Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

Núi Đoạn Sông Lìa – phần 25

NuiDoan-18_thumb.jpg

 

NuiDoan-18

 

Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài.

 

(tiếp theo)

11.

Quán vắng khách, chị Bảy Rạng lựa chỗ sáng, ngồi co chân trên bộ ngựa ván ghép, kêu thằng Được tới nhổ tóc sâu tóc bạc. Ngoài lộ đất, nắng đầu trưa đổ chan chan. Không một bóng người. Bữa nay thằng Được tan lớp về sớm vì cô giáo cáo bệnh nằm nhà. Nó thích lắm, cứ bu quanh chị Bảy, chót chét kể chuyện trường lớp: thằng học trò nào đổi giọng vịt đực; đứa con gái nào bắt đầu bận quần đen, áo lót; cô giáo nó chủ nhựt tuần trước ra chợ tỉnh uốn tóc quăn kiểu đào hát … Chị Bảy Rạng lim dim mắt, đầu óc lan man niềm xa nỗi gần. Có con ong vò vẽ chợn rợn quanh rổ bánh ích nhưn dừa. Chai rượu đế lẻ bạn ế ẩm bên cạnh hai keo thuỷ tinh đựng kẹo dừa, bánh in. Cửa quán treo tòn teng tấm bảng con liệt kê "thực đơn" trong ngày, chính tay thằng Được nắn nót, đầy lỗi chính tả: "Tôm khô củ kịu, cháu trắng hột vịc múi, dưa mấm".

Có bận, thằng Được thắc mắc:

– Treo bảng làm chi vậy má, có ai biết đọc đâu?

Chị Bảy Rạng hấm hứ:

– Cái thằng nhiều chuyện! Ghi cho người ta biết là tao có thằng con trai học chữ, hiểu chưa?

Hai mắt thằng Được sáng lên tự mãn. Từ dạo đó nó gò gẫm viết "thực đơn" kỹ lưỡng hơn trước.

Chị Bảy Rạng gập đầu cái cụp. Thằng Được đập vai chị cái "chát":

– Ngủ gục, má!

Chị Bảy giơ tay lỏn lẻn dụi mắt:

– Bận khuya tao dậy sớm.

Thằng Được chồm tới trước, vạch mi mắt chị, thổi phù phù:

– Để con đuổi con ma ngủ gục giùm má!

Chị Bảy đẩy nó ra, rầy rà lấy lệ:

– Mầy chỉ giỏi lẻo mép, chịu khó học để sau nầy làm thầy thông thầy ký với người ta.

– Là làm cái gì vậy má?

– Thông ngôn, thơ ký cho mấy ông lớn. Bảnh nghe mậy!

Thằng Được rứt mạnh một sợi tóc ngứa quăn quíu, chìa cho chị Bảy Rạng túm lại, kẹp giữa hai ngón tay. Bàn tay thằng con trai vấp váp vạch chậm đường chân tóc.

– Khuya rồi con chiêm bao thấy ma.

Chị Bảy Rạng "hứ" tiếng lớn. Thằng Được úp lòng tay lên đỉnh đầu người đàn bà, nhớ lại:

– Con ma trốn trong cầu tiêu ngoài mé sông. Nó biết chữ, ham đọc sách báo quốc ngữ. Nó nhắc con mỗi bận đi ỉa, nhớ xé để dành cho nó một rìa nhựt trình, móc trên vách lá. Quên là nó báo mộng nhắc liền. Nó có mấy con mắt tựa như giọt nước tòn teng đọt dừa đọt mận lúc mưa tạnh, nắng lên đỏ khé như đốm lửa. Coi dữ dằn vậy chớ nó hiền khô hà!

Chị Bảy Rạng than vắn thở dài:

– Yêu lồi gì đâu. Mửng nầy, tao nghi sau nầy mầy đi theo gánh hát.

Bàn tay thằng con trai lật phắt lại, xoè ra lúc lắc như phân bua:

– Hổng phải, con ưng làm thầy ký chép sách.

Vừa khi có tiếng người to nhỏ ngoài cầu ván. Chị Bảy Rạng thò chân xỏ dép, đứng nheo mắt ngó ra viền sông loé nắng gay gắt. Thằng Được đã khỉ khọt vụt chạy ra xúm xít bên cạnh hai người đàn ông vừa rời chiếc tam bản chất khẳm hành lý. Một người vận âu phục lịch lãm, áo sơ-mi trắng dài tay, quần tây gấp li màu ngà, mang giày mũi bít, tóc chải ngược ra sau, xức bi-dăng-tin láng lẩy, cặp kiếng mát che mắt. Người kia ở trần, bận quần cụt, hẳn là trạo phu, đã xoạc chân vô quán, giọng gấp rút:

– Cầu tiêu đâu, chỉ giùm lẹ lẹ!

Chị Bảy Rạng trỏ tay ra hướng nhà cầu. Người đàn ông túm chân chạy một mạch. Không hiểu thằng Được rủ rỉ chuyện gì mà thấy người đàn ông còn lại đã theo nó vô quán, ngồi tháo mắt kiếng đặt lên mặt bàn chân ngựa. Thằng Được lăng xăng đi lấy giẻ lau bàn, miệng lanh chanh:

– Dạ, má con có đế mới, nhậu với tôm khô củ kiệu.

Người nọ nhoẻn cười:

– Chú nhỏ pha cho tôi ấm trà, được rồi.

Thằng Được láu táu:

– Trà ướp bông sứ chùa Phụng, hổng chỗ nào có …

Chị Bảy Rạng bước lại, tươi cười:

– Chào ông. Ông anh dùng chi?

Người đàn ông nhướng mắt mệt mỏi:

– Một ấm trà … hay một tách cà-phê sữa, càng tốt.

Chị Bảy cười cầu tài:

– Thiệt ra quán chỉ bán rượu đế, món nhắm. Trà, lúc nào cũng có, nhưng không phải thượng hạng. Còn cà-phê với lại sữa đặc, làm sao tui mua nổi.

Vẻ mặt người khách nhuốm chút lúng túng:

– Xin lỗi chị, tôi tưởng … đã thay đổi.

– Dạ, có khác sau trận lụt vài tháng trước. Chết nhiều, hư hao cũng bộn.

– Tôi biết.

Chị Bảy Rạng không khỏi tò mò:

– Nói vậy, ông anh đây từ xa tới?

Tới lượt người đàn ông cười lớn:

– Đúng hơn, từ xa về.

Chị chủ quán còn tần ngần chưa biết phải hiểu sao cho đúng thì từ ngoài sân, người phu trạo đã bước vô, xoa tay ồn ào:

– Nhẹ đi vài kí-lô chớ hổng chơi!

Thằng Được kéo ghế mời mọc:

– Chú ngồi đây! Má con có đế mới, tôm khô củ kiệu, dưa mắm.

Chú chèo ghe sáng mắt:

– Đế hả?

Rồi chú đảo mắt ngó lẹ người đàn ông, ngầm hỏi. Ông không nói, chỉ khẽ gật đầu. Thằng Được tài khôn:

– Một xị nghe chú!

Chị Bảy Rạng lớn giọng:

– Được, ra ngoài kia ngó chừng đồ đạc giùm ông đây!

Thằng con trai dùng dằng. Chị Bảy trừng mắt một cái, nó mới bỏ đi. Người đàn ông sửa thế ngồi, tủm tỉm:

– Chị có đứa con trai lanh lợi, giỏi giắn, mới bây lớn mà đã nhờ được rồi.

Chị Bảy dả lả:

– Bản tánh nó lăng xăng lít xít, nhiều lúc bắt mệt.

Người đàn ông quay sang trạo phu:

– Chú có đói thì ăn chút gì dằn bụng.

Chị Bảy Rạng đon đả:

– Dạ, quán bữa nay có cháo trắng ăn với hột vịt muối hay dưa mắm tự tay tui làm.

Người đàn ông vọt miệng:

– Nghe cháu nó nói, chị có tôm khô củ kiệu.

– Dạ.

Gương mặt người khách loé sáng anh ánh, chùng giọng như tâm sự:

– Lâu lắm rồi tôi chưa ăn lại món cháo trắng với tôm khô củ kiệu dầm nước mắm pha. Hiếm thấy ở đâu bán thứ nầy. Thức ăn bình dân, mộc mạc …

Người phu trạo lộ vẻ ngạc nhiên:

– Ủa, đồ nhắm của dân nhậu mà ông.

– Ậy, chú thử một lần rồi biết, thanh tao khẩu vị lắm nghe! Chị dọn cho chúng tôi hai phần, vừa phải thôi.

– Nhớ rót cho tui một chung đế nghe chị!

