Chính mẹ tôi là người báo cho tôi biết tin chị Ann bị hành hung. Đêm hôm trước cú điện thoại đến muộn, sau khi tôi đã ăn xong lố bánh quy hiệu Graham thường nhật và lên giường ngủ. Sáng hôm sau mẹ tôi gợi chuyện một cách vô cùng thận trọng khiến sau đó tôi nghi ngờ là bà có dợt tuồng trước. “Mẹ sợ là mẹ có một vài tin không vui,” bà nhập đề, “về chị của con.” Cảm giác đầu tiên của tôi là nôn nóng hơn là lo lắng. “Không vui” là thứ tin tức cũ kỹ đối với chị Ann, và nói đến mẹ thì tôi biết qua kinh nghiệm của mình là sẽ phải mất một lúc lâu mẹ mới nói đến điểm chính của câu chuyện. “Đêm hôm qua, lúc chị của con đi bộ từ trạm xe buýt về nhà,” mẹ tôi kể. “Nó đang trên đường đi, hoàn toàn để tâm đến chuyện riêng của nó…”
“Đúng ra chị con trông thấy thằng đó trước, lúc chị con còn trên xe buýt,” ba tôi nói. Ông không ngắt lời mẹ, người không bao giờ chấp nhận cho ai ngắt lời mình, mà ông chỉ nói như nói với chính mình. Giọng của ông có vẻ khích động.
“Thấy ai?”
“Thấy thằng đó.” Mẹ tôi lườm ba tôi, rồi thở dài. “Nó chỉ khai được với cảnh sát là thằng đó trông như lệch qua một bên và mặc một cái áo khoác màu xanh xám. Chỉ có thế thì đâu giúp gì cho cảnh sát được.”
“Cảnh sát? Chuyện gì xảy ra vậy?” Tôi hỏi, tới lúc này mới bắt đầu thấy sợ hãi.
“Thằng ấy thấy nó từ trạm ngừng xe buýt và bắt đầu theo nó suốt quãng đường. Nó ghé nhà thuốc tây, cái nhà thuốc ở cuối góc đường từ căn hộ của nó. Nó mua một ít Dentyne. Tới lúc này thì nó nghĩ đã đánh lạc hướng thằng đó được rồi, nó nghĩ thằng đó đã bỏ cuộc và nó có thể ra đường để về nhà một cách an toàn. Mới chỉ có chín giờ.” Giọng bà nghe như nài nỉ, và tôi hình dung đôi mắt bà đầy nước mắt phía sau cặp mắt kiếng gọng đồi mồi. “Đâu có phải là một hay hai giờ sáng. Mới chỉ có chín giờ. Nó thề là mới chỉ có chín giờ.”
“Nhưng đã xảy ra chuyện gì? Chị ấy có sao không?”
“Cám ơn trời, không xảy ra chuyện gì nghiêm trọng hết,” ba tôi nói. “Không có hãm hiếp hay gì hết.”
Cuối cùng sự thật trần trụi mà tôi biết được là chị Ann đã bị giúi mặt xuống lề đường, mắt kiếng vỡ nát và đầu gối trầy trụa trước khi tiếng hét của chị khiến tên vô lại giật cái túi xách của chị bỏ chạy. “Nó sẽ bình phục,” ba tôi nói. “Ba hy vọng.”
Bố mẹ tôi đã rất là quan tâm đến những gì được xem như nghiêm trọng và những gì có thể bình phục kể từ khi chị tôi bắt đầu đi gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần sáu năm về trước. Bây giờ chị Ann đang theo đuổi việc điều trị của bác sĩ tâm thần thứ tư. Ông bác sĩ này, mẹ tôi nói, đã mô tả chị như là “bấp bênh.” Lúc gần đây chị bắt đầu gọi điện thoại viễn liên cho mẹ hầu như hàng tuần. Tôi không biết gì nhiều về môn tâm thần, nhưng với tôi nó bốc ra cái mùi giống như một hình thức phản bội dễ làm cho người ta cáu kỉnh. Chị Ann hai mươi hai tuổi, sống ở Chicago, cách xa chúng tôi hàng trăm dặm – thêm vào đó, chị còn là một họa sĩ. Tôi nghĩ chẳng những chị có quyền được hưởng một cuộc sống nội tâm không dính líu gì tới chúng tôi; mà chị còn được quyền đòi cho được lối sống ấy. Chị đã tìm mọi cách làm hài lòng bố mẹ. Chị đã lấy được bằng tốt nghiệp đại học mà bố mẹ mong muốn. Chị đã nhận một việc làm mà bố mẹ cho là coi được trong khi chị xem như một cực hình. Theo chị Ann, vai trò phụ tá điều hành tại Công Ty Nông Cơ Browncow không thích hợp cho một người phụ nữ có trình độ như chị, và tôi cũng đồng ý như thế. Khi tôi hình dung cảnh chị làm việc, tôi thấy chị ngồi ở bàn, phác họa trên giấy tờ mô hình những trang trại. Cạnh đó, những cô gái có tên như Jolene, mới tới Thành Phố Gió[1], đang ngồi đánh móng tay bằng những loại sơn màu đá quý.
“Mình sẽ đi thăm con Ann,” mẹ tôi thông báo một buổi tối khoảng hai tuần sau biến cố. Giọng của bà vui vẻ một cách đầy bất trắc.
“Chừng nào đi?” Tôi hỏi. Tôi đang ngồi ở bàn ăn trong nhà bếp, đọc lại The Great Gatsby để làm bài tập. Mới đây tôi nghe nói đầu gối chị Ann đã lành lặn một cách tốt đẹp, và chị đã mua lại được cặp mắt kiếng mới thật xinh xắn. Sự kiện chị đã thành công trong việc ngăn cản chúng tôi làm một cuộc hành hương gia đình tới căn hộ của chị là một điều tự nhiên. Cuộc thăm viếng của chúng tôi bao gồm việc mẹ mang một cái gói hiệu CARE đựng những hộp cá ngừ và buộc ba tôi tình nguyện treo lại những tấm màn căn hộ của chị. Và chuyện không tránh được là chúng tôi kết thúc cuộc thăm viếng bằng bữa ăn tối ở Surf’N’Turf Inne, nơi mà chẳng ai thấy thích thú một chút nào.
“Ngay bây giờ,” mẹ tôi nói.
Ba tôi đã kéo tấm bạt phủ chiếc xe cổ lỗ của ông xuống, và tôi nhận ra rằng “mình” không có tôi trong đó.
“Cũng hơi khẩn cấp một tí cưng ạ.” Mẹ tôi chui vào chiếc áo khoác lông cừu giả. “Bố mẹ biết con sẽ bình yên. Sáng mai bố mẹ sẽ về tới, có chuyện gì thì con cứ gọi cho dì Lucy.”
Tôi gài miếng đánh dấu trang vào cuốn sách và gấp lại. “Có ai nói giùm cho con biết chuyện gì đang xảy ra vậy không?” tôi nói. Rồi, nghĩ rằng tôi có thể sẽ nhiều hy vọng có được câu trả lời hơn nếu tôi chọn chữ cho đúng, “Có chuyện gì nghiêm trọng phải không?”
“Ba không biết.” Ba tôi lấy chìa khoá ra. “Nó bị trầm cảm.” Ông ngưng một lúc. “Nhưng con đừng lo.”
Rồi mẹ tôi hôn vội lên má tôi và hai người ra đi. Mùi nước hoa của mẹ tôi vương trong không khí. Tôi ngồi nhìn chăm chăm một lúc vào bóng mình trong căn bếp tăm tối, và tôi nghĩ mình phải gọi cho con bạn Lori, nhưng lại thôi. Sau cùng, tôi mở chương trình Johnny Carson và bung một chén ngô, với ớt bột theo công thức chế biến của chị Ann.
Chị và tôi vẫn thường bung ngô đỏ hầu như mỗi tối thứ Bảy khi chị trông tôi và chúng tôi chờ coi mục bác sĩ Cadaverillo lúc một giờ. Tôi buộc phải lên giường lúc mười giờ, và chị Ann luôn ra vẻ như đã làm ơn cho tôi thật lớn lao bằng cách cho tôi thức khuya, nhưng tôi chắc chắn rằng sự thật là chị không muốn xem một mình. Những phân đoạn cường điệu của chương trình truyền hình ấy quá màu mè, nhưng cũng không làm chúng tôi nổi da gà, mà chính gã giới thiệu chương trình, với khuôn mặt xương xẩu, xanh xao cùng những chiếc răng sâu mòn vẹt, là những thứ gây nên ác mộng. Chị Ann và tôi thường ngồi mê muội trước màn hình ti vi tới khi chúng tôi nghe tiếng chiếc xe Cutlass màu xanh dương của bố mẹ lái vào lối đậu xe. Thế là lời nguyền bị phá vỡ, và tôi phải cuống cuồng chui vào giường giả bộ ngủ. Tôi thường nằm bất động khi mẹ lên kiểm soát, vị ngô bung đỏ phảng phất trong miệng tôi.
Ngoài điều bí mật về bác sĩ Cadaverillo ra, chị Ann và tôi còn bị ràng buộc bởi vô số những dự án đặc biệt. Chị đã từng là ngôi sao của bộ môn nghệ thuật trường Trung Học Tráng Niên James Madison, và chị không bao giờ thiếu những kế hoạch đòi hỏi có một phụ tá biết vâng lời ở nhà. Chị không thực sự có bạn bè cùng lứa tuổi, nhưng chị biết chị có thể gỡ cuốn sách tôi đang đọc ra khỏi tay tôi và sai tôi làm công việc chị muốn. Chúng tôi cùng nhau làm những căn nhà bằng các tông và giấy thiếc – chị phác họa và tôi cắt dọc theo những đường chị gạch sẵn, dán băng keo những chỗ chị chỉ. Một mùa đông nọ chúng tôi kiến tạo toàn bộ một thung lũng dưới chân núi Alps, với những chi tiết hoàn hảo tới mức bạn tưởng bạn có thể dọn vào đó ở, nếu như bạn đừng quá to lớn. Tôi muốn để dành lại những kho tàng ấy cho tới ngày chị nổi tiếng, nhưng chẳng hiểu sao cuối cùng chúng cũng bị thất lạc hoặc bị phá hủy trong căn hầm ẩm ướt của chúng tôi.
Mỗi năm vào ngày lễ Tình Yêu, chị Ann và tôi thường làm hàng tá những chiếc bánh hình trái tim tuyệt đẹp. Chị Ann không bao giờ nhận thiệp Valentine, chị bảo toàn bộ cái ý niệm trao đổi thiệp là chuyện xoàng xĩnh. Tôi có thói quen bỏ những cái thiệp bạn bè tặng vào hộc bàn, như một cách đáp ứng lịch sự, và hối hả chạy về nhà để nướng bánh. Chúng tôi làm việc hàng giờ, và rồi ngay khi hai chị em sắp kết thúc giai đoạn phủ một lớp kem lên bánh, thì trăm lần như một, mẹ tôi xuất hiện. “Ai sẽ ăn hết tất cả những thứ này?” bà sẽ hỏi, bốc một hai cái bánh từ chồng cao trên đĩa và hóp bụng vào. “Nhìn thì đẹp quá, nhưng đó là vì mình không thấy được những gì nó gây ra cho răng của mình.” Rồi bà cười một cách lo âu. “Ngon đấy chứ,” bà thú nhận, bốc một cái nữa lên, “và mẹ biết là mẹ có thể tin tưởng hai con sẽ dọn dẹp sạch sẽ.”
Khỏi nói cũng biết tôi là người phụ trách ủy ban dọn dẹp. Chị Ann là người bày biện, bỏ lại một dải những vật liệu chế biến trên nền nhà. Khi mọi thứ được lấy ra khỏi lò nướng, bước đi mà không bị dính hay đạp lên những miếng dòn vụn là chuyện không thể xảy ra được. Tôi rất giỏi trong việc lau nhà. Không như chị, tôi gọn ghẽ và cẩn thận. Tôi không có năng khiếu gì, trừ khi bạn tính luôn cái vốn ngữ vựng sớm sủa mà tôi có được nhờ tìm đọc những cuốn sách dành cho những cấp lớp lớn hơn. Tôi tự biện hộ rằng một chút tự hào về cái đặc biệt nhỏ nhoi ấy có nghĩa là tôi không đủ tư cách để buồn vui bất chợt.
“Bác sĩ Shore nghĩ cuộc tấn công ấy là giới hạn cuối cùng,” mẹ tôi nói. “Ông ta còn ám chỉ là có thể nó đã làm cái gì đó để tạo điều kiện cho chuyện ấy xảy ra. Ông ấy luôn luôn bảo là nó ‘bấp bênh’” Bà giải thích cho tôi, lúc tôi ngồi trên bàn ăn điểm tâm, về chuyện chị Ann được nhập trại tâm thần của một bệnh viện ở Chicago đêm hôm trước. Căn bếp xông mùi bánh lúa mạch nướng. Tôi uống một ngụm nước trái cây và nghĩ đến những chi tiết chị Ann mô tả về ông bác sĩ tâm thần đầu hói tên Shore.
“Bác sĩ Shore điện thoại cho bố mẹ tối hôm qua và bảo chị của con có ý định tự tử,” bà nói. Tôi cắn miếng bánh mì của mình. “Con biết không, có những lúc người ta nói về chuyện tự tử vì người ta muốn được người khác chú ý tới, những lúc khác khi họ không nói đến chuyện tự tử là vì họ muốn thực hiện cho được. Chị của con muốn thực hiện cho được.”
“Con gặp chị được không?” Tôi hỏi. Tôi lo lắng, nhưng tôi cũng hiểu rằng chị Ann biết điều chị ấy làm. Tôi chỉ có thể tưởng tượng rằng chị đã hành động theo một cách suy luận chi li mà gia đình không được tham dự trong ấy. Người ta mới phát cuốn “Splendor in the Grass” trong trường vào đêm chiếu phim, rồi giờ đây tôi hình dung chị tôi giống Natalie Wood trong chiếc áo khoác bệnh viện trắng cứng nếp hồ. Chắc chắn chị phải giấu điều mờ ám gì đó trong tay áo.
“Mẹ nghĩ tốt hơn hết là con đừng đến thăm nó một thời gian,” mẹ tôi nói. “Và mẹ nghĩ con đừng nói chuyện đó với ai. Đây là điều bí mật nho nhỏ của mẹ con mình.”
“Dì Lucy có biết không?”
“Không.”
“Vậy thì con sẽ nói sao nếu có ai hỏi về chị ấy?”
“Con nói là nó bình thường, rằng nó thích công việc làm của nó và thấy công việc ấy đầy khích lệ.”
Tôi không trả lời.
“Này con, đó là để giúp cho nó thôi,” mẹ tôi nói và đặt một bàn tay lên vai tôi. Tôi nhận ra mẹ tôi chưa trang điểm và làn da của ba xám ngoét. “Con hãy hiểu cho mẹ.”
“Cho phép con rời bàn ăn nhé.”
Mẹ tôi gật đầu. Từ năm lên sáu tôi đã thôi xin phép khi rời bàn ăn, nhưng vào lúc đó một tí nghi thức giúp tôi có được chút thoải mái mà tôi không thể giải thích được.
Ngày hôm sau sau giờ học, tôi đến nhà Lori nơi chúng tôi lau chùi tủ lạnh và soạn một danh sách những đứa con trai mà chúng tôi mến mộ. Chúng tôi chơi cái trò chơi cũ kỹ của mình, môn Hình-Học-Kỳ-Cục, trong đó chúng tôi nghĩ ra đủ kiểu những mô hình lãng mạn. Tôi không chú tâm vào trò chơi ấy. Tôi chẳng cần để ý đến mối tình tay ba được đồn đãi về cô Kellerman giáo viên Anh ngữ với trưởng ban nhạc trường trung học và vợ ông ta – tôi có nhiều khúc mắc quan trọng hơn trong đầu. Khi tôi ra về để ăn tối, tôi nghĩ Lori thở phào như thoát nợ, và chính tôi cũng thấy dễ chịu. Tôi không tin tưởng mình khi có mặt người khác; tôi liên tục chao đi đảo lại giữa sự bồn chồn của một người lớn với cái vặt vãnh của thiếu niên và tâm trạng của một cô gái nhỏ sợ hãi bị bắt gặp thoa son bóng trên môi và mặc áo nâng ngực. Tôi ngờ rằng tôi sẽ không bao giờ lớn lên trong sự tự tin mà chị Ann vừa sinh ra đã có ngay được, biết rằng tôi sẽ không bao giờ có quyền hạn của một người mà, ví dụ như, có thể rải kem lên cái bánh rồi cấm tôi, ở cái tuổi lên tám, không được liếm lớp đường đặc còn sót lại trong tô. Tôi còn nhớ mình nhìn ngắm một cách đầy kính phục trong khi chị Ann, lúc đó mới mười lăm tuổi, chọn một hình người bằng sành – hình một cô gái má đỏ, mặc y phục màu nâu – và đổ đường đặc lên trên. Chị bảo tôi tên của con búp bê ấy là Miss Sugar Coat, và sau đó chị bắt tôi dọn dẹp cho sạch. Chị Ann cũng có một quyền lực gần như là tuyệt đối với bố mẹ. “Điều bí mật,” một lần chị nói với tôi, “là làm cho bố mẹ lo lắng vừa đủ.”
Trong những tuần lễ sau khi chị Ann nhập viện, tôi xa lánh bạn bè, đọc sách ít hơn, và thường không lắng nghe lời giảng của thầy cô trong lớp. Tôi cố gắng tái tạo trong trí mình cảnh cuộc tấn công, tìm tòi một chứng tích nào đó giúp giải thích mọi chuyện, hoặc ít ra cũng giải thích tạm đủ. Nhưng mỗi khi tôi tìm cách phác họa hình ảnh khuôn mặt kẻ đã tấn công chị tôi, tôi chỉ thấy bác sĩ Cadaverillo, và chiếc áo choàng màu xanh xám khoác trên thân hình xương xẩu của ông ta.
Trong khi ấy, mẹ tôi gọi điện thoại đến bệnh viện mỗi ngày hai lần và bắt đầu nấu những thực đơn tỉ mỉ có tên như Spicy Veal Tournedos và Chicken Fiesta Surprise. Mọi người ăn qua loa. Ba tôi đi làm muộn, và cuối tuần ông với mẹ tôi lái xe lên Chicago. Khi cả hai cùng ở nhà, họ đấu đá nhau. Họ lén lút ngó nhau, nhưng không bao giờ nhìn thẳng vào mắt nhau.
Cho tới lúc đó tôi vẫn tin như đinh đóng cột rằng bố mẹ tôi làm việc chặt chẽ với nhau. Chị Ann vẫn thường nhắc đến bố mẹ bằng cái tên gánh xiệc đu bay Flying Wallendas. Nhưng tôi vẫn nghĩ chị muốn nhắc tới sự cùng làm việc với nhau để có thể hoàn tất được lịch trình vô cùng bận rộn – những buổi họp hội đoàn, những bữa tiệc và những buổi tối tại các cuộc hòa nhạc – bỗng dưng tôi không chắc nữa. Tôi nhớ chị nói gì đó thật chua cay về những động tác giữ thăng bằng đối diện với tử thần và những cú nhấc liều của ba tôi – mà bây giờ tôi hiểu ra là ngụ ý nói về việc ông ưa chuộng những loại rượu có màu của thuốc men. Sự ưa chuộng đó tăng lên khi điểm trung học của chị Ann tụt thấp cùng những kế hoạch ngưng ngang xương và mái tóc đen của chị rối bù. Ông thu thập càng lúc càng nhiều chai chất lỏng màu xanh dương như si-rô và màu xanh lục và màu hổ phách; buổi tối sau bữa ăn ông sẽ nhấm nháp, liếm môi thưởng thức ba hay bốn ly nhỏ. Tôi chưa bao giờ thấy ông sinh ra vụng về hay ồn ào, nhưng thỉnh thoảng ông nói chuyện với đồ đạc trong nhà khi ông nghĩ không có ai trông thấy. “Tôi không biết,” ông nói với cái ghế bọc da trong phòng khách. Rồi ông quay qua kệ sách đầy ắp và nói, “Tôi không hiểu tại sao nó ở miết trong phòng và nghe toàn nhạc buồn. Tại sao nó không chuyện trò với chúng tôi? chuyện gì đã xảy đến cho con gái của chúng tôi vậy?”
“Mình không thể để cho chuyện này thành nghiêm trọng,” mẹ tôi thường nói. Bà sắp xếp cho chị tôi đi gặp một bác sĩ tâm thần chuyên về thiếu niên, người mà chị Ann bảo rằng là một tên dốt có hạng. Mỗi tuần, chị Ann ngồi trong văn phòng của ông ta, nhìn trừng trừng vào những bức tường không thèm nói năng gì hết. Chị đếm những đốm xanh nhỏ trên giấy dán tường và khi mẹ đến đón, chị nói “3016” hay “3032: – nếu như lúc ấy chị muốn nói chuyện với chúng tôi.
Những thời kỳ im lặng trong trường trung học của chị Ann chỉ kéo dài mỗi lần một hay hai ngày, và tôi luôn luôn là người đầu tiên chị mở lời. Bố mẹ tôi có thể mua chuộc nịnh nọt, dâng chị cả quả địa cầu để chị thốt ra một vài câu, nhưng chỉ có tôi là người chị tin tưởng. Bây giờ tôi lại là người duy nhất trong gia đình không được gặp chị. Tuần nào tôi cũng đòi đi theo trong chuyến thăm viếng cuối tuần, và lần nào bố mẹ tôi cũng nói không được. Họ bảo họ phải làm theo ước muốn của chị, và chị thì chưa sẵn sàng.
“Nó nói nó thương con,” mẹ tôi thường nói với tôi mỗi đêm Chủ nhật khi họ về tới. Tới tuần lễ thứ ba, tôi chỉ trông thấy hình ảnh phóng đại của khuôn mặt mẹ khi bà nói chuyện – những vết nứt chung quanh khóe môi nơi son môi được phết, những lỗ chân lông to trên mũi bà. Tôi cảm thấy bị phản bội và bị coi như một đứa ngu ngốc.
“Mẹ có nói với chị Ann là con thương chị ấy không?”
“Ồ, dĩ nhiên là có chứ.”
“Nhưng con đâu có nói. Con đâu có nhắn gì. Và con dám chắc là chị ấy cũng chẳng nói gì.” Mẹ tôi ngỡ ngàng lặng thinh, và tôi nói thêm, “Nhà mình là một gia đình gian xảo, phải không?”
Rồi tôi nhìn thấy nỗi đau đớn thực sự trong mắt mẹ và tôi cảm thấy tội lỗi.
“Con đâu có bao giờ như thế này,” bà nói.
“Con xin lỗi.”
“Mẹ biết điều này cũng làm con buồn.”
Tôi gật đầu, đúng ra vì đó là cách dễ nhất để cho mẹ ngừng nói. Hình ảnh bác sĩ Cadaverillo lại hiện lên trong trí tôi, nhưng ông ta không còn nắm giữ được tôi; dường như đã rõ ràng rằng cả ông ta lẫn người chủ thực sự ngoài đời của chiếc áo khoác màu xanh xám, cuối cùng chẳng khác gì những thứ hỏa mù.
Ngay lúc đó ba tôi, có vẻ như hiểu sai ý tôi, nói, “Con biết điều gì giết ba không? Cái điều giết ba là người ta không bao giờ tìm ra cái thằng đã gây ra chuyện này cho chúng ta. Cảnh sát đã bỏ cuộc.”
Một tuần sau đó, khi bố mẹ đang lái xe từ Chicago về, tôi nhận được điện thoại của chị Ann. Cả tháng trời nay tôi không được nói chuyện với chị.
“Chị của em đây,” chị nói một cách chán chường. “Ở đây ghê lắm.”
“Chị Ann.” Hai má tôi nóng bừng, như thể cú điện thoại là từ một đứa con trai mà tôi đang mê.
“Chị mắc kẹt ở đây và chị ghét ở đây.”
“Em nhớ chị. Chị không về nhà được sao?”
“Ngay cả thức ăn cũng khủng khiếp,” chị nói, rồi cười ngặt nghẽo. “Họ cho mình ăn đậu quyên. Và thạch trộn với mấy thứ đậu nhơn nhớt ấy.”
Có một khoảng im lặng.
“Chị Ann?”
Tôi nghe thấy chị bắt đầu khóc, và tôi chưa kịp hoàn hồn để nói thì nghe một tiếng cạch và điện thoại bị cúp. Tôi tìm số điện thoại của bệnh viện, quay số, và xin nói chuyện với chị tôi. Tôi đổ mồ hôi, dù mẹ tôi quả quyết rằng con gái quá lắm cũng chỉ âm ẩm thôi.
“Rất tiếc,” giọng nói ở đầu dây bảo. “Giờ này trại tâm thần không nhận điện thoại gọi từ bên ngoài vào. Cô có muốn nhắn lại gì không?”
Tôi cúp điện thoại. Tôi nghĩ đến việc gọi điện cho dì Lucy, người mà sau cùng mẹ tôi đã tâm sự với, nhưng tôi bỏ ý định. Tôi quay số điện thoại Văn Phòng Cho Số Tử Vi rồi số của Văn Phòng Dự Báo Thời Tiết và lại cúp ngang.
Khi chị Ann tốt nghiệp trung học, mẹ tôi bảo đậu vớt thôi.” Mẹ nói điều ấy thẳng vào mặt chị.
“Con không phải là một trong ba chú heo nhỏ,” chị tôi trả lời. Chị có vẻ hãnh diện về thành tích trốn học. Tháng Bảy ấy chị tìm được việc làm ngồi sau bàn cho thuê giầy của Echo Bowl. Sau sáu tháng, chị đồng ý vào học trường đại học cộng đồng ở địa phương, nơi có bộ môn nghệ thuật, và chị thuê căn hộ riêng rồi biến mất. Thường thì vài tháng chúng tôi mới gặp chị một lần. Đôi khi tôi đón xe buýt và đi bộ qua căn hộ của chị, hy vọng tình cờ gặp chị, nhưng tôi không bao giờ gặp.
Gần cuối năm trung học, chị tôi điện thoại báo là một trong những họa phẩm khổng lồ, đầy mơ mộng của chị đã được chọn cho cuộc triển lãm nghệ thuật của trường. Tất cả chúng tôi cùng chưng diện và đến hội trường để tham gia lễ khai mạc. Bức tranh, vẽ bằng sơn dầu xanh dương và xanh lục, là một chùm những căn nhà ma quái trên chóp một ngọn núi mờ ảo, và nó để ngay lại trong tôi một cảm giác vọng tưởng mà tôi không thể nào hiểu được. Trong khi bố mẹ và chị Ann đi vòng quanh xem tranh, tôi đứng tại chỗ, tự giới thiệu mình với khách thưởng ngoạn rằng tôi là em gái của họa sĩ. Một người đàn bà tóc bạc dáng vẻ dịu dàng nói với tôi, “Chị của cô có một cảm quan khác thường về bối cảnh.” Có cái gì đó giả tạo trong giọng nói của bà ta, và mặc dù thế trong giây phút ấy, tôi đã có thể đặt ngón tay tôi lên nỗi buồn của mình. Tuy nhiên, tôi có thể tìm cách theo đuổi, có những nơi chốn – những ngôi làng bí mật của trí tưởng – nơi chị Ann đã không rủ tôi đi cùng. Tôi đi tìm gia đình tôi trong căn phòng và thấy họ chuyện trò với những người lạ. Tôi bước lại bàn giải khát, lấy một ít nước trái cây màu hồng trong chiếc ly nhựa xốp cùng một ít bánh ngọt trên chiếc khăn ăn. Tôi làm cho bữa ăn tối mình không còn ngon miệng nữa.
Sau đó, khi cả nhà ăn tối trong nhà hàng, mẹ tôi nói với chị Ann, “Mẹ thấy như tất cả chúng ta cùng tốt nghiệp. Mẹ nghĩ giai đoạn dầu sôi lửa bỏng đã qua.”
“Nó nguội rồi,” Ann nói. Chị quay qua tôi; tôi đang cắt miếng thịt bê thành những miếng nhỏ. “Mẹ bao giờ cũng khéo ăn khéo nói.”
Hai tháng sau, chị dọn đi Chicago.
Bây giờ mẹ tôi nói, “Chỉ còn là vấn đề thời gian; bác sĩ Shore nói vậy.”
“Có thể,” ba tôi nói.
Tôi giữ lời nguyền giữ bí mật về chỗ ở hiện tại của chị Ann, nhưng những câu chuyện về những gì chị nói hoặc làm những tháng năm trước đó luôn bị tiết lộ trong những lúc chuyện trò hiếm hoi khi tôi còn giao du với bạn bè. Một hôm, Lori và tôi đang ăn miếng pizza lạnh còn sót lại trong tủ lạnh nhà nó, nó kết tội tôi là bị ám ảnh bởi bà chị dở dở ương ương còn hơn con bạn Sally Coughman bị ám ảnh bởi chiếc xe gắn máy tởm lợm của thằng bạn trai. Tôi lột một miếng nấm ra khỏi khoanh bánh và uể oải ném về phía nó.
“Bộ khôi hài lắm hả,” tôi nói.
“Ghê tởm.” Lori chùi tay áo. “Ít ra chiếc xe gắn máy không có khùng điên.”
“Mày đâu biết gì về chuyện ấy.” Giọng nói tôi bật ra cứng cỏi và ác độc một cách đáng ngạc nhiên. “Mày biết không, mày đúng là một con khốn nạn.”
“Chúa ơi.” Lori bỏ miếng pizza xuống.
“Bỏ qua chuyện đó đi.”
“Mày nói sao cũng được, mày là khách mà.” Tôi quá xấu hổ không trả lời được; còn nó lại tiếp tục ăn, giả bộ như chẳng thèm quan tâm.
Khuya hôm ấy, sau một chuỗi những cố gắng gợi chuyện đầy giả tạo, tôi hỏi thẳng bố mẹ rằng khi còn là đứa bé, chị Ann có khác biệt nhiều đến mức làm những người khác phải cảnh giác không. Mẹ tôi chờ một lúc lâu mới trả lời. “Con biết đấy,” cuối cùng bà nói, “Mẹ nghĩ con cho rằng chị của con có nhiều thứ trong đầu hơn là nó thực sự có. Không phải mọi chuyện nó làm đều do chọn lựa cả đâu.”
“Không phải tất cả mọi thứ người ta làm là đều do người ta chọn lựa cả đâu,” ba tôi nói, và bỗng dưng tôi tự hỏi không biết ba tôi đã hối tiếc đến mức nào. Tôi chợt nhận ra rằng bố mẹ tôi chưa bao giờ bàn đến chuyện tương lai chị Ann sẽ là họa sĩ, và bây giờ tôi thấy bối rối khi nhắc đến chuyện ấy.
“Con nghĩ con luôn luôn tin rằng chị ấy đặc biệt,” tôi nói.
Mẹ tôi nhìn ba tôi.
“Đừng bận tâm đến chuyện ấy,” ba tôi nói.
Hai tuần sau, bác sĩ Shore quyết định là Ann đã sẵn sàng dọn ra nhà điều trị ngoại trú. Ba mẹ cho phép tôi đi theo trong chuyến lên bệnh viện của tuần lễ cuối cùng. Mãi đến xế trưa ngày Chủ nhật chúng tôi mới lên đường đi Chicago và ba mẹ tôi vẫn không biết chị Ann có chịu cho tôi gặp hay không, nhưng tôi nghĩ họ cũng lo lắng suốt thời gian tôi phải ở nhà một mình.
Chúng tôi lái xe hầu như trong im lặng suốt đoạn đường.
“Nhìn chị ấy thế nào?” cuối cùng tôi hỏi.
“Nó lên cân nhiều,” mẹ tôi nói. Tôi không mong chờ câu trả lời ấy. Thực ra tôi nghĩ chị hẳn phải gầy rộc đi một cách thảm thương.
“Con biết không,” mẹ tôi nói, “nó xấu hổ không dám cho con nhìn thấy. Nó lên gần bốn chục cân. Nó không muốn con nhìn thấy nó như vậy.”
“Nó làm đồ gốm trong phòng điều trị nghệ thuật,” ba tôi nói. “Cũng hay đấy chứ nhỉ?”
Khi đến bệnh viện, tôi đứng chờ ngoài hành lang. Tôi nhìn những con chim cánh cụt nhồi bông trong tiệm bán quà tặng. Vài bệnh nhân mặc áo giấy màu xanh lục đi bộ trong hành lang. Có thật nhiều mẩu tàn thuốc trên nền nhà.
Sau cùng bố mẹ tôi xuống tới và ba tôi nói, “Hôm nay nó chưa muốn gặp con.”
“Nhưng con muốn gặp chị ấy,” tôi nói.
“Nó cho con cái này.” Mẹ tôi đưa cho tôi một cái đĩa sành. “Nó làm trong phòng trị liệu nghệ thuật.” Cái đĩa đã được đúc trong một cái khuôn và chị đã tô lớp men màu xanh lục và tím trên hình vẽ những lá nho viền bờ bên ngoài. Ở lòng đĩa, chị viết bằng men xanh dương, “Cho Em Gái Tôi.” Tôi lật cái đĩa qua, tránh ánh mắt của mẹ. Một người y tá hay y công, một kẻ có bàn tay vụng về, đã cào thành tên của Ann ở mặt dưới khi đất sét còn mềm.
Tôi không thể nghĩ ra điều gì để nói. Trong xe, ở băng sau, tôi liên tục lật cái đĩa qua lại trong tay. Nó rất đẹp, nhưng nó cũng là thứ mà bất cứ ai cũng có thể làm được trong môn nghệ thuật và thủ công, ngay cả trong những cuộc trại hè.
Đêm hôm ấy, tôi thức khuya và để những hồi tưởng ngược về quá khứ. Công việc trong đời sống của chị tôi, những ngôi nhà giả và những hình người bằng kem, những bí mật được giữ và khóa kín trong phòng của chị ngày này qua ngày khác, mà chị chôn vùi trong im lặng và dưới bốn chục cân mỡ mà người ta bảo chị mang trên người. Tôi tiếp tục nghĩ tới tất cả những mẩu tàn thuốc trên nền nhà, rồi thấy chúng được mồi lên, sáng rực với những mầm ung thư. Tôi cố ép mình phải khóc bởi tôi nghĩ mình nên khóc; rồi nước mắt nuớc mũi trào ra và tôi không cưỡng lại được. Chắc mẹ tôi nghe thấy. Mẹ gõ cửa phòng tôi và bước vào ngồi bên cạnh giường tôi như người thăm bệnh. Sau cùng bà nói, “Mẹ hy vọng một ngày nào đó con sẽ hiểu là mẹ đã cố gắng.”
Tuần lễ sau đó, tôi gặp chị ở nhà điều trị ngoại trú. Mặt chị phồng lên và tóc chị là một đám mây đen, chị mặc một cái áo đầm vải bông màu cam và đi dép. Chị có những bông tuyết bằng giấy cắt rời dán trên cửa sổ, mở ra một hành lang.
“Jill,” chị nói, âm thanh của tên tôi nghe thấy hãi hùng. Nhìn chị to béo và có vẻ sợ hãi, và bỗng nhiên trong tôi tuôn ra một nguồn thương yêu cùng với sầu thảm khiến tôi chôn chân tại chỗ. Chúng tôi đứng nhìn nhau, những bàn tay xuôi hai bên thân mình. Giây phút qua đi và tôi ôm lấy chị như thể, với tất cả kích thước của chị, chị vẫn có thể biến đi tại chỗ.
“Cám ơn chị cho em cái đĩa.”
“Em thích nó không?”
“Thích.” Giọng nói chúng tôi nhỏ nhẹ, gần như những tiếng thì thầm.
“Chị tự chọn cái mẫu,” chị nói. “Chị tự chọn lấy.”
“Vâng.” Rồi tôi quay đi, để chị không nhìn thấy tia nhìn trong mắt tôi. “Em cũng hy vọng nó do chị chọn lấy.”
Nguyên bản: “Design” của Dawn Raffel, trong tập truyện ngắn nhiều tác giả The One You Call Sister biên tập bởi Paula Martinac. Cleis Press xuất bản, 1989.