Vào ngày 27 tháng 5 năm 1956 khi con nhỏ Titi 7 tuổi ngồi trong buồng chiếu phim của rạp hát Huỳnh Long đối diện Kênh 16 của tỉnh lỵ Quản Long thì Giuseppe Tornatore chào đời ở Bagheria, Palermo trên đảo Sicily nước Ý. Ông này 32 năm sau trở thành đạo diễn điện ảnh và lãnh giải phim nước ngoài hay nhất với Cinema Paradiso, được thực hiện năm 1988 – phim có bối cảnh na ná cái nơi Titi đã sống 32 năm trước. Tính nhẩm, Titi lẽ ra phải được xem cuốn phim lúc 39 tuổi nếu dạo đó các rạp hát ở Sài Gòn vẫn còn hoạt động.
Lúc Titi 39, miền Nam Việt Nam đã đổi mới được 13 năm. Mọi thứ đều mới. Không có rạp hát. Sau hơn một thập kỷ đói và dốt, từ những lỗ châu mai người ta thập thò ngoi đầu lên dáo dác ngó qua ngó lại. Các chuyến vượt biên thưa đi, nhiều gia đình thị dân lôi thôi lếch thếch kéo về khu kinh tế mới làm rẫy sau khi đã tán gia bại sản, số còn lại ngoi ngóp bò ra từ hố đen, sửa chữa lại nhà cửa hạ quyết tâm ổn định dần cuộc sống, hoặc bằng trăm cách buôn bán lẻ, hoặc cố gắng xin làm bất cứ công việc gì cho nhà nước để có sổ mua gạo và nhu yếu phẩm. Họ bắt đầu ý thức giá trị tuyệt đối của hộ khẩu, cho con cái đi học bình thường ở trường địa phương, tin tưởng ở một tương lai khác, thôi bày hàng những chọn lựa mà trước đây họ thường tự hậu đãi.
Sau một ngày vất vả, họ tập xem các chương trình TV, đọc báo Nhân Dân và Sài Gòn Giải Phóng, thậm chí nghe cả nhạc. Các nhạc sĩ se sẽ viết nhạc nhẹ; xen lẫn với Cô gái vót chông, Con kênh ta đào, Tiếng chày trên sóc Bombo là Bông hồng nhỏ, Tự nguyện, Đi qua vùng cỏ non. Ở các cột đèn ngã tư, máy phóng thanh thôi gào thét lúc 5 giờ sáng những bài hát gấu ó như chó cắn; TV phát phim Nga phim Tiệp phim Pháp, có Mũi tên đen, Maika cô bé từ trên trời rơi xuống, Người nông dân nổi dậy. Thị trường sách sôi động với Hòn đất của Anh Đức và bản dịch Thép đã tôi thế đấy của Nikolai A. Ostrovsky in trên giấy tái chế đen sì. Các tụ điểm ca nhạc dè dặt hình thành, nơi các ca sĩ rón rén hát nhạc vàng có giấy phép. Nhà Văn Hóa Thiếu Nhi chiếu ngoài trời clip ca nhạc của ABBA, có màu. Con nít vừa nhảy cà tưng vừa hát theo I have a dream. Chưa có máy tính.
Thông tin còn lùng bùng, đặc biệt sinh hoạt văn học nghệ thuật thế giới. Không ai biết vua nhạc rock Elvis Presley chầu trời năm 1977 khi mới 42 tuổi vì sử dụng ma túy quá liều; John Lennon của The Beatles bị fan cuồng Mark Chapman bắn 5 phát vào lưng bằng khẩu 38 năm 1980 lúc sự nghiệp âm nhạc đang ở đỉnh cao; cha đẻ chủ nghĩa hiện sinh Jean Paul Sartre cưỡi hạc qui tiên cùng năm 1980 vì phổi có nước trong khi Simone De Beauvoir mãi đến 6 năm sau mới về với ông bà; nữ diễn viên Romy Schneider đột quỵ qua đời năm 1982 sau một năm đau đớn trước cái chết của đứa con trai 14 tuổi bị té toét động mạch trên cọc nhọn của hàng rào trước nhà; Bay Qua Tổ Chim Cúc Cu được chào hàng đúng năm 1975; Chiến tranh giữa các vì sao xuất xưởng hai năm sau đó; rồi Amadeus, Die Hard I, Batman, Superman…tung hoành trên màn ảnh đại vĩ tuyến ở đâu đó phía bên kia của trái đất. Mãi đến đầu thập niên 90 mới có cái gọi là tiệm cho thuê băng video, hai ngàn một phim, ai muốn thuê phải để lại tiền cọc và giấy căn cước. Dạo ấy người ta mê mẩn Hải âu phi xứ, Xóm vắng, Mùa thu lá bay, Tiếu ngạo giang hồ… Đại khái là rũ rượi Quỳnh Dao và hào hùng sĩ khí Kim Dung.
Khi Giuseppe Tornatore bước lên bục ở Cannes nhận giải cho phim Cinema Paradiso vào năm 1989 vào một múi giờ khác của địa cầu, con Titi 7 tuổi đã biến thái thành cô gái lỡ thì tên Thy Thy 40 tuổi, bỏ miền cuối Việt lên sinh sống ở Sài Thành được hơn 30 năm. Chẳng phải đường tình duyên lận đận, đơn giản vì cô mải tìm một hình ảnh người đàn ông mà cô đã nuôi trong tâm tưởng từ thuở bé nhưng chưa gặp. Có một người cha vô trách nhiệm và nửa tá anh trai, kẻ thủ đoạn người bạc nhược, cô ao ước gặp được một tay tử tế – một người cha một người anh một người bạn, hơn là một người tình. Nhảm, thứ đó làm gì có. Bọn họ đến rồi đi, ca tụng tình yêu màu tím hoa sim hoặc tung hô vạn tuế tình dục màu đỏ hiện sinh, không ai có thể chia sẻ với cô nỗi niềm u ẩn.
Vào những năm rối beng vì đổi mới, cô Thy Thy ban đầu kiếm sống lương thiện bằng nghề vẽ bút điện trên guốc gỗ, sau chuyển sang bán thịt cho Hợp Tác Xã phường. Bắt đầu từ thời điểm sử dụng dao thớt, cô trở thành một người khác. Về sau thậm chí đi quá xa. Cô mày tao với đàn ông, mua đi bán lại, không chỉ hàng hóa. Khi rảnh rỗi cô xem phim tình cảm Đài Loan hoặc phim chưởng Hồng Kông; mỗi lần ra tiệm đổi phim cô lấy về hàng chục cuốn để khỏi bị ức vì gián đoạn do mỗi cuốn đều ngưng tức tưởi ở cuối tập. Cô thuộc cả bài Mùa Thu Lá Bay lời Việt, thường ngân nga…giờ đành lìa xa thế nhân sầu đau, hẹn anh kiếp sau ta nhìn thấy nhau… Có lần xem hết loạt phim tập, cô lúng túng vớ đại vài cuốn phim lẻ được bày bắt mắt trên kệ tiệm cho thuê video, trong đó có Cinema Paradiso, vì bị hút bởi cái bìa có in hình ông già cọc cạch chở thằng nhỏ trên ghi-đông xe đạp dọc con đường làng. Tưởng phim thiếu nhi. Quái, thỉnh thoảng cô lại thấy lòng mềm yếu, kiểu rưng rưng, nhưng rồi đâu lại vào đấy khi soi gương đánh răng rửa mặt sáng hôm sau.
Phim kể về thằng nhóc Toto 6 tuổi mê điện ảnh, lúc nào cũng quấn chân ông thợ chiếu phim tên Alfredo để được xem ông làm việc trong cái buồng tối hù 4 mét vuông, và để được nhìn thấy trên màn hình những chân trời khác mênh mông hơn cái thế giới nhỏ xíu của làng Giancaldo, nơi mọi người gặp nhau mỗi ngày ở tất tần tật các loại sinh hoạt, kể cả giải trí. Rạp xi-nê Paradiso tọa lạc ngay quảng trường. Dân chúng đủ mọi tuổi tác giới tính thành phần đều tụ tập ở đấy xem phim đen trắng vốn rất thường khi bị cắt đứt khúc vì vi phạm đạo đức, đại khái những cảnh hôn hít. Ngay trong rạp, đàn ông phì phèo thuốc lá, la ó, khạc nhổ, cụ già nhai nhồm nhoàm, phụ nữ vạch vú cho con bú, trẻ con huýt sáo kêu gọi viện binh khi người hùng trên màn ảnh lâm nguy. Nhan nhản quanh khu quảng trường, áp-phích Clark Gable, Vivien Leigh, John Wayne, Bette Davis làm tăng thêm màu sắc cho đời sống úa và buồn của ngôi làng nhỏ. Trở thành thanh niên, Toto thay Alfredo chiếu phim cho rạp, được một thời gian cũng bỏ làng đi. Chàng tuổi trẻ, do tình yêu điện ảnh có được từ Alfredo, về sau trở thành đạo diễn Salvatore Di Vita – có vẻ như âm bản của Giuseppe Tornatore. Phim kết ở cảnh Salvatore sau mấy chục năm lang bạt kỳ hồ trở về làng dự đám tang ông già Alfredo, gặp lại những người quen của tuổi thơ ấu, nhăn nheo hơn lụm cụm hơn nhưng vẫn cứ tùm nụm trong bối cảnh cũ. Ở màn cuối, tất cả bọn họ cùng Salvatore đứng nhìn cái rạp ọp ẹp bị giật sập bằng chất nổ. Gạch đá sụm xuống, vôi vữa bay lên. Hết.
Phim tình cảm nhảm nhí, cô Thy Thy ngáp vắn ngáp dài, tự hỏi không biết cái gì nó lôi mình đến cuối phim. Tưởng có chi éo le, hóa ra chỉ là hoài niệm. Dạo ấy hoài niệm là thứ xa xỉ, nó giống như một kẻ đang trần truồng đói lạnh bỗng được tặng cho cái khăn mùi-xoa bằng lụa tẩm nước hoa có thêu bông cúc bông mai để làm duyên.
Ngày 25 tháng 8 năm 2013 kênh truyền hình HD1 của Pháp phát lại phim Cinema Paradiso lúc 8 giờ 50 tối. Cô Thy Thy bây giờ là bà Richelieu, vợ thứ năm của một ông tây già 84 tuổi, nhà buôn đồ gỗ có tiếng ở Touraine. Titi Richie, tên gọi âu yếm của ông chồng già đặt cho, đang ngồi trong ghế bành bọc da ở phòng khách lầu một; trên cái bàn thấp trước mặt có hũ sữa chua Danone-Activia trộn trái cây mà bà định tráng miệng sau cơm tối. Tay phải đang cầm cái muỗng nhỏ, bà chợt khựng lại. Hả? Phim này hình như coi rồi ở Việt Nam hơn hai chục năm trước, mướn hai ngàn còn phải để lại tiền cọc với giấy căn cước. Loại hoài niệm. Ở tuổi này, hoài niệm, bà thở dài ứ hự, thôi cũng được đi, còn hơn là xem mấy phim hình sự hành động bắn giết tưng bừng kênh nào cũng chiếu trùng một giờ; tuy đã một thời chặt băm trên thớt thịt, bà vẫn xây xẩm khi thấy máu người. Ấm ứ lấy lệ, lòng có phần nguội lạnh, bà nghĩ hoài niệm vẫn còn hơn là tắt đèn chui vô phòng nghe lão bựa ngáy. Già quá rồi, lông mũi thò cả ra ngoài, râu tóc thưa rỉnh thưa rảng, răng cỏ sệu sạo, mồm miệng toác hoác, lại còn nhễu nhão. Ngó phát chán. Chán nhưng mà sướng tấm thân. Muốn có được người cha người anh người bạn thì đó, cứ mà hưởng. Khỏi phải nghe ca cẩm tình yêu màu tím hay tình dục màu đỏ.
Xem lại phim lần này, Titi Richie không để ý đến lời thoại do khả năng chỉ nghe được lõm bõm một bụm tiếng Tây sau vỏn vẹn vài năm xa xứ. Dĩ nhiên bà thừa biết câu chuyện diễn biến ra sao, nhưng trong căn phòng ấm cúng với tiếng mưa lích rích ngoài cửa kính, và nhất là trong tâm thái thư nhàn, những tình tiết trên màn hình tinh thể lỏng hiệu Peekton 50 inches bỗng đánh thức nơi bà cái thời thơ ấu bị bỏ quên đến hơn nửa thế kỷ, dạo con nhỏ Titi 7 tuổi quấn chân chú Quảng trong buồng chiếu phim của rạp Huỳnh Long.
Rạp hát được xây trên phần đất hương hỏa của ông bà ngoại để lại cho cậu Út, mặt tiền ngó ra kênh 16, bên phải là hai cái mả đá của ông bà, bên trái trống trơn được phát sạch cỏ để làm lối đi bên hông rạp. Những lúc không phải xách cặp đi bộ đến trường tiểu học Quản Long, Titi cà rà theo chú Quảng để xem chú vẽ pa-nô bằng bột màu. Chú Quảng là người hùng đầu tiên trong đời Titi. Chẳng những chú có thể tô quệt đặc sắc chân dung các tài tử điện ảnh khắp thế giới mà còn kẻ tuyệt đẹp bảng hiệu và điều khiển điêu luyện máy chiếu phim. Dưới nét cọ của chú, Titi thuộc nằm lòng cách chú đi màu từng phần làm hiện lên dần khuôn mặt nam tài tử Vân Hùng của Áo dòng đẫm máu, Thẩm Thúy Hằng của Người đẹp Bình Dương, Thu Trang của Chiêu Quân cống Hồ; rồi Sữa rừng thay sữa mẹ, Người vợ rắn, Tìm chồng dưới đáy biển với các diễn viên Ấn Độ Sivaji Ganeshan, Kommareddy Savitri, Angeli Devi. Trong trí nhớ của Titi Richie vẫn còn đậm nét kiểu chữ uốn éo điệu nghệ và bộ vó chú Quảng vặn người o bế các tựa phim Người phu xe, Áo người trinh nữ, Bạc trắng lửa hồng…
Lâu lâu rạp ngưng chiếu do xe đò chưa đưa phim về kịp từ Sài Gòn. Mấy cô bán quán cóc ngồi ngáp ruồi dọc theo bờ kênh, chảy cả nước mắt sống; trẻ con chạy giỡn bắt cào cào lôm côm quanh các cột đèn huỳnh quang trước rạp hát. Mưa thì thôi, buồn thúi ruột. Rạp hát ế nhệ, có khi phải trả vé lại cho khán giả, hủy buổi chiếu. Chị Kim Hoa ngồi sau quầy đếm cùi vé xong liệng cái phạch, xách giỏ về sớm.
Thỉnh thoảng cả thị xã chợt rộn ràng khi cậu Út nghỉ lấy phim để cho mấy gánh hát lưu diễn thuê rạp. Hoài Dung-Hoài Mỹ, Kim Lan-Kim Cúc, Ba Vân, La Thoại Tân… những cái tên nghe quen đến ghiền; chưa coi diễn, chỉ đọc tên đào kép thôi dân tỉnh nhỏ đã thấy lòng dạ xôn xao. Titi thường theo xe Lambretta 10 chỗ ngồi đi phát chương trình với chú Quảng. Pa-nô tuồng bự tổ chảng máng hai bên lườn xe, chú đánh trống tùng tùng tùng, còn Titi hãnh diện tung tờ rơi, bọn con nít rượt theo xe vừa nhặt tờ quảng cáo vừa reo hò, hể hả với chiến lợi phẩm. Chỗ Titi ngồi vắt vẻo trên xe Lambretta dạo ấy là ước mơ của tất cả bọn chúng.
Sống bên cạnh rạp hát, Titi có dịp nhìn thấy những khuôn mặt không tô vẽ của các ông hoàng bà chúa, đào thương, kép độc. Rũ bỏ cân đai áo mão bước ra khỏi ánh đèn màu sân khấu, họ bèo nhèo dưới nắng mặt trời tỉnh lẻ. Ngồi lặc lè trên mấy cái ghế đẩu xiêu vẹo, quân vương bạo chúa ái nương thị nữ lính hầu ăn cháo lòng cháo huyết trứng vịt lộn muối tiêu rau răm, uống trà đá hoặc cà phê xây-chừng, tán gẫu với mấy em bán quán. Trông họ nhợt nhạt mệt mỏi với kiểu sống tạm bợ của những chuyến lưu diễn. Bởi vậy Titi chỉ thích xem phim; những chân trời mênh mông không biết nằm đâu trên bản đồ địa lý đã mở ra cho nó cơ man là cõi giới, những diễn viên ở tít mù xa không có cơ chường mặt thật cho nó thất vọng. Từ buồng chiếu của chú Quảng, qua cái lỗ vuông vuông tuốt trên cao mà Toto thường rướn người trèo lên trong rạp hát Paradiso, Titi có thể nhìn thấy những khuôn mặt khán giả quen thuộc. Cũng lao xao lác xác, cũng vỗ tay reo hò khi viện binh đến vừa kịp lúc để giải cứu người hùng, cũng lẩm nhẩm thuộc lòng theo lời thoại của các nhân vật do đã xem đi xem lại nhiều lần, cũng ho có đàm, khạc nhổ hỉ mũi, ăn uống nhồm nhoàm, hút thuốc, cho con bú; hơi kém văn minh hơn dân làng Giancaldo, họ cho cả chân cẳng lên ghế.
