Trang chính » Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

NICK SỐNG LẠI LẦN NỮA

 

Nick đã chết rồi, nhưng vẫn chưa yên. Ngay từ đầu tôi đã cho Nick chết, rồi sống lại, rồi lại từ trong mơ bước ra, làm đau lòng người thiếu phụ yêu mê đắm đuối. Bây giờ đang ngồi suy nghĩ không biết có nên cho chàng sống lại lần nữa, hay là từ trong mộ bước ra không. Hình như bây giờ người ta cũng dần dần quên Nick rồi, Nick không còn là một cái tên để người ta có thể hình dung ra một kỷ niệm yêu kiều, và cười, và khóc. Có nhiều cái tên khác đã choán dần tên của Nick. Nó đã choán rộng ra, lấn chiếm, đến nỗi Nick phải lùi lại vào tận góc phòng, quỳ gối, cúi đầu, nhắm mắt, với khuôn mặt góc cạnh đã tàn phai, bên cạnh một lon bia dang dở. Thôi, chắc là hãy để cho Nick yên nghỉ.

Nhưng Nick chẳng bao giờ chịu yên nghỉ trong lòng tôi. Chiều nay nhớ Nick, tôi lái xe đến nghĩa trang. Nghĩa trang nằm trên một con đường nhỏ vắng tênh, thỉnh thoảng vài chiếc xe lướt qua trong yên lặng, trong đó có xe của tôi. Đang là mùa thu. Hai bên đường là những cây phong đang thay mầu lá. Rừng phong của miền Đông Bắc Hoa Kỳ vào mùa thu thì tuyệt đẹp không cần phải giới thiệu quảng cáo, như chỉ có ở trong mơ, làm nao lòng những con người nhạy cảm, như tôi. Khi đến nơi, bước lần vào những ngôi mộ phía bên trong, tôi cũng cảm thấy lòng man mác buồn cho những con người đã sống, và chết. Những người chắc cũng từng có một thời liệt oanh lừng lẫy, có nhiều người ái mộ yêu chìu nhớ thương, rồi cũng đến lúc yên nghỉ một nơi khuất lấp chẳng còn ai biết đến, trong khi cuộc sống vẫn tiếp diễn, những con người lại đi qua và chẳng bao giờ trở lại. Sao tôi cứ hay nhớ hình ảnh cô y tá Florence trong phim Dr. Zhivago (bây giờ đã là bà) đi ngang qua đám đông đang tụ tập lại xung quanh một người vừa ngã xuống, bác sĩ Zhivago, bà hoàn toàn vô tình không biết là mình vừa đi ngang qua ông, một người thân quen, lần cuối, ông vĩnh viễn nằm xuống ở đó, còn bà, đã vượt qua đám đông và đi xa hơn ông. Có đôi khi tôi cũng chợt giật mình, khi nghĩ rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ nằm dưới lòng đất trong một ngôi mộ hoang tàn đâu đó. Và một vài người, bước qua và đi xa hơn mình. Và rồi ai sẽ viết về tôi.

Bước qua dãy mộ đến ngôi mộ cũ quen thuộc của Nick, tôi giật mình thấy một người, có vẻ giống như là một pho tượng ai đem đặt trước mộ. Tôi cảm thấy hơi lạnh ở sau gáy, nhưng biết chắc không phải là ma, vì ma thì chẳng thể nào hiện ra ban ngày, ma thường hoạt động trong bóng đêm hay cảnh nhạt nhòa dễ tạo ấn tượng rùng rợn thê lương hơn. Tuy lạnh gáy nhưng tôi vẫn cứ bước lại gần, và khi còn một khoảng cách đủ để nhận diện được thì tôi thấy một người đàn bà đang ngồi nhìn đăm đăm vào cái bia dựng trước mộ, và bên cạnh, là một chai bia (tôi có thể đọc được nhãn hiệu của chai bia)

Hình ảnh một người đàn bà trong một nghĩa trang, trước ngôi mộ với một chai bia bên cạnh trông có vẻ buồn cười, khôi hài mà có thể khóc nức nở lên được. Buồn gì đến nỗi mang bia vào nghĩa trang mà đối ẩm với người dưới mộ. Tôi cũng đang buồn đứt cả ruột đây và cũng cần một người có thể ngồi đối ẩm với mình. Tôi chắc là mình đã tìm ra đối tượng để chia xẻ nỗi đau mà tôi chịu không nổi. Nỗi đau đang căng dưới da và có thể làm nứt da, có thể vượt qua thanh chắn của con đê và tràn bờ, hứa hẹn một sự vượt thoát ra đến mênh mông của biển.

Tôi cũng đến và ngồi xuống, bên cạnh chai bia. Chai bia không phản ứng. Ngưòi đàn bà cũng chẳng nói gì, cũng không có vẻ giật mình, nhớn nhác khi gặp người lạ trong một khung cảnh rờn rợn của nghĩa trang buổi chiều. Bà ta như đang đắm chìm trong một thế giới nào khác, đến nỗi tôi phải nhìn kỹ bà ta hơn, xem bà ta có thật sự còn sống không, khi thấy đôi môi nhúc nhích, mấp máy, tôi cảm thấy nỗi đau đang đầy ứ của mình như được chia xẻ, múc bớt đi, để mực nước không tạo áp lực căng thẳng cho con đê còm cõi nữa.

Nhìn tấm bia mộ, tôi bắt đầu nghĩ đến Nick và cuộc đời ngắn ngủi của người đàn ông bạc mệnh này. Tôi nhiều lần nói chuyện với Nick khi chàng còn sống, còn yêu, còn đầy mầu mây hồng trong mắt, thuở chàng đâu mới đôi mươi. Chúng tôi cùng sống trong một thị trấn nhỏ, thường gặp nhau.

Dù là đàn ông con trai với nhau, tôi cũng phải công nhận rằng ông đẹp trai thật đấy.

Vậy ư. Nick dửng dưng hỏi, chẳng lộ vẻ gì xúc động trước lời khen.

Và gợi cảm nữa.

Ừ nhỉ, Nick nói một câu chẳng ăn nhập gì với lời khen.

Nếu tôi là một phụ nữ, tôi sẽ yêu ông.

Tiếc thay ông chẳng phải là một phụ nữ. Nick cười, răng trắng đều.

Sao lại tiếc, tôi nhì nhằng dằng dai.

Vớ vẩn, Nick khoát tay. Vì ông không phải là một phụ nữ, nên ông không thể yêu tôi, có thế thôi.

Ngập ngừng một chút, rồi Nick nói, không có vẻ chủ ý: Và tôi cũng chẳng có thể yêu ông.

Chàng đột nhiên cười lớn, lại khoát tay, phủi tay, vớ vẩn quá, mình nói chuyện vớ vẩn, bậy bạ… Nhưng tôi thấy chàng thoáng vẻ bối rối.

Chợt tiếng người hỏi làm tôi giật mình. Chào ông, ông có quen với Nick.

Chẳng những quen, mà còn thân, chẳng những thân, mà còn thương, chẳng những thương, mà còn… Tôi kịp ngừng, chấm dứt trò đùa quá lố. Tôi nhìn lại người đàn bà. Bà ta đang mở to mắt, có lẽ chờ nghe tôi nói tiếp câu nói có vần đang bỏ dở.

Chẳng còn gì hết, hết rồi, tôi khoát tay, điệu bộ gần giống như Nick ngày đó.

Ông là ai. Bà ta hỏi.

Bà có lẽ là cô bé gái trong câu chuyện của Nick. Tôi hỏi lại, tránh trả lời.

Ông là ai. Bà ta hỏi lại. Rõ ràng là một phụ nữ không dễ khuất phục..

Bà là một phụ nữ không dễ khuất phục. Sao bà lại có thể bị Nick khuất phục dễ dàng. Tôi cười nói.

Bà ta lấy chai bia bỏ vào giỏ, lẳng lặng đứng dậy bước đi. Đi vài bước bà quay lại nói.

Tôi biết ông là ai.

Tôi là ai thì cũng chẳng có gì cần thiết, ít nhất là bây giờ, chẳng có gì cần thiết nữa. Tôi cúi đầu, cảm thấy đau lòng.

Khi người đàn bà đi khuất sau con đường nhỏ, tôi còn lại một mình, chắc là hai mình. Có Nick đang ở dưới mộ, nhưng có còn hình hài xương thịt gì nữa không, hay chỉ là một bộ xương khô, và nhiều phần trong bộ xương đã bị phân hóa thành cát bụi. Nhiều năm đã qua rồi. Cái trí óc đáng thương của tôi lại quay về những năm đã qua ấy, nó cứ lẩn quẩn trở lại, như một vết chàm khắc trên da, dưới lớp áo, mặc áo quần thì còn che khuất, nhưng cởi áo thì nó lại hiện ra. Tôi đang cởi áo ra, nhìn vào vết chàm ấy, lẽ ra theo thời gian thì sẽ mờ phai đi, nhưng lại dường như khắc sâu hơn vào da thịt, đến nỗi tôi có cảm tưởng nó đã trở thành một vết thương, vết thương có hồn sống, vì nó chẳng phải chỉ làm cho da thịt tôi đau, mà linh hồn tôi cũng đau đớn.

Đó là một buổi chiều, trong một tỉnh lỵ nhỏ, một quán ăn nằm gần một dòng sông, một quán ăn nhỏ, cũ kỹ, cầu thang dẫn lên gác mái ọp ẹp, run rẩy dưới những bàn chân, cái thanh ngang vịn tay cũng rung rinh theo nhịp bước mà chủ quán cũng chẳng cần sửa chữa vì chẳng có nhu cầu sửa chữa. Có bao nhiêu khách hàng ngày thì ông chủ cũng đã thuộc tên nhớ mặt rồi, còn thỉnh thoảng có du khách nào đi lạc đến thì cũng chỉ thú vị bước vào như thể đang tham quan một khu di tích. Tôi đang ngồi trên một cái ghế nhìn ra phía dòng sông thờ ơ, với một chai bia trên bàn, một tâm hồn nứt rạn, khóc cho một mối tình tan vỡ. Nói cho cùng, nó chẳng phải là một mối tình tan vỡ, chỉ là một tâm hồn tan vỡ, vì chẳng thật sự là một mối tình.

Nick cũng bước lên những nấc thang ọp ẹp ấy và bước lại gần tôi, mặt sàn gỗ run lên vì cảm xúc. Khi người ta đang đau khổ, muốn ngã, người ta rất cần một cái gì đó để bấu víu, để khỏi ngã, tôi rất muốn quay lại ôm Nick, mà không thể. Nick chỉ cách tôi một cánh tay, nhưng xa hơn mười cánh tay nối lại. Tôi biết, nếu tôi đưa tay ra để vói tới Nick và ôm chàng thì tôi sẽ ngã. Nick cũng ngã. Một cú ngã chắc chắn sẽ làm tổn thương cả hai người.

Người ta nói ông ra ngồi đây. Nick nói.

Ừ thì ngồi đây, tôi nói.

Nick kéo ghế ngồi cạnh. Nào, chúng ta hãy nói chuyện. Tuy nói rằng chúng ta hãy nói chuyện, nhưng Nick chẳng có vẻ gì là chuẩn bị nói chuyện. Chàng nhìn ra dòng sông, tôi cũng nhìn ra phía ấy, làm như dòng sông là mục tiêu chính mà chúng tôi sắp nói đến. Tôi rất muốn nói một điều gì đó cho trái tim tôi đỡ bứt rứt, nhưng tôi cứ cố dằn lại. Sự trì kéo giữa trái tim và khối óc làm cho mọi thứ trở nên thê thảm hơn.

Ông ra đây làm gì. Cuối cùng tôi cáu kỉnh hỏi.

Ông có muốn tôi ra đây không. Nick hỏi lại.

Muốn, tôi cáu kỉnh hơn.

Sao mặt mũi ông lại khó đăm đăm thế. Nếu ông cáu kỉnh quá thì tôi đi về đây.

Tôi bèn dãn khuôn mặt ra. Tôi ráng nhếch mép để tạo ra một nụ cười, nhưng nụ cười mếu trông thảm hại hơn là cứ giữ khuôn mặt khó chịu. Khi thấy mình thảm hại thì tôi lại cáu kỉnh, nhưng tôi biết là nếu tôi phạm sai lầm thì tôi sẽ đánh mất một điều quý báu nhất trên đời mà chắc chắn sẽ không bao giờ có thể tìm lại. Tôi cố gắng tìm ra một cách để giải vây mình, nhưng những suy nghĩ trở nên như những cọng chỉ rối.

Thế rồi tôi quyết định là không buồn nữa. Dù câu chuyện đã xảy ra từ rất lâu, tôi vẫn nhớ một cách chính xác cảm giác của tôi lúc ấy. Nó vừa giống như cất một gánh nặng ngàn cân từ trên vai xuống, nhưng thình lình như có một mũi kim đâm trúng trái tim. Tôi không có đủ thì giờ để cân đo giữa cả hai điều xem cái nào nặng hơn, nhưng tôi biết tôi phải làm gì.

Tôi cười: Cám ơn sự quan tâm của ông. Buồn một chút cho vui.

Tôi cảm giác như Nick đang thở phào nhẹ nhõm: Thế à. Làm tôi lo.

Tôi định hỏi lo cái gì nhưng ngưng lại kịp. Kìa ông xem, những con chim bay ngang qua trời, ở đây chẳng có sợi dây điện nào cho chúng đậu. Nick chỉ có một điều đáng yêu ngoài vẻ thu hút nam tính là một hoài vọng khôn nguôi về những bầy chim ngang trời mà sau này tôi cố công khám phá vẫn chỉ hiểu lờ mờ. Sinh ra và lớn lên từ một tỉnh lỵ, nhưng Nick không muốn sống một đời tỉnh lỵ, đôi mắt chàng luôn ngước nhìn lên những bầy chim và mơ ước bay như chúng. Bay đi đến những đâu nào ai biết, vì ngày ấy làm gì có email, internet hay là I phone I pad, chỉ có những người phát thư già ngày ngày nặng nhọc vác thư đi ngược dốc, len lỏi vào những ngõ hẹp, đặt thư vào những hốc đá. Những phụ nữ mặc váy, đàn ông lớn tuổi mặc những cái yếm làm việc, chăm chỉ làm việc, chăm chỉ trông con, trông cháu, nói những lời cũ như chuyện cổ tích, trí óc và suy nghĩ bay không cao hơn cánh những con gà đi lẹt đẹt trong sân.

Hai chúng tôi ngồi nhìn ra dòng sông chán rồi quay lại nhìn mặt bàn, nhìn chai bia gần cạn, không dám nhìn nhau vì sợ nhìn những nỗi buồn.

Nào, kể cho tôi nghe chuyện của ông để bớt buồn. Tôi nói.

Nhưng khi nghe xong rồi thì ông sẽ buồn hơn. Nick đáp.

Tôi lại cố gắng tìm hiểu lời nói của Nick có nghĩa gì. Tại sao khi nghe xong chuyện của Nick sẽ lại buồn hơn. Tôi biết người con gái mỗi ngày đi qua con đường bên kia, thường ngoái lại để nhìn xem có Nick hay không. Cô ta có vẻ không thể sống được nếu một ngày nào đó phát giác ra rằng Nick đã rời khỏi tỉnh lỵ không để lại một lời nhắn gởi nào. Tôi, có đôi khi nghĩ một cách khá độc ác, cầu cho Nick rời khỏi thị trấn, để có thể nhìn thấy vẻ tuyệt vọng não nề trên đôi mắt người con gái ấy.

Cứ nói đi, tôi sẽ không buồn hơn đâu. Buồn đầy rồi.

Vậy à, Nick làm ra vẻ thờ ơ, nhưng nói giọng chắc nịch, như người quan tòa dộng cái búa gỗ xuống bàn để quyết định tuyên án. Ngày mai tôi sẽ rời khỏi đây.

Trong phút chốc tôi cảm thấy mình muốn cười hơn là khóc, một nụ cười long lanh những giọt lệ. Chính là tôi người đã rơi vào trong lời nguyền độc địa chứ không phải là cô gái ấy. Tôi biết là Nick sẽ ra đi, nhưng chẳng bao giờ dám nghĩ là ngày mai. Tôi vói tay lấy chai bia và cố gắng giữ mình thăng bằng. Đi thật à, rốt cuộc tôi đã nói được, cảm thấy cái lạnh run bắn từ bên trong, như chuẩn bị một cơn sốt rét dữ dội.

Nick, tôi hiểu, không phải là loại người giầu tình cảm. Nhưng trong giây phút ấy tôi nhìn thấy trong đôi mắt chàng một vẻ gì lạ lùng, gần như một nỗi tuyệt vọng. Đôi mắt ấy ám ảnh suốt cuộc đời tôi sau đó. Để không ai phải buồn nữa. Nick nói nhanh như một làn gió thoảng qua, như một tiếng thở dài mà ngắn, nhưng tôi bắt kịp nó. Chàng đứng dậy khi dòng sông phía bên kia chiều bắt đầu nghiêng, ngã trong mắt tôi.

Về nhé. Giữ sức khỏe. Nick quay lưng. Cầu thang ọp ẹp run lên dưới bước chân của người thanh niên trẻ tuổi. Tôi ngồi đó nhưng không còn là tôi nữa. Tôi đã chết. Tôi không thể đứng dậy được nữa. Dĩ nhiên cũng không thể nói gì nữa. Tôi khuỵu xuống ở chân ghế, úp mặt vào mặt ghế, trong bao lâu không hề biết. Nước mắt tôi tuôn chảy như một dòng thác. Nhiều năm sau khi tôi đã vượt qua được dòng thác, đi lên trên đường và tiếp tục cuộc đời mình, tôi không bao giờ có thể nghĩ được rằng con người ta có thể sống được trong những hoàn cảnh tương tự như vậy.

Chợt tôi nghe tiếng động của bước chân quay lại. Người đàn bà đã trở lại, vẻ thản nhiên, nhưng đã quăng đâu đó cái giỏ và chai bia. Tôi đoán bà ta sẽ quay lại. Tôi biết chắc bà ta sẽ quay lại. Bà ta sẽ chẳng ra về mà lòng yên ổn nếu không nghe một lời thú nhận nào đó từ tôi. Bà ta muốn nghe, dù là nghe xong cũng chẳng để làm gì. Vài tia nắng lóe lên trong bầu trời chiều, khung cảnh có vẻ bớt nhợt nhạt. Tôi nhìn người đàn bà vẫn còn nét đẹp sau ngần ấy thời gian, tôi biết bà ta muốn nói gì.

Nào, bây giờ mình hãy nói chuyện với nhau. Có Nick ở đây cùng nghe, chẳng có gì để giấu diếm nữa. Người đàn bà dịu dàng.

Sau bao nhiêu năm, bây giờ tôi chẳng còn gì để giấu diếm nữa. Tôi đáp.

Vậy à. Bà thở dài, không mãn nguyện lắm nhưng đó là tất cả những gì bà muốn nghe muốn biết. Đó đã là một lời xác nhận đầy đủ. Bây giờ ông thế nào. Người đàn bà hỏi một câu khác, chấm dứt câu chuyện cũ.

Tôi đã trở lại, ở một mình, căn nhà bên kia sông, dòng sông nay đã hẹp hơn vì con đường đã rộng ra.

Tôi nghe nói rằng ông đã thành đạt rất nhiều, ở trong những thành phố lớn, trong những căn nhà lớn, sao bây giờ lại trở về thành phố nhỏ, trong một căn nhà nhỏ.

Cho tới một lúc nào đó khi người ta nhận ra rằng điều quý báu nhất trong cuộc đời họ là những kỷ niệm, họ sẽ trở lại. Tôi nói.

Đúng vậy. Người đàn bà thú nhận. Ông thấy đấy, dù lăn lóc chân trời góc biển, hạt bụi xưa vẫn lưu luyến nhớ đất quê cùng nỗi niềm trong lòng chẳng hề phai nhạt.

Tôi nhớ rằng người đàn bà này là một nhà văn, mà nhiều năm sau này bà cũng đã yên lặng. Chúng tôi nhìn nhau, nhìn mái đầu lấm tấm bạc của nhau, hiểu rằng, cuối cùng lằn ranh giữa chúng tôi đã được xóa đi. Chúng tôi đều mất người chúng tôi muốn giữ, chẳng ai giữ được người mình đã mất.

Chẳng mất đâu. Tôi còn đây… Một tiếng nói nhỏ nhẹ, như tính cách của người nói.

Tôi và người đàn bà quay lại. Chỉ là tiếng gió.

TRẦN NGUYÊN ĐÁN

 

.

bài đã đăng của Trần Nguyên Đán

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)