- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Núi Đoạn Sông Lìa – phần 43

 

Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài.

 

 

(tiếp theo)

Hai tuần gặt lúa chầm chậm trôi qua. Nắng cuối năm xối dịu nhiễu lên chòm so đũa đơm bông trắng. Những buổi tan trường về, tới giờ cơm trưa cơm chiều, Cẩm không khỏi nhớn nhác tưởng nhớ dáng điệu chị Năm Quắn tới lui bưng dọn cơm nước, mời ăn mời uống, và thèm nghe giọng nói tiếng cười mà chị Ba Khởi cho là "rổn rảng" của chị Chín Hí khi bỡn cợt, lúc cụng ly so cựa với cánh đàn ông. Cẩm nhớ, đã có lần chị Chín xẳng giọng than thân trách phận trước mặt mọi người: "Cái số tui xui xẻo, sanh ra nhằm lúc bà mụ đương bị ỉa chảy, quýnh quáng bụm đít chạy ra ao cá tra. Thay vì gắn cho tui cái cựa lỏ, bả ba chớp ba nhoáng lấy lộn cái chè hẽ ráp vô! Bà con cô bác nghĩ coi, có tức hông!"

Vắng hai chị, không còn ai diễn tuồng ca hát giúp vui trước ngày chia tay. Vậy mà, tuyệt nhiên không nghe một ai thốt lời nhắc nhở. Như thể hai chị chỉ là những vai phụ nhạt nhẽo trong vở tuồng đời. Có, thêm rậm đám; thiếu, cũng chẳng sao. Thái độ của họ khiến Cẩm hồ nghi chị Năm, chị Chín là những chiếc bóng bất chợt tan biến khi tắt nắng.

Tối đó chị Ba Khởi che miệng thỏ thẻ với Cẩm:

– Chị nghe người ta đổ hô rùm beng, chị Chín Hí rủ rê chị Năm Quắn trốn nhà đi theo gánh hát mất tiêu rồi.

Thấy mặt Cẩm ngơ ngác coi bộ chưa tin, chị chép miệng:

– Thiên hạ còn rêu rao nhiều chuyện trời ơi đất hỡi khác nữa, em còn nhỏ không nên biết.

Lúc vô giường ngủ, thấy Cẩm còn dụ dự đúng bên cửa sổ ngó mông, chị Châu cất giọng hỏi:

– Chưa buồn ngủ sao em?

Cẩm buông giọng hiu hắt:

– Em đứng hóng mát thêm chút xíu.

Chị Châu xoay người nằm nghiêng, dọ dẫm:

– Chị biết chuyện gì rồi. Em đang nghĩ tới chị Chín với chị Năm, đúng không?

Cẩm lặng thinh. Chị Châu thở hắt:

– Chị có nghe người ta rầm rì chê trách hai chị. Phần chị, không hiểu sao, thấy thương hai chị nhiều hơn trách. Hạnh phúc của đời sống có cái giá của nó.

Cẩm không hiểu thấu câu nói bóng gió của chị Châu, nhưng không thiết hỏi, chỉ buồn bã ngó ra ngoài đêm. Lẫn trong tiếng gió xao xác vườn cây là tiếng côn trùng thở than đơn điệu. Gió lướt ngang, vô tình cuốn theo những khát vọng của bông trái chưa độ chín. Cẩm cố hình dung lại những hình bóng, những giọng nói, những tiếng động quây quần vui vầy trong mùa gặt năm trước, nhưng đầu óc trống rỗng như vấp phải bài học chưa thuộc. Cẩm thắc mắc, "hạnh phúc" là cái gì, chuyện gì mà nghe sao mông lung, mơ hồ quá vậy? Có phải đó là lý do xui khiến ông bà nội lúc lén lút bỏ nhà ra đi thuở trước? Là chuyện má cùng ba sum hợp? Hay chỉ là chén cơm, miếng bánh cho thằng Ðược lót lòng mỗi sáng trước khi đi học? Cẩm chợt nẩy ra ý nghĩ nêm gia vị, tô chì màu, đệm âm thanh cho hạnh phúc, để biến nó thành một món ăn, một vật dụng, một bài hát có thể nghe thấy, sờ mó được, cho người ta khỏi mất công tìm tòi, suy nghĩ. Một ý tưởng so sánh lướt ngang trí Cẩm, có lẽ chị Chín Hí và chị Năm Quắn trốn nhà ra đi để tìm một đời sống khác có màu hồng của niềm vui, màu xanh của hy vọng, có giọng hát điệu đàn réo rắt, có quần là áo lụa thơm tho mùi dầu thơm nhãn hiệu tây, bỏ lại sau lưng những tháng năm xám ngắt, lặng lẽ, không mùi vị, đầy những bất trắc rình rập nơi đây.

