còn đáng yêu như… hồi đó không? A, đây lại là chuyện của người đọc rồi!)

  • Phùng Nguyễn says:

    Cám ơn Thơ Thơ về bài tiểu luận xuất sắc!
    Bây giờ thì tôi có thể đọc lại “The Bear Came Over The Mountain” như là một truyện ngắn khác hẳn với lần đọc trước đây.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)