- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Tiếng cười

 

(hay một chuyện khá lan man tưởng không có hồi kết)

A cười. Cái cười của A, cả nhìn và nghe đều thấy toát lên vẻ dễ thương, hiền lành đến thánh thiện, chẳng khiến ai phải bận tâm lại càng chẳng khiến ai phải đề phòng.

Lúc ấy đang còn là đêm. Mà viết thế hình như chưa được chính xác lắm. Về thời gian, đúng ra thì phải nói là sáng rồi, nhưng vì đang là cuối năm và đang là những ngày nghỉ, chẳng ai muốn rời khỏi cái giường êm ấm của mình nên người ta mới quen mồm gọi một cách lười biếng là đêm thôi. Vậy thì, lúc ấy đang còn là đêm, là lúc mà hai vợ chồng tuy không còn quặp chặt lấy nhau nữa song vẫn hãy còn nằm trong chăn thì K nghe tiếng cười A cất lên, nho nhỏ như thế thôi nhưng mà cũng thật rõ ràng.

Như mọi khi khác, thực tâm thì K cũng chẳng để ý gì đến tiếng cười của A. Nhưng lúc ấy cũng đã gần sáng rồi, nằm thì nằm vậy thôi, chứ có cố gắng muốn ngủ thêm một chút nữa cũng chẳng được, nghe tiếng cười, K biết là A đã thức rồi nên hỏi:

– Cười cái gì vậy?

– Nói chung là không có gì…

Một trong những câu cửa miệng của A là “nói chung” và “không (hay là chẳng) có gì”. Cái gì cũng “nói chung là không có gì”. Nhưng nhiều khi lại chẳng phải như vậy. A cứ nói thế thôi, song có khi cái “chung” lại trở thành một cái rất “riêng” cũng như cái “không (hay chẳng) có gì” thì thực chất lại là cả một vấn đề. Vâng, dù lớn hay nhỏ, song đã là “vấn đề” thì bao giờ cũng vẫn là “vấn đề”.

Quả nhiên, chỉ một lúc sau, A lại lên tiếng:

– À… Tôi đang nghĩ về mấy thằng bạn cũ, Đúng là con người ta mỗi người một tính cách, một số phận mình nhỉ. Chẳng ai giống ai…

Thì cũng đúng là tính cách, là chuyện à ê của A. Một người nào đấy nghe chuyện A chắc chắn sẽ phải sốt ruột lắm. Nhưng A là vậy. Bao giờ cũng phải rào trước đón sau, vòng vo tam quốc chán chê rồi muốn nói cái gì mới nói.

Có kinh nghiệm vậy rồi nên K kiên nhẫn chờ. Tốt hơn hết là để A muốn nói cái gì thì nói, muốn kể cái gì thì kể. Chứ càng hỏi, càng giục thì lại càng lâu, càng mất thời gian hơn. Tốt hơn hết là đừng để A cuống, càng đừng để A phải giải thích, phải cắt nghĩa một điều gì. Bởi gặp nất cứ chuyện nào cũng vậy, cứ bị ai hỏi han một hai câu là A đã có cảm giác như bị dồn vào chân tường rồi và những điều mà A muốn giải thích thì bao giờ cũng làm người ta càng nghe càng rối rắm, càng thấy lằng nhằng khó hiểu…

Chẳng biết đấy là dấu hiệu gì, nhưng rõ ràng là K thấy khoảng vài năm trở lại đây, A hay nhớ lại những người bạn, những sự việc cũ ri cũ rích từ bao giở bao giờ. Từ bạn làm việc ở các cơ quan cũ, bạn cùng phố, bạn thời đại học, thời phổ thông, thời đi buôn đi bán, đi đánh quả, đi lính… đến bạn thời đánh bi đánh đáo, bạn thời còn mặc quần thủng đít, cùng những việc làm của họ…, lúc nọ lúc kia, thỉnh thoảng lại được A nhắc đến với những chi tiết hết sức rõ ràng.

– Tôi đang nhớ thằng B. Mình còn nhớ thằng B ở H mà thỉnh thoảng tôi vẫn kể không.

– Nhớ.

– Cái thằng cao lênh khênh, kều quào, mắt trắng dã như mắt lợn luộc toàn nhổ bọt vào tay rồi đưa lên vuốt tóc cho bóng ấy.

– Biết rồi.

– Cái thằng bị bệnh tim bẩm sinh, da dẻ lúc nào cũng tái mét thâm như chì, mặt toàn mụn bọc, cái nọ chồng lên cái kia lúc nào cũng sưng vù như bị đấm ấy… Nhớ không?

– Nhớ.

– Thằng hay ngâm thơ của Chế Lan Viên, “đất nước đẹp vô cùng nhưng bác phải ra đi, cho con làm sóng dưới con tầu đưa tiễn bác” ấy…

– Rồi…

– Thằng hay hát bài Xa khơi “nắng tỏa chiều nay… chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi… gió lộng buồm bay suốt chân trời ” ấy.

– Rồi…

Và cứ như vậy, lần lượt A nhắc lại cho K nghe không biết đến lần thứ bao nhiêu hầu hết những gì thuộc về một thằng B nào đó ở một xứ sở có tên H nào đó mà A còn nhớ được.

– Cái thằng học đại học KTTC ở P ấy, nhớ không…

– Nhớ…

– Thằng buôn ma túy xong bị bắt ấy…

– Rồi…

– Thì tôi cũng chỉ nghe bạn bè kể lại.

– Ừ…

– Thằng L ở N ấy mình còn nhớ không?

– Nhớ.

– Thằng L sau này làm việc bên quân đội. Đầu tiên đã mang quân hàm trung úy. Nếu cứ đúng niên hạn mấy năm một cấp thì có khi thằng này lên tướng từ lâu rồi. Không tướng cũng phải đại tá ấy.

– Rồi.

– Chứ không phải thằng L ở M đâu.

– Rồi.

– Thằng này vẫn ở ngoài dân sự nhưng cũng khá lắm. Hôm nọ thấy trả lời phỏng vấn trên truyền hình. Hình như là tổng giám đốc liên hiệp hay chủ tịch tập đoàn gì đấy.

– Rồi…

– Thằng L này kể cho tôi nghe là thằng B buôn ma túy xong bị bắt.

– Rồi.

– Là thằng L đại tá hay tướng tiếc gì ấy, nhớ không…

– Nhớ…

– Mà thằng này lại bảo với tôi là nghe thằng H kể lại. Mình còn nhớ thằng H không?

– Còn.

– Thằng H to đùng, háu đói, cái gì cũng nhét vào mồm có biệt danh là “H khợp” ấy, nhớ không?

– Nhớ.

– Thằng làm tổng giám đốc hay phó tổng giám đốc tổng công ty gì ở H ấy…

– Rồi.

– Thằng người yêu con H ấy.

– Rồi.

– Con H học cùng khoa, cùng khóa tôi, đẹp tuyệt với, có biệt danh là “H gù” ấy…

– Rồi.

– Thì trêu trọc nhau gọi thế thôi. Chứ thực ra nó đâu có gù.

– Rồi.

– Con H gù này có dạo yêu ông T, giáo viên khoa KT.

– Rồi.

– Ông T này đẹp trai và giỏi cực kỳ, con gái nhìn thấy đứa nào chẳng mê mệt.

– Rồi.

– Chứ không phải ông T khoa CĐ.

– Rồi.

– Mình còn nhớ ông T khoa CĐ không ?

– Còn.

– Ông này cũng đẹp trai và giỏi cực kỳ và cũng khối em chết.

– Rồi.

– Chứ không phải con H kều ở khoa VL.

– Rồi.

– Nhớ con H kều ở khoa VL không?

– Nhớ.

– Con H kều cũng đẹp như con H gù, cũng khối anh xin chết ấy.

– Rồi.

– Nhưng mãi rồi nó mới yêu thằng S.

– Rồi.

– Mình còn nhớ thằng S không?

– Còn.

– Thằng tôi kể là đỗ thủ khoa xong được giữ lại trường ấy.

– Rồi.

– Sau đó nó đi nghiên cứu sinh ở Đ, xong về làm ở ủy ban nhân dân thành phố H ấy.

– Rồi.

– Chứ không phải thằng S mù.

– Rồi.

– Thằng S mù ra trường cái là bị đầy về N ấy.

– Rồi.

– Nhưng nghe đâu thằng ấy cũng lên giám đốc sở hay giám đốc công ty lâu rồi.

– Rồi.

– Thằng H kể lại với thằng L là thằng B buôn lậu na túy xong bị bắt.

– Rồi.

– Mà buôn cái gì không buôn. Buôn ma túy là chết rồi.

– Rồi.

– Không chết thì cũng tù mọt gông.

– Rồi.

– Không biết thằng B bị tù bao nhiêu năm.

– Không biết.

– Có khị bị chung thân cũng nên.

– Có khi.

– Hay là chết.

– Không biết.

– Ngày xưa có dạo tôi chơi với thằng B.

– Rồi.

– Cùng với nhiều thằng khác ở H nữa.

– Rồi.

– Thằng C, thằng T, thằng K, thằng V, thằng D, thằng P, thằng Q, thằng U… Đông lắm. Phải đến hơn chục thằng.

– Rồi.

– Mấy thằng tối tối hay tụ tập ở nhà thằng V nghe ca nhạc qua radio.

