- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Dựng truyện

“Nhà xoay lưng về đâu thì có quan hệ gì không?”

“Chắc là không. Tôi nghĩ rằng những người chủ trương muốn loạt truyện khởi đi từ một điểm chung. Trong trường hợp này, ba chữ ‘Nhà xoay lưng’ là điểm xuất phát.”

“Điều kiện gì mà kỳ cục!” Người đàn bà nhướng một bên chân mày cùng lúc với câu nói.

Lúc này hai người đang ngồi ở chiếc bàn nhỏ trong một quán cà phê của phi cảng Fort Worth. Còn khoảng một tiếng đồng hồ nữa trước khi chúng tôi phải đáp chuyến bay kế tiếp đến Fort Lauderdale. Chuyến bay trước đó, cất cánh từ Orange County, khá trống trải và do đó tôi đã không gặp trở ngại nào khi xin phép người đàn bà cho mình được ngồi vào chiếc ghế trống cùng dãy cạnh cửa sổ. Rời mắt khỏi khung kính bầu dục xuyên qua đó tôi có thể nhìn thấy mặt biển xanh lấp lánh nắng, tôi quay lại hỏi người đàn bà có phải nơi đến là Dallas hay không.

“Tôi về Fort Lauderdale,” người đàn bà trả lời. Tôi bảo người đàn bà là tôi cũng đến đó. Sau lời tiết lộ này, câu chuyện có vẻ như trở nên dễ dàng hơn. Khi chiếc máy bay rời phi đạo để quẹo vào con đường dẫn vào trạm vãng lai của phi trường Fort Worth, tôi quay qua hỏi người đàn bà, “Tôi có thể mời cô một ly nước được không?”

Người đàn bà càng lúc càng biểu lộ nỗi thích thú của mình về những điều liên quan đến cái truyện ngắn tôi sắp viết ra. Trước đó tôi cho cô ta biết tôi là nhà văn. Chuyến đi này của tôi là một kết hợp giữa công việc và “nghiệp dĩ.” Văn chương là nỗi đam mê không rời của tôi, tôi bảo người đàn bà, hy vọng cách sử dụng từ ngữ của mình sẽ gây một ấn tượng ở cô ta. Tôi không chỉ muốn tuân theo những qui định do nhóm đưa ra. Truyện mà tôi đang dàn dựng sẽ chạm đến những rung động vi tế nhất của tình cảm, và tôi muốn được sống thực với những tình cảm đó trước khi bắt tay vào truyện, tôi tiếp tục với giọng điệu của một nhà thơ tài hoa đang rao giảng trước đám cử tọa phàm tục về những điều nhân gian không thể hiểu!

“Truyện sẽ gồm có ba nhân vật chính, và chỉ ba mà thôi. Hai người khách thuê nhà và người chủ nhà.”

“Còn điều kiện gì nữa không?” Người đàn bà chồm người tới, đôi khuỷu tay chống lên trên chiếc bàn tròn, ngước mắt lên nhìn.

“Còn chứ. Hai người mướn nhà không được gặp nhau trong suốt thời gian cả hai cùng mướn căn nhà. Điều này thực là đáng tiếc!” Tôi trả lời, thị tuyến rơi chậm chạp từ khuôn mặt xuống phần trũng ngực của người đàn bà. Lần này thì cả hai hàng chân mày cắt tỉa cẩn thận cùng nhướng lên.

“Tại sao lại đáng tiếc?”

“Bởi vì tôi nghĩ rằng mẫu người của cô vô cùng thích hợp trong vai người thuê nhà thứ hai của truyện. Chúng ta cùng thay phiên mướn chung một căn nhà, nhưng không được phép gặp nhau trong bất cứ tình huống nào. Cô thử tưởng tượng xem, hai người này sẽ không bao giờ gặp nhau, chỉ biết về nhau qua những dấu vết để lại trong căn nhà hoặc qua trung gian của người chủ. Liệu có thể một điều gì đó sẽ xảy ra giữa hai con người này hay không? Tìm cách mở cái ‘gút’ này không phải là một điều thú vị hay sao? Đáng tiếc là cô không còn hội đủ điều kiện. Chúng ta đã ở cạnh nhau trong chuyến bay vừa rồi và sẽ còn gặp nhau trong chuyến đi sắp tới.”

“Thì có sao đâu? Ông có thể không nhắc đến chi tiết này trong truyện mà!”

“Tất nhiên là tôi có thể làm như vậy. Nhưng tôi muốn được sống trong không khí của truyện. Mọi gượng ép đều có thể làm hỏng đi công trình nghệ thuật này.”

Người đàn bà có vẻ thất vọng. Rõ ràng là cái ý nghĩ trở thành nhân vật chính trong truyện của tôi đã làm cô ta thích thú. Gõ gõ mấy ngón tay lên chiếc bàn hình tròn, tôi nhăn trán suy nghĩ rồi lên tiếng:

“Cô có thể đóng vai chủ nhà. Nhân vật này rất quan trọng. Truyện chỉ có thể thành công khi người chủ nhà thể hiện được cái vị trí ‘bản lề’ của mình, nghĩa là trở thành cái gạch nối không thể thiếu cho hai người kia. Trong ba nhân vật, chỉ có người chủ nhà có thể gặp gỡ hai người khách trọ bất cứ lúc nào.”

“Vậy cũng được. “ Người đàn bà có vẻ yên tâm.

“Phần còn lại là căn nhà để mướn, và nhân vật thứ ba. Chuyện này coi bộ không dễ đâu! Cô có thể giúp tôi tìm một căn nhà nào đó được không?”

Chuyện coi vậy mà lại không đến nỗi khó khăn cho lắm. Người đàn bà sẽ cho tôi mướn căn nhà nơi cô ta đang cư ngụ. Nhân vật thứ ba là một người đàn ông; ông ấy hiện đang thuê một căn phòng ở đó. Nhân vật này chỉ có mặt trong căn nhà vào những ngày trong tuần, từ thứ Hai cho đến thứ Năm. Ông ấy rất bận vào những ngày cuối tuần, người đàn bà cho biết. Điều này xem ra thuận tiện cho tôi. Tôi có thể ở khách sạn vào những ngày làm việc, và chỉ về lại căn phòng của mình vào những ngày cuối tuần, bắt đầu từ chiều thứ Sáu và sẽ ra đi vào tối Chủ Nhật hoặc ngay cả sáng thứ Hai nếu cần.

“Tôi sẽ phải trả cho cô bao nhiêu cho hai tuần lễ?” Tôi hỏi, dự tính truyện sẽ hoàn tất trong thời gian này. Người đàn bà ngần ngừ một chút rồi nói ra một con số lớn gấp đôi giá thị trường. Tôi đoán cô ta chỉ nói bừa, hiếm khi có ai cho mướn nhà theo kiểu này. Tôi bảo là giá cả như vậy rất phải chăng, không cần phải bàn cãi gì nữa. Ngày hôm qua tôi đã rút ra một số tiền mặt khá lớn để dùng cho chuyến đi này.

Vào lúc người đàn bà đang hào hứng nói về những dự định của mình để sửa soạn căn phòng cho người khách mới, tôi xin lỗi cắt lời cô ta và bảo rằng còn một điều kiện vô cùng quan trọng mà tôi thấy cần thiết phải nêu ra trước khi cái “giao kèo làm ăn” này có thể được ký kết.

“Cái gì nữa?” Người đàn bà hỏi một cách lo lắng. Rõ ràng là cái khả năng trở thành một nhân vật tiểu thuyết và trong cùng một lúc có được món tiền trời ơi đất hỡi là một điều không dễ bỏ qua!

“Bọn chúng tôi đồng ý là phải có quan hệ tình cảm giữa chủ nhà và người khách.” Tôi ngập ngừng một chút rồi tiếp với giọng ái ngại, “Lúc nãy tôi có nói tôi chỉ muốn cô đóng vai trò người mướn nhà kia, tôi thực không muốn xúc phạm đến cô.”

“Đám nhà văn mấy người chỉ giỏi việc bày trò quái quỉ!” Người đàn bà nhăn mặt.

“Hay là thôi vậy, tôi nghĩ mình có thể tự tìm được một nơi khác.” Tôi nhìn sâu vào đôi mắt cô ta, vẻ thành khẩn. Tôi không biết chắc mình có hy vọng gì không.

“Nhưng chỉ thuần tình cảm thôi đấy nhé!” Người đàn bà ngước lên, vẻ dứt khoát.

“Nhất định là như vậy, chỉ thuần là tình cảm … trong sáng.” Tôi trả lời, mừng rỡ.

Chúng tôi không có dịp ngồi cạnh nhau trên chuyến bay về Fort Lauderdale, và điều này xem ra đã giúp cho người đàn bà bớt đi cái cảm giác không được tự nhiên trong khi trò chuyện với tôi. Bất kể cô ta đã nghĩ gì về cái vai trò phải đóng trong những ngày sắp tới, người đàn bà đã cười thực tươi với tôi khi chúng tôi chia tay nhau ở phi cảng. Còn cách nào thích hợp hơn để chia tay một nhà văn và đồng thời là người tình tương lai của mình?

*

Nhà xoay lưng lại một khu đất trống rào chắn cẩn thận. Có vẻ như người ta sẽ xây một khu chung cư mới ở đó. Căn nhà mà tôi sắp dọn vào gồm ba phòng, trên lầu. Căn phòng dành cho tôi ở cuối hành lang, phía bên trái, cùng dãy với căn phòng của người đàn ông, và ở giữa là phòng vệ sinh. Căn phòng lớn nhất thuộc về người đàn bà chủ nhà, chiếm gần hết chiều dài của phía đối diện. Như vậy, để vào phòng mình tôi phải đi ngang qua cửa của hai căn phòng kia.

Đồ đạc trong phòng không có gì nhiều, và hình như mới được sắp xếp hay mang vào sáng nay. Một vài dấu vết trên bức vách bên phải cho tôi biết một bức tranh hay một khung hình đã được tháo gỡ trước đó không lâu. Chiếc giường nhỏ và chăn nệm còn mới tinh, nhưng chiếc bàn giấy nhỏ cạnh cửa sổ thì lại quá cũ. Xem ra người đàn bà không muốn tiêu phí số tiền cho mướn nhà một cách bừa bãi. Một ông khách trọ vừa là nhà văn vừa rộng rãi trong chuyện tiền bạc không phải là điều mà người ta sẽ gặp thường xuyên!

Buổi chiều tôi đón taxi ra biển, lang thang trên những khu phố đông nghẹt những hàng quán, người ngợm. Tôi ghé vào một vài cửa hàng, săm soi những món đồ nho nhỏ, nghĩ bụng sẽ chọn mua một món gì đó cho Ngọc, bà chị dâu của tôi. Tôi bước ra khỏi những nơi đó tay không. Tôi sẽ trở lại đây ít nhất một lần trước khi về lại cái thành phố nằm ở bờ biển phía Tây. Vào lúc chập choạng tối, tôi đến ngồi ở chiếc bàn nhỏ làm bằng những cọng mây uốn cong của một tiệm ăn ở góc đường Las Olas. Chiếc ghế tôi ngồi cũng làm bằng mây, nhưng phần tựa lưng là những sợi nylon xanh lục lẫn trắng bện vào nhau. Tôi gọi một chai bia, uống thong thả. Mặt biển đã sạm màu khi những ngọn đèn đường được thắp sáng. Từ chỗ ngồi, tôi có thể nhìn thấy những chùm sáng lập lòe phát ra từ những chiếc tàu lớn đang bỏ neo ngoài kia. Người ta đang sát phạt nhau trên những chiếc tàu đó. Luật của thành phố Fort Lauderdale nghiêm cấm cờ bạc, nhưng cánh tay của luật pháp không thể dài hơn ba dặm tính từ bờ biển. Xa hơn nữa là hải phận quốc tế. Ở đó người ta có thể làm được nhiều việc, kể cả việc mở sòng bài.

Ông khách trọ chung nhà với tôi đang ở trên một trong những con-tàu-sòng-bài đó, người đàn bà đã tiết lộ với tôi ngày hôm nay. Tôi dọn vào căn nhà của cô ta vào buổi trưa. Người đàn bà đưa ra nhận xét là tôi chẳng có đồ đạc gì hết. Tôi vỗ vỗ vào chiếc túi xách tay và bảo là mình có đủ những thứ cần dùng cho những ngày cuối tuần ở đây.

“Thế thì những ngày kia ông ở đâu?”

“Ở một khách sạn dưới phố.”

“Ông không mướn xe để đi lại hay sao?”

“Không cần. Tôi thích đi taxi hơn.” Tôi trả lời.

Tôi không có ý định cho người đàn bà biết nhiều về mình. Tôi cảm thấy hài lòng vì những câu trả lời vừa rồi không giúp cô ta biết thêm chút nào về tôi ngoài cái tên và cái “nghiệp dĩ” nhà văn mà tôi đã tiết lộ trước đây. Ngay sau đó, tôi chuyển hướng cuộc đối thoại về người khách trọ vắng mặt. Ông ấy cũng là một nhân vật quan trọng của truyện, và tôi cần một số chi tiết về ông để có thể xây dựng thành công nhân vật này, tôi bảo người đàn bà.

“Ông ấy làm việc trên một chiếc tàu vào những ngày cuối tuần…” người đàn bà bắt đầu một cách ngập ngừng.

“Ông ấy là thủy thủ?”

“Không, ông ấy làm việc cho sòng bài ở đó.”

“Ông ấy có bà con bạn bè gì ở đây không?”

“Tôi không biết. Ông ấy đến từ một tiểu bang khác. Tôi chỉ biết như thế.”

Tôi đưa mắt nhìn người đàn bà một cách lặng lẽ. Tôi chờ cô ta tiếp tục. Hơi nghiêng mặt đi dể tránh ánh mắt của tôi, người đàn bà lên tiếng:

“Tôi gặp ông ấy trong sòng bài, lúc đó ông chỉ là khách thôi. Ông ấy thua sạch, trông rất tội nghiệp.”

Tôi biết rất rõ cái cảm giác này, thua sạch! Tôi không nhớ đã có ai tội nghiệp cho mình.

“Rồi cô mang ông ấy về cho tạm trú chứ gì?”

“Ông ấy thua lớn lắm. Ở sòng bài người ta cũng muốn giúp ông ấy, cho làm việc vào những ngày cuối tuần. Những ngày khác, ông ấy cần một chỗ để ở.”

Câu chuyện lắng xuống một chút. Người đàn bà đột nhiên im lặng, vẻ bứt rứt. Tất nhiên là cô ta không cảm thấy dễ chịu. Không khí của cuộc đối thoại khô và lạnh như của một buổi thẩm vấn. Biết làm thế nào được, tôi không phải đến đây để chơi đùa!

“Giữa cô và ông ấy vẫn … tốt đẹp cả chứ? Tôi muốn nói quan hệ giữa hai người.” Tôi hỏi, vẻ khiêu khích. Tôi cần làm cho cô ta nổi giận. Nói cho đúng hơn, tôi cần một cái cớ. Và ngay tức khắc, tôi nghĩ mình đã thành công khi người đàn bà quay lại nhìn thẳng vào tôi, chân mày bên trái nhướng lên cao cùng lúc với giọng nói của cô ta:

“Quan hệ? Ý ông muốn nói gì? Không lẽ tôi phải có quan hệ tình cảm với tất cả các người mướn nhà hay sao?”

“Thực ra điều này không cần thiết. Một quan hệ thôi cũng đủ. Tôi chỉ hỏi vậy thôi mà!” Tôi trả lời với vẻ không nhượng bộ.

Người đàn bà xem ra hậm hực. Nhà văn các người chỉ giỏi vẽ rắn thêm chân, cô ta nhận xét. Đây là lần thứ hai người đàn bà đưa ta một nhận định như vậy về những người viết lách. Tôi nghĩ đến mấy tên đã bày vẽ ra cái vụ “truyện ngắn có điều kiện” và cảm thấy có chỗ đồng ý với cô ta. Ý nghĩ này khiến tôi buồn cười. Tất nhiên người đàn bà không biết là tôi đang cảm thấy buồn cười. Cô ta đang giận tôi.

*

Uống cạn chai bia thứ hai, tôi đưa mắt nhìn những đốm sáng lung linh ngoài khơi một lần nữa rồi đứng dậy bỏ đi vào một tiệm bách hóa gần đó. Tôi cho rằng mình có thể và nên kết thúc câu chuyện một cách chóng vánh. Tôi về đến căn nhà trọ vào lúc mười một giờ đêm. Tôi vào phòng mình, sửa soạn thật nhanh rồi đến gõ cửa phòng người đàn bà. Vệt sáng phía dưới cánh cửa và tiếng nhạc vọng ra từ đó cho tôi biết cô ta còn thức. Ánh mắt người đàn bà rời khỏi đóa hồng màu đỏ trong tay tôi và đậu lại ở một nơi nào đó trên bức vách sau lưng tôi. Xem ra cô ta vẫn còn giận.

“Thay cho lời xin lỗi. Lẽ ra tôi không nên sỗ sàng như thế.” Tôi giải thích.

Người đàn bà cười nhỏ, chỉ vào chiếc túi giấy ở đó thò ra cổ chai rượu vang, hỏi:

“Thế còn cái kia để làm gì?”

“Để bắt đầu một kỷ niệm dịu dàng và khó quên,” tôi trả lời, nghiêng mình bước qua khung cửa vừa được người đàn bà mở rộng.

Tôi đưa mắt quan sát căn phòng thực nhanh, không phải để ghi nhớ. Có một chiếc bàn tròn nhỏ và hai chiếc ghế nệm đặt ở góc phòng, cạnh cửa sổ. Chai rượu vang và hai chiếc ly nhỏ được lấy ra đặt lên bàn, và cái túi giấy được gấp lại cẩn thận trước khi người đàn bà có thể nhìn thấy món dụng cụ điện tử xinh xắn nằm bên trong. Khi chúng tôi cùng ngồi xuống ở chiếc bàn, người đàn bà hỏi tôi đã làm gì suốt buổi chiều hôm nay.

“Đi lang thang ở bờ biển,” tôi trả lời.

“Có phải nhà văn các anh thường đi tìm cảm hứng ở những nơi như vậy?”

Người đàn bà hỏi tiếp. Tôi bảo cô ta là đôi khi cũng có như vậy thực, nhưng nguồn cảm hứng của truyện tôi đang khai triển chính là ở nơi đây, trong căn phòng ấm áp này, vào giây phút này. Câu chuyện ngưng lại một chút rồi tiếp tục, lần này người đàn bà hỏi về những công trình nghệ thuật của tôi. “Tôi dự định cho in một tập truyện ngắn vào cuối năm, và sau đó sẽ lao đầu vào một dự án mới. Tôi hy vọng mình sẽ hoàn tất một cuốn tiểu thuyết trong vòng hai năm sắp tới.” Tôi lại cảm thấy buồn cười, truyện ngắn, truyện dài, và còn gì nữa? Một tập thơ, nên chăng?

Khi ly rượu vang thứ ba của mỗi người sắp cạn, tôi bảo người đàn bà là có thể tôi sẽ không trở lại vào cuối tuần tới.

“Tại sao vậy?” Người đàn bà hỏi.

“Tôi cảm thấy mình đã có tạm đủ dữ kiện để viết. Hơn nữa, cái ý nghĩ cô phải miễn cưỡng đóng vai tình nhân của tôi trong vòng hai tuần lễ làm tôi cảm thấy bất an. Tôi nghĩ rằng mình đã đòi hỏi nhiều quá ở một người đáng mến như cô…”

“Nhưng giữa chúng ta đã có gì đâu? Ông đã bảo…” Người đàn bà ngập ngừng.

“Đúng vậy. Cái mắt xích cuối cùng để liên kết các tình tiết lại với nhau vẫn chưa có. Nếu như cô có thể cho tôi một cảm xúc đẹp đẽ nào đó…” Tôi dừng lại, không giấu được vẻ lúng túng.

“Như là gì?” Người đàn bà hỏi, một bên chân mày nhướng lên, nghịch ngợm.

“Một chiếc hôn, chẳng hạn.”

Chiếc hôn mềm và có vị chua của rượu nho. Chiếc hôn thứ hai ấm áp và bớt chua. Chiếc hôn thứ ba đầy ắp mùi da thịt nồng nàn tỏa ra từ cơ thể người đàn bà. Tôi ngưng đếm những chiếc hôn sau đó. Những tiếng kêu nhỏ thoát ra từ miệng cô ta giữa những hơi thở gấp gáp khi chúng tôi quấn vào nhau trên vuông thảm mềm cạnh chiếc bàn nhỏ. Người đàn bà bám chặt vào tôi như một con trăn gió, cơ thể căng lên như cánh cung rồi chùng xuống từng hồi. Những tiếng kêu vô nghĩa từ miệng cô ta phát ra càng lúc càng tăng dần cường độ, cho đến khi cả căn phòng như bị chao nghiêng đi bởi ngọn sóng nhục cảm. Tôi lịm đi sau đó, đầu óc chông chênh như thể đang ở trên một con tàu giữa cơn bão lớn. Tự dưng tôi nghĩ đến những con-tàu-sòng-bài và ông khách trọ vắng mặt.

Khi người đàn bà trở dậy và bước vào phòng tắm, tôi thu dọn quần áo và chiếc túi giấy đi về phòng mình. Tôi trằn trọc một lúc rồi ngủ thiếp đi, và chỉ thức giấc khi có tiếng gõ cửa. Khi tôi lên tiếng trả lời, người đàn bà bảo tôi là cô ta sẽ chờ tôi ở phòng khách. “Tôi có việc cần nói với ông,” cô ta giải thích, giọng lạnh lẽo. Tôi bước xuống phòng khách, ngồi đối diện nhìn người đàn bà ăn mặc trang nhã và đang giận dữ. Chỉ mới đêm hôm qua cô ta còn quấn chặt lấy tôi như con bạch tuộc quấn mồi!

“Ông đã không giữ lời hứa! Bây giờ làm sao tôi dám nhìn mặt ông ấy.”

“Ông ấy?”

Tất nhiên tôi biết “ông ấy” là người khách trọ vắng mặt. Người đàn bà nhìn tôi, vẻ trách móc.

“Ông ấy yêu tôi lắm. Đi làm xong về quanh quẩn bên tôi, kể từ dạo đó.”

“Tôi không biết ông ấy là chồng cô. Tôi thực không biết …” Tôi lắp bắp.

“Chúng tôi chưa hề là vợ chồng. Ông ấy cứ đi đi về về như khách trọ. Như một kẻ đào vong. Chỉ có tôi là bạn của ông ấy. “

“Nếu biết chuyện xảy ra đêm qua, ông ấy có thể chết được!” Người đàn bà tiếp, giọng ướt sũng.

Tôi thực muốn tin là người ta có thể chết đi vì một điều như thế. Cũng như Ngọc, chị dâu của tôi, đã chết héo khô từ ngày ông anh tôi bỏ đi biệt dạng. Người đàn bà chỉ vào chiếc phong bì nhỏ màu trắng vẫn nằm trên chiếc bàn cà phê tự nãy giờ, bảo:

“Tôi trả lại ông tiền. Tôi muốn ông rời khỏi đây trong ngày hôm nay. Sẽ không còn vết tích nào của ông trong căn nhà này khi ông ấy trở về ngày mai.”

“Tôi thực ân hận. Nếu tôi biết sự thể như vậy…”

Tôi không có dịp nói hết câu. Người đàn bà bỗng dưng nổi giận trở lại.

“Nếu ông biết thì sao? Liệu ông sẽ dừng lại ở nơi nên dừng lại? Đám nhà văn mấy người chỉ được cái nói huyên thiên và dối như cuội!”

Chỉ dối như cuội thôi sao? Nếu người đàn bà biết được tôi phải trả một giá cắt cổ để được đi cùng chuyến bay với cô ta từ Orange County về Forth Lauderdale qua ngã Dallas. Nếu cô ta biết được cái gì trong chiếc túi giấy tôi đã mang vào phòng cô ta đêm hôm qua. Nếu cô ta biết được những gì tôi sẽ làm vào ngày mai. Tất nhiên là tôi không bao giờ tiết lộ với cô ta những điều như thế. Tôi móc túi lấy ra xâu chìa khóa đặt lên bàn và lặng lẽ quay đi.

“Còn số tiền này nữa. Tôi không muốn gì của ông hết!”

Tôi quay lại cầm lấy cái phong bì nhét vào túi. Sẽ có chỗ dùng sau này, tôi nghĩ thầm.

Tôi rời căn nhà trọ mười lăm phút sau đó. Người đàn bà đã quay về phòng của mình. Tôi không có dịp chào từ biệt cô ta, và cũng không mong sẽ gặp lại. Nhưng tôi sẽ trở lại chốn này ngày mai, trước khi ông khách vắng mặt xuất hiện và sau khi người đàn bà chủ nhà đã đi làm. Tôi có một bộ chìa khóa giống hệt như bộ tôi đã bỏ lại ở chiếc bàn cà phê trước đó.

*

Tôi trở lại ngôi nhà của người đàn bà vào lúc mười giờ sáng ngày thứ Hai. Băng qua căn phòng khách vắng tanh, tôi bước lên cầu thang và dừng lại ở khung cửa căn phòng dành cho người khách trọ vắng mặt. Treo chiếc phong bì màu vàng khổ lớn lên nắm đấm cửa, tôi lùi lại ngắm nghía. Tên của người nhận và người gời được viết thực lớn và tô đậm để ông ấy có thể đọc được ngay cả khi chưa lên hết cầu thang. Tôi biết chắc ông ấy sẽ mở phong bì ngay sau khi nhìn thấy nó. Ở phần người gởi, tôi đã để tên thật của mình. Trong chiếc phong bì là một tấm hình chụp hai người đàn ông trẻ đang quàng vai nhau tươi cười. Hình chụp vào ngày ra trường của tôi cách đây năm năm. Ngoài ra, còn một phong bì nhỏ trong đó đựng số tiền mướn nhà mà người đàn bà đã trả lại cho tôi đêm qua. Tôi không nghĩ ông ấy thực sự cần đến nó, nhưng nếu ông ấy muốn, số tiền nhỏ này sẽ đủ trang trải phí tổn cho chuyến đi về phía Tây, ở đó có một người đang chờ ông. Tôi đã ngần ngừ khá lâu trước khi kèm theo món tiền này trong số đồ vật tôi dự định gởi cho ông. Tôi không chắc mình có thực sự muốn ông ấy thực hiện một chuyến đi như vậy hay không. Vật cuối cùng trong cái phong bì màu vàng là chiếc máy ghi âm nhỏ xíu hiệu Olympic tôi mang theo trong chuyến đi. Đêm qua, chiếc máy ghi âm đã được mang vào phòng người đàn bà chủ nhà cùng với chai rượu vang và hai chiếc ly nhỏ.

Tôi rời căn nhà mười phút sau đó. Tôi có thể quanh quẩn ở đây thêm một chút nữa, thậm chí có thể ở lại trong căn nhà để gặp gỡ ông khách trọ vắng mặt. Nhưng đó chính là điều tôi không muốn xảy ra, không phải vì điều này vi phạm một trong những qui định dành cho loạt truyện ngắn bắt đầu với ba chữ “nhà xoay lưng” mà chính vì một điều khác. Trong những điều kiện đặt ra cho loạt truyện ngắn quái quỉ này, chẳng có điều nào đề cập đến quan hệ tình cảm giữa khách trọ và chủ nhà. Điều kiện này chỉ áp dụng cho những người ở trọ, ông khách vắng mặt và tôi. Tôi không có gì phải lo lắng về mặt này. Giữa ông ta và tôi luôn có một quan hệ tình cảm sâu sắc. Chính là điều này đã khiến tôi không muốn gặp mặt ông ấy. Tôi có thể sẽ không kiểm soát được phản ứng của mình, sẽ chạy lên lầu, giật tung chiếc phong bì màu vàng trong có tấm hình ông quàng vai tôi tươi cười liệng bỏ đi trước khi ông kịp nhìn thấy. Và như vậy, mục đích của chuyến đi Fort Lauderdale của tôi sẽ hỏng bét. Và Ngọc sẽ tiếp tục chết mòn mỏi héo hon. Và tôi thì không còn chịu đựng nỗi điều này!

Tôi nhìn căn nhà một lần cuối rồi quay lưng bước ra đường, nơi chiếc taxi màu vàng đang nổ máy chờ. Tôi bảo người tài xế đưa tôi ra phía biển. Tôi còn phải mua cho Ngọc một chút quà trước khi leo lên máy bay để về lại cái thành phố nằm ở bờ biển phía Tây.

*

Ngọc gọi điện thoại cho tôi vào buổi tối, bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau khi tôi trở về. “Anh ấy mất rồi!” Giọng của Ngọc ráo hoảnh. Có vẻ như Ngọc đang báo tin cho tôi về cái chết của chính mình. Vào buổi tối, ông ấy xuất hiện ở một trong những con-tàu-sòng-bài ngoài khơi Fort Lauderdale. Trong vòng ba tiếng đồng hồ, ông ấy thắng liên tục và làm chủ một số tiền lớn. Ông cho người chia bài một món tiền “tip” vừa đủ để cô ta sẽ còn nhắc đến tên ông trong vòng ba mươi ngày sắp đến, và rời sòng bạc. Ông đi lên sân thượng, ở đó ông buộc mình vào một trong những chậu hoa lớn đặt dọc lan can boong tàu và ôm chậu hoa nhảy xuống biển. Phải mất hơn bốn tiếng đồng hồ trước khi người ta tìm thấy xác ông. Không có dấu vết gì của chiếc phong bì ông nhận được vào buổi trưa hôm đó. Ông đã cẩn thận xóa bỏ mọi dấu vết có thể dẫn đến sự can dự của tôi vào cái chết tình nguyện của ông. Vật duy nhất người ta tìm thấy là chiếc hộp đựng số tiền được bạc của ông kèm với mảnh giấy có tên Ngọc với đầy đủ địa chỉ và số điện thoại. “Hãy tha lỗi cho tôi,” tờ giấy viết như thế.

Ngọc sẽ đi Fort Lauderdale vào buổi sáng ngày mai. Tôi sẽ đến đón và đưa Ngọc ra phi trường. Nhất định tôi sẽ ôm lấy Ngọc và nói nhỏ với Ngọc lời tạm biệt. Tôi sẽ cố gắng để không ôm Ngọc quá chặt. Tôi sẽ cố gắng để không nói với Ngọc là tôi luôn yêu Ngọc, từ lúc chúng tôi còn là bạn học và ngay cả sau này khi Ngọc trở thành chị dâu của tôi. Tôi sẽ cố gắng để không nói với Ngọc về cảm giác của mình khi nhìn thấy Ngọc chết dần mòn từng ngày kể từ khi ông ấy bỏ Ngọc ra đi biệt mù tăm tích. Tôi sẽ cố gắng để không nói với Ngọc là chính vì Ngọc chứ không phải vì sự thách thức của cái loạt truyện quái quỉ “có điều kiện” kia đã khiến tôi thực hiện chuyến đi Fort Lauderdale mấy hôm trước đó. Và tôi sẽ cố gắng để không nói với Ngọc là tôi sẽ không cho phép bất cứ ai làm Ngọc đau lòng. Có thể tôi sẽ nói với Ngọc tất cả những điều trên rất lâu sau khi Ngọc trở lại cùng chiếc quan tài bằng kẽm đựng xác ông ấy. Nhưng tôi sẽ không bao giờ nói với Ngọc là một người đàn bà đã có lần bảo tôi người ta có thể chết được vì một nỗi thương tâm. Ngọc không nên biết điều này.

tháng sáu, 2000

bài đã đăng của Phùng Nguyễn