Trang chính » Chuyên Đề, Đoản văn, Nguyễn Xuân Hoàng, Sáng Tác, Thơ Email bài này

Bóng Chiều ♦ Thư Gửi Bạn ♦ Hãy Thong Thả Sống

 

 

 

Bóng Chiều

                
                                            Gửi Nguyễn Xuân Hoàng

Chàng ngồi trong bóng chiều
ngửa hai bàn tay mỏng
cúi nhìn đường chỉ tay
nghe hồn mình thinh lặng

Lòng bàn tay rối bời
khởi từ đường tâm đạo
những cuộc tình đi qua
mối tình nào hư ảo

Ôi cuộc đời bão nổi
ta đi bao dặm dài
văn chương như cái mốc
đặt ở cuối chân trời
Trời cho túi hạt cải
rắc không có định nơi
những bông hoa rất nhỏ
nở ngơ ngác giữa đời

Đường chỉ tay cơ hội
ngắn hơn một tiếng cười

Ta đã sống đủ chưa
vợ con một vai trĩu
ta sống có thiếu không
chữ nào rơi trên chiếu
Ôi chiếc chiếu văn chương
kéo hoài nghiêng một góc
ta ngồi đâu bây giờ

Đường chỉ tay đời sống
lơ lửng như câu thơ

Chàng ngồi trong bóng chiều
nghe tiếng lá cựa mình
lao xao như tiếng bạn
nghiêng xuống bên vai mình

Chàng nhắm hai mắt lại
bóng chiều dần dần loang
khẽ nắm bàn tay mỏng
tay bạn trong tay chàng.
 

Trần Mộng Tú
8/2013

 

 

 

Thư Gửi Bạn

 

Anh Hoàng thân,

Sáng nay trời hơi se lạnh, mặt trời mọc rất mềm mại bên kia hồ, ánh sáng vừa đủ ửng lên soi rõ những gợn sóng lăn tăn, lác đác một vài chiếc thuyền nhỏ thả nổi bềnh bồng không thấy trôi đi; mầu trắng mong manh của thuyền trên mặt nước xanh nhàn nhạt, trông xa, giống như vệt cọ quẹt xuống, trang điểm trên một bức tranh vừa vẽ xong.

Trong cái tĩnh lặng yên ả của bình minh sau khung cửa kính, Tú cầm ly cà phê mới pha còn bốc khói thơm hơi, vừa uống một ngụm nhỏ vừa nghĩ đến bức hình Thái gửi hôm qua, hình Hoàng ngồi giữa hai người bạn,Thái và Hà.

Nghe tin Hoàng bệnh, Hà và Thái đã thuê xe, lái từ Nam Cali đến Bắc Cali thăm bạn.

Cái hình trông thật đầm ấm tình bạn! Tú tiếc là mình ở xa quá, không có mặt trong tấm hình đó. Hoàng có gầy đi nhiều, nhưng trên mặt vẫn thần sắc tự nhiên. Thái và Hà cùng cười, nụ cười không nở hết và ánh mắt của hai người đượm chút bâng khuâng. Tú nghĩ đây là một bức hình đẹp của cả ba người.

Mùa hạ năm nay vườn nhà Tú có mấy khóm hoa tự nhiên nở rộ. Năm ngoái khóm hoa tú cầu lưa thưa vài bông, năm nay từng chùm ríu rít hoa cười với nắng, cây mộc lan (Magnolia) với những bông hoa trắng ngần, thơm ngát sau nhà, hương thơm ghé qua cửa sổ vào tận trong buồng ăn. Hoa hồng, thược dược, cúc tím, cúc trắng, mỗi nơi một cụm nhỏ trông như những đứa trẻ ngồi chơi trong vườn nắng.

Mấy cái máng gỗ Tú treo trên cành cây, đựng thức ăn cho chim lúc nào cũng đong đưa vì chim tranh nhau đáp xuống. Cái máng nhựa trong suốt có hình dáng một bông hoa loa kèn đỏ bên trong đựng nước đường là máng cho chim Hummingbird .

Hummingbird thích hút mật ngọt trong những nhụy hoa, mình treo nước đường dụ chúng, chúng rủ nhau tới cả ngày. Cặp cánh lúc nào cũng múa tít trong không gian, không thấy mỏi mệt. Tháng trước Hà lên chơi thấy cái máng này, cười, nói: “ Cô Tú đánh lừa chim.” Tú cãi, em chỉ muốn cho nó không khát và biết Hummingbird thích ngọt nên phải pha đường vào nước thôi.

Nếu không bị những con nai ở bìa rừng vào ăn hết nụ của một vài loại hoa vừa nhú, Tú ngồi kể cả ngày không chán về cây cỏ, hoa lá mùa hạ cho các bạn nghe.

Nhưng mỗi lần ra vườn sau, nhìn thấy cái gốc thông còn sót lại của cây thông cắt đi mấy năm về trước, Tú lại nhớ những ngày còn có nó.

Đây là chuyện cây thông trong vườn: Khi Tú gọi thợ đến đặt ống nước cho cái vườn bậc thang sau nhà, người thợ loay hoay thế nào, chặt vào rễ cái của cây thông. Bắt đầu cây nghiêng đi một chút, rồi ngả dần, ngả dần đến như gần ngã hẳn xuống đất. Trông nó tội nghiệp quá, chẳng khác gì một thanh niên còn mạnh khỏe mà bị cong xương sống. Tú gọi người tới kéo lên rồi lấy giây quấn ngang thân nó vào một cái cọc. Nó đứng gượng lại được một thời gian rồi bắt đầu héo từng cành, từng cành, sau cùng nó chết hẳn. Thương lắm, nhưng phải hạ cây xuống, người thợ làm vườn xin nó mang về làm củi cho lò sưởi mùa đông.

Tú cứ thương tiếc nó mãi. Nhưng một hôm, cũng vào đầu hạ,Tú leo lên bậc trên cùng của ngôi vườn tầng, ngồi nhìn xuống mặt nước xa xa bên dưới, ngắm chim bay ngang núi, vu vơ; khi quay lại thấy cái gốc thông khô bên cạnh mình, hình như có cái gì rất lạ. Nhìn kỹ thấy một đường viền xanh xanh đang bọc chung quanh cái gốc khô khốc.Trên cái mầu xanh xanh đó lại có mấy đóa hoa bồ công anh mầu vàng be bé.

Các bạn có biết không? Ngắm nghía một lúc,Tú bỗng ngộ ra: hóa ra cây thông đó nó chết đi mà nó vẫn đóng góp vào đời sống của những cỏ hoa chung quanh nó. Nó không đi hẳn như mình tưởng.

Điều này làm Tú liên tưởng cây cỏ cũng như người, sống hết một vòng quay của đời sống, khi bỏ đi vẫn tiếp tục đóng góp vào đời sống bằng một cách nào đó, nhưng là một đóng góp tốt đẹp.

Cây thông này đã sống một đời thật đầy đủ. Nhớ khi nó còn xanh tươi, chim kéo đến làm tổ trên cành, sinh sôi nẩy nở, mang niềm vui cho cả khu vườn; gió thổi, cành cất tiếng hát êm tai cho người đứng dưới gốc cây, những kim lá mang một hương thơm nhè nhẹ thả vào không gian. Khi chết, thân cây lại mang lửa than sưởi những tối mùa đông lạnh lẽo. Trong cái hạnh phúc ấm áp của một gia đình bên lò sưởi, thông đã đóng góp một phần vào đó. Cái chết chỉ là sự chuyển tiếp của một đời sống. Đời sống của con người hay cây cỏ cũng vậy.

Tú nhìn ngắm bức hình của ba người bạn mình quý mến. Tú biết cả ba là những người đã từng cố gắng bằng tất cả cái hạn hữu của mình để sống còn với hoàn cảnh, nhất là lúc đời sống thay đổi trên đất khách. Cả ba người cùng là những người đam mê, gắn bó, với chữ nghĩa và mỗi người đã sống đời mình với bao nỗi thăng trầm, cùng mang cái tâm trạng:

Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Trông lại tha hồ mây trắng bay (NB)

Nhưng họ biết yêu cái đẹp của đời sống, biết trải đời mình chia sẻ với những người chung quanh.

Ngày mai, nếu một trong ba người ở bức hình này, hay là người đang ngắm nghía bức hình này, có phải ngã xuống như thông, khi thời gian như người thợ đến chặt mất cái rễ cái của mình. Hãy hiểu rằng, chúng ta đã đi ráp vòng cái chu kỳ của đời sống. Chúng ta đã đóng góp những điều thật nhỏ bé như cây thông đã đóng góp tổ ấm cho chim; hương thơm, bóng mát, tiếng gió, cho đời sống con người.

Trên mỗi phân vuông nơi chúng ta nằm xuống, rồi đây, những cây bồ công anh sẽ mọc lên và chúng sẽ lại, nở tung những đóa hoa vàng đơn sơ dưới mặt trời ấm áp.

Thân Mến.
 

Trần Mộng Tú
(Tháng 8/2013)

 

 

 

Hãy thong thả Sống

 

(Viết hôm các bạn của nhật Báo Người-Viêt và Diễn Đàn Thế Kỷ đi thăm Nguyễn Xuân Hoàng)

Nhiều khi chúng ta sống mà quên bẵng đi là mình có thể chết bất cứ lúc nào. Ta hối hả sống, vui, buồn, khỏe, yếu, ta cứ lướt qua rồi không ngoái đầu lại nhìn chuỗi ngày tháng ta đã tiêu hao của một đời người.

Cho đến khi có một người bạn vừa ngã bệnh, bệnh nặng, không biết sẽ mất đi lúc nào, lúc đó ta mới xa, gần, hốt hoảng gọi nhau. Tưởng như chưa từng có người bạn nào “Chết” bao giờ. Hay ta có một người thân trong gia đình, đang rất khỏe vừa báo tin bị bệnh hiểm nghèo. Gia đình, họ hàng cuống lên, sợ hãi như chưa nghe đến ai nói về cái chết bao giờ, chưa chứng kiến cảnh vào bệnh viện, cảnh tang ma bao giờ.

Cả hai người trên có thể đã ngoài 70 tuổi. Lạ thật! Cái tuổi nếu có chết thì cũng đã sống khá lâu trên đời rồi, sao những người chung quanh còn hoảng hốt thế. Hóa ra người ta, không ai muốn nghe đến chữ “Chết” dù chữ đó đến với mình hay với người thân của mình.

Hình như không ai để ý đến mỗi sáng chúng ta thức dậy, nhìn thấy mặt trời mọc (nếu còn để ý đến mặt trời mọc) là chúng ta đã tiêu dùng cái ngày hôm qua của đời sống mình. Có người vì công việc làm ăn, cả tuần mới có thời giờ ngửng mặt nhìn lên mặt trời. Buổi sáng còn tối đất đã hấp tấp ra đi, buổi chiều vội vã trở về lúc thành phố đã lên đèn, làm gì nhìn thấy mặt trời. Nhưng mặt trời vẫn nhìn thấy họ, vẫn đếm mỗi ngày trong đời họ. Họ tiêu mất cái vốn thời gian của mình lúc nào không biết. Tiêu dần dần vào cái vốn Trời cho mà đâu có hay. Rồi một hôm nào đó bỗng nhìn kỹ trong gương, thấy mình trắng tóc. Hốt hoảng, tiếc thời gian quá! Khi nghe tin những người bạn bằng tuổi mình, bệnh tật đến, từ từ theo nhau rơi xuống nhanh như mặt trời rơi xuống nước, họ vừa thương tiếc bạn vừa nghĩ đến phiên mình.

Thật ra, nếu chúng ta bình tâm nghĩ lại một chút, sẽ thấy “Cái chết” nó cũng đến tự nhiên như “Cái sống” . Đơn giản, mình phải hiểu giữa sống và chết là một sự liên hệ mật thiết, vì lúc nào cái chết cũng đi song song từng ngày với cái sống.

Dẫu biết rằng, đôi khi có những cái chết đến quá sớm, nhưng ta cũng đâu có quyền từ khước chết.

Tôi biết có người mẹ trẻ, con của bạn thân tôi. Chị bị ung thư, chị cầu xin Thượng Đế cho sống đến khi đứa con duy nhất của mình vào Đại Học. Chị không cưỡng lại cái chết, chị chỉ mặc cả với Thượng Đế về thời gian vì con chị lúc đó mới lên 3 tuổi. Thượng Đế đã nhận lời chị. Ngày con chị tốt nghiệp Trung Học, chị ngồi xe lăn đi dự lễ ra trường của con và tuần lễ sau chị qua đời. Trong suốt mười mấy năm trị bệnh, chị vẫn làm đủ mọi việc: chị đội tóc giả đi làm, đến sở đều đặn, lấy ngày nghỉ hè và ngày nghỉ bệnh đi trị liệu. Những bạn làm chung không ai biết chị bị ung thư, ngay cả xếp của chị. Khi họ biết ra, thì là lúc chị không đứng được trên đôi chân mình nữa. Chị sửa soạn từng ngày cho cái chết với nụ cười trên môi. Vẫn vừa đi làm, vừa cơm nước cho chồng con, ân cần săn sóc cha mẹ, hiền hòa giúp đỡ anh em trong nhà, chị mang niềm tin đến cho tất cả những người thân yêu của mình. Sau ba năm chị mất, cậu con trai mỗi năm vẫn nhận được một tấm thiệp sinh nhật mẹ viết cho mình (Mẹ đã nhờ qua người dì gửi hộ). Hôm sinh nhật 21 tuổi của cậu cũng vào ngày giỗ năm thứ ba của Mẹ, cậu nhận được tấm thiệp mừng sinh nhật mình, với dòng chữ nguệch ngoạc, chị viết cho con: Mừng sinh nhật thứ 21 của con. Hãy bước vui trong đời sống và nhớ rằng mẹ luôn luôn bên cạnh con. Tôi đọc những dòng chữ mà ứa nước mắt.

Tôi nghĩ đến chị với tất cả lòng cảm phục. Chị là người biết sống trong nỗi chết. Khi không thắng được bệnh tật, chị biết hòa giải với nó để sống chậm lại với nó từng ngày cho con mình. Chắc “Cái chết” cũng nhân nhượng với chị, thông cảm với chị như một người bạn.

Một chị bạn kể cho nghe về một bà bạn khác. Bà này mới ngoài sáu mươi, nhanh nhẹn, khỏe mạnh và tính nết vui vẻ, yêu đời. Nhưng khi nào đi ra khỏi nhà bà cũng mang theo một bộ quần áo đặc biệt, đủ cả giầy vớ bỏ vào một cái túi nhỏ riêng trong va-li. Hỏi bà, sao lại để bộ này ra riêng một gói vậy, bà thản nhiên nói:“Nếu tôi chết bất thình lình ở đâu, tôi có sẵn quần áo liệm, không phiền đến ai phải lo cho mình.” Bà mang theo như thế lâu lắm rồi, tôi không biết có khi nào bà ngắm nghía mãi, thấy chưa dùng tới, bà lại đổi một bộ mới khác cho ưng ý không? Giống như người phụ nữ sắp đi dự tiệc hay cầm lên, để xuống, thay đổi áo quần sao cho đẹp. Đi vào cái chết cũng có thể coi như đi dự một đám tiệc.

Tôi nghĩ đây là một người khôn ngoan, sẵn sàng cho cái chết mà bà biết nó sẽ đến bất cứ lúc nào. Bà đón nhận cái chết tự nhiên, giản dị như đi dự tiệc, hay một chuyến đi xa, đi gần, nào đó của mình.

Nhưng không phải ai cũng nghĩ về cái chết giản dị như vậy. Phần đông muốn được sống lâu, nên bao giờ gặp nhau cũng thích chúc cho nhau tuổi thọ. Thích hỏi nhau ăn gì, uống gì cho trẻ trung mãi. Loài người nói chung, càng ngày càng thích sống hơn chết. Họ tìm kiếm đủ mọi phương thuốc để kéo dài tuổi thọ. Người ta ức đoán, trong một tương lai rất gần, loài người có thể sống đến 120 tuổi dễ dàng với những môn thuốc ngăn ngừa bệnh tật và bồi dưỡng sức khỏe.

Rồi người ta sẽ còn tạo ra những bộ phận mới của nội tạng để thay thế cho những bộ phận gốc bị nhiễm bệnh. Gan, ruột, bao tử v.v, sẽ được thay như ta thay những phần máy móc của một cái xe cũ. Chúng ta, rồi sẽ sống chen chúc nhau trên mặt đất này.

Chỉ tiếc một điều là song song với việc khám phá ra thuốc trường thọ người ta cũng phải phát minh ra những người máy (robot) để chăm sóc những người già này, vì con cháu quá bận (chắc đang chúi đầu tìm thuốc trường sinh) không ai có thời giờ chăm sóc cha mẹ già. Theo tôi, ngắm nhìn hình ảnh một cụ ông hay một cụ bà lưng còng, tóc bạc, đang cô đơn ngồi trong một căn buồng trống vắng, được một người máy đút cơm vào miệng, thật khó mà cảm động, đôi khi còn cho ta cái cảm giác tủi thân nữa.

Nhưng sống như vậy mà có người vẫn thích sống. Một người đàn ông ngoài bẩy mươi, bị bệnh tim nặng, đang nằm trong phòng đặc biệt (ICU) lúc mơ màng tỉnh dậy, nhắn với các con cháu là khi nào vào thăm không ai được mặc áo mầu đen. Ông kiêng cữ mầu của thần chết. Ông quên rằng thần chết, đôi khi, có thể đến với chiếc áo mầu hồng.

Thật ra, chính nhờ “cái chết” cho ta nhận biết là “cái sống” đẹp hơn và có giá trị hơn, dù có người sống rất cơ cực vẫn thấy cuộc đời là đẹp.

Những bậc thiên tài, những nhà văn lớn đã tự tìm về cái chết khi họ bắt đầu nhìn thấy cái vô vị trong đời sống như nhà văn Ernest Hemingway, Yasunari Kawabata và họa sĩ Vincent van Gogh, v.v… Chắc họ không muốn sống vì thấy mình không còn khả năng hưởng hết vẻ đẹp của “cái sống” nữa. Họ là một vài người trong số nhỏ trên mặt đất này sau khi chết để lại tên tuổi trên những trang sử, lưu lại hậu thế, còn phần đông nhân loại, sau khi chết một thời gian, không để lại một di tích nào. Con cháu có thờ cúng được một hai thế hệ, sau đó tên tuổi mờ dần, mất hẳn theo ngày tháng, vì chính những kẻ thờ phụng đó lại tiếp theo nằm xuống cùng cát bụi.

Ðời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích.(Thánh Vịnh)

Thượng Đế khi đem mình vào đời, có hỏi ý kiến mình đâu. Nên chắc chắn là khi Ngài gọi mình đi cũng chẳng cần thông báo trước.

Chúng ta cứ thong thả sống từng ngày, khi nào chết thì chết, mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, bông hoa nở rồi bông hoa tàn, thế thôi.

Tại sao ta phải cay cú với cái chết? Hãy dùng trí tưởng tượng của mình, thử hình dung ra một thế giới không có cái chết(*)

Chắc lúc đó chúng ta sẽ không còn không khí mà thở chứ đừng nghĩ đến có một phiến đất cho bàn chân đứng.

 

Trần Mộng Tú
Aug. 10,th 2013

 

(*) “Why this fuss about death? Use your imagination, try to visualize a world without death.”—Charlotte Gilman

bài đã đăng của Trần Mộng Tú

Cancel


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

3 Bình luận

  • Oh Dear Magazine Van !.. .. Once And Only Once !.. ..
    **********************************

    Thân thăm Anh Chị Nguyễn Xuân Hoàng .. .. Hy vọng Sức mạnh Y học Bệnh viện Stanford chiến thắng Sarcoma ! .. ..Mạo muội viết tiếng Anh mong dấu diếm vào cái sai (mong các anh cao tay ấn chỉ bảo … Nhớ VĂN chi lạ nhớ SỐ BÁO VĂN cuối đầu Xuân 1975 khi anh MAI THẢO và THANH TÂM TUYỀN giới thiệu Tập thơ “Những Phiến Lệ Hồng trong Thi ca” của tôi do anh Thanh Tuệ dự định in thì Miền Nam !!! … )

    Oh Dear Magazine Van !
    We wish we could do again
    The best times in Saigon
    Oh Sweet Magazine Van
    We do wish we could do once again
    All over again and again

    Oh Dear Nguyen Sa !
    « What’s new in Paris my darling ? »
    Life only turns around
    Once And Only Once
    But never again

    Oh Dear Mai Thao !
    « Night to say farewell to Hanoi ! »
    Life only turns around
    Once And Only Once
    But never again

    Oh Dear Hoang Anh Tuan !
    « Oh Sweet Hanoi’s – Saigon’s Rain ! »
    Life only turns around
    Once And Only Once
    But never again

    Oh Dear Nguyen Xuan Hoang !
    Nostalgia for the red-roof Homes
    Thanks to you  I perceive Seine River
    Belonging only to my wife and my son
    And thanks to Seine River
    I do love more Red River – Cold River and Perfume River (1)
    Here is my son’s and my wife’s Homeland
    There is my Motherland
    Nostalgia for the Motherland and Fatherland
    Holderlinian nostalgia
    Thanks to you  I perceive Seine River
    Belonging only to my wife and my son
    And thanks to Seine River
    I do love more Red River – Cold River and Perfume River (1)
    Heideggerian nostalgia

    Oh Dear Magazine Van’s writers’ friendships
    We wish we could do again
    The best times in Saigon
    But all the good times all over
    Oh Life only turns around
    Once And Only Once
    But never again
    But our memories will always exist
    Oh Dear Magazine Van
    Our memories will
    Always exist
    Oh Dear Magazine Van’s writers’ friendships
    Our memories will
    Always exist

    Nguyễn Hữu Viện

    (1) « Liệu có vùng trời nào thay thế được quê hương tôi?
    Nhìn Paris với dòng sông Seine lờ lững, dòng sông của những mộng tưởng tuyệt vời một thời tuổi trẻ, những khát khao ngọt ngào của một thuở sinh viên, bây giờ, ông chỉ thấy rõ rằng cái dòng sông Seine ấy “chắc chắn đã làm mạnh thêm tình yêu của tôi đối với những dòng sông nhỏ chảy chậm lờ (…) của quê hương 
    .. .. thân mật gần gũi, thô sơ nhưng tràn đầy tin cậy .. . »
    (Paris Trong Trí Tưởng – Nguyễn Xuân Hoàng )

  • LH says:

    “những bông hoa rất nhỏ
    nở ngơ ngác giữa đời”
    Tôi thích hai chữ “ngơ ngác”. Ngơ ngác giữa cõi người đầy “bụi và rác”.
    “đường chỉ tay đời sống
    lơ lửng như câu thơ”
    Tôi thích hai chữ “lơ lửng”. Lơ lửng như là “người đi trên mây”.
    LH

  • Trịnh Gia Mỹ says:

    Cám ơn chị Tú cho những bài viết hay.

    TGM

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)