LTS: Câu chuyện về một nhóm phụ nữ trẻ Nhật Bản được mang từ Nhật Bản qua San Francisco để lấy chồng qua mai mối hồi đầu thế kỷ trước. Tác phẩm mô tả hành trình gian nan của những cô gái chỉ thấy mặt người chồng sắp cưới của mình qua những tấm hình và những lá thư đầy hứa hẹn. Từ đó họ vẽ vời những tương lai êm ấm, và nhắm mắt đưa chân vào cuộc sống mới đầy bất trắc. Được tuyển vào chung kết của National Book Award (Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc Hoa Kỳ Năm 2011), The Buddha in the Attic, tiểu thuyết của Julie Otsuka (Alfred A. Knopf: 2011), phô bày kiếp sống cùng cực của người phụ nữ mà chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Câu chuyện làm chúng ta nhớ đến những cô gái Việt Nam đem thân đi làm dâu xứ người. Tác phẩm khác của Julie Otsuka là When the Emperor Was Divine (Khi Hoàng Đế Còn Thiêng Liêng).
Trích chương 1, Đức Phật Ở Trên Gác
Dưới tàu, chúng tôi hầu hết là gái còn trinh. Chúng tôi có tóc đen dài, bàn chân phẳng, to bè và chúng tôi không cao lắm. Vài đứa trong chúng tôi không ăn gì ngoài cháo như những bé gái nhỏ và có chân cong, vài đứa trong chúng tôi mới chỉ mười bốn tuổi và chúng tôi vẫn chỉ là những bé gái nhỏ. Vài đứa chúng tôi đến từ thành phố, mặc những áo quần thời trang đô thị, nhưng nhiều đứa khác đến từ miền quê và dưới tàu, chúng tôi mặc cũng những chiếc kimono cũ mà chúng tôi đã mặc bao nhiêu năm trời – những bộ áo phai màu các chị gái chúng tôi bỏ lại đã vá víu và nhuộm lại bao nhiêu lần. Vài đứa trong bọn tôi đến từ vùng núi, chưa bao giờ trông thấy biển, trừ trong những bức hình, vài đứa là con gái những ngư phủ suốt đời quanh quẩn trên biển cả. Có lẽ chúng tôi đã mất một anh trai hay một người cha cho biển, hoặc một vị hôn phu, hoặc có thể một người nào đó mà chúng tôi yêu thương, đã buông mình vào dòng nước một buổi sáng bất hạnh nào đó, lầm lũi bơi đi, và bây giờ, tới phiên chúng tôi bỏ đi.
Trên tàu việc đầu tiên chúng tôi làm – trước khi quyết định xem mình sẽ thích ai hoặc không ưa ai, trước khi nói với nhau mình từ đảo nào tới, và vì sao mình phải ra đi, ngay cả trước khi hỏi tên nhau – là so sánh những bức hình chụp chồng của chúng tôi. Họ là những thanh niên bảnh bao, với con mắt đen với đầu tóc rậm với da trơn mịn không tì vết. Những chiếc cằm của họ đầy vẻ cương nghị. Tướng tá họ đẹp mắt. Mũi họ thẳng và cao. Trông họ giống những ông bố, những anh em trai của chúng tôi bên nhà, chỉ khác là họ ăn mặc sang trọng hơn, trong những chiếc áo choàng xám, trong những bộ y phục ba mảnh. Vài người trong số họ đứng bên lề đường, trước những căn nhà mái khung hình chữ A bằng gỗ với hàng cọc giậu trắng và những khoảng sân cắt tỉa gọn gàng, vài người đứng trong lối đậu xe dựa vào những chiếc xe Ford kiểu T. Vài người ngồi trong tiệm chụp ảnh trên những chiếc ghế cứng có lưng dựa cao, hai tay khoanh ngay ngắn và nhìn thẳng vào máy hình, như thể họ đang sẵn sàng chinh phục thế giới. Tất cả đều hứa sẽ có mặt ở đó, chờ chúng tôi, ở San Francisco, khi tàu chúng tôi cặp bến.
Trên tàu, chúng tôi vẫn tự hỏi: liệu chúng tôi có thích họ không? Liệu chúng tôi có yêu thương họ không? Liệu chúng tôi có nhận ra họ – qua những bức hình chụp – khi thấy họ lần đầu tiên trên bến cảng.
Trên tàu chúng tôi ngủ dưới khoang dành cho hành khách hạng chót, nơi tối tăm và dơ dáy. Giường của chúng tôi là những thanh kim loại hẹp lớp này dát lên lớp kia. Và nệm của chúng tôi cứng, đen đúa với những vết loang lem luốc, từ những chuyến đi khác, những đời sống trước. Gối nằm của chúng tôi độn bằng trấu lúa mì khô. Những mảnh vụn thức ăn rải rác trên lối đi giữa giường ngủ và sàn tàu ẩm ướt, nhầy nhụa. Có một lỗ thoát hơi, và tối đến sau khi cửa hầm tàu đóng lại, bóng tối tràn ngập tiếng thì thầm. Liệu có đau không nhỉ? Thân thể trăn trở dưới chăn.
Biển dâng lên hụp xuống. Không khí ẩm ướt ngột ngạt. Đêm xuống, chúng tôi mơ thấy chồng chúng tôi. Chúng tôi mơ những đôi guốc gỗ mới và những súc lụa màu chàm dài vô tận với ước mơ được sống, một ngày nào đó, trong một căn nhà có ống khói. Chúng tôi mơ thấy mình cao ráo và khả ái. Chúng tôi mơ thấy mình trở lại với ruộng lúa, nơi chúng tôi đã khao khát đến tuyệt vọng được thoát đi. Những giấc mơ có ruộng lúa luôn là những cơn ác mộng. Chúng tôi mơ thấy những người chị lớn hơn, xinh đẹp hơn của chúng tôi đã bị cha chúng tôi bán cho những nhà geisha để cả nhà có miếng ăn, và khi thức giấc chúng tôi hớp không khí hụt hơi. Trong một giây em tưởng em là chị ấy.
