Trang chính » Biên Khảo, Dịch Thuật, Nhận Định, Sang Việt ngữ Email bài này

Quá khứ gai góc của Stein

♦ Chuyển ngữ: 4 bình luận ♦ 7.06.2012
Picasso-GertrudeStein_thumb.jpg

 

Chủ biên sáng lập nhật báo Toronto Sun, Peter Worthington (sinh 1927, người Canada) là cựu chiến binh của Thế Chiến Hai và chiến tranh Hàn Quốc. Gia nhập ngành báo chí từ 1956. Ông đã từng tháp tùng quân đội Canada đóng quân (trong lực lượng bảo vệ hòa bình của Liên Hiệp Quốc) ở Gaza, đã từng phỏng vấn vua Hussein của Jordan, Thomas Anthony Dooley III và Albert Schweitzer. Từng có mặt ở Algeria, Moscow, Prague. Đã tường trình cuộc chiến tranh thuộc địa Bồ Đào Nha ở Angola, cuộc xâm lăng New Guinea của Nam Dương, cuộc xâm lăng của Trung Hoa vào lãnh thổ Ấn Độ. Chứng kiến cuộc ám sát Lee Harvey Oswald khi ở Dallas, tường trình cuộc chiến sáu ngày giữa Do Thái và khối Ả Rập, và cuộc nội chiến Nigeria… Ông nhận nhiều giải thưởng báo chí quốc gia.

 

Picasso-GertrudeStein
Chân dung Gertrude Stein vẽ bởi Picasso

 

***

Phải nói một cách công bằng Gertrude Stein là một trong những tên tuổi còn vang vọng trong những người có tuổi quan tâm đến văn hóa, nhưng rất ít được biết tới bởi những thế hệ sau này.

Vào thời hoàng kim, Stein là một thứ minh sư trong lãnh vực trí thức và nghệ thuật.

Bà viết những bài thơ và những cuốn sách đọc không nổi, sống ở Pháp, sưu tầm nghệ thuật, và rất nổi tiếng về những buổi tiếp tân được sự hiện diện của những nghệ sĩ lừng danh cũng như đang lên ở thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến.

Ngày nay bà được nhớ tới (nếu có thực sự được nhớ tới) phần lớn nhờ đã nghĩ ra câu phát biểu: “Một bông hồng là một bông hồng là một bông hồng.”

Điều đó có nghĩa gì phần lớn tùy thuộc cái nhìn của mỗi người.

Theo tôi thì câu ấy nghĩa là cho dù người ta có gán ghép đặc điểm hay đức tính nào cho một vật, tự căn bản nó vẫn là nó.

Cho dù có đẹp hay phức tạp đến độ nào đi nữa thì bông hồng cũng luôn luôn là bông hồng.

Bạn cứ việc triết lý hóa điều đó theo ý muốn của mình.

Ngày nay Stein chỉ còn tồn tại phần lớn trong những ghi chú văn hóa ở cuối trang – một khuôn mặt quan trọng của những thập niên 20 và 30, người đủ thong minh tới mức bỏ tiền ra mua các họa phẩm của các nghệ sĩ – những tên tuổi như Matisse, Cézanne, Picasso, Renoir, Gauguin, Toulouse-Lautrec – khi giá cả của chúng còn có thể chịu được.

Như người ta đã nói về những cuộc họp mặt nghệ sĩ mỗi thứ bảy của bà: “Bà sưu tập những thiên tài hơn là những kiệt tác.”

Stein là một cái gì đó bí hiểm bởi bà sinh ra ở Pennsylvania (1874), cư trú ở Pháp từ 1903, và ở lại Pháp trong suốt thời gian Thế Chiến Hai, sống ở miền nam – phần lãnh thổ do Vichy kiểm soát – và đã được phép giữ bộ sưu tập nghệ thuật khổng lồ của bà trong khi bọn Quốc Xã săn lùng suốt phần còn lại của đất nước để tìm kiếm những tác phẩm nghệ thuật.

Và cũng chính bộ sưu tầm nghệ thuật của Stein đã đóng góp vào sự hồi sinh tên tuổi bà ngày nay. Năm ngoái, Bảo Tàng Viện Nghệ Thuật Hiện Đại San Francisco mở ra để đón nhận những bài viết cuồng nhiệt về cuộc trưng bày nghệ thuật gia đình nhà Stein, chú trọng vào sưu tập của bà.

Cuộc triển lãm dời qua Paris và hiện giờ đang là điểm thu hút tại Bảo Tàng Viện Đô Thị Nghệ Thuật Hiện Đại ở New York.

Năm ngoái, Viện Bảo Tàng Do Thái Đương Đại San Francisco dành cho Stein sự tôn kính cùng lúc với việc vinh danh những tác phẩm của một nghệ sĩ trẻ khác, Charlotte Salomon, người sống ở Berlin trong thế chiến.

Vào năm 1943 Salomon bị mật vụ Gestapo bắt và chuyển đến Auschwitz, nơi cô bị giết trong lúc mang thai năm tháng. Lúc ấy cô 26 tuổi.

Việc phục sinh Gertrude Stein này đáng ghi nhận ở chỗ những nơi trưng bày nghệ thuật và Viện Bảo Tàng Do Thái San Francisco đã kiểm duyệt hoặc tẩy trùng phần quá khứ trong thời chiến của Stein.

Trên mặt nổi, người ta tự hỏi là một người Do Thái làm cách nào bà có thể sống sót trong vùng nước Pháp dưới chế độ Vichy, bao quanh bởi bộ sưu tập nghệ thuật lớn lao của mình, có mối quan hệ đồng tính luyến ái với Alice B. Toklas, mà vẫn thoát khỏi – không, phải gọi là được bảo vệ mới đúng – bởi bọn Quốc Xã?

Câu trả lời, dĩ nhiên là, bà là một kẻ thỏa hiệp.

Thực tế ấy ít khi được nhắc đến – hoặc được ngụy trang bằng cách chỉ nói rằng cuộc sống của bà “gây tranh cãi.”

Đối với vài người như Barbara Will, Giáo sư đại học Dartmouth, tác giả cuốn Unlikely Collaboration, một cuốn sách đào sâu vào cuộc đời của Stein, việc giả mù của giới văn chương và trí thức tả phái thật là khó hiểu và đầy thách thức. Nếu không nói là đáng hổ thẹn.

Stein là người ngưỡng mộ Adolf Hitler, và đã đề cử ông ta cho giải Nobel Hòa Bình năm 1935.

Chẳng những thế, bà còn vận động cho ông ta được trao giải vào năm 1938 trên cơ sở là, bằng cách ngăn chặn người Do Thái cùng phe đối lập, Hitler đã bảo đảm được hòa bình cho xứ sở.

Bà khinh bỉ Tổng Thống Franklin Roosevelt và chương trình New Deal, đồng thời là người ái mộ và ủng hộ nhà độc tài Franco ở Tây Ban Nha. Bà được mô tả là một người-Do-Thái-tự-ghét-mình, và có khuynh hướng Phát Xít.

Luôn là người ngưỡng mộ Thống Chế Philippe Pétain, người hùng của nước Pháp trong Thế Chiến Một, và tay bù nhìn của Quốc Xã trong chính quyền Vichy của Pháp thời Thế Chiến Hai, Stein cống hiến 32 bài dịch diễn văn thời chiến của Pétain ra Anh ngữ để phổ biến ở Mỹ Châu.

Mặc dầu bà mất vì ung thư năm 1946, bà thoát được số phận của nhiều người cộng tác với Đức Quốc Xã, cho dù bà đã tiếp tay với Quốc Xã và có lẽ phản bội những người kháng chiến chống lại cuộc xăm lăng. Bộ sưu tập hiếm hoi của bà vẫn được bảo vệ.

Người bảo vệ bà dưới thời Vichy chính là Bernard Fay, một tay xuất thân từ Harvard, đồng tính luyến ái và chống Do Thái, người đã từng gom bắt dân Do Thái để gửi đến những trại bức tử ở Đức.

Fay là bạn; là người cố vấn của Pétain và Fay ái mộ Stein.

Sau chiến tranh, Fay lãnh án tù vì tội thỏa hiệp với Quốc Xã và được trả tự do nhân cuộc ân xá năm 1953.

Trong một bài viết đánh dấu mốc những khía cạnh của cuộc đời Gertrude Stein, nhà văn Mark Karlin ghi nhận rằng Viện Bảo Tàng Do Thái Đương Đại San Francisco chia đời sống của Stein thành năm giai đoạn.

Karlin mỉa mai gợi ý rằng còn “giai đoạn thứ sáu” bị bỏ sót – giai đoạn có mối quan hệ của Stein với bọn Quốc Xã.

Với Karlin, gần như một sự tục tĩu khi vinh danh những sưu tập nghệ thuật của Stein cùng với tác phẩm của Salomon, người đã chết trong phòng hơi ngạt Quốc Xã vì chính những tác phẩm của cô, vậy mà người ta vẫn bảo tồn và bảo vệ Stein.

Khi bị đặt vấn đề về việc bỏ sót những khía cạnh trong đời sống Stein trong việc ủng hộ Quốc Xã, phát ngôn viên viện bảo tàng Do Thái cho biết viện cũng bán những cuốn sách (trong đó có sách của Will) ghi lại phần đời không trong sáng của Stein kia mà.

Ngay cả Tòa Bạch Ốc cũng lầm lỡ khi Tổng Thống Barack Obama mới đây trong lúc tán dương Tháng Di Sản Do Thái (Tháng 5) đã nói: “Lịch sử của họ về sự chịu đựng không ngưng nghỉ và niềm tin của họ vào điều hứa hẹn của ngày mai gửi đến chúng ta một bài học không chỉ cho những người Mỹ gốc Do Thái mà cho tất cả mọi người Mỹ. Từ Aaron Copland tới Albert Einstein, từ Gertrude Stein tới Justice Louis Brandeis.”

Dưới sự chỉ trích của luật sư về nhân quyền Alan Dershowits, Tòa Bạch Ốc sau đó đã nhìn nhận là lẽ ra họ không nên bao gồm cả Stein.

Nghĩ cho cùng, một blogger của Huffingtonpost Canada có lẽ là người đã mô tả được Gertrude Stein trọn vẹn nhất: “Một kẻ thỏa hiệp là một kẻ thỏa hiệp là một kẻ thỏa hiệp.”

 
 

Nguồn: “Stein’s Thorny Past” trong Toronto Sun 27 tháng 05, 2012.

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

4 Bình luận

  • Phan Đức says:

    Xin đồng ý với Võ Tấn Phong và black raccoon.
    Nói chung,Gertrude Stein là một người nhưng mang nhiều bộ mặt là kẻ hợp tác,
    thoả hiệp và tên chỉ điểm của Đức Quốc Xã.Tất cả đều đúng và thích hợp.
    Thế nhưng,tôi thiển nghĩ đây là bài báo của Peter Worthington,do đó có lẽ nên
    dịch những gì ghi rõ trong bài báo (câu này là trích dẫn lời bình của blogger
    mà tác giả đưa vào),chứ không thể tự tiện đổi ra theo ý dịch giả như thế được.
    Ai cũng biết là dịch một tác phẩm văn chương thì khác với dịch một bài báo.Dịch thơ,truyện v.v.người dịch có thể dịch thoát ý,thậm chí phóng tác nhưng dịch bài
    báo thì cần trung thành với bản gốc để tránh hiểu lầm,nếu bài báo đó đề cập tới
    những vấn đề cá nhân hay liên quan chính trị (như bài này).
    Trân trọng.

  • Võ Tấn Phong says:

    Trích bài dịch:

    “…bà thoát được số phận của nhiều người cộng tác với Đức Quốc Xã, cho dù bà đã tiếp tay với Quốc Xã và có lẽ phản bội những người kháng chiến chống lại cuộc xăm lăng…”

    Trong định nghĩa thứ hai của từ collaborate của black racoon:

    “… willingly assist an enemy of one’s country and especially an occupying force” (tự nguyện trợ giúp kẻ thù quốc gia và đặc biệt là quân xâm lược)

    Thì cũng là một dạng chỉ điểm đấy chứ? Trí thức gì đây?

  • Collaborate
    1: to work jointly with others or together especially in an intellectual endeavor
    2: to cooperate with or willingly assist an enemy of one’s country and especially an occupying force. (Merriam-Webster Dict)
    Collaborator (noun): người hợp tác, kẻ thỏa hiệp

    Thỏa hiệp khác chỉ điểm

    Kẻ chỉ điểm, thường được phe Vc dùng trong thời chiến, để chỉ người làm việc bí mật cho cơ quan tình báo VNCH. Phía VNCH thì gọi là mật báo viên (secret agent or spy). Trong khi đó người làm việc điệp báo cho Vc thì họ gọi là cơ sở cách mạng hay cảm tình viên.
    Kẻ thỏa hiệp khác kẻ chỉ điểm và cảm tình viên rất xa. Một đằng làm công khai, một đằng hành động trong bóng tối. Một bên hợp tác trên phương diện trí thức, một bên làm công việc kín đáo của điệp báo.

    Xét Gertrude Stein trong bài chủ, chính là một kẻ thỏa hiệp. Bà là “người ngưỡng mộ Adolf Hitler, và đã đề cử ông ta cho giải Nobel Hòa Bình năm 1935.”
    Nhà văn Hoàng Chính đã dịch chính xác.

  • Võ Tấn Phong says:

    http://www.torontosun.com/2012/05/26/stein-way-of-life-a-myth

    Cám ơn dịch giả đã dịch một bài rất đáng. Xin có một góp ý nhỏ. Câu kết nguyên văn là: “A collaborator is a collaborator is a collaborator” có lẽ tác giả muốn nói tới chữ collaborateur trong tiếng Pháp, cũng để chỉ những kẻ cộng tác với Đức Quốc Xã thời Thế Chiến II. Có lẽ nên dịch là “Một tên chỉ điểm là một tên chỉ điểm là một tên chỉ điểm”?

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)