Trang chính » Dịch Thuật, Sáng Tác, Sang Việt ngữ, Truyện ngắn Email bài này

Ur

♦ Chuyển ngữ: 0 bình luận ♦ 10.01.2014
Book-cover_thumb.jpg

 

Book-cover

 

Alicina Lubitch Domecq, sinh ở Guatemala năm 1953, là tác giả tiểu thuyết El espejo en el espejo: o, la noble del perro. (The Mirror’s mirror: or, The Noble Smile of the Dog, 1983) và tập truyện ngắn Intoxicada (1984). Tác phẩm của bà có mặt ở Hoa Kỳ, Âu Châu, Châu Mỹ La-tinh và Israel.

 

 

“Bố giữ điều bí mật nho nhỏ của bố ở Ur.”

Bố tôi không bao giờ muốn nói về Ur. Hầu như ông tan biến vĩnh viễn vào nơi ấy. Khi dùng tiếng Tây Ban Nha, ông phát âm chữ ấy một cách gượng gạo nhưng với một sự chăm chút vô cùng tỉ mỉ: U-rờ. Vốn là đứa tò mò, tôi không ngừng tự hỏi: Chỗ ấy ở đâu? Và đó có thực là một địa danh không? Có ai đã từng sống ở đó không?

Có một lúc, bố ngập ngừng nói về Ur: thì nó là một địa danh, un lugar, đầy đủ, với những dinh thự, một bệnh viện, một nhà tắm công cộng, và một hàng rào khổng lồ. Vậy thôi, bố không chịu mô tả gì thêm nữa. Thay vào đó, ông chìm vào im lặng, như thông lệ.

Cái im lặng sâu thẳm và đầy tang chế.

Tôi dám nói rằng im lặng là cách diễn đạt của bố tôi.

Thực ra trong bao nhiêu năm trời, tôi đã cố gắng tìm một giải thích cho riêng tôi, chứ không cho ai khác, xem những khoảng im lặng ấy của bố tôi nói lên điều gì: sự thiếu vắng ngôn từ? Không hẳn vậy… có lẽ là sự xen kẽ giữa những ngôn từ. Hay hơn nữa, là sự đảo ngược ngôn từ, cùng một cách thế với việc định nghĩa rằng bóng tối không phải là sự vắng mặt của ánh sáng nhưng chỉ là một gam màu khác biệt.

Bố ganh tị với mẹ. Ông nói về nguồn gốc Mixtec của bà với sự pha trộn giữa niềm ái mộ và sự ghen tức, về huyền thoại tạo dựng được người Guatemala truyền tụng, và về những thần linh có hình sư tử khắc trên những khung hình mặt trời, một đấng toàn năng và thông thái. “Với người Mixtec,” một lần nọ bố bảo tôi, “Thượng Đế nhân từ. Con người biết tôn trọng đồng loại.” Ông than phiền rằng Do Thái Giáo không đem đến cho ông bí quyết chịu đựng sự thâm nhập của Ur.

Tuy vậy ông từ chối nói về sự thâm nhập ấy. Sự từ chối ấy không chỉ đơn thuần bộc lộ ra thành vẻ bình thản. Trong lòng ông có một đám lửa hừng hực cháy. Tôi nhớ bố tôi như một con người đầy lo âu nhưng không khoan nhượng, một kẻ luôn bị chứng mất ngủ.

“Mẹ chuyện trò với con còn bố thì không. Mẹ nói cho con về nguồn gốc Mestizo của mẹ. Nói về bố, về những gì bố đã trải qua ở…”

“Ur chứ gì?” Bố tôi ngắt lời.

“Vâng,” tôi trả lời, “về xứ sở Ur.”

Cuối cùng, một buổi tối kia bố tôi mở miệng.

Không, mở miệng là những từ ngữ không chính xác: bố tôi chỉ dồn nén niềm im lặng vào một góc, thuần hóa chúng, và thả lỏng lưỡi của mình.

Dù vậy ông cũng chẳng nhiều lời bao nhiêu. Chỉ có vài chữ. Nhưng trí tưởng tượng của tôi, từ bao nhiêu thập niên khao khát tìm tòi, đã lấp đầy những khoảng trống. Bố tôi nói về một người ở Ur mà cả thế gian này xoay quanh ông ta: Das Kommandant. “Là người làm công, người đầy tớ, người nô lệ của hắn ta, bố sống nhờ vào sự thương hại của hắn. Bố là vật mẫu để nghiên cứu. Hoặc nói cho sang hơn một tí thì bố là một cộng tác viên.” Bố tôi thốt ra lời nói cuối cùng không buồn che giấu niềm hổ thẹn của mình. “Bố giúp hắn gieo rắc kinh hoàng. Bố chìm vào nhục nhã. Những người ở Ur nhận ra bố là cánh tay mặt của hắn. Họ thù ghét bố. Dù sao, cũng chẳng nên trách họ. Họ đã từng yêu mến bố, nhưng lòng yêu thương ấy càng lúc càng nhiễm đầy nọc độc.” Hiển nhiên là bố tôi đã vượt quá giới hạn.

Gia đình của bố tôi tan tác ngay thời kỳ đầu của cuộc chiến. Ông bị chuyển tới trại tập trung bằng xe lửa. Là tù nhân, ông sống lây lất hơn một năm trời. Cuối cùng, bố tôi trốn vào rừng giữa mùa đông, nơi ông tham gia quân kháng chiến cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Tôi không biết gì thêm về cuộc hành trình của bố tôi. Sau khi ông mất vì cơn đau tim ở cái tuổi ngoài sáu mươi, mẹ tôi kể thêm cho tôi nghe. Bà cũng không biết gì nhiều. Vì vậy tôi để trí tưởng tượng của mình lấp đầy những ngăn trống – những khoảng im lặng. Tôi hình dung ra, cho riêng tôi, toàn diện hành trình của bố tôi ở Ur, và mối quan hệ của ông với Das Kommandant.

Tên Quốc Xã là một gã quan liêu ở lứa tuổi ba mươi. Quân phục của hắn luôn luôn tươm tất, tóc tai hắn bao giờ cũng chải đúng một kiểu. Hắn để ria mép. Hắn là người đàn ông đẹp trai và đầy kiêu ngạo; hắn phô bày một óc khôi hài độc địa. Hắn chọn bố tôi để làm những việc nội trợ, lau chùi sàn nhà, chẻ củi, lau chùi ống khói lò sưởi.

Hai người có cảm thông với nhau không? Có điều gì đó giữa hai người khác hơn mối quan hệ chủ tớ? Dù sao bố tôi cũng đã thực hiện nhiệm vụ quản gia của mình một cách chu đáo.

Ur là chốn tối tăm, ảm đạm. Mặt trời vắng bóng. Không khí khô hạn.

Bố tôi được đối xử một cách đặc biệt: ăn ngon hơn những người khác, thực đơn của ông dồi dào nhờ vào lòng thương hại của kẻ cung cấp, đôi khi ông được phép ngủ dưới tầng hầm, xa hẳn khu lán trại… Bố tôi ngẫm nghĩ, so sánh những quyền lợi ông được hưởng, sự đối xử đặc biệt, với phần đời trước đó của mình khi chưa được Das Kommandant để mắt tới. Và ông luôn luôn chơi vơi giữa lòng biết ơn và sự thù hận.

Bố tôi tự nhủ: “Ít ra khi phục vụ hắn, mình cũng có thể giúp đỡ những người khác bằng…” Được biết là chủ nhân của bố tôi – dùng chữ chủ nhân chẳng biết có đúng không – mắc chứng bệnh nan y, bắt đầu bằng triệu chứng mất dần thị giác, tiếp theo là chứng teo cơ bắp, và sau cùng chuyển sang tê liệt toàn thân. Bố tôi đã có thể lợi dụng tình trạng bấp bênh của gã cai tù để cải thiện điều kiện sống của những tù nhân khác.

“Bố giữ một điều bí mật ở Ur.”

Das Kommandant thử đủ mọi loại thuốc men khác nhau, gửi đến từ Berlin, nhưng chẳng thứ nào giúp được hắn. Bệnh viện ở Ur là một phòng thí nghiệm nơi bọn Quốc Xã dùng trẻ em làm vật thí nghiệm. Chẳng một người Đức nào dám đến đó để điều trị. Thế nên ông chủ của bố tôi lặn lội đến những nơi xa lơ lắc (như Leipzig hoặc xa hơn nữa) để chữa chạy.

Dù vậy, mắt hắn ta càng lúc càng mù nặng hơn, và việc đi lại của hắn càng lúc càng khó khăn. Điều này, may thay, lại khiến hắn ta lệ thuộc nhiều hơn vào bố tôi. “Bố thành y tá của hắn.” Đủ mọi công việc – nấu nướng, giặt giũ, giữ sổ sách, ngay cả việc lớn tiếng đọc sách cho hắn ta – cũng đều do bố tôi đảm đương. Đám sĩ quan Đức trong trại không vui khi thấy một người Do Thái được đối xử thoải mái, tuy nhiên, họ cũng chẳng ưa gì Das Kommandant, ông vua kiêu căng trong một vương quốc kiêu ngạo, nên họ để mặc hắn ta muốn làm gì thì làm.

Có lẽ họ chỉ muốn để hắn ra đi trong yên bình.

Bố tôi cảm thấy mình như người có quyền thế ở Ur. Một cách chậm rãi nhưng chắc chắn, ông đưa ra những sửa đổi nho nhỏ trong hồ sơ săn sóc bệnh nhân của ông khi những tên Quốc Xã khác không để ý. Điều đó cũng có nghĩa là người ta khó lòng nhận ra những việc nho nhỏ bố tôi làm để giúp đỡ bạn đồng tù.

Bố tôi cũng đổi thuốc để cho bệnh trạng của gã cai tù trầm trọng hơn.

Và, như thông lệ, chẳng ai thèm bận tâm.

Cơn giận dữ của bố tôi tăng lên. Những tù nhân khác chế nhạo bố tôi, trong lúc vẫn sợ hãi những hành động của ông. Bởi làm sao họ biết ông có thể ảnh hưởng đến Das Kommandant đến mức nào.

Bố tôi giải thích rằnh gã chủ Quốc Xã của ông chỉ là hình ảnh che mắt thiên hạ, rằng quyền lực của hắn trên đám tù, khả năng quyết đoán, hoàn toàn không đáng kể. Nhưng không người nào tin lời bố tôi. Họ nghĩ ông chỉ phao tin như thế để che giấu sự thật.

“Bố giấu một điều bí mật ở Ur.”

Ngày phục thù của bố tôi đã đến khi tên Quốc Xã, mắc chứng nhức nửa đầu, nằm liệt một mình trên giường. “Không thuốc men nào có tác dụng hết. Bố giới thiệu với hắn ta một phương thuốc gia truyền. Một thứ nước uống từ Signet, vùng làng quê của bố ở Romania.” Sẵn sàng thử bất cứ thứ gì, tên Quốc Xã bảo bố tôi đem cho hắn một ly.

Bố tôi nói với hắn là phải chờ ít nhất một ngày, cũng có thể lâu hơn. Có một tù nhân khác cũng biết về bài thuốc mà bố tôi kể cho nghe ấy.

Trở về lán trại đêm hôm đó, bố tôi đái vào một cái lọ rồi bỏ vào đấy một tí đường từ cái túi mà ai đó đã giấu bên dưới chiếc gối mục nát.

Das Kommandant uống lọ thuốc ấy. Hắn ta thấy bệnh tình thuyên giảm ít nhiều.

Đêm hôm sau bố tôi lại làm công việc ấy, rồi hôm sau, và hôm sau nữa. Gần suốt một tháng trời tên Quốc Xã uống nước tiểu mà không hay biết. Đó là bài thuốc của hắn ta, và là thứ nghi lễ tập thể của tù nhân trong trại, bởi bố tôi đã bảo những người khác đi tiểu vào lọ – những người mà lúc đầu đã phê phán bố tôi là bắt tay với kẻ thù. Mỗi đêm lại có một người đóng góp vào bài thuốc, sau đó họ thêm vào một muỗng đường.

***

Năm tháng trôi đi, sự im lặng của bố tôi kéo dài. Thực ra, ông rất hiếm khi dùng tới ngôn ngữ: ở nhà hay bất cứ nơi nào khác, ông là một hồn ma. Bố tôi ở cạnh chúng tôi, lẫn trong đám chúng tôi, nhưng ông không hiện diện cùng với chúng tôi. Cơn bệnh của bố tôi trở nên trầm trọng mà chúng tôi thì đã chữa chạy hết thầy, hết thuốc.

Dù vậy, trong ông vẫn còn niềm hy vọng, và vì vậy ông xoay qua những phương thức chữa trị dân gian từ phía gia đình bên mẹ tôi.

Sau cùng bố tôi dựng một bàn thờ trong phòng ngủ và cầu nguyện với thần linh của dân Mixtec bằng cách tụng niệm những dòng thơ của Humberto Ak’abal. Rồi ông trở về với niềm im lặng. Ông cũng xông thuốc lá cây.

Trước khi mất không lâu, bố tôi nhận được một loại thuốc nước đựng trong cái lọ màu xanh lợt. Tôi nhìn bố. Ông toan hỏi nước gì trong lọ, nhưng lại thôi.

Ông bảo tôi, “A, nó đến từ vùng đất Ur đây mà…” Rồi ông nói tiếp, “Ở Ur, không có chỗ nào để người ta chuộc tội.”

Và ông uống cạn lọ thuốc không chút ngại ngần.

 

 

Dịch từ bản Anh ngữ của Ilan Stavans trong tuyển tập Nothing Makes You Free; Writings by Descendants of Jewish Holocaust Survivors. Biên tập bởi Melvin Jules Bukiet.

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)