Những ngày đầu tiên trên tàu chúng tôi say sóng, không thể nào kềm giữ (thức ăn trong bụng), và đã phải chạy tới boong tàu không biết bao nhiêu lần. Vài đứa chúng tôi chóng mặt tới mức không thể bước đi, nằm mê mệt trên khung giường hẹp trong trạng thái đờ đẫn, tên mình còn không nhớ, nói gì tới tên của chồng mới cưới. Nhắc lại giùm tôi lần nữa đi mà, tôi sẽ là bà… gì nhỉ? Vài đứa chúng tôi ôm chặt lấy bụng mình và lớn tiếng van vái Kannon – nữ thần của lòng thương xót – Ngài ở đâu? – trong khi những đứa khác chịu đựng âm thầm mặt mày xanh xám. Và thường xuyên, giữa đêm khuya, chúng tôi bị xóc đầu dậy bởi một cơn sóng cồn hung bạo và trong một giây ngắn ngủi chúng tôi hoàn toàn không biết mình đang ở đâu, hoặc vì sao giường của chúng tôi không ngừng lay động, hay vì sao tim chúng tôi đập thình thịch đầy kinh hãi như thế. Động đất luôn là ý nghĩ đầu tiên thoáng hiện trong tâm trí chúng tôi. Những lúc ấy chúng tôi quơ tay tìm mẹ mình, và trong vòng tay của người, chúng tôi ngủ tới buổi sáng hôm chúng tôi bỏ đi. Giờ này những bà mẹ có đang ngủ đó không? Các bà mẹ có nằm mơ không? Các bà mẹ có nghĩ đến chúng tôi thâu đêm, suốt sáng? Các bà mẹ có vẫn bước ba bước phía sau bố chúng tôi với hai tay khệ nệ đồ đạc trong khi các ông bố chúng tôi chẳng cầm gì hết không? Các bà mẹ có âm thầm ganh tị chúng tôi đã xuống được tàu, ra đi? Mẹ đã đưa cho con hết mọi thứ chưa? Các bà mẹ có nhớ phơi những chiếc kimono cũ của chúng tôi ra gió không? Các bà có nhớ cho mèo ăn không? Các bà mẹ có chắc chắn là đã chỉ dẫn cho chúng tôi những điều chúng tôi cần biết? Cầm tách trà của mình bằng hai bàn tay, đừng dãi nắng, đừng nói hơn những gì cần phải nói.
Hầu hết chúng tôi trên tàu đều sửa soạn chu đáo, và nắm chắc mình sẽ là những người vợ đảm đang. Chúng tôi biết nấu nướng và may vá. Chúng tôi biết cách hầu trà, cắm hoa và ngồi hang giờ thật yên lặng trên hai bàn chân to bè của mình, tuyệt đối không hở môi nói bất cứ điều gì quan trọng. Con gái phải hòa lẫn vào căn phòng: nó phải có mặt ở đó nhưng không được lộ ra sự hiện diện của nó. Chúng tôi biết cách cư xử trong đám tang, và biết cách viết những bài thơ sầu muộn ngắn với chính xác mười bảy vần về sự qua đi của mùa thu tàn tạ. Chúng tôi biết cách nhổ cỏ, chẻ củi và múc nước, và một đứa trong bọn chúng tôi – con gái ông chủ nhà máy xay gạo – biết cách đi bộ hai dặm đường xuống phố với một bọc gạo tám chục cân Anh trên lưng mà không đổ giọt mồ hôi nào. Tất cả chỉ là nhờ biết cách thở cho đúng. Hầu hết chúng tôi đều có phong cách tốt đẹp, và vô cùng nhã nhặn, ngoại trừ khi chúng tôi nổi giận và chửi thề như bọn thuỷ thủ. Hầu như lúc nào chúng tôi cũng chuyện trò như những mệnh phụ, với giọng nói của chúng tôi cao chói, và giả bộ biết thật ít so với cái biết thực sự của mình, và mỗi khi đi qua những anh chàng chùi quét boong tàu chúng tôi cố nắm chắc là mình nhón những bước nhỏ, yểu điệu với những đầu ngón chân xoay vào trong một cách nề nếp. Bởi không biết bao nhiêu lần mẹ chúng tôi đã dặn dò: Hãy đi đứng như dân thành phố, đừng như dân cày!
Trên tàu, hàng đêm chúng tôi nhồi nhét vào trong những giường hẹp và thức khuya hàng giờ chuyện trò về cái lục địa chưa hề biết đến ở phía trước. Nghe nói dân ở đấy không ăn gì khác ngoài thịt và thân thể họ có đầy lông (đa số chúng tôi theo đạo Phật, không ăn thịt, và chỉ có lông ở những nơi thích hợp). Cây cối đồ sộ. Bình nguyên mênh mông. Đàn bà ồn ào và cao ráo – chúng tôi nghe nói, cao hơn người đàn ông cao nhất của chúng tôi một cái đầu. Ngôn ngữ khó hơn ngôn ngữ của chúng tôi tới chục lần và phong tục thì kỳ lạ tới mức không lường được. Sách đọc từ sau ra trước và sà bông được dùng trong nhà tắm. Hỉ mũi vào khăn mù soa dơ rồi lại nhét vào túi để sau đó lấy ra dùng đi dùng lại. Màu trái ngược của trắng không phải đỏ mà là đen. Chúng tôi tự hỏi, chúng tôi sẽ ra sao trong xứ sở lạ lùng ấy? Chúng tôi hình dung ra chính mình – một sắc dân nhỏ bé trang bị đơn giản với những cuốn sách hướng dẫn – vào xứ sở của người khổng lồ. Liệu chúng tôi có bị chế nhạo? Bị khinh miệt? Hoặc tệ hơn thế, chẳng được ai để tâm tới chút nào không? Nhưng ngay cả đứa ngần ngại nhất trong bọn chúng tôi cũng nhìn nhận rằng thà kết hôn với một người lạ ở Mỹ châu còn hơn chết già với một nông dân trong làng. Bởi vì ở Mỹ châu, phụ nữ không phải vất vả công việc đồng áng, ở đó có nhiều gạo, nhiều củi cho tất cả mọi người. Và bất cứ mình tới nơi nào đàn ông cũng mở cửa cho mình và chạm tay vào vành mũ họ, rồi nói, “Lady first” và “After you.”