Cẩm không muốn khóc, vậy mà chẳng hiểu sao những đốm sáng đom đóm lập loè vòm cây đầy bóng tối ngoài kia đột nhiên nhoè ra, run rẩy trong tầm mắt. Cẩm khép cửa, ngăn chút hơi lạnh lùa vào, len lén.

Cho tới bữa cánh đàn bà phụ việc bếp núc tóm vén đồ đạc ra về, bất chợt bà Sáu Phồng Tôm nhân lúc vắng người, níu tay Cẩm dắt ra vườn sau. Cẩm líu ríu theo bà ngồi chồm hổm trong bóng mát tàn vú sữa lung linh tối sáng. Bà Sáu Phồng Tôm dáo dác ngó quanh, rồi rút trong túi áo lót ra miếng giấy ố vàng gấp làm tư, đưa cho Cẩm:

– Cô Út làm ơn mở đọc cho tui nghe, coi nó viết gì ở trỏng!

Giọng bà khô rang. Cẩm cầm lấy tờ giấy, tim đập mạnh. Bà Sáu Phồng Tôm kềm giọng thủ thỉ:

– Mà cô Út nhớ, đừng cho ai biết chuyện nầy. Nó làm tui xấu hổ thiếu điều độn thổ. Chỉ tội cho thằng con trai tui, quơ nhằm cái thứ đờn bà lộn sòng, trắc nết.

Cẩm xoe mắt ngắm nghía bức thơ thảo mực tím, gạch sửa trầy trụa, chi chít lỗi chính tả, không ngay hàng thẳng lối trên mặt giấy hoen nước lốm đốm, như thể ai đó nhỏ lệ sụt sùi trong lúc viết, rồi nhẩm đọc:

– "Ba con Xài, thằng Ổi.

Khi ba nó đọc được tờ dấy nầy thì tui đi mấc rồi. Tui khổ tâm lắm chớ khi phải rức ruộc bỏ chồng bỏ con mà đi. Ông bà mình ưa nói, vợ chồng bỏ nhao chớ không ai đành đọn bỏ con bao giờ. Nhưng mà cái bụng tui từ bữa đi coi hác tuồng ngoài chợ tới nai ăn không biếc ngon, ngủ không thẳng dấc. Ðầu ốc tui cứ lo ra si nghỉ chiện gì không hà. Tui kho cá mặng chác, nấu cơm lúc khê lúc khéc cho má, cho chồng con ăn. Ba nó thương tui, không rầy mắng tiếng nào. Con Xài thằng Ổi trề môi chu mỏ chê hôi chê mặng. Má cằn nhằn hỏi tui, bộ tui lạc miệng ốm ngén hay để bụng thương thằng nào sao chớ? Hổng có đâu mình. Hổng phải tui ốm ngén, cũng hổng phải tui để mắt thương ai, mà tui nhớ thắt ruộc thắt gang dọng hát tiếng đờn gánh hác. Tui xót ruộc lắm lận. Đêm tui nằm mở mắc thao láo hỏi bụng mình muống gì. Cái chưng tui không muống đi mà cái bụng không muống ở, bắc đi. Có bận tui ra chợ nhờ thầy bói quẻ hậu vận. Ổng nói số tui sanh không nhằm chổ. Niếu tui bỏ chổ tối ra chổ sáng, đời tui sẽ lộng lẩy phương phi, phác tài phác lộc, hổng thua gì ai. Ổng làm tui khó xử lắm lận. Tui si nghỉ tới lui. Những lúc một mình, tui khóc hết nước mắc. Niếu tui cam bụng như vầy suốt đời, thét rồi có bửa tui cầm dao cứa cổ tay mình cho coi. Lẽ vậy mà tui nhức định ra đi. Tui đau lòng lắm chớ. Có sáng láng gì đâu cái kiếp xướng ca dô loài. Nhưng biếc làm sao bây giờ, khi tui chỉ có một đời sống nầy để đi kiếm chổ sáng.

