- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Núi Đoạn Sông Lìa – phần 18

 

 

NuiDoan-18

Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài.

(tiếp theo)

 

*

Lẫm đẫm vậy mà đã gần nửa năm chú Năm Tự về làm mướn nhà ông bà Bông. Chú từ từ thuần thạo thời khắc biểu làm việc. Sáng thức dậy lúc gà gáy đầu hôm, cho chó Su ăn, rồi xuống bếp bưng nước ấm vô buồng cho ông bà Bông rửa mặt. Trong khi bà Bảy dọn bữa lót lòng, chú Năm lo chuẩn bị ghe xuồng chờ ông bà Bông biểu chở đi đây đó. Bà Bông có thói quen đi chợ gần như mỗi sáng. Hôm nào khó ở trong người, bà sai bà Bảy đi thay. Mỗi thứ sáu, họ ăn chay theo đạo tây, chỉ có cá, hột gà với rau trộn. Những món ở đây không có, ông bà Bông mua ngoài chợ tỉnh hoặc đặt hàng từ Sài gòn.

Sáng chủ nhật nào ông bà Bông cũng trịnh trọng lễ lạt cầu kinh sớm. Một góc nhà trên, đối diện khung cửa sổ mở ra hướng đông, được bày biện làm chỗ thờ phượng: một bàn trải khăn trắng viền chỉ kim tuyến chưng tượng gỗ thập tự tạc hình người đàn ông mình trần, ốm lộ xương sườn, hông vấn khố, đinh đóng tay chân treo trên giá gỗ chữ thập, đầu cui cúi chịu đựng, chỏm quấn vòng gai tua tủa; cặp chân đèn sáp trắng dựng hai bên; pho sách đóng đặt phía trước; một bình bông thay đổi trang, huệ trắng mỗi tuần. Ông bà Bông luân phiên làm chủ lễ. Bà Bảy quì dưới nền nhà lót chiếu đỏ, đầu tóc bới bạc trắng ngửng lên, tay chắp thành kính. Chú Năm Tự đứng khoanh tay bên vách nhà, chờ sai biểu, lặng lẽ theo dõi cảnh tượng lạ mắt. Cửa sổ chấn sắt rón rén vệt nắng tinh sương, vấy bụi loắng khoắng gian thờ vàng vọt ánh đèn cầy thẳng ngọn, hắt sáng gáy tóc ông Bông bung xoã tuồng như toả hào quang.

Lễ sáng mỗi chủ nhật đầu tháng, ngoài Năm Tự với bà Bảy, còn có hai người ở đâu không rõ chèo ghe tới từ sớm, chú Năm không quen mặt. Ai cũng đem theo quà cáp: con cá lóc, quày chuối xứ hay chục xoài, trái mít. Người quì, người ngồi xếp bằng. Người chắp tay, người lần chuỗi, miệng lẩm nhẩm bài kinh tụng. Trên kia, ông Bông khoác áo thụng trắng, nịt dây lưng bố, đi chân không, làm dấu xướng lễ. Bà Bông bận áo dài kiểu tây, ngồi ghế, quyển kinh mở trên đùi.

Ông Bông hắng giọng chầm chậm, lơ lớ:

– Đức Chúa trời là đấng vạn năng phất tay làm ánh sáng, bảy ngày dựng nên đất đai, sông biển, loài người, thú vật cùng cây cỏ. Hết thảy chúng ta là con cái của ngài. Người da trắng chúng tôi từ xa xôi tới đây theo lệnh ngài để gieo rắc ơn lành, đưa ánh sáng văn minh soi rọi toàn cõi Đông dương tối tăm, mọi rợ. Dân An-nam-mít các ngươi, ai tin phục ngài, sẽ được ban thưởng bánh mì và sữa tươi, khi chết được lên thiên đàng, đời đời phước lạc. Còn kẻ nào không tin, phạm mười đều răn, sẽ bị trừng phạt, chết sa địa ngục u tối.

Tới đó, bà Bông khởi giọng: "A-men". Đám người ngồi dưới rì rào lặp lại. Rồi ông Bông thuật chuyện về đấng Giê-su, là người thay mặt Chúa trời xuống thế gian, cứu rỗi nhân loại. Chốc chốc, các tín hữu lại hợp giọng "A-men". Chú Năm Tự đứng không cục cựa, e rằng chỉ một cử chỉ sai trái, sẽ khuấy tan bầu không khí linh thiêng.

Trước khi kết thúc bữa lễ, bà Bông đích thân xuống bếp đem lên một rổ đựng bánh mì tây, phát cho mọi người. Họ mọp lưng lạy tạ. Có người, sau đó, ở lại xin hầu chuyện cùng ông Bông. Bà Bảy thều thào với chú Năm Tự, họ muốn xưng tội đó. Chú Năm ngớ mặt, tội gì vậy? Bà Bảy hứ háy, ai lại hổng có lần phạm tội, nhẹ như nói láo, ăn cắp, gian tham, nặng hơn như ăn nằm với người khác, cướp của, thậm chí giết người. Bà còn chêm vô, chú Bảy tính coi bữa nào xin ông bà Bông làm lễ rửa tội. Chú Năm trợn mắt, tui mắc phải tội gì mà rửa? Bà Bảy nghiêm nghị, ậy, tội tổ tông của ông bà cha mẹ do ông A-đam với bà E-và gây ra. Ai vậy he? Chú Năm thắc mắc, nhưng làm thinh.

Tưởng chuyện chơi, dè đâu bữa nọ đưa bà Bông ra chợ, bận về trời đổ mưa bất tử. Bà Bông không đem theo dù, kêu chú Năm tắp ghe vô ngạm sông có tàn cây rậm lá, chờ mưa tạnh. Chú Năm thấy trên vàm đất thấp thoáng mái lá nhà ai, nói với bà chủ xin vô trú tạm, nhưng người đàn bà khoát tay:

– Ở ngoài nầy được rồi.

Bà Bông bận quần sa-teng đen, áo bà ba trơn theo kiểu đàn bà bản xứ, ngồi co ro ra vẻ lạnh. Mưa không lớn, nhưng dai. Gió thấp thỏm mặt sông, táp rát mấy cụm lục bình xô bờ, lớt phớt bông tím. Trên giồng, tàu chuối cọ lá lạt sạt. Chú Năm đã quá quen với khí tiết miệt nầy, tới mùa cấy đợt hai mưa nhiều hơn nắng.

Một lát, bà Bông chừng như nhớ ra điều gì, đổi thế ngồi, tươi mặt ngó chú Năm Tự:

– Chú coi được, bữa nào tôi nói với ổng làm phép rửa tội cho!

Lời đề nghị bất ngờ làm chú Năm lúng túng, không biết ăn nói sao cho phải. Người đàn bà tiếp lời:

– Vợ chồng tôi thấy chú làm việc giỏi, siêng năng thiệt thà, có ý thêm lương.

Chú Năm Tự lúng búng:

– Dạ … dạ, đội ơn ma-đàm.

– Chú có vợ con gì chưa? Nếu có, tới Tết nhắc tôi cắt thêm vải may áo cho sắp nhỏ.

– Thưa ma-đàm, tui còn ở vậy.

Bà Bông nhướng cặp chân mày tỉa khéo, riềm mi cong chớp nhẹ:

– Quê chú ở đâu?

– Thưa, miệt Giồng Tràm, Giồng Đước.

– Là đâu vậy?

– Gần cửa biển miệt hướng nam, thưa ma-đàm.

– Xa dữ. Nhớ nhà không, tôi cho về thăm năm bảy bữa?

Chú Năm Tự bắt dầu dạn dĩ:

– Dạ, nhớ chớ, nhưng riết rồi quen.

Ánh mắt người đàn bà se lại:

– Nói vậy chớ quê tôi với ổng xa gấp mấy lần, đi tàu tính ra cả tháng. Nói thiệt với chú, tại ổng có máu thám hiểm, chớ tôi sợ lạ đất lạ người, thêm mấy chứng bệnh thời khí. Ổng kêu đi hoài, tôi đâu có chịu. Cho tới lúc biết mình mắc bệnh không con, tôi mới ưng ý theo ổng sang đây đó chớ, hy vọng thay đổi phong thổ, có ngày khỏi bệnh. Vậy mà chờ hoài, không thấy gì, vợ chồng tôi mới tính chuyện rao truyền đạo Chúa trời để xin phước. Tới nay đã bốn năm rồi.

Không biết tại mưa hắt hay vì niềm xúc động dâng trào, mà chú Năm Tự thấy gò má bà Bông se se dòng nước lóng lánh. Chú Năm Tự thấy thương xót tình huống người đàn bà không cùng màu da ngôn ngữ, nhưng đầu đuôi sự việc tới quá bất ngờ, chú không biết nói gì để an ủi.

Mưa dứt hột, đột ngột như lúc bắt đầu. Chú Năm Tự ngước mặt. Mây xám mỏng sợi, khắc khoải hắt lên chút nắng đổ hột.

*

Chiều hôm trước ông Bông đã dặn dò chú Năm Tự chuẩn bị sáng mai, chèo ghe đưa ông đi săn vịt trời. Chú Năm dậy sớm hơn thường lệ. Bà Bảy đã thức giấc từ trước, lược cà-phê, sửa soạn nước uống với bánh mì thịt nguội, xếp vô giỏ. Lúc chú Năm Tự bưng thau nước ấm cho ông bà Bông lau mình rửa mặt, thấy giường còn buông mùng. Ánh đèn dầu tù mù soi dáng bà Bông nằm nghiêng, tấm vải ngủ trậc trễ tràng phần vai trắng muốt, tóc loà xoà mặt gối. Ông Bông đang đứng day lưng bên cánh cửa sổ mở bung, làm thể dục buổi sáng, trên người vỏn vẹn mỗi mảnh khăn bông vải quấn hông. Tóc ông không cột, thả rối sau gáy. Màu rạng đông bên ngoài xoa mỏng vũng không gian xanh tím, gây ảo giác như thể thân thể người đàn ông phát quang. Chú Năm Tự bất động giây lát, liên tưởng hình tượng trên thập giá lễ sáng chủ nhật. Chú lí nhí vài tiếng Tây bồi mới học:

– Bông-xua, mơ-xừ.

Ông Bông không nói gì, tiếp tục hít thở nhịp nhàng. Chú Năm Tự đặt thau nước xuống mặt bàn, không dám khêu sáng tim đèn theo thông lệ, sợ dấy động giấc ngủ bà chủ. Chú còn chần chừ thì ông Bông đã xoay lưng, buớc lại. Ông thản nhiên tháo khăn đưa cho chú, dang rộng hai cánh tay, phóng tia mắt lên vách, chờ. Chú Năm hiểu ý, cầm khăn nhúng nước ấm, lau mình cho người đàn ông. Ngực bụng ông Bông nạm lông nâu, bắp tay bắp chân săn chắc. Mồ hôi ông bốc hăng hắt, có lẽ tại ông thường tráng miệng bằng rượu nho và thứ bánh sữa bò hôi hám mà bà Bảy kêu là phô-mai. Đã có lần bà Bảy xẻ cho chú cắn thử một miếng. Chú nhai trệu trạo rồi phun nhổ sạch bách làm bà Bảy cười tới chảy nước mắt. Bà nói, thì tỷ như người mình ưa ăn mấy thứ mắm miếc vậy mà.

Lúc chiếc tam bản thủng thỉnh rời ụ nước, trời chỉ mới khảm sắc chàm. Bà Bông đã thức dậy, khoác áo ngủ ra đứng tựa lan can nhà thuỷ toạ, vẫy tay tiễn. Chó Su vảnh tai đứng đầu mũi. Hôm nay ông Bông bận quần ka-ki dài màu rêu, đi giày ống, áo cụt tay bỏ trong quần. Sợi nịt lưng may ngăn đựng đạn tiểu ly. Cây súng trường giắt tréo vai. Đầu đội nón vải có vành che nắng.

Chú Năm Tự chèo theo hướng chỉ của ông Bông. Thuỷ thổ miệt nầy, chú chưa rành. Nhiều nơi vẫn còn hoang dã, đầm lầy cỏ lác chằng chịt, phù sa bồi giồng theo dòng lưu lượng thất thường, là chỗ lý tưởng cho chim trời đắp ổ. Sáng sáng chúng nghìn nghịt kéo bầy bay tìm mồi, trưa đứng bóng rủ nhau trốn nắng trong lùm bụi hoặc dưới mấy cành thuỷ mộc rậm lá, chiều mát nối đuôi hình chữ V về tổ, buông tiếng inh ỏi vòm trời ráng lửa hoàng hôn. Ông Bông đã nhiều lần tự hào, thông suốt đường bay nước ở của vịt trời còn hơn thổ dân An nam, và địa điểm mỗi nhánh sông ụ đất nơi đây nằm gọn bâng như bản địa đồ trong đầu ông.

Đúng vậy, lúc ông Bông phất tay ra hiệu cho chú Năm Tự lơi dầm, lách mũi đâm vô cánh đồng lau sậy ngút ngàn, thì từ khắp phía, từng đợt từng đợt tiếp nhau những đốm sẩm màu bắn lên thinh không rực rỡ ánh thiên thanh đầu ngày. Tiếng cánh đập lào rào như ngàn nan quạt phất xoè cùng lượt. Tiếng cò diệc, vịt ngỗng khàn đục rời rạc, trỏm trơ. Tiếng le le, chàng bè hoen hoét nhức tai. Rồi sáo đồng và sẻ lúa chíu chít không mỏi. Và vô số giống chim khác nữa mà chú Năm Tự không rõ tên. Không hẹn, tất cả túa lên rần rật, trửng giỡn theo cảnh trời thay phông đổi sắc từng chặp. Ông Bông dường như đã quá quen mắt trước cảnh tượng kỳ diệu nầy, phắt tay biểu chú Năm Tự chống dầm, rồi đứng lên, lẹ tay lắp đạn vô nòng. Ngực tim chú Năm Tự đổi nhịp bồn chồn. Ông Bông ngoặt vành nón vải, ngước cổ, tỳ báng súng sát bả vai, nheo mắt quẹt chấm đầu ruồi theo đường chim liệng. Một tiếng nổ xé thinh không. Bầy chim bình minh xoẹt cánh hoảng loạn. Trật. Ông Bông lầm bầm gì đó không rõ, lần tay nạp đạn. Thêm một tiếng vang chát chúa. Một đốm đen lảo đảo, rồi rụng xuống thẳng băng như bị đất hút.

Ông Bông xua tay hối hả:

– A-lê! A-lê! Su!

Chó Su phóng xuống nước, quạt chân lủm chủm. Chú Năm Tử xoắn dầm ràn rạt nối đuôi. Lát sau thấy chó Su lội ngược, miệng ngoạm cổ một con vịt tro. Chú Năm Tự chụp lấy, quăng vô lườn ghe, vuốt đầu chó, khen giỏi. Ông Bông nhắm bắn thêm nhiều phát nữa. Chó Su và chú Năm lội, chèo ngang dọc mặt nước loen loét ánh rạng đông rực máu. Ông Bông như say mùi thuốc súng, lắp đạn, lên nòng liên tục cho tới lúc bầy chim trời tản mác thưa dần. Nắng ngày nhú tia tỉa theo viền mặt trời lặng lẽ trồi lên cuối chân mây.

Khi bóng nắng bắt đầu loá nước nhức mắt, ngó lại thì thấy lườn ghe đã chất chồng ngổn ngang xác vịt, ngỗng. Chó Su thấm mệt, ngồi lè lưỡi hổn hển mũi ghe. Ông Bông vẫn thẳng lưng đứng đó, hướng mặt tới trước, cây súng lăm lăm ngang ngực, như bị ma lực súc vật nào mê ám. Chú Năm Tự lơi tay chèo, trán đẫm mồ hôi, cổ họng khô khốc. Trời đứng gió. Ðộc nhất tiếng dầm chẻ nước nhát chừng, rời rạc. Chú Năm đảo mắt ngó quanh, thắc mắc không biết nơi đây là đâu. Đột ngột ông Bông ngửa mặt, dang tay lên trời, tay phải cầm súng, tay kia xoè ngón giơ lên … Chú Năm xoe mắt kinh ngạc thì nghe người đàn ông da trắng rú rống tràng dài tựa sói hú trăng. Chó Su bắt chước chủ, rướn cổ tru tréo theo chủ. Chằm chặp từng cơn. Không còn cánh chim nào trên vòm trời nắng loé. Trưa nhiệt đới hừng hực chan lửa xuống lưng đất thuộc địa.

Ông Bông chừng như chớm mệt, ngồi xuống, ra lệnh:

– Mình kiếm chỗ nghỉ trưa!

Nói rồi ông giơ ngón tay ra hướng. Chú Năm Tự lẳng lặng xắn dầm, không ngớt nghĩ ngợi về cảnh tượng tai nghe mắt thấy mới nãy. Cái hình ảnh hiển thánh của người chủ da trắng những lễ sáng chủ nhật thoáng phắt đổi dạng, như điều ngược ngạo thường tình của giả chân, thiện ác mà người dân thiếu ăn, dốt chữ miệt nầy dễ dàng lộn lẫn.

 

(còn tiếp)

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng