Thi ca “chính trị.” Mọi sinh hoạt của con người đều mang sắc thái chính trị bởi vì chúng xảy ra trong một bối cảnh – bối cảnh của lịch sử. Nếu bạn làm bếp trong nhà hàng và bạn gửi cho ai đó một thực đơn món xà lách cua thì chẳng có gì đáng nói. Nhưng nếu bạn là Nancy Reagan thì chuyện ấy lại mang ý nghĩa khác.
Thi sĩ mang màu sắc chính trị, trong một ý nghĩa nào đó của từ ngữ, từ thuở xa xưa tới hiện tại. Enheduanna, thi sĩ xứ Sumer, nữ thầy cả của nữ thần mặt trăng Inanna, là nhà thơ cổ đại mà tên tuổi được biết đến. Nhà cầm quyền Trung quốc soạn thảo tuyển tập những bài hát dân gian – Kinh Thi chẳng hạn – như một cách để tìm hiểu về tâm tư của dân chúng. (Nixon có nghe Bob Dylan, Joan Baez hay Pete Seeger không? George Bush có nghe Billy Bragg, Tracy Chapman hay nhạc rap không?)
Homer cũng mang màu sắc chính trị. (George Bush thăm những bức tường thành Troy). Cuốn Bhagavad Gita (mà J. Robert Oppenheimer nhắc tới khi chứng kiến trái bom nguyên tử đầu tiên nổ trong sa mạc New Mexico) đã và còn mang sắc thái chính trị. Những vở kịch của Aeschylus, Sophocles và Euripedes đã là những thế lực quyết định trong xã hội Hy lạp. Dante, Shakespeare và Milton tất cả đều có màu sắc chính trị. (Nếu Dante viết vào thời đại này, ông sẽ đẩy ai xuống tầng thứ chín địa ngục?)
Sự thăng hoa của nghệ thuật và văn hóa ở Tây Ban Nha thời trung cổ phát nguyên từ sự thiết lập tân triều đại Umayyad lưu vong bởi những người sống sót trong cuộc chinh phục Damascus của Abbasids. Những người hát rong nước Pháp thời trung cổ sống trong một thời kỳ thường xuyên biến động và chuyển dịch cùng với sự thay đổi liên tục của các liên minh chính trị, mà hầu hết nếu không nói là tất cả đều liên hệ mật thiết với nhau. (Rất nhiều người đã chết bởi cuộc tàn sát tập thể xảy ra trong những chuyến thập tự chinh Albigesian, mà sau đó thì dòng thơ hát rong tất nhiên bị gián đoạn.)
[Thơ] Chaucer dính đến chính trị, [Thơ] Đỗ Phủ chính trị, [thơ] Shikibu chính trị. [Thơ] Andrew Marvell, William Blake, Shelley, Keats, Byron, Whitman, Rubén Darío, José Martí, Yosano Akiko. Tất cả đều có tính chính trị ít nhất trong một ý nghĩa nào đó của từ ngữ.
Cái mà chúng ta đang bàn tới ở đây là một điều gì đó có tính chuyên biệt hơn. Chúng ta đang nói về thi ca bày tỏ hay phản ánh – hoặc rõ rệt hoặc ít nhất bằng gợi ý – một nền chính trị tả phái, thuộc về giai cấp lao động, ngả theo quần chúng, hoặc có một đặc tính tương tự.
Làm cách nào để kết hợp chính trị với việc sáng tạo vẫn là câu hỏi chưa có giải đáp thỏa đáng về chính trị cho Phe Tả. Đây không đơn thuần là vấn nạn về sự đối nghịch giữa hiện thực Xã hội chủ nghĩa hay Cộng Sản chủ nghĩa với bất cứ thứ gì khác.
Sự rập khuôn tràn lan của Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa nhấn mạnh đến những chân dung hay tượng đài khổng lồ của Lenin, Stalin, Mao… ở những nơi công cộng và có thể cho phép thêm những hình thái nghệ thuật tranh tường hoặc bích chương hình những công nhân vai u thịt bắp trong những công xưởng và những thanh niên thiếu nữ má đỏ, mắt sáng như sao nhìn đăm đăm về phía chân trời tươi sáng của tương lai. Điều này cũng lại chỉ là sự suy nghĩ rập khuôn.
Nhưng cũng cần thấy rõ là những chân dung và công trình điêu khắc lăng mộ, nghệ thuật bích chương, tranh tường công nghiệp và hình vẽ trên lịch, vân vân, nơi công cộng chỉ bao gồm một phần (không nhất thiết là phần hay nhất) của văn hóa nghệ thuật. Chúng ta không thể phê phán sự hiệu quả của Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa (hay bất kỳ phong trào hay khuynh hướng nghệ thuật của phe Tả) chỉ căn cứ trên những ví dụ xoàng xĩnh và đồng nhất.
Chúng ta có nên phán đoán nghệ thuật của những xã hội tư bản mà chỉ dựa trên Norman Rockwell và những điêu khắc trên núi Rushmore không? Chúng ta có nên phê phán văn chương Hoa Kỳ căn cứ vào độc giả của McGuffey? Đây có phải nền tảng cho những tiêu chuẩn phê bình chiếm ưu thế được hổ trợ bởi những phân khoa văn chương và nghệ thuật của các trường đại học hàng đầu chăng?
Cứ mỗi một Norman Rockwell thì lại có một Diego Rivera, mỗi Davis Siqueiros, thì có Walter Crane, hay một Sue Coe; mỗi Edgar Guest và Joyce Kilmer thì có một Thomas McGrath, một Muriel Rukeyser, một Hugh MacDiarmid.
Có người sẽ cãi rằng có rất nhiều sản phẩm thi ca chính trị tồi tệ – rằng rất nhiều thi ca chính trị đọc lên nghe như bích chương chính trị ngắt thành dòng, hoặc những câu vè ngân nga vần điệu – và điều đó chứng tỏ rằng chủ đề chính trị không thích hợp với thi ca.
Nhưng cũng có vô số thơ tình dở, thơ tôn giáo dở, thơ viết về thiên nhiên và về nhiều chủ đề khác-dở. Rồi chúng ta có khẳng định là tình yêu, tôn giáo, thiên nhiên, vân vân… là những chủ đề không thích hợp với thi ca không? Những tấm thiệp Hallmark sản xuất có vô hiệu hóa công việc của Dante và Shakepeare và Shelley và Wordsworth được không?
Báo chí tường trình sự kiện; thi ca phô bày chân lý. Trong thời đại chúng ta phần lớn những đàm luận chính trị viết bằng tiếng Anh – kể cả đàm luận về chính trị Phe Tả – cũng dựa vào sự khoa trương ngôn ngữ, với từ vựng La-Hy về triết học, tâm lý học, và những khoa học xã hội khác. Một trong những trọng trách của chúng ta khi viết về những đề tài chính trị (hay bất kỳ đề tài nào khác), là quyết định mình nên dùng thứ từ vựng nào.
Chẳng có gì sai trái khi dùng, trong một bài thơ, những từ ngữ như “tư bản chủ nghĩa,” “giai cấp lao động,” “chủ nghĩa đế quốc,” “cách mạng,” vân vân. Sự thử thách là ở chỗ dùng những ngôn ngữ ấy trong bối cảnh và chi tiết vật lý cụ thể và của thế giới chúng ta đang sống từng ngày, để phục hồi nó từ sự lạm dụng và tha hóa tư sản mà nó đã trải qua, để đem cho nó sự sống và ý nghĩa mà nó thực sự có được.
Chúng ta không chỉ bàn về việc lấy một diễn văn hay bích chương chính trị, hoặc một mớ tuyên bố lý thuyết, rồi ráp nối chúng lại một cách đơn giản thành khung của một bài thơ – như thể làm thơ là một động tác nhồi da thú. Sẽ khó mà viết một bài thơ tình nếu bạn chưa bao giờ phải lòng ai, hoặc viết một bài thơ về thiên nhiên nếu bạn chưa bao giờ chạm vào một thân cây.
Tương tự như thế, sẽ khó viết được một bài thơ chính trị hay nếu bạn chưa bao giờ tham gia cuộc biểu tình phản chiến, hoặc đối đầu với đội cảnh sát trong áo giáp chống nổi loạn đang sẵn sàng tấn công, hoặc cố trả tiền nhà, hóa đơn tiền thuốc trong khi đã thất nghiệp sáu tháng trời. Những ví dụ hay nhất về thi ca chính trị tả phái được viết từ một sự hiểu biết có cơ sở về chính trị, và từ sự nhiệt tình tham gia những biến động lịch sử vào thời điểm và không gian nhà thơ sinh sống.
Thi ca của Tả Phái chính trị từ thế kỷ 20 đã phát triển song hành với nhiều trào lưu hoặc khuynh hướng. Ở đây tôi không nhằm mục đích định nghĩa những thể loại một cách cứng nhắc mà chỉ đưa ra những ví dụ và những khả năng dự đoán nhà thơ đã khám phá. (Dù một vài nhà thơ mà tôi nêu tên dưới đây có thể không nhất thiết được coi như có khuynh hướng chính trị Tả Phái, tất cả ít nhất cũng cho thấy một cái nhìn tổng quát tác phẩm của họ có đặc tính nghiêng về quần chúng, tầng lớp lao động, chống Phát Xít, dân chủ cực đoan, hoặc một đặc tính tương tự.)
1. Thi ca giàu ẩn dụ và hình ảnh, thi ca gây tác dụng bằng cách khơi động những trải nghiệm cảm xúc và giác quan (hơn là bằng lý luận tri thức tỉ mỉ hoặc sự cuốn hút của hùng biện). Những nhà thơ nhóm này có thể kể Pablo Neruda (rất thường), Paul Éluard, Lorca, Yosano Akiko, Mahmoud Darwish, Dale Jacobson, René Depestre. Đôi khi nghiêng qua khuynh hướng siêu thực, như trường hợp Éluard, Lorca và Depestre.
2. Thi ca có âm hưởng khích động, ít hình ảnh hoặc ẩn dụ, gây tác dụng bằng tác động của nghệ thuật nói trước công chúng. Ví dụ gồm có Bertolt Brecht, Mayakovsky, Sol Funaroff, Langston Hughes, César Vallejo (trong tác phẩm Take This Cup From Me.)
3. Thi ca tương tự như loại thứ hai kể trên nhưng với một giọng điệu trầm lắng hơn, riêng tư hơn, ngôn ngữ trực tiếp – người với người – hơn là thuyết trình công cộng. Ví dụ gồm Nazim Hikmet, Otto René Castillo, Roque Dalton, Claribel Alegría, Maria Aliger, Anna Swir, Joy Harjo (đôi khi), Carl Sandburg, Luis J. Rodríguez (thường xuyên), Faiz Ahmed Faiz.
4. Thi ca bắt nguồn từ hoặc cố tình mô phỏng dân ca. Ví dụ gồm có Brecht (đôi khi), Thomas McGrath (đôi khi), José Martí, Hugh MacDiarmid (thỉnh thoảng,) Langston Hughes, Naomi Replansky (đôi khi.)
5. Thi ca đặc biệt có tính truyền thống hoặc giọng điệu ca từ cổ điển (dù có áp dụng hình thức bên ngoài – thơ 14 câu hay thơ tứ tuyệt…) Ví dụ của nhóm này gồm có Thomas McGrath (rất tiêu biểu), Louis Aragon, Miguel Hernández, Rafael Alberti, Mao Trạch Đông, William Blake (trong những bài thơ ngắn), Rubén Darío, Yannis Ritsos, Nancy Morejón, Don Gordon, Olga Cabral, Nelly Sachs.
6. Thi ca truyền đạt bằng sức mạnh tu từ của chính nó, thi ca của sự bột phát ngôn từ cực lạc. Tương tự loại 2 kể trên nhưng với thứ ngôn ngữ cao nhã hơn. Ví dụ gồm có William Blake (trong những bài thơ “tiên tri”), Léopold Senghor, Walt Whitman, Kenneth Fearing, Yannis Ritsos (trong vài bài thơ dài của ông), Anuradha Mahapatra, Joy Harjo (đôi khi), Dennis Brutus, Janice Mirikitani, Muriel Rukeyser.
7. Thi ca truyền đạt chủ yếu bằng lý luận hay phát biểu tri thức. Ví dụ W.H. Auden, Edwin Rolfe, Jack Beeching.
8. Thi ca mang tính tài liệu hoặc báo chí về giọng điệu hay phương pháp. Ví dụ gồm Agostinho Neto, Javier Heraud, Leonel Rugama, Zoe Anglesey (rất thường), Yannis Ritsos (đôi khi), Anna Swir (đôi khi), Nazim Hikmet (nhất là trong bài thơ dài-cả-một-cuốn-sách: Human Landscapes From My Country.)
9. Thi ca gây tác dụng bằng khôi hài, châm biếm, hoặc bằng tổng thể giọng điệu khôi hài hay châm biếm. Ví dụ gồm Kenneth Patchen (rất thường), Thomas McGrath (đôi khi,) Kenneth Fearing (thỉnh thoảng,) Mayakovsky (thường xuyên.)
Hiển nhiên là không nhà thơ nào nêu tên trên đây sáng tác thuần túy theo một thể cách hay văn phong phác họa kể trên. Tất cả đã viết ra thứ thi ca kết hợp nhuần nhuyễn những đặc tính hay những phương thức khác nhau được mô tả trên đây, và chắc chắn là không chỉ hạn chế trong những khả năng nhắc tới ở đây. Một lần nữa, danh sách kể trên chỉ nhằm mục đích nêu ra một số khả năng có sẵn, chứ không nhằm mục đích hạn chế hay định nghĩa một cách hạn hẹp.
Xin xác định ở đây một cách nghiêm túc rằng sự đúng đắn chính trị, hiểu một cách phù hợp, là điều tốt.
Cụm từ “đúng theo đường hướng chính trị” ban đầu có nghĩa là “lẽ phải nên thực thi một cách đúng đắn, (và / hoặc hợp luân lý, hợp đạo đức).” Nói “đúng theo đường hướng chính trị” đôi khi gây nhầm lẫn bởi vì điều đó nghe như “quyền hạn chính trị” (sự đúng đắn về chính trị-political right) (cái mà tự nó đã sai về phương diện chính trị.) Thành ra người ra rơi vào thói quen nói “đúng theo đường hướng chính trị” để thay vào đó, điều này đôi khi nghe có vẻ khoa trương nhưng lại ít gây nhầm lẫn hơn.
Làm thơ với nội dung chính trị tả phái, về giai cấp lao động, nghiêng về quần chúng, hay về cùng một bản chất, là chuyện đúng và nên làm.
Những ví dụ trên làm sáng tỏ sự việc rằng hoàn toàn có thể viết được những bài thơ hay với nội dung chính trị cấp tiến. Thực tế là thi ca chính trị tả phái, tiếp nhận như một tổng thể, là thi ca xuất sắc hơn loại thơ mà nhà thơ đã cố gắng loại trừ chính trị ra khỏi nó, hoặc loại thơ mà nhà thơ cố tình sáng tác từ một góc nhìn hữu khuynh (tôi giả sử một vài ví dụ của loại này thực sự có tồn tại.)
Chúng ta chẳng nên ngại ngần khi phát biểu – dĩ nhiên là không như những chiếu chỉ tuyệt đối từ Olympus, nhưng như những hành động của một niềm tin được minh xác:
Thơ của Carl Sandburg hay hơn thơ của Ezra Pound. Thơ của Miriel Rukeyser hay hơn thơ của T.S. Eliot.
Thơ của Thomas McGrath hay hơn thơ của Robert Lowell. Thơ của Langston Hughes hay hơn thơ của Wallace Stevens. Thơ của Gwendolyn Brooks hay hơn thơ của Marianne Moore.
Thơ của Mayakovsky hay hơn thơ của Akhmatova hay Mandelstam. Thơ của Brecht hay hơn thơ của Rilke. Thơ của Otto René Castillo và Leonel Rugama hay hơn thơ của Octavio Paz.
Thơ của Etheridge Knight hay hơn thơ của John Berryman. Thơ của Sharon Doubiago, Joy Harjo, Dale Jacobson, Luis Rodríguez và Nellie Wong hay hơn thơ của Jorie Graham hoặc Marvin Bell, C. K. Williams, Billy Collins hoặc Sharon Olds.
Chúng ta không cần tầng lớp cai trị (hoặc những đại biểu của nó về nghệ thuật hay văn chương) phán quyết rằng chúng ta có phải là những nhà thơ xuất sắc hay không. Tác phẩm thi ca của chúng ta, dòng lịch sử mà từ đó thi ca của chúng ta phát sinh, tự nó đã nói lên tất cả. Chúng ta khước từ những tiêu chuẩn “văn chương” loại bỏ chính trị như một chất liệu chủ thể thiết yếu và được chấp nhận.
Chúng ta thuộc về thế giới hiện thực của kẻ sống – hít thở, thay đổi, làm cách mạng – và cái thế giới thực (cùng với thứ thi ca phát sinh từ nó) là câu trả lời duy nhất chúng ta cần đưa ra.
Nguồn: http://www.pemmicanpress.com/articles/daggett-political-poetry.html
Có thể tìm đọc thêm phản hồi của Eric Racher về tiểu luận của Lyle Daggett ở http://www.pemmicanpress.com/articles/response-to-daggett-racher.html. Dịch giả hy vọng sẽ có cơ hội giới thiệu bài tiểu luận này trong thời gian tới để chúng ta có cái nhìn thăng bằng hơn về đề tài đang được thảo luận.
Trích:
“Tương tự như thế, sẽ khó viết được một bài thơ chính trị hay nếu bạn chưa bao giờ tham gia cuộc biểu tình phản chiến, hoặc đối đầu với đội cảnh sát trong áo giáp chống nổi loạn đang sẵn sàng tấn công, hoặc cố trả tiền nhà, hóa đơn tiền thuốc trong khi đã thất nghiệp sáu tháng trời. Những ví dụ hay nhất về thi ca chính trị tả phái được viết từ một sự hiểu biết có cơ sở về chính trị, và từ sự nhiệt tình tham gia những biến động lịch sử vào thời điểm và không gian nhà thơ sinh sống.”
Nghe thảm ghê! Tội quá đi mất! Hàng trăm triệu người thống khổ tột cùng dưới ách của Stalin, Mao, Pol Pot, Kim, Hồ chỉ mong bị thất nghiệp và sống lây lất dưới ách bóc lột của bọn tư bản mà cũng chẳng được.
Thơ chính trị thiên tả cực đoan chống Mỹ của ông “Nobel chính trị” Harold Pinter tôi thấy rất xỉn, để tránh nói là… thối. Người Anh gọi ông ta là “champagne socialist”. Harold Pinter và Tariq Ali đã làm quảng cáo không công cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Hà Nội rất nhiều trong thập niên 60 khi xuống đường tiếp đón Nguyễn Thị Bình và hô to khẩu hiệu: “Ho-Ho-Ho Chi Minh”.
Thơ Mayakovski hay hơn thơ Akhmatova? Tôi cũng không đồng ý. Trong thi tập Requiem danh tiếng, mô tả lại chính sách khủng bố của chủ nghĩa Stalin, Akhmatova (bị chính quyền lúc ấy gọi là “con mụ nửa đượi nửa nữ tu / half whore half nun) viết: “Một trăm triệu tiếng nói thét gào qua cửa miệng bị tra tấn của tôi” (trích dẫn không chính xác).
Thơ chống độc tài của Dần, Thiện, Tuyền, Yên rất hay.
Thơ của Otto René Castillo và Leonel Rugama hay hơn thơ của Octavio Paz (Nobel)? Tôi chưa đọc, chưa biết hai ông Otto René Castillo và Leonel Rugama nên không dám khẳng định.
Thơ Seifert (Nobel), Milosz, Havel, tả hay hữu?