Trang chính » Dịch Thuật, Sáng Tác, Sang Việt ngữ, Truyện ngắn Email bài này

Gregory

♦ Chuyển ngữ: 0 bình luận ♦ 12.12.2011
cyp_Panos_Ioannides_sm_thumb.jpg

 

cyp_Panos_Ioannides_sm

Panos Ioannides sinh năm 1935 tại đảo Cyprus. Học tại Cyprus, Canada và Hoa Kỳ. Viết bằng tiếng Hy Lạp (truyện, thơ, kịch và phim tài liệu cho đài truyền hình.) Truyện ngắn Gregory lấy bối cảnh từ cuộc chiến tranh giành độc lập của đảo quốc Cyprus chống lại sự thống trị của Anh quốc những năm 50.

 

 

~~~~~

 

 

Bàn tay đẫm mồ hôi lúc tôi cầm khẩu súng lục. Vòng cong của cò súng cắn vào ngón tay tôi.

Đứng quay mặt về phía tôi, Gregory run rẩy.

Toàn thân hắn van nài tôi, “Đừng!”

Riêng miệng hắn là không phát ra âm thanh nào. Môi hắn mím chặt. Nếu là tôi, tôi đã gào thét, la hét, chửi rủa.

Đám lính đứng nhìn….

Ngày hôm trước, trong phiên họp vắn tắt, mỗi người trong bọn đều phát biểu ý kiến của mình: “Chỉ tại xui xẻo, nhưng vẫn phải làm. Mình không có chọn lựa nào khác.”

Lệnh từ Bộ Tư Lệnh đã rõ ràng: “Ngay sau khi lệnh xử bắn Trung Úy Rafel được công bố, đem bắn con tin Gregory và treo xác hắn lên cột dây thép ở đường phố chính như hình phạt làm gương.”

Trong cuộc chiến tranh này, đây không phải lần đầu tôi phải xử bắn một con tin. Tôi đã dạn dày kinh nghiệm trong công tác tế nhị ấy, nhờ sự tin cậy của Bộ Tư lệnh. Vụ Gregory chính xác là vụ thứ sáu.

Lần đầu tôi nôn mửa, tôi vẫn còn nhớ. Lần thứ nhì tôi phát ốm và bị nhức đầu mất mấy ngày. Lần thứ ba tôi uống một chai rượu rum. Lần thứ tư, chỉ cần hai ly bia. Lần thứ năm, tôi nói đùa về chuyện ấy: “Cái thằng nhỏ con, mắt lồi này, làm ma thế quái nào được!”

Nhưng, mẹ kiếp, khi cái ngày ấy tới, tại sao tôi lại bắt đầu nghĩ rằng, coi vậy chứ tôi cũng chẳng cứng cỏi gì? Ý tưởng đã đến không đúng lúc và làm hư hết kế hoạch công tác của tôi.

Bạn thấy đó, cái thằng Gregory này chỉ là một sinh vật nhỏ bé tội nghiệp, một vật bé bỏng như thế, một kẻ vô danh như thế, mẹ nó.

Sáng hôm ấy, dù hắn nghe trên loa phóng thanh rằng Rafel đã bị xử tử, hắn vẫn tin là chúng tôi sẽ tha mạng cho hắn bởi vì hắn và bọn tôi đã ăn chung với nhau lâu lắm rồi.

“Những kẻ đã ăn chung từ một gà-mên, uống chung từ một bi-đông,” hắn nói, “sẽ là bạn tốt của nhau hoài, dù gì đi nữa.”

Và còn bao nhiêu chuyện vô nghĩa như thế.

Hắn là một thằng ngốc ngu si – chúng tôi đã đánh hơi được điều ấy ngay từ buổi đầu Bộ Tư Lệnh trao hắn cho chúng tôi. Tên lính gác có bổn phận canh chừng hắn say rượu ngủ gà ngủ gật. Phần chúng tôi thì được phép xuất trại nên kéo nhau đi hết. Khi chúng tôi trở lại, cái thằng Gregory kia đang ngồi bên thằng lính canh say ngủ, và lật trang một cuốn tạp chí.

“Sao cậu không trốn đi, hở Gregory?” vài ngày sau đó chúng tôi vừa cười vừa hỏi hắn.

Hắn trả lời, “Trốn đi đâu bây giờ giữa cái thời tiết lạnh cóng này? Tôi ở đây được mà.”

Thành ra chúng tôi bắt đầu chọc ghẹo hắn.

“Cậu nói đúng quá. Ở đây chỗ ở thật là tráng lệ…”

“Chỗ này không tệ,” hắn trả lời. “Doanh trại chỗ tôi đóng quân lúc trước giống như cái rây. Gió lùa vào từ khắp mọi phía…”

Chúng tôi hỏi về bạn gái của hắn. Hắn cười.

“Maria là một người tuyệt diệu,” hắn kể với bọn tôi. “Lúc chưa gặp tôi, cô ấy đính hôn với một thằng vô tích sự, một con heo. Nó bỏ cô ấy đi theo cô gái khác. Thế là trong làng đâu còn ai muốn cưới Maria nữa. Tôi không bỏ lỡ cơ hội. Cô ấy có người xài rồi thì đã sao. Chuyện nhảm nhí. Ý nghĩ nhà quê, phải không các bạn. Cô ấy xinh đẹp và có tấm lòng. Tôi còn muốn thêm gì nữa? Và chẳng phải mỗi lần tôi đi qua vườn nhà cô ấy là cô ấy lại chất cho tôi đầy dưa hấu và dưa leo. Rồi một ngày kia, tôi lấy trộm ít dưa leo, dưa tây và dưa hấu đem đến nhà cô ấy. ‘Maria ơi,’ tôi bảo, ‘từ bây giờ anh sẽ săn sóc em.’ Cô ấy bật khóc và tôi cũng khóc theo luôn. Nhưng cũng từ hôm ấy, cô ấy đem đến cho tôi bao nhiêu là rắc rối – Ghen tương đấy. Cô ấy không cho tôi đi đâu hết, ngay cả về thăm mẹ tôi cũng không được. Cô ấy buộc dính tôi vào dải rút quần cô ấy cho tới ngày tôi nhập ngũ. Nhưng tôi cũng muốn như thế đấy mà…”

Hắn vẫn kể đi kể lại cho chúng tôi nghe chuyện ấy, lần nào cũng chừng ấy chữ, chừng ấy điệu bộ cũ rích. Kể xong, bao giờ hắn cũng cười vang và dốc bình nước lên tu ừng ực.

Hắn nói chuyện huyên thiên! Khi hắn bắt đầu nói, chẳng thứ gì có thể làm hắn ngừng. Chúng tôi đã quen nghe hắn nói nên chỉ gật đầu, không nói một lời. Nhưng đôi khi, lúc hắn kể cho chúng tôi nghe về những khó khăn của mẹ hắn và gia đình hắn, chúng tôi không khỏi thắc mắc, “Ô, thì ra, bọn chúng nó cũng có những cái nhức óc ở xứ sở chúng nó hệt như bọn mình vậy.”

Kỳ lạ, phải không nào!

Ngoài cái chuyện nói nhiều ra, Gregory không phải là kẻ xấu. Hắn nấu nướng rất giỏi. Có lần hắn làm bánh nhân táo cho chúng tôi, ngon đến độ chúng tôi liếm sạch đĩa. Và hắn cũng biết may vá nữa. Hắn vẫn thường đơm cúc, vá quần áo, mạng bí tất, ủi cà vạt, giặt áo quần cho bọn tôi…

Làm thế quái nào bạn có thể giết một thằng bạn như thế chứ?

Ngay cả dù tên hắn là Gregory và vài đứa bên phe hắn đã giết một người trong bọn tôi, cho dù chúng tôi đã phải xa vợ xa con để ra trận chống lại hắn và cái bọn phe hắn – nhưng tôi phải giải thích thế nào đây? Hắn là bạn của chúng tôi. Hắn thực sự thích chúng tôi! Mới cách đây vài hôm chẳng phải hắn đã dùng tay không để giết con bọ cạp đang bò lên chân tôi đấy hay sao? Lẽ ra hắn nên để con bọ cạp đưa tôi xuống địa ngục cho rồi!

“Cám ơn cậu, Gregory à!” lúc ấy tôi nói, “Cám ơn Chúa đã tạo ra cậu…”

Khi lệnh truyền tới, chúng tôi như bị sét đánh. Gregory sẽ bị bắn, lệnh nói thế, và treo lên cột dây thép để làm gương.

Chúng tôi họp nhau trong doanh trại. Chúng tôi sai Gregory đi giặt quần áo lót cho chúng tôi.

“Không đúng.”

“Đúng cái gì?”

“Cái việc của tụi mình ấy!”

“Cứt!”

“Nếu mày ngon thì đừng làm! Người ta sẽ lôi mày ra tòa án quân sự và bang-bang…”

Ồ, dĩ nhiên. Việc làm đúng nhất là cứu lấy cái mạng của mình. Ấy là lý luận hợp lý nhất. Mạng mình hay mạng hắn. Dĩ nhiên, phải hy sinh mạng của hắn, cho dù hắn là thằng Gregory; cái gã đã từng ăn bốc từ chung một đĩa với mình, cái gã đã giặt quần áo cho mình ngay cái phút giây này.

Tôi làm gì được đây? Chiến tranh mà. Chúng tôi đã từng chứng kiến bao nhiêu thứ tồi tệ hơn thế.

Thế nên chúng tôi chọn giờ.

Chúng tôi không nói gì với hắn lúc hắn đi giặt quần áo về. Hắn ngủ thật yên lành. Hắn ngáy pho pho lần cuối cùng. Buổi sáng, nghe tin tức trên máy phóng thanh và nhìn vẻ u ám trên mặt chúng tôi, hắn bắt đầu nghi ngờ chuyện gì không hay sắp xảy ra. Hắn tìm cách chuyện trò với chúng tôi, nhưng ai cũng tránh né nên hắn thôi nói.

Hắn chỉ đứng đó nhìn chúng tôi, đờ đẫn và thất lạc…

Bây giờ, tôi sẽ bóp cò súng. Một viên đạn nhỏ xíu sẽ xuyên qua lồng ngực hắn. Đêm nay có thể tôi sẽ mất ngủ nhưng sáng mai tôi sẽ thức dậy, sống nhăn.

Gregory có vẻ như đoán được ý nghĩ của tôi. Hắn chìa tay ra nói, “Anh nói đùa thôi, anh bạn! Phải anh nói đùa không?”

Đúng là thằng ngu ngốc! Hắn đáng bị xé tan ra từng mảnh, phải không nào? Cái lúc như thế mà còn hỏi được cái câu như thế. Trái tim của mình sắp vỡ toang ra mà hắn còn hỏi có phải mình nói đùa hay không. Kẻ nào có thể đùa giỡn được về một chuyện như thế chứ? Thằng ngu! Đây đâu phải là lúc đùa chơi. Và mày, nếu mày là thằng bạn tốt, sao mày không làm nhẹ bớt gánh nặng cho tụi tao? Giúp chúng tao giết mày mà đỡ phải day dứt? Phải như mày nổi giận được – mày chửi Đức Mẹ Đồng Trinh, chửi Chúa của chúng tao – phải như mày trốn đi thì có phải dễ dàng hơn cho chúng tao và cho mày không nào.

Thành ra bây giờ.

Bây giờ, thưa ông Gregory, ông sắp phải trả cái giá sỉ cho những sự ngu ngốc của ông đây. Bởi vì ông đã không bỏ trốn lúc thằng lính canh ngủ quên; bởi vì ông đã không bỏ trốn ngày hôm qua lúc chúng tôi sai ông đi giặt đồ một mình – chúng tôi cố tình làm như thế, ông ngốc ạ! Tại sao ông không để con bọ cạp chích cho tôi chết đi cho rồi?

Đã vậy thì bây giờ đừng than trách gì hết. Tất cả là lỗi của ông, ông ngốc ạ!

Hở? Bây giờ chuyện gì xảy ra cho hắn đây?

Gregory đang khóc. Nước mắt dàn dụa hai mắt và chảy xuống hai bên má nhẵn nhụi. Hắn quay mặt đi, gục đầu vào tường. Lưng hắn run bần bật khi hắn khóc. Hai bàn tay hắn bám, cứng nhắc và vô vọng, vào bức tường.

Cơ hội thuận tiện nhất cho tôi là lúc này, khi hắn nhận ra rằng không còn giải pháp nào khác cho hắn, khi hắn quay mặt đi.

Tôi bóp cò súng.

Gregory bậy nẩy người lên. Lưng hắn thôi không còn giật lên giật xuống nữa.

Tôi nghĩ tôi đã thanh toán hắn xong! Dễ dàng biết chừng nào… Nhưng bỗng nhiên hắn hét lên, hai bàn tay hắn bám lấy vách tường như cố kéo nó xuống. Hắn gào, “Không, không…”

Tôi quay qua đám đồng đội của tôi. Tôi chờ họ gật đầu, “Đủ rồi.”

Họ gật đầu, “Cậu còn chờ gì nữa chứ?”

Tôi bóp cò thêm lần nữa.

Viên đạn xuyên vào cổ hắn. Một vòi máu đặc phun ra.

Gregory xoay người. Mắt hắn đẫm máu. Hắn nhào tới tôi và dùng nắm tay đấm vào người tôi.

“Tôi ghét anh, ghét anh…” hắn gào.

Tôi bắn hết băng đạn. Hắn ngã xuống và ôm chặt lấy chân tôi như thể cố níu lấy sự sống.

Hắn giẫy giụa dữ dội trước khi chết. Miệng hắn đầy máu và giầy vớ tôi cũng đẫm máu.

Chúng tôi đứng yên, nhìn hắn.

Sau khi hoàn hồn, chúng tôi cúi xuống khiêng hắn lên. Hai tay hắn lạnh ngắt và vẫn bám cứng lấy chân tôi.

Dấu vết bàn tay hắn còn đặm nét, đỏ và sâu, như thể được khắc bằng dao nóng.

“Đêm nay mình sẽ treo hắn lên,” bọn lính nói.

“Đêm nay hay bây giờ?” họ bàn.

Tôi quay lại nhìn từng đứa.

“Tất cả các cậu đều muốn vậy phải không?”

Không đứa nào trả lời.

“Đào một cái huyệt,” Tôi nói.

Hôm sau và những ngày sau đó Bộ Tư Lệnh không bắt chúng tôi phải nộp bản báo cáo. Các ông lớn tin là chúng tôi đã tuân lệnh các ông ấy và treo cổ hắn lên cột dây thép rồi.

Họ chẳng bận tâm chuyện gì đã xảy ra cho cái gã Gregory ấy, sống hoặc chết cũng vậy thôi.

 

 

Hoàng Chính chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Marion Byron và Catherine Raizis, The Storyteller – Short Stories From Around the World. Nelson Canada xb. 1992.

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2025 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)