Trên tàu có vài đứa đến từ Kyoto, lịch thiệp và xinh xắn, và đã từng sống cả đời trong những phòng tối ở phía sau căn nhà. Vài đứa chúng tôi đến từ Nara, và khấn nguyện tổ tiên ba lần một ngày, và thề là vẫn nghe được tiếng chuông chùa ngân vang. Vài đứa tôi là con gái những nông dân từ Yamaguchi với cổ tay thô với vai bè những đứa không bao giờ đi ngủ sau chín giờ. Vài đứa trong chúng tôi đến từ thôn ấp nhỏ miền núi ở Yamanashi và chỉ trông thấy chiếc xe lửa lần đầu tiên trong đời mới đây thôi. Vài đứa trong chúng tôi đến từ Tokyo, và đã nhìn thấy mọi thứ, nói thứ tiếng Nhật duyên dáng, và không hòa nhập mấy với những người khác. Nhiều đứa khác nữa trong chúng tôi đến từ Kagoshima và nói bằng thổ ngữ miền nam nặng chịch mà những đứa chúng tôi đến từ Tokyo giả bộ không hiểu. Vài đứa bọn tôi đến từ Hokkaido, nơi tuyết rơi, trời lạnh, và có thể mơ đến giải đất trắng ấy qua bao nhiêu năm tháng. Vài đứa tôi đến từ Hiroshima, nơi sau này nổ bùng, và đã thật là may mắn được xuống tàu cho dù lúc ấy chúng tôi dĩ nhiên là chưa biết. Đứa trẻ nhất trong bọn tôi mười hai tuổi, đến từ bờ phía đông của hồ Biwa, và chưa có kinh lần đầu. Bố mẹ em gả em đi để lấy tiền đặt cưới. Người lớn nhất trong bọn tôi ba mươi bảy tuổi, từ Niigata, và đã dành cả đời mình săn sóc ông bố tật nguyền, người mà khi qua đời mới đây đã khiến cô con gái vừa vui vừa buồn. Tôi biết chỉ khi nào bố tôi chết tôi mới lập gia đình được. Một người trong bọn chúng tôi đến từ Kumamoto, nơi chẳng còn gã thanh niên nào – năm trước đó tất cả những thanh niên độc thân đều đã bỏ xứ đi tìm việc ở Mãn Châu – và đã cảm thấy may mắn nếu như lấy được bất cứ ai làm chồng. Vừa nhìn lướt qua tấm hình là tôi nói với người làm mai liền,“Anh ấy được đấy.” Một đứa trong bọn tôi từ làng dệt lụa Fukushima, đã mất người chồng thứ nhất vì bệnh cúm, mất người chồng thứ nhì về tay người đàn bà trẻ đẹp hơn sống ở phía bên kia ngọn đồi, và bây giờ chị ta giong buồm sang Mỹ để lấy người chồng thứ ba. Anh ấy khỏe mạnh, anh ấy không rượu chè, anh ấy không cờ bạc, tôi chỉ cần biết có thế thôi. Một đứa trong bọn chúng tôi trước đây là vũ nữ ở Nagoya ăn mặc đẹp đẽ, có làn da trắng trong suốt, và biết tất cả những điều cần biết về đàn ông, và mỗi tối chúng tôi vây quay chị ta đặt câu hỏi. Làm chuyện đó có lâu không? Có mở đèn hay làm trong bóng tối? Cẳng chân dơ lên hay hạ xuống? Mắt mở hay nhắm? Nếu mình không thở được thì sao? Nếu mình khát nước thì sao? Nếu anh ấy nặng quá thì sao? Nếu anh ta to con quá thì sao? Nếu như anh ấy không thèm muốn mình thì sao? “Bọn đàn ông đơn giản lắm,” chị ấy bảo chúng tôi thế. Và chị bắt đầu giải thích.
Trên tàu, đôi khi chúng tôi nằm thức hàng giờ trong bóng tối ẩm ướt lắc tư của khoang tàu, lòng đầy ắp niềm ước mong cùng sự sợ hãi, và băn khoăn tự hỏi làm cách nào chúng tôi có thể sống sót thêm ba tuần lễ nữa.
Trên tàu, chúng tôi mang theo trong rương tất cả những thứ chúng tôi sẽ cần cho cuộc sống mới: những áo kimono lụa trắng cho đêm tân hôn, những áo kimono vải bông màu để mặc hàng ngày, những áo kimono vải bông trơn để dành lúc về già, những ngòi bút lông, những cục mực đen dầy, những trang giấy làm bằng bột gạo mà chúng tôi sẽ dùng để viết những lá thư thật dài gửi về quê nhà, những tượng Phật nhỏ xíu bằng đồng, những tượng thần cáo bằng ngà, những con búp bê mà chúng tôi đã ngủ chung với từ thuở lên năm, những gói đường nâu phòng hờ khi có chuyện phải nhờ vả người khác, những tấm chăn vải màu sáng, những quạt giấy, những cuốn sách đàm thoại Anh ngữ, những giải thắt lưng lụa có hình bông hoa, những viên đá trơn nhẵn nhụi nhặt được từ dòng sông phía sau nhà, một lọn tóc của đứa con trai mà chúng tôi có lần rờ rẫm, yêu thương, và hứa sẽ viết thư, dù chúng tôi biết chúng tôi sẽ chẳng bao giờ viết, những cái gương bạc mẹ chúng tôi cho chúng tôi, người mà những lời dặn dò cuối cùng vẫn vang trong tai chúng tôi. Con sẽ thấy những người đàn bà thì yếu đuối, nhưng những bà mẹ thì mạnh mẽ.
Trên tàu, chúng tôi than phiền về mọi thứ. Rệp. Chấy. Mất ngủ. Tiếng dộng trầm đục liên tục của máy tàu, thứ len lỏi vào tận giấc mơ của chúng tôi. Chúng tôi than phiền vì mùi hôi của nhà xí – những cái lỗ khổng lồ, trống hoác mở vào lòng biển cả – và cái mùi càng lúc càng nặng của chúng tôi – mà dường như càng ngày càng nồng nặc. Chúng tôi than phiền vì tật dửng dưng của Kazuko, thói đằng hắng của Chiyo, tiếng Fusayo rì rầm không ngừng “Bài ca của người hái trà,” cái thứ dần dần làm chúng tôi phát điên. Chúng tôi than phiền về những chiếc kẹp tóc thất lạc – đứa nào là kẻ ăn trộm trong đám chúng tôi? – và làm cách nào mà bọn con gái đi vé hạng nhất e ấp dưới những chiếc dù lụa màu tím của chúng nó, không bao giờ mở miệng chào chúng tôi một câu trong bao nhiêu lần bọn chúng nó đi qua sàn tàu phía trên đầu chúng tôi. Chúng nó tưởng chúng nó ngon lắm chắc? Chúng tôi than phiền về cái nóng. Về cái lạnh. Về cái chăn len nhám nhúa. Chúng tôi than phiền về chính những lời than phiền của mình. Dù vậy, trong thâm tâm, hầu hết chúng tôi thực lòng sung sướng, bởi chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ ở Mỹ Châu với những người chồng mới của chúng tôi, những người đã viết cho chúng tôi nhiều lần trong những tháng qua. Anh đã mua một căn nhà thật đẹp. Em có thể trồng hoa Uất Kim Hương trong vườn. Hoa Thuỷ Tiên. Bất kỳ hoa gì em muốn. Anh làm chủ một nông trại. Anh điều hành một khách sạn. Anh là giám đốc một ngân hàng lớn. Anh rời Nhật Bản vài năm trước để mở dịch vụ thương mại riêng của anh và anh có thể cung phụng cho em đầy đủ. Anh cao một thước bảy mươi chín phân và không bị bệnh cùi hay bệnh phổi và trong gia đình anh không có ai bị bệnh tâm thần. Anh là cư dân vùng Okayama. Vùng Hyogo. Vùng Miyagi. Vùng Shizuoka. Anh lớn lên ở ngôi làng bên cạnh làng em và có lần anh thấy em trong buổi chợ phiên cách đây nhiều năm. Anh sẽ gửi tiền để em đi đường càng sớm càng tốt.
Trên tàu chúng tôi mang theo hình của chồng chúng tôi trong những khung ảnh hình bầu dục nhỏ xíu đeo trên những dây chuyền dài trên cổ chúng tôi. Chúng tôi mang chúng trong những cái ví lụa và những hộp thiếc đựng trà cũ kỹ và những hộp sơn mài đỏ và trong những bao thư dày màu nâu đã được gửi từ Mỹ về cho chúng tôi. Chúng tôi mang chúng trong tay áo kimono, nơi mà chúng tôi không ngớt sờ vào để biết chắc chúng vẫn còn đó. Chúng tôi mang chúng ép sát giữa những trang giấy của cuốn Come, Japanese! Và Guidance to America và Ten Ways to Please a Man và những tập kinh Phật cũ, sờn rách, và một đứa trong bọn tôi, theo đạo Thiên Chúa, ăn thịt, và cầu nguyện với một thần linh khác có mái tóc dài, thì kẹp những hình của nó giữa những trang cuốn Kinh Thánh King James. Và khi chúng tôi hỏi nó thích người đàn ông nào hơn – người trong tấm hình chụp hay Chúa Jesus – nó cười một cách bí hiểm và trả lời, ‘Dĩ nhiên là Ngài rồi.’
Trên tàu, vài đứa trong bọn tôi có những điều bí mật, mà chúng tôi thề suốt đời sẽ không bao giờ cho chồng mình biết. Có lẽ lý do thực sự của việc chúng tôi xuống tàu đi Mỹ là để tìm tông tích người bố đã biệt tích từ lâu, người đã bỏ gia đình mà đi nhiều năm trước. Ông ấy đến Wyoming để làm trong hầm mỏ và chúng tôi không được tin tức gì từ ông ấy nữa. Hoặc có thể chúng tôi bỏ lại sau lưng một đứa con gái nhỏ mà chúng tôi đã cưu mang bởi một gã đàn ông mà chúng tôi không thể nào nhớ mặt – một gã phiêu bồng có tài kể chuyện dạt qua ngôi làng một tuần lễ, hay một vị sư Phật giáo lang bạt ngừng lại để trọ nhà chúng tôi một đêm trước khi tiếp tục hành trình lên núi Phú Sĩ. Và mặc dù chúng tôi biết bố mẹ chúng tôi sẽ săn sóc con bé đến nơi đến chốn – nếu con ở lại làng này, bố mẹ cảnh cáo chúng tôi, con sẽ không bao giờ lấy chồng được đâu – chúng tôi vẫn mang mặc cảm tội lỗi vì đã chọn cuộc sống cho riêng mình thay vì của con, và trên tàu chúng tôi khóc thương con gái mình đêm này qua đêm khác và rồi một buổi sang chúng tôi thức dậy lau nước mắt và nói, “Vậy cũng đủ rồi,” và chúng tôi bắt đầu bận tâm đến những thứ khác. Sẽ mặc chiếc áo kimono nào khi cặp bến. Sẽ chải tóc thế nào. Sẽ nói gì với anh ấy khi gặp mặt lần đầu tiên. Bởi vì bây giờ chúng tôi đang ở trên tàu, quá khứ ở sau lưng, chẳng thể nào quay đầu lại được.
Trên tàu chúng tôi hoàn toàn không nghĩ là chúng tôi sẽ mơ thấy con gái mình cho tới ngày chúng tôi chết, và trong giấc mơ của chúng tôi, con bé mãi là đứa bé ba tuổi và trông hệt như lần cuối cùng chúng tôi nhìn thấy nó: thân hình bé bỏng trong chiếc kimono màu đỏ thẫm ngồi bệt cạnh vũng nước, mê mải nhìn con ong chết trôi nổi bập bềnh.
Trên tàu ngày nào chúng tôi cũng ăn cùng một thứ thức ăn và hàng ngày chúng tôi hít thở cùng một thứ không khí tù đọng. Chúng tôi hát cùng một bài ca và cười với cùng những chuyện khôi hài giống hệt nhau và buổi sáng, khi thời tiết dịu dàng, chúng tôi leo ra khỏi những khu chen chúc của hầm tàu và đi dạo trên boong trên những đôi guốc gỗ và những chiếc kimono mùa hạ mỏng, thỉnh thoảng dừng lại để nhìn đăm đăm vào biển xanh vô tận. Đôi khi một con cá bay đáp xuống cạnh chân chúng tôi, giẫy giụa hụt hơi, và một đứa trong bọn tôi – thường thường đó là con gái những ngư phủ – cúi xuống nhặt con cá lên, quăng trả lại biển khơi. Hay một bầy cá heo bất ngờ xuất hiện và lướt xuôi theo con tàu hàng giờ. Một buổi sáng tĩnh lặng, không gió, khi mặt biển phẳng lì như một tấm gương và bầu trời xanh một màu rực rỡ, cái lưng đen bóng của một chú cá voi nhô khỏi mặt nước rồi biến đi và trong một khoảnh khắc, chúng tôi quên thở. Như thể đang nhìn vào con mắt Đức Phật.
Trên tàu chúng tôi thường đứng trên boong hàng giờ nghe gió luồn trong tóc, nhìn những hành khách qua lại. Chúng tôi thấy những người Sikhs quấn khăn trên đầu đến từ Punjab, từ bỏ xứ sở họ để đến Panama. Chúng tôi thấy những người Nga da trắng giàu có chạy trốn cuộc cách mạng. Chúng tôi thấy những người thợ Trung Hoa từ Hong Kong, những người sẽ làm việc trong những cánh đồng bông gòn ở Peru. Chúng tôi thấy King Lee Uwanowich và đám gypsy nổi tiếng của ông ta, người làm chủ một trang trại gia súc rộng lớn ở Mexico và được thiên hạ đồn là nhóm gypsy giầu có nhất thế giới. Chúng tôi thấy một bộ ba du khách người Đức rám nắng và một linh mục Tây Ban Nha bảnh trai và một ông người Anh hung đỏ tên là Charles, người có mặt tại bao lơn mỗi buổi chiều vào lúc ba giờ mười lăm và đi bộ mấy vòng trên boong tàu. Charles đi vé hạng nhất, có mắt màu xanh thẫm và cái mũi nhọn và sắc, nói tiếng Nhật hoàn hảo, và là người da trắng đầu tiên mà nhiều đứa trong chúng tôi gặp được. Ông ta là giáo sư ngoại ngữ tại đại học Osaka, có vợ Nhật, có một con, và đã tới Mỹ nhiều lần, và đã vô cùng kiên nhẫn trả lời những câu hỏi của chúng tôi. Có đúng là cơ thể người Mỹ nặng mùi thú vật không? (Charles cười và nói, “Vậy thì tôi có mùi không?” và để chúng tôi ghé sát lại ngửi thử.) Và bọn họ lông lá rậm như thế nào? (“Lông lá cũng như tôi vậy,” Charles trả lời, và xắn tay áo lên chỉ cho chúng tôi xem cánh tay của ông ta, phủ lớp lông màu nâu đen khiến chúng tôi rùng mình.) Và có đúng họ có lông trên ngực không? (Charles đỏ mặt bảo ông ta không thể cho chúng tôi xem ngực ông được, và chúng tôi đỏ mặt giải thích là chúng tôi cũng không đòi xem.) Và có còn những bộ lạc Da Đỏ man dã thong dong khắp thảo nguyên không? (Charles bảo chúng tôi rằng những người Da Đỏ đã bị đem đi hết rồi, và chúng tôi thở phào yên tâm.) Và có đúng là đàn bà
ở Mỹ không cần phải quỳ gối trước mặt chồng hoặc che miệng khi cười không? (Charles nhìn đăm đăm một con tàu đi qua phía chân trời và thở dài nói, “Đáng buồn là đúng như thế.”) Và có đúng là đàn ông và đàn bà có thể kề má nhau khiêu vũ suốt đêm không? (Chỉ vào thứ Bảy thôi, Charles giải thích.) Và có phải những bước khiêu vũ rất khó khăn không? (Charles nói chúng dễ dàng, và tối hôm sau, dưới ánh trăng, trên boong tàu, chỉ cho chúng tôi điệu fox-trot. Chậm, chậm, mau, mau.) Và có phải trung tâm San Francisco lớn hơn Ginza? (Ồ, dĩ nhiên rồi.) Và có phải nhà bên Mỹ lớn gấp ba lần nhà bên mình không? (mà đúng ra là vậy). Và có phải mỗi nhà đều có một cái đàn dương cầm ở tiền sảnh? (Charles bảo thật ra thì cứ hai nhà thì mới một có dương cầm). Và ông ta có nghĩ là ở đó chúng tôi sẽ được sung sướng không? (Charles gỡ mắt kính ra, nhìn xuống chúng tôi bằng con mắt xanh thật đáng yêu và nói, “Ồ có chứ, sẽ rất là sung sướng.”)
Vài đứa trong chúng tôi không thể cưỡng lại việc kết thân với những anh chàng lau chùi boong tàu, người làng của chúng tôi, và thuộc toàn bộ lời những bài hát của chúng tôi, và không ngừng muốn hỏi cưới chúng tôi. Tụi em có chồng rồi, chúng tôi giải thích với họ như thế, nhưng dù vậy vài đứa trong bọn tôi cũng phải lòng bọn họ. Và khi họ hỏi họ có thể gặp riêng chúng tôi không – nội trong đêm ấy, giả như, trong khoang hành lý, lúc mười giờ mười lăm – chúng tôi cúi đầu nhìn chăm chăm bàn chân mình một lát rồi hít một hơi dài và nói, “Được,” và đó là một điều khác nữa mà chúng tôi sẽ không bao giờ kể cho chồng mình nghe. Tại cái cách anh ấy nhìn mình, về sau, chúng tôi sẽ tự nhủ lòng như thế. Hoặc, Anh ấy có nụ cười dễ thương.
Trên tàu, một đứa trong bọn chúng tôi có thai nhưng không biết, và chín tháng sau khi đứa bé ra đời điều đầu tiên cô ta nhận ra là đứa bé giống người chồng mới cưới của cô ta biết chừng nào. Thằng bé có cặp mắt giống anh quá. Một đứa trong bọn tôi nhảy xuống biển sau khi qua đêm với một người thủy thủ và để lại mảnh giấy nhỏ trên gối nằm: Ngoài anh ấy ra, sẽ chẳng còn ai khác. Một đứa khác trong bọn chúng tôi phải lòng một nhà truyền giáo thuộc hệ phái Methodist hồi hương mà nó gặp trên boong tàu, và mặc dù ông ta năn nỉ nó bỏ chồng về với ông ta khi qua tới Mỹ nó bảo ông ta là nó không thể làm vậy. “Tôi phải chấp nhận số phận của mình,” nó nói với ông ta. Nhưng suốt đời nó cứ cố mường tượng đời nó sẽ như thế nào nếu như nó làm theo lời ông ta.
Trên tàu, vài đứa trong bọn tôi tự bản chất là đứa suy tư, và thích ở một mình, và dành phần lớn thời gian của chuyến hải hành nằm
úp mặt trên giường, nghĩ tới tất cả những người đàn ông mình đã bỏ lại sau lưng. Con trai người bán trái cây, luôn giả vờ không thấy chúng tôi nhưng thường cho chúng tôi thêm một quả quýt mỗi khi mẹ anh ta không trông coi cửa tiệm. Hay người đàn ông đã có gia đình mà có lần chúng tôi đã đợi, trên cầu, trong mưa, giữa khuya, cả hai tiếng đồng hồ. Và để làm gì nhỉ? Một chiếc hôn và một lời hứa. “Ngày mai anh sẽ lại tới,” anh ta nói. Và cho dù chúng tôi không bao giờ gặp lại anh ta, trong khoảnh nhắc chúng tôi biết mình sẽ lại làm như thế, bởi vì ở bên anh cũng như được sống lần đầu tiên, chỉ khác là phần đời ấy tốt đẹp hơn. Và rất thường, khi sắp chìm vào giấc ngủ, chúng tôi thấy mình nghĩ tới thằng con trai nhà quê mà mỗi ngày trên đường từ trường về nhà chúng tôi thường chuyện trò – thằng con trai xinh đẹp ở làng bên kẻ mà những bàn tay có thể rù quyến ngay cả những hạt giống bướng bỉnh nhất mọc ra từ đất – và cái cách mà mẹ chúng tôi, người biết tất cả mọi chuyện, và thường có thể đọc được ý nghĩ của chúng tôi, đã nhìn chúng tôi như thể tôi đang điên loạn. Con có muốn lom khom chôn vùi cuộc đời trên một thửa ruộng không? (Chúng tôi đã ngập ngừng và thiếu chút nữa là đã trả lời có, bởi chẳng phải lúc nào chúng tôi cũng mơ sẽ được trở nên giống mẹ mình đó sao? Đó không phải là tất cả những gì mà chúng tôi có lần đã mơ ước trở thành hay sao?)
Trên tàu mỗi đứa chúng tôi phải chọn lựa đủ thứ. Nên ngủ chỗ nào và nên tin tưởng ai nên kết bạn với ai và sẽ tìm cách nào để kết bạn với người ấy. Có nên nói gì với người năm bên cạnh có tật ngáy, hoặc nói trong lúc ngủ, hoặc với người nằm kế bên có chân thối hơn cả chân của chúng tôi, và người mà quần áo dơ quăng bừa bãi trên sàn. Và nếu ai đó hỏi chúng tôi là cô ta trông có đẹp không khi cô ta đội cái mũ theo kiểu nào đó – kiểu “mái chìa” chẳng hạn, thứ thời trang có vẻ như đang làm náo loạn trên tàu – và nhìn cô ta không đẹp, nó làm cái đầu cô ta lớn quá, chúng tôi có nên nói sự thật với cô ta không, hay là cứ nói cô ta đẹp hơn bao giờ hết? Và than phiền về người đầu bếp có được không? Cái người đến từ Trung quốc và chỉ biết nấu một món – cơm cà ri – mà anh ta phục vụ chúng tôi hết ngày này qua ngày khác? Nhưng nếu chúng tôi than phiền gì đó và anh ta bị trả về Trung quốc, nơi mà đôi khi bao nhiêu ngày không có hạt cơm vào bụng, thì như vậy có phải lỗi tại chúng tôi không? Và thực ra có ai nghe chúng tôi than phiền hay không đã? Có ai quan tâm không?
Có một ông thuyền trưởng ở nơi nào đó trên tàu, người mà nghe nói mỗi sớm mai thường có một cô gái đẹp từ cửa phòng ông ta bước ra. Và dĩ nhiên cả bọn chúng tôi đều khao khát muốn biết: Phải cô ta là một đứa trong bọn chúng tôi, hay là một cô gái trong đám vé tàu hạng nhất?
