- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Đọc 3.3.3.9 {những mảnh hồn trần} của Đặng Thân

 

“Bất cứ ai cho mình quyền phán xét thế nào là Sự thật và Tri thức đều trở thành hề đối với Chúa Trời.”
Albert Einstein

 

nmht1

 

Có chút hiểu nhầm về cái tên khiến tôi băn khoăn, Bính Thân chắc không phải, tuổi này tài năng chín sớm; Mậu Thân thì lại quá trẻ so với người. Tôi có hỏi, thì đúng không phải tuổi Thân, là cái tên được đặt để gọi, vì sao đặt thì chịu. Đến lượt mình, Đặng Thân cũng đặt tên con (tinh thần) dễ gây hiểu nhầm. Có thể hiểu, tiểu thuyết có tên là 3.3.3.9, bí danh là những mảnh hồn trần. Nhưng 3.3.3.9 là gì? Nhà văn có giải thích trong tiểu thuyết, nhưng đọc xong lại còn không hiểu hơn. Đành tự nghĩ lấy. Đây là trò chơi con số, vào thời mọi cái cứ số hóa tùm lum. Có thể hiểu, 3 số 3 ghép lại thành số 9, có thể từ chúng mà gợi ra cái ba vạn chín nghìn. Nhưng chả có gì đảm bảo cách hiểu nào đúng. Nên nhà văn phải, sau khi bàn bạc với các nhân vật, kể cả với các netizen, đã đặt thêm một cái bí danh cho dễ hiểu. Tôi thích chữ trần, đặc biệt là niềm trần. Thời ở miền núi, các cô gái mặc áo cóm – tiền thân của lối mặc trễ ngắn bây giờ, biểu kiến của giải trung tâm, tức hậu hiện đại dùng luôn cạp váy Mường tuyệt vời thay corset; về sau Lê Đạt viết: Mải gương mơ kỳ thi hoa hậu / vô ý lăn tùm giếng (…) / niềm trần / lấp lánh cũng ở vùng ấy, tôi đoán chữ niềm trần từ Mường mà khởi phát. Chữ trần của Đặng Thân vừa có nghĩa niềm trần, vừa có nghĩa trần trụi, là gọi sự vật bằng tên của nó.

Tên tiểu thuyết có xuất xứ thời đại. Trong mươi mười lăm năm nay, internet, mobile phone tràn vào Việt Nam và đã rất nhanh chóng trở thành cường quốc khu vực, thậm chí thế giới. “Hạ Long Bay” là một minh chứng huy hoàng và quá đủ. Nhưng chính nó còn là tấm gương phản chiếu tinh thần và trình độ xã hội một cách cực trần. Và không kể những netizen, nhân vật Mộng Hường đã từ thực tại, đi qua tấm gương ấy để bước vào đời sống văn học. Nàng là sinh viên văn khoa sư phạm nhưng trước hết là chân dài cư dân mạng với lối viết sai chính tả, điển hình của thói quen nhắn tin và chat. Cái lý của họ là lý của riêng hai người, chỉ cần hai người nhắn/nhận tin hiểu nhau là đủ. Xin các nhà tiền/hậu hiện đại cho phép tôi hiểu, Mộng Hường là nhân vật điển hình, trong hoàn cảnh điển hình, rất xuất sắc của hiện-thực-phê-phán-isme nhân danh một tình yêu tiếng Việt ít nhất bằng tôi và anh, của nhà văn dùng chữ Đức, chữ Trung, chữ Pháp và cả chữ Ả Rập trên văn bản Việt búa xua này. Nhân tiện cũng thưa luôn, thói khiêu khích của cả Mộng Hường lẫn Đặng Thân-nhân vật, cũng đa thanh như văn học cổ điển (no hậu hiện đại) đòi hỏi. Một mặt, nó “bầy ra” một thực tại khốn cùng như vừa nói, nhưng mặt khác, thông qua Schditt – một người Đức học tiếng Việt và nhất là người mẹ Do Thái nghiên cứu ngôn ngữ lại làm dâu Việt Nam, nó biểu hiện tình yêu tiếng Việt, một tình yêu tích cực vì tình yêu này đòi hỏi một TIẾNG VIỆT giầu có trong sáng hơn, công nghiệp hóa hiện đại hóa nhanh hơn. Ta hãy nghe họ nói:

