William George Hardy (1895-1979) người Canada, giáo sư đại học Alberta (1920-1964). Tác giả nhiều tiểu thuyết lịch sử và gần 100 truyện ngắn.
Bà phát hiện ông ta ngồi trong góc, nửa người khuất sau cây dương xỉ. Nghe nói ông ta là người Tiệp Khắc mới đến New York, và cũng vì ông ta có vẻ lẻ loi, lạc lõng và có nét căng thẳng, bà tiến đến tìm cách gợi chuyện.
Tuy nhiên căn phòng ồn ào với những người no cơm ấm áo, giàu lòng từ thiện, đến tham dự buổi họp của hội Hồng Thập Tự, và bây giờ, khi đến gần ông ta bà cảm thấy như từ ông tỏa ra thứ bạo lực không thể dự đoán của sự phản kháng. Cố gắng quan sát bằng cái nhìn mà bà cho rằng ông đang có về buổi họp mặt – những ly cốc-tai, những mẫu chuyện trò vui nhộn, những lời than phiền vì xăng nhớt bán theo số lượng quy định, và sự khan hiếm thịt bò – là những thứ bà nghĩ bà có thể hiểu được. Thành ra trong lúc bốc đồng, cố giữ giọng đều đều, bà nói:
“Này, tôi phải về nhà sớm. Ông có thể là một cái cớ cho tôi về sớm không nhỉ?”
Ông ta là người có trình độ. Ông hiểu được ngụ ý của bà, và không lộ chút ngạc nhiên nào. Về tới cửa nhà mình, bà ngần ngừ, và rồi, bị khuấy động bởi sự cảm thông, cùng lúc với sự tò mò muốn biết mối quan tâm về chuyện gì đã khiến người đàn ông căng thẳng và thu mình lại, bà mời ông ta vào nhà.
Vào phòng khách rồi, câu chuyện của họ cũng không dễ dàng hơn chút nào. Bà khai thác được từ ông ta rằng cách đây một tháng người ta đưa ông rời Tiệp Khắc bằng máy bay, sang Anh quốc, và ông có mặt ở Hoa Kỳ vì công việc gì đó liên hệ tới chuyện tiếp tế cho quân kháng chiến trong nước ông ta. Tuy nhiên ông ta không nói gì thêm về cả hai điều ấy. Vì vậy bà gợi chuyện về cái điều hiển nhiên, hy vọng nó có thể giúp ông ta bắt đầu:
“Ở Tiệp Khắc chắc kinh khủng lắm.”
Ông ta gật đầu – và ngừng ở đó. Bà nhìn khuôn mặt thông minh đầy linh hoạt của ông ta, và nhận ra rằng khuôn mặt ấy khép kín trước mặt bà và bà tự hỏi vì sao vậy. Ngay lúc đó con chó của bà đi vào phòng. Đó là một con chó giống collie, một con vật xinh xắn. Bà cúi người ra trước nói chuyện với nó, mong nó sẽ đi lại phía bà. Nhưng sau khi nhìn quanh một cách dửng dưng nó lờ bà đi, rồi, hai tai rũ xuống và nửa như đang cười với cái miệng theo kiểu loài chó vẫn làm, nó lững thững bước về phía người đàn ông, tựa đầu lên đầu gối ông ta, rồi ngước nhìn ông ta. Ông ta đưa tay gãi nhẹ phía sau hai cái tai mềm như lụa của nó.
Giọng nói bà thoáng chút bực bội:
“Có vẻ như loài chó thích ông đấy nhỉ.”
Ông ta liếc bà thật nhanh, “Vâng,” ông nói. Ông nghĩ một lúc. Rồi, vỗ nhẹ đầu con chó, ông tiếp; “Tôi hiểu bà muốn xóa đi cái khoảng cách. Bà thật là tử tế. Nhưng cũng vô ích thôi. Mỗi chúng ta có cái vòng trải nghiệm của riêng mình mà không ai khác có thể bước vào được.”
Bà ngả người ra lưng ghế. “Tôi nghĩ điều đó không phải lúc nào cũng đúng.”
“Tôi cũng nghĩ vậy.” Ông xoay đầu nhìn quanh căn phòng – ánh sáng dịu dàng, những bức tranh, tấm thảm dầy, những bình hoa xinh xắn. Nhận ra sự chú ý của người đàn ông đã lạc đi hướng khác, con chó nằm xuống một cách thảnh thơi dưới chân ông, và gác đầu lên hai chân trước, mắt nhìn ông ta.
