- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Nguyễn Xuân Hoàng và vài "ý nghĩ trên cỏ"

 

Quốc phá sơn hà tại,
Thành xuân thảo mộc thâm.
Cảm thời hoa tiễn lệ,
Hận biệt điểu kinh tâm

Nước tàn sông núi còn đây
Thành xuân, cây cỏ mọc đầy khắp nơi
Cảm thời, hoa cũng lệ rơi
Chim kia cũng sợ hận người lìa tan

(Đỗ Phủ, Xuân vọng-Trần Trọng San dịch-Ngắm cảnh xuân)

 

NGuyenTaCuc-YNGHITRENCO-COVERBia1

 

Trong bài "Những Đoản Văn Rời Về Tạp Chí Văn" (đăng trên Giai Phẩm Xuân Người Việt 2012), nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (1) có viết: "Nhà văn không thể tồn tại nếu trước hết không tồn tại trong một cộng đồng. Anh ta chỉ là một thành viên của xã hội. Anh ta không phải là một đơn vị biệt lập hay cô lập. Như một miếng ngói, một viên gạch, một hòn sỏi, một vại nước phía sau hè, một vòm mái cong, một cành lá nằm ngang bên ngoài khung cửa sổ, một tiếng chim hót buổi sớm,… nhà văn là một trong muôn một làm thành đời sống." Chính vì thế, chính vì quan niệm "Nhà văn không thể tồn tại nếu trước hết không tồn tại trong một cộng đồng" này mà mười ba năm trước (2000), tôi đã chỉ trích ông nặng nề qua cái nhìn của một người phải tham dự vào một công việc chung lúc ấy, một công việc mà cái thảm trạng Nước tàn sông núi còn đây/Thành xuân, cây cỏ mọc đầy khắp nơi khiến phải đặt lại vấn đề với tình cảnh sử dụng văn chương vào những việc không phải văn chương, không từ ông, nhưng rất gần quanh ông. Mười hai năm sau, tôi viết một bài khác (2), đưa ra một cái nhìn khác, cũng trên tinh thần này, nhưng chỉ dựa riêng trên tác phẩm của ông nhiều hơn.

Bài viết hôm nay, không bàn đến tác phẩm-và-tác giả Nguyễn Xuân Hoàng nữa, mà nhắm vào một vấn đề cả ông và tôi cho là quan trọng: cung cấp tài liệu về/cho Văn học Miền Nam. Sự quan tâm ấy giúp tôi và ông vượt qua được bài viết "dữ dội" năm 2000 vì chúng tôi đồng ý rằng, tài liệu là vấn đề sinh tử của Văn học Miền Nam. Có hai điều bất lợi hiển nhiên cho việc nghiên cứu về Văn học Miền Nam. Thứ nhất, rất nhiều tác phẩm đã bị hủy hoại trong cơn sốt "giải phóng" sau 1975 khiến cho sự hiếm hoi trở thành một trở ngại tài chính hầu như không thể vượt qua được. Một bộ Phổ Thông (chủ nhiệm&chủ bút Nguyễn Vỹ) nay giá ba nghìn mỹ kim, bộ Bách Khoa bốn nghìn mỹ kim vv. Có những bộ như Khởi Hành (Bộ cũ, Sài gon) không còn đủ số để bán trọn bộ. Thứ hai, một số sách báo Miền Nam thoát được cơn phần thư vì "di tản" trước qua các đại học Hoa Kỳ thì bị dần dần hủy hoại vì giấy xấu. Tôi đã từng cầm cuốn "Thơ đen" (Tú Kếu) mà giấy giòn như bánh đa nướng quá, hẳn chỉ mươi năm nữa là nát vụn. Những tài liệu Miền Nam trước đó có liên quan trực tiếp đến Văn học Miền Nam 1953-1975 như sách báo của Nữ Lưu Thư quán (Phan Thị Bạch Vân làm Giám đốc kiêm Chủ nhiệm& Chủ bút) hầu như hoàn toàn biến mất. Một số rất hiếm hoi giữ lại được bằng microfilm thì trừ phi là một sinh viên hay giáo sư trong một Đại học Hoa Kỳ, người ta không cách nào mượn được.

Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là các khó khăn này chỉ dành cho những người nghiên cứu độc lập, dĩ nhiên. Nếu được tài trợ thì còn nói làm gì nữa. Nhưng chính vì thế mà vấn đề phổ biến tài liệu thuộc Văn học Miền Nam càng cấp bách hơn: càng cần nhiều người nghiên cứu càng tốt, nhất là những người nghiên cứu độc lập, để cuộc chạy đua đi tìm sự thực không bị giới hạn vào các quỹ tài trợ và có khi, vào thiên kiến của người được nhận tài trợ.

Đó là một sự thực không thể chối cãi được: sau khi cuộc chiến đã chấm dứt trên các địa danh đẫm máu như Đồng Xoài, Pleime vv., một cuộc chiến khác đã âm thầm khởi đầu từ lâu nhân danh "văn chương, văn học" và "lịch sử, sự thực" tại các trường Đại học Hoa Kỳ nơi hiện diện một số đông giáo sư chuyên về Việt Nam học mà nhiều người vốn xuất thân là những người chống lại sự tham dự của Hoa Kỳ vào Chiến tranh Việt Nam. Bởi thế, những cựu quân nhân phản chiến nay trở thành giáo sư hay học giả này nếu không có mấy cảm tình thì cũng không có bất cứ kiến thức hay nhu cầu tìm hiểu nào về nhà văn và Văn học Miền Nam, một lãnh vực mà họ không quan tâm. Cho nên, bãi chiến trường lần này càng không kém phần ác liệt vì sẽ để lại di tích muôn đời trên sách vở, không phải tại cổ thành đổ nát Quảng Trị mà tại những tòa nhà thâm nghiêm, lưu dụng các bộ óc danh tiếng đại diện chung cho lịch sử Hoa Kỳ.

Như vậy, tưởng đâu cuộc chiến lại mất quân bằng lần nữa chăng? Không, may mắn thay, sự phát triển của Internet đã khiến việc trao đổi, cung cấp, số hóa tài liệu để nghiên cứu không còn là một vấn đề nan giải nữa. Từ Talawas (Phạm Thị Hoài chủ trương), Gió-O (Chủ trương Lê Thị Huệ), Da Màu (do rất nhiều các chị và các anh có thiện tâm điều khiển), Tiền Vệ (Nguyễn Hưng Quốc chủ trương) vv. tại Hoa Kỳ cho tới Phong Điệp (ký giả & nhà văn Phong Điệp chủ trương) Diễn đàn Sách Xưa (gồm rất nhiều anh em chơi sách cũ hay mua bán trao đổi nhưng đồng thời sử dụng các sách báo cũ ấy để lưu lại tài liệu) vv. tại Việt Nam, không riêng gì người đọc mà người nghiên cứu khắp thế giới cũng có thể lọc ra những tài liệu cần thiết tưởng chừng như không thể nào tìm lại được.

Hơn thế nữa, nếu chúng ta vẫn nói đùa "một người Việt Nam là một nhà thơ" thì nay chúng ta cũng có thể nói không đùa rằng "mỗi nhà văn, mỗi nhà nghiên cứu, mỗi thường dân Việt Nam là một blogger"! Từ các loại blog hay diễn đàn cá nhân này, người ta có thể tìm kiếm tài liệu về Phan Khôi (Lại Nguyên Ân) hay tình hình xã hội nhân văn hiện nay tại Việt Nam hoặc nhân dáng các nhà văn Miền Bắc qua blog của nhà phê bình Vương Trí Nhàn. Qua blog Phong Điệp, tôi đã được đọc lời nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân minh xác một số vấn đề mà ông nghĩ tôi đã hiều nhầm khi đặt ra vài câu hỏi với ông về việc nghiên cứu Văn học Miền Nam (3). Cũng từ một website khác, tôi đã được đọc bài của Giáo sư Phan Nam Sinh (thứ nam của Phan Khôi, nhà văn/dịch giả Kinh thánh Tin lành Việt ngữ) có một chi tiết tối cần thiết (4) cho loạt nghiên cứu của tôi về việc phiên dịch Kinh thánh Tin lành Việt ngữ và một vụ án văn học Thế kỷ XX (5). Cách đây hơn một năm, tôi sẽ không viết được bài sưu khảo về Nguiễn Ngu Í nếu tôi không được một nhóm bạn văn –vẫn theo dõi và hỗ trợ từ Sài gòn– gửi cho hơn 300 trang scan một số bài viết của ông trên tạp chí Bách Khoa. Trước đó tôi cũng sẽ không tái tạo được áo Lemur và có bài viết về thái độ tiêu cực của Tự lực Văn đoàn với đồng nghiệp cấp tiến Miền Nam nếu tôi không được trao cho tài liệu từ một người không quen nhưng quan tâm đến văn học ở Hà nội (6).

Viết ra kinh nghiệm của riêng tôi không phải để nói về mình (một điều khả ố) mà để qua thí dụ giữa tôi và nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, tôi muốn nói lên rằng, thứ nhất, sự phê bình, dù "dữ dội" đến đâu không bao giờ có thể lại là cái rào cản giữa những người cùng suy nghĩ về một vấn đề nào đó. Thứ hai, tôi muốn cổ võ cho cái quan niệm rằng chính chúng ta, những người có lòng với Văn học Miền Nam, nên giúp nó tồn tại bằng cách cung cấp và chia sẻ tài liệu. Chỉ có hai cách đó mới giúp các thế hệ đi sau một cách thực tiễn trong việc tái tạo chân dung của một nền văn học rực rỡ với cả ưu lẫn nhược điểm của nó mà ngay chính các nhà phê bình sinh trưởng và được giáo dục tại Miền Bắc cũng phải công nhận rằng đã hay vẫn còn vượt xa người anh em bên kia dòng Bến Hải.

Trong tinh thần ấy, tôi trao cho các bạn Da Màu số tài liệu ông đã gửi cho tôi vào năm 2010 khi tôi yêu cầu để Da Màu tiện sử dụng nếu muốn. Những tài liệu này gồm có:

-Truyện ngắn Tự truyện của một người vô tích sự mà ông đã hoàn chỉnh lại vì theo ông, đó là truyện mà ông thích nhất: "Thật ra viết xong, in xong, đọc lại vẫn chưa thích cuốn nào cả. Tuy nhiên có 1 truyện ngắn in trong CĂN NHÀ NGÓI ĐỎ, có tựa là TỰ TRUYỆN CỦA MỘT NGƯỜI VÔ TÍCH SỰ có thể là truyện ưa thích nhất, nếu có nói như vậy cho đến lúc này" (Email Nguyễn Xuân Hoàng trả lời Nguyễn Tà Cúc).

-Bài Bụi Và Rác của Nguyễn-Xuân Hoàng cùng thủ bút của nhà thơ Trần Hồng Châu (giáo sư Khoa Trưởng Đại học Văn khoa Sài gon Nguyễn Khắc Hoạch)

-Bài phỏng vấn "ĐẠI HỌC BOSTON Phỏng Vấn Nguyễn Xuân Hoàng", 2000.

-Bìa tạp chí Văn số cuối 125-129 , Tháng 2&3. 2008. Theo Nguyễn Xuân Hoàng, tờ này không bao giờ phát hành vì không có ruột dù đã làm xong.

-Ảnh chụp Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo và Nguyễn Xuân Hoàng tại trước Tòa soạn Tạp chí Văn, Sai gon.

Trên nguyên tắc, tôi không bao giờ chuyển tài liệu cho người khác mà không có sự xin phép trước. Nhưng trong trường hợp hết sức đặc biệt này, tôi rất tự tin rằng ông sẽ hài lòng là đằng khác (nếu ông chỉ gửi cho tôi những tài liệu đó) khi tôi thực hiện điều rất nhiều người trong chúng ta đã quan tâm. Tôi thành thực hy vọng những tài liệu kèm theo sẽ giúp được cho bất cứ ai nghiên cứu về Nguyễn Xuân Hoàng nói riêng–một nhà văn không bao giờ ngừng viết, nghĩa là đúng như ông nói "không đi trên mây" –và Văn học Miền Nam nói chung, nơi đã có sự góp mặt của ông. [NTC]

 

Chú thích

(1) Trong nước, cũng có một nhà văn –trẻ hơn, đã qua đời– cũng trùng tên Nguyễn Xuân Hoàng khiến nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, mà tôi đang viết về đây, thuộc Văn học Miền Nam, phải thêm một dấu gạch nối vào tên ông Nguyễn-Xuân. Riêng trong bài này, tôi sẽ giữ nguyên tên Nguyễn Xuân Hoàng như nó đã xuất hiện trên các tác phẩm của ông trước 1975 để các nhà nghiên cứu đi sau không bị nhầm lẫn. Thí dụ điển hình là cuốn Ý nghĩ trên cỏ mà tên tác giả "Nguyễn Xuân Hoàng" không hề có dấu gạch nối giữa hai chữ Nguyễn-Xuân.

(2) Bài này đã đăng trên Tạp chí Khởi Hành, Chủ đề Nguyễn Xuân Hoàng, Số tháng 5&6, 2012

(3)  Lại Nguyên Ân, Trả lời ký giả Nguyễn Tà Cúc ,20/6/2009

(4) Phan Nam Sinh (Đồng Nai),  Về những nghi vấn xung quanh hai tác phẩm của Phan Khôi, 25.6.2012

(5) Nguyễn Tà Cúc,  Phan Khôi và Công trình phiên dịch Kinh thánh Tin lành Việt ngữ, 2013

(6) từ áo dài “lemur” đến thái độ tiêu cực của tự lực văn đoàn với nữ đồng nghiệp cấp tiến miền nam – 18.07.2013

bài đã đăng của Nguyễn Tà Cúc