“Xin hãy nhớ, tôi là Schditt các bạn nhé. Tôi yêu các bạn! (Y như VTV!) Cầu xin các bạn nhớ cho đây là chỗ để phát biểu của tôi: font chữ Times New Roman cỡ 12.5, cách lề trái ½ inch. À mà tôi không biết phải “cám” hay “cảm”… Tiếng Việt “hơi bị” rắc rối. Cám ơn, cám ơn. Xin cảm ơn! (Rất VTV nhé!)

“9,25! Còn iem là Mộng Hường nhé. Cái đoạn fông chữ Tham-liu-dôman kiểu Titalic (!) cách lề lửa inh lày là lời của iem đấy nhá, nhá ke ke.”

Tiểu thuyết những mảnh hồn trần là không gian mở, có dạng một cuốn sách trên mạng mà mỗi nhân vật như một blogger tự viết lời, diễn biến chuyện của mình; theo logic này, Đặng Thân vào hẳn trong sách làm nhân vật “nhà văn blogger”. Cuối mỗi chương, lại có lời bàn (comment) của các netizen (cư dân mạng) có thể ở Hà Nội, có thể ở châu Âu, ở Mỹ. Chẳng hạn, đọc xong hai mẩu tự giới thiệu của nhân vật, trong đầu người đọc liền có một văn bản khác, như sau: Cái anh nước ngoài nào nói tiếng Việt mỗi khi đụng đến những tiếng hơi bị, hòe nhai (kỹ), đội cấn… đều nói rất hay; với kiểu hơi nhấn giọng tỏ vẻ ta đây cũng biết tiếng lóng của các người, bao giờ họ cũng mỉm cười. Như thế, đúng là tiếng Việt đang trên quá trình tươi trẻ hóa theo quy luật. Và cái cách Đặng Thân yêu tiếng Việt hình như đúng hơn những người chủ trương phiên âm (như xà phòng cách đây hơn 100 năm) để giữ bản sắc cho nó theo quan điểm quần chúng. Chữ inh (inch) như Mộng Hường phiên âm, nếu được thừa nhận, thì trên cùng một trang viết, lại có câu inh noọng ơi nữa, người Việt hẳn phải xử lý thêm một chú thích? Ở đây chỉ có vấn đề, vay mượn công khai hay vay mượn bí mật, chứ còn, mọi ngôn ngữ trên quá trình phát triển đều có sự giao thoa lẫn nhau, bởi vì độc trụ bất thành lâm.

Thậm chí, từ văn bản người đọc, đã trở thành văn bản chính thức. Đọc xong sách, tôi có gửi Đặng Thân một email, đoạn sau đây trích từ thư đó:

“Năm 1972 tôi có đọc thơ Tân hình thức của Thanh Tâm Tuyền trên Tạp chí Vấn Đề. Bài thơ không hay, viết gì tôi không còn nhớ, chỉ nhớ có câu nguyên tiếng Anh, có câu nguyên tiếng Pháp nhưng đọc xong toàn bài thì khí vị lại rất Việt Nam. Theo tác giả, thân phận tiếng Việt như thân phận văn (hóa) Việt, thân phận văn Việt như thân phận chính tả Mộng Hường. Bùi Việt Sỹ từng có câu văn rất tởm: Sư phò, sư phò măng dê nải chuối này đi, rất khơ ra sô. Tôi thích Đặng Thân cứ thẳng thừng chê nó, yêu nó, thẳng thừng bổ sung nó, lắng lọc nó. Thực ra, tiếng Việt phát triển được như hiện giờ, là nhờ tính thích tiện lợi của Việt Bình Dân + những văn nhân có tài, chứ chả như phần lớn các cử nhân ngữ văn và nhà văn ta, nó đã thành một thứ sanskrit hay (nghe nói) hỏa tự, cùng lắm chỉ có thể làm báo, viết kịch bản phim giỏi. Schditt nói: “Ngôn ngữ báo chí ở đây làm cho tôi cười (không phải buồn cười như cách nói Việt). Ví dụ là, có cuộc thi lợn đang diễn ra ở Anh mà báo lại còn phải giới thiệu là “chú lợn Doggy Style đến từ nước Anh”!”