Tui lại má, lại mình ba lại. Ba nó hun con Xài thằng Ổi dùm tui chục cái. Tui là con đờn bà hư thúi, không xứng đáng làm dâu má, làm vợ mình, làm má tụi nó. Ba nó liệu kím người khác thế tui mà chắp nối chiện nhơn ngải. Tui gởi lại đây chiếc cà rá dàng tây hôm bửa mình đi cưới tui.

Chiện ra đi nầy là do mình tui quyết định, mình với má đừng nghi quan hay đổ thừa cho ai, tụi nghiệp cho người ta. Dới lại mình cũng không nên đi tìm tui, chỉ mất công dô ít.

Tui nói ít, mình hiểu nhiều.

Tui đi. Ba sắp nhỏ ở lại mạnh dỏi."

Cẩm run tay gấp lại tờ thơ ly biệt chân thành. Lá thơ không ghi tên người viết, nhưng suốt lúc Cẩm dò tay lên từng ngấn chữ xệu xạo, đọc nhỏ, khuôn mặt sắc sảo của chị Năm Quắn tỏ hiện vành vạnh. Chưa lần nào Cẩm thấy chị sa nước mắt hay than vắn thở dài, cớ sao khoảnh khắc ấy, dung nhan chị buồn bã vô biên. Không còn nụ cười làm duyên điểm trên gương mặt chị giả trang gái Ấn, Cẩm thấy chưng trong tủ kiếng tiệm chụp hình Điện Ảnh. Mất tăm cảm xúc nôn nao lúc chị bới tóc trái đào, vẽ chân mày, tô son điểm phấn cho Cẩm đóng tuồng làm tỳ nữ theo hầu chị về xứ Hà khê…

Cẩm day mặt, giơ tay áo dụi ngấn lệ dâng trào. Bên tai Cẩm, tiếng bà Sáu Phồng Tôm hỉ mũi lột sột. Vậy mà giọng bà nghe ráo hoảnh:

– Nói thiệt với cô Út, tui tụi nghiệp cho nó một, cho thằng con trai tui năm, cho hai đứa cháu nội mười. Khi khổng khi không tụi nó bị mồ côi má. Nhiều khuya nghe tụi nó khóc lóc ỉ ôi đòi má, ruột gan tui nghe như có ai băm vầm nát bấy.

Cẩm không biết nói sao. Linh tính Cẩm rợn lên cảnh tỉnh, bất cứ lời lẽ nào thốt ra lúc nầy đều không phải. Cẩm cúi mặt, gật đầu lặng lẽ. Bà Sáu cất lá thơ vô túi, hít mũi cái rột, đứng lên phủi đáy quần. Cẩm ngó theo dáng điệu người đàn bà thất thểu hai ống quần bên cao bên thấp. Bóng nắng rụng đốm lấp loé lưng áo bạc thếch. Cẩm bó chân ngồi xuống mặt đất phủ đầy xác lá, nghiêng mặt lên đầu gối. Dòng tóc xuân thì thanh thản sợi mềm che gò má. Cẩm nâng một lọn, ngậm giữa vành môi. Tóc mới gội, hương chanh mơn trớn khứu giác. Cẩm khép mắt, nén cơn xúc động từ đáy tâm tư trào dâng. Rồi bật ra tiếng nấc. Khắc giây ấy, Cẩm bần thần nhận ra mình đã thấu hiểu, rành rành như thể nắm bắt được nguyên do tại sao chị Năm Quắn bỏ chồng bỏ con, đoạn sông lìa đất trốn đi. Vì một lẽ rất giản dị: số chị sinh ra không nhằm chỗ, y như lời thầy bói đoán vận. Chị phủi bóng tối của sông ruộng mùa màng hiu hắt, tìm cách nhuộm màu tươi sáng lên năm tháng cho quãng đời còn lại. Quyết định ấy, có lẽ, đúng cho chị. Chỉ riêng chị.

*

Má mở mắt, tỉnh giấc. Tiếng gà gáy sáng lanh lảnh từng hồi. Má lẩm ngẩm nhớ lại giấc chiêm bao mới nãy. Lời thắc mắc hồn nhiên của Cẩm hôm nào bật trong trí, con đố má mình nằm chiêm bao thấy đen trắng hay nhiều màu? Má sửng mắt, bật cười, con hỏi ngộ chưa, má không nhớ đâu! Cẩm chắc nịch, còn con ưa nằm mộng thấy đủ màu, đẹp lắm má ơi! Vậy mà tại sao giấc mơ trong giấc ngủ má vừa rồi hình như chỉ vỏn vẹn hai màu đen trắng? Và hiếm hoi tiếng động, mặc dù cảnh tượng lố nhố đầy bóng người. Từng đoàn lũ lượt theo nhau. Họ đi đâu vậy? Có cả thằng Chúc trong đó. Và lạ lùng thay, nó đi lùi, diện mạo loáng ngời rực rỡ như có ai rọi đèn vô mặt. Không, đúng rồi, quang cảnh chiêm bao không phải chỉ rặt ròi hai màu đen trắng, mà rõ ràng vòm trời phía trước loe loé ánh đỏ. Thứ màu đỏ chành chạch sắt máu. Thoạt đầu chỉ là một viền chân trời, rồi chầm chậm loang ra, y hệt vết thương lấm máu lên manh áo trắng.

Lần đầu tiên trong đời, má chiêm bao thấy đủ màu sặc sỡ.

Má xoay người, choàng tay khép quanh ngực ba, tìm hơi ấm chia sẻ. Người đàn ông cựa mình, cổ họng mớ ngủ ư ử. Má úp mặt vô phiến lưng rộng. Hương mồ hôi ngọt đằm, thân thiết. Vòm trời nhuốm đỏ trong giấc chiêm bao loang thành nỗi bùi ngùi thương nhớ đứa con trai đầu lòng khi không biệt tăm biệt tích. Vòng ôm má siết lại. Ba mấp máy ngáy ngủ:

– Gì đó?

Má rủ rỉ:

– Em nằm chiêm bao thấy thằng Chúc.

Ba thở ra, không nói.

– Nó đi đâu, với ai đó không biết, đông lắm.

Nhịp thở ba trở lại đều đặn.

– Có điều lạ là em thấy màu trời đỏ ngầu nghe mình!

Má cao giọng nhấn mạnh. Ba an ủi:

– Nó nhẹ dạ, tụ bè kết đảng với bè bạn, dăm bữa nửa tháng rồi về.

– Nó day mặt đi thụt lùi, coi bộ hí hửng lắm, thấy mà đau lòng.

Ba cười nhỏ:

– Tại mình ưa nghĩ ngợi chớ làm gì có chuyện đó!

Má dụi mắt vô đầu tóc ba, mường tượng ra hương thời gian thanh xuân thuở nào xa lắc. Chưa một lần má chạnh lòng nghĩ chuyện mình có hạnh phúc hay không trong đời sống gia đình, cho tới lúc nghe cô con gái lớn dè dặt hỏi han. Châu làm má, đôi lúc tâm trí rảnh rang, thoáng chợt suy tư. Hạnh phúc là cái gì vậy? Nghe sao màu mè, bóng bẩy giống như đào kép đối đáp nhau trên sân khấu, hoặc đọc được đâu đó trong tiểu thuyết nhật trình. Nhưng, những ước muốn của má đâu có gì cao xa. Má chỉ cầu mong, gia đạo trong ngoài thuận thảo vui vầy. Vụ lúa, mùa cây trái mỗi năm tốt nắng nhuận mưa. Có vậy thôi, cớ sao nhiều khi chẳng được?

Má trở lưng, ngoảnh mặt trông ra vuông cửa lá sách lập loè ánh ngày, thở dài. Ba nghiêng người sóng đôi, gác chân lên đùi má. Hơi thở ông chờn vờn khoả lên ngấn cổ má mát rượi, hỏi khẽ:

– Chuyện gì làm mình lo nghĩ?

Má khép mắt:

– Phần nhớ thương thằng Chúc, phần lo lắng chuyện chi thu. Trận lụt vừa rồi làm hư hao vườn cây ăn trái nhà mình nhiều quá. Em sợ thất mùa.

– Mớ tiền anh đem về đưa mình đâu rồi?

Má thối thoát:

– Em cất riêng, chờ lúc ngặt nghèo mới đụng tới.

– Bữa trước anh với chú Năm ra kiểm miếng vườn, thấy mấy gốc mận đơm bông coi được quá.

– Mận bán được đâu bao nhiêu. Em chỉ lo cho vườn cam sành, xoài cát với lại vú sữa tím. Lúc thằng Chúc còn ở nhà, nó phụ hợ chú Năm bón quén nhiều việc lắm. Giờ đây nó…

Nói tới đó, má nghẹn lời.

– Không biết… ở đâu… làm gì?

Ba tìm nắm bàn tay má, thắt lại. Chờ cơn xúc động của má lắng xuống, ba mở lời dọ dẫm:

– Chuyện gì cũng có cách giải quyết. Không có nó thì có anh. Đối để chẳng đã, cả nhà mình dọn đi xứ khác.

Má bừng mắt, thị giác choáng váng níu lấy bóng ngày chạng vạng tươi màu, không tin ở tai mình.

– Ở Sài gòn anh có quen nhiều bạn thương gia trong Chợ lớn. Họ có thể giúp mình lúc chân ướt chân ráo. Vô thương bất phú. Hơn nữa quê mình độ rày coi mòi không yên.

Má cương quyết:

– Nhà mình có phải cường hào ác bá đâu mà sợ?

– Nhưng có ruộng đất, có nuôi người ở, tới mùa cấy gặt lại thuê mướn người nầy kẻ nọ, đối với họ đâu khác chi địa chủ. Hơn nữa ông nội sắp nhỏ lúc trước một thời giữ chức hương quản, có khi gây thù kết oán chi đó mà mình không biết.

Cõi lòng má chưa chi đã nhói đau từng chặp. Má chặt chịa:

– Bỏ đi sao đành, mình! Nói nào ngay, bụng em ưa than thở vậy, chớ chuyện cũng chưa tới nỗi nào.

Ba lắc nhẹ tay má như an ủi:

– Ờ, từ từ rồi tính.

Rồi ông trật vai áo má, ghé môi lên khoảnh da trắng xanh, ngón tay mọ mậy tìm mở hàng nút áo phấp phổng ngực đập. Má giơ tay chặn lại, hụt hơi:

– Thôi, mình!

(còn tiếp)

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng