- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Tử Thần Có Hai Con Trai

 

death2sons

Yaël Dayan sinh năm 1939 ở Nahalal, một ngôi làng gần NazarethIsrael. Bà học đại học ở Jerusalem (Hebrew University of Jerusalem), nhập ngũ năm 1956, mang cấp bậc Trung Úy. Trong thời gian này bà viết cuốn tiểu thuyết đầu tay New Face in the Mirror, được độc giả nhiệt tình đón nhận. Ba tiểu thuyết khác của Yaël Dayan là Envy the Freightened, Dust Death had two Sons. Yaël Dayan là con gái tướng Moshe Dayan, Bộ Trưởng Quốc Phòng Israel trong thời gian cuộc chiến sáu ngày với khối Ả Rập. Bà nói được tiếng Hebrew, Anh, Pháp và Hy lạp. Các tiểu thuyết của Yaël Dayan viết bằng Anh ngữ.

Trích đoạn chương 1, tiểu thuyết Death had two Sons của Yaël Dayan, McGraw-Hill Book Company xuất bản năm 1967.

 

Hôm qua anh dọn vào căn hộ của người bạn ở phía bên kia đường, đối diện bệnh viện. Chiếc chìa khóa dài cổ lỗ vặn một vòng mở lối cho anh vào và anh lập tức nhận ra sự trống trải dễ chịu ở nơi cư trú mới của mình. Tường mới quét vôi nhưng những thứ khác của hai căn phòng gợi lên sự bỏ bê và dửng dưng mà anh thấy đầy lôi cuốn. Đường nét hoa hòe của những tấm màn xung khắc với cấu trúc của khăn trải giường và cạnh của tấm thảm nhỏ cong lên phía dưới chiếc bàn kính nhỏ phủ đầy bụi. Anh đặt va li lên giường, ngồi bên cạnh nó, lơ đãng vẽ tên mình lên mặt bàn. Căn phòng nhỏ thứ nhì với cánh cửa sổ lớn mở ra đường phố thì không có đồ đạc gì hết. Anh cởi dép săng đan ra và nhận thấy đất đen bám vào kẽ những ngón chân, anh treo cái áo sơ mi xanh phai mầu lên nắm cửa.

Anh dời cái va li nặng trĩu những sách vào căn phòng trống, gạt mớ áo quần trong tủ qua một bên lấy chỗ cho bộ quần áo của mình. Anh nằm ngả lên tấm khăn trải giường sạch và quên bẵng đôi chân dơ dáy và thân thể đầy mồ hôi của mình.

Nằm xuống rồi anh mới nhận ra mình đang mệt, anh có thể cảm thấy từng bắp thịt giãn ra rời rạc, tứ chi trở nên nặng nề và anh đón nhận cảm giác khoan khoái của vài giây đồng hồ trước khi chìm vào giấc ngủ.

Hai ngọn đèn đường lớn thắp sáng lối vào bệnh viện, thu hút đám côn trùng mùa hạ. Trong tòa chung cư đồ sộ đèn tắt hết và dãy cửa sổ thả neo vào vũng đêm đen nóng nực. Một chiếc xe cứu thương tình cờ chạy qua khung cổng sắt như một tiếng thở dài mầu trắng; cùng với bóng hoàng hôn chiếc xe quét đường của thành phố lặng lẽ hút bụi và phun lên mặt nhựa đường lớp nước để lập tức bay hơi thành làn sương mỏng.

Căn nhà Daniel dọn vào chẳng có gì đặc biệt. Một chung cư ba tầng, ban ngày có mầu xám và hơi ngả mầu trắng về đêm. Một hàng rào thấp bằng đá chia cách nó với lề đường và một cây trắc bá minh định khu vườn sân trước. Những hộp thư không đề tên ngoài hành lang và vết chữ trẻ con gạch lên tường trên lối lên cầu thang.

Anh thức giấc, gãi cằm và nhận ra bộ râu ba ngày không cạo, rồi cố gắng hết sức, anh chống tay ngồi dậy, chạm hai chân xuống nền gạch lạnh. Và vẫn chưa buồn mở mắt.

Tiếng trẻ con đi học giúp anh đoán biết giờ giấc và anh lại tự nhủ sẽ phải mua cái đồng hồ mới để thay thế cái mà Yoram đeo lúc chết. Anh tắm – không dùng sà bông, đơn giản là anh không tìm thấy cục sà bông nào trong căn hộ – rồi mở bộ dao cạo râu. Cái gương nhỏ trong nhà tắm bị nứt, như anh đoán trước, và anh cạo râu thật lâu. Những gì anh thấy trong gương khiến anh hài lòng. Một khuôn mặt già dặn phản chiếu thật chính xác ba mươi năm anh sống trên cõi đời, những đường nét sắc bén, mái tóc vàng sậm và hai con mắt nâu. Anh cẩn thận nặn cái mụn ở cạnh chiếc mũi thẳng, ngắm nghía làn da xanh xao mà có một thời đã mịn màng và mạnh khỏe. Anh quá cao với chiếc gương của Rina, và quá dài so với chiều dài chiếc giường của cô, nhưng anh sẽ không ở đây lâu, không thêm một ngày nào nếu không cần thiết, và với ý nghĩ đó, anh bước qua căn phòng trống đến mở cửa sổ.

Bọn trẻ đi khỏi, con đường trở lại với những thông lệ của buổi xế trưa. Trong quán cà phê phía dưới vài cô y tá cười ngặt nghẽo – hình ảnh y tá mặc đồng phục bên ngoài khu vực bệnh viện gây cảm giác kỳ lạ và anh cũng nhận ra cách họ dửng dưng cho dù rất cận kề tiếng thở nặng nề – và dòng người liên tục ra, vào khung cửa có ghi “Bệnh nhân ngoại chẩn”. Hai người ăn mày già ngồi phía trước bức tường cao bọc quanh bệnh viện, dâng thêm lời cầu nguyện cho những kẻ ốm đau đổi lấy vài đồng bạc bố thí ít oi. Qua những khung cửa sổ tầng hai, anh có thể thấy một nhóm bác sĩ đang thăm bệnh buổi sáng, mang vẻ quan trọng nghiêm khắc của những phán quan có thể quyết định vận mạng con người.

Daniel sắp xếp những cuốn sách trên bệ cửa sổ và kéo một chiếc ghế ra sát bên khung cửa sổ, chuẩn bị cho một cuộc ngóng chờ lâu lắc.

Từ sáng mai, đám đàn ông khoác áo trắng tinh này sẽ ngừng trước một chiếc giường trong một phòng bệnh nào đó. Họ sẽ cầm bảng ghi nhiệt độ bệnh nhân buộc vào thanh sắt đầu giường và tặng cho ông già bệnh một nụ cười trấn an đầy vẻ chuyên nghiệp. Cái tên trên hồ sơ bệnh lý sẽ là Haim Kalinsky và ông sẽ sống những ngày ít ỏi cuối đời mình trong bệnh viện thị xã nơi ông sẽ chết vì ung thư phổi.

Hồ sơ bệnh lý của ông sẽ tiết lộ, Haim Kalinsky sinh sáu mươi lăm năm trước ở Warsaw, công dân Israel, cư trú ở Beer-Sheba từ năm 1960. Vài dòng tiếng La Tinh sẽ định nghĩa khối u ác tính, thời kỳ cuối, mới phát hiện cách đây hai tuần. Ở cuối trang giấy, mục “Thân nhân” sẽ cho biết Kalinsky có một con trai, sống ở Tel-Aviv, và người vợ thứ hai cùng con gái ông có thể liên lạc được qua điện thoại trong trường hợp khẩn cấp.

Ban trưa. Cây trắc bá không có bóng trông kỳ quái và không khí nóng của sa mạc chơi vơi giữa làn bụi buổi sáng và cơn gió nhẹ ban trưa. Vài ngày trước đó, Daniel nhận được thư của Miriam Kalinsky. Lá thư ngắn ngủn – có gì để nói bây giờ? – thông báo cho anh biết ngày bố cô sẽ vào bệnh viện. Không cần phải nhắc đến tình trạng sức khỏe trầm trọng của ông. Mặc dù cô không nghĩ anh sẽ làm, cô vẫn gợi ý cho anh đến thăm ông cụ đang hấp hối. Sau chuyện lá thư là buổi chuyện trò với Rina, người làm công việc khai quật địa chất ở phía nam và chỉ dùng căn hộ ở Beer-Sheba cho những ngày cuối tuần, sau đó là chuyến đi dài và chậm chạp bằng xe đò đến thành phố sa mạc rất quen thuộc với anh, và bây giờ là cửa sổ và bệnh viện phía bên kia đường cùng với cảm giác họ sẽ không đem bố anh đến đó trước khi chiều xuống.

Những người bệnh còn có thể đi đứng được đứng đóng khung trong những cửa sổ, nhìn xuống con đường bên dưới. Họ có cùng cái nhìn chăm chú đầy ghen tị với tất cả những thứ gì khỏe mạnh, linh động và tự do, họ có sự biểu lộ dịu dàng của niềm an phận trong chiếc áo bệnh viện màu xanh nhạt, cùng với những chứng bệnh đã được phân loại, được vào hồ sơ, và được nghiên cứu. Khi nhận ra rằng mình đang bị thiên hạ nhìn chằm chặp, anh bối rối che thân hình to lớn của mình bằng chiếc áo nhà binh cũ. Thức ăn đang được phân phối cho trại bệnh lầu hai, và anh có thể hình dung cách bệnh nhân uể oải nhai những món ăn ấy một cách chán chường. Bây giờ đám y tá tươi cười kéo từng cánh màn lại để bệnh nhân có thể ngủ trưa, che khuất tầm nhìn của anh. Mặt trời ở phía trên ngôi đền Hồi giáo cũ ném những mũi tên nắng tàn bạo về phía những khung cửa sổ bệnh viện. Daniel đi bộ xuống quán nước.

Quán cà phê Tikva do cặp vợ chồng người Roumanie quán xuyến. Ông Lipsky – mà khách hàng thường gọi tắt là Lipsky – thấp, gầy với cái yếm trắng đeo lỏng lẻo trên người. Vợ ông ta có một cái đầu nhỏ nhắn trên một thân hình đồ sộ được giữ thăng bằng trên đôi chân ngắn ngủn nhưng khá đẹp.

Tóc bà quăn và có sắc vàng nhưng môi trên của bà lại phô bày một bộ ria mép mỏng mầu đen đặm. Hai cái quạt gió lớn dường như chỉ tạo ra những cơn lốc bụi trên nền xi măng và khoảng hiên nhà mở ra đường phố, ban đêm được thắp sáng bởi hai hàng bóng điện sơn màu xanh da trời, vàng và đỏ.

Daniel bước vào, gọi cà phê và một tờ báo. Lipsky giới thiệu món cá mòi muối và vì không thấy trả lời, ông ta mang đại ra cùng với bánh mì nâu mới ra lò và những khoanh hành chiên.

Hai bác sĩ đang đọc báo ấn bản buổi tối trong góc và thỉnh thoảng tiếng quạt máy lại bị cắt ngang bởi tiếng thở dài thườn thượt của bà Lipsky cùng lời than phiền về nắng, về bụi, về cái nóng, về những người du mục – tất cả những thứ không thuộc về Bucharest.

Lúc sáu giờ mười lăm phút anh thấy họ đến, Miriam đi với chồng và bố cô. Cô giúp ông cụ ra khỏi xe tắc xi trong khi chồng cô trả tiền tài xế, tay cầm cái va li nhỏ. Họ đi nhầm đến cửa ghi “Bệnh Nhân Ngoại Chẩn” rồi đi ngược lại cổng chính. Ông Kalinsky mặc bộ vét, như thể đi dự một đám tang hay đám cưới – không ai mặc vét vào mùa hạ ở Beer-Sheba – còn Miriam thì trùm chiếc khăn trên mái tóc đen dài. Chồng cô liên tục chùi cổ bằng khăn tay. Daniel không nhìn rõ mặt họ. Họ có đang lo lắng không? Hoặc bình thản? Hay hy vọng? Họ biến đi khi cánh cửa mở ra cho khách thăm viếng mang hoa, những hộp sô-cô-la, những gói trái cây, và anh có thể hình dung họ đi ngang khu nhận bệnh mà anh biết rất rành. Bây giờ họ đang điền đơn, anh nghĩ, và bố cô được người ta đưa cho chiếc áo khoác, bộ quần áo ngủ mầu xanh nhạt và một cái khăn tắm nhỏ. Họ sẽ lấy đi những đồ dùng cá nhân của ông và sẽ chỉ trả lại khi ông xuất viện. Daniel thắc mắc không biết ông mang gì trong chiếc va li. Hẳn là một cuốn sách tiếng Ba Lan, cuốn Kinh Thánh, cặp mắt kính để đọc sách, có lẽ vài tấm hình.

Họ đang lên thang lầu, anh nghĩ, và ông cụ được y tá dẫn đi thay quần áo. Miriam sẽ nhìn đồng hồ – đã tới giờ cho cháu bé ăn chưa? Rồi bố cô sẽ trở lại trong trang phục mầu xanh, ngượng nghịu và mắc cỡ trong bộ quần áo ngủ rộng, hồ cứng.

Ông sẽ được cấp cho một chiếc giường ở lầu hai; Daniel có thể nhìn thấy Miriam mở cửa sổ – cửa thứ nhì tính từ góc trái – sắp xếp gì đó trên ngăn tủ nhỏ ở đầu giường. Vài phút sau, lúc ra về, hai người ngước nhìn khung cửa sổ – không thấy ai đứng ở đó – và bắt đầu đi bộ về phía con đường chính. Đúng lúc ấy Daniel vẫy tay và Miriam trông thấy anh.

Cô thì thầm gì đó với chồng, chồng cô gật đầu và vẫy tay mấy lần với Daniel rồi tất tả bước đi. Cô bước lên những bậc thang, chào Lipsky lúc ông này đang hút thuốc ở hiên nhà, và bước vào quán.

Họ bắt tay nhau, Miriam gọi nước trà. Dù không đẹp nhưng cô là một phụ nữ quyến rũ. Chiếc mũi và miệng nhỏ khiến khuôn mặt cô có nét trẻ thơ tương phản với đôi mắt từng trải kinh nghiệm của cô. Cô tháo chiếc khăn choàng đầu cho tóc xõa xuống vai và với hai bàn tay nhỏ và nhám cô mò mẫm trong cái xắc tay bằng cói tìm thuốc lá.

“Em cứ tưởng anh không tới,” cô nói. Cô có cách nhìn đăm đăm khiến anh phải ngó xuống đất.

“Ông cụ sao rồi?”

“Chưa biết nữa. Khi em viết cho anh là lúc mới đi thử lần đầu. Chắc chắn rồi nhưng họ không biết bố còn được bao lâu.”

“Có đau không?”

“Không. Nhức đầu, yếu trong người – không có dấu hiệu gì làm bố nghi ngờ mình bị bệnh, hoặc khiến bố đi bác sĩ sớm hơn.”

“Ông cụ mất cân nhiều không?”

“Có, vì vậy tụi em mới thúc bố đi khám bệnh. Bố ho hoài không hết. Chắc khoảng cuối tuần mình sẽ biết thêm kết quả. Anh có ở lại không?”

“Ông cụ biết nhiều không?”

“Có thể biết hết rồi nhưng cũng có thể chẳng biết gì,” cô lẩm bẩm. “Ai mà biết được? Bố không có màu mè về chuyện ấy. Hôm nay đưa bố đi, bố làm như đứa bé. Ngượng ngùng và cam chịu. Bố biết có chuyện chẳng lành, nhưng bố không nói gì về chuyện ấy. Bố coi kết quả xét nghiệm và chỉ gật đầu khi tụi em bảo bác sĩ có thể mổ lấy nó đi.”

“Cô có nghĩ bố là người gan dạ không?” Câu này đúng ra là anh hỏi chính mình. Tia nhìn của cô xoáy vào anh và anh nhận ra bàn tay mình đẫm mồ hôi.

“Hoặc nhát sợ đến mức không dám đối đầu với sự thật – hoặc thừa can đảm để đương đầu với căn bệnh trong sự lẻ loi, không chia sẻ sự sợ hãi với ai. Có thể chúng mình sẽ chẳng bao giờ tìm ra câu trả lời. Em phải về nhà đây.”

Anh chờ cô hỏi anh điều gì đó. Cô không thể thản nhiên đối mặt anh về chuyện đó sao? chẳng hạn cô sẽ hỏi, “Anh có đi thăm bố không?”

Cô hỏi anh cô có thể gửi đứa bé cho anh vào ngày thứ bảy không bởi vì cô muốn ở với bố cả ngày.

“Được chứ. Tôi tạm trú ở đây, bên kia đường. Trong căn hộ của một người bạn, trên lầu ba.”

“Tiện quá.” Cô buộc khăn quanh mái tóc khiến nhìn cô trẻ hẳn ra.

“Mẹ cô đâu, bà cụ không đến à?”

“Mẹ không được khỏe. Không có gì trầm trọng hết,” – lần đầu tiên cô mỉm cười – “Nhưng bà phải nằm nghỉ vài ngày. Tụi em không nói cho cụ biết về kết quả xét nghiệm, thành ra bà cụ nghĩ ông đi khám tổng quát – thiếu máu lặt vặt vậy thôi.” Cô đứng dậy sửa soạn ra về.

“Gói thuốc lá của cô này.” Anh đưa bao thuốc lá cho cô và cô lại dịu dàng mỉm cười.

“Hôm nay bố hỏi về anh. Em có nên nói cho bố biết là anh đang ở đây không?”

“Cũng chẳng cần.”

Cô chào Lipsky và ra về. Daniel nhìn thân hình nhỏ bé của cô bước thoăn thoắt trên đường. Tất cả những khung cửa sổ bệnh viện đã thắp sáng ánh đèn.

Daniel trở về căn hộ của mình, tắm thêm một lần, mặc quần áo và ra ngoài. Lần đầu tiên kể từ khi đến đây anh thấy đói bụng, anh tản bộ về phía trung tâm thị xã. Chẳng có nơi nào không khí choáng ngợp hơn không khí sa mạc về đêm. Sự khô hạn của nó làm như chà xát trên da bằng những bàn tay nóng và nhám rồi ngự trị ở đó một lúc trước khi nhường chỗ cho một loạt sóng của làn gió nhẹ vuốt ve khác. Mặt trăng chưa mọc nhưng cát trắng dường như phản chiếu những tia nắng cuối cùng của mặt trời cho đến khi nó được thưởng ngoạn cuộc gặp gỡ loạn luân với mặt trăng, bởi chắc chắn là bề mặt của mặt trăng phải giống như những bình nguyên trắng nứt nẻ vô tận vây quanh thành phố.

Thị trấn Abraham giống một bản ô chữ chưa hoàn tất. Đây đó trơ vơ những cụm dinh thự và rải rác giữa chúng, từng mảng sa mạc chờ đến phiên mình được xây cất lên trên. Những con đường kết thúc bất ngờ bên bờ của một lòng kênh và những dải nhựa đường biến mất dưới những đụn cát rồi lại hiện ra, đen lóa trên nền trắng. Những cây khuynh diệp trồng hai bên đường đã mười lăm tuổi nhưng xanh xao còi cọc. Chúng có vẻ thảm thương, bám cứng lấy đời sống, tìm kiếm nguồn nước một cách vô vọng trong bề sâu của cái dạ con mặn chát này.

Daniel đi về phía trung tâm thành phố nơi không có đường chân trời, không bóng viền đô thị. Nhà cửa nhập vào phong cảnh, chỉ có ngọn tháp giáo đường và vài cây cọ vươn cao, những đền đài của thời xa xưa khi thành phố còn là một ốc đảo trên lộ trình của những đoàn lữ hành.

Nhà hàng quen thuộc của thành phố mang tên “Morris’s” nằm bên lề một con đường nhỏ tỏa nhánh từ con lộ chính dẫn về phía nam và anh tìm thấy nó một cách dễ dàng.

Dường như mười năm đã trôi qua.

Có thật là anh lớn hơn những người lính đang tụ tập trong nhà hàng đến mười tuổi không? Đám nữ quân nhân cười đùa buông giải băng gài tóc quanh cổ cũng chưa thay đổi gì, và những chiếc xe díp bụi bặm đậu phía trước có thể là của đơn vị anh. Thực đơn vẫn giống hệt. Anh sẽ có ngạc nhiên nếu Yoram và Rina bước qua khung cửa kính không nhỉ?

Những chiếc giầy bốt nặng nề trên những bàn chân lính chụm dưới gầm bàn. Họ có vẫn nói với nhau khi tuần tra khu vực phía nam, “Hẹn gặp ở quán Morris’s nhé” không? Và khi lái xe về phía bắc đến bình nguyên, họ có kết hợp ánh sáng đô thị với bia lạnh và những xâu thịt nướng?

Cô hầu bàn có cái vẻ lười biếng thảnh thơi cùng với cách phát âm giọng Pháp nặng nề.

“Bia và vài xâu thịt nướng,” anh nói, một cách bộc lộ ý nghĩ của mình hơn là gọi món ăn.

“Có sà lách không?”

“Vâng, sà lách. Với hành.”