Từ thực tại đời sống netizen, Đặng Thân sáng tạo nên dạng tiểu thuyết này chỉ là sức nghĩ bình thường, lý luận hậu hiện đại có nên có mặt ở đây? Theo thống kê của Đỗ Quyên[1], nó có những 5 cốt chuyện cũng không phải là chuyện tiên khởi, nếu các tuyến chuyện/nhân vật vẫn giữ tuyến tính nhân quả hoặc rẽ trái ngoặt phải theo số phận đưa đẩy mà tính cách hình thành. Vâng, tôi muốn nói, Đặng Thân có ý thức đổi mới thi pháp tiểu thuyết và ông ta thành công, chứ không hề phản tiểu thuyết. Chỉ có điều này tôi cũng nghĩ như Đỗ Lai Thúy: Khi phương pháp sáng tác hiện thực XHCN chi phối, các nhà văn có thói quen lấy cái tốt của anh này đắp cho anh khác, lấy cái xấu của anh khác đắp cho anh này; khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện, em thế nào cứ thế mà đến (Tagore) mà trở thành hiện đại, dân chủ. Đến Đặng Thân, em thế nào cứ tự viết nên như thế, nó càng hiện đại và nhất là dân chủ hơn. Về thi pháp, Nguyễn Huy Thiệp rất ít dính đến hiện đại, trong khi những bộ bàn ghế Minh-Thanh của ông là made in Đồng Kỵ. Nhân thể xin thưa luôn, Tam quốc diễn nghĩa và đặc biệt Thủy hử, hàm lượng dân chủ cũng khá đậm đặc. Cho nên từ Nguyễn Huy Thiệp đến Đặng Thân đúng là có sự chạy tiếp sức, nhưng bảo nó là từ (chủ nghĩa) hiện đại đến hậu hiện đại là ông Đỗ Lai Thúy[2] đẽo chân cho vừa giầy, và với vai người cổ vũ cách mạng cho nền dân chủ trong văn học, ông lại trở thành văn nô cho hậu-hiện-đại-isme, xin cứ nghĩ mà xem.