Trên tàu, đôi khi chúng tôi lặng lẽ bò vào giường của nhau lúc nửa khuya và nằm yên bên cạnh nhau, kể lể đủ thứ chuyện mà chúng tôi nhớ được bên nhà: mùi khoai lang nướng buổi chớm thu, buổi đi chơi ngoài trời dưới lũy tre, chơi trò hồn ma bong quế trong sân ngôi đền đổ nát, cái ngày mà cha chúng tôi lấy sô ra giếng múc nước và không trở về, và cái cách mà mẹ chúng tôi không bao giờ nhắc đến ông nữa sau ngày hôm ấy. Cứ như thể ông chưa bao giờ hiện hữu. Tôi nhìn chăm chú xuống lòng giếng năm này qua năm khác. Chúng tôi chuyện trò về thứ kem thoa mặt mình ưa chuộng, cái lợi ích của thứ bột màu xám chì, lần đầu tiên nhìn thấy hình của chồng mình, nó như thế nào. Nhìn anh ấy giống một người có nhiệt tình, thành ra tôi tin là anh ấy sẽ xứng với tôi. Đôi lúc chúng tôi thấy mình nói những điều mà mình chưa bao giờ nói với ai, và mỗi khi buột miệng nói ra, chúng tôi không thể nào ngừng được nữa, và đôi lúc chúng tôi lặng thinh và nằm cuộn trong vòng tay nhau tới sáng, khi một trong hai đứa chuồi ra khỏi đứa kia và hỏi, “Nhưng rồi liệu có được lâu không?” Và đó lại là một chọn lựa khác mà chúng tôi phải chấp nhận. Nếu chúng tôi nói được, nó sẽ tồn tại, và trở lại với cô ta – nếu không là đêm hôm đó, hay đêm sau đó nữa – thì rồi chúng tôi bảo nhau rằng bất kỳ những gì chúng tôi làm sẽ trở thành lãng quên ngay giây phút chúng tôi rời tàu. Và đó dù sao cũng là một việc làm thực tiễn có lợi cho chồng chúng tôi đấy thôi.
Vài đứa trong bọn chúng tôi không bao giờ quen được với việc chung đụng với một người đàn ông, và nếu như có cách nào đi Mỹ mà không phải lấy chồng, chúng tôi đã tìm cho ra bằng được.
Trên tàu chúng tôi không thể nào biết rằng lần đầu tiên trông thấy chồng mình chúng tôi sẽ chẳng biết bọn họ là ai. Rằng cái đám đàn ông đội mũ len khoác áo đen xập xệ đang chờ chúng tôi trên bến chẳng giống những chàng thanh niên đẹp trai trong hình một chút nào. Rằng những tấm họ hình gửi cho chúng tôi đã cũ tới hai mươi năm rồi. Rằng những lá thư gửi đến chúng tôi đã được viết bởi những người khác chứ không bởi chồng chúng tôi, những người viết thuê chuyên nghiệp, viết chữ đẹp mà công việc của họ là nói dối để chinh phục con tim. Rằng khi nghe gọi tên mình một đứa trong bọn chúng tôi đã che mắt quay mặt đi – Cho tôi về nhà – nhưng những đứa khác đã cúi đầu, vuốt cho thẳng vạt chiếc kimono và bước xuống cầu tàu, đi vào khung ngày ấm áp, yên tịnh. Nước Mỹ đây rồi, chúng tôi tự nhủ, chẳng có gì phải lo lắng. Và chúng tôi đã sai lầm.
ĐÊM THỨ NHẤT
Đêm hôm ấy chồng chúng tôi chiếm đoạt chúng tôi một cách nhanh chóng. Họ chiếm đoạt chúng tôi một cách từ tốn. Họ chiếm đoạt chúng tôi một cách dịu dàng, nhưng vững chãi, không nói năng một lời. Họ yên tâm chúng tôi là những trinh nữ đám người mai mối đã hứa hẹn với họ nên họ chiếm đoạt chúng tôi với sự thận trọng đầy tế nhị. Này, nếu đau nói cho tôi biết nhé. Họ chiếm đoạt chúng tôi nằm ngửa thẳng băng trên sàn nhà trơ trọi của khách sạn Minute rẻ tiền. Họ chiếm đoạt chúng tôi ở trung tâm thành phố, trong những căn phòng hạng nhì của quán trọ Kumamoto. Họ chiếm đoạt chúng tôi trong những khách sạn hạng nhất ở San Francisco, nơi – thời đó – một người đàn ông da vàng có thể đặt chân vào. Khách sạn Kinokuniya. Mikado. Khách sạn Ogawa. Họ chiếm đoạt chúng tôi vô tội vạ và giả định là chúng tôi có thể làm được cho họ những chuyện mà chúng tôi đã được chỉ bảo trước. Làm ơn quay mặt vào tường và quỳ, chống hai tay xuống đất. Họ chiếm đoạt bằng cách nắm lấy khuỷu tay chúng tôi và nói nhỏ nhẹ, “Tới lúc rồi.” Họ chiếm đoạt chúng tôi ngay khi chúng tôi chưa sẵn sàng bởi ba ngày nữa mới hết kinh. Họ chiếm đoạt chúng tôi với áo kimono xoắn ngược trên đầu chúng tôi và chúng tôi đã tưởng mình sắp chết. Tôi tưởng mình đang bị bóp cho ngẹt thở. Họ chiếm đoạt chúng tôi một cách thèm khát, ham hố, như thể từ một ngàn lẻ một năm nay họ đã chờ chỉ để chiếm đoạt chúng tôi. Họ chiếm đoạt chúng tôi cho dù chúng tôi còn buồn nôn vì chuyến hải hành và mặt đất chưa ngừng bập bềnh dưới chân chúng tôi. Họ chiếm đoạt chúng tôi một cách bạo tàn, bằng những nắm đấm, mỗi khi chúng tôi tìm cách kháng cự. Họ chiếm đoạt chúng tôi cho dù chúng tôi cắn họ. Họ chiếm đoạt chúng tôi cho dù chúng tôi đánh họ. Họ chiếm đoạt chúng tôi cho dù chúng tôi nhục mạ họ – Ông còn tệ hơn ngón tay út của mẹ ông – và hét lên cầu cứu (chẳng ai đến cứu). Họ chiếm đoạt chúng tôi ngay cả khi chúng tôi quỳ dưới chân họ đập đầu xuống đất van xin họ hoãn lại. Để ngày mai làm có được không ạ? Họ chiếm đoạt chúng tôi bất ngờ, bởi vài đứa trong chúng tôi đã không được mẹ chỉ dẫn chính xác những gì phải xảy ra đêm hôm đó. Em mới mười ba tuổi và em chưa bao giờ nhìn vào mắt người đàn ông nào. Họ chiếm đoạt chúng tôi, miệng lẩm bẩm xin lỗi vì những bàn tay thô nhám, chai sạn, và chúng tôi hiểu ngay ra rằng họ là những nông dân và không phải chủ ngân hàng. Họ chiếm đoạt chúng tôi một cách thảnh thơi, từ phía sau, trong lúc chúng tôi nghiêng người qua cửa sổ, ngắm nghía ánh đèn đô thị bên dưới. “Cô đã sung sướng chưa nào?” họ hỏi chúng tôi. Họ trói chúng tôi và chiếm đoạt chúng tôi lúc mặt chúng tôi áp xuống thảm nặng mùi hôi mốc và cứt chuột. Họ chiếm đoạt chúng tôi một cách điên cuồng, trên những tấm khăn trải giường vàng ố. Họ chiếm đoạt chúng tôi một cách dễ dàng, và rất ít những phiền phức, bởi vài đứa trong chúng tôi đã bị chiếm đoạt nhiều lần trước đây. Họ chiếm đoạt chúng tôi trong cơn say. Họ chiếm đoạt chúng tôi một cách thô lỗ, bất cẩn, và không một chút quan tâm nào đến sự đau đớn của chúng tôi. Tôi tưởng tử cung tôi sắp vỡ tung. Họ chiếm đoạt chúng tôi cho dù chúng tôi kẹp hai đùi vào nhau và nói, “Đừng, anh.” Họ chiếm đoạt chúng tôi một cách thận trọng, như thể họ sợ chúng tôi sẽ vỡ tan. Em nhỏ xíu à. Họ chiếm đoạt chúng tôi một cách lạnh lùng nhưng đầy hiểu biết – trong hai mươi giây đồng hồ thôi, em sẽ hoàn toàn buông xuôi – và chúng tôi biết rằng trước chúng tôi, đã có rất nhiều những người đàn bà khác. Họ chiếm đoạt chúng tôi lúc chúng tôi dửng dưng nhìn đăm đăm lên trần nhà chờ cho chóng xong, mà không biết rằng chuyện ấy sẽ không thể xong trong bao nhiêu năm trời.
Họ chiếm đoạt chúng tôi với sự trợ giúp của người chủ quán và vợ ông ta, những kẻ đè chúng tôi xuống sàn nhà để chúng tôi khỏi chạy trốn. Anh ấy làm xong rồi thì sẽ không có người đàn ông nào thèm cô nữa. Họ chiếm đoạt chúng tôi cái kiểu bố chúng tôi đã chiếm đoạt mẹ chúng tôi hàng đêm trong căn lều một phòng bên nhà trong làng: bất ngờ và không có gì báo trước, khi chúng tôi đang mơ màng chìm vào giấc ngủ. Họ chiếm đoạt chúng tôi dưới ánh đèn. Họ chiếm đoạt chúng tôi dưới ánh trăng. Họ chiếm đoạt chúng tôi trong bóng đêm, và chúng tôi không thể trông thấy gì. Họ chiếm đoạt chúng tôi trong sáu giây đồng hồ rồi ngã gục trên vai chúng tôi với tiếng thở hắt ra ngằn ngặt, và chúng tôi thầm nghĩ, Chỉ có vậy thôi sao? Họ chiếm đoạt chúng tôi trường kỳ và chúng tôi biết mình sẽ đau rát nhiều tuần lễ. Họ chiếm đoạt chúng tôi lúc chúng tôi quỳ, khi chúng tôi bám vào cột màn khóc lóc. Họ chiếm đoạt chúng tôi trong lúc mắt họ xoáy một cách hung bạo vào một điểm bí hiểm nào đó trên vách tường mà chỉ họ mới có thể trông thấy. Họ chiếm đoạt chúng tôi trong khi miệng không ngừng thì thầm “Cám ơn” bằng thổ âm Tohoku quen thuộc ngay lập tức làm chúng tôi thấy dễ chịu. Anh ấy nói giống hệt bố tôi. Họ chiếm đoạt chúng tôi khi hét vang những thổ âm Hiroshima nhám nhúa mà chúng tôi chẳng hiểu gì và chúng tôi biết mình sẽ chôn vùi phần đời còn lại của mình với một ngư phủ. Họ chiếm đoạt chúng tôi thẳng đứng, trước tấm gương soi, và bắt chúng tôi nhìn thẳng vào hình ảnh mình trong gương suốt thời gian. “Rồi cô sẽ thích,” họ nói với chúng tôi. Họ chiếm đoạt chúng tôi một cách lịch sự, cầm cổ tay chúng tôi, dặn dò đừng hét. Họ chiếm đoạt chúng tôi một cách ngượng ngùng, và một cách khó khăn, trong lúc họ cố hình dung phải làm như thế nào. “Xin lỗi,” họ nói. Và, “Phải em đây không?” Họ nói, “Giúp tôi tí nhé,” và chúng tôi giúp họ. Họ chiếm đoạt chúng tôi với tiếng gầm gừ. Họ chiếm đoạt chúng tôi với tiếng rên rỉ. Họ chiếm đoạt chúng tôi với tiếng hét và tiếng rên dài thườn thượt. Họ chiếm đoạt chúng tôi trong lúc nghĩ tới những người đàn bà khác – chúng tôi có thể biết qua cái nhìn xa vắng trong mắt họ – và rồi sau đó nguyền rủa chúng tôi khi không tìm thấy vết máu trên khăn trải giường. Họ chiếm đoạt chúng tôi một cách vụng về, và chúng tôi đã không cho họ đụng tới chúng tôi suốt ba năm sau đó. Họ chiếm đoạt chúng tôi bằng sự khéo léo chúng tôi chưa bao giờ trải nghiệm qua những lần bị chiếm đoạt trước đây và chúng tôi hiểu rằng mình sẽ mãi mãi thèm muốn họ. Họ chiếm đoạt chúng tôi khi chúng tôi rú lên vì khoái lạc và vội vã che miệng xấu hổ. Họ chiếm đoạt chúng tôi một cách nhanh chóng, lập đi lập lại, suốt cả đêm, và vào buổi sáng chúng tôi đã là của họ.
.