Anh không có tóc bạc và da anh mịn màng. Anh vẫn có thể bơi qua hồ và leo bất kỳ ngọn núi nào. Anh còn có cảm giác lâng lâng khi chạm vào tóc người con gái lần đầu tiên và anh vẫn thích coi phim Winnie the Pooh, vậy thì mười năm ấy biến đi đâu? Mùi dầu nhớt xe tăng và vết hằn bánh cao su còn nồng trong lỗ mũi; và ký ức của sự tĩnh lặng trước khi xảy ra cuộc phục kích vẫn còn căng cứng những tận cùng thần kinh anh. Bia lạnh để lại cũng cái vị đắng ấy trên khẩu cái và anh có thể hát lại Bài Ca Của Những Bài Ca. Có khi nào chỉ có ngày tháng trên cuốn lịch là thay đổi không? Và những kẻ khác nữa? Phải chăng nó phải xảy ra bất ngờ bằng chấn động của những nếp nhăn, của cái đầu hói và của thịt da nhão nhẹt? Cô hầu bàn mang cho anh sà lách, cà phê và một ít trái cây.

Trở ra con đường chính, anh đi về phía đồn cảnh sát và rẽ trái vào một con đường đầy bụi bặm. Một vài chiếc xe đậu trước lối vào quán rượu và một bảng hiệu làm bằng sắt rèn thành dòng chữ “Cơ Hội Cuối Cùng.”

Ba người đàn ông ngồi trên những chiếc ghế cao quanh quầy rượu. Hai sĩ quan và ba thiếu nữ nằm ngả người trên chiếc ghế nệm dài dựa sát tường và hai con chó bẩn thỉu ngủ bên dưới một cái đồng hồ cũ đã ngưng chạy từ lâu – những chiếc kim ngừng ở sáu giờ mười lăm. Anh nhập bọn với đám đàn ông và gọi một ly bia.

Thấy người đàn ông ngồi cạnh anh được chủ quán gọi là “Bác sĩ”, Daniel xoay qua anh ta.

“Anh là bác sĩ à?”

“Vâng. Bệnh viện thị xã. Nhưng vẫn còn tại ngũ.”

Daniel tự giới thiệu.

“Tôi có thể hỏi anh một câu được không – một câu về y khoa?”

“Được chứ. Bộ anh bệnh hay sao? Khi gặp bác sĩ thì ai cũng nhớ đến căn bệnh của mình.”

“Không. Một người bạn của tôi bệnh. Anh có thể cho tôi biết về bệnh ung thư phổi được không?”

“Tôi không làm ở trại ấy. Tôi là bác sĩ giải phẫu chỉnh trực. Tuy nhiên, anh muốn biết về cái gì? Ung thư xảy ra rất thường. Khi có sự thay đổi trong lớp màng che phủ đường hô hấp của một hay hai lá phổi. Điều này dẫn đến sự tăng trưởng vượt ngoài tầm kiểm soát – người ta gọi đó là bướu độc. Cái bướu ấy xâm lấn và phá hủy cấu trúc liên tục trong phổi và cuối cùng bít đường dẫn không khí. Nó cũng có thể lan truyền qua những kênh bạch huyết và mạch máu, đến các phần khác của cơ thể, phải giải phẫu lấy nó đi kịp thời.”

“Còn nếu không thì sao?”

Bây giờ vị bác sĩ có vẻ nghiêm trang, bởi vì phần giải thích vừa rồi được đưa ra với giọng kẻ cả đi kèm việc diễn đọc những kiến thức chuyên môn cho một người đời thường.

“Nếu không kịp, mà thường là như thế, thì nhập viện trại bệnh lầu hai, xạ trị bằng cobalt, thuốc, morphine giúp chống đau và một thời gian chờ đợi lâu lắc.”

“Bao lâu?”

“Tùy thời kỳ nào. Khó nói cho bạn biết được. Chứng xuất huyết đôi khi cũng rút ngắn thời gian. Tiếc là tôi không thể cho bạn biết hơn thế. Ông cụ bao nhiêu tuổi rồi?”

“Ngoài sáu mươi. Cám ơn anh.”

“Không có chi. Xin chia buồn với anh. Anh sống ở đây à?”

“Không, chỉ ghé thăm thôi.”

Chuyện trò lặt vặt, một chai bia nữa, cú bắt tay và hàng cột điện xoay xoay nhẹ bâng. Trên bầu trời mặt trăng bị ngọn tháp nhọn xuyên thủng và cuối cùng, khi vừa tự giải thoát được, lại bị mắc trong bẫy của những cành cây cọ. Sỏi đá trong con kênh Beer-Sheba lấp lánh và Daniel đi trên con đường băng qua chiếc cầu, vào lòng con kênh cạn nước. Chẳng khác gì sự lọc lừa, anh nghĩ. Tới mùa đông con kênh biến thành dòng sông nguy hiểm, cuốn đi bất cứ thứ gì vô tình lạc lõng trong dòng chảy của nó. Khi mùa hạ đến, nó mang cái vẻ ngây thơ khô cạn, bi thảm như người đàn bà hiếm muộn, tội nghiệp như chiếc thắt lưng vô dụng viền quanh những vùng ngoại ô phía nam thành phố.

Nào, Kalinsky, anh nghĩ, từ dòng sông Vistula đến con kênh đào là cả một đoạn đường dài, từ cây cầu Poniatowski ở Warsaw đến cây cầu Beer-Sheba. Ông sinh ra gần một dòng sông và lúc này ông đang hấp hối bên một dòng sông khác. Cũng không hẳn là đang chết, bởi việc này đòi hỏi sự tham gia, sự nhận thức – rằng cái chết đang tìm đến với ông. Bác sĩ đã nói sao nhỉ ông Kalinsky? Cái bướu độc, trong cái vẻ uy nghi không thể nào tránh khỏi của nó, xâm nhập và phá hủy những cấu trúc liên tục trong phổi và bít những đường dẫn không khí. Có phải ông cảm thấy như lũ giun đang ăn sống thân thể ông hay như một dòng chất lỏng ấm áp tràn trề chậm chạp, hoặc có phải nó như một kẻ thù dũng mãnh tấn kích vào và hung hăng xâm lấn những ngóc ngách, những mô cơ thể, đôi khi tới cả những kênh bạch huyết, ông bác sĩ nói vậy – nó đã lan qua những kênh bạch huyết chưa vậy?

Ông có đang nằm đó dưới tấm khăn đắp được giặt quá kỹ, được sát trùng quá mức và nghĩ rằng ông đang bị cơn viêm cuống phổi nặng hay là ông đã cảm giác ra được rằng nó là ung thư phổi và chuyện trò với nó, dọa đuổi nó đi, đo đếm sự lì lợm của nó, thu góp tất cả sức mạnh và sự huy hoàng của ông – cái kiểu mà người ta nghĩ nhiều bệnh nhân vẫn làm – để chống chọi với nó, dành giữ từng miếng mô cơ thể chưa bị ung thư xâu xé?

Người ta bảo con người bộc lộ sự can đảm không thể ngờ được trong cuộc chiến đấu để sinh tồn. Kalinsky, ông không phải là người gan dạ, ông có bộc lộ sự can đảm đó không? Ông biết mình đang chết. Chắc chắn là ông phải biết, vì ông đã đọc những kết quả xét nghiệm. Tấm phim quang tuyến mầu đen với những chiếc xương trắng cân đối, mạnh khỏe cùng với cái bướu ngoại lai mà ông dung dưỡng, nuôi nấng và cho nương náu.

Đám gỗ trôi dạt trông giống xương khô trong lòng kênh cạn. Đó có phải là cái mà Ezekiel trông thấy, một thung lũng đầy ắp củi rề? Daniel ngồi trên tảng đá lớn cảm nhận cái mát lạnh của đá sỏi. Sờ vào chúng thấy khô và trơn tru, bởi chỉ lúc ban mai sương sớm mới gia ơn cho bụi bặm, đất đá và những chiếc lá khô thèm nước.

Đã là đoạn cuối của con đường dài, Kalinsky, nếu tính những lần ông cận kề chiếc quan tài. Tôi có vẻ cay nghiệt, gần như tôi mong ông chết đi – sao tôi lại có thể như thế được nhỉ? Nhưng anh chàng bác sĩ kia đã bảo – thường thì như thế. Chẳng phải một căn bệnh hoặc cái chết ngoạn mục, chẳng phải thứ có cái tên ngoại lai dài dằng dặc, mà cũng chẳng phải một hình thức biến dạng của ung thư như bệnh Hodgkin hoặc ung thư bạch cầu, mà chỉ đơn thuần là ung thư phổi, thêm một con số nữa cho những nhà thống kê. Nghĩ tới biết bao nhiêu cạm bẫy của sự chết mà ông đã tránh được, đặt niềm tin vào Thượng Đế đồng thời trả giá và hiến thân mình cho đức tin; thứ đã được minh chứng là bạn đồng hành xứng đáng, rồi bây giờ – nó xảy ra rất thường, ông bác sĩ nói thế. Một người tầm thường chết bởi một chứng bệnh khác thường để vinh danh cuộc sống tầm thường của hắn có lẽ sẽ hợp lý hơn. Những cái tên không bao giờ xuất hiện trên giấy tờ có thể được biến thành bất tử bởi những bản tường trình phẫu nghiệm tử thi trong những sách nghiên cứu chuyên môn.

Ông có là một người tầm thường không hở Kalinsky? Ung thư không chọn lựa. Nó ở bất cứ nơi nào và có thể ngay bây giờ nó đang ở trong cái mụn ruồi thịt trên cánh tay trái tôi. Hay có thể trong cái xương của ngón chân cái tôi đang đùa giỡn với đá sỏi này; một kẻ bí mật đang chậm rãi tìm đường len lỏi vào dòng máu. Chúng ta có hít thở nó không? Hay tiêu thụ nó cùng với thực phẩm? Có phải nó do Trời gửi xuống, theo cái cách người xưa tin tưởng về những kẻ thù của họ?

Ông là người bình thường, nhưng một lần kia ông đã có một khoảnh khắc khác thường, và khoảnh khắc đó đã biến ông thành xuất chúng và vô cùng khác biệt.

Chúng ta không bao giờ nói về chuyện đó, nó treo lơ lửng giữa chúng ta từ khi chúng ta gặp nhau, và chúng ta sẽ không bao giờ nói về nó cho dù nó vẫn còn sống, vẫn còn hóa sẹo suốt những năm tháng qua, rồi nó sẽ chết theo ông.

Ngược về Ba Lan, đã hàng triệu lần Daniel dựng lại câu chuyện như thể anh đã bị phán xét và nguyền rủa đêm này qua đêm khác. Hẳn ông phải nhớ căn nhà của ông, căn nhà đầu tiên ấy mà? Ở khu Muranow. Chiếc dương cầm lớn với bình hoa thuỷ tinh màu xanh đặt lên trên lúc nào cũng có hoa tươi. Hình chân dung gia đình và hai bức tranh sơn dầu của hai đứa con trai ông. Chẳng có gì quan trọng khi ông đã run sợ như mọi người vào ngày một tháng mười lúc Hitler tiến vào Warsaw rồi khi ông rời nhà để vào khu Ghetto ông đã chôn vàng ở sân sau và đốt những giấy tờ thương mại đồng thời cùng với vợ ông, mặc bộ quần áo đẹp nhất.

Ông có nhớ vợ ông bị người ta bắt đi cách nào khi ông đi vắng rồi ông đã khóc và ôm hai thằng con trai của ông và bảo chúng nó là mẹ sẽ trở về không?

Lúc ấy ông cũng vẫn chỉ là một người thường vậy thôi. Một thương gia, một kẻ lương thiện, tôi tin vậy, biết lo cho gia đình và đi cầu nguyện vào ngày lễ Yom Kippur. Ông không hề phải đối đầu với những tình thế ngặt nghèo cũng như sự giận dữ hay niềm vui hoặc nỗi tuyệt vọng, ông có được sự chắc chắn dễ dàng của kẻ đang đi trên đoạn giữa con đường. Không nhiều lắm, không quá giao động, không để bị nổi giận quá mức, mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đấy. Ông đã khóc khi bà ấy bị bắt đi và có lẽ cũng có được một lần ông không coi bà ấy như đồ bỏ và cũng được vài ngày trước khi bọn chúng đến bắt ông và các con trai của ông, ông đã yêu bà ấy như thể chưa bao giờ yêu như thế – thứ tình yêu trông chờ, nhớ mong và khao khát. Tình yêu đến từ ông, nằm đó, về phía cái giường khác gặp gỡ một sự trống trải không thể nào thay thế và bò trở lại với ông một cách uất nghẹn. Ông luôn luôn có giường riêng, phải vậy không? Dẫu vậy, đây không phải là thứ làm cho ông thành đặc biệt, bởi hàng ngàn người nằm trong những căn phòng tối đen với sự trống rỗng bên cạnh và cơn tuyệt vọng trong lòng mà chỉ có thể biểu lộ qua những bàn tay nắm chặt, không thể khác hơn được.

Rồi bọn họ đến bắt ông và các con trai ông. Ông còn nhớ hai thằng bé đẹp trai như thế nào không, Haim Kalinsky? Một đứa có tóc đen và cứng với cặp mắt nâu mơ màng – giống ông, tử tế, thân thiện và rất tài năng, bọn họ bảo thế. Lