Dragan Todorović (Tiếng Serbian là Драган Тодоровић); sinh năm 1958 ở Kragujevac, Serbia, Liên Bang Nam Tư) là nhà văn, nhà báo xuất sắc của Nam Tư. Đầu thập niên 90, ông di dân qua Canada và tiếp tục công việc sáng tác. Todorović hiện sống ở Anh Quốc.
Cái Chết Của Tito là một chương trong The Book of Revenge. Cuốn hồi ký đầy màu sắc về một thời kỳ xáo trộn ở một quốc gia không còn hiện hữu. Random House Canada xuất bản năm 2006. Nhân dịp nhân dân Tiệp Khắc và Bắc Hàn bày tỏ nỗi đau của họ khi lãnh tụ của họ ra đi, mời bạn đọc Da Màu đi ngược thời gian ghé Nam Tư khi Thống Chế Josip Broz Tito (1892-1980) người lãnh đạo Liên Bang Nam Tư từ sau thế chiến II tới 1980 qua đời.
Chúng tôi đang thưởng thức cái bánh mẹ tôi nướng mừng năm mới, vẫn nhai nhồm nhoàm phần cuối cùng của miếng thịt heo sữa mà bố tôi nướng trên bếp lửa, thì tin dữ ập về. Tito bị bệnh. Không thể nào ngờ được: sau bao nhiêu năm tháng nhìn thấy ông trên truyền hình hút xì gà, uống whiskey, và du lịch khắp nơi trên thế giới, hình ảnh của Tito chính là hình ảnh của đời sống. Nhiều người trong chúng tôi còn tin là các bác sĩ đã tìm ra phương thuốc trường sinh để ông ta sống mãi, họ chỉ chưa cho chúng tôi biết đấy thôi, bời vì không thể thông báo cho tất cả mọi người, chỉ nói cho những người xuất chúng và thông minh nhất trong chúng tôi thôi. Và bây giờ, khi bước vào thập niên 80, lòng đang tràn trề hy vọng, thì chúng tôi bị đánh ngay vào đỉnh đầu với biến chuyển bất ngờ này. Chúng tôi còn no căng rượu, thịt heo, cholesterol, đường và thuốc lá để có thể đối phó với chuyện này một cách sáng suốt. Mẹ tôi bật khóc ngay sau khi người xướng ngôn viên có vẻ mặt u uẩn đọc bản tin trên đài truyền hình quốc gia.
“Dule,” bà nói với bố tôi, “Ông ấy không thể chết được. Mình sẽ tiêu tùng nếu không có ông ấy.”
“Đừng lo, cưng.” Bố nói, bằng giọng ngọt ngào chưa từng thấy, “Ông cụ sẽ bình phục mà.”
Nhưng chúng tôi ngồi đờ đẫn, bất động một lúc lâu, cho đến khi điện thoại reo.
Ba hôm sau, Tito xuất viện, và chúng tôi thở phào yên tâm. Những nụ cười trở về trên khuôn mặt chúng tôi.
“Việc gì mẹ phải lo lắng quá như thế?”
“Sao mày lại có thể hỏi cái câu ấy hở con? Mày không hiểu là nếu Tito chết tất cả kẻ thù sẽ vồ lấy chúng ta, như những con kên kên, để dành lấy những phần đất mà chúng nó luôn mơ ước? Bọn Italy sẽ lấy Istria, Bọn Austria sẽ lấy Slovenia và Croatia, Hungary sẽ lấy Vojvodina, bọn Albania sẽ vào Kosovo…”
“Nhưng mình vẫn còn quân đội mà.”
“Không có Tito sẽ chẳng ai làm nên trò trống gì, cứ nhớ lấy lời tao nói, con ạ. Cám ơn Trời, xin ban cho người cuộc sống vĩnh cửu.”
