- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

xa hơn những ngọn sóng

 

 

51TGC5ZEH9L__BO2204203200_PIsitb-sticker-arrow-clickTopRight35-76_AA300_SH20_OU01__thumb

Elizabeth Marek là nhà tâm lý học. Bà đã xuất bản hai tác phẩm: The Children At Santa Clara (phi hư cấu) và Beyond the Waves (tiểu thuyết). Bà hiện đang sống cùng chồng và hai con tại New York.

Miranda khóa cửa lại phía sau lưng bố. Như thông lệ, em nghe căn nhà chìm dần vào khoảng im lặng chung quanh em. Nó bám lấy em như nước khi em trôi giạt vào phòng ngủ, rẽ lối cho em khi em chạm vào nó. Em cảm thấy lọn tóc em chạm vào lưng và em lắc màn tóc trước trán cho tới khi chúng rủ xuống mắt che khuất những bức tường, và em chỉ còn nhìn thấy tóc. Ấy là lúc xem nhìn xuống những ngón chân mình.

Em ngồi lên tấm khăn trải giường có hoa và cởi vớ. Chúng nó vẫn còn đó. Em cầm mỗi tay một chiếc và khẽ xoắn chúng qua lại. Chú lợn con này đi ra chợ. Chú lợn con này ở lại nhà. Em cẩn thận kỳ sạch đất quanh những móng chân. Em lấy tay cấu ngón chân út và mỉm cười vì nó đau. Em lại cười khi em bẻ quặt ngón chân cái vào trong. Chỉ bằng cái nhìn, em có thể khiến nó làm theo ý mình. Nó. Bố. Bố là ông vua, uốn mình theo ý muốn của em. Nữ hoàng và những đứa nhỏ di chuyển theo nhau. Điều đó khiến em không hài lòng, và em phải tập di chuyển chúng nó từng cái một.

Em ngồi trên giường của mình một tiếng đồng hồ, rồi cởi quần áo để đi tắm, móc áo vào tủ. Nước là của em. Đôi khi có những con rắn bạc tuôn ra từ đầu vòi nước bạc, nhưng hôm nay nó là khu rừng và nước thì ấm. cục sà bông, trắng và nhỏ, là con vật tiêu pha đời nó trên thân thể em. Nó mài hình hài nó lên khoảng trên cánh tay em và khoảng dưới cánh tay em nơi lông bắt đầu mọc. Nó trơn tuột trên ngực em. Và em phải chà mạnh nó lên phần đầy u lên chung quanh núm vú. Bố bảo chẳng bao lâu nữa em sẽ mọc vú. Bố bảo vậy là không tốt rồi, bởi sẽ phải mua màn. Em thấy áy náy bởi đó là lỗi của em. Em xoa sà bông vòng quanh. Em biết sà bông đã phải hy sinh đời sống của chính nó để làm sạch cho em và em cám ơn nó. Sà bông gội đầu chảy ra từ cái lọ bố em mua ngoài tiệm.

Tắm xong, tới giờ làm toán. Em đến bàn học, nơi bố đã để sẵn bài vở cho em từ đêm hôm trước. Em thích toán. Những bài toán em làm đi làm lại. Bốn trăm tám mươi chia cho tám mươi thành sáu. Căn số bậc hai của sáu ngàn bốn trăm là tám mươi. Làm đi làm lại hoài. Em giống như thượng đế, chia chúng ra và gom chúng lại. Làm xong hết những bài toán rồi em nhìn chúng chăm chú trên trang giấy. Con số mười một, ông bố, cao và kiêu hãnh, và số một, cậu con trai. Mười một và một, và chúng sẽ mãi mãi như thế. Chúng sẽ không bao giờ vú căng hay bụng phệ, không bao giờ cần màn cửa sổ. Mắt em di chuyển xuống phía dưới trang tới số sáu, và nó cười em. Bốn trăm hai mươi chia cho hai mươi thành sáu. Em đã nhầm lẫn khi nghĩ rằng con số phải thán phục em. Em nghe nó cười em. Hoảng sợ, em dùng bút chì gạch lên nó, nhưng tiếng cười vẫn không ngưng. Nó ẩn dưới vệt đen em mới tạo ra, và em dùng tẩy xóa nó đi tới rách cả giấy. Bây giờ bố em chắc sẽ nổi giận. Con bé ngu ngốc! Run rẩy, em đứng dậy. Đây là một thử thách. Con gái lớn không khóc. Bố em bảo sửa nó ngay đi, sửa bây giờ chứ không để sau này. Tay em run rẩy lúc em chép những con số sang một mảnh giấy mới, để dành số sáu sau cùng, nhưng bây giờ con số sáu yên lặng khiến em thấy yên tâm. Làm xong, em xếp tờ giấy vào trong cặp. Mười một giờ, giờ ra chơi.

Em lấy một ly sữa từ tủ lạnh. Bố để cho em một quả chuối. Em không thích chuối bởi chúng nó dài và mỏng, như những con rắn. Rắn có thể cắn mình, và vết cắn của rắn có thể giết mình. Em cầm trái chuối trong tay, xoa nó. Lớp vỏ vàng mát và trơn. Em sẽ ăn nó, để bố em vui lòng. Làm cho bố vui lòng là điều tốt. Khi em ngoan, bố làm cho nắng soi sáng cho em bên ngoài cửa sổ phòng em. Trời mưa lúc em hư. Nước mắt của bố là mưa; khi em hư em làm bố khóc. Đôi khi em chẳng biết em đã làm chuyện gì nữa. Con phải suy nghĩ cho kỹ, bố em nói. Con có bổn phẩn phải biết.

Em có thể cảm nhận được tình yêu của bố khi bố nói bố sẽ che chở cho em. Ngoài kia, có những người có rắn cắn được, rắn phun nọc độc trắng và sống bằng máu những bé gái nhỏ. Em là bé gái nhỏ của bố. Buổi sáng, em khóa cửa sau lưng bố và chỉ mở cửa khi bố về nhà ban tối. Một lần bố xé cánh một con bướm và đặt lên gối nằm của em. Đó là ngày em nói em muốn đi học, và em biết bố đã nói với em, bởi vì bố thương em vô cùng, về những gì có thể xảy ra cho những tạo vật xinh đẹp ở thế giới bên ngoài. Bé cũng là một tạo vật xinh đẹp, bố nói.

Sau khi ăn nhẹ, em làm bài tập khác bố để sẵn cho em. Anh Văn, Lịch Sử, Địa Lý. Về lịch sử, em học về thành phố của mình, New York, khi nó còn là một em bé, khi nó còn mang tên New Amsterdam và các bé gái còn có thể rong chơi ngoài đường phố. Chúng nó đi guốc gỗ để rắn không cắn chúng nó được. Em mừng vì em không phải sống ở thời đó, bởi chắc em sẽ sợ lắm.Trong sách có nhiều hình quái vật với khuôn mặt khổng lồ bằng gỗ không mắt và có bốn cánh tay dài xoay vòng quanh và xẻ bất kỳ ai lại quá gần. Có những bức tường giam giữ quái vật ngoài biển cả, nhưng những bức tường thấy nhỏ bé và yếu đuối. Trẻ con la hét, bởi chúng phải đi ra ngoài. Em biết sống thời này tốt hơn, khi em có một người bố có thể hiểu vì sao em phải ở trong nhà, người sẽ giữ em trong nhà và lo liệu cho em. Em đọc trong cuốn sách giáo khoa mà bố em mang từ trường về nhà rồi viết câu trả lời cho những câu hỏi bố em để sẵn. Em cảm thấy dễ chịu khi viết từng mẫu tự, khi nhìn từng từ ngữ như gia đình của mẫu tự, lớn và nhỏ, mẹ và bố. Em viết cẩn thận, nhất là khi em phải viết chữ s, để con chữ được nhỏ nhắn và an toàn. Khi làm xong, em đọc những phần trong trang báo mà bố đã đánh dấu cho em. Em cần biết những biến cố thời sự. Ban tối, trong bữa ăn, bố thường hỏi em về những cuộc chiến tranh, những trận hỏa hoạn, những vụ sát nhân, những vụ hãm hiếp. Em cần phải biết tửng vụ một.

Lúc đói, em ăn miếng bánh sandwich bố đã để sẵn cho em. Em ép bánh mì và bơ đậu phụng sát vòm miệng cho tới khi nó mềm ra, và em nuốt nó xuống. Em lắng nghe những tiếng động bên ngoài. Một tiếng còi xe cấp cứu lướt qua ngoài cửa cổ, nhưng em bình yên. Vì thấy an toàn nên em thích nghe tiếng xe cộ. Những tiếng động vọng đến tai em từ đường phố và em thích chúng, bởi em không nghe được tiếng động của những con chữ. Tiếng động như dòng sông và em bập bềnh trên nó, qua những ngày và hình ảnh trong trí em về những đứa trẻ trên cái đu và lũ chó nhai chiếc dây buộc cổ trong Central Park. Tiếng động mang em ra một ngày nắng ráo cùng với mùi nước táo với lũ ruồi vo ve quanh em nhưng không cắn. Bố em giữ em trên dòng nước, mát và chảy xiết, em thấy sợ nhưng bố bảo bố sẽ không buông bỏ em. Bơ đậu phụng ngọt, và ăn xong thì em có nước táo và hai cái bánh. Em rửa chén bát và đặt chúng trên kệ cho ráo nước. Một giờ rồi, vậy là em đã xong một ngày học.

Buổi chiều là của riêng em, làm bất cứ điều gì em muốn. Chỉ học mà không chơi sẽ biến Miranda thành cô gái nhàm chán, bố em nói vậy. Em vào phòng, nằm lên giường, nhìn qua những ngăn tủ. Em có những con búp bê và nhiều con thú nhồi bông mềm mại mà bố em cho em. Ở cái ngăn bên dưới là đồ chơi con choi choi của em, những con búp bê giấy, bút lông và sơn màu. Em thích vẽ hình của thế giới bên ngoài. Ngay cả những con rắn , răng dài nhỏ máu đỏ tươi. Nhưng lúc này em không cảm thấy thích vẽ. Em nhắm mắt chăm chú nhìn ánh sáng màu vàng nhảy nhót trên mi mắt khép kín của em. Bỗng dưng em biết em bị mù. Em ra khỏi phòng, một mình trong sa mạc, lạc lõng, sợ hãi, và chẳng có ai đến cứu em.

Em mở mắt, căn phòng trở lại với em và em ở trong nó. Em cười, đứng dậy, đi về phía cửa sổ. Đôi khi em muốn ngồi bên cửa sổ, nhìn người ta qua lại trên đường xa xa phía dưới. Em có thể thấy những em bé cầm tay mẹ chúng, hoặc được mẹ đẩy đi trong những xe đẩy trẻ em. Một ngày nọ, khi Miranda còn bé, mẹ của em ra khỏi cửa và không bao giờ trở về nữa. Mẹ chết rồi, bố em bảo thế, và Miranda biết những người đàn ông có rắn đã giết bà.

Mẹ của em hư quá bởi mẹ ra ngoài khi bố bảo đừng ra, và Con thấy không, bố nói, con có thấy chuyện gì xảy ra cho mẹ không. Bố không muốn em khóc, bởi mẹ của em đã hư hỏng, và khóc những người hư hỏng là điều sai trái. Mẹ mất cũng tốt và Miranda còn được bố che chở là tốt. Da của mẹ mềm và có mùi táo. Mẹ là người gan dạ nhất mà Miranda đã từng biết, gan dạ tới mức có thể dắt tay dẫn Miranda ra ngoài, gan dạ tới mức có thể cười khi Miranda đu người trên chiếc thanh ngang ở sân chơi, gan dạ tới mức, có một lần, đã hét vào mặt bố của Miranda Ôngcâmđiôngcâmđiôngcâmđiôngcâmđi. Nhưng cuối cùng bọn chúng nó đã bắt được mẹ, bố em nói thế. Miranda có thể sợ hãi nhưng bố em ôm em thật chặt và bảo chúng nó sẽ không bao giờ, không bao giờ bắt được em. Da của bố em nhám và có mùi tro. Em không mong nhớ mẹ và cũng không hình dung ra được hình ảnh mẹ. Em đang không có mẹ em đã không có mẹ và em không bao giờ có mẹ và người đàn bà là người đàn bà xấu và không phải là mẹ em, và người ta chẳng cần có những người mẹ bởi những người mẹ đã bỏ đi. Miranda yêu bố.

Em đứng trước gương và nhìn mình thật lâu trong ấy. Mặt em gầy và xanh, viền bởi mái tóc đen dầy, dài, và thẳng. Em cười và lúc lắc cái đầu qua hai bên đến khi tóc em rủ xuống như tấm màn quanh đầu em. Em có thể biến đi như bên trong nó như con kiến trong sợi xù của tấm thảm và an toàn, nhìn ra trong khi không ai có thể nhìn vào. Em thè lưỡi ra, cẩn thận kéo một lọn tóc vào miệng để mút. Bé là một cô gái xinh đẹp, em nghe bố nói. Những điều xấu có thể xảy ra cho những cô gái xinh đẹp trên thế gian này, Miranda, bé phải nhớ điều đó.

Gần năm giờ rồi. Bố em sắp về đến nhà rồi. Em thích nghe tiếng lạch cạch bố gây ra lúc bố mở cửa. Công chúa của bố đâu rồi? bố nói, và em chạy nhào vào người bố và vòng ôm của bố thật ấm áp. Mùa đông, bố có mùi của khí trời lạnh ngắt, và em thích áp mặt mình vào áo của bố khi bố ôm em. Em nhìn bố nới lỏng cà vạt và thay áo sơ mi khác. Lông trên ngực bố giống lông một con thú, mạnh mẽ và mềm mại. Một lần em hỏi bố chừng nào em sẽ mọc lông như bố, nhưng bố chỉ cười, và bây giờ em biết chỉ có đàn ông mới có lông ngực, mà em thì chẳng phải đàn ông. Phải như em là con trai thì hay quá, bởi bố sẽ chẳng phải lo lắng cho em.

Trong bữa tối, bố sẽ kể cho em nghe công việc trong ngày của bố. Bố làm việc trong văn phòng với nhiều máy điện toán; bố sửa máy vi tính cho những luật sư làm việc ở đó, bởi tự họ, họ không biết sửa. Bố em bảo bố em là xếp trong đó. Bố bảo suốt ngày bố chỉ huy họ làm việc, Bill, Steve và Joanna. Đôi khi Bill làm khó bố, và điều ấy không tốt. Miranda tự hỏi không biết trời có mưa trong văn phòng khi ông ta làm khó bố. Joanna lớn tuổi và chậm chạp, Miranda hy vọng khi lớn bố sẽ cho em vào làm thế Joanna. Em biết đàn bà cũng đi làm và bố xác nhận chuyện ấy, nhưng em chưa phải lo lắng chuyện đi làm lúc này.

Bố sẽ hỏi em công việc trong ngày ra sao, và em sẽ kể cho bố nghe những việc em đã làm. Hầu như lúc nào bố cũng hài lòng vì em đã làm chu tất mọi việc. Khi bố hài lòng, bố mỉm cười và căn phòng ấm cúng và tràn ngập ánh sáng. Khi bố nổi giận…bố không giận Miranda. Miranda là cô gái ngoan. Đôi khi trước khi đi ngủ hai bố con cùng tập thể dục: nằm rồi ngồi dậy thẳng nhưng và nhảy con rối rồi chạy bộ tại chỗ. Em có thể cảm thấy em khỏe hơn mỗi ngày.

Trên bàn trong phòng ngủ của bố có cái đồng hồ không kim, với những con số di động và tự thay đổi. Bây giờ em ngồi trên giường của bố và nhìn những con số thay đổi, năm qua sáu, sáu qua bảy, bảy qua tám. Bây giờ sáu giờ bốn mươi tám. Thường ngày bố về tới nhà khoảng trước sáu giờ. Em nhắm mắt, cảm nhận nỗi sợ hãi trong miệng mình. Cuộn mình tránh xa cái đồng hồ, em bỏ ngón tay cái vào miệng và cọ nó bằng lưỡi. Em sẽ đi ngủ và khi em thức giấc, bố em sẽ ở đó. Giấc ngủ không đến nhưng em cố đưa em đến một nơi khác, nơi em đến khi hoảng sợ, nơi em cỡi trên lưng con ngựa trắng và nơi mặt trời ấm áp. Có một hải đảo mà em đã đọc qua nơi nước xanh và ấm, và bên ngoài thì an toàn. Con ngựa đưa em đến hải đảo, những con cá heo xanh bơi trong nước phía dưới. Những con chữ bỏ đi, và trí óc em đầy ắp hình ảnh, và cảm giác những bắp thịt lưng chú ngựa giữa hai chân em cùng ánh nắng tuôn xuống. Em ngắm nhìn những hình ảnh trong trí và không suy nghĩ. Rồi em mở mắt và lăn về phía cái đồng hồ. Bảy giờ năm mươi ba. “Bố ơi?” em gọi, nhưng căn nhà im vắng.

Có lẽ bố đang trốn, đang chơi đùa với em. Miranda bước quanh căn hộ im vắng. Em mở cánh cửa tủ, đẩy hàng áo trên móc. “Bố ơi?” em gọi, nhưng bố không có trong đó. Em đi sang gian bếp. Rên rỉ, em quỳ xuống nền nhà, ép lưng vào cái mát rượi của tủ lạnh. Bố không trở về, và em tự hỏi tại sao bố lại bỏ em. Chắc chắn em phải lầm lỗi gì đó, và em có bổn phận phải đoán cho ra để bố có thể trở về. Em xoắn một lọn tóc quanh ngón tay, và đưa ngón tay cái lên miệng để mút. “Bố ơi?” em thì thầm. “Bố ơi? Bố ơi? Bố ơi?”

Cái tủ lạnh rì rầm đẩy vào lưng em. Em nhắm mắt lại và thấy bố nằm ngoài đường với những con rắn dài bằng nhựa quấn quanh cánh tay. Chúng nó đè bố xuống, phun phì và lè lưỡi của chúng trước mặt bố, và bố gào thét, Miranda! Miranda, cứu bố! Em thấy bố vùng vẫy mặt đất, vặn vẹo cái đầu khi lũ rắn quấn càng lúc càng chặt cổ tay bố…

Bố chưa bỏ rơi em. Bố sẽ không bỏ rơi em. Chẳng phải bao nhiêu lần bố đã hứa: Bố không bao giờ, không bao giờ bỏ bé. Nhưng không phải lỗi của bố. Chúng nó bắt được bố. Chúng nó giết bố, như chúng đã giết mẹ (mẹ-không-ra-mẹ) của em.

“Không!” Em phải mạnh mẽ. Em mạnh mẽ. Em đứng dậy đi về phía cửa sổ phòng khách. Bên ngoài trời tối đen. Người ta đi qua đi lại dưới ánh đèn đường, đàn ông và đàn bà mang những cặp sách bằng da nâu, vội vã cắm cúi bước vào khung cửa. Thường thường, em thấy bố đi phía cuối đường. Có lẽ nếu em nhắm mắt lại và đếm đến một trăm mà không nhìn thì khi mở mắt ra em sẽ thấy bố. Em đếm chậm rãi, nhắm chặt hai mí mắt để không ai nói là em ăn gian nhìn trộm. Phải nhắm mắt để trông thấy lũ rắn cắn ngập răng nanh vào mặt bố, để thấy máu ứa ra trên má bố thì thật là khủng khiếp, nhưng em vẫn nhắm mắt và đếm. Khi em mở mắt ra, bố không có ở đấy.

Và rồi em hiểu ra. Đây là sự thử thách. Tiếng Nói vang trong đầu em như thể ai đó đã mở nút máy thâu thanh. Tiếng nói bảo, Hãy đi tìm bố.

“Em không làm được đâu,” Miranda thì thầm. Em nghe tiếng cười vang vọng trong đầu. Em không làm được thành ra em phải làm thành ra em sẽ làm. Hoảng sợ, em co người trên giường, kéo tấm khăn trải che mắt em và lắng nghe Tiếng Nói. Em sẽ đi em sẽ đi em sẽ đi. Tiếng Nói làm em sợ hãi, thế nên em rời khỏi thân thể em ra ngồi gần cửa ra vào, nhìn chính em chỗi dậy khỏi giường đi tới ngăn tủ tìm đôi giầy. Em nhìn hai tay mình kéo những chiếc áo len xếp ngay ngắn và đống đồ chơi vỡ, em tự chế giễu mình khi rống như một con heo đang đuổi theo một đôi giày bít cũ rít. Em đã mang đôi giày vào buổi học cuối năm lớp một, lần cuối cùng em ra ngoài, cái ngày mà mẹ em bước ra khỏi cửa. Khi em chạm vào lớp da đen bóng Miranda trở lại với chính mình. Em đưa một chiếc giầy lên mũi và ngửi mùi thế gian rồi chà hàm răng lên môi. Em thận trọng áp chiếc giầy lên chân. Nó quá nhỏ. Có lẽ nó đã co lại, ở một mình trong ngăn tủ tối tăm bao nhiêu năm qua, như mẹ em đã nhắc nhở em là em cũng sẽ quắt queo nếu em không học cách chối từ. Em đẩy mạnh hơn, cố gắng thọc chân vào chiếc giầy, nhưng không thể được. Tiếng Nói trêu chọc em. Đi chân đất và có bầu, đi chân đất và có bầu, đi chân đất và có bầu. Những chữ bố em thường dùng. Nếu em đi chân đất ra ngoài, em sẽ có bầu và bố em sẽ giết đứa bé rồi bố sẽ giết em. Em phải đi giầy của bố.

Trong ngăn tủ ở hành lang có một đôi giày bata cũ thỉnh thoảng bố đi ra ngoài lúc trời mưa bố đi ra tiệm mua đồ tráng miệng sau bữa tối. Chân của em tuồi vào trong giầy của bố và tuột ra ngoài thật dễ dàng với mỗi bước em đi. Em bắt đầu khóc, và em nghe tiếng gọi của bố lớn hơn và khẩn thiết hơn. Miranda! Bố cần con! Mau lên! Mau lên! Em khóc và lại đi trong lúc thân thể em vo tròn tờ báo để nhét vào kẽ ngón chân trong đôi giầy. Khi tay em với lên để mở khóa, Miranda đã đi xa, xa lắm rồi.

Và rồi em ở trên đường phố, không khí lạnh vỗ vào mặt em, đẩy vào mặt em như luồng không khí từ cái máy xấy tóc trong phòng tắm, nhưng thứ không khí này ẩm và rát những chỗ chạm vào má em. Em lùa chân tới trước và những khúc đường gồ lên khiến em vấp, chao người về phía trước, rồi những cánh tay vươn về phía em và em lùi lại đứng ép vào tường đá phía trước tòa dinh thự, thở dốc trong lúc thiên hạ vội vã đi qua. Có những mùi trong không khí và những tiếng động mà em không hiểu nổi, tiếng còi, tiếng sủa, tiếng hét, tiếng cười, tiếng nói, xoáy trong tai em như bụi, và đá tường cứng cọ vào lưng em, không nhân nhượng khi em dựa vào chúng, nhưng chúng không giúp em tìm bố em.

Bố ơi, em nghĩ, và em dấn chân em xuống lòng đường, và em tìm và em không tìm, bởi vì em cần phải nhìn để tìm bố em nhưng em lại sợ nhìn bởi những người đàn ông trên đường phố có thể giết em bằng những con rắn của họ, như trước đây họ đã giết mẹ-không-ra-mẹ của em. Nhắm hai mi mắt, em có thể nhìn qua hàng lông mi mờ mờ của em, những sợi lông mi như những chấn song gài hai mí mắt nhờ vậy em có thể ở trong chiếc lồng và em có thể yên tâm. Có đầy người trên đường phố, hàng triệu hàng triệu người cứng nhắc khi em va vào họ, và tiếng hét, “Ê nhỏ! Mở mắt ra! Nhìn đường mà đi chứ!”

Có những đèn màu lấp lánh như châu ngọc nói cho em biết bố em sẽ bình yên hay sẽ chết, và em đứng mà nhìn chúng thật lâu, thật lâu, cố gắng đọc xem chúng nói gì. Em quay đi và thấy một người đàn ông lấy một con rắn ra từ một cái hộp kim loại lớn. Ông ta bọc nó bằng máu và bánh mì rồi đưa cho một người đàn ông khác. Miranda nhìn, không nhìn, và khi người đàn ông bắt đầu ăn con rắn em hét lên và cúi đầu, tuông chạy, xuống lòng đường, băng qua những chiếc xe bóp còi cùng những tiếng hét vang động, “Con bé điên kia! Mày muốn chết hở con?”

Con không tìm được bố, Bố ơi, em nghĩ. Con muốn về nhà. Tiếng thở của em hòa trong tiếng khóc. Con muốn về nhà. Con muốn về nhà. Và rồi em nhận ra: làm gì có nhà. Em bỏ đi trong khi bố bảo em đừng đi thành ra bây giờ bố làm cho cái nhà bỏ đi và em sẽ bị đi lạc mãi mãi. Em nghĩ đến cái ấm áp của phòng em và những ngày tháng đã qua nhẹ nhàng, thanh thản và yên tĩnh và an toàn với cặp sách và bánh mì kẹp bơ đậu phụng và được bố đắp mền mỗi đêm và sự mất mát quá lớn lao ngoài sức chịu đựng, nhưng bây giờ tất cả, tất cả đã mất hết. Mặt em ướt và em nuốt nước mắt của em. Tiếng Nói lại bảo em: Hãy đi tìm Bố. Em nhớ là bố em cũng đã mất, cả hai bố con lạc mất vào những âm thanh xoáy cuốn. Nếu em tìm được bố, bố sẽ dẫn em về nhà. Con sẽ tìm được, bố à, em nghĩ. Con sẽ tìm được.

Hai mắt nheo gần như khép chặt, em lao đi như con dơi, sướt qua những hình dạng đặc cứng, rồi đổi chiều. Em thấy lạnh, trước đây em chưa hề bị lạnh vì vậy em biết em đang chết. Người-rắn đã giết em. Không sao cả, bởi bố em đã chết và mẹ-không-ra-mẹ của em đã chết, thì em cũng sẽ chết. Em mỉm cười bởi đó là sự thử thách. Bố em chết, và chỉ em tìm thấy bố trong cái chết. Bố thấy không, hở bố, em nghĩ. Thế nào con cũng tìm thấy bố.

Hai chân lạnh và nặng nề bên dưới thân thể em. Em chạy và chạy vào cõi chết, rồi em cảm thấy mặt đất mềm hơn và ánh sáng biến đi. Em ở trong công viên. Em với tay ra, vỏ cây nhám và cứng cỏi, như da của bố em. Vòng tay quanh thân cây, em cọ má vào nó cho đến khi mặt em đau rát. Rồi em nằm co dưới gốc cây, chờ chết.

 

Dịch từ tiểu thuyết "Beyond the Waves”, nxb NAL Trade, 2004.

1 Comment (Open | Close)

1 Comment To "xa hơn những ngọn sóng"

#1 Comment By Nguyễn Hoàng On 07/10/2011 @ 12:51 pm

Lôi cuốn. “Em biết sà bông đã phải hy sinh đời sống của chính nó để làm sạch cho em và em cám ơn nó.” Trời, có một thời con người ta có đã nói như vậy! Tuổi thơ thường khi bị quên mất. [Bọn rắn thì nhiều vô kể]. Một chọn lựa hay của Hoàng Chính khi chuyển ngữ Elizabeth Mareck.