Trang chính » Chuyên Đề, Đàn Ông Email bài này

Tình Thơ

0 bình luận ♦ 10.04.2013

 

Nàng giả vờ không nghe tiếng chàng mở cửa bước vào nhà. Nàng giả vờ không nhìn thấy chàng đứng xớ rớ bên bậc cửa phòng ngủ. Hai bàn tay nàng vẫn thoăn thoắt xếp quần áo, những món trang sức trang điểm. Dù ruột gan nửa héo hắt nửa bầm tím, chàng không thể không nhìn những cử động nhanh và gọn của nàng với chút ngưỡng mộ: hẳn nàng đã trải qua rất nhiều thực tập. Chàng vẫn còn nhớ rất rõ ngày nàng dọn vào. Hôm ấy nàng rất chậm chạp, rất lúng túng, vì chàng cứ quấn quanh bên cạnh không để cho nàng yên. Hôm ấy chàng hạnh phúc biết bao. Nhà thơ lãng mạn trong chàng vẫn còn biết nhờm lợn những căn phòng motel họ đã từng đến, lén lút và dáo dác như tên trộm vặt. Nhà thơ lãng mạn trong chàng vẫn luôn muốn quỳ gối cho gót chân son của nàng bước lên bệ cao, dù không phải ở ngoài quảng trường cộng đồng thì ít ra cũng trong một khoảng không gian riêng tư của hai người. Chàng đã nhìn quanh căn phòng, thấy màu sơn tường đột nhiên ấm áp hơn ngày hôm qua khi chàng ký tên vào hợp đồng thuê nhà. Quay về phía nàng, chàng đã ngây ngất nghĩ: đấy là vì vòng sáng ánh đèn trên mặt bàn đêm, đấy là vì ánh mắt nàng cũng đang nhìn chàng, một nụ cười thoáng qua trên môi. Từ đây, chàng đã nghĩ tiếp, từ đây chàng sẽ nghĩ đến căn phòng này với một cảm giác nồng nàn, vì từ đây căn phòng là một khoảng không gian có sự hiện diện của nàng và ân ái của họ. Hình như chàng đã nghĩ đến hạnh phúc với rất nhiều dấu chấm, tượng trưng cho một sự nối dài về thời gian, tuy rằng con người lãng mạn trong chàng vẫn biết hạnh phúc thường không giữ lâu bằng miếng bánh Twinkie, dù cũng ngọt gắt như thế, dễ gây nghiền cũng như dễ gây chán ngán như thế.

Chàng dặng hắng, tự biết nàng sẽ vẫn không ngước lên. Chàng muốn xông lại bên nàng, dằng đôi tay nàng ra khỏi vali và ngăn kéo, bắt nàng nhìn vào mắt chàng, để nàng nhận ra tình yêu của chàng đối với nàng chưa hề thay đổi. Chàng muốn thốt ra những câu dằn dỗi cay đắng cho đến khi mắt nàng đẫm lệ và nàng rơi vào cánh tay chàng như một tấm lụa óng ả. Nhưng tận sâu thẳm đâu đó sau mối tình vẫn còn rất nhiều ảo mộng của chàng, có một giọng nói khác, một câu hỏi khác, sự lạnh lẽo của nhận thức, cái chán ngán không có lời thơ nào của chàng có thể đấp điếm cho qua: nàng đi theo tên giàu nổi đang xun xoe bên cạnh nàng có phải? cái tên trọc phú hàm răng cạo trắng đang sùi bọt mép ca tụng những bài thơ “cấp tiến và sâu sắc” của nàng? Thật là nực cười, hắn làm sao hiểu nổi cái gì là cấp tiến và sâu sắc. Ngay đối với chính nhà thơ là chàng đây, những bài thơ dù có thật “cấp tiến và sâu sắc” của nàng cũng không cấp tốc và nóng bỏng như những đường cong của cơ thể nàng, thường sủi bọt như chất cường toan, ăn ruỗng cả những lời thơ lãng mạn nhất chàng có thể nghĩ ra được khi chàng nghĩ đến nàng.

