Trang chính » Dịch Thuật, Sáng Tác, Sang Việt ngữ, Truyện ngắn Email bài này

Nói dối

♦ Chuyển ngữ: 0 bình luận ♦ 26.08.2011

 

Ann Hood, sinh 1965 tại Rhode Island, Hoa Kỳ, là tác giả của hơn mười ba tác phẩm hư cấu và phi hư cấu. Cộng tác với nhiều tạp chí như The Paris Review, Ploughshares, và Tin House. Bà cũng là cộng tác viên thường xuyên của nhiều tạp chí. Hiện bà giảng dạy lớp Sáng Tác Văn Chương tại trường New SchoolNew York và sống ở Providence với chồng và các con.

 

Khi tôi bước vào tiệm Bendel trên đại lộ số năm ở Manhattan, một người đẹp xớt xuống vồ ngay lấy tôi. “Bồ thử Mally nhé?” Cô ta hỏi.

Tôi tới đây là để mua cái áo len đang hạ giá, nhưng ngăn chính này của tiệm là chỗ phụ nữ đến để được trang điểm. Những cô gái tóc vàng khoác áo choàng phòng xét nghiệm mầu trắng đang chấm phấn nhũ lên mí mắt, son bóng lên môi, những đường viền lên gò má khách hàng. Thật khó mà từ chối sự mời mọc xun xoe, những chiếc hộp mầu tím và xanh bóng loáng mở sẵn như những chiếc hộp đựng kho tàng, viễn ảnh của sự hóa thân. Ai mà cần cái áo len cashmere mới khi mình có thể có chính mình mới toanh chứ?

“Vâng,” tôi thì thầm, “Tôi muốn thử Mally.”

Mally, chính cô ta – cũng nóng bỏng, lượn quanh phòng. Cô ta là chuyên viên trang điểm cho các ngôi sao. “Bồ thích Jennifer Lopez không?” cô gái Ba Tây tóc vàng thì thầm trong khi đẩy tôi lên chiếc ghế đẩu. “Mally trang điểm cho Jennifer Lopez đấy.”

Tôi mỉm cười, gật đầu. Mally làm cho J-Lo và tôi. Mally ngưng bước, nhìn chăm chăm vào mặt tôi. Cô ta mở những hộp phấn, những thỏi son. Cô ta khen tôi đẹp. Rồi cô ta bước đi.

“À,” cô thợ trang điểm của tôi gợi chuyện trong lúc thoa đều phấn hồng trên má tôi, “Bồ ở đâu nhỉ?”

“Góc đường Số Năm và A.” Tôi trả lời. Đó là một câu nói dối. Mười ba năm nay tôi đâu có ở Manhattan. Tôi từ nhà ở Providence đi vào thành phố để gặp biên tập viên một tạp chí. Nhưng một người đàn bà phải đón chuyến xe buýt sáu giờ trở về Rhode Island thì tư cách nào mà ngồi trong tiệm Bendel với Mally được?

“Mình cũng ở đó!” Cô ta buột miệng, “Góc đường số Năm và A! Mình là láng giềng rồi!”

“Hết sức tình cờ nhé?” Tôi nói, hy vọng cô ta không hỏi thêm chi tiết. Đường số Năm và A là nơi Tony, ông anh bà con của tôi sống trước khi rời khỏi thành phố, dọn qua Berkshires ba năm trước.

Nhưng cô ta không hỏi. Cô ta đang quá bận cuộn lông mày cho tôi bằng cái dụng cụ tra tấn mà từ những năm 80 tới giờ không còn thấy ai dùng nữa. Rồi cô ta gắn lông mi giả và đùng một cái tôi thành một người có lông mi xum xuê, gò má, và môi đầy. Tôi hết hồn, nhìn mình đăm đăm trong gương.

“Bồ đi se lông mu kiểu Ba Tây ở tiệm một người đàn bà đại lộ số Chín đi.” Cô ta hân hoan thì thầm vào tai tôi. “Bồ biết tôi nói ai mà, phải không?”

Tôi gật đầu ra vẻ hiểu biết, cái cách mà một người thực sự sống ở khu vực ấy vẫn làm.

“Tối nay ông xã bồ sẽ quýnh lên cho mà xem,” cô ta nói.

“Ô, tôi chưa kết hôn,” tôi nói dối. Một người đàn bà với dáng vẻ tôi đang có bây giờ, khuôn mặt được bao phủ bởi những thứ trang điểm của Mally, trên đường về nhà ở East Village, đi se lông mu kiểu Ba Tây, thì không thể đã kết hôn. Cô ta nên có một bạn trai, một anh chàng nóng nảy và tính khí thất thường. “Tôi sống chung với một người,” tôi nói thêm. “Một diễn viên.”

Cái thời xa lắc xa lơ, tôi có phải lòng một diễn viên và theo như tôi biết, anh ta vẫn sống ở đâu đó ở East Village – với vợ anh ta.

“Chắc anh ấy nổi tiếng lắm.” Cô ta cười ngặt nghẽo. “Đúng không?”

Thực ra, anh chàng bạn trai cũ của tôi bây giờ dạy Anh ngữ cho di dân, nhưng tôi nói, “Ô, thì cũng…” bằng cái cách chị ta có thể hiểu là đúng vậy, anh ta rất nổi tiếng. Rồi tôi trả tiền vượt quá giá cả của một bộ mỹ phẩm che dấu khuyết điểm với phấn nền điều chỉnh, bộ làm mắt viền chì đen mốt thành thị, bột thoa mắt ánh nhũ, bộ mỹ phẩm Tạo Hình & Tỏa Sáng khuôn mặt với tông màu Tình Yêu Sâu Thẳm. Chúng tôi trao đổi email; tôi nghĩ đại ra một địa chỉ gmail bởi vì chắc chắn cái người tôi đang mạo nhận kia sẽ phải có một địa chỉ gmail. Tôi cho qua một bên cái áo len hạ giá và thay vào đã bỏ cả giờ sau đó thử chiếc đầm dạ hội Diane von Furstenberg mà tôi không thể nào mua nổi, ngắm nghía cái người mà tôi đang giả bộ đóng vai cô ta trong ba tấm gương soi của phòng thử áo. Rồi tôi đi về phía Port Authority đón chuyến xe buýt trở về cái nơi mà tôi thực là tôi.

Tôi xuất thân từ một gia đình toàn những người nói dối. Bà tôi, Mama Rose, nói dối để che giấu những điều bất chính bà đã làm. Sau khi rủa người hàng xóm phía bên kia đường vì đã coi thường dì của tôi, Mama Rose quả quyết là bà hàng xóm kia đã rủa bà trước. Sau khi tôi mách mẹ tôi là Mama Rose đã cho tôi ăn bánh mì kẹp thịt trong khi em tôi thì được ăn món thịt bò bít-tết buổi tối thứ bảy khi bà trông chúng tôi, thì bà tôi đã nói dối rằng tôi lại đặt điều nữa rồi. Sau khi tát vào tay tôi trong cơn giận, Mama Rosa nắm lấy tay mình, ngồi thụp xuống ghế, khóc lóc, kể lể là tôi đã đánh bà. Những câu nói dối của bà là những phương thức phòng thủ, nhằm bảo vệ chính mình. Bà tôi luôn luôn làm mấy chuyện gian manh nho nhỏ; rồi bà nói dối và mỉm cười thật ngọt. Những câu nói dối của bà làm cho bà trở nên dễ thương hơn, tử tế hơn, có vẻ nạn nhân hơn, ngay cả có chiều cảm thông hơn nữa.

Bà khai rằng cả bảy cô con gái của bà đều là dân nói dối. Và bà nói đúng. Vài người nói dối để cho kẻ khác bị rắc rối. Vài người, giống như mẹ của họ, nói dối để che giấu điều sai quấy của họ. Vài người chỉ nói dối suông cho có. Tất cả đều biết là họ đang nói dối, và thường cãi cọ về những điều nói dối của họ. Khi một người dì của tôi nói về buổi lễ tốt nghiệp trung học của bà, những người kia gọi một dì khác ra để đôi chối rằng thực sự dì ấy đã bỏ học năm lớp mười để đi làm nghề sản xuất hoa giả trưng bày. Khi một dì khác khoe là bà làm món cháo bắp tuyệt hảo, bà đã bị buộc phải làm món ấy đãi cả nhà ngay vào Chủ Nhật tới. Dĩ nhiên, thất bại chua cay bởi dì ấy có biết trời trăng gì đâu. Thực ra, họ toàn nói dóc về các công thức thực đơn, bỏ bớt thành phần khi phải chỉ cho người khác, và cùng nhau chế biến ra những thứ khác.

Chuyện nói dóc không hẳn là điều chỉ được theo đuổi bởi nữ giới. Ví dụ cậu tôi, con trai của Mama Rose, cũng nói dóc về những vụ đánh nhau mà cậu tham dự. Có lần cậu kể cho chúng tôi nghe là cậu đánh một người chào hàng ở Sears, vì anh ta bán cho cậu cái máy giặt khiếm khuyết. Cậu cũng kể cho mọi người nghe là cậu đã đấm một anh chàng thợ máy vì anh này không tìm ra được là xe của cậu bị hư chỗ nào. Và cậu luôn luôn huyênh hoang là đã tát tai bất kỳ ai: láng giềng, bồi bàn, các thầy, cô giáo của em họ tôi. Cậu thích kể mấy chuyện ấy, và bà con tôi, chen chúc nhau trong bếp của bà ngoại, nghe một cách thích thú. Lúc còn bé, tôi cứ thắc mắc làm cách nào cậu không bị bắt sau khi đã đánh nhiều người như thế. Cảnh sát phải đến sau khi ai đó đục vào mặt một người chào hàng ở Sears mới phải chứ. Cuối cùng cha tôi, một người dân lương thiện vùng trung tây, đã giải thích là tất cả những chuyện ấy đều là nói dóc hết ráo. Ông coi những câu chuyện của cậu tôi là những hệ quả của thế chiến hai.

Cuộc thế chiến, tự nó đã là mảnh đất mầu mỡ cho những chuyện bịa đặt. Cậu tôi khoe là đã đổ bộ bãi biển Omaha, đi bộ suốt chiều dài nước Ý, giải phóng trại tập trung Auschwitz, sống một thời gian dài ở London, và xuôi ngược dòng sông Rhine. Thực ra ông đã bị thương hầu như ngay từ lúc mới xuất quân và phải điều trị ở hậu phương suốt chiều dài cuộc chiến. Cậu tôi gốc thợ máy, cậu kể cho con trai tôi nghe chuyện xây cầu Newport, về cảm giác rợn người khi phải lơ lửng trên cao giữa trời nước để sơn thành cầu, và những câu chuyện bi thảm về những người đã bỏ mạng trong việc xây cất cây cầu ấy.

Một điều nói dối khác cậu tôi thích kể là chuyện cậu học hội họa tại trường Khiết Kế Mỹ Thuật Rhode Island. Thực ra giống như hầu hết các cậu và dì tôi, cậu tôi bị buộc phải bỏ học để đi làm sau khi ông ngoại tôi mất. Thế nhưng cậu lại kể về ngôi trường này và thời gian ông học ở đó. Một buổi sáng, không lâu sau khi đám cưới đầu tiên của tôi, ở New York, một trong những khách mời, một người bạn của mẹ chồng mới của tôi, gọi và xin số điện thoại của cậu tôi. “Cô muốn hỏi cậu cháu cái gì vậy?” Tôi hỏi bà. “Làm gì à, ông ấy sẽ vẽ chân dung cho cô!” Bà trả lời. “Ông ấy bảo bây giờ ông ấy vừa dạy hội họa vừa vẽ chân dung.” “Ờ hở,” tôi nói. Tôi không muốn khai ra sự thật làm cậu tôi mất mặt, thành ra tôi nói với bà là tôi sẽ bảo cậu gọi điện lại cho bà khi lịch hẹn của ông có chỗ trống.

Một dấu hiệu chắc chắn rằng người nhà của tôi sắp nói dối là lúc họ đưa tay phải lên bảo, “Thề có Trời, tôi không hề nói láo.”

Sau khi tốt nghiệp đại học tôi sống ở Boston với năm phụ nữ. Hồi đi học, tôi mặc áo sơ mi Izod và quần kaki, tham dự những buổi tiệc bia rượu, và trải qua kỳ nghỉ mùa xuân ở Fort Lauderdale uống nước trái cây pha rượu với những cái tên như Mây Mưa Trên Bãi Biển, nhuộm cho da rám nắng, và hôn hít bọn con trai. Bây giờ tôi muốn thành một người nào đó khác, một người có tầm vóc thế giới, một người quý phái.

Việc làm đầu tiên của tôi là luyện cho được cái giọng Boston – một chút Kennedy với âm hưởng Rhode Island. Mặc dù hầu như tôi lớn lên hoàn toàn ở Rhode Island, tôi thực sự trải qua những năm hình thành của tuổi thơ ấu ở Virginia. Cha tôi có giọng miền nam, còn mẹ tôi nói giọng Rhode Island nặng. Coi như họ dung hòa với nhau, anh ruột tôi và tôi coi như không bị lai giọng. Cho tới khi tôi quyết định rằng nói cái giọng như thể mình sinh ra ở Boston sẽ làm cho mình lôi cuốn hơn. Có lần, thật lâu sau khi tôi đã bỏ cái tật giả hình, tôi gặp một anh chàng nói giọng Anh giả mạo. Tôi hùa theo anh ta, thầm cảm thông cho cái nhu cầu phô bày một nhân dáng coi được hơn. Một kẻ đến từ Anh quốc thì không có vẻ huyền bí hơn hay sao? Một kẻ “pahks her cah in Hahvahd Yahd” (1) không ít thì nhiều cũng ngon hơn một con nhỏ nói ra nghe giống hệt những người khác chứ? Cuối cùng, mệt quá, tôi chả thèm phát âm giọng Anh nữa.

Nhưng tôi không thể buông xuôi niềm hy vọng rằng nếu tôi nói dối thiên hạ sẽ thích tôi hơn, ái mộ tôi hơn, và ngay cả ganh tị với tôi hơn. Mỗi khi có ai đó trong số những bạn chung phòng với tôi nói về một nhà hàng, một cuốn phim, một cuốn sách, tôi khoe tôi đã ăn ở đó rồi, đã xem rồi, đã đọc rồi. Tôi ghét cảm giác không biết về một thứ đang được coi như ngon lành hoặc thịnh hành hoặc hấp dẫn. “Chuyện gì bồ cũng làm hết rồi,” một buổi chiều một cô bạn chung phòng tôi thở dài bảo, “Bồ thật là may mắn.” Tôi nhún vai, lo rằng tôi đã không cảm thấy tội lỗi hơn về chuyện nói dối nhiều quá. Thực ra, tôi đã làm được chuyện gì đâu.

Dĩ nhiên, tôi cũng thu thập kinh nghiệm một cách chậm chạp. Tôi dời chỗ ở nhiều lần. Tôi chả cần phải nói dóc về những việc tôi đã làm, bởi cuối cùng thì tôi cũng đã làm vài điều thú vị.

Có vẻ như sự nói dối của tôi liên hệ tới tình trạng ấu trĩ, và vì vậy nó sẽ phai dần đi khi tôi già giặn hơn. Nhưng thật ra nó lại xoay qua một hướng khác. Tôi nói dóc về giá cả của những thứ tôi mua và nơi tôi mua chúng. Có lần tôi tìm được một cái áo len trong tiệm Urban Outfitters ở Harvard Square và mỗi khi có người trầm trồ khen nó, tôi lại bảo họ tôi mua nó ở một tiệm thời trang nổi danh ở New York. Đôi giầy Prada mua với giá bảy chục đô ở tiệm đồ cũ thì tôi khoe với thiên hạ là tôi mua với giá bốn chục. Đôi khi tôi cứ khoe dù chẳng ai hỏi. “Giầy Prada,” tôi nói, vạch cái hiệu ở phía trong ra cho thiên hạ nhìn. “Bốn chục đô. Thật khó mà tin được nhỉ.”

Khi nói dối về những chuyện như thế, tôi trở thành người mua được những món đồ giá hời nhất, người biết chỗ mua sắm, người tìm ra những món đồ để mua. Trong truyện ngắn “Mùa Gặt”, Amy Hampel viết là sau khi bị tai nạn xe gắn máy, cô ta phải khâu tới bốn trăm mũi. Về sau, cô ta thú nhận là thực ra chỉ có ba trăm mũi. “Tôi phóng đại… bởi vì nó đúng – đã cùi thì đâu còn sợ lở nữa.”

Hoặc là, trong trường hợp của tôi, hoàn toàn tốt. Tôi đã nhận phần của tôi về những vận xui, những tai họa, ngay cả những thảm kịch. Tôi chẳng cần phải tô vẽ để chúng bi thảm hơn sự thực. Không, nỗ lực của tôi chỉ là để biến những thứ tốt đẹp thành lớn lao. Tôi muốn cái điều tôi làm tốt trở thành kỳ diệu. Tôi muốn là người mua hàng rẻ giỏi nhất, người mẹ ngon lành nhất, người bạn thông minh nhất.

Chẳng hạn như chuyện bếp núc. Tôi là tay đầu bếp giỏi. Một đầu bếp giỏi thực sự. Tôi đọc những sách và tạp chí dạy nấu ăn để giải trí, cắt rời những trang thực đơn, ghi chú, đánh dấu trang. Một trưa nọ, trước bữa tiệc buổi tối, tôi tìm được một công thức cho món bánh mì tỏi trong đó có việc bỏ phó mát Parmesan, bơ không muối, tỏi và chút vỏ chanh vào bình xay thức ăn rồi phết lên miếng bánh mì và nướng với nhiệt độ cao. Kết quả là bánh mì dòn thấy mê, nướng tới mức vàng nâu, có vị tỏi phảng phất chút hương chanh.

“Cô nghĩ ra món này hở?” một bà khách hỏi trong lúc bà ngất ngây với miếng bánh mì thứ ba.

Trong đầu tôi hoàn toàn không có ý nghĩ xác nhận mình là người sáng tạo ra ý nghĩ làm bánh mì như thế. Tìm ra công thức và nấu thành món ngon không đủ sao? Nhưng bà khách đã lỡ cấy ý tưởng ấy vào đầu tôi, tôi liền vồ ngay lấy nó.

“Tôi cứ quăng đại vài thứ vào cái máy xay thịt.” Tôi nói.

“Vị chanh?” bà ta hỏi. “Ai mà nghĩ ra được nhỉ?”

Tôi. Tôi nói với mình. Và với bà ta. “Tôi chứ ai.”

Tôi không bao giờ nói dối về những điều quan trọng. Tôi chưa bao giờ nói “Em yêu anh” với người mà tôi không yêu. Tôi không bao giờ nói dối khi viết văn phi hư cấu. Điều duy nhất tôi nói dối với lũ con tôi là Ông Già Noel có thật. Tôi không nói dối về những chuyện liên hệ tới con tim. Hay liên quan tới linh hồn. Tôi là người mà bạn bè tìm tới để tìm hiểu sự thật về người đàn ông họ yêu, về công việc họ làm, hoặc về một quyết định họ phải lựa chọn. Tôi không bọc đường sự thật. Tôi không bị lay chuyển bởi chủ nghĩa lãng mạn. Tôi thực tế, tôi là một con người hiện thực. Tôi ăn nói thẳng thừng. Nếu kiểu tóc mới cắt của một đứa bạn không đẹp hoặc nó mặc một cái váy không tạo nét cho thân hình, tôi sẽ không nói gì hết thay vì khen giả dối.

Ngoài ra với những chuyện không quan trọng, tôi nói dóc thầy chạy.

Ngồi trên máy bay trên đường đến Los Angeles thăm đứa bạn. Sao tôi lại nói với người ngồi bên cạnh rằng tôi sống ở đó, ở L.A? Khi cô ta hỏi, tại sao tôi lại khoe tôi viết kịch bản cho đài truyền hình?

Trong lúc xếp hàng ở nhà bưu điện, chờ mua tem gửi trả tiền hóa đơn, sao tôi lại nói là tôi đang thăm viếng thành phố nơi tôi cư trú? Tại sao tôi lại nói thêm là thực ra tôi ở nước ngoài? Tận Rome lận?

Tại sao tôi lại nói với người tôi gặp trên xe buýt là tôi đã kết hôn ba lần? Hai lần không đủ sao?

Chiếc quần jeans tôi mua giá hạ ở tiệm J. Crew tôi nói mua ở London.

Cái váy Betsey Johnson mua với giá cắt cổ tôi khoe là mua với giá hạ chỉ có năm chục bạc!

Thấy tôi mua sắm khéo không!

Tôi biết những chỗ tốt nhất để ăn uống, để mua sắm, để du lịch, để đến!

Tôi ngon lành! Tôi tự tin! Chẳng lẽ bạn lại không muốn biết được nhiều như tôi sao?

***

Đây là sự thật: Tôi có tìm được chỗ bán hạ giá. Tôi cũng đã du lịch nhiều nơi, sống ở nhiều thành phố. Đây là sự thực: Nhiều người nhận ra con người tôi đầy lôi cuốn. Tôi có nhiều bạn. Tôi thực sự có nhiều chuyện để kể, những chuyện đã thực sự xảy ra, những biến cố có thể làm bạn nín thở lắng nghe.

Nhưng ở nơi nào đó sâu thẳm trong tôi, tôi không hấp dẫn. Tôi không ngon lành. Tôi là đứa trẻ mới vào lớp một mặc áo quần không giống ai, nói chuyện vô duyên hết biết; tôi là con bé mười hai tuổi đứng trong thương xá không biết nên mua thứ gì; tôi là cô thiếu nữ mới lớn chọn cái áo dạ hội sọc xanh có hoa văn xấu xí nhất cho buổi tiệc tốt nghiệp; con bé sinh viên đại học không hiểu rằng quần jeans màu xanh da trời thì coi được hơn những bộ trang phục màu sắc ăn khớp với nhau một cách hoàn hảo: thắt lưng, bí tất, xách tay; đứa con gái mà chiếc xe đầu tiên của nó là chiếc Firebird dán đường vạch mầu xanh nhạt và màu trắng bên trong, cái đứa mà sau khi lái chiếc xe đó về nhà mới nhận ra là nó đã trả ba ngàn đồng để mua chiếc xe xấu xí nhất khu phố.

Hôm ấy tôi đã thực hiện được điều đó ở tiệm Bendel. Tôi có thể thực sự là một người sống ở đại lộ A với một nghệ sĩ nổi tiếng. Tôi thực sự có thể chịu nổi cái áo bốn trăm đô. Khi người nào đó tin tôi, khi họ nhìn tôi bằng con mắt khâm phục, ngay cả kính nể, tôi cảm thấy mình quan trọng. Người đó tin là tôi có thể sống ở Rome? Đảm đương một công việc quan trọng? Thiết kế ra những khuynh hướng thời trang? Quan trọng như thế, đặc biệt như thế, mê hoặc như thế? Tôi khoác loạt nhân cách mới không phải cho những người nghe tôi nói dối, nhưng cho tôi. Cùng với thời gian những câu nói dối của tôi nhỏ dần lại, bớt tai hại hơn, vô tội vạ hơn. Tôi ngộ ra rằng chẳng có gì phải hổ thẹn khi thú nhận là mình chưa hề nghe tên họa sĩ nọ hay nhà văn kia, và người ta sẽ sẵn lòng, ngay cả nhiệt tình, nói cho tôi nghe điều họ biết. Tôi đã học hỏi được rằng cách hay nhất để tìm ra chỗ bán hàng hạ giá hoặc những thứ khác thường là hỏi những người có những thứ ấy.

Nhưng cái tôi con trẻ hơn kia vẫn lẩn lút trong tôi. Tôi đây, đứng trong hàng tính tiền tiệm tạp hóa, nói với người đàn bà đứng chờ sau lưng tôi rằng cái váy tôi mua ở Gap đến từ một cửa tiệm chuyên dụng ở London. Tôi cầm gói thực phẩm và cười với chị ta, theo cái kiểu mà chỉ có những kẻ cù lần và xoàng xĩnh như tôi có thể cười. Và trong khoảnh khắc ấy tôi đặc biệt. Ngay cả bây giờ, sau bao nhiêu thăng trầm; tôi vẫn nói dối.

 

Chú thích dịch giả: (*) Parks her car in Harvard Yard: đậu xe của cô ta ở Harvard Yard.

Dịch từ bản Anh Ngữ “Lying” trong tuyển tập Bad Girls: 26 Writers Misbehave, biên tập bởi Ellen Sussman, nxb W. W. Norton & Company, 2007.

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2025 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)