- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Tôi sống nơi đây rất cô đơn

 

1.

Tôi sống nơi đây rất im hơi.

Vì thế,

Buổi sáng hôm nọ, tôi đã cặm cụi đóng một chiếc bàn. Tôi mang nó về và đặt ở một góc.

Tôi để trên ấy một tách cà phê, một cây bút, một tờ giấy.

Đêm đến, tôi uống café và cầm bút, vẽ lên giấy những hình người.

Những người này biết động đậy, biết thở dài, biết đánh tiếng xa xôi.

Họ thay phiên kể chuyện cho tôi nghe hoặc họ đi lại trên giấy, tiếng chân họ sột soạt làm căn phòng tôi dường như có thêm nhiều người.

Họ nói, sở dĩ cô thích lục lọi hình ảnh của phố xá, một toa tàu, một đôi giày, một chiếc xe đạp cũ nát, một giỏ hoa, dáng người ngồi trong khói mờ, những vũng nước, những cuốn sách nằm phơi mình trong nắng và gáy sách bong lên…sở dĩ cô nhìn chúng vì nó sẽ đưa cô đi đến nhiều nơi khác nhau. Cô thấy câu chuyện nằm ở những bức ảnh này.

Cô bị xúc động mạnh bởi những gì nhìn thấy là vì lâu năm, cô đã sống trong im hơi, thân hình cô lảng vảng, suy nghĩ cô dày đặc.

—rồi bỗng nhiên một hình người lên giọng nhấn mạnh: là vì cô chỉ thích sống trong những bức hình này–rồi hắn lấy tay chỉ vào một loạt hình nằm trong phòng: thấy chưa, đây là bức ảnh trắng đen, một góc phố tĩnh mịch, đây chắc là mùa đông vì hai nhân vật trong bức ảnh này đều mặc áo len dày, một cô gái chạy xe đạp qua khe hở giữa hai dãy phố, một cô gái khác cúi gằm mặt, tay thọc vào túi quần và đang bước đi. Đây nữa, những viên gạch xi-măng lát lề đường, màu xám của nó, những kẽ đen của nó, sự đồng đều nhưng nhấp nhô này cho thấy một cái gì đang hiện lên rất rõ trên mặt đất này, một cái gì rất sống động đang trườn trên những viên xi-măng. Tôi biết cô đang nghĩ rằng sự sống động đó là do cô đang đi tới, cô sẽ đặt chân trên những viên xi-măng vuông kia, cô sẽ cởi giày, sẽ bám những đầu ngón chân để cảm nhận một con đường: cô đang sống đây, cô bám vào mặt đất dai dẳng. Còn đây nữa, những luống hoa lavender, cô biết rằng nó tồn tại ở đâu đó, những luống hoa bợt bạt, ảo não. Cô muốn nó nuốt chửng cô trong mùi thơm nhè nhẹ đó. Thân xác cô sẽ vùi dưới đất, trên ngực cô sẽ nhô lên những cụm lavender. Cô sẽ góp da thịt vào cụm đất này: cô sẽ tự phân hủy trong buổi chiều dài nhất.

 

2.

Gần đây tôi sống bám vào những hình ảnh. Những buổi tối tôi nằm trôi qua cùng những gương mặt, hàng vạn giọng nói, rất nhiều mầu mắt, rất nhiều loại cây chìa ra trên thung lũng, bên vệ đường, trên những viên sỏi trắng bé li ti. Nhưng tôi phải dán mắt vào đó. Tôi phải thấy cảnh vật. Mắt tôi phải thấy họ. Phải thấy đường sá của họ. Tiếng chân của họ. Cố gắng ngửi thấy mùi nước hoa hoặc mùi thuốc lá họ đang hút qua màn hình 17 inch. Tôi không theo dõi câu chuyện mà tôi nhìn cử chỉ, sự di chuyển và tiếng động phát ra từ thân thể họ, từ cảnh vật xung quanh nữa. Có lẽ tôi cũng sống trong màn mưa ảm đạm phủ qua một mái nhà. Có lẽ tôi cũng run bần bật trước cơn gió thổi qua miền trung du và bao quanh những chiếc xe tải to kếch sù nằm giữa đồng không mông quạnh ấy. Rồi cũng có thể tôi lê từng bước chân mỏi mệt, bắp chân bị cây khô cào xước, tôi cũng đang chạy trốn một kẻ giết người và tìm đường thoát khỏi khu rừng ẩm thấp này.

Tôi thấy rất nhiều nhân vật.

Một thanh niên với đôi môi đỏ chót trượt chân ngã xuống một vùng tuyết êm ái, ngoảnh cổ nhìn lên nơi mình đã ngã, anh ta thấy một cột khói trắng muốt. Cột khói này từ từ tụ lại thành hình một cô gái, kế bên cô ta là một con sói đen. Cô gái và con sói. Cả hai đứng từ trên cao nhìn anh ấy. Rồi tất cả tan loãng, biến mất.

Tôi có đôi chút hụt hẫng không phải vì sự ra đi của họ. Mà tôi sợ không còn gì tiếp theo để tôi nhìn nữa.

Rồi tôi phải chuyển qua một dạng hình ảnh khác. Một nhân vật đang bị trói và họ sắp sửa tiến hành phẫu thuật. Họ gọi tất cả những người bị trói, bị chặt, bị cột, bị cưa xẻ là nạn nhân. Ngay từ mũi dao đầu tiên chích vào vùng bụng mềm, tôi thấy mọi việc đã không thể lành lặn ngay sau đó. Người ta sẽ sống thế nào sau một trận mổ xẻ kinh hoàng ấy. Nếu họ còn sống sót, liệu suốt quãng đời còn lại họ có dùng đến dao không, họ có sợ cầm lấy dao và chích vào con vật nào đó. Hẳn họ sẽ bị ám ảnh bởi trói buộc, tiếng kim loại va đập, tiếng nước nhỏ vào thùng phuy trong nhà hoang. Hay họ sẽ bắt đầu bằng một cuộc đời can đảm. Một cuộc đời can đảm. Họ không còn sợ hãi con người. Không sợ hoàn cảnh. Không sợ điềm gở. Không sợ sự hủy hoại. Không sợ cái chết. Rồi có thể họ bắt đầu xem việc giết chóc là điều tự nhiên như giết bất cứ con vật nào. Chắc là để đổi lấy sự can đảm, người ta phải bị hành xác. Qua sự đau đớn của cơ thể là chứng tê liệt tinh thần. Tiếp theo nữa là trong người một cái gì đang từ từ chết đi, thiếu đi, mất đi, lần mòn. Nó không còn như lúc đầu nữa. Mọi việc sẽ thay đổi từ lúc ấy.

Quay lại đoạn phim này, mũi dao đã rọc một đường dài giữa bụng cô ấy. Tôi bắt đầu thấy mọi thứ nhầy nhụa bên trong, những thỏi, những mô, tất cả nhão ướt, be bét. Hoá ra bên trong xấu xí và trương nở đến vậy sao. Những gì mình đã được đọc trước đó-suy nghĩ-ý nghĩ-đều không liên quan đến cơ thể vật chất đây. Những thức ăn mà mình nghĩ sẽ bổ cho cơ thể, chỉ là một đống bùn bầy nhầy, của những thứ đã tiêu hoá và chưa tiêu hoá hết, đập vào mắt một hình dạng ghê tởm: cơ thể đã bưng bít cuộc đời chúng ta như thế đó.

Tôi bắt đầu liên tưởng về những người mắc bệnh rọc cơ thể. Họ tìm điều gì bên dưới lớp da của họ vậy. Phải chăng họ muốn chọc thủng nó, muốn rạch nó ra để nhìn thấy tận mặt những chất, hoặc những con vật gì đấy, đã không ngừng khôn lớn bên trong? Phải chăng họ không chịu được cái vỏ da bọc lấy sự nhão nhớt đó? Và tại sao da lại lành lặn đến như vậy? Tại sao da của cơ thể mình, đôi lúc là một sự ngụy trang, lấp liếm, che đậy những thứ hết sức kinh khủng: họ rất thèm muốn giết người, thèm liếm vết máu, thèm chà xát và banh rộng vết cắt ra thêm nữa, thèm muốn làm điều gì đó tệ hại và phá vỡ sự yên lành của kẻ khác. Tôi biết con người luôn sống với tâm trạng muốn tác động lên kẻ khác. Luôn luôn. Bằng cách này hay cách khác, họ rất thèm muốn hủy hoại người khác bằng sự tác động đó. Và những con người nghiện cào rách cơ thể, có thể vì họ muốn nhìn thấy sự thật bên trong, thấy cơn đau của mình, thấy hàng vạn sinh vật hình thù kì quái đang bơi, chạy và đi bộ bên dưới lớp da mình, trôi theo dòng máu của mình. Tôi nghĩ họ cũng đang tiếp cận bề mặt của cuộc sống qua sự rách nát của cơ thể. Họ chọn cách đó để nhìn vì họ luôn là một kẻ tay không, họ không có sức mạnh để tác động ngược lại kẻ khác. Họ yếu, rất yếu. Và vì để tìm hiểu thế giới, họ buộc phải lặn sâu vào cơ thể của họ, một vật chất gần gũi và tiện dụng nhất mà không phải lây lan qua cơ thể ai, suy nghĩ ai, xã hội ai.

Tôi không biết người ta ăn bao nhiêu thứ ngon. Làm bao nhiêu thứ đẹp. Nhưng thật kì quái khi có dịp nhìn thấy bên trong cơ thể mình. Một điều gì đó thật bỉ ổi, tự sỉ nhục, chối từ, ghê tởm, kinh ngạc, đam mê, ngưỡng mộ. Tôi không biết trong suốt quãng đời đó, có bao giờ họ muốn tìm hiểu máu me, lòng phổi, ruột gan của họ như thế nào không. Có một vài người sống thiên hẳn về điều này. Họ liên tục đào và rạch nát cơ thể để nhìn. Họ đào như thể có một kênh, một con sông trong người. Họ lén lút chạy ra khỏi phòng họp và rạch một đường trên bắp tay rồi trở lại công việc. Họ trốn chồng trốn vợ vào toilet để chấm mút trên vết lở đó. Họ lẩn vào góc khuất mọi lúc mọi nơi khi lên cơn thèm rọc da rồi thư thái hoà nhập đám đông. Rồi họ tự khâu vá và quan sát những sự lồi lõm của da, sự lành lặn tiếp nối hay nó như một đường hàn xì mà không có dụng cụ nào gò phẳng lại được. Nhưng phần lớn loài người thì hành động ngược lại. Họ tránh nhìn máu me. Họ tác động và cấm con cái nhìn những cảnh mà họ cho là bạo lực. Họ không cho con nít có dịp nhìn thấy sự thật bên trong cơ thể của nó thông qua một người khác như là một dạng thực hành. Nên đa số con nít lớn lên với sự hoang mang và dốt nát về tay chân của chúng, về máu và da, về sự đồi bại đang dần hình thành của chúng. Tôi thấy loài người ngăn chặn triệt để việc tìm hiểu này. Khi họ vừa mới bị trầy xước, họ tìm cách làm lành lặn nó ngay lập tức. Họ phải dán một miếng băng để lấp nó đi. Họ làm với tâm trạng hốt hoảng: chụp, bịt, vây kín, phủ, bôi trơn, sát trùng. Rồi vết thương liền da nhanh chóng. Họ coi đó là sự an toàn và mãn nguyện vì cơ thể được bảo vệ tốt. Cả những vết bầm nữa. Phải xoa nắn, bôi dầu, bóp, lưu thông. Họ thật trơn tru. Họ đã sống trong lớp da lành lặn như thế cho đến khi chết. Cơ thể là một vấn đề hoàn hảo, thật hoàn hảo.

 

3.

onthedge1Lúc này, trời đã gần sáng. Tôi xem sang một cảnh khác. Đây là một khoảng trống mênh mông. Trời và mây đều là một màu trăng trắng. Không có gì ở nơi ấy. Không gió không cây. Như mình được thả vào một khoảng vô trọng lượng. Mình bay hay mình đi đều dễ dàng cả.

Và nhân vật lúc này đã hoàn toàn khác hẳn. Qua một đợt thực hành và nhìn thấy được lòng ruột của mình, cô ta cảm thấy một sự trống không và vô định hướng. Cô bắt đầu cảm nhận thế giới không qua bàn chân hoặc những đầu ngón tay, mà cô chỉ nhìn nó. Chỉ nhìn. Đầu óc cô cũng chỉ như cái hộp trong máy quay. Bỏ phim vào thì nó sẽ chạy, nó lướt ngang, cô không có khả năng giữ lại hình ảnh nào, tâm trạng nào.

Đến lúc này tôi lại thấy anh thanh niên đã xuất hiện lúc đầu. Sao gương mặt anh ta trắng bệch một cách kì quái, và khi nhìn rõ lại đôi môi, nó không phải là màu đỏ tự nhiên nữa mà chính là anh ta đang ngậm một bọng máu. Anh ta cứ ngậm chặt như thế, ngoảnh đầu nhìn lại nơi mình ngã và thấy cô gái trong hình dạng cột khói. Cô ta đột ngột xuất hiện và nhìn xuống anh từ trên cao. Liệu đây có phải là hình ảnh thực không. Hay mọi thứ trắng xoá nên tất cả đều không thật. Tôi thấy anh ta vẫn đứng yên như vậy và cô gái từ từ lướt đi cùng với con sói. Họ sẽ biến mất vào khoảng không ngay sau đó.

Họ đã bỏ đi thật rồi và chỉ còn mình tôi ngồi trong gian phòng này. Như không phải họ xuất hiện từ một câu chuyện hư cấu mà chính tôi đây bị gạt ra khỏi cuộc sống hình ảnh. Nhất là khi tôi đến bên chiếc bàn mới đóng, tôi lại thấy trên mặt bàn là những tờ giấy vương vãi với những nét bút mực vẽ toàn cơ thể tôi, chỉ toàn tôi, chỉ có tôi mà không có nhân vật nào khác. Tôi nằm yên lặng mà không bước chân ra nổi tờ giấy đó.

 

 

minh họa: “on the edge” (nguồn internet)

bài đã đăng của Nguyễn Thúy Hằng