Trong thị xã còn có rạp Huê Tinh nằm gần trung tâm. Hai rạp thường thuê phim chung từ một nguồn cung cấp – hãng phim Mỹ Vân chẳng hạn, chiếu theo suất so le để rạp này vừa xong vài hộp liền chuyển ngay cho rạp kia. Nhân viên giao phim đạp xe trối chết, đặc biệt vất vả vào những ngày mưa, y hệt kiểu người ta chạy phim bằng xe đạp trên những con đường làng ở Giancaldo. Mỗi phim 35 li có đến mấy chục hộp được đánh số thứ tự; xong mỗi hộp chú Quảng tài tình nối phim thật lanh lẹ liền lạc, tuy thỉnh thoảng cũng có trục trặc kỹ thuật khiến màn hình chỉ có sọc xuôi sọc ngược hoặc nhảy nhót loạn xạ 1, 2, 3, X, Y, Z chẳng hiểu ra làm sao. Khán giả la ó đến mấy, chú vẫn không run tay, y như bị lờn thuốc.
Có những điều Titi Richie không biết về nơi chốn đó sau cuộc bể dâu. Trong nhiều năm kể từ 1975, rạp Huỳnh Long được nhà nước tiếp quản để chiếu phim cách mạng. Kênh 16 đã được lấp kín, luồn cống bên dưới, dọn chỗ cho nhà cửa hai bên bờ kênh mọc đâu đít nhau, chỉ chừa một con hẻm nhỏ ở vị trí giữa lòng kênh đủ cho hai người đi bộ. Một đầu kênh bị cắt ngang bởi đường Lê Lợi. Đường này xưa kia chạy ngang tiệm thuốc Bắc Tế Nhơn Đường đâm thẳng ra bến tàu Ngọc Tiếng. Hiện nó vẫn còn ôm một khúc rõ dài sông Cà Mau chảy xuôi vô miệt trong, nhập nhòa với sông Gành Hào băng qua làng Tân Duyệt quận Đầm Dơi – là nơi con Titi chào đời, sau được ba má gửi người quen chèo ghe đưa ngược ra chợ Quản Long ở đậu nhà cậu Út để đi học. Đường Lê Phú Nhung trước rạp hát được đổi thành Nguyễn Văn Tạo, rồi Nguyễn Trãi – trớ trêu là lý lịch của ba nhân vật này hoàn toàn không có điểm nào chung, thậm chí éo le gây cấn.
Trong trận bão Linda năm 1997 rạp Huỳnh Long hoàn toàn đổ sụp khỏi cần chất nổ. Bãi đất trống trở thành bãi rác, địa chỉ ưa chuộng của dân hút chích. Cậu Út qua đời, gia đình người cháu của cậu cất nhà bên hông cái rạp đã sập để trông coi phần đất hương hỏa vốn không hẳn bị nhà nước trưng dụng nhưng cũng chưa chính thức được cấp giấy chủ quyền. Nhằm xóa điểm tụ tập của mấy cô cậu xì-ke ma túy ốm nhom ốm nhách như cò ma, một vòng rào bằng cây tu hú đã được dựng quanh miếng đất, bên trong lơi khơi vài cây mít, một cây vú sữa, một cây cóc, chồm hổm một mớ cải xanh và rau bù ngót, có phất phơ cả thuốc nam, nhưng dương đông kích tây vẫn là lá dứa. Trên đống điêu tàn của quá khứ, rõ ràng đám này tuy gượng gạo cũng gom được một nhúm màu xanh thiên nhiên cho xóm nhỏ. Cô Thy Thy đã không trở về chốn cũ suốt những năm đó để đứng nhìn mớ vôi vữa còn lại của rạp hát như Salvatore Di Vita. Cũng không có người thân yêu nào qua đời bên dòng kênh 16 để mà quay lại ngậm ngùi. Thay vì trở thành đạo diễn điện ảnh nổi tiếng thế giới như thằng Toto, con Titi nhiều mộng tưởng đã bị đột biến gien thành một bà bán thịt của Hợp Tác Xã phường. Rồi bây giờ là một me tây.
Mãi đến khi xem lại Cinema Paradiso lần này, me tây Titi Richie mới vỡ lẽ ra phim không phải kết thúc ở cái chỗ người ta giật sập rạp hát như mình đã nghĩ. Hoặc cuốn video được mướn giá hai ngàn đồng bị cắt mất đoạn chót, hoặc bà đã tắt đèn đi ngủ trước khi Salvatore trở về thực tại sau 124 phút hoài niệm. Cũng có thể bà có lướt xem cảnh cuối, chưa kịp nắm bắt chuyện gì đang xảy ra đã thấy nhảm nhí tình cảm lãng mạn nên bấm cái cạch, dẹp, nghỉ khỏe.
Ở vài ba phút còn lại của Cinema Paradiso, đạo diễn Salvarore Di Vita ngồi một mình trong phòng chiếu phim mini cực sang trọng với các dãy ghế bọc nhung đỏ. Trên màn hình là những cảnh hôn nhau, lần lượt, liên tục, bất tận. Vivien Leigh mãnh liệt với Clark Gable, John Wayne đắm đuối đôi môi mềm của Maureen O’Hara, Bette Davis quên hết trời đất trong vòng tay Humphrey Bogart… Đó là những cảnh phim đi ngược thuần phong mỹ tục mà lão Alfredo đã phải cắt bỏ theo yêu cầu của vị cha cố làng Giancaldo. Trước khi qua đời, ông già chiếu phim không quên gửi lại cho Toto cái kho tàng thuở bé thằng nhỏ luôn khi bức bối muốn khám phá. Những mẩu cắt lụn vụn ém đầy nhóc trong cái hộp tròn đựng phim 35 li quen thuộc của thập niên 50 đã được ráp nối lại. Người đàn ông tóc hoa râm ngồi đấy, các cánh cửa bí mật bị lãng quên của thời thơ ấu được mở dần ra theo từng nụ hôn trên màn ảnh. Mắt đẫm lệ, Toto Di Vita như đang làm hòa với quá khứ. Xem đến đây Titi Richie chợt ngã ngửa ra lưng ghế rên ư ư. Có một chỗ nào đó trong cơ thể bỗng sưng tấy lên, làm mủ.
Trần Thị NgH
Créteil, 31.08.2013
[…] – Liên hoan sân khấu các trường quốc tế: Quan sát và học hỏi (VH). – Cinema Paradiso (Da màu). – Video: S – Viêt Nam: Độc, đáo đàn Tinh, hát Then của người Tày, […]
[…] – Cinema Paradiso (Da màu). […]
[…] – Cinema Paradiso (Da màu). […]
Chào chị!
Hôm nay tình cờ đọc được bài viết này của chị em thích quá! Em lớn lên tại Cà Mau và em yêu cái xứ sở này. Em thuộc dạng người hoài niệm nên đọc bài của chị hết rồi mà vẫn còn tiệc. Em có trang Cà Mau xưa và nay (https://www.facebook.com/pages/C%C3%A0-Mau-X%C6%B0a-Nay/230894217059667), lưu giữ những hình ảnh và tư liệu về Cà Mau. Đọc bài viết của chị thấy có quá nhiều tư liệu về Cà Mau. Hy vọng sẽ được đọc thêm nhiều bài viết của chị.
Trân trọng!
Chào chị,
Tôi vừa đọc bài này trên báo địa phương, rất thích, nên tìm trên mạng về xuất sứ. Đã định là chỉ tìm biết thêm về tác giả như một hành động bày tỏ sự trân trọng, nhưng rồi cũng muốn ghi ít dòng hồi đáp, như một lời cám ơn.
Tên tác giả rất quen thuộc, chỉ có cái là vì hay quên nên không nhớ rõ. Ngay cả từ ngữ và văn phong cũng rất quen thuộc, và dĩ nhiên là rất thích. Vì nó gợi nhớ về vùng sâu kín quý báu, thân thuộc trong tâm tư kẻ xa xứ.
Trong bài này, sự gợi nhớ vừa phải, không quá xa đà hay lâm ly. Tên họ các tài tử trong dòng thời gian thì thật là tỉ mỉ, khoe ra được cái trí nhớ đầy ấp xã hội tính của tác giả; và từ ngữ thì… từ tốn tuôn ra một cách thong thả cái sợi dây lôi kéo sự hoài niệm về con người, tình cảm và nơi chốn cũ.
Ít dòng hồi đáp. Xin cám ơn, và rất mong đọc được thêm bài mới của chị.
Mới