“Nếu tôi nói với bà rằng tôi đã từng là bác sĩ – từng sống trong an toàn và giầu có, từng được kính trọng – mà cũng đã từng nằm co quắp tuyệt vọng trên nền nhà, bị đá và đánh, rồi bị vực cho tỉnh lại, để tiếp tục bị đánh, bị đá – giờ nọ qua giờ kia – thì đó cũng chỉ là những lời nói đối với bà, bởi vì bà sẽ không thể nào tưởng tượng được chúng có thể xảy cho em trai bà hay chồng bà, hay bất kỳ người nào bà quen biết. Hoặc nếu tôi nói với bà là em gái tôi, một người cũng có học, cũng trưởng thành một cách lịch thiệp như bà, bây giờ đang ở trong trại tập trung của Đức, bà sẽ thốt lên ‘Thật là kinh khủng!’ Đó sẽ không phải là thực tại – một thực tại sống động – bởi vì trong đời bà, bà chưa bao giờ bị hoặc sẽ không bao giờ bị hiểm nguy như thế.”
“Tôi nghĩ chúng tôi, ở nước Mỹ này, xem ra – không chút suy suyển nào,” bà thì thầm, nghĩ đến cuộc họp họ đã bỏ dở và nhận ra rằng bây giờ nét mặt người đàn ông vô cùng sống động. “Cho dù là như thế thì nhiều người trong chúng tôi vẫn muốn tìm hiểu.”
Ông ta nhún vai. “Với bà, Tự Do vẫn chỉ là chiếc áo bất cẩn. Tha lỗi cho tôi nếu tôi có quá lời. Nếu có khi nào bà hiểu được phải rụt rè sợ hãi ngay trên chính quê hương mình trước mặt người lạ, phải đói khát, vô vọng như thế nào. Như là . . .” Ông ta ngừng và lại nhìn quanh, như tìm kiếm. Ánh mắt ông ta buông xuống con chó đang nằm dưới chân ông. Con vật nhúc nhích và rên khẽ, như hỏi han trong cổ họng. Ông ta với tay chạm vào người nó, vỗ về nó. Rồi ông nhìn qua bà một cách ngần ngại, gần như là ngượng ngập. “Bà có một con chó, con vật mà bà thương yêu,” ông ta nói. “Không biết tôi có thể kể cho bà nghe về một con chó khác, một con chó ở Tiệp Khắc không nhỉ?”
“Ông kể đi.”
“Một con chó không ra chó nữa,” ông ngồi thẳng dậy, giải thích. “Chỉ là một con chó bé tí, hầu như dở sống dở chết. Nhưng nó rất ngoan. Tôi chắc có một thời nó đã từng được ai đó nuôi, tròn trĩnh, mập mạp, không chừng còn phá phách nữa. Khi tôi gặp nó, lông nó xác xơ, tai nó rách nát, và xương sườn lòi ra.
“Vào buổi sáng đầu tiên tôi tìm thấy nó. Bà phải biết là tôi đang mang tin cho quân kháng chiến, bản tin ấy bắt buộc phải đến đúng tay người nhận. Vừa mới bắt đầu hành trình thì tôi bị lính canh chặn lại. Tụi nó đánh đập tra khảo tôi liên hồi. Nhưng tôi hóa trang thành người nông dân tàn tật – và như bà thấy đó, cái đó cũng có lợi, bởi vì tôi tật nguyền thực sự. Tôi, cái kẻ thường tản bộ trên đường phố, không nhường bước cho ai – cho dù người ấy là bà đây, ở nước Mỹ này – đã không quên rằng phải co ro và rụt rè như con vật đúng theo cái cách mà bọn Quốc Xã nghĩ một người Tiệp Khắc nên cư xử trên chính quê hương mình. Tôi quỳ gối van xin. Tôi khóc. Tôi thèm chảy rãi, bò theo miếng bánh mì vụn của mình khi bọn chúng quăng xuống bùn. Một đứa trong bọn đạp đế giầy đinh lên tay tôi – bàn tay này đây – khi tôi cầm được miếng bánh mì, nó cười, và cả bọn chúng nó cười vang rồi cho tôi đi. Tôi cũng cười, thầm trong lòng. Lần ấy tôi thắng cuộc.
“Nhưng còn con chó. Tôi phải di chuyển hoàn toàn trong đêm, bà cũng hiểu mà. Vào buổi sáng sớm, trong phía rừng rậm ở nước tôi, nơi tôi ẩn trốn, con chó đã đánh hơi thấy tôi. Tôi chửi nó. Tôi ném cành cây về phía nó. Nhưng loài chó biết hết. Nó bò lết về phía tôi, cụp đuôi giữa hai chân, hai con mắt van nài. Tôi phải đuổi nó đi. Người Tiệp Khắc chúng tôi, bà phải hiểu, là chỉ còn làm chủ được mỗi một thứ – đó là ý chí không bỏ cuộc. Chúng tôi không thể cưu mang thêm thứ gì khác – ngoại trừ hận thù. Thành ra tôi đã phải đá nó, thật tàn bạo, để nó không trở lại theo tôi nữa. Nhưng nó đi lạc, không nhà và đói khát mà chẳng biết vì sao. Nó có làm gì sai trái đâu. Tôi không thể đá nó. Tôi nói, với chính tôi: ‘Bộ một nông dân Tiệp Khắc không thể có một con chó hay sao?’
“Tôi cho nó mẩu bánh mì. Tôi để nó nằm cuộn bên tôi. Đêm hôm đó, và đêm sau nữa, tôi cho nó đi với tôi. Kiếm ra chút gì ăn được tôi cũng chia với nó. Nó là một con chó ngoan. Nó rất biết ơn đã lại được thuộc về ai đó. Thế rồi đến đêm thứ ba tôi bò dưới một khúc mương dài đầy nước và bùn. Tôi phải trốn dưới ấy, bà cũng hiểu mà, bởi vì đó là vùng đất của Tiệp Khắc nơi bất kỳ người Tiệp nào bị phát hiện thì sẽ bị bắn ngay. Nhưng tôi đã quá mệt mỏi với hầm hố với sình lầy nước đọng. Tôi không thấy bóng tên lính Đức nào. Tôi không nghe tiếng tên Đức nào. Tôi tự nhủ mình phải bò ra khỏi đường rãnh. Ngay lúc đó, con chó gầm gừ trong cổ họng. Tôi chờ. Một tên lính tuần nện gót giầy đi qua.
“Khi mọi chuyện ổn thỏa, tôi xoa đầu con chó, khen ngợi nó, và nó vẫy đuôi và lắc cả người, rồi liếm tay tôi. Chính cái lúc con chó liếm tay tôi, tôi mới chợt nhận ra mình đã cô đơn đến thế và cô đơn lâu như thế. Tôi đã bị đá, bị đánh. Tôi đã phải đón nhận bao nhiêu thứ cực hình – những thứ lấy đi của bà chút . . . nhân phẩm cuối cùng. Tôi, một người đã từng sống yên ổn, tự do và giầu sang, đã bị cưỡng bức phải đứng vô vọng trong chính căn nhà của mình, khi người ta làm cho xong cái chuyện người ta làm với vợ tôi. Điều gì đó đã chết đi trong tôi, bỗng dưng khuấy động trở lại. Tôi, một kẻ từ lâu không còn chỗ cho cảm xúc nào khác ngoài hận thù, cảm nhận được con chó đang liếm bàn tay tôi. Tôi ôm nó. Tôi ôm gọn nó vào người tôi.”
Ông ta ngừng lại, và bà có thể nhận ra được rằng tâm trí ông ta đang ở xa lơ lắc. Ngồi đây trong căn phòng ấm cúng và yên ổn này, bà cố gắng hình dung ra cái mương đầy bóng tối và người đàn ông này, thật yên lặng, thật tự hào, với một phong cách không tì vết, đầm dưới bùn lầy, ôm một con chó ốm gần chết đói. Vâng, bà có thể nhìn thấy con chó – con vật tội nghiệp. Bà liếc nhìn con chó collie của mình. Nó vẫn tiếp tục nhìn người đàn ông, hoàn toàn không để tâm đến bà.
“Rồi sao nữa?” bà hỏi, gay gắt hơn bà nghĩ.
Người đàn ông bừng tỉnh. “Rồi sao hở? Ô, rồi chúng tôi tiếp tục đi. Hai đêm sau cùng chúng tôi đến rất gần cuối hành trình, tới phần cực kỳ quan trọng, tới chỗ có một chốt tuần thám mà tôi phải vượt qua. Ở kiếp đời nào khác, tôi sẽ bảo là công tác ấy không thể nào thực hiện được. Nhưng bọn Đức ấy – nề nếp tới mức quân kháng chiến chúng tôi có thể biết chính xác giờ giấc mỗi tên lính tuần đi qua từng trạm gác! Tôi chờ tên lính tuần đi qua bởi tôi biết rằng sau đó tôi sẽ có chính xác bẩy phút rưỡi trước khi hắn trở lại, vậy là đủ thời gian cho tôi, nếu tôi nhanh chân.
“Tôi ngồi co ro dưới cái hõm đầy bóng tối, chờ đợi. Thắng lợi nắm chắc trong tay. Bởi lúc này tôi cảm thấy rằng tôi sẽ chuyển được tin và rồi bọn Quốc Xã, những kẻ thỏa mãn dục vọng và sự tàn ác của chúng trên những con người vô vọng, những kẻ đã cười và nghĩ rằng chẳng việc gì phải so đo tính toán, chợt khám phá ra rằng chúng đã lầm.
“Tôi đã cảm thấy như thế. Tôi vòng tay ôm lấy con chó và ép thân mình ấm áp của nó vào người tôi, và chúng tôi chờ đợi.
“Nhưng rồi con chó gầm gừ.
“Nghĩa là tên lính tuần tra đang trở lại. Tôi sợ hắn sẽ nghe được. Tôi không thể để mặc cho may rủi. Ở nơi ấy, bọn tuần thám được lệnh là khi có bất kỳ chút khả nghi nào thì không cần tìm hiểu, mà phải báo cho bọn lính gác ngay. Và khi có lệnh lục soát, tôi sẽ bị lộ và tin mật của tôi sẽ không chuyển đi được. Tôi vội vã thì thầm với con chó, năn nỉ nó im lặng.
“Nhưng nó tiếp tục gầm gừ.
“Bà phải hiểu rằng tôi bắt buộc phải chuyển được mật lệnh ấy. Nhưng tôi lại thương con chó ấy mất rồi. Vợ tôi không còn nữa, không nhà, không em gái. Tôi chỉ còn có con chó ấy. Và con chó có tôi. Dường như tất cả những gì hai chúng tôi còn lại là được còn có nhau. Thành ra tôi đánh liều. Tôi lại thì thầm với nó, năn nỉ nó hiểu tôi mà im lặng. Làm sao nó hiểu được? Một trong những kẻ thù đang đi tới – con chó mới được tôi khen đây mà. Nó gầm gừ lớn hơn, sâu trong cuống họng.
“Bây giờ tôi đã có thể nghe tiếng tên lính tuần tra. Mật lệnh của tôi phải đến tay người nhận. Tôi chồm lên con chó nhỏ giở sống giở chết ấy, kẹp nó giữa hai đầu gối tôi để nó không giẫy giụa được. Tôi siết lấy cổ nó bằng ngón tay tôi – những ngón tay này đây. Chúng thật mạnh mẽ, chính những ngón tay này. Chúng bắt buộc phải mạnh, bởi vì lỡ chúng tôi không có vũ khí mà phải xuống tay giết người thì . . . Thành ra tôi siết – một cách tàn bạo.
“Phải chi tên lính tuần đi qua ngay lúc đó. Tôi cầu nguyện cho hắn đi qua ngay lúc đó. Nhưng hắn lại thong thả. Hắn dừng bước. Hắn mồi điếu thuốc, hút một hay hai hơi rồi nhìn quanh. Rồi hắn dập điếu thuốc và tiếp tục bước đi. Tôi nới lỏng những ngón tay. Phải như con chó được ăn uống no đủ, mạnh khỏe – như con chó này đây. Nó không được vậy. Và tôi – tôi đâu có thời gian. Tôi bỏ nó đó. Tôi tiếp tục đi.”
Ông ta ngưng nói. Bà vặn vẹo người trên ghế. Đầu óc bà hiểu điều người đàn ông muốn nói với bà. Nhưng bà tiếp tục trông thấy con chó ấy, con chó đã tin tưởng người đàn ông. Con chó của bà, khuấy động bởi cảm nhận về những điều liên hệ đến người đàn ông, trăn trở cái đầu và lại phát ra tiếng rên rỉ, đầy thắc mắc. Người đàn ông cúi xuống, mỉm cười một cách hiểu biết, nhẹ nhàng vuốt những ngón tay lên đầu con vật. Bà nhìn những ngón tay kia. Trong cuộc chiến đấu của người đàn ông này cho đất nước của ông ta, ông ta phải hy sinh mọi thứ – kể cả lòng thương hại thì đó cũng chẳng phải lỗi của ông ta. Nhưng – những ngón tay kia . . .
“Này, Drake,” bà đứng bật dậy, nói với con chó. “Lại đây!”
Người đàn ông đứng dậy, ngó quanh tìm cái mũ và cây gậy, rồi bước ra cửa.
“Dĩ nhiên, nó là một con chó Tiệp Khắc,” ông ta nói, như thể nói với chính mình.
Nguồn: “The Czech Dog” trong The Storyteller – Short Stories from around the World. Nelson Canada xuất bản 1992. “The Czech Dog” đã in trong tuyển tập Best American Short Stories (1945).
/p