Trang chính » Chuyên Đề, Sáng Tác, Thơ & Thời Đại, Trích đoạn tiểu thuyết Email bài này

những bản thế vì khai sinh bị xé rách (2)

eye_thumb_thumb.jpg

eye_thumb

 

Thế giới không ngừng thở.

 

Trong một xã hội đạo đức giả và man trá về chính trị, để sống được cho tử tế thì chỉ có một cách đáp trả bằng sự thô lỗ của ngôn từ. Tôi nghĩ điều ấy là đủ cho tất cả mọi giải thích về cái gọi là sự dơ dáy hay tục tĩu, rác rưởi mà bọn nô tài của chế độ gán cho văn chương nghệ thuật ngoài lề. Thô lỗ là sự thật của mọi sự thật. Khi sự thô lỗ có mặt, nó làm cho những cái đẹp giả tạo, những khuôn phép tù túng nhân danh thuần phong mỹ tục và sự ổn định chính trị trở thành đồ dỏm trơ trẽn.

Còn hắn không kịp thở.

 

Cần phải biến khỏi thế giới này. Hắn nghĩ thế. Nhưng biến đi đâu? Ý nghĩ của hắn được hiểu sang một nghĩa khác, thời sự chống Tàu. Chui vào một cái lỗ được không? Một người mới quen hắn ngập ngừng hỏi. Hắn nói, ông nói mông lung quá. Người kia bảo gợi ý thì không nên cụ thể. Hắn nghĩ, trong số dăm bảy đường lỗ của nhân sinh chỉ có cái lỗ của cô ấy có giá trị. Người kia nói tiếp, theo kinh nghiệm của tôi, ông nên kiếm một cái khách sạn, chui vào đó trước một đêm. Coi như ông mất dấu. Sáng hôm sau, ông có thể xuất hiện ở chỗ ông muốn và bọn công an không thể ngăn chặn. Hắn nói, tôi đi biểu tình chống Tàu xâm lăng, chứ không phải hoạt động bí mật. Tôi không muốn bị nhìn như kẻ có hành tung bí hiểm của các thế lực thù địch. Càng bí hiểm càng dễ chết.

Hắn đi tìm một cô gái.

Những cuộc xuống đường không vô vọng.

 

Những người biểu tình chống Trung Quốc bành trướng đột nhiên xuất hiện vào cuối năm 2007 đã khởi đầu cho một bước ngoặt trong suốt chiều dài lịch sử của chế độ toàn trị. Lần đầu tiên, người dân biết từ chối sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước để bày tỏ thái độ chính trị của mình. Từ đấy, cũng lần đầu tiên, khái niệm nhà báo công dân được hình thành để nói tiếng nói của mình, độc lập và khác biệt với truyền thông nhà nước. Diễn biến này được tiếp tục thổi bùng nên trong mùa hè 2011 với những cuộc biểu tình chống Trung Quốc rầm rộ và lâu dài hơn. Cùng với những tranh chấp giữa giáo hội Công giáo và nhà nước về vấn đề đất đai, cũng như vụ xử một công dân mang tên Cù Huy Hà Vũ vì những chính kiến bất đồng, đã đẩy cuộc sống đến gần hơn với khái niệm xã hội dân sự.

Giữa khái niệm và hiện thực là khoảng cách của khủng bố và nhà tù.

 

Hòa bình và bất bạo động đang trở thành vũ khí đấu tranh cho tự do và dân chủ ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng số phận dành cho những kẻ lót đường lịch sử bao giờ cũng là khủng bố, nhà tù và cái chết.

Trong quán cà phê, một sĩ quan an ninh hỏi hắn, liệu chủ nghĩa hậu hiện đại có xóa sổ chủ nghĩa cộng sản không? Hắn nói, trong bối cảnh của xã hội Việt Nam đương đại với một chủ nghĩa cộng sản trên lý thuyết và một chủ nghĩa tư bản man dã hiện thực kết hợp với hậu quả của cuộc nội chiến lâu dài đã tạo ra một hiện tượng xã hội hậu hiện đại vô cùng sống động từ trong bề sâu đến bề mặt của cuộc sống. Vì thế, chủ nghĩa hậu hiện đại không xóa sổ chủ nghĩa cộng sản trên thực tế mà chủ nghĩa cộng sản trở thành một nhân tố của cái hậu hiện đại hổ lốn. Trong khi đó, chủ nghĩa cộng sản đã bị lột mặt nạ trên phạm vi toàn cầu, các tư tưởng vá víu mà các ông dùng để làm kim chỉ nam cho đường lối cai trị đang trở thành phương tiện giễu nhại cho cái chủ nghĩa hậu hiện đại khốn kiếp vô luân vô thường. Và dù muốn hay không chủ nghĩa hậu hiện đại đã trở thành hiện thực trong cuộc sống và nó biến sự độc tôn của chủ nghĩa cộng sản thành trò hề.

Viên sĩ quan nói, mày là cái đuôi của bọn phản động nước ngoài.

Một nhà nước pháp quyền không bao giờ tồn tại trong một thể chế độc tài.

 

Một viên công an nói, nếu mày tiếp tục viết theo kiểu những bài trên Talawas, bọn tao sẽ củng cố hồ sơ bắt mày. May quá, Talawas đã chết. Nhưng vẫn còn cái để hăm he. Công an nói, mày không được viết cho BBC và RFA.

 

Tôi đi tìm một cái lỗ.

 

Có vẻ như đó là cách an toàn nhất để đi hết cuộc đời này. Tôi nói, tôi có một cái lỗ mồm. Cô ấy bảo, em có một cái lỗ thoát. Cái lỗ mồm thường là đầu mối của mọi tai họa. Trong khi cái lỗ thoát dường như lại là chỗ để giải oan. Các nhà nữ quyền bảo tôi là kẻ khinh thường phụ nữ khi giản lược họ vào một cái lỗ. Họ quên rằng với tôi, cái lỗ là tối thượng khi nó vừa giải oan vừa là chỗ cuối cùng cho một đời người như lỗ huyệt. Quả thực, cảm thức về sự chết khi tôi thu gọn mình trong một cái lỗ chính là sự bình an tuyệt đối, trút bỏ toàn bộ mọi vướng mắc triền phược và bước vào cảnh giới vô vi.

Tôi nói với cô ấy, hãy đi với anh, khi cô ấy bảo em biết “26 lần tờ bờ lờ” (*) của anh là gì.

Đến nơi vô sở trú và vô vi với nhau. Tôi nghĩ cô ấy hiểu được điều này. Tôi trở nên không trọng lực. Một trạng thái vật lý hoàn toàn. Và cái lỗ thoát đã hút lấy tôi giống như lỗ đen vũ trụ. Trong lúc bay vào cái lỗ đó, tôi nhủ thầm phải trút bỏ ý thức, trút bỏ thực tại để thực tại trở thành vĩnh cửu. Và giống như một giấc mơ, tôi biến thành chiếc lá. Thời gian có ý nghĩa nhất chính là khoảnh khắc chiếc lá đã rời cành và lơ lửng trước khi nó rơi xuống đất. Tuy nhiên, khi tôi biến thành chiếc lá, nó đã không bao giờ rơi xuống đất mà vĩnh viễn lơ lửng trên miệng hố thẳm.

Cô ấy biết cổ là hố thẳm của tôi.

Vì thế, bất cứ khi nào tôi muốn chết, cô ấy cũng ở bên tôi.

Cô ấy nói, độc thần giáo chỉ là bản thế vì của một tình yêu tuyệt đối. Nhưng em chưa bao giờ yêu anh vì thế cuộc đời anh chỉ là một bản án treo trước cửa thiên đàng. Hãy nhớ điều này và ăn năn sám hối. Em có một lỗ thoát, nhưng anh sẽ không bao giờ thoát.

Tôi gào lên. Thoát. Thoát.

Tờ bờ lờ lần thứ 27.

 

Đã 26 lần tờ bờ lờ thì có thể có đến hàng ngàn lần tờ bờ lờ. Nhưng cũng giống như độc thần giáo, tờ bờ lờ trước hết là một nghi thức hiến tế toàn thiêu. Tôi tự hủy và nâng mình lên thành nước và nước hòa với nước thành một thứ nước thánh. Lần thứ 27 tờ bờ lờ cô ấy lặng đi trên một đám mây quái vật rực rỡ ánh sáng. Sau đó, nước từ đám mây tan ra và biến thành một cơn mưa bất chợt.

Chúng tôi đi dưới mưa để bôi xóa quá khứ. Bôi xóa mọi thứ đã từng hiện hữu và bước đến độ không của thực tại.

 

Tôi gọi cô ấy là lờ hờ tờ.

 

Tiếng cười của cô ấy trong veo. Từ tối hôm trước cho đến ngày hôm sau, tôi vẫn còn nghe tiếng cười ấy như thể cô ấy vẫn còn thích thú với việc 26 lần tờ bờ lờ. Cô ấy nói em muốn đọc. Tôi bảo đó là một cái bẫy. Cô ấy nói nhẩy qua một cái bẫy không hẳn là không vui.

Đến lúc tôi cho rằng không có biên giới nào giữa các thể loại văn học cũng giống như việc tôi coi 26 lần tờ bờ lờ là một tiểu thuyết khi thực ra nó chỉ là 26 truyện ngắn được viết trong cùng một tâm thức, một bút pháp. Và điều ấy cũng tương tự như tờ bờ lờ và lờ hờ tờ được ghép nối với nhau thành tờ bờ lờ hờ tờ. Một văn bản tự bản chất bao giờ cũng là một liên văn bản.

Da của cô ấy rất trắng. Như trong suốt.

Và ánh sáng đã đến thế gian xua đi tăm tối, cho dù tăm tối không nhận biết được ánh sáng.

Cô ấy cảnh báo tôi, em rất điên.

 

Tôi không cảm thấy có điều gì phải nghi ngại. Bởi vì tôi luôn sẵn sàng cho một cuộc tự hủy toàn diện. Chỉ có những cơn điên mới giải thoát chúng ta khỏi thế giới này.

Nhưng hắn vẫn chìm đắm trong vô thức của cuộc sống thực vật.

 

Trong lúc lau rửa cho hắn, đôi khi cô mân mê cục thịt gieo giống của hắn. Nó vẫn có khả năng dựng đứng của sự phục sinh tiềm ẩn. Cô nói, để em giải quyết cho anh, với một lòng thương xót vô hạn. Và cục thịt vô hồn vẫn phun trào sự sống bầy nhầy và tanh tưởi. Cô nói, em không biết như thế có tốt hơn cho anh không, nhưng em tin rằng một đời sống cho dù thế nào vẫn cần được ứng đáp từ sâu thẳm nhất, khi còn có thể được.

Nó có thể là hồi quang trong tăm tối cái động lực tồn tại mơ hồ của hắn.

Tuy nhiên, với cô dường như có sự chồng lấn giữa hai người đàn ông là tôi và hắn khi cô làm tình. Nhưng đó không phải là điều cô bận tâm.

Đôi khi tôi cảm thấy mình chỉ là một phương tiện.

Cô ấy cười nói như tiếng thủy tinh vỡ.

 

Tôi tháo chiếc khăn quàng ra khỏi cổ và kéo áo trượt xuống khỏi vai cô. Nhìn ngắm đôi vai trần thon thả của cô, tôi nói cảm giác về sự sa ngã lúc nào cũng lạ, mặc dù nó mang tính tông truyền. Dường như với mỗi người đàn ông, sự sa ngã nào cũng là lần đầu. Cô ấy cười bảo, anh xạo quá. Đàn ông lúc nào cũng màu mè và giả dối. Em không tin anh. Em thích sự hung bạo chân thật. Thi sĩ là bọn dỏm nhất trần đời. Trí thức là bọn đáng khinh bỉ không có đối tượng để so sánh.

Chẳng có điều gì quan trọng.

 

Anh là đồ heo nọc. Em là đồ đĩ ngựa. Anh là đồ chó má. Em là con điếm non. Trên đám mây hoàng hôn, viền ánh sáng rạng ngời. Hắn đã trồi lên khỏi mặt nước và nhìn ngắm đám mây xa lạ. Khoảng trống trên đầu hắn vỡ ra từng mảng loang lổ, hắn quơ tay vào khoảng trống và đụng vào những miếng thủy tinh vỡ. Cô nói, hiếp em đi.

Ngay cả những giấc mơ cũng biến khỏi hắn.

 

Trong đầu hắn chỉ còn những tấm màn buông rủ của một sân khấu đã đóng cửa. Và từng chỗ trong đầu hắn bắt đầu lên men. Sự thầm lặng ủ ê cùng bóng tối làm mờ dần cả ký ức, hắn đang bị xóa nhòa và đó là một quá trình có vẻ như tất yếu. Hắn không còn một chút ý thức nào để kháng cự. Nhưng chắc chắn là hắn không chết, hắn vẫn hiện hữu nhưng không sống. Sự lên men làm biến đổi hắn thành một thực tại khác.

Thật sự thì cô đang hiếp hắn. Cô ngồi trên người hắn và dấn sâu vào khoảng không giữa háng một hoang tưởng dâm loạn với cả thế giới. Cũng có một sự thật khác là cô vẫn giải quyết chuyện đó một mình trong phòng tắm với mọi thứ chai lọ mà cô có. Cô nói, cũng không khác những người đàn ông đi ngang đời cô.

Hắn nghĩ đã tìm thấy người đàn bà của mình.

 

Cô khẳng định rằng có hắn hay không có hắn cũng không có gì quan trọng. Bởi vì có hắn cũng không vui gì hơn, mà không có hắn thì cô ngủ với người khác hoặc những thứ chai lọ linh tinh. Có một cô gái đâm bổ vào đời cô và tuyên xưng trên blog của mình rằng cô chính là chồng của cô ta. Cô thấy cũng hay hay và không hề cải chính. Làm chồng một cô gái chính là một thứ nữ quyền khả dĩ cho phép cô bình đẳng tuyệt đối trong quan hệ xã hội. Nhưng thật ra cô không quan tâm đến chuyện nữ quyền, với cô chỉ là “cái gì tôi thích thì tôi làm”. Nó mặc định một thái độ tự tin và tự do. Vấn đề không phải là tranh đấu để giành lấy một điều gì, mà sự hành xử là quyền tất yếu tự ở bản thân mỗi người. Điều này làm cho cô thoải mái. Cho nên, làm chồng một cô gái khác chỉ là một trải nghiệm về cảm giác, “cũng vui thôi” như cô nói. Cô không cảm thấy có liên can gì đến việc có luân lý đạo đức hay không.

Một cô gái khác cũng là một cô gái.

 

Trong cuộc sống của cô ấy có những điểm nối giống như những điểm toán học không gian. Khi cô nối từ điểm này đến điểm khác, thì điều ấy không có nghĩa là cuộc đời cô phải chạy theo như đến với một người đàn ông hay đàn bà và nằm trong vòng tay của họ. Cuộc sống của cô chỉ là những ý niệm. Vì thế, khi cô nối một người này với một người kia, hay chính cô nối với từng người hay tất cả trong số họ, thì điếu ấy chỉ diễn ra trong ý nghĩ của cô và cô thể hiện nó bằng những kết nối trên không gian ảo. Hay nói một cách khác, cuộc sống chỉ là các hóa thân trên không gian ảo. Một thế giới tưởng như rộng mở, nhưng thật ra quá nhỏ bé và mơ hồ. Vì rốt cuộc chỉ có cô đụng chạm vào chính cô, như cách cô làm tình với cô gái mà cô nhận làm chồng.

Suy tưởng như một avatar và sống như một avatar là một cảm thức bên lề.

 

Nhà cầm quyền độc tài phản động nào cũng nhân danh sự ổn định và đẩy kẻ chính nghĩa tiến bộ về phía phản động. Vì thế hắn trở thành kẻ đi bên lề trái trong ý nghĩa đối kháng với hệ thống luật lệ. Cô ấy không phải độc tài hay phản động, nhưng cách của cô sống cũng đã đẩy hắn ra phía lề trái của sự bất chính. Và đến lượt hắn, cũng như cô, không bận tâm đến sự phù phiếm của thế giới. Hắn chỉ sống với những ý nghĩ của hắn vượt qua mọi thứ luân thường đạo lý. Bởi vì xét cho cùng, luân thường đạo lý nào cũng chỉ là những qui ước, mà hắn là kẻ đứng bên lề.

Sự thế vì của hắn đối với cuộc sống, vì thế luôn có nguy cơ bị lật mặt nạ. Sự tổn thương mà hắn thường trực cảm nhận đôi khi lại là cơ hội để hắn và cô gần nhau. Khi ấy, cô và hắn sống trong một trạng thái còn hơn cả sự loạn luân.

Thật ra, cô ấy rất chính chuyên.

 

Ba phần tư nhân loại ở xứ sở cô vẫn cho rằng cô là một kẻ lăng nhăng bại hoại khi đi lại với một nhân vật quyền thế. Kẻ quyền thế thì ai cũng biết, vì thế người ta biết cô. Nhưng chẳng mấy ai biết cô thật sự chỉ sống trung thành với một người đàn ông vô danh. Một gã đàn ông vô danh trong thời đại thông tin toàn cầu băng thông rộng tất nhiên đáng bị coi là không có. Vì thế cô vẫn là người lăng nhăng bại hoại. Cô có một avatar và cái avatar này quyết định nhân cách của cô về mặt công luận. Và đấy là trò chơi của cô, người buôn chuyện. Người buôn chuyện này đẻ ra người buôn chuyện kia và tạo thành một cộng đồng những kẻ buôn chuyện. Cô không có ý định đóng vai trò tuyên giáo, vì thế cái dư luận mà cô muốn tạo ra là sự vô nghĩa và tầm phào của chính cái dư luận ấy. Rỡn mặt với công luận hẳn nhiên phải dũng cảm hoặc có lòng khinh bỉ tột cùng với thế giới.

Mặc dù, chồng cô vô danh, nhưng may mắn vì thế không có một avatar. Hắn chỉ sống với chính hắn và mụ vợ thật của hắn.

Một người không có avatar là một người công chính.

 

Trong một xã hội hỗn loạn về giá trị và hệ thống, tất nẩy sinh một hiện tượng hậu hiện đại bất kể quá trình lịch sử của nó như thế nào. Từ bối cảnh chung đến từng con người, không ai thoát khỏi sự phân mảnh và sự giải thể nhân cách xét như sự nhất quán về tính cách cá nhân. Cô không chỉ có một avatar mà thậm chí nhiều avatar. Cô trở thành người đa nhân cách. Những nhân cách được lai ghép và giễu nhại lẫn nhau biến cô thành một siêu nhân cách, vô thể loại.

Dẫu sao, sự khác biệt mà cô thể hiện quả là một đặc trưng của thời đại.

Và cô được lắng nghe.

 

Không riêng gì cô, ai cũng muốn được đi lại với những người quyền thế. Vấn đề chỉ là có cơ hội hay không. Bởi vì ai cũng sẵn sàng mất chút ít cái vô hình là nhân cách để nhận lại rất nhiều cái lợi thiết thực. Và người quyền thế chấp nhận cái tương quan trịch thượng ấy như một biểu tượng của quyền lực và sự giải trí dễ dãi. Ai cũng có cái để được. Quyền lực xét cho cùng cũng chỉ là quyền được sống trên lưng và phẩm cách người khác.

Trong xã hội Việt Nam đương đại, dường như người ta vẫn sống với một tâm thức hiện đại nhưng lại có biểu hiện của một hội chứng hậu hiện đại. Có thể đó là kết quả của sự phối ngẫu nghịch lý giữa một lý tưởng xã hội xã hội chủ nghĩa giáo điều với nền kinh tế thị trường vô nhân tính.

Cô trở thành một người giàu có và sự giàu có mang đến cho cô những thứ quyền lực khác.

Cô ấy muốn sở hữu những bức tranh của tôi.

 

Tôi có một số tranh do bạn bè tặng. Những bức tôi thích có thể kể là của Đào Minh Tri, vẽ mấy con cá ngựa với những đường nét xuất thần. Một bức sơn mài của Thành Chương vẽ một cô gái vàng với một biểu tượng hình tam giác nhọn cực mạnh trên khuôn mặt. Một bức của Lê Thánh Thư với rừng mía ngọt ngào, nồng ấm trăng mật. Một bức trừu tượng của cải lương chi bảo Bạch Tuyết như một tiếng hát vỡ ngực. Một bức chân dung tôi hồn nhiên vô tội của Đinh Quân. Cô ấy bảo giao mấy bức tranh đó cho cổ, tôi muốn gì cũng được. Tôi cười bảo, dễ thôi, em cứ đổi em cho anh là xong.

Nhưng cố ấy không thuộc về ai.

 

Cô ấy nói, em quí trọng và biết ơn những gì anh dành cho em, nhưng em không thể là của anh. Bởi vì em không còn gì cho anh.

Chúa xóa tội trần gian. Một cảm giác cạn kiệt đã bám lấy tôi suốt thời gian qua khi cô ấy từ khước tôi, dã man đến độ phủ nhận sự có mặt của tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn chờ đợi sự cạn kiệt của hai linh hồn trống rỗng đến lúc tìm thấy một chỗ liên thông.

Cơn điên của cô ấy không có dấu hiệu chấm dứt.

Cô ấy phỉ báng tôi như một thằng lừa lọc khốn kiếp. Và tôi là kẻ bất xứng. Khi cô ấy thông báo, em sẽ ở lại Hội An hết mùa hè, dạ dày tôi nôn nao, khó thở, sau đó máu hộc ra từ miệng. Tôi không nghĩ cái phản ứng thuần sinh lý kia lại ghê gớm đến thế. Tôi biết cô ấy ở lại Hội An vì một người đàn ông khác. Cô ấy luôn luôn vì một cái gì khác không phải tôi. Cho dù tôi tin rằng không có ai yêu cô ấy bằng tôi.

Tình yêu không được định nghĩa bằng sự trung thành. Cả cô ấy và tôi đều biết thế, nhưng cô ấy vẫn đòi hỏi tôi một sự trinh bạch.

Những ngày vắng cô ấy rất buồn. Tôi đã hôn những chiếc lá, những đám mây, những làn da nám. Tôi cần phải bám vào bất cứ cái gì để cảm thấy mình không mất tích. Nhưng tôi cũng không giữ được tôi để khỏi trôi đi. Tôi trở thành kẻ lang chạ. Và cô ấy đã trừng phạt tôi bằng cách tôi phải biến đi không tăm tích.

Và tôi đã là người không tăm tích.

 

Sáng chủ nhật, gã an ninh vẫn theo tôi hỏi, ông có nhà không? Tôi nói có thì sao? Gã bảo, đi uống cà phê thôi.

Thay vì bám theo canh giữ, tôi bị kiểm soát trực tiếp và hoàn toàn theo một kiểu khác.

Đây là một tình huống rất trớ trêu. Có một kẻ nào đó rỗi hơi trông thấy tôi ngồi với công an sẽ rêu rao ngay rằng, tôi là công an hoặc làm việc cho công an. Tôi cũng không biết đây có phải là một trong những cách của công an để mọi người nghi kỵ lẫn nhau hay không, nhưng rõ ràng đã có một số nạn nhân trở thành đối tượng bị bạn bè nghi ngại. Trong một xã hội mà ai cũng có thể là công an hoặc bị nghi là công an, quả thật khốn nạn. Khi sự phản trắc và sợ hãi trở thành tất yếu trong cuộc sống thì cuộc sống đó đã bị hủy diệt. Mọi chế độ độc tài đều nhằm hủy diệt cuộc sống.

Cho dù chỉ là đi uống cà phê, thì cà phê đó cũng đã là thuốc độc.

Cho dù nói chuyện thân thiện, thì sự thân thiện đó cũng không thoát được cái mục đích kiềm tỏa.

Cho dù chỉ mất một chút thời gian, thì thời gian đó cũng là giam hãm.

Có một gã an ninh kè kè bên cạnh, dù thế nào cũng là khủng bố.

Thằng Click bảo dân tộc mày vừa gian vừa dâm.

 

Hắn bảo ừ. Không chối vào đâu được. Cái thế đu dây hai hàng thế thời phải thế. Lươn lẹo vốn là một nghệ thuật đỉnh cao trí tuệ của dân tộc tao. Từ chiến tranh cho đến hòa bình, từ nô lệ đến quyền lực, từ nhân dân đến chính quyền, dân tộc tao chỉ có mỗi một chiêu bách chiến bách thắng là đánh du kích. Binh pháp thượng thừa gọi là hạ sách hay hạ cấp, người bình dân gọi là đánh dưới lưng quần. Các tuyên bố ngoại giao ở Bắc Kinh hay Washington đều chỉ là vuốt ve theo kiểu vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề của cặp đôi Nguyễn Du – Vương Thúy Kiều lầu xanh một thuở. Cho nên dân tộc tao được gọi là dân tộc “Kinh”.

Cho dù là kinh nguyệt hay kinh hãi cũng đều là kinh.

 

Hắn bảo máu kinh là thiêng liêng vì máu kinh là máu dân tộc máu của sự sống và truyền lưu giống nòi. Kinh cũng là to lớn, vì thế máu kinh mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Chỉ những kẻ yêu nhau tận cùng mới lắng nghe và thấu hiểu được máu kinh dậm dật như thế nào. Hắn bảo, hãy đánh dấu máu kinh vào mỗi cửa nhà và trên trán con người để được chứng nhận là con của rồng và biểu thị tính nhân văn và thời đại.

Máu kinh còn, dân tộc còn. Dân tộc còn, tổ quốc còn.

 

Cô ấy bảo, hắn không nói bậy không sống được. Nhưng hắn phát biểu, diễn ngôn của tôi thuộc về chân lý và cho chân lý. Còn gã an ninh chỉ lầm bầm, địt mẹ mày.

Ai xúi mày?

 

Trong hệ thống, không một cá nhân nào có thể có những hành động và suy nghĩ độc lập. Như tất cả mọi công dân trong hệ thống, hắn không được nhìn nhận có khả năng và biểu thị chính kiến của mình, mà nhất thiết phải do một thế lực thù địch nào đó xúi giục. Bởi tất cả mọi công dân hợp pháp đều được bao cấp về tư tưởng, chỉ nghĩ và hành động theo chỉ đạo của hệ thống. Không có khái niệm con người trong hệ thống, mọi khác biệt đều bị khinh miệt và nghi ngờ.

Sự vận hành trong hệ thống là mối quan hệ loại trừ. Hoặc bầy đàn, hoặc phải chết. Không có chỗ cho con người tự do.

Tôi cũng chỉ muốn văng tục.

 

Trong khí quyển của cuộc sống này, hoặc thánh hay đồ con heo mới không văng tục. Văng tục là chân lý và sự cứu rỗi. Văng tục là hạo nhiên chính khí của AQ và Chí Phèo.

“Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”.

Trong lúc cởi đồ, cô nói, anh nói tục cho em nghe đi. Và hắn nói.

Trên tấm ván của thân xác, linh hồn cô bị ghim chặt bởi những mũi dao do hắn phóng ra. Và hắn chà đạp cô như cách người ta bóc một hột điều. Nhục hình của ngôn ngữ làm cho cô hưng phấn. Càng lúc cô càng nứng và chỗi dậy từ sâu thẳm một trạng thái phi phàm, không phải thần thánh hay ma quỉ, mà viên mãn cực độ. Nó giải phóng toàn bộ mọi bóng tối che khuất cô và đưa cô ra giữa ánh sáng huy hoàng của cái nguồn cội sự sống vĩnh cửu.

Nhưng cô nói, giết chết em đi.

Và cô nói, đập nát em đi.

Thế giới không tồn tại như lẽ ra nó phải thế.

Cô bỏ trốn. Không phải vì cô đã bị lột trần ra trước mặt nhân gian. Mà bởi sự kinh tởm của cô đối với cách người ta chiếm hữu một người khác.

Tôi nhặt các mảnh vỡ cô bỏ lại. Những nụ hôn còn vương vãi khắp thân thể. Và tôi sẽ lưu giữ ít nước bọt của cô trong miệng cho đến lúc tôi qua đời.

Những biến thể của ngôn ngữ và những hành trạng thú vật.

Một nhà biên kịch đề nghị viết lại câu chuyện của tôi với cô ấy thành phim. Tuy nhiên, anh ta không muốn có tên tôi trong tư cách đồng tác giả kịch bản, vì tên tôi đã bị loại trừ và sẽ gây khó khăn trong việc xin phép sản xuất. Tôi bảo cứ trả tiền tôi là được. Tôi không có ý định nổi tiếng như những danh nhân điện ảnh nước nhà. Hắn OK. Tôi bảo cứ thế mà làm.

Nhìn thấy cách người ta nhìn mình cũng vui.

Ba tháng sau, hắn đưa tôi xem kịch bản. Tôi bảo, ông viết sao cũng được, điện ảnh không phải là việc của tôi. Tuy nhiên, tôi cũng đọc qua và nói ý kiến của mình. “Cô ấy bỏ đi vì cô ấy muốn thế. Cô tự chọn cho mình một cách sống và không dành cho một ai. Việc ông cho cô ấy quay về để hòa giải với tôi, hoặc chính cô ấy như cách mình vì mọi người, mọi người vì mình theo kiểu xã hội chủ nghĩa đạo đức giả ấy, sẽ mâu thuẫn với toàn bộ tính cách của cô ấy. Đó là cách ông giết nhân vật của chính mình”.

Hắn bảo, “vì tôi không muốn bị hội đồng duyệt phim giết”.

Tôi nói, “tùy ông thôi, như tôi đã nói, điện ảnh không phải là việc của tôi”.

Tuy thận trọng đến như thế, nhà đầu tư cũng đã buộc hắn phải làm nhẹ bớt tính cách của nhân vật cho nó không có vẻ khác thường.

Không một nhà đầu tư nào muốn tự gây khó cho mình, bởi vậy họ có một nguyên tắc là không làm cái gì quá sự thông thường của những đầu óc tư duy mẫu mực.

Sáu tháng sau, bộ phim hoàn thành.

Cho dù tất cả những thành viên của hội đồng duyệt phim đều được chi tiền, họ vẫn yêu cầu phải sửa một số đoạn, “vì nó làm ảnh hưởng đến hình ảnh của một xã hội tốt đẹp như xã hội ta”.

Hắn thích đi lộn đầu xuống đất.

 

Hắn nói, nghệ sĩ và trí thức các ông ngây thơ bỏ mẹ. Cái ác và cái vô cảm ở đất nước này nó vượt quá trí tưởng tượng sáng tạo của các ông, cho nên các ông không tin mình đã bị bán đứng, đất nước bị bán đứng, tất cả bị bán đứng chỉ đơn giản vì quyền lợi của một thiểu số người. Cái việc mà mấy ông cho rằng các ông đang làm vì chính nghĩa, vì sự mất còn của tổ quốc cũng chỉ là chiêu thức của họ. Tất cả các ông đều là con rối. Tất cả các ông đều đang cúc cung phục vụ cho họ mà cứ tưởng mình sáng suốt, anh hùng các loại. Các ông chỉ là một chi tiết trong kịch bản của họ. Và họ có thể xóa sổ các ông bất cứ lúc nào.

Vì đó là lộ trình đến thiên đàng.

 

Hắn nói, một phim về hậu hiện đại nhé. Ừ, tưởng khó mà dễ. Ông cứ lôi hết những gì tai nghe mắt thấy vào phim, ông sẽ thấy cái mà người ta vẫn nói về hậu hiện đại thực sự khủng khiếp và hiện thực đến như thế nào.

Nhưng một tác phẩm chỉ có thể là hậu hiện đại khi nó là một diễn ngôn có ý thức. Nó khác với sự hổ lốn, lắp ghép… cho dù đó là một mô phỏng thực trạng có thật.

Hắn nói, tôi đã thấy hiện tượng trước khi tôi nghĩ về một tác phẩm hậu hiện đại phải được trình bày như thế nào. Đó là một tình trạng hỗn loạn, nhố nhăng, nát bét không còn bất cứ thứ chuẩn nào định vị văn hóa hay giá trị và nó đan quyện vào nhau thành một khối gọi là thời thượng, vừa cố níu kéo nhân danh truyền thống vừa thóa mạ văn minh. Trâng tráo và phù phiếm. Nó là hội chứng thặng dư giá trị hay năng lượng thừa của một xã hội chạy theo cái giả tạo. Đó cũng là hiện tượng biểu kiến của một xã hội mất nền tảng.

Một tôi khác.

 

Ngày ra mắt phim, hắn mời tôi đi xem. Tôi phân vân. Tôi không muốn nhìn thấy mình như một thằng đĩ bợm nửa mùa. Cái thứ nghệ sĩ được mô tả trên mọi loại sách báo, phim ảnh, hay mọi cuộc trình diễn khác… không bao giờ là tôi. Cái thứ con người của đám đông, của mọi kiểu hình mẫu… cũng không bao giờ là tôi.

Tôi là thứ không thể mô tả, trình diễn. Nhưng tôi cũng muốn nhìn thấy một tôi khác. Tôi nói với hắn, tôi sẽ đến. Hắn bảo, chúng tôi sẽ có một cuộc giao lưu, nếu ông muốn. Tôi nói, tha cho tôi. Tôi không chịu nổi những câu hỏi ấm ớ.

Cuối cùng tôi đã không đến. Tôi rủ cô ấy vào khách sạn tự đóng một bộ phim khác.

Hắn tởm lợm.

 

Hắn đã từng nhận lời mời của Hội đồng Anh để nói chuyện về văn chương với độc giả. Nhưng việc đó đã không thể thực hiện được do sự ngăn cản của nhà nước vào phút chót.

Không thể nói những gì mình muốn ở nơi công cộng.

Hội thảo do một nhóm trí thức Công giáo tổ chức nhằm minh chứng chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo ở Biển Đông đã không thành vì sức ép của chính quyền. Chỉ với tư cách khách mời, hắn cũng đã bị công an mời làm việc.

Không thể nghe những gì mình muốn ở nơi công cộng.

Hắn bảo, mọi thứ hội hè, giao lưu trên đất nước này chỉ là những trò mèo tởm lợm.

Gã an ninh bảo, không phải chúng mày muốn là được.

Đồ khốn nạn.

 

Bản thân cô ấy cũng không muốn đi xem phim. Vì em không muốn nhìn thấy chúng ta là những kẻ rẻ tiền hay sang trọng một cách kệch cỡm, cô ấy nói. Tôi bảo, chắc cũng không đến nỗi vậy. Bọn điện ảnh hay bọn làm nghệ thuật nói chung đều sa đọa trong tư duy về nghệ thuật, cô nói, bọn chúng ăn phải bả “cái đẹp cứu rỗi thế giới”, mà cái đẹp là cái gì cơ chứ? Thế giới có cần cứu rỗi không?

Cô nói tiếp, cả thế giới này đều là những con vẹt.

Bọn chúng trùm mền bú đít lẫn nhau và tuyên xưng nghệ thuật vì con người.

Cô ấy nói, em ghét anh.

Điều đó không bình thường. Tôi không vui vì có cảm giác miễn cưỡng trong cách cô ấy chiều chuộng tôi. Có một khoảng cách đang lớn dần lên giữa hai chúng tôi. Đã đến lúc phải xa nhau rồi, tôi nghĩ. Cô ấy hỏi, không còn em, anh chịu đựng được chứ? Tôi nói, không đến nỗi chết. Nhưng chắc chắn anh sẽ buồn lâu.

Đến bây giờ, tôi vẫn còn buồn và không khỏi không nhớ đến cô ấy, từng giây.

Chuồn chuồn, châu chấu vẫn bay.

Bất động và im lặng tuyệt cùng, hắn chìm sâu ở dưới ấy. Nhưng thi thoảng nhờ em gái giúp trong lúc tắm rửa, sự sống lóe sáng từ những cơn phóng tinh dật dờ biểu tượng của hắn.

Tôi cũng chìm sâu dưới ấy.

 

Hai bàn chân tôi đạp thoi thóp. Rong rêu bám vào chân tôi. Tôi nghĩ, cần phải thoát ra khỏi chỗ này. Nhưng khi chồi lên khỏi mặt nước, một khoảng trống khác mênh mông hơn làm tôi chới với. Tôi lại nghĩ, đây là cái chết của mình. Một cơn gió bay ngang hút hết hơi thở của tôi. Bây giờ, cả bên trong linh hồn tôi cũng trống rỗng. Tôi nghĩ, mình không còn gì nữa. Và tôi muốn nói với cô ấy, anh không còn gì nữa. Nhưng tôi không nói ra lời. Tôi đã là một cái xác im lặng.

Người ta gọi tôi là ma.

 

Suốt 49 ngày, tôi được cúng cơm. Đến ngày thứ 50, trở thành con ma đói, tôi lang thang và đi xuyên qua thế giới này như âm vọng. Và tôi va đập với thế giới một cách mù quáng.

Cả cái chết cũng chỉ là một sự thật biểu kiến của vĩnh hằng.

 

(*) Tên một tiểu thuyết của Nguyễn Viện.

bài đã đăng của Nguyễn Viện

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

1 Bình luận

  • Trương Đức says:

    Từ hồi đọc bài viết của Đặng Thân nói rằng, anh Viện là “nhà thơ thánh ám”, tôi đã mường tượng phần nào cái nghĩa “thánh ám” trong văn chương Nguyễn Viện, chỉ mường tượng thôi, chưa thấy rõ nét. Và từ đó tôi say mê đọc anh, cũng hòng để đi đến được cái “bức tường thánh” mà, theo trí tưởng tượng của tôi, anh Viện đang, vừa “ngồi bên lề rất trái”, vừa “đạp chân vào bầu trời” trên đó. Và, phép lạ xảy ra chăng, đọc bài “Những bản thế vì khai sinh bị xé rách (1) và (2)” này của anh, tôi chợt thấy mình đang đứng dưới chân “bức tường thánh” ấy.

    Anh Viện nói: “Và tôi vẫn viết như một kẻ lạc đường.”!

    Thời gian talawas “còn sống”, tôi có đọc được một bài viết của Aleksandr Solzhenitsyn, trong đó nhà văn Nga nổi tiếng này phát biểu rằng: “Thuở nhỏ, cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi nhớ là thường nghe nhiều người có tuổi đưa ra lời giải thích như sau về những tai ương lớn đã giáng xuống nước Nga: con người đã quên Chúa; vì vậy đã xảy ra mọi cơ sự.”

    Trên trang vanchuongviet.org, giáo sư Nguyễn Quỳnh có nói về thơ rất… “thơ” rằng: “Thơ là âm-nhạc trong ngôn-ngữ rất tự-nhiên (a priori) của con người”, và anh Viện thì cho tôi một định nghĩa khác cũng rất “thơ” như thế này: “Thơ là một thứ bùa chú cho những cuộc lên/xuống đường của con người. Nhưng thơ trước hết và sau hết vẫn là nghệ thuật của ngôn từ”.

    Tôi dẫn dắt dài dòng, cũng chỉ để nói lên một ý như thế này: nếu coi tự do và sự thật là một thứ “ngôn ngữ” của Thượng Đế, thì văn chương, nghệ thuật chính là những “bản dịch” của thứ “ngôn ngữ” ấy, và, các tác giả – nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sỹ, v.v…, tất nhiên, đích thực, – chính là những “dịch giả” cho “những lời của Chúa”, khi họ sáng tác. Anh Viện là “nhà văn thánh ám”, chính là ở ý như vậy, bởi vì, không ngoa chút nào, anh đã rất thành công trong việc “phiên dịch” những lời của “Thượng Đế” ra tiếng Việt trong các tác phẩm của mình. Người đọc như tôi, khi đọc những câu văn câu thơ của Nguyễn Viện, cảm nhận được ngay cái tự do và cái sự thật mà anh muốn nhắc đến, cảm nhận được ngay cái sự “dấn thân” của anh trong văn chương. Bởi vì, nói nôm na như thế này cho dễ hiểu: anh Viện nói, như… “thánh nói”!

    Tôi chỉ xin trích một câu văn này của anh Viện, ngụ ý là để “chứng minh” cho những gì tôi phát biểu ở trên: “Và ánh sáng đã đến thế gian xua đi tăm tối, cho dù tăm tối không nhận biết được ánh sáng.”

    Những “lời của Chúa” hàng ngày vẫn đang đến với chúng ta để xua đi “tăm tối”, cho dù, (khốn khổ thay!) chúng ta vẫn không nhận biết, vẫn “quên Chúa”! Đó là bởi vì, chúng ta không biết mình là “những kẻ lạc đường”!

    Những kẻ không biết mình “đang lạc đường”, đương nhiên không cần (nghe, thấy, cảm nhận) đến “lời chỉ đường của Chúa”, và, tất nhiên, cũng chẳng thể hiểu được “những bản dịch lời của Chúa” qua các nhà văn nhà thơ!

    Cái ý của anh Viện khi nói “Và tôi vẫn viết như một kẻ lạc đường.”, theo tôi, chính là ở cái ý nghĩa này!

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)