Trang chính » Biên Khảo, Tiểu luận Email bài này

Văn học dấn thân hôm nay

13 bình luận ♦ 31.08.2011

 

 

 

Trong “những ngày chủ nhật nóng” ở Hà Nội và Sài Gòn, như cách đây vài năm, những bài thơ yêu nước, những bài thơ mà không thể khác là kết quả của xúc cảm kích động trước/trong các sự kiện, các biến cố có thể làm người ta nghĩ tới một cuộc cách mạng nữa trong tương lai gần, xuất hiện và lan truyền trên mạng. Không gian phát tán của các tác phẩm này: từ các diễn đàn văn chương nghệ thuật tới các diễn đàn dân chủ, từ trang mạng xã hội facebook tới blog cá nhân. Tác giả của chúng: những nhà thơ tên tuổi và cả những bạn trẻ ít nổi tiếng hơn. Những bài bình luận và cổ vũ đồng thời xuất hiện. Không gian sống và sáng tác, dù chưa thật nóng hổi, nhưng có thể làm mất yên tĩnh của những kẻ lãnh đạm nhất, những kẻ muốn theo đuổi một thứ “nghệ thuật thuần túy và tự do” nhất.

Dễ hiểu, một người cầm bút nhạy cảm và sâu sắc, nói chung, dù phát ngôn hay không cũng thường bận tâm về cái gọi là “thời đại”. Từ Thời Đại đang ám ảnh chúng ta. Và trong vô vàn các từ ngữ mời mọc những ý tưởng lớn lao, có từ Chính Trị. Nó hào hứng đập phá. Nó chán nản. Nó cao vọng thay đổi. Nó đầy nhạo báng. Nó nặng nhọc. Nó vô trách nhiệm. Có thể đang tồn tại cùng lúc hai cảm giác/ý thức đầy mâu thuẫn: sự vô ích của văn chương nghệ thuật lúc này, đồng thời, ý thức về trách nhiệm của văn chương và người viết. Cả hai cảm giác/ý thức này đều có thể dẫn tới hệ quả: nỗi chán chường tìm tòi, biến niềm đam mê với nghệ thuật viết thành công cụ nhanh chóng (và hi vọng vào tính hiệu quả) để thể hiện (l)ý tưởng và khát vọng dân chủ, độc lập, hay là khao khát được viết, đi tìm một gương mặt mới của văn chương, đào sâu dưới lớp sự kiện để lý giải về thời đại. Như thể tất cả mọi con mắt đặt một điều gì kì vọng hay trông đợi ở văn học đều gợi nhắc và thôi thúc chúng ta nhớ tới lập luận của Jean Paul Sartre về “văn học dấn thân” và các nhà văn dấn thân Pháp sau thế chiến II. Cùng lúc, ở khía cạnh nào đó, nó lại hút người viết/người đọc văn chương Việt Nam về phía nỗi hư vô đập phá của Dadaism thế kỉ trước, hay so sánh với một thứ chủ nghĩa hư vô chính trị gần hơn, kề cạnh hơn với Việt Nam, xu hướng Dada mang màu sắc Trung Quốc của các nghệ sĩ Trung Quốc đương đại theo đuổi như một cách phản ứng sau những thất vọng về chế độ chính trị và chấn thương Thiên An Môn.

Sartre đã tìm hướng đi cho thái độ ứng xử và sáng tạo của các nhà văn thời đại ông bằng việc đặt ra những câu hỏi thiết yếu và thiết thân muôn thuở: Văn học là gì? Viết làm gì? Viết cho ai? Ông không công bình với các thể loại khi phân biệt, một bên là đặc quyền của hội họa, âm nhạc, và gần với nó, thơ ca như những kẻ “đã ngay tức thì rút ra khỏi ngôn ngữ – công cụ; anh ta đã dứt khoát chọn lấy tư thế thơ, tư thế coi các từ là những sự vật, chứ không phải là những ký hiệu” để “nhìn ngắm các từ một cách vô tư” và bên kia, văn xuôi, các nhà văn xuôi, những kẻ “dùng các từ”, hay thậm chí, “phục vụ các từ”. Tính vị lợi của văn xuôi trao cho nó công cụ đặc quyền là khả năng kích động nỗi bất bình hay niềm phấn khởi, sự trầm tư và từ đó, gánh lấy sứ mệnh lý tưởng của các nhà văn dấn thân. “Nhà văn “dấn thân” biết rằng lời nói là hành động: anh biết rằng bóc lộ tức là làm biến đổi và người ta chỉ có thể bóc trần khi có ý đồ biến đổi. Anh ta đã từ bỏ cái mơ ước không thể có được vẽ nên một bức tranh không thiên vị về xã hội và về thân phận con người”[1]. Câu hỏi về mục đích dẫn đến ý thức về trách nhiệm với công cuộc xã hội. Khát vọng biến đổi tạo thành động lực của sự viết và đó, chính là sự dấn thân. “Nghệ thuật văn xuôi liên đới với cái chế độ duy nhất ở đó văn xuôi còn giữ được một ý nghĩa: dân chủ. Khi cái này bị uy hiếp, thì cái kia cũng bị uy hiếp. Và chỉ bảo vệ nó bằng ngòi bút thôi thì chưa đủ. Đến một ngày nào đó ngòi bút buộc phải dừng lại và lúc đó nhà văn phải cầm súng. Vậy đó, dẫu anh đến đây bằng cách nào, dẫu anh đã truyền bá những chủ kiến gì, thì văn học vẫn ném anh vào cuộc chiến; viết là một cách thức nhất định của khát vọng tự do; nếu anh đã bắt đầu, thuận tình hay bắt buộc, thì tức là anh đã dấn thân.”[2]

Lý tưởng dấn thân để bảo vệ tự do, bằng hành động viết và bằng sự dấn thân vào các hoạt động xã hội theo ý hướng của Sartre dường như thích hợp hơn cả với những xã hội không tự do. Một nhân vật trong bộ tiểu thuyết trường thiên Mùa Biển Động của Nguyễn Mộng Giác đã đến với chủ nghĩa cộng sản và “giác ngộ cách mạng” chính từ văn chương hiện sinh, từ Sartre. Trong những khoảnh khắc hưng phấn (khích) của lịch sử, các nhà văn có thể và khao khát tìm thấy điểm tựa lý tưởng ở những nhà cách mạng, những cuộc cách mạng. Nhưng bản chất của những kẻ theo đòi lý tưởng như một cứu cánh có thể đẩy họ tới những cú ngã choáng váng khi nhập vào thực tế của người hành động; trường hợp gia nhập và từ bỏ chủ nghĩa cộng sản của người xướng lên bản tuyên ngôn siêu thực A. Breton (và các nhà siêu thực khác) là một ví dụ được Sartre phân tích như là sự tan vỡ vì không thỏa mãn tính lý tưởng thuần túy và vì không thể có độc giả của chủ nghĩa siêu thực trong khối vô sản. Một nhà thơ mà tôi lúc nào cũng thích đọc, Nguyễn Đăng Thường, trong một phát ngôn gần đây trên Litviet.com (trang văn chương của nhà thơ Phan Nhiên Hạo) có ý nói “Hơn lúc nào hết, thơ hôm nay phải xuống đường, tung hô khẩu hiệu, căng biểu ngữ, treo băng rôn.”[3] Những từ ngữ này vừa có thể kích động thơ ca xuống đường vừa có thể gọi dậy sự dè chừng khi nhìn lại quá khứ thơ cách mạng của Việt Nam, bởi cùng với nó là hi sinh. Tôi thuộc thế hệ sinh sau Đổi Mới, chưa từng trải nghiệm không khí của các cuộc cách mạng, nhưng với những cuốn sách, các bộ phim,… dù là từ góc nhìn của kẻ chiến thắng hay chiến bại đem lại, tôi hầu như chỉ có cơ hội trải nghiệm vị đắng, nỗi đau xót, giận dữ và bóng tối, thậm chí là thứ bóng tối dày đặc các bóng ma của nó hơn là ánh sáng, sự thay đổi. Tôi yêu các nhà văn xuống đường, dấn thân hành động vì tự do, dân chủ, nhưng tôi cũng yêu những nhà văn nhất định tạo một khoảng cách với mọi biến động để suy tư về thời cuộc. Ý thức chính trị của một người viết trên thực tế chắc chắn không thể đồng nhất với tính chính trị của văn học, đã đành. Ngay cả cái (l)ý tưởng về văn chương dấn thân trong đó lời nói là hành động và hướng tới mục đích biến đổi của Sartre dường như cũng bộc lộ ảo tưởng. Sự tham dự của các nhà văn dấn thân vào các hoạt động chính trị xã hội có thể đem lại một sự cổ vũ, một nỗi phấn khích, nhưng nó chỉ có ý nghĩa nếu nó gắn với nhu cầu thiết thân về dân chủ chứ không phải là sự tham dự “phong trào” hay là sự trút giận. Nhưng khi bền bỉ đi theo hướng đó, tư cách nhà văn của anh/chị ta đã thay đổi: họ trở thành những người hoạt động dân chủ. Và tất nhiên, văn chương, trong trường hợp này có thể là một phương tiện hữu hiệu. Nó có thể hi sinh “nghệ thuật văn chương” để chuyên chở tư tưởng và đến với số đông công chúng.

***

Vậy nếu như người viết vẫn còn tin tưởng hay kì vọng mơ hồ về lí do tồn tại thiết yếu của văn chương như là tự nó, chứ không phải như một công cụ tuyên huấn/giáo thì có lẽ chúng ta phải có cách diễn giải khác đi về chính trị. Trong suốt 30 năm chiến tranh và mấy thập niên hậu chiến, văn học cách mạng, đặc biệt ở miền Bắc, địa phận gắn chặt với sự tồn tại của chủ nghĩa cộng sản [với những biến thái ở từng quốc gia khác nhau] từ sau Độc Lập (1945), văn học nghệ thuật nghiễm nhiên bị biến thành công cụ phục vụ hệ thống chính trị. Sự thống trị dai dẳng của hệ thống quan niệm văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa, cho đến nay, mặc dù đã được tự giới cầm bút [chứ không phải nhà cầm quyền] nhìn lại như một nỗi đau kéo dài, một vết thương không liền miệng, hay một sự thẹn thùng của văn chương, bên cạnh chút hào sảng lý tưởng của thời đại đã qua, vẫn còn sức áp chế kéo dài với văn chương nhiều thế hệ sau đó , thậm chí vẫn còn bám rễ chắc chắn trong một bộ phận văn học bảo thủ hôm nay. Bởi sự lệ thuộc này – sự lệ thuộc ở đây gần như là “sở hữu”, văn học nghệ thuật Đổi Mới ở Việt Nam đã nỗ lực thực thi khát vọng giành lại tính tự trị của nó: sự trở lại với các đề tài “chim, hoa, cá, gái” trong hội họa với nhu cầu “đi tìm cái đẹp”, nỗ lực từ bỏ trách nhiệm tuyên truyền của văn chương, khẳng định văn chương độc lập với chính trị để phản tư lại chính chế độ chính trị. Văn chương sau Đổi Mới ở miền Bắc Việt Nam với một thế hệ các nhà văn đã trải qua chiến tranh như Lê Minh Khuê, Nguyên Ngọc, Bảo Ninh và thế hệ các nhà văn mới như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… vẫn còn đầy tính lý tưởng trong tham vọng nói sự thật, phản tỉnh về các sự thật. Nhưng khát vọng thay đổi đó sẽ liên tục bị/được phản tỉnh. Cái tự do “phi chính trị, không động đến chính trị” không thể thỏa mãn được nhận thức và nỗ lực tìm những nhận thức mới của người trẻ, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và kinh tế thị trường với những lợi ích và cám dỗ khó chối từ. Bị đẩy tới chỗ phải lựa chọn một trong hai con đường: hoặc là lệ thuộc vào một chế độ chính trị như một công cụ phục vụ, hoặc phải “đảm bảo” một thứ mặt hàng “văn chương thuần túy”, các nhà văn chắc chắn sẽ thấy rõ bức tường án ngữ nơi ngõ cụt. Họ phải tìm một hướng đi khác nếu muốn giữ sự tự chủ và độc lập của văn chương: hoặc nổi loạn phá phách, hoặc chối bỏ tất cả để xây dựng lại từ đầu một “căn cước” văn chương mà họ hoàn toàn mờ mịt, mơ hồ, bất tín.

Cách nhìn nhị nguyên về mối quan hệ giữa văn học và chính trị: hoặc là công cụ hoặc “thuần túy” đã bộc lộ sự lạc hậu và tính chất giáo điều của nó trong thời hiện tại với sự tồn tại phân mảnh, đa nguyên của hiện thực và chân lý. Chính trị không thể được hiểu đơn giản là các đảng phái, sự tranh giành quyền lực, mà nó là một sự thẩm thấu và lan tỏa tới từng con người cá nhân trong cộng đồng, biến động từ nơi này tới nơi khác, không phải vì sự khác biệt về thể chế mà là sự khác biệt của sự tiếp nhận và thẩm thấu về chúng của những con người trong cùng một không gian, hay nói cách khác, là những diễn giải khác nhau về chính trị; chưa nói xa hơn là một viễn tượng “chính trị toàn cầu” chứ không phải vấn đề riêng của một quốc gia. Sự phân tích về chính trị của các nhà văn, nhất là những người viết trẻ thường dẫn tới mâu thuẫn, (bị cho là) hồ đồ, nhưng có thể nào phủ quyết mọi biện giải của tuổi trẻ bằng việc chặn đứng nhiệt hứng của lứa tuổi cuồng nhiệt? Điều tôi muốn nói ở đây, và nhiều nhà văn cấp tiến đã đề xuất, và tôi cũng không có điều kiện tìm hiểu sâu các lý thuyết về chính trị học văn chương của các quốc gia Âu Mĩ – những nước đã đi rất xa chúng ta trong việc lí giải và lí giải lại về chính trị của văn học – là cần phải khẳng định một cách nhận thức khác đi về chính trị. Nếu chúng ta làm văn chương chỉ để thể hiện lý tưởng cổ vũ hay chống đối một chế độ, một đảng phái thì có cần phải làm văn chương hay không? Cá nhân một người viết, dù thế nào đi nữa, không muốn biến văn chương mình trở thành một công cụ tuyên huấn/giáo. Sartre, trong khi phân tích các nhà văn Pháp và bày tỏ “nỗi ám ảnh như một mối ân hận” với Flaubert,người không dấn thân”, đã không khẳng định tính chính trị của văn học nằm ngay trong bản chất thuần túy của nó. Nhà văn có thể không cần tham gia các cuộc đấu tranh xã hội, không mô tả các cuộc đấu tranh mà như rút hết vào cõi cô đơn riêng tư và đeo đuổi một trò chơi văn chương trừu tượng với những công chúng tiềm tàng, không kêu gọi hay kích động, nhưng bản thân việc sử dụng ngôn ngữ để tạo lập một thế giới trong tác phẩm đã hoàn toàn mất đi tính chất thuần túy và tự trị của chữ nghĩa. Văn học dấn thân hôm nay không thể lặp lại bi kịch lịch sử của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, với ảo tưởng “dùng cán bút làm đòn xoay chế độ”. Trong mối quan hệ với chế độ chính trị, văn học nghệ thuật đã và cần phải trở thành một lĩnh vực độc lập từ ý thức của người viết, và cả từ tiếp nhận của độc giả. Vậy khi đặt ra vấn đề văn chương làm chính trị bằng chính sự tồn tại thuần túy của nó, thì câu hỏi vẫn còn đó: văn chương là gì? Và câu trả lời có thể nằm ở ý thức của nhà văn: không viết như một công cụ tuyên truyền, tuyên giáo. Văn chương, tự bản thân nó đã luôn vang âm cái hiện thực đang diễn ra, bằng cách này hay cách khác, ngôn ngữ truy tìm hiện thực sẽ tự nó tạo lập một thế giới trong đó con người phân tích, lý giải và hành động. Và đó chính là tiền đề của tính chính trị nằm ngay trong bản chất của nó, hay nói khác đi, không phải tồn tại một thứ “văn chương thuần túy” mà chính là có một thứ “chính trị thuần túy trong văn chương”. Tôi muốn trích dẫn một câu nữa của Sartre trong tiểu luận nói trên: “Nếu nó phải quay ra trở thành thuần túy tuyên truyền hay thuần túy giải trí, thì xã hội sẽ rơi trở lại vào bãi đầm của cái tức thì, nghĩa là trong cuộc sống vô ký ức của loài sâu bọ cánh màng và loài động vật lớp chân bụng. Đương nhiên, tất cả những cái đó chẳng có gì quá quan trọng: thế giới rất có thể chẳng cần có văn học. Nhưng còn hơn thế nữa nó có thể chẳng cần có con người.”[4]

***

Sự thay đổi nhận thức và cách diễn giải về tính chính trị của văn học dẫn đến hệ quả là sự thay đổi nhận thức và cách nghĩ về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của người viết. Xã hội có đòi hỏi đến trách nhiệm yếu ớt của văn học trong sự lên án, tố khổ, cổ vũ, hô hào không? Tôi cảm thấy rằng, hơn lúc nào, nhà văn hôm nay cần nghĩ và lí giải hơn là hô hào, cổ vũ, kích động. Trong ngôn ngữ, văn học khẳng định trách nhiệm xã hội và trách nhiệm công dân của một người viết: viết được những tác phẩm văn học đúng nghĩa. Sự thuần túy làm văn chương có thể mang chứa sức mạnh chính trị. Tôi muốn lặp lại một ý ở trên, rằng câu hỏi về sự theo đuổi văn chương (có sức mạnh) chính trị hay văn chương thuần túy đều trở nên lỗi thời ngay trong vẻ hoang mang, băn khoăn muôn thuở của nó. Nếu thiếu một khoảng cách, một độ lùi, một sự băng giá nhất định, ý thức và nhiệt tình chính trị của nhà văn có thể dẫn tới một thứ văn học phản chính trị: nó chỉ còn là cổ vũ cho những đối lập về tư tưởng, nó là thứ chính trị ban phát từ trên xuống, mà loanh quanh, lại quay về sự xung đột của các đảng phái hay các mô hình chế độ xã hội khác nhau. Tôi băn khoăn rằng liệu nó có sức mạnh tới đâu trong khả năng chạm tới những đòi hỏi thiết thân của từng cá nhân trong cuộc sống, khi những đòi hỏi đó không phải là một thứ dân chủ chung chung, mơ hồ, bánh vẽ?

Nhận thức rằng văn học tự nó mang bản chất chính trị, một thứ bản chất phát xuất từ yếu tính của ngôn ngữ, sẽ mở ra những hướng viết và tất nhiên, cả hướng đọc khác biệt và không loại trừ nhau. Nhà văn không cần phải ám ảnh về nỗi sợ hãi cái huyệt chính trị sẵn sàng hút chết mọi kẻ viết nhỡ miệng như những bi kịch lịch sử nhãn tiền. Nhà văn cũng không cần phải ám ảnh về sự lạc loài của cá thể khi, vì lí do nào đó, anh/chị ta không thể dấn thân trực tiếp vào các cuộc đấu tranh xã hội và chính trị. Tôi không muốn ngụy biện cho sự vô cảm, vô can hay là sự mua vui nhạt nhẽo của văn chương, tôi chỉ nghĩ: hơn lúc nào, văn chương Việt Nam hôm nay cần sự đa nguyên về tư tưởng và cách thức tồn tại. Những câu hỏi cũ viết là gì, cho ai, và đồng thời với nó, ở phương diện thực hành, viết cái gì, viết như thế nào là những câu hỏi không thể có câu trả lời chung cho tất cả mọi người viết.

***

Không gian xã hội và văn học Việt Nam hôm nay dường như không có gì để lạc quan, nếu không nói là mang chứa một thứ thuốc nổ sẵn sàng cho nỗi tuyệt vọng ngấm ngầm. Sự thay đổi dần dần, sự mòn ruỗng của các giá trị dường như không phải là vấn đề phải bàn cãi. Đây là thời kì đầy những hỗn loạn và nhập nhằng, nơi những giá trị cũ đã bất tín sâu sắc nhưng những giá trị mới chưa hình thành, người ta lúc nào cũng như đang chờ một cuộc cách mạng mãi mãi không tới, và ngay cả khi nó tới, cũng không biết điều gì tiếp theo. Câu hỏi viết như thế nào đã từng được nhiều nhà văn đề cao hơn, sau giai đoạn phải dứt khoát chối bỏ văn chương bao cấp, duyệt đề tài, văn chương theo chỉ đạo, nhưng hôm nay, cả hai câu hỏi: không phải chỉ là viết như thế nào, mà còn là viết gì đều trở nên thiết yếu, và cả bế tắc. Tại sao tôi lại bi quan như vậy? Viết như thế nào ư? Người ta sẽ dễ dàng nói về các cách tân nghệ thuật, các hình thức mới, các thủ pháp nhập khẩu hàng loạt, các thủ pháp từng vào Việt Nam bằng vé chợ đen hay hàng nhập lậu nay đôi lúc có thể ung dung tự mãn trên báo chí và như thể cái gì cũng được phép… Nhưng chúng ta không thể có hi vọng nào về một trào lưu cách tân văn chương, nếu đặt Việt Nam vào văn chương các khu vực khác trên thế giới. Ở những nước luôn đi sau và phải trải qua quá lâu một nền văn học đồng phục như Việt Nam, nhu cầu “cách tân” và khao khát sở hữu các hình thức mới cùng nỗi hoảng hốt, hoang mang đã trở nên cấp thiết và nghiêm trọng trong giai đoạn trước. Nhưng trong môi trường đầy nhu cầu diễn nghĩa như ở Việt Nam, nhu cầu về hình thức thuần túy, hoặc dễ trở nên xa lạ, hoặc dễ trở nên cằn cỗi. Còn viết gì? Các nhà văn trẻ có lẽ rồi sẽ chán ngấy việc quanh quẩn mãi những đề tài yêu đương, nỗi thất vọng tình yêu và những bi kịch cá nhân, họ luôn muốn được tham dự và tham dự sâu vào thời đại. Cái tình thế nhọc nhằn mà người viết hôm nay phải đối mặt dường như là bi – hài kịch Mất Ngôn Ngữ. Bi – hài kịch này là di chứng của quá khứ và nỗi hoang mang trong hiện tại. Trong một không gian văn chương nơi chính trị nghiệt ngã và thị trường đang có những biến động, những người viết văn vừa bị trì níu bởi nếp cũ vừa phải nỗ lực tự quyết định hướng đi của mình thì sự khủng hoảng, hỗn loạn là tất yếu, nhất là trong sự gối tiếp và đứt đoạn của các thế hệ văn chương.

Trong hành trình tìm kiếm ngôn ngữ (mới), tôi không nghĩ văn chương một sớm một chiều có thể “lột xác”, và mọi sự chối bỏ quyết liệt nhất cũng có thể nhanh chóng trở nên bảo thủ trong hình thức mới. Văn chương ngoài lề ở Việt Nam mạnh mẽ, đầy phong trào, nhưng cũng nhập nhằng và thiếu phản tư về chính nó, ngay cả các nhà phê bình cấp tiến ban đầu cũng dần dần trở thành những kẻ bảo thủ. Nỗ lực cổ vũ cái mới, thái độ cuồng nhiệt ủng hộ cái phi chính thống với công cụ lý thuyết là “hậu hiện đại” như cách làm của nhà thơ, nhà phê bình Inrasara gần đây đã mất công hiệu khi người sử dụng muốn biến nó thành một thứ quyền lực mới có tính chất thống trị. Nó chỉ còn là một khái niệm trống rỗng, thiếu căn cứ, thiếu kĩ lưỡng trong những liệt kê, dẫn giải sơ sài và hình như là “không hậu hiện đại”.

V iệc vượt qua một giai đoạn ngôn ngữ, một lãnh thổ ngôn ngữ, một số phận ngôn ngữ, là chuyện sống còn và đầy cao vọng của văn học tiếng Việt trong giai đoạn này: vượt qua giai đoạn tiếng Việt hiện thực xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vượt qua lãnh thổ ngôn ngữ của vùng miền Bắc – Nam, vượt qua cả nỗi ám ảnh số phận của tiếng Việt. Những tên tuổi Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm hay Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên… cũng đã thành cái – đã – qua. Nô lệ những cái bóng lớn đó, văn chương chưa kịp mới đã cũ, chưa kịp thành hiện tại đã thành kí ức. Những kí ức kéo dài của sự nô lệ.

Ngôn ngữ không phải là chuyện hình thức. Nó là máu thịt khi những trải nghiệm ngôn ngữ đòi hỏi phải nhìn thấy các mối liên hệ với các vấn đề xã hội, con người, và một cách chung nhất là hiện thực. Đôi khi, những quan hoài về Hiện thực có thể lại đẩy người sáng tạo vào tình thế bị diễn giải là những kẻ xa lạ với hiện thực hay không hiểu biết về hiện thực mà họ sống – khi họ buộc phải tách mình ở một độ lùi khoảng cách và xa rời các sự kiện trước mắt, cái hiện thực nhiều khi được đơn giản hóa bằng báo chí hay “thị hiếu báo chí” của công chúng. Là lỗi từ người viết hay từ kẻ diễn giải? Nhưng chắc chắn rằng, mối bận tâm về ngôn ngữ chưa và không thể nào chỉ thuần túy là một bận tâm về hình thức. Nó không bao giờ dẫn đến sự xa lạ và cằn cỗi, bởi nó không thể tự bó hẹp nó vào một ngôn ngữ – tự nó.

***

Sự trung thực của thơ ca, của văn chương làm mất giá những định nghĩa, những khái niệm nỗ lực bó hẹp tư tưởng của con người. Nhưng sự trung thực sẽ không bao giờ là đủ cho sự tồn tại của văn chương. Trong lúc này, khi tôi muốn cảnh giác mình trước sự ngợi ca hay hô hào văn chương mang nhiệt huyết chính trị, (mà không có tiếng cười đen của sự phản tư chính nó), tôi thấy mình như kẻ lạc loài, và hài hước hơn nữa, bảo thủ, tách rời cuộc sống chung. Tôi cũng muốn chống lại cả những sự nhân danh “văn chương thuần túy” nhạt nhẽo. Chúng ta có thể “hi vọng” về một thứ văn chương làm cách mạng (dù dòng văn học cách mạng của quá khứ đã phải trả giá bằng sự quên lãng và tâm lý từ chối tiếp nhận của các bạn trẻ hôm nay, như một sự đã rồi, một di chứng của quá khứ, một nỗi đau, một hi sinh không muốn nhưng không đặng đừng) nhưng chúng ta chẳng còn gì để hi vọng về văn chương nếu không có một không gian văn học đa nguyên, độc lập với chính trị để là chính trị theo cách tự thân nó.

Đây là thời đại của nỗi hoang mang khi con người thất vọng về chế độ chính trị, nhưng không biết chờ đợi cái gì chưa tới, thời của sự căng thẳng đối mặt với thị trường, cả về lợi ích và những hiểm nguy của nó, thời chứa đầy nỗi sợ hãi khi văn chương bị hút vào sự mênh mông mà nhỏ bé của ngôi làng toàn cầu, thời mỗi người không còn khuôn mẫu và thần tượng để nhắm mắt đi theo. Trong vô số con đường có thể đi, tôi nghĩ có một con đường nhỏ dành cho những người viết cần băng giá để tìm văn chương, trừ phi, để nhắc lại ý của Sartre, người ta không cần tới văn chương nữa.

08/2011

Nhã Thuyên


[1] Văn học là gì? Jean Paul Sartre, Nguyên Ngọc dịch, nxb Hội nhà văn, 2002).

[2] Văn học là gì, sách đã dẫn

[3] Litviet.com

link: Nguyễn Đăng Thường – Nhà văn nghĩ gì, làm gì mùa hè này

[4] Văn học là gì? Sđd.

bài đã đăng của Nhã Thuyên

Cancel


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

13 Bình luận

  • Nhã Thuyên says:

    Thưa anh black raccoon,

    Tôi thấy mình đã hiểu sai cách nghĩ về “Lễ Nhạc” sau khi đọc phân tích sâu hơn của anh. Tôi nhầm nó như là cái mô hình Văn hóa – Chính trị thuận hòa đề huề tình anh em, lúc chính trị thịnh (hòa hiếu với dân) thì văn hóa được yên, được vui, như Lý Bạch quây quần hát hò bên mặt trời, lúc chính trị (của nhà cầm quyền) rối ren, loạn lạc thì văn hóa, nếu vẫn bám vào chính trị, ắt thành một thứ tuyên truyền.
    Tôi rất muốn được suy nghĩ tiếp về truyền thống Lễ Nhạc đã mất hay ngắc ngoải gợi ra từ trao đổi của anh. Nó sẽ giúp người ta hình dung lại về một truyền thống khác trong căn tính Việt chăng? Tôi cũng muốn tìm hiểu một truyền thống, một đường đi phương Đông nào đó, những gì thiết yếu và nguyên gốc của folklore…
    Như anh nói, VN đã không chiến tranh gần 40 năm, vậy mà những gì không cần phá thì hình như bị phá hết, còn những gì cần phá thì bây giờ vẫn chưa phá xong đó. Tôi, (lại nhớ thơ Nguyễn Đăng Thường, :D)có những cái phá, như là bức tường Berlin, còn lâu hơn cả xây dựng nữa.
    Tôi thật sự thích cái câu cuối của anh, nên trích lại đây: “Tui không nghĩ là một sớm một chiều, hễ cần lòng yêu nước nồng thắm, thì có ngay tình yêu thắm nồng. Thời bình không từ ái thì lấy đâu dũng lực quật cường cho lúc biến loạn.”
    Trong trao đổi như vậy, có những điều vì ngôn từ mà không hiểu trúng ý của người đối thoại, tôi mong được các bạn viết, bạn đọc lượng thứ và mong học hỏi được thêm.
    Tôi đọc trò chuyện với Nhã Thuyên của Đặng Thanh Tùng, rất cảm động. Viết một bài viết được chia sẻ cùng những người đã có lòng chia sẻ cùng tôi, với tôi, như được nhận những quà tặng.

    Thân ái,

    Nhã Thuyên

  • Nhã Thuyên says:

    Gửi Tân,
    Tôi nghĩ rằng tôi thu nhận được những điều có ích từ blog entry của bạn, và tôi cảm ơn bạn vì điều đó. Tôi không muốn phải giải thích thêm những gì tôi viết ở tiểu luận này, vì một tiểu luận đã hoàn thành, với tôi cũng là một tác phẩm, cái quan trọng là người ta có thể nghĩ thêm ra cái gì đó từ nó hơn là nghĩ về nó.
    Cá nhân tôi cho rằng những suy nghĩ của bạn về những tác phẩm “dấn thân” hời hợt, công cụ là phản tư đáng nghĩ. Nó cũng liên kết với cách nghĩ (và mơ mộng hão) của tôi về một thứ “chính trị” tự thân của tác phẩm, một thứ chính trị liên đới thiết thân tới những trải nghiệm cá nhân của mỗi người viết, một thứ chính trị không nhất thiết phải xuống đường trong văn chương, và tôi muốn đề nghị muốn cách hiểu rộng hơn, hay khác đi về từ “chính trị”. Khi tôi đề cập tới mảng thơ văn dấn thân gắn với các sự kiện nóng gần đây, như loạt tác phẩm về Trường Sa mấy năm trước (và thậm chí mấy năm trước, loạt tác phẩm đó còn mạnh mẽ hơn, nhiều tin tưởng vào nhiệt huyết hơn khi không khí không bị đàn áp căng thẳng như thời gian gần đây), tôi đã “lo lắng” một cuộc cách mạng [nữa – vì đã từng có các loại CM ở Vn đó mà] biết đâu sẽ xảy ra. Tôi chưa từng trải nghiệm cuộc CM nào, nhưng thú thật là tôi ớn từ đó lắm, dù tôi cũng thấy đâu có dấn thân, có cờ phất, có khẩu hiệu, vui vui là tôi cũng ham. Cho nên, tôi viết bài này, cũnglà để dặn lòng mình băng giá thêm vậy mà!

  • Thưa cô Nhã Thuyên

    Rất thú vị khi được tác giả bài viết hồi âm. Tui thấy còn một vài chi tiết, xin được trao đổi thêm với cô:

    – Lễ Nhạc, hiểu rộng ra là chính trị với văn hoá, trong cách hiểu của tui chỉ là ” 4 cái bánh xe” của chiếc xe vận mệnh thôi . Nghĩa là vai trò của vận động chuyển dịch. Toàn chiếc xe đó, dĩ nhiên còn nhiều thành phần khác nữa chứ, kinh tế, giáo dục, khoa học, xã hội, tâm linh, tín ngưỡng…

    – Cách hiểu “lớp vỏ cao su tròn mềm, bọc ngoài niềng” là cách suy nghĩ của riêng cá nhân tui thôi.Tui không rõ, nếu cô chủ trương chống lại nó, thì đó là quan điểm của cô. Tui rất tôn trọng và hoan nghênh, vì tui biết ít ra thì suy nghĩ cá nhân của mình có một hiệu lực nào đó. Còn như, cô NT muốn nói sự chống trả lại văn chương theo nghĩa ” ngôn chí “thuật hoài” ( nói chí, tỏ lòng) truyền thống lễ nhạc của Nho Văn thì tui nghĩ là cô sẽ “không cô đơn”. Theo chổ tui biết, trong các xã hội cộng sản đề cao chính trị thống soái như TQ hoặc VN, ít lắm là hơn 50 năm vừa qua họ đã đánh tả tơi, tơi bời Lễ Nhạc bởi một lực lượng thế trận giấy bút hùng hậu rồi còn gì . Truyền thống Lễ Nhạc ở VN, nói cho sòng phẳng, gần như tận tuyệt cáo chung, có còn chắc cũng ngoắc ngoải lắm.

    -Trên kia, tui có ví von đến cỗ xe vận mệnh của toàn xã hội . Tất nhiên, cỗ xe đó phải có người chủ để chuyển vận nó. Ai là chủ mới là vấn đề. Phải chăng là toàn thể dân tộc. Đó là thành quả của văn chương bình dân, thành ngữ tục ngữ, ca dao trong kho tàng văn chương VN. Đó chính là những trò chơi, lễ hội, nghệ thuật văn hoá dân gian (folk songs , folk music, folk games, folk culture). Ngay cả những xã hội đại công nghiệp, ngày nay họ vẫn duy trì và và đế cho toàn dân phát triển hình thái folk culture như thường.

    Văn chương (và văn hoá), nếu được làm con rối mua vui cho toàn dân, theo cách nói của cô, tui cho rằng đó là điều văn chương rất đáng làm . Đó chẳng phải là trò chơi rối nước của dân quê VN hay sao. Đó không là truyện Kiều của Nguyễn Du hay sao. Xét cho cùng, những tuyệt tác văn chương âm nhạc hội hoạ nghệ thuật cúa nhân loại cũng đều phát xuất từ niềm say mê tự tại của tác giả. Đó là cũng có thể hiểu là một trò chơi.

    Tui không rõ, VN hiện tại có phải là ” thời chiến ” hay không. Tui không trực tiếp dính dấp với xã hội đó. Nhưng một điều chắc chắn là người VN đã có một thời gian khá dài gần 40 năm không chiến tranh. Thời gian đó khá dài. Nếu tính theo cách làm việc để xây dựng, phá đổ, giáo dục …theo từng chu kỳ 10 năm. Nhứt là trong một xã hội như VN. Không thiếu nhân tài vật lực để huy động.

    Tui không nghĩ là một sớm một chiều, hễ cần lòng yêu nước nồng thắm, thì có ngay tình yêu thắm nồng. Thời bình không từ ái thì lấy đâu dũng lực quật cường cho lúc biến loạn.

    Thân ái.

  • Tân says:

    Thưa Nhã Thuyên và Phan Đức,

    Comment [Thế hệ dấn thân yêu đời] ở trên kia có lẽ do chế độ trackback bên blog tôi tự đông đưa link sang, chứ không phải do tôi chủ ý post lên đây.

    Đó là một blog entry, không phải một bài phản biện hoàn chỉnh, nên mong Nhã Thuyên lượng thứ cho độ khệnh đôi khi được dùng quá liều lượng.

    Bạn Phan Đức đặt vấn đề là liệu tôi có dị ứng hay nhạy cảm với hai chữ chính trị không khi viết như vậy, thì tôi cũng xin phép được lật lại là liệu bạn (và cả Nhã Thuyên) có lạm dụng hai chữ này không khi đề cao thái quá mối quan hệ của văn học “dấn thân” hôm nay với những sự kiện “nóng” vừa diễn ra. Và phải chăng thái độ lạc quan quá mức ấy đã khiến Nhã Thuyên nghĩ đến “một cuộc cách mạng nữa trong tương lai gần”? (Và xin hỏi chữ “nữa” ở đây có hàm ý là đã từng có một cuộc cách mạng trước đó?)

  • Đặng thanh Tùng says:

    Nói chuyện với Nhã Thuyên,

    Hôm nay là ngày lễ, tôi ngồi nhà không làm gì, mở trang mạng và đọc bài”văn học dấn thân hôm nay”, tôi thấy mình nên góp ý:

    Đã lâu rồi những từ như – tuổi trẻ dấn thân, văn học dấn thân ;làm trẻ tư duy ,làm trẻ ngôn ngữ…cũng đã lâu rồi, cả triệu người bỏ nước ra đi…

    Tôi muốn dấn thân, anh muốn dấn thân, hàng ngàn người như thế…và câu hỏi đặt ra rất buồn: Dấn thân về đâu? hành trang của ta là gì? thời dùng tre đằng ngà không còn nữa!

    Ở nơi nầy tất cả mọi người có thể tham dự vào sinh hoạt văn chương, hay sinh hoạt chính trị; tiếc thay, ở Việt Nam, con người không thể hành sử quyền nầy. Ở Việt Nam con người có tự do, nhưng là tự do trên con đường đảng chọn; có tư duy nhưng là tư duy trong vòm trời đảng đã tư duy…

    Văn học dấn thân trên quê hương Việt Nam không thề tồn tại, khi mà phẩm bình về một hành động của nhà nước đã có thể trở thành “tuyên truyền chóng phá nhà nước”, với hậu quả là đi tù hay có thể cắt đi phần ẩm thực…

    Tôi có thể nói ở đây: thời thờ phụng xác người không còn nữa, xác cụ Hồ hay cụ Nguyễn đảng hãy chôn đi, trang sử buồn thương trên quê hương cần phải được xếp lại. Tôi có thể nói điều trên vì tôi ở nơi nầy, nhưng bạn bè tôi trên quê hương chắc không thể nói được; Tôi có thể nói ở đây: Đảng nên thay đổi thể chế tiền tệ! bởi chú ăn xin trên quê hương Việt Nam là một triệu phú,nó là một khôi hài đen trên thế gian nầy.

    Làm thế nào để những người “trẻ” trên quê hương có thể dấn thân?

    Tôi muốn nói với đảng Cộng Sản Việt Nam, hãy để cho tiếng lòng của con người được cất lên, nếu đảng quả tình muốn có một xã hội tiến bộ; đảng hãy để cho người dân có cơ hội góp phần vào sự thăng tiến của quốc gia như là một góp phần thăng tiến gia tộc chính mình; tôi muốn đảng hãy giải thích hơn là đàn áp những người biểu tình về biển đông-bởi phần lớn nhân dân không có khả năng thẩm thấu chính trị; tôi mong đảng hãy dùng khả năng của chính quyền giải thích hai mặt đúng và sai của tôn giáo hơn là đàn áp họ…

    Tôi có thể nói những điều trên vì tôi ở Houston.

    Không có tự do, dấn thân thật rất nhọc nhằn!

    Văn chương trong một thời gian ngắn thật sự không đủ sức kích hoạt vào thành lũy chính trị; nhưng chính trị, trong một thời gian ngắn, có khả năng làm hàng loạt những tác phẩm văn chương chỉ còn là những chiếc bóng mờ.

    Chính trị là phần việc của chính quyền, chúng ta có thể tham dự tích cực như dấn thân để bước vào; tiêu cực như bình luận,góp ý…dấn thân vào chính trị là phần việc bắt buộc nếu con người muốn cải biến quê hương…không vào hang cọp…Dấn thân trong văn chương để biến cải xã hội là chuyện bắt thang lên trời, có điều bây giờ,chuyện lên trời vẫn là chuyện khả thi.

    Cảm ơn Nhã Thuyên,

    Cảm ơn tạp chí Da Màu.

  • Nguyễn Đăng Thường says:

    Thưa chị Nhã Thuyên,
    Tôi không có “vấn đề” 🙂 gì cả với tiểu luận “Văn chương dấn thân hôm nay” — rất mong chị đã không hiểu lầm — vì đó là một bài viết rất hay và rất cần thiết trong lúc này, chí ít là để đánh thức “Thế hệ dấn thân yêu đời”.
    Ba câu hỏi của Sartre “Văn học là gì? Viết làm gì? Viết cho ai?” cũng như câu hỏi cũ “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” thì người cầm bút và người cầm cọ hôm nay có thể trả lời bằng tác phẩm, nhưng tác phẩm có được “bề trên” – ở nơi có độc tài cũng như ở nơi có tự do – gật đầu hay không lại là một chuyện khác. Riêng nhà văn Nhã Thuyên thì đã chọn và đáp với tiểu luận “Văn chương dấn thân hôm nay” trong tinh thần tự do ngôn luận.
    Một lần nữa, tôi xin thành thật và thành thật và thành thật cảm ơn chị vô cùng đã đọc và không chê thơ tôi. Vì trong phỏng vấn “Thơ đến từ đâu” anh Nguyễn Ðức Tùng có hỏi: “Cái gì là quan trọng nhất trong thơ anh? Hình ảnh? Âm nhạc? Vần điệu? Ngôn ngữ?” —câu đáp của tôi là: “Ðộc giả”. 🙂 🙂
    Thân ái.

  • Nhã Thuyên says:

    Tôi xin phép trả lời chung trong một comment:

    Thưa black raccoon,
    Trong thiển ý hạn hẹp của cá nhân tôi, quan niệm truyền thống về Lễ Nhạc, cũng như cách nghĩ văn hóa như “lớp vỏ cao su tròn mềm, bọc ngoài niềng” của bánh xe chính trị phần nào có thể nói cũng chính là “truyền thống” mà tôi muốn chống. Trong cách hình dung này, văn chương và chính trị sẽ có vẻ hòa nhã an ổn ở thời bình, thời thịnh, và văn chương chưa biết chừng có thể làm con rối mua vui. Truyền thống văn chương phụ thuộc vào chính trị dẫn đến những nhập nhằng không dứt trong lịch sử văn học Việt Nam, kéo dài áp lực đến ngày nay về việc chở đạo, nói chí, tỏ lòng. Vài ý sơ sài chia sẻ lại cùng anh.

    Thưa bạn Tân (Thế hệ dấn thân yêu đời),
    Cảm ơn bạn đã có những góp ý thẳng thắn và tôi nghĩ là có ích với tôi. May sao, bạn làm tôi thấy tự tin rằng có khi mình vẫn còn cái cuồng nhiệt trong lòng, vậy mà lâu nay tôi tưởng tôi là kẻ vô cảm hết mực rồi.

    Nhã Thuyên

  • Nhã Thuyên says:

    Thưa nhà thơ Nguyễn Đăng Thường,
    Cảm ơn anh đã dành chút thời gian đọc bài viết của tôi và để lại phản hồi.
    Tôi nghĩ anh đã đặt ra câu hỏi mà bản thân anh đã trả lời ngay trong đó: “Nói tóm lại, nội dung chính trị mà tôi yêu cầu cho thơ hôm nay và trong lúc này là “chính trị của tự do lựa chọn”. Ai thích thì hành động, không thì thôi. Do vậy việc tổng quát hóa và lồng nó vào trong đề tài “văn chương và chính trị” có thể là không cần thiết?”. Vì nó là “chính trị của tự do lựa chọn” nên tự bản thân nó đã đặt ra quan hệ giữa văn chương và chính trị.
    Tôi không nghĩ có chính trị đúng/sai một cách chung chung.
    Việc tôi sử dụng một câu trả lời của anh trong bài viết của mình, không nhằm minh họa cho một quan điểm chung, mà, bởi thơ anh như hoa (nở) nên tôi đã tự cho mình cái quyền được thích ngắm và ngắt trộm chơi đôi bông. Tôi cũng không quan hoài đánh giá về giá trị của các bài thơ đó cũng như không quan tâm tới việc ai hành động hay không theo lời hiệu triệu.
    Rút cục, bài viết của tôi cũng là sản phẩm của tự do ngôn luận, như là tiếng rên rỉ giữa âm thanh phố phường thôi mà.
    Một lần nữa, cảm ơn anh và mong được đọc anh đều đều.

    Nhã Thuyên

  • Nguyễn Đăng Thường says:

    Cám ơn nhà văn Nhã Thuyên thích thơ Nguyễn Ðăng Thường, đã đọc bài phỏng vấn tôi trên LitViet và trích dẫn lời kêu gọi của tôi.

    Trước tiên, xin cho tôi được nói sơ qua về lời “hiệu triệu” đó cũng như nội dung “dấn thân” của một số các “bài thơ” (xin gọi tạm như vậy) của tôi.

    Vì ý thức ngay từ lúc đầu về sự “lẻ loi” của tiếng kêu đó nên tôi đã gọi nó là “tiếng hú trong sa mạc”, cũng như ý thức về sự “nhất thời” của các bài thơ kia nên tôi đã đặt tên chung cho chúng là “nở ngày”. Sáng nở chiều tàn.

    Chúng có độc giả và có được ghi nhớ hay không là một chuyện khác, tôi không quan tâm. Tôi chỉ viết những cái tôi muốn viết.

    Về chính trị trong văn học tôi xin chị Nhã Thuyên và độc giả chí ít là cũng nên phân biệt: a) giữa “chính trị” và “tuyên truyền”, b) giữa “chính trị được tự do lựa chọn” và “chính trị bị áp đặt”.

    Tuyên truyền thì phải phân biệt giữa tốt và xấu.

    Chính trị thì phải lựa chọn giữa đúng và sai.

    Thí dụ, trong thời chiến ở miền Bắc chỉ có một đường lối chính trị duy nhất cho văn nghệ trong lúc ở miền Nam có nhiều xu hướng khác nhau, vì miền Nam có tự do nhiều hơn miền Bắc.

    Nói tóm lại, nội dung chính trị mà tôi yêu cầu cho thơ hôm nay và trong lúc này là “chính trị của tự do lựa chọn”. Ai thích thì hành động, không thì thôi. Do vậy việc tổng quát hóa và lồng nó vào trong đề tài “văn chương và chính trị” có thể là không cần thiết?

    Thiển nghĩ của tôi là mọi tác phẩm văn học, dù muốn hay không, dù là văn chương “thuần túy” hay là thơ ca “phi chính trị” cũng không thoát khỏi chính trị. Bởi lẽ nội dung của chúng, ngấm ngầm hay lộ liễu, đều cổ xúy cho một chủ nghĩa.

    Tôi xin được miễn đi vào chi tiết vì đây chỉ là phản hồi. Chỉ xin kể thử vài trường hợp.

    Trong thế chiến thứ 2 và trong cuộc kháng chiến chống phát xít, các nhà thơ Paul Éluard, René Char, Robert Desnos, Louis Aragon, Jean Cassou, Eugène Guillevic, Joseph Kessel, Maurice Druon, Marianne Cohn… . đều đã làm thơ “chính trị”. Bài thơ “Tự do” (Liberté) của P. Éluard vẫn được tuyền tụng.

    Ngược lại thơ Tố Hữu, thơ Xuân Diệu ca tụng Stalin, Mao, Hồ… chỉ là thơ tuyên truyền.

    Rap, Hip Hop là nhạc chính trị cũng như nhiều ca khúc của nhạc Country.

    Hy vọng trả lời như vậy đã tạm… ổn.

    Thân ái.

  • Phan Đức says:

    Một bút danh khá lạ “Thế hệ dấn thân yêu đời” hình như của cả một
    tập thể, nếu một mình mà muốn đại diện cho cả thế hệ thì có vẻ gì
    đó hơi đại ngôn,phải không?

    Ngay bút danh cũng đã muốn bày tỏ mục đích của mình là gì rồi! Do
    đó, “chới với” là phải, hay dị ứng và nhạy cảm với 2 chữ chính trị?

    Vài thiển ý của tôi trên đây cũng chỉ là cảm giác thoáng qua.

  • Nguyễn Đức Tùng says:

    Bài Văn học dấn thân hôm nay của Nhã Thuyên rất OK.
    Hợp lúc.
    Có vài đoạn chị viết chưa thật rõ ý, tôi phải đọc lại, và hình như có gì đó rất cần được bàn lại, nhưng toàn bài gợi ra nhiều suy nghĩ.

    Nguyễn Đức Tùng.

  • Ngôn ngữ không phải là chuyện hình thức. Nó là máu thịt khi những trải nghiệm ngôn ngữ đòi hỏi phải nhìn thấy các mối liên hệ với các vấn đề xã hội, con người, và một cách chung nhất là hiện thực. (NT)

    – Ví von ngôn ngữ là máu thịt rất đúng. Nhưng, máu thịt cần một sự chuyển hoá để lập thành. Tới đây, có hai vấn đề cần thiết: nội tạng lành mạnh và bản chất của chính loại thức ăn. Người phàm ăn, máu và thịt chắc cũng có chổ khác với người ăn uống theo phép vệ sinh bổ dưỡng chứ.

    – Thật ra, có những đề tài mà nhân loại cứ lập đi lập lại hoài hoài, không biết bao giờ đủ và dứt. Như tình yêu. Như lý tưởng. Như chính trị như văn hoá …

    Cá nhân tui, tui quan niệm chính trị mặt nào đó chính là chính quyền. Mặt nào đó, là chính kiến. Chính quyền lẫn chính kiến sẽ là “chuyện lớn” trong mấy xã hội độc tài, quân phiệt, toàn trị. Trong mấy xã hội mà “chính trị là thống soái” v.v…

    Từ ngàn xưa, người theo văn minh Nho Văn đã quan niệm Lễ Nhạc là hai phương pháp tương hổ để sửa trị quốc sự. Có người về sau này quãng diễn ra thành Chính Trị với Văn Hoá, theo ý nghĩa Lễ chủ kính, Nhạc chủ hoà.

    Tui hiểu, chính trị giống như cái niềng bánh xe vuông và cứng. Văn hoá như lớp vỏ cao su tròn mềm, bọc ngoài niềng.

    Không có thơ ca, không có văn chương, không có văn hoá, chiếc xe vận mệnh sẽ lật đật, cọc cạch, ỳ ạch trên 4 cái bánh vuông vức.

1 Pingbacks »

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)