Xin bàn về các nhân vật theo thứ tự xuất hiện, trước hết là Ông Bà có tục danh là A Bồng. Nhân vật này thực ra là một ý niệm, nó tượng trưng cho truyền thống bác học/dân gian. Và không bảo thủ, truyền thống tích cực thì không bảo thủ; chỉ có truyền thống vị kỷ lợi ích nhóm mới hay bắt bẻ, lấy cái cũ làm barrier ngáng trở sự mở mang phát triển, sự làm mới. Ông Bà đạt đến lão thực, có sức đọc dồi dào, tính hóm, thích giễu nhại, không ngại ngần nói ngọng để giễu cái dơ của cộng đồng (mình và con cháu): “Chẳng qua là cái bệnh bầy đàn. Thấy người bên cạnh dơ tay chẳng nhẽ mình không dơ. Không dơ nó lại bảo mình lạc hậu, mình ngu. Thế là dơ. / Đúng là dơ!” Sức đọc dồi dào, nhưng sức nghĩ còn dồi dào hơn thế, Ông Bà can dự vào thế sự, vào các sự biến lịch sử của nhân loại, vào lối tư duy Đông Tây, có cách lý giải độc lập đầy minh triết về các nhân vật cỡ bực thế giới cổ kim. Nhưng Đặng Thân – “nhà văn blogger” có lý do xác đáng để yêu trọng Ông Bà như mọi chúng ta. Một ông bà từng hai lần đánh thắng đế quốc to. Cũng ông bà ta đã làm nẩy từ Cây Phật Học một nhánh lạ kỳ: Cành lá Phật nhưng lõi là Đại Việt: Phật chủ trương vô ngã, vô thường, thoát tục còn Phật Hoàng Trần Nhân Tôn thì nhập thế toàn triệt. Ấy là chuyện xưa. Còn chuyện bây giờ, thì Giáo hội Việt Nam đã góp phần đổi mới tư duy La Mã: Đức Giê su Ki tô rất kỳ thị văn hóa thờ cúng tổ tiên, dọa nếu các ngươi cứ còn quyến luyến cha mẹ thì không được vào Nước Trời, nay thì Tòa Thánh đã cho phép các con chiên được thờ phụng Đạo Hiếu. Xin hãy đọc lời Ông Bà bàn về Hitller khi nghe mẹ của Schditt kể rằng, hồi trẻ, y bị một cô điếm người Do Thái đổ bệnh giang mai, bệnh nặng đến không thể có con nổi, nên y đã thù dân Do Thái, đã giết 6 triệu trên tổng số 13 triệu người của sắc tộc này: “Ôi, thật là oái oăm! Vậy thì phải chăng cái thảm nạn mà tay Hitller gặp phải cũng do là thời đó chưa phổ biến bao cao su?” Sau khi nhận xét Phật giáo và Quốc Xã giáo đều lấy biểu trưng là chữ thập ngoặc nhưng đảo chiều nhau, Ông Bà đã bình luận: “Cơ Đốc giáo vừa phát triển tâm linh (nhưng không “triệt để” như Phật giáo) vừa phát triển sức mạnh vật chất như tinh thần của “Quốc Xã giáo”. Những nhà thờ Cơ Đốc luôn là những tòa nhà tráng lệ, xây dựng tốn kém.”

Tuy không có hình hài hoặc có thể chính vì vậy mà Ông Bà trở thành nhân vật độc đáo, hiện đại nhưng có nguồn gốc những nhân vật thông thái kiểu Trạng Quỳnh, Bụt, Thần hiện lên bảo hoặc thấp thoáng trong truyện cổ của anh em nhà Grimm. Nó sống động, tức thì, cần là có ngay nhờ nó ảo. Ảo mà thật. Tài.

Nhân vật thứ hai bước ra sân khấu để “miễu” là Mộng Hường, sau khi cô sinh viên văn khoa nói ngọng này bắt bồ với các đại gia được tấn phong là vua: vua gạch, vua quần áo, thì nàng có thêm chức danh Tài Nhân vừa có nguồn gốc trong cung cấm vừa ngắt từ tên tác giả Kim Vân Kiều truyện. Dù sao thì Đặng Thân khi đặt tên Mộng Hường Tài Nhân cũng có ý bảo con nặc nô này làm nô lệ tình dục. Đấy là nghề dễ mắc căn bệnh khô kiệt sinh thực khí nhanh nhất mà rồi ả phải nhắm mắt ăn canh hài nhi ở Thâm Quyến để chữa trị, vì ả tự biết, không phải bất cứ lúc nào cũng rên giả được. Dù sao thì từ một nghề cổ xưa nhất trái đất, Mộng Hường đã mắc căn bệnh mà để chữa nó, ả đã phải cầu viện đến văn hóa Hán cổ truyền, sau khi đã gõ “gúc gờ” và “gúc gờ” mách bảo cách chữa. Ở chỗ này, Đặng Thân đã tuân thủ phép điển hình nghiêm nhặt của chủ nghĩa hiện thực: Mộng Hường ăn trên mạng, ngủ trên mạng, hành nghề trên/qua mạng.

Thành công của nhân vật Mộng Hường thuộc về cơ may của internet, một phó hiệu quả giúp con người tự bộc lộ hết mình nhưng vẫn giấu được mình. Các nhà văn cổ kim đông tây đã tìm đủ mọi mẹo để nhân vật tự bộc lộ tâm lý tính cách, đó là con đường khó như lên giời, nhưng, tôi có lần đã nói, nhiệm vụ của nhà văn là phải đi lên giời, là phát hiện những bí mật chung của con người.

Thế còn tài năng của nhà văn?

Tài năng của Đặng Thân là đã đăng ký sở hữu thi pháp tại Việt Nam. Trong email đã dẫn, tôi có viết: “Năm 1998, tôi có định viết về Trịnh Kiểm; định một kiểu: sau mỗi chương, mỗi khi mở computer đọc lại, lại thấy thêm một đoạn hoặc có một đoạn bị sửa, nhiều lần là hai ba chữ, hai ba chỗ. Mãi về cuối mới phát hiện đứa con gái học lớp ba của mình nó cãi mình, thậm chí nó còn gửi meo cho bạn nó, những bạn nó sửa văn mình, cãi nhau chí chóe. Đây là kiểu để chống lại lối phán xét chủ quan của các “xử da” cầm dùi cui ở những ngã tư những cột đèn. Nhưng sau ngẫm nghĩ thêm, thấy Trịnh Kiểm cũng chưa hẳn là đáng viết, nên cái kiểu ấy vẫn ở trong đầu và đã thành lạc hậu so với những “lời bàn [phím…] của các netizen”. Vậy là vứt đi. Vậy là hậu sinh khả… ghét!”

Nhưng tài hơn nữa là nhà văn đã khắc họa thành công nhân vật đểu giả một cách trung thực dưới cái nhìn nhân hậu, hơn một lần ông đặt nhân vật mà ông gọi là “con nặc nô” này bên cạnh thói đạo đức giả; từng để cho Ông Bà bàn rất hay: “Từ lâu rồi ta vẫn hằng nghi ngờ bản chất của những đứa có những cái tên như là Mỹ, Đức, Thiện, Hiếu, Trung, Dũng…” Trong mạch truyện, cậu Bớp mất Hường là bởi y cứ “tẩn” gái khắp nơi trong khi tôn thờ và “để dành” Hường; còn Hường cứ thấy thầy Sơn hói than thở mà ả thì thèm. Ả, như mọi nữ sinh cuối cấp 3 khác, không được giáo dục giới, càng không được khuyên nhủ sử dụng năng lượng dục tính thăng hoa vào các công việc khác, lành mạnh và cũng sung sướng lắm. Vậy là, như một chân lý nghệ thuật, Hường ngã vào tay thầy Sơn hói. Đây là một ngã rẽ rồi, với cái suýt án mạng do Bớp ghen gây ra làm cú huých, bắn số phận cô ta sang bến bờ gái bao. Khi bị bệnh, ả sang Thâm Quyến tìm thần dược canh hài nhi, mạt cưa gặp mướp đắng, ả gặp Dương Đại Nghiệp lão bản. Mộng Hường Tài Nhân trở thành gái bao kiêm giám đốc công ty. Và cứ hồn nhiên sắm vai mỹ nhân đại gia như thế, cho đến khi phát hiện ra mình bị lừa, cái công ty do ả làm giám đốc thực ra là bè tôi gỗ chú nó. Ở chỗ này, Ông Bà như Bụt hiện ra, nói đại ý: rõ ràng đang phụ thuộc nó cả về đường lối, chiến lược, chiến thuật, kinh tế, văn hóa, tinh thần và nhất là lệ thuộc nó về mặt tình dục. Đặng Thân “nhà văn blogger” đã phải chịu khổ nhục kế là tán tỉnh cô kế toán trưởng vừa xấu vừa hôi nách rất “khủng” vốn là người của Dương Đại Nghiệp để moi sự thật gian dối rồi lật lại thế cờ. Khi đã có lại cơ nghiệp, Mộng Hường ra dáng một nhà doanh nghiệp. Vua gạch Nguyên “sân” chết, chết theo nghĩa đen do đã chết nghĩa bóng, hoàng hậu bay ra Hà Nội đòi cung điện, Tài Nhân tuy không trả, nhưng vẫn lo liệu cuộc sống cho vợ góa con côi, ả còn làm từ thiện, nghĩa là sắm khá tròn vai. Ả còn có ý định viết văn nữa, cho nó thành hẳn một doanh nhân toàn bích. Cũng may là dục vọng của ả nghiêng hẳn về cái sướng trước mắt, nên đã cùng/chịu để tay nhà văn blogger Đặng Thân dùng thân thể đầy nhục cảm của ả sáng tạo nên hẳn cuốn tự điển 26 kiểu làm tình kỳ vĩ cho văn học, sướng!

