- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Gorbachev: Những bài học từ cuộc đảo chính Liên Xô

 

 Moscow_19_August_1991-1

 

Hai mươi năm trước vào cuối tuần này (tuần 19-21 tháng 8 năm 1991), một nhóm thành viên của Bộ Chính Trị và các giới chức trong chính quyền Liên Xô đã toan làm một cuộc đảo chính. Họ đã lập ra một tổ chức vi hiến mệnh danh “ủy ban quốc gia khẩn trương”, cô lập tổng thống Liên Xô và tước đoạt quyền hành của ông.

Các biến cố vào tháng Tám đó là kết quả của cuộc tranh đấu chính trị gay go trong khoảng cuối những cố gắng lâu dài của chúng tôi để cải tổ Liên Bang Xô viết.

Vào những năm tái cấu trúc (perestroika), những thay đổi lớn đã biến đổi đất nước chúng tôi. Nhân dân ủng hộ cởi mở (glasnost); những cuộc bầu cử tự do tranh cử; và bắt đầu chuyển sang kinh tế thị trường. Nhưng bọn quan lại của Đảng Cộng Sản và trong chính quyền cuối cùng thấy rằng những thay đổi đó đe dọa địa vị của họ.

Những thay đổi ở tầm mức đó tại một đất nước lớn như thế, đa chủng tộc, quân sự hóa và toàn trị là điều không dễ. Phải công nhận rằng, là những lãnh đạo việc tái cấu trúc, chúng tôi cũng phạm những sai lầm. Chúng tôi đã hành động quá trễ để thay đổi Đảng Cộng Sản, điều này đã biến nó thành cái thắng trên tái cấu trúc, thay vì là động cơ; bản thân đảng đã phát động một cuộc tấn công tôi trong khi tôi là tổng bí thư của đảng, và cuộc tấn công này đã đạt đỉnh điểm tại hội nghị trung ương đảng vào tháng Tư năm 1991. Cuộc tấn công đã trở thành độc địa tới nỗi tôi đã loan báo từ chức.

Sự loan báo này làm ngạc nhiên những người tổ chức chiến dịch chống lại tôi, họ đã nghĩ rằng có thể cưỡng bách tôi chấp nhận các biện pháp khẩn trương để giải quyết những vấn đề quan trọng mà chúng tôi phải đối phó trong tiến trình cải tổ. Sau cuộc họp trong nhiều giờ, Bộ Chính Trị yêu cầu tôi rút lại quyết định từ chức và trở lại cuộc họp. Bây giờ tôi nghĩ mình đã sai lầm khi đồng ý với yêu cầu của họ. Đáng lẽ tôi nên đi đến cùng, vì những toan tính loại bỏ tôi, bằng cách này hay cách khác, đã đang tiến hành.

Vào tháng Bảy, Thủ Tướng Valentin Pavlov, Tổng Trưởng Quốc Phòng Dmitry Yazov và Vladimir Kryuchkov, chủ tịch KGB đã thuyết trình trước quốc hội, kêu gọi các biện pháp khẩn trương, và chuyển nhượng một số quyền hành từ tổng thống sang thủ tướng. Họ đã làm như vậy khi tôi vắng mặt: Tôi đang tham dự một cuộc họp ủy ban soạn Hiệp Ước Mới giữa các tiểu bang thuộc Liên Xô tại cư sở chính thức của tổng thống.

Hôm sau, tôi nói với quốc hội rằng tôi chống lại “các giải pháp khẩn trương”, và các dân biểu ủng hộ tôi.

Trong cuộc tranh đấu chính trị công khai, những kẻ chống lại tái cấu trúc đã thua. Nhân dân đã trở thành công dân; họ ủng hộ thay đổi ngay cả khi gặp khó khăn. Chúng tôi đã sửa soạn một chương trình chống lại khủng hoảng kinh tế, mà tất cả các cộng hòa, kể cả các tiểu bang vùng Baltic, đều sẵn sàng để thực hiện. Bản thảo Hiệp Ước Liên Bang đã được định ký vào ngày 20 tháng Tám. Một đại hội đảng đặc biệt đã được dự trù triệu tập vào mùa Thu, và có vẻ nó sẽ chia đảng thành hai phe cải cách và bảo thủ.

Chúng tôi đã lên kế hoạch, sau khi Hiệp Ước Liên Bang được ký kết, sẽ có bầu cử, và chúng tôi lập kế hoạch về những thay đổi lớn trong hàng ngũ lãnh đạo Liên Xô. Tôi đã thảo luận điều này với Tổng Thống Nga Boris Yeltsin và Tổng Thống Nursultan Nazarbayev của Kazakhstan ngay trước khi lên đường đi nghỉ ngắn hạn ở Crimea vào đầu tháng Tám.

Tôi đã kiệt sức sau nhiều tháng chiến đấu gay go, nhưng tôi đã đánh giá thấp sự chống đối của các lực lượng phản động. Đáng lẽ tôi nên hoãn lại kỳ nghỉ.

Vào ngày 18 tháng Tám, tôi nói chuyện điện thoại với các phụ tá và với Yeltsin về các chi tiết sau cùng của nghi lễ ký hiệp ứơc. Tôi đã định sẽ bay về Moscow vào ngày 19 tháng Tám để dự lễ ký kết, nhưng một nhóm không được mời đã kéo đến nơi cư ngụ của tôi. Mấy phút trước khi phái đoàn của những kẻ âm mưu đảo chính đến, tất cả các điện thoại của tôi – đường dây thành phố, các điện thoại chính thức và đường thông tin chiến lược – đều chết. Tôi hoàn toàn bị cô lập. Rõ ràng là những kẻ chống đối tôi trong Bộ Chính Trị và trong chính quyền đã chọn con đường đảo chính.

Tôi cho gia đình tôi biết rằng tình trạng này rất nguy hiểm cho đất nước và chúng tôi và tôi không biết tình hình sẽ kết thúc ra sao. Tôi nói rằng tôi không đồng ý với bất cứ toa rập nào với những người đó. Cả vợ tôi, Raisa, và gia đình chúng tôi đều nói rằng họ sẽ ở bên tôi dù chuyện gì xẩy ra.

Phái đoàn đòi tôi phải tạm thời nhường quyền hành cho Phó Tổng Thống Gennady Yanayev hay từ chức. Tôi từ chối thẳng thừng và đời triệu tập Viện Dân Biểu hay một phiên họp của Xô Viết Tối Cao.

Vài người viện lẽ rằng tôi chỉ cốt câu giờ, hy vọng sẽ thắng dù chuyện gì xẩy ra. Các luận điệu này đều sai và vu khống.

Đáp ứng của tôi với những kẻ mưu đảo chính là cú giáng đầu tiên vào kế hoạch của họ. Cũng quan trọng không kém là sự kiện họ đã không thể làm cho nhân dân sợ hãi. Xã hội của chúng tôi đã biết kháng cự, phản đối và đòi hỏi. Tổng Thống Yeltsin đã giữ lập trường vững vàng, lên án bọn mưu phản và gọi hành động của những kẻ âm mưu là một cuộc đảo chính. Tôi đã biết ơn và ca ngợi hành động của Yeltsin trong những ngày đó.

Những kẻ tham dự vào âm mưu này nói rằng, và một số người khác vẫn còn nói như thế, rằng họ muốn cứu liên bang của chúng ta. Nhưng, như tôi đã nói từ đầu, chung cuộc là họ đã phá hư đất nước. Mặc dầu cuộc đảo chánh đã sụp đổ ba ngày sau đó, nó đã làm hư các nguyên tắc của một đất nước chung, gia tốc cho các bang “thoát khỏi liên bang” – một tiến trình mà các nhà lãnh đạo Nga đã phát khởi từ lâu trước cuộc mưu phản. Bang nọ sau bang kia, các nền cộng hòa bắt đầu tuyên bố độc lập.

Tình trạng mà chúng tôi phải đối phó thực sự nghiêm trọng. Nhưng chúng tôi đã có thể triệu tập Viện Dân Biểu, và cơ chế này đã chấp thuận việc sửa soạn một bản dự thảo khác của Thỏa Ước Liên Hiệp, dựa trên khái niệm của một nước liên bang. Dù gặp đủ thứ khó khăn, nhưng chúng tôi đã mau chóng có được một dự thảo mới và bắt đầu trình bầy cho các nền cộng hòa.

Một lần nữa, lại có triển vọng chúng tôi có thể làm việc với nhau để chấm dứt tình trạng khủng hoảng này. Nếu không có sự toa rập giữa các nhà lãnh đạo của Nga, Ukraine và Belarus, gặp nhau tại Belovezhskaya Pushcha, thỏa ước mới đã có thể ký kết vào cuối năm 1991. Liên hiệp, có thể được gọi là Liên Hiệp các Bang có Chủ quyền (Union of Sovereign States), có thể được cứu vãn – dưới một dạng thức khác, trong đó tăng rất nhiều quyền cho các cộng hòa.

Nếu điều này thành sự thật, tôi tin chắc là việc cải tổ kinh tế sau đó sẽ bớt đau khổ hơn, sự sụp đổ của sản xuất kỹ nghệ sẽ có thể tránh được và sự suy thoái nguy hiểm của mực sống tại Nga sẽ có thể không xẩy ra.

Trên 20 năm qua, Nga đã trải qua bao nhiêu khốn khó. Giá của tự do đã trở thành cao hơn nhiều, và con đường tới đó đã khó khăn hơn nhiều, so với những gì chúng tôi ước tính khi chúng tôi chọn con đường đó. Ngay cả bây giờ, chúng ta vẫn còn ở nửa đường tiến tới một nền dân chủ ổn định. Nhưng chúng ta không có đường nào khác.

Những năm tới đây phải trở thành một thời đại tiến nhanh hơn về phía trước. Để điều này có thể sẩy ra, chúng ta phải đoàn kết toàn thể những người hỗ trợ việc thay đồi hơn nữa về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa tại Nga.

Tôi tin rằng điều này có thể được. Cơ hội đã trong tay, và chúng ta đừng để mất.

Tác giả là cựu tổng thống Liên Xô, và hiện đứng đầu “International Foundation for Socio-Economic and Political Studies”, một cơ sở nghiên cứu tại Moscow.

Nguồn: Mikhail Gorbachev, Lessons from the U.S.S.R. coup attempt, The Washington Post (Friday, August 19, 2011).

bài đã đăng của Mikhail Gorbachev