Nghĩ đến đấy, mớ ruột gan bầm dập của chàng nóng bừng lên, sôi sùng sục như rớt vào chảo dầu. Mắt hoa lên, chàng chệnh choạng vào phòng, va vào chiếc vali  đau điếng, nên đôi mắt đỏ ngầu của chàng ngân ngấn nước mắt, và chàng khuỵu người xuống ngay đấy, cách nàng một chiếc vali chàng không biết đã từng thấy qua hay chưa. Em bỏ anh ư, chàng nghẹn ngào nói, độ não nùng nhờ cổ chân đau thêm phần thống thiết. Nàng quay nhìn chàng, thoạt tiên mím môi như muốn gây hấn, nhưng rồi dịu lại. Trong một lúc, nàng có vẻ phân vân. Đáng lẽ chàng phải nhân cơ hội ấy ôm nàng vào lòng, nức nở thêm vài tiếng để dập tắt sự phản đối lấy lệ của nàng, nhưng cái chân chàng đau thật, và khi chàng gượng dậy được, nàng đã nhích người ra. Quả thật tất cả là thời cơ, chàng nghĩ. Bàn tay với của chàng và đôi vai của nàng chỉ cách nhau một phần trăm giây, nhưng cũng như trong cuộc thi thế vận, một phần trăm giây là đủ để quyết định thắng và thua. Chàng thở dài, tiếng thở dài nghèn nghẹn. Còn cảm thấy hơi ấm của nàng, còn trong ánh đèn dịu ngọt của căn phòng, chàng đã biết mọi chuyện đã thay đổi, đã chấm dứt, như thần chết đã mang linh hồn đi trước khi cơ thể nguội lạnh. Không nhìn nàng, chàng đứng dậy, khập khiễng đi ra.

o0o

Nàng đứng trong cánh cửa mở, hơi cau có, chắc vì phải đợi chàng khá lâu. Chàng đã thuộc lòng những câu than phiền của nàng, câu nào cũng đúng, câu nào chàng cũng nhớ và chẳng bao giờ làm theo. Tự nàng đã yêu một con lừa thích nổi loạn đấy chứ. Chàng nói thế, và nàng sẽ cười đến sặc, và bỏ qua cho chàng, hay đúng hơn là nàng khua một nhát chổi cho mọi chuyện vào gầm ghế. Khi họ chính thức và dứt khoát bỏ nhau, cuộc ly dị sau rất nhiều năm ly thân, có lẽ nàng đã phải dọn dẹp không biết bao nhiêu những buồn giận chất đống dưới bàn ghế và chiếc giường ngủ. Không biết chúng đã thành bụi bặm hay vẫn còn nguyên dạng những nỗi thất vọng không tan đi. Không biết khi nàng dọn dẹp, chúng khiến nàng hắt hơi hay chảy nước mắt?

Nàng tránh sang một bên nhường lối cho chàng, gọi cho Anne biết chàng đã đến. Khóe mắt của nàng khi chàng lướt ngang ra vẻ dửng dưng, nhưng chàng đoán nàng đã đoán ra có chuyện gì đấy không ổn với chàng. Trong số những người phụ nữ, những nàng thơ, những kẻ đa tình đã đi qua đời chàng và dừng lại chốc lát, nàng là người đọc rõ chàng nhất. Có thể không phải là tất cả ẩn dụ hay những điều sâu kín nhất, nhưng nàng bắt được ý chính, những gì căn bản nhất, ưu cũng như khuyết. Chính vì thế mà nàng có thể gạt được các cô gái khác chung quanh chàng dạo ấy. Nàng không đẹp lắm, nhưng nàng yêu thơ, và khi nàng yêu thơ của chàng, nàng không chỉ yêu tấm nhãn hiệu vô hình có hai chữ “nhà thơ” trên ngực áo chàng. Họ đã từng là kết hợp toàn hảo, và có lẽ sau này khi nhìn lại chàng sẽ kết luận họ là kết hợp toàn hảo nhất của cuộc đời chàng. Không phải là bài thơ đẹp nhất, vì ở bên nàng, chàng cảm thấy sự thân mật quen thuộc nhiều hơn đam mê. Cảm giác êm ấm nàng mang đến cho chàng không khơi dậy những xúc cảm cuồng nhiệt thường chỉ bật ra khi trái tim bị dồn nén quá mức. Có lẽ chàng có thể dùng một câu cải lương cũ mèm để nói rằng chàng yêu nàng như yêu em gái, nhưng chàng chưa bao giờ nỡ làm thế với nàng, hoặc đúng hơn chàng chưa bao giờ tìm cách định nghĩa hay phân loại những mối tình của chàng. Trong thâm tâm của chàng, cái tâm hẹp hòi và trăm phần ích kỷ, chàng muốn giữ lại dấu chân mình trên bậc thềm của nhà nàng (đã từng là nhà của họ), một khoảng trống rất mỏng giữa cánh cửa nhà nàng mở hé (để chàng có thể quay về). Nếu có khi nào chàng có thể nói cho rốt ráo mà không sợ tổn thương đến tâm hồn mỏng manh của nàng, chàng sẽ nói trong thế giới luôn quay cuồng thay đổi, nàng và tình yêu của nàng với chàng là những hằng số, những điểm tựa chàng đôi khi cần đến nếu không phải thật sự muốn chấp nhận mình cần đến.

Anne ngập ngừng bước ra, và nhìn vẻ lúng túng của nó chàng đã biết nó muốn nói gì. 14 tuổi, nó đã có bạn bè riêng, không muốn về nhà bố nữa. Chàng không hiểu mình có thất vọng hay không. Chàng yêu con một cách rất trừu tượng, tình yêu của chàng là những mảng màu sắc nghuệch ngoạc đổ vội vã trên khung vải, không có một chi tiết nào và một tựa đề dường như chẳng ăn nhập gì với bức tranh. Không phải chàng không biết làm người cha tốt phải như thế nào, nhưng những chuyện ấy xa lạ với chàng quá, một vài lần cố gắng của chàng chỉ khiến chàng nổi quạu và nàng cùng con vẫn thất vọng. Có lẽ Anne cũng như nàng, đã quen với thất vọng về chàng nhưng sẽ không bao giờ vượt quá nỗi thất vọng ấy. Hy vọng và biện hộ duy nhất của chàng là Anne sẽ lớn lên, chẳng cần đến chàng nữa (như lúc này), nhưng trong những góc tối của tâm thức, chàng mong con gái sẽ không phải lệ thuộc và bám víu tình cảm của một người đàn ông chỉ vì nó không no đủ tình thương và chăm sóc của người cha. Làm sao để cô con gái của chàng biết nó xứng đáng được có tình yêu (của một người đàn ông) khi người đàn ông đáng lẽ yêu nó nhất lại là chàng? Bất giác, chàng liếc nhìn nàng. Làm sao để nàng nói cho nó biết nó có tình yêu của chàng (cho dù có vẻ như không phải thế) khi nàng không thể nói nàng có tình yêu của chàng? Ít nhất, nàng biết khi nàng cảm thấy cần thiết phải bám víu vào tình cảm của chàng thì đã không còn gì để nàng bám víu nữa.

Có lẽ nghĩ rằng cái liếc mắt của chàng là để cầu cứu nàng giải quyết vấn đề trước mắt trước khi nó thành vấn đề, nàng kéo con gái lại gần, bảo cuối tuần thường anh cũng bận, hay là để nó ở nhà với em cuối tuần này đi. Cả Anne lẫn chàng nhìn nàng với vẻ biết ơn, cả hai đều không dám lộ vẻ vui mừng hoặc nhẹ nhõm quá mức vì sợ làm buồn lòng nhau và đau lòng nàng. Tuy thế, không hiểu sao chàng vẫn thấy nhoi nhói đâu đó trong lồng ngực khi nhìn nàng nghiêng đầu vào đứa con đã cao hơn nàng nửa cái đầu với một ý nghĩ bất chợt: lúc ấy nàng có nụ cười của thánh nữ, âu yếm và chịu đựng.

o0o

Nàng đã ngủ khi chàng vào nhà. Rón rén, sợ làm nàng thức giấc và sợ những câu hỏi han của nàng, chàng thay quần áo trong phòng tắm, mò mẫm trong căn phòng tối đèn, rất khẽ khàng vén mí tấm chăn và nằm xuống sát mé giường. Nàng im lặng quá, thân hình nàng nằm yên quá, khiến chàng tự hỏi nàng thực ra thức hay ngủ. Nhưng đấy là một câu hỏi chàng không nên tìm câu giải đáp. Ngoảnh mặt đi, chàng nén một tiếng thở dài. Không biết tiếng thở dài ấy cho nàng, người phụ nữ đã không còn khiến người đàn ông sống chung với mình muốn nhìn thẳng vào mình nữa, hay cho chàng, người đàn ông bụng dạ đã đi mà cái thân rất xác thịt còn nằm trên giường của người đàn bà ấy. Có phải vì nhan sắc của nàng đã tàn phai không? Ngay từ lúc họ gặp gỡ nhau lần đầu, nàng chưa bao giờ là tâm điểm của đôi mắt chàng, và mỗi lần gặp đôi mắt nàng say đắm nhìn mình, chảng luôn luôn phải kềm lại bản năng gọi nàng là chị. Không phải chàng không biết ơn nàng đã đến giữa lúc chàng đã lọt thỏm xuống đáy của một thứ địa ngục rất thật của trần gian, toàn những túi rỗng và nợ nần và cảm giác bị ruồng rẫy, hoặc tệ hơn nữa, cái cảm giác “cho đáng đời” không ai ném vào mặt chàng nhức nhối như những lúc chàng nhìn mình trong gương mà gằn giọng mấy chữ ấy trong đầu. Ngày hôm trước chàng không có đủ tay để đánh chuyền nào vợ nào con nào người tình, ngày hôm sau hai bàn tay chàng chỉ còn để thọc vào túi, hai vai so lại trong cái dáng thảm não của một người tìm chỗ ở nhờ.

Ngay lúc ấy, nàng xuất hiện. Có thể nàng đã chờ một thời cơ xuất hiện như thế, lúc ngay cả thơ của chàng cũng lơ láo như chàng mất hết những câu đùa duyên dáng. Chàng nhận ra một điều đáng sợ, là chàng không thể đặt những cảm xúc đi quá mức tận cùng của chàng lúc ấy vào thơ. Thử làm thế, thơ chàng là một cơn mê sảng, một vết thương chưa lên sẹo bên cạnh đống bông băng đầy máu mủ. Chàng xé nó đi, quên nó đi, nhưng không tìm được những lời bóng bẩy hoặc thậm chí hiện thực siêu thực giả vờ. Nàng thơ, cũng như những nàng khác, không muốn nhìn thấy, không muốn ở gần một nhà thơ chỉ còn những cảm xúc chưa trau chuốt. Thế mà lúc ấy nàng đã đến, nhìn chàng cũng bằng đôi mắt say đắm như bây giờ. Chàng phải cám ơn nàng vô cùng tận, mỗi ngày chàng phải tìm một ý mới cho bài thơ Tạ Ơn Em của riêng chàng tặng riêng cho nàng, nhưng con thú thích săn đuổi trong tâm tưởng chàng hình như chưa bao giờ tha thứ được cho nàng vì nàng đã, nghĩa đen cũng như nghĩa bóng, “lượm” chàng đem về nhà. Cho dù chàng không đến nỗi giận cá chém thớt mà giận oan cho nàng, làm sao tình yêu có thể thăng hoa, lên ngôi (hay cái trò cải lương nào đấy tình yêu thích làm) trong cảm giác lờm lợm chàng cảm thấy mỗi khi nghĩ đến chàng và nàng trong cùng một tư tưởng. Ngay từ thuở ban đầu đã là như thế: chàng nhìn thấy nàng trong tất cả hào quang có giới hạn chung quanh, tô vẽ sặc sỡ quá mức từ nỗi biết ơn của chàng, trong khi đó, chàng là gã đàn ông lún đến mức tận cùng của thất bại bên cạnh nàng. Lòng biết ơn là thứ duy nhất có thể, lại bị đâm xé bằng tự ái đàn ông gai góc của chàng. Không phải là lòng dạ đàn ông tàn nhẫn, mà lòng dạ không có tình yêu nào cũng tàn nhẫn.

Rốt lại, hình như ở bên nàng, lòng tự ái và biết ơn của chàng đều tơi tả. Tại sao chàng vẫn còn ở lại là loại câu hỏi chàng cảm thấy không nên tìm câu trả lời, vì chàng không chắc chàng có thể tin vào những lý do láo toét như chàng không thể chối từ phụ nữ chẳng hạn, mà câu trả lời thật sự có thể chỉ khiến lòng tự ái của chàng tơi tả thêm. Khối tên thi sĩ văn sĩ hoặc mần văn chương ganh tỵ với chàng, bọn phỉnh nịnh trước mặt nàng và dè bỉu sau lưng chàng chắc đã bàn tán chuyện này hết cả két rượu. Hắn chẳng rời nổi căn nhà ấy đâu. Nhà rộng quá, loanh quanh cả ngày không thấy lối ra. Nhan sắc của nường không nghiêng nước nghiêng thành, nhưng nường dư sức xây thành…nghiêng. Chàng có thể mường tượng ra những cảnh trà dư tửu hậu ấy, nơi những giọng cười hằng hặc và hơ hớ không đáng sợ bằng cái nhếch mép hững hờ còn-lạ-gì-mà-phải-nói.

Chàng bật một tiếng thở nhẹ, xoay mình. Lúc chàng nhận ra mình nằm đối mặt với nàng thì đã quá trễ. Một cánh tay nàng rơi ngang sườn của chàng, âm ấm, nằng nặng. Chàng thấy mình co rúm người lại, tự động nín thở. Nhưng nàng vẫn đang ngủ say. Hé mắt, chàng nhìn khuôn mặt của nàng lờ mờ trong bóng tối, khuất một nửa dưới đường cong của mặt gối. Nàng vẫn thích loại gối mềm nhưng dầy, như thế đầu nàng sẽ chìm vào sự êm ái của nó khiến giấc ngủ đến dễ dàng hơn. Chàng không biết đã bao lần, hoặc có bao giờ nàng mất ngủ vì chàng chưa. Còn chàng, chàng ngủ không ngon bên cạnh nàng. Hình như cơ thể chàng chưa bao giờ thực sự quen với sự gần gũi của cơ thể nàng. Cũng có thể trong lúc họ sát gần nhau như thế này, chàng cứ nhớ đến những mong đợi của nàng đối với chàng, những mong đợi càng lúc càng bất khả đối với chàng. Mình phải đi, chàng nghĩ, không dám thở mạnh dưới cánh tay nàng. Mình phải đi, rời khỏi căn nhà này, tòa lâu đài ngục tù mềm dịu và dễ chìm đắm nhưng chiếc gối lông ngỗng tơ của nàng. Phải rời khoải căn nhà này trước, thì chàng mới có đủ tỉnh táo suy nghĩ và quyết định bước kế tiếp. Tình trạng lửng lơ này không phải là hạnh phúc cho cả hai người, dù sao thì chàng cũng phải cố gắng gallant và nghĩ đến hạnh phúc của nàng…

Khi chàng mở mắt, căn phòng ngập ánh nắng, yên lặng và trống vắng. Chàng dụi mắt, ngáp dài, uể oải ra khỏi giường và thất thểu kiểu ngái ngủ xuống bếp. Nàng đang đọc báo ở bàn ăn, tách cà phê dìu dịu khói. Nghe tiếng chàng, nàng ngẩng lên, hất cằm sang ghế đối diện:

– Anh có muốn ăn sáng không? Em có làm bò kho.

Chàng đứng trước mặt nàng, hơi nghiêng ngả, cố nhớ một điều gì đấy hình như chàng cần phải nói với nàng. Nhưng nó còn đang ngủ đâu đó sau lớp sương mù mịt buổi sáng trong đầu chàng. Buông người xuống ghế, chàng cầm nửa tờ báo trên bàn:

– Cho anh tách cà phê thôi.

 

11/12
Trương Nhân

bài đã đăng của Trương Nhân

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)