Nhưng giữa Mộng Hường và Đặng Thân “nhà văn blogger” không chỉ có tương tác “từ điển 26 chữ cái”. Cặp nhân vật này còn có cùng mục đích làm mới tiếng Việt, cùng say mê nhưng với các cách khác nhau để có những bước tiến mới. Mộng Hường cứ hồn nhiên gia nhập cộng đồng mạng – tin nhắn, cùng tạo ra / sử dụng nhiều tiếng lóng, nhiều chữ viết tắt và một kiểu chính tả riêng. Đây là cả câu ả nói: “Iem có mún ló thần thánh hóa iem đâu zì khi iem iu nó iem cũng rất kần cái mãnh thú của ló thía mừ ló chỉ mãnh thú với ai ai chứ iem cần ló mãnh thú với iem thì ló lại ko mãnh thú.” Khi đã trưởng thành hơn, Mộng Hường chỉ giữ lại rất ít từ lóng đã dần trở nên quen thuộc và được cuộc sống chấp nhận, ngay cả cái sự nói ngọng n-l đặc trưng Tiên Lãng cũng biến mất khỏi ngữ vựng của ả, thậm chí ả đã trở thành “nhà nghiên cứu” tiếng Việt thời @ với sự trợ giúp của tình nhân Schditt, làm hẳn một phần mềm dịch ngôn ngữ @ ra tiếng Việt phổ thông giúp các bậc phụ huynh đọc hiểu ngôn ngữ của con em họ. Vâng, cùng với phát triển tính cách, Mộng Hường vừa “phá” tiếng Việt lại vừa góp sức thúc đẩy nó, như thể tiếng Việt cùng sống, cùng trưởng thành với em. Đặng Thân “nhà văn blogger” lại đầy ý thức khi bắt đầu làm mới tiếng Việt. Anh ta biết, tiếng Anh là một thứ tiếng sô vanh khủng, vậy mà nó đã phải du nhập thêm hàng trăm ngàn từ tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Latin, Đức, Hy Lạp, Nhật, Nga… và cả tiếng Việt với những Tet, ao dai, pho, banh chung, nem, bia hoi, Doi Moi. Khi dựng kịch Shakespeare (1564-1616), đạo diễn người Anh phải cho dịch lại, từ tiếng Anh nguyên bản đến tiếng Anh hiện đại để người xem có thể hiểu hết vở kịch. Vì theo thống kê, người Anh hiện đại chỉ còn hiểu được 40% số từ tiếng Anh được viết cách đây 400 năm. Nhà văn cũng cảnh báo rằng, việc người Việt sau hơn 600 năm mà vẫn hiểu hết thơ Nôm của Nguyễn Trãi với chỉ chú thích chừng dăm ba phần trăm là một sự đáng ngại. Nhưng nếu như Mộng Hường đưa tiếng lóng @ vào văn bản, thì ngược lại, những câu thành ngữ Đặng Thân “nhà văn blogger” và Schditt quen dùng lại đến từ đô thị và, nhất là, từ Nam Bộ bình dân. Biến của chung thiên hạ thành hệ ngôn ngữ cho riêng mình, mới, năng lực biểu cảm khỏe, hài hước, nhất là hài hước, là biệt tài Đặng Thân. Cái kiểu mới dùng tiếng Anh của Mộng Hường như Titalic (Italic – nghiêng) thì ta đã biết, Đặng Thân còn giễu nhại cô khi muốn nói “sugar (đường ăn) ai nấy go”… Vâng, bạn đọc, nhất là bạn đọc có nghề viết văn hẳn ai cũng biết hạn chế của ngôn ngữ Việt, đôi khi cái bức xúc do nó gây ra cũng khốn khổ như thiếu cơm ăn áo mặc. Vì vậy, tiếng Việt có thể được coi như một nhân vật sống động của tiểu thuyết này.

Nếu như nhân vật thứ hai đã rước về một lão bản rồi tạo ở xã hội nước nhà một dạng doanh nhân xảo trá thì gã nhân vật thứ ba đã sang Việt Nam trong tư cách world citizen. Gã sang thăm mẹ, bà Arschkriecher Levinsky nay thành Arschkriecher Nguyễn Sanh, nhân thích xứ sở quê chồng của mẹ mà ở lại làm xếp cho tập đoàn Siemens Việt Nam. Tên đầy đủ của gã là Judah-Schditt von deBalle-Kant, dòng dõi quý tộc đã lâu đời ở Đức thì chớ, lại còn thêm có nửa dòng máu Do Thái. Thực ra chả đợi đến Việt Nam gã mới thành công dân toàn cầu. Ông nội gã, lão Arsche-Ngoại giáo quê ở Munich có đội bóng đá oanh liệt, nhưng cái đó chưa oách bằng lão là đồng hương của Adolf Hitller; đúng lúc Đức thua Thế Chiến II, lão lấy vợ Pháp là chiên lành của đạo Cơ Đốc, lão cải đạo và cố nhiên lờ gốc gác phát xít-Ngoại giáo; bây giờ lão có cái oách bằng vạn, lão là bạn học của Đức Giáo hoàng Benedict XVI, từng bắt nạt Giáo hoàng tương lai hồi còn đi học với nhau và mới đây, nhân Giáo hoàng về thăm cố quận, lão tranh thủ ghé tai Ngài mà khuyên, chấp nhận để con chiên dùng bao cao su cho dân nó sướng. Trên nền tảng đề ba ấy, Schditt còn định có những công dân thế giới nối tiếp, bằng cách gã yêu nàng Saraji Umm al-Hibri và để có thể cưới nàng, gã dấn thân tìm hiểu đạo Hồi. Sang Hà Nội, gã đánh đu với Đặng-Thân-netizen và qua internet, gã này nhập tịch thành world citizen. Cặp tương tác này uống bia hơi nhắm với thịt chó chấm mắm tôm mà bàn về lịch sử các dòng họ trên khắp hành tinh, các địa chính trị/văn hóa, lịch sử chiến tranh, lịch sử văn hóa, lai lịch các danh nhân khủng của thế giới thì thôi rồi, Lượn ơi. Đó là các trang văn cuốn hút, nơi bộc lộ tài năng và sức làm việc thật khủng của nhà văn, từ sự không có lông mày của Mona Lisa mà phát hiện nàng bị bệnh giang mai đến việc muốn phong thánh, vận động cả Ông Bà phong thánh cho Dennis Bergkamp mặc số 10 của Asenal, từ biểu trưng thầy tu mặc áo choàng đen của thành phố Munich đến thuốc lào Tiên Lãng, quê của Mộng Hường được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, từ Thánh kinh, Phật kinh, kinh Coran đến giáo lý của Đạo Ông Bà, từ các nhân vật khủng là dân Do Thái đến vĩ nhân Việt Nam, từ nhà soạn nhạc kiêm chỉ huy vĩ đại đến nghệ thuật đồng tính… tất tần tật đều rất chi tiết, cụ thể, sống động. Công dân thế giới không phải là khái niệm của Đặng Thân, nhưng đến nhà văn này, nội hàm của nó đầy đủ hơn ở chỗ, là world citizen thì phải thông thuộc hành tinh như lòng bàn tay, hiểu về Bayern Munich cũng rành rẽ như về Tiên Lãng quê hương thuốc lào, về văn hóa, lịch sử, tôn giáo… thế giới như với chính xứ sở của mình. Đành rằng google đã trợ giúp đắc lực, nhưng chỉ có trí thông minh, chủ kiến minh bạch và sức đọc cực khủng như Đặng Thân trần mới có nổi những trang văn như thế. Xin đọc hú họa một đoạn bàn về đạo thờ cúng tổ tiên: “BÀN THỜ nằm ngay tại ĐIỂM SỐ 0, giao giữa hai trục tung và hoành. “Cái bàn thờ” vừa có thật vừa không có thật. Đó là cửa ra vào của vạn vật, nơi giao lưu giữa người sống và người chết, giao điểm của vật chất và tâm linh, hội tụ của tiểu ngã và đại ngã, nơi đại đồng của tiểu vũ trụ và đại vũ trụ…” Nghe xong, gã Schditt chắp tay mà nói: “Kính phục Ông Bà/A Bồng. Hãy đến với BÀN THỜ, nhìn lên và cầu nguyện! Ta sẽ từ KHÔNG vào cõi MỘT… 0… 1… 0… 1…” Ngày xưa, đọc Chiến tranh và Hòa bình, gặp cái vĩ thanh hơn 60 trang trữ trình ngoại đề phát ngán, đành chịu tiếng mình ngu; nay 65 tuổi mà đọc hơn 300 trang tri thức-ngoại đề vẫn đọc tốt, thế mới kinh. Về thi pháp, những trang tri thức-ngoại đề có hai giá trị: 1.Thông tin, độ thật cho cuốn sách và vẻ đẹp của trí tuệ; 2.Tạo nên khoảng lặng, khoảng ngắt nhịp để trở lại vào lúc khác cho bố cục, kiểu cấu tứ thơ; khiến tiểu thuyết có dáng vững chãi của cấu trúc liên tục động.

Như thế, ngoài nhân vật ý niệm Ông Bà, ba nhân vật còn lại và có da có thịt là Mộng Hường, Judah-Schditt và Đặng Thân – nhà văn blogger, đã tạo nên dàn hợp xướng Thánh ca của chung các tôn giáo trên thế gian, cùng cầu nguyện – mơ ước lãng mạn vào loại khủng và ở chỗ này, tiểu thuyết càng không bà con gì với hậu hiện đại, là làm sao để mọi chúng sinh dưới gầm giời này cùng được SƯỚNG. Vâng, viết và đọc văn, suy cho cùng, vì sướng mà viết, vì sướng mà đọc.

Đến đây xin trích nốt cái email đã dẫn:

Tiểu thuyết những mảnh hồn trần đã thoát khỏi kiểu tôi tốt nó xấu, ăn bớt thịt da của người này đắp điếm nịnh bợ người khác; nhưng hình như là chưa thoát hẳn, Tôn Ngộ Không đã biến thành ngôi miếu, nhưng cái đuôi thì vẫn cứ làm cột cờ dựng ở sau miếu nên Nhị Lang Thần đã phát hiện ra. Lại có nhân vật đầy hứa hẹn là Junkim Cannon với sex vừa khủng vừa xăng pha nhớt, cái thước đo Kinsey cũng vô cùng hứa hẹn sau chả để làm gì. Giá như chỉ thêm một dòng, rằng sau khi đã gặp Mộng Hường, nó khỏi hẳn cái xăng pha nhớt thì thành công, thì sướng hơn. Và dài… Nhưng nói là nói thế thôi, chứ Đặng Thân là nhà văn khiến tôi đố kỵ ganh ghét nhất thời bây giờ.

Long Biên 29/5/2012


[1] Xem bài của Đỗ Quyên – “Rất nhiều điều về Tiểu-thuyết-Đặng-Thân”.

[2] Xem bài của Đỗ Lai Thúy – “Cuộc chạy tiếp sức lịch sử (Đặng Thân nhìn từ Nguyễn Huy Thiệp)” trên báo Văn Nghệ số 53 – 31/12/2011.