– Rồi.

– Hay là nghe sân khấu truyền thanh, nghe thời sự nữa.

– Rồi

– Dạo ấy hình như cả làng, mỗi nhà thằng V là có radio thôi. Nghèo thế…

– Rồi.

– Nghe dân ca và chèo.

– Rồi.

– Thỉnh thoảng lại nghe đài BBC hay đài Gươm Thiêng Ái Quốc của miền Nam.

– Rồi.

– Tất nhiên là toàn phải nghe trộm.

– Rồi.

– Để ai biết được thì chỉ có chết

– Rồi.

– Nhất là mấy ông công an, mấy ông dân quân hay mấy ông mấy bà chi bộ.

– Rồi.

– Tôi cũng hay đi bắt cua bắt cáy, bắt tôm cá với nó.

– Rồi.

– Là với thằng B ấy.

– Rồi.

– Đi đánh dậm hoặc là đi câu.

– Rồi.

– Mình biết cái dậm không ?

– Biết.

– Đánh dậm thì ở ngoài kênh, ngoài rạch. Còn đi câu thì là câu trộm ở ao nhà người ta.

– Rồi.

– Thằng B sát cá lắm. Cực kỳ là sát.

– Rồi.

– Mấy thằng cùng đi nhưng bao giờ nó cũng được nhiều đến gấp bốn, gấp năm lần bọn tôi.

– Rồi.

– Nó cũng khôn hơn, ranh ma hơn bọn tôi nhiều.

– Rồi.

– Tôi có cái gì nó cũng xin. Còn của nó thì phải mua thì nó mới bán.

– Rồi.

– Tôi nhớ là phải mua của nó một cái mũ rơm.

– Rồi.

– Một cái cần câu nữa.

– Rồi

– Một cái dậm cũ nữa.

– Rồi.

– Với lại một cái giỏ.

– Rồi.

– Đại để vậy.

– Rồi.

– Còn quần áo mũ mãng giày dép, đèn pin của tôi thì nó cứ thế lấy dùng vô tư…

– Rồi…

– Cái thằng tham thật. Nó chỉ biết có nó thôi. Còn thì chẳng nghĩ gì đến ai.

– Rồi.

– Có lẽ thế nên nó mới lao vào buôn bán.

– Rồi.

– Nó biết buôn bán từ sớm lắm

– Rồi.

– Chứ không ngờ nghệch như chúng tôi.

– Rồi.

– May mà tôi gặp được mình.

– Rồi.

– Nhưng sao nó không buôn cái gì khác mà lại đi buôn ma túy nhỉ?

– Chịu.

– Để bây giờ chẳng ai biết là còn sống hay chết rồi nữa.

– Rồi.

– Để mỗi lần nhớ đến chúng nó tôi lại thấy buồn cười.

– Rồi…

– Ừ… Mấy thằng cùng chơi với nhau mà rồi có thằng lên tướng lên tá, có thằng thành ông nọ ông kia… Lại có thằng phải vào tù, sống hay chết cũng chẳng ai biết tới nữa.

– Rồi…

– Đúng là cuộc đời mình nhỉ… Thật là buồn cười.

A nói xong câu ấy rồi thì cười. Như bao giờ, tiếng cười của A nghe vẫn vô tư, hiền lành đến ngô nghê. Và đấy cũng là tín hiệu báo cho K biết rằng câu chuyện nghe có vẻ lan man của hai người đã đến hồi kết thúc. Chẳng hiểu tại sao độ này A lại hay có nhu cầu tâm sự với vợ đến vậy. Thì ai cũng biết A là kỹ sư của một ngành có liên quan đến đo đạc và bản đồ. Những năm tám mươi của thế kỷ trước A sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Nhưng được một thời gian thì A bỏ dở luận án quay sang làm kinh tế, rồi làm chính trị. Đi loanh quanh bốn năm nước châu Âu, cuối cùng A dừng chân lại ở Đức. Rồi A lấy vợ. Vì A lấy K nên gọi là nên nhiều người quen miệng gọi luôn là vợ chồng AK, mới nghe thấy có vẻ súng đạn nhưng thực chất thì chẳng có gì liên quan đến vũ khí. K khá giỏi buôn bán, nguyên là diễn viên chính của đoàn chèo nổi tiếng ở H. Trước khi đến với nhau cả hai đều đã có gia đình. Hiện hai người có một quầy hàng bán quần áo lưu động, nay chỗ này, mai chỗ khác. Việc làm ăn có tính chất thời vụ và theo quy luật, sau Giáng Sinh bao giờ cũng là thời kỳ nhàn rỗi của họ.

../.

Tháng 12 – 2008

bài đã đăng của Nguyễn Hoài Phương