Người phu trạo hí hửng góp lời. Chị Bảy Rạng quay lưng. Từ gian sau vọng ra tiếng chén muỗng xộc xạch, củi lửa răng rắc. Người đàn ông lẩm bẩm, đất nước mình nơi nào cũng nóng, rồi giơ tay mở khuy áo trên cùng, chẩm rải xăn hai tay áo sơ-mi tới ngang cùi chỏ. Khi chị chủ quán dọn món ăn thức uống ra bàn, bất chợt người đàn ông nhận ra những vết nứt thời tiết ngoằn ngoèo trên thếp gỗ nâu, lốm đốm bạc màu đây đó. Tự dưng ông dàu dàu nhớ lại những chén cháo mẻ miệng, những cái muỗng gáo dừa sơ siểng, những tô sành dầy cui đựng củ kiệu chua xắt lát mỏng và tôm khô ngâm nước mắm tỏi ớt đỏ au: thức ăn lót lòng những sáng tuổi thơ xưa lắc. Rất nhiều lần ông ngồi bên bàn ăn ấu thời, miết móng tay trẻ con đóng đất đen đủi lên kẽ nứt mặt gỗ, khượi ra những bụi bặm thời gian và mắm muối thức ăn đọng bám. Hành động vô thức ấy dặm thêm hương thơm chén cháo trắng gạo mới, vị củ kiệu ngâm giấm với hàn the se nồng, đậm đà vị ngọt thuần hậu của tép đồng no nắng quê nam. Ôi, làm sao ông quên được! Những mùa nước dâng, ông thường theo má ra ruộng xúc tép. Từng rổ quảo nhóc nhách tép đầu mùa, má xúc đổ vô thúng, đem về. Mớ làm mắm gỏi đu đủ, mớ lột vỏ, phơi qua nhiều cữ nắng. Rồi bà nội, má với chị ông chăm chút lựa cỡ lớn nhỏ. Loại lớn đem ra chợ bán, loại nhỏ đựng vô thẩu, để dành ăn dần: giã nát trộn củ sắn, củ hành xắt hột lựu làm nhưn bánh ích trần hay để vậy nấu canh bầu canh bí, hoặc ngâm nước mắm củ kiệu ăn với cháo trắng. Ôi, những mưa nắng phẳng lặng đó giờ xa khuất nơi đâu? Mà ông, đằng đẵng những hành trình tảo tần nam bắc, chưa một lần nhớ tới. Bỗng nhiên trong khoảnh khắc đầu tiên về lại đất cũ, tình cờ dừng chân bên quán nghèo ven sông, cõi lòng ông lại bời bời nghiêng ngả nỗi riêng. Không lẽ chỉ vì chút hương vị một thời mải miết đọng ám tiềm thức? Hay những sớ gỗ trầy trụa trên mặt bàn nầy cũng là những thương tích quê quán không bao giờ lành lặn trong tâm khảm ông?

Người đàn ông múc từng muỗng cháo bốc hơi, lặng lẽ thưởng thức bên cạnh người phu trạo húp thổi xì xụp. Vài giọt mồ hôi lăn xuống trán. Một giọt nhểu vô chén cháo. Hồi tưởng chập chờn hiện lên những diện mạo thời gian thuở nào xa lắc. Bất giác ông bàng hoàng tự hỏi, bấy lâu nay mình xa nhà vì sinh kế hay vì lý do nào khác?

Người phu trạo cất tiếng tấm tắc:

– Không dè, đơn giản vậy mà ngon.

Người đàn ông đưa tay quệt mồ hôi trán, triết lý:

– Cao lương mỹ vị cỡ nào đi nữa cũng không bằng món quê nhà quen miệng.

– Nói vậy, gốc gác ông ở đây?

Chú chèo ghe vọt miệng hỏi. Người đàn ông chỉ trả lời bằng khoé cười ý nhị. Người phu trạo cụt hứng, nâng chung rượu ực một hơi cạn, khè tiếng như rắn hổ mang giỡn gió. Người đàn ông rót trà ra tách đất nung. Hương bông sứ bốc ngại ngần. Sứ không phải loại bông được dân gian ưa dùng ướp trà, tuy vậy mùi thơm trần tục gần gũi ấy vẫn bắt ông xao xuyến mỗi bận khứu giác tình cờ thoáng gặp, đây đó trong nẻo đường phiêu bạt. Ngũ quan ông đã hưởng thụ nhiều kỳ hương mỹ vị, nhưng làm sao bôi xoá được chút thơm tho miền quê cũ.

(còn tiếp)

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Cancel


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

2 Bình luận

2 Pingbacks »

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)