Trang chính » Biên Khảo, Câu chuyện Nghệ thuật Email bài này

Bí ẩn quanh các bức Hoa Diên Vĩ (Irises) lẫy lừng của Van Gogh

Iris-01_thumb.jpg

 

 

 

Tình cờ một ngày cuối đông tôi ghé thăm Viện Bảo Tàng Getty ở Santa Monica, Hoa Kỳ. Tôi có cơ hội đối mặt với một trong những bức vẽ hoa Diên Vĩ “Irises” nguyên thủy(original) của danh hoạ Van Gogh. Bức này là bức đắt giá thứ ba của ông, so với bức “Dr. Gachet” là một trong những bức tranh đắt giá nhất thế giới. Bức chân dung bác sĩ Gachet là người chăm sóc ông trước khi ông qua đời được bán đấu giá năm 1990 với giá 82.5 triệu đô.

Bức “Irises” hiện nay thuộc sở hữu của Getty Museum. Đứng trước bức tranh nguyên thủy nổi tiếng này, tôi tự hỏi không biết nó đẹp và hay ở chỗ nào mà lại đắt giá đến vậy. Tôi hỏi người hướng dẫn, hiện tại nó trị giá bao nhiêu? Bà ta từ chối trả lời mà bảo, nó “vô giá”. Đó là một cách trả lời khôn ngoan nhất của Getty Museum. Từ xưa tới nay, Getty luôn luôn dấu kín giá của những sưu tầm có được, kể cả các báu vật quý hiếm. Nếu chúng ta tò mò muốn biết giá phỏng chừng của nó trên thương trường, ta có thể phỏng đoán từ sự kiện nó được đem ra đấu giá năm 1987. Cách đây 26 năm nó đã được Alan Bond, một nhà buôn tranh mua với giá 53.9 triệu đô và sau đó Getty là một bảo tàng viện giàu nhất trong các bảo tàng viện thế giới bí mật mua lại với 1 giá kinh khủng nào đó không ai biết. Phải nói là, những tác phẩm nghệ thuật đối với khách thưởng ngoạn nếu không biết và hiểu thì nó chẳng có giá trị gì, nhưng với người yêu thích mà am tường thì nó quả vô giá. Do đó Getty không bao giờ tiết lộ cái giá họ trả vì cho dù nếu họ mua quá đắt hay quá rẻ, cả hai điều này đều vô nghĩa với giá trị nghệ thuật chân chính của tác phẩm đó.

 

Iris-01

 

Bức “Irises” này được Van Gogh thực hiện năm 1889 trong dưỡng trí viện Saint Paul-de-Mausole ở Saint-Rémy-de-Provence, France, một năm trước khi ông qua đời năm 1890. Nó được ông vẽ trước khi bị đột quỵ nên người ta có thể nhận ra sự tĩnh tâm may mắn có được trong tác phẩm cuối đời này của ông. Bức này chịu ảnh hưởng của kỹ thuật tranh in mộc bản (Ukiyo-e woodblock prints) của Nhật Bản, cũng như trong phần lớn các tác phẩm khác của ông. (Loại tranh in bằng bảng khắc gỗ của Nhật Bản được ra đời trong khoảng thế kỷ từ 18, được lưu dụng đến thế kỷ 20, lúc đó hầu hết các hoạ sĩ trên thế giới đều chịu ảnh hưởng loại tranh này).

Từ nơi an trí của bệnh viện tâm thần ST Paul-de-Mausole, những tác phẩm lẫy lừng ra đời như phút dương quang bừng dậy của người hoạ sĩ tài danh. Thiên nhiên, cây cỏ, côn trùng và nhất là hoa rực sáng, và tươi nở trong tim ông. Qua khung cửa trải đầy màu vàng chín của cánh đồng lúa mì và sắc xanh của cây ô –liu già, bức “Diên Vĩ” với sắc lam tím đã ra đời miêu tả trọn vẹn những cảm xúc buồn bã, cô độc, vui, buồn, giận ghét trong một con người chịu nhiều sóng gió. Người hoạ sĩ nghèo khó, cô đơn này đã từng tự cắt tai vì mất tình bạn với Gauguin, đặt tay trên lửa nóng và kết thúc cuộc đời vô vọng của mình bằng một phát súng trên cánh đồng lúa mì gần nhà thương điên.

Nếu bạn hỏi tôi, tìm thấy gì trong bức Diên Vĩ này, xin chia sẻ cùng các bạn cảm nghĩ của tôi khi đứng trước nó.

Nó đánh mạnh vào thị giác của người xem bởi những gam màu sắc tuyệt đẹp. Trong khoảnh khắc của một cận ảnh, bạn như đang đứng trước một vườn hoa Diên Vĩ rực sắc xanh tím lạ kỳ, sống động, mạnh khoẻ và bừng sáng. Người xem như bước thật sâu vào tranh và đang là một đoá xanh lam tím trong những đoá xanh. Tôi để ý thấy được một đoá màu trắng to, khoẻ, ở bên góc trái bức tranh, nở miệng trái tim cười. Tôi đoán đó là hiện thân của Van Gogh, không biết bạn có nghĩ như tôi không?

Những thân lá uốn éo tạo những nét cong, gẫy, ấn tượng, thể hiện tâm hồn yếu đuối của nghệ nhân. Những ảo giác mơ hồ trùng điệp trong rừng hoa như vẻ vừa u buồn lại man dại của sắc xanh pha lam tía, khiến tôi liên tưởng đến sức mạnh thiêng liêng của Mẹ Đất(Earth Mother) giờ đang bị tổn thương. Nó hệt như tâm hồn cô đơn, quằn quại của Van Gogh khi đã tìm được khoảnh khắc an bình thanh thản khi sáng tác bức Diên Vĩ này. Qua đó, bạn có thể trực diện cảm nhận được niềm tin thần thánh của hoạ sĩ về thiên nhiên và nghệ thuật.

Mỗi một bức về Diên Vĩ, ông vẽ mỗi khác. Ông cẩn thận nghiên cứu hình dáng và chuyển động của chúng kể các bóng rọi, bóng nghiêng, nét uốn lượn, quằn quại, rợn sóng. Ông để ý quan sát và tạo hình chúng như chính ông là hoa Diên Vĩ vậy. Đến nỗi Octave Mirbeau, một nhà phê bình nghệ thuật người Pháp, chủ nhân đầu tiên của bức “Irises” phải thốt lên rằng“Bằng cách nào mà Van Gogh thấu hiểu sự thanh tú tự nhiên của hoa cỏ tinh tế đến vậy

Trong khi bức “Vase of Irises”(Bình hoa Diên Vĩ) ông thực hiện một năm sau(1890) thì khác. Bức này hiện thuộc về bộ sưu tập của viện bảo tàng Metropolitan Museum of Art ở New York.

 

Iris-02

 

Ông không dùng lối vẽ đắp nặng nề và sắp xếp màu đen làm viền nữa. Bằng những nét cọ nhỏ đặc thù quen thuộc, người hoạ sĩ xứ Hà Lan lần này đã phối màu nhẹ, mát mắt và ít dữ dội hơn. Ông xử dụng màu lam tía, xanh lá cây, xanh nước biển đối chọi lại ánh sáng của nền và màu trắng của chiếc độc bình với những điểm vàng trong bó hoa như màu tương phản. Màu xanh của chiếc bàn lập lại màu xanh thân lá của những cành Diên Vĩ, tạo dáng chủ đạo trong nghệ thuật xắp xếp của bình hoa và phả lên nét nhìn thanh nhã thẳng đứng.

Tôi tìm thấy gì trong bức Diên Vĩ này?

Cũng như lần trước tôi tìm ra Van Gogh như ẩn hiện trong một đóa hoa bên góc phải bạn ạ. Để ý kỹ, bạn sẽ thấy bên góc phải một đóa hoa với ba cánh đang tàn úa với màu sắc khác lạ. Nhất là cái cánh hướng về phía dưới trông giống khuôn mặt người với cái miệng là một đốm màu vàng. Cánh hoa tàn ấy mang tâm trạng u uất, hoang mang và hỗn loạn của một người đang quyết định cho mình một chọn lựa dứa khoát, một chia ly.

Bức tĩnh vật “Bình Hoa Diên Vĩ dựa trên nền vàng”(Vase with Irises Against a Yellow Background). Bức thứ ba này hiện thuộc sở hữu của Van Gogh Museum tại Amsterdam, The Netherlands, Europe. Nó được thực hiện năm 1890 có lẽ là Bức Diên Vĩ cuối của đời ông.

 

Iris-03

 

Ông đã phân tích bức hoạ của mình cho người em là Theo hiểu khi viết thư cho Theo vào tháng 5, ngày 11 và 12:

Bó hoa tím được đặt trên nền vàng chanh sáng cùng sắc vàng tương phản của chiếc độc bình, mang lại ấn tượng lớp màu này chồng lên lớp kia. Tuy nhiên sự tương phản khiến mỗi màu sắc nổi bật nét riêng của mình.”

Dựa vào bức hoạ này, Dale Larner với một suy luận dựa trên một vài chứng cớ nào đó đã đưa ra kết luận rằng VanGogh chính là Jack The Ripper một kẻ sát nhân. Dale tuyên bố sau 3 năm nghiên cứu ông đã tìm ra VanGogh, một bệnh nhân tâm thần với bề ngoài nhút nhát nhưng chính là kẻ sát nhân hàng loạt có tính toán. Năm 2004, sau khi đọc những lá thư của VanGogh, Dale bắt đầu nghi ngờ và so sánh khuôn mặt của Mary Kelly, một nạn nhân của Jack The Ripper bị giết ở LonDon, với bức hoạ nói trên. Dale cho rằng khi nhìn những bông hoa Diên Vĩ trong bức hoạ được VanGogh tạo hình, mỗi bông là một mảnh thân thể của Mary. Đây là website mà Dale Larner trình bày giả thuyết của mình. (http://vincentaliasjack.com/VanGogh_Ripper_Irises.html). Nhiều người đã vào tìm đọc và phê bình, có người tin, có người cho suy luận mơ hồ không căn cứ, Larner tưởng tượng quá mức. Hoặc giả đây chỉ là một scandal không gây được một tiếng vang nào đáng kể.

Phút gặp gỡ đầu tiên giữa tôi và bức “Hoa Diên Vĩ” số 1, giống như phút giây tôi biết đến Van Gogh lần đầu. Sau phút tao phùng sơ ngộ ấy, tôi tìm hiểu thêm về người và tranh, mới bật ngửa ra rằng, chưa bao giờ nghệ thuật, con người và số phận lại quấn lấy nhau riết róng, bền chặt và bi thảm dường ấy như trường hợp của Van Gogh. Thiên nhiên, cuộc đời, tay vẽ, đam mê và những xúc cảm trong con người ông hoà quyện với nhau làm một. Trong suốt 10 năm ông làm hội hoạ, hơn 500 tác phẩm khác nhau ra đời. Mỗi bức tranh, mỗi trang đời, trong mỗi giai đoạn, là mỗi một câu chuyện trong cuốn hồi ký dài 500 trang tự thuật. Ông đã để lại cho thế giới một kho tàng, một bộ sưu tập mỹ thuật sáng tạo vô giá gồm những cái đẹp của một vũ trụ hỗn mang, chao đảo.

Tôi xin dùng một lời phát biểu của Hoạ Sĩ Nguyễn Thuyên về VanGoh để thay lời kết:

Mỗi họa sĩ, sau khi thừa hưởng di sản quá khứ sẽ đẩy được hội họa tới trước được bao xa? Dù chỉ là một chút xíu? Lúc trẻ tôi không chiêm nghiệm được cái lớn của Gauguin và Van Gogh. Mỗi họa sĩ đều phải đi con đường khổ ải của chính mình và giải được những câu hỏi của con Sphinx trong nghệ thuật. Sau khi cố gắng làm tranh có vẻ như có 3 chiều, Gauguin và Van Gogh hiểu rằng việc chấp nhận hai chiều sẽ làm tranh có tính tạo hình(plastic) nhất, hiểu tại sao họ thích tranh Nhật. Những mảng phẳng dẹt , và bút pháp của hai ông là điều chưa từng thấy, nó giải phóng tay vẽ, theo tôi Van Gogh chỉ vẽ có một lớp dầy, và hoàn tất, nó đòi hỏi sự điêu luyện biết chừng nào. Và màu sắc, có ai thấy một palette như bức này trong lịch sử hội họa Tây phương trước đó? Và màu của Gauguin nữa, chúng là những bữa tiệc trần gian mà người say mê hội họa không bao giờ biết chán.”

bài đã đăng của Trịnh Thanh Thủy

Cancel


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

11 Bình luận

  • Nguyên Yên says:

    Bạn Nguyễn Tuân mến,
    Nghệ thuật cũng như tình yêu, khi chạm được trái tim của những kẻ “man man” thì cái giá phải trả là “vô giá”!

  • nguyễn văn says:

    Xin có đôi điều về các bức tranh hoa Irises (diên vĩ) của Vicent Van Gogh. Trong cả ba bức tranh này, theo cảm nhận riêng của mình, tác giả ví mình với hoa diên vĩ. Bức Irises thứ nhất vẽ hoa diên vĩ trong tự nhiên, ý nói khi ông còn tự do sống bên ngoài. Bức thứ hai vẽ hoa diên vĩ được cắm trong bình, ý nói lúc này ông đã sống cách ly khỏi môi trường tự nhiên, bó buộc trong bệnh viện tâm thần. Bức thứ ba, cũng là bức cuối cùng, vẽ hoa diên vĩ bắt đầu héo rũ trong bình, ý nói cuộc sống của ông đang chết dần mòn. Và như ta thấy, ông đã kết thúc cuộc đời mình bằng cách tự sát bằng súng trong cánh đồng lúa mì gần nhà thương điên vì không chịu nỗi cuộc sống bệnh tật, tù túng. Ngay cả cái chết, ông cũng muốn được tự do chết giữa thiên nhiên. Thưc ra đây là những bức tranh ông mượn hoa diên vĩ để nói lên tâm sự của mình.
    Có lẽ câu chuyện này cũng nên tạm dừng ở đây. Trân trọng.

  • HuuPhuc says:

    Minh toàn xem tranh của các danh họa qua ảnh, thật nghen tỵ với những người được tận mắt các bức tranh đó. Riêng Nguyen Tuan bạn đã đi xem buổi triển lãm tranh nào chưa? chứ xem tranh qua ảnh thì khó có cảm xúc lắm. Cả thế giới này “diều man man” chứ không chỉ “là một nhóm người man man nên hay tưởng tượng miên man!!!” Như bạn nghĩ. Bạn lạc lõng…

  • Nguyen Tuan says:

    Chào các Anh Chị…
    Trước hết, Tôi xin cảm ơn những lời góp ý hay chửi tôi của các anh chị! Vì ít nhất nó cũng làm cho những nhận định của tôi về những người tự gọi mình là am hiểu nghệ thuật, có tâm hồn đẹp nên mới am hiểu cái đẹp… Thực ra chỉ là một đám những người như tôi đã comment ở trên. Cứ cố tỏ ra là hiểu cái đẹp nhưng thực ra chả có cái gì đẹp hết.
    ( Giống như câu Truyện ” Hoàng Đế cởi truồng vậy”)
    Trang này ngoài những bài này ra thì còn nhiều thứ khác, đâu nhất thiết phải là tranh. Tôi không hiểu biết nên muốn tìm hiểu thêm xem cái đẹp của bức tranh này thế nào, do vậy những lòi góp ý chân thành , sự phân tích , hướng dẫn sẽ tốt hơn là thái độ hằn học, khinh người. Vậy nên Tôi khẳng định lại một lần nữa quí vị chả có cái gì để hướng dẫn, giải thích….rõ ràng toàn là tưởng tượng vớ vẩn, rồi nói phét.

    Xin hãy sống thực tế-! như vậy ít nhiều sẽ tốt hơn cho xã hội…

    Chân Thành.

  • HS Rừng says:

    Bài viết dọc rất thú vị.Còn về giá cả thì thuộc về business rồi. Ý kiến Nguyễn Tuan hơi lạc dề nhưng cũng co thể hiểu được. Giá tranh các bậc thầy là vô giá, vì nhiều lý do,trong dó có lý do dầu cơ của giới buôn bán tranh ( hầu hết là người Do Thái) Giá cả là do họ làm thôi.

  • VINH PHẠM says:

    Cậu Nguyễn Tuấn. Nhẽ ra tôi không nên viết it dòng này vì:

    1 / Có thể cậu giả vờ không hiểu về giá trị của những sản phẩm thuộc về trí tuệ, văn hóa mang tầm cỡ thế giới ( Nó vô giá chứ không chỉ 56 triệu đô la đâu nha )

    2 / Phí thời giờ của tôi và bạn đọc vì ” một thằng Bờm” thời đại.

    Nhưng nếu tôi không viết it dòng này, thì thấy trong người rất khó chịu. Thôi thì ta viết chơi để xả bớt cái khó chịu đi . Âu cũng mua được một nụ cười vậy.

    Cậu Tuấn còn nhớ chuyện thằng Bờm hồi còn học vỡ lòng không? Tôi kể lại nha:

    Thằng Bờm có cái quạt mo
    phú ông xin đổi ba bò chín trâu
    Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu

    phú ông xin đổi một bè gỗ lim
    Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim

    phú ông xin đổi một xâu cá mè
    Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè

    phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười.

    Không ngờ thời đại này mà vẫn còn những thằng Bờm như thế.
    Cậu Tuấn nhẩy!

    phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười.

  • Độc giả Nguyen Tuan “không phải là người mê tranh, càng không hiểu gì về tranh”, thì nên đến chỗ nào không có tranh mà vui chơi, chứ tại sao lại vào đây để nói nhảm như thế nhỉ?

    Người xưa nói: “Đàn khảy tai trâu”. Thật vậy, và vì thế con trâu chẳng bao giờ nghe nhạc, và cũng chẳng bao giờ mạn đàm về âm nhạc.

  • Diên Vĩ 鳶尾 là đuôi con chim diều, hawk. Hoa Iris còn có một tên khác rất bình dân là Hoa Mống Mắt. Có lẽ người nào đó dịch từ chữ iris nghĩa là mống mắt tức là phần tròng đen, hoặc xanh, hay nâu, của con mắt. Iris trồng 1 lần, mùa xuân hoa nở nụ, khai hoa, tàn. Năm sau lại lên chồi mới tiếp tục. Iris trồng từng đám mới đẹp. Hoa Mống Mắt cái tên nghe dễ thương và có ý hơn tên Diên Vĩ đuôi chim diều hâu.

  • Đoàn Chính says:

    Không nhất thiết tôi thích bài viết của Trịnh Thanh Thủy . Nhưng những comments của Nguyen Tuan làm tôi thắc mắc: “Nguyen Tuan lang thang lên Da Màu để làm gì?”

  • Nguyễn Đức Tùng says:

    Bài viết kỹ, nhiều thông tin, nhận xét hay quá.
    Cũng đẹp như tranh.

    Nguyễn Đức Tùng.

  • Nguyen Tuan says:

    Thật tình, tôi không phải là người mê tranh, càng không hiểu gì về tranh. Nên với tôi giá trị của nó bằng O. Tất cả những giải thích về tranh toàn là trừu tượng, kiểu như vống lên. 53 triệu USD cho bức tranh này!?? Thật điên rồ.
    Có bao nhiêu người trên thế giới này hiểu về cái gọi là nghệ thuật chơi tranh…hay gì đó? rồi thì cái gọi là chuyên gia tranh!!!?.Những bức tranh này mang lại lợi lộc gì cho con người!!!?. Chỉ là một nhóm người man man nên hay tưởng tượng miên man!!!

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)