- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Núi Đoạn Sông Lìa – phần 40

 

 NuiDoan-40

Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài.

 

(tiếp theo)

Đứa con gái ngồi đó, cách ngăn những xôn xao nhang khói của đám tang trong kia, không biết bao lâu. Cho tới lúc Cẩm nhận ra tiếng chân ai tới gần, quay mặt ngó. Thằng Được. Nó thản nhiên ngồi bệt xuống cạnh Cẩm, điệu bộ dè chừng không giống mọi lần. Cẩm cúi mặt làm thinh. Giọng thằng con trai ngập ngừng, nghe lạ hoắc:

– Mới bảnh sáng, tao thấy chú Năm hớt ha hớt hải chạy tới quán mua mấy xị rượu, nói bà nội mầy bị sao đó, chết rồi. Tan lớp, tao đi thẳng tới đây thăm mầy… Không thấy mầy đi học sáng nay, tao lo lo trong bụng. Cẩm, tao biết mầy… mầy… buồn lắm. Cho tao… buồn ké với mầy, nghe Cẩm!

Nước mắt Cẩm ứa ra xúc động, thút thít. Thằng Được lật đật chụp lấy cườm tay đứa con gái, lúc lắc. Cẩm gật nhẹ.

– Mầy muốn tao kể chuyện nghe cho đỡ buồn hông Cẩm?

Cẩm vẫn cúi gầm, không đáp. Thằng Được vạch lòng tay Cẩm ra, cong ngón trỏ lờn vờn theo đường chỉ tay ngoằn ngoèo lờ mờ.

– Má tao kể, người đàng Thổ ưa làm như vầy. Mỗi năm một bận, họ bắt mấy người già trèo lên ngọn dừa, rồi con cháu đứng ở dưới hè nhau rung. Ai té chết, họ lượm xác đem chôn. Ai còn sức bám, họ đem dìa nuôi tiếp, chờ ngày leo dừa lần tới.

Cẩm giật phắt tay về, ngoe nguẩy:

– Chuyện kỳ cục!

Thằng Được tỉnh queo:

– Mầy nghĩ coi, bà nội mầy già cúp thùng thiếc như vậy, không bị ai bắt leo dừa là may phước lắm đó Cẩm.

Cẩm sừng sộ:

– Lãng nhách!

Thằng con trai lắp bắp:

– Hổng phải… Tao hổng có bày chuyện đâu… Tao nghe má tao kể thiệt tình mà.

Cẩm dứt khoát:

– Tao không muốn nghe mấy chuyện ác nhơn thất đức như vậy.

– Con gái khó tánh. Kể chuyện ma, kêu sợ. Kể chuyện đàng Thổ, kêu ác.

Giọng đứa con trai đột ngột nhỏ lại:

– Mà nghĩ lại, ác thiệt. Té lọi bảng họng, đau thấy ông bà ông vãi… Ờ, bữa trước có con Mừng với bà già nào lạ hoắc chèo ghe tới quán má tao hỏi mua rượu đế.

Cẩm sửa lưng:

– Chị Mừng là người lớn, mình phải kêu người ta bằng chị, thầy giáo Hoàng dạy như vậy. Ủa, mua rượu chi vậy, bộ nhà chỉ có ai chết hả?

– Má tao có hỏi. Bà già nói, chị Mừng sắp đẻ, mua về rửa rún cho đứa nhỏ.

Cẩm ngớ mặt:

– Sao không uống mà rửa rún? Nói vậy, chị Mừng đẻ con rồi sao?

Thằng Được tài lanh:

– Sắp thôi chớ chưa đẻ. Còn phải đau bụng ba ngày ba đêm, mới rặn ra con. Nè, rún con nít mới đẻ dơ lắm. Giống như tao thấy có lần má tao lấy rượu đế rửa ruột heo cho khỏi hôi, nấu cháo lòng. Mà mầy thấy người ta đẻ con lần nào chưa vậy?

Cẩm xoe mắt:

– Chưa.

Thằng Được cong môi trớt quớt:

– Tao cũng chưa, nhưng heo nái đẻ con thì tao thấy rồi. Ghê lắm. Máu me bầy hầy, ngó muốn ói. Mà hổng biết heo con ở đâu chui ra lỗ đít nó, hết con nầy tới con kia, đếm hổng xuể. Coi bộ đau lắm, vì tao nghe nó kêu éc éc um sùm trời đất. Ờ, nghe nè, mầy có để ý chuyện nầy không Cẩm? Thú vật mới đẻ, sau đó chút xíu là đi đứng được rồi, còn con nít mới sanh, phải chờ tới cả năm mới biết lật biết bò, tập đi tập đứng, té u đầu sứt trán, cực thấy bà!

Cẩm nghiêng mặt, nhíu mày nghĩ ngợi, rồi vọt miệng cắc cớ:

– Được nè, sao tao thấy mầy tài lanh mấy chuyện trời ơi đất hỡi, còn bài học ở lớp mầy chậm lụt quá vậy?

Thằng con trai bị hỏi khó, đực mặt ngậm tăm một lát mới ấp úng:

– Ờ, ờ… hổng biết sao nữa. Có lẽ tại đói!

Câu trả lời của thằng Được bắt Cẩm xúc động, day mặt qua hướng khác, nheo mắt giấu ngấn lệ long lanh khoé mi. Cẩm nghĩ bụng, từ rày mỗi sáng đi học sẽ nhớ cầm theo trái chuối, cái bánh cho thằng Được ăn đỡ đói.

Câu chuyện đẩy đưa không đầu đuôi làm Cẩm nguôi ngoai nhiều lắm. Cẩm sực nghĩ tới mấy câu chú mới nghe khi nãy: "Chuyện tử sanh vô chung vô thỉ. Như mây trời khi hiệp khi tan. Đi về hai lẽ một đàng. Vô thường một cõi thênh thang chín từng…" Ừ, phải rồi, bà nội tới tuổi già, chết là lẽ đương nhiên, làm sao tránh khỏi. Bà đi, còn chị Mừng sắp sửa xẻ thịt banh da, ban sự sống cho vong linh ai đó vất vưởng trở về.

Cẩm ví von:

– Ờ, chuyện sống chết như mây trời khi hiệp khi tan, đố ai biết được.

Thằng con trai chưng hửng:

– Quớ, khi không nói thơ Vân Tiên, hổng hiểu gì ráo.

– Hổng phải thơ Vân Tiên đâu, mà tao nghe sư ông tụng kinh hồi nãy.

– Mà mầy biết ai làm cho cái bụng chị Mừng chè bè chang bang như cái trống chầu không nè?

Không dưng Cẩm đỏ mặt, buông giọng cộc lốc:

– Không biết.

Nói vậy, nhưng Cẩm không khỏi nhớ lại lần cả nhà với làng xóm gần xa chạy lên núi Phụng tránh lụt. Chị Mừng bị kẻ gian làm hỗn, sư ông nhờ thầy giáo Hoàng tụ họp mọi người lại, hỏi cho ra lẽ. Hôm đó vắng mặt anh Chúc với vài người đàn ông khác. Bữa sau họ về, đem gạo không biết lấy ở đâu tới đong đầy mấy cái khạp lớn dựng trong kho lẫm sau chùa. Chỗ đó, Cẩm và anh Chung đã có lần léo hánh tới, vì tò mò. Đám con nít ưa trả treo thách thức nhau, đố đứa nào dám vô đó lúc chạng vạng tối! Hỏi sao vậy, sẽ có đứa le lưỡi sợ sệt kể, trong đó dựng lủ khủ lu khạp lớn nhỏ, sư ông dùng ếm ma nhốt quỉ. Quỉ lớn lu lớn, ma nhỏ khạp nhỏ. Đứa khác còn vẽ vời thêu dệt nhiều chuyện khiếp đảm: "Còn quỉ đực quỉ cái lấy nhau đẻ con có bầy hả, sư ông phải túm bắt tụi nó nhốt trong chum hứng nước mưa mới đủ chỗ. Không nhốt chung, tụi nó nhớ nhau, ban đêm kêu gào than khóc, nghe rởn tóc gáy luôn!"

Nóc kho lẫm lợp ngói úp ngửa âm dương, cột kèo gỗ trơn, vách bổ kho đen thín, xây trên vuông đất nện, cao ba bậc thềm. Chỉ thấy độc nhất một cửa ra vô, ngày mở đêm đóng. Tàn đa cổ thụ xoè lá che bóng âm u bên cạnh. Rễ mẹ rễ con loằng ngoằng lưng rắn bò quanh đất, lủng lẳng ngắn dài xuống mái ngói rêu bám, ngó như ngàn ngón tay âm binh chực chờ úp lại. Lúc anh Chúc cùng mấy người trai tráng khuân gạo vô kho, anh Chung rủ Cẩm theo coi. Bữa đó trời không mưa, nhưng chít mây nặng trịch như ngậm thuốc bắc, phải thắp đèn dầu. Không biết từ đâu diều quạ kéo về, liệng cánh oang oác.

Cẩm với anh Chung lấp ló rình rập sau thân cây, hồi hộp chờ chứng kiến cảnh tượng rùng rợn, khi người ta mở nắp khạp. Cẩm tưởng tượng, cô hồn các đảng tù túng, đói khát lâu ngày sẽ thừa dịp tuôn ra có nùi. Vậy mà không thấy ai tỏ vẻ gì sợ hãi. Đám đàn ông trai tráng vừa làm vừa hát vọng cổ, cà rỡn chuyện tiếu lâm rân trời. Chờ hoài chờ huỷ, tuyệt nhiên không thấy chuyện gì xảy ra. Không thấy ma cũng chẳng thấy quỉ. Bầy chuột nhắt túa ra tứ tán. Không gian phảng phất quanh quất mùi mốc meo ẩm thấp… Chỉ có vậy.

Từ bữa đó Cẩm không còn tin lời xạo sự của mấy đứa trẻ con nữa.

Thằng Được nhỏ giọng rù rì:

– Mầy nghe rồi quên nghe Cẩm! Chị Mừng bị thầy Ba mù ếm con vô trỏng làm bụng bự đó!

Cẩm nhăn mặt:

– Chi ác vậy?

– Để chỉ khỏi bỏ ổng đi, chớ chi nữa.

– Sao mầy biết?

– Thì nghe người ta kể chớ sao! Bộ mầy chưa biết chuyện thầy Ba ếm bùa nuôi ngải giỏi số một đất Ngàm Long nầy sao? Thẩy không ưa ai hay được ai đưa tiền, thẩy ếm miếng da trâu, hột gà hột vịt vô người đó. Bị ếm da trâu còn đỡ, chỉ bị mọc lông ngứa ngáy với lại coi dơ dáy, xấu xí thôi, chớ trúng nhằm trứng gà trứng vịt, nó nở ra con trong bụng, mổ lủng dạ dầy, chết đau chết đớn không kịp ngáp nghe Cẩm!

Cẩm còn hồ nghi:

– Nói vậy, gà vịt ở trong bụng người ta ăn cái gì để sống?

Thằng Được lẹ miệng:

– Ăn mấy thứ người ta ăn, chớ còn cái gì nữa.

Cẩm làm thinh, nhớ lại mặt mũi dáng vẻ chị Mừng lần đó trên núi Phụng. Chị thường quanh quẩn bên chuồng gà vịt, thơ thẩn một mình vô rừng đào trùn, bắt cào cào châu chấu đem về cho chúng ăn. Hôm nào trời đẹp, thấy chị ngồi duỗi chân, nghiêng mặt nhắm mắt hứng nắng sáng, tay luồn vô đám tóc bù rối, mằn trứng chí. Được trứng nào, chị bỏ vô miệng cắn trệu trạo. Có lúc thấy chị xoạc chân, dán mặt xuống tấm kiếng con đặt trên hàng ba lót gạch tàu, nặn mụn trứng cá, mê mẩn quên trời quên đất. Thoạt đầu lũ trẻ con thấy lạ, bu quanh chọc ghẹo. Chị im re, không phản ứng. Riết rồi chán, không đứa nào để ý tới chị nữa. Cho tới bữa, Cẩm cùng đám con nít chen lấn bu sát cửa sổ hàng ba nhà trai, vảnh tai nhóng mắt hóng chuyện người lớn hạch hỏi chị Mừng về cái đêm chị đi đái, rồi bị ai hiếp đáp sao đó. Chị Mừng ngó mặt thiểu não, mét xanh mét chằng như đàn bà mới đẻ. Đứng muốn không nổi. Lắp bắp, thút tha thút thít không thành câu. Bên tai Cẩm còn văng vẳng lời chị Ba Khởi rủa xả sau đó: "Tui mà túm được cái thằng khốn nạn hãm hại con Mừng là tui băm vầm nó nát thây, liệng cho chó ăn!"

(còn tiếp)

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

1 Comment (Open | Close)

1 Comment To "Núi Đoạn Sông Lìa – phần 40"

#1 Pingback By Tin thứ Sáu, 28-03-2014 « BA SÀM On 27/03/2014 @ 12:26 pm

[…] Núi Đoạn Sông Lìa – phần 40 27/03/2014 […]