Niềm vui của chúng tôi chỉ kéo dài được một tuần. Điều khủng hoảng lớn lao hơn nữa ập đến. Tito nhập viện ở Ljubljana, Slovenia, và trải qua cuộc giải phẫu tĩnh mạch bàn chân trái. Bây giờ mới là nguy hiểm đây. Các bác sĩ đã nhanh chóng thông báo ông có nhiều cơ hội phục hồi hoàn toàn và bảo đảm với chúng tôi là họ đã làm tất cả những gì có thể làm được. Họ nói mỗi ngày họ đều tham khảo các bác sĩ giải phẫu hàng đầu ở Mỹ và Liên Bang Sô Viết và họ nghĩ dự hậu sẽ tốt đẹp.
Trong khoảng một tuần không có tin tức gì về tình trạng sức khỏe của Tito, cho tới một buổi tối người ta cắt ngang chương trình truyền hình để thông báo là chân trái của ông đã bị bị cắt bỏ vì tổn thương động mạch trầm trọng.
Lập tức âm nhạc trên truyền thanh và truyền hình thay đổi. Không còn bất kỳ bài ca có lời nào, chỉ có nhạc cụ, không quá u buồn cũng không quá sống động. Loại nhạc ấy chỉ được trình bày mỗi khi tai ương xảy ra, hoặc trong những ngày có quốc tang. Nụ cười biến mất trên khuôn mặt của chúng tôi.
Tito không chỉ là Chủ Tịch, không chỉ là người bảo vệ mà còn là biểu tượng của chúng tôi. Ông có vẻ phong nhã của một tài tử Hollywood kiểu cổ, giọng nói khác lạ vây quanh và phủ kín lấy ông. Chỉ nội một đêm, thần tượng của chúng tôi đã mất một chân. Sự tổn thất không thể nào hàn gắn, ngã rẽ không thể quay lui. Mặc dù qua nhiều thập niên Tito có nhiều nhân vật tháp tùng quanh ông, chúng tôi thuộc lòng tên và nét mặt họ, nhưng không một ai có thể tạm coi như đủ quyền lực để lãnh đạo chúng tôi. Sự cương quyết của Tito về việc lãnh đạo tập thể trong những năm cuối đời làm nhạt dần những quyền lực cuối cùng còn sót lại được nắm giữ bởi vài chính trị gia vây quanh ông.
Chúng tôi cố tìm ra việc làm để khỏi quá rảnh rỗi, nhưng không thể nào không ngồi trước màn hình TV trắng đen để nghe bản tin trung ương buổi tối, thường bắt đầu bằng một thông báo ngắn và mù mờ từ bệnh viện Slovenia. Thường thường bản tin kết thúc bằng câu: “Tập thể bác sĩ của Tito đã thông báo là tình trạng sức khỏe chủ tịch của chúng ta vẫn còn trầm trọng tuy đã ổn định.”
Mẹ tôi sẽ thở dài sau thông báo ấy, Và rồi cả ba chúng tôi sẽ ngừng xem tin tức, qua nhà bếp pha cà phê và ngồi cạnh nhau. Thời gian trôi qua, chúng tôi chìm đắm vào những phỏng đoán về sự việc kẻ nào sẽ tấn công chúng tôi và bằng cách nào và ai sẽ tới tiếp cứu chúng tôi, nếu như Tito qua đời. Những cuộc chuyện trò ấy luôn kết thúc bằng những câu tự trấn an, “Lo xa vậy thôi chứ Tito sẽ bình phục mà.”
Tháng Hai trôi qua như thế, rồi tháng Ba và nửa đầu tháng Tư. Tôi bắt đầu nhận ra rằng mình thích những bài nhạc phát thanh trên radio. Bởi vì việc Tito nằm viện kéo dài, người ta giảm bớt ít nhiều sự hạn chế, và bây giờ họ mở trọn vẹn những vở nhạc kịch, tất cả danh mục nhạc cổ điển, rồi bộ sưu tập toàn bộ những ca đoàn chính trên thế giới. Họ bới Miles Davis lên cùng với tất cả những bản nhạc jazz ngọt ngào mà họ có thể tìm thấy. Họ dành chỗ cho những bản nhạc blues chơi bằng nhạc cụ cùng với nhạc buồn u uất của Nga. Satie đánh thức chúng tôi vào buổi sáng, Beethoven và Bach ru ngủ những ai còn ngủ được, Coltrane bầu bạn với chúng tôi suốt đêm, Dexter Gordon vào buổi chiều… Đó là thứ thực đơn âm nhạc tuyệt vời nhất người ta có thể thưởng thức lúc bấy giờ.
Nhưng đúng khi tôi tìm ra được góc cạnh tươi sáng của tình thế và thưởng thức sự gần gũi với bố mẹ thì tin tức bỗng trở nên tồi tệ. Ngày 21 tháng tư: “Tình trạng sức khỏe tổng quát của Tito trở nên nghiêm trọng: chứng xuất huyết không ngừng, tổn thương gan trầm trọng kết hợp với sưng phổi, sốt cao và yếu tim, cùng với chức năng thận chưa phục hồi.”
Một tuần sau, Tito chìm vào hôn mê.
Buổi chiều ngày 4 tháng 5, tất cả mọi chương trình ở Nam Tư bị gián đoạn và màn hình TV chuyển qua hàng chữ thông báo là sắp có tin quan trọng. Buổi chiều hôm ấy tôi đang ở đâu đó dưới phố, và tôi vội vã về nhà với bố mẹ. Chúng tôi ngồi thờ ra đó, trước màn ảnh xám của máy truyền hình, không ai nói với ai một lời.
“Chủ tịch Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Nam Tư, chủ tịch Hiệp Hội Những Người Cộng Sản Nam Tư và tư lệnh tối cao các lực lượng võ trang Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Nam Tư, Thống Chế Josip Broz Tito, đã từ trần lúc 3 giờ 5 phút chiều hôm nay. Lễ tưởng niệm trung ương sẽ cử hành tại…”
Chúng tôi không còn nghe thêm được gì nữa. Cả ba chúng tôi bật khóc, những đứa con mồ côi cha, vô vọng, không ai che chở, trong hai phút đồng hồ cả ba chúng tôi – cùng hai mươi triệu người Nam Tư – biến thành những đứa trẻ năm tuổi – đủ tri giác để hiểu rằng chúng tôi phải sống – bị dày vò tới mức chúng tôi không hiểu vì sao nữa.
Thi hài của Tito được chở bằng xe lửa từ Ljubljana về Belgrade, chuyến hành hương chậm rãi sau cùng. Hàng trăm ngàn người đứng hai bên đường rầy xe lửa, suốt tuyến đường dài ba trăm dặm, để nói lời từ biệt với vị Cha Già Dân Tộc. Các nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới đổ về Belgrade, đánh thức niềm tự hào mênh mông trong lòng chúng tôi. Tất cả báo chí trên lãnh thổ Nam Tư dành số báo đặc biệt cho những cảm hứng về Tito. Tôi tình nguyện chủ biên số báo đặc biệt ấy trên tờ Tuổi Trẻ, và viết một bài từ biệt khiến cha tôi phải cắn răng trong một nỗ lực hào hùng để ngăn dòng nước mắt.
Và rồi, chậm rãi, thật chậm rãi, sau một tuần lễ tang chế, mọi sự đã hoàn tất, những vị khách nổi tiếng ra về, mọi người trở lại với công việc, những bó hoa héo rũ, và chẳng có ai tấn công chúng tôi, cũng chẳng ai tới cứu chúng tôi, vài bài báo in ra, vài phim tài liệu u buồn được thực hiện, mọi chuyện qua đi.
Nam Tư chỉ còn lại một mình.
Một tản văn xuất sắc đến nỗi tôi phải vội vàng
đi đặt mua một cuốn The Book Of Revenge ::))
Cám ơn anh Hoàng Chính.
Nguyễn Đức Tùng
Cũng đâu đến nỗi nào. Nam Tư không phải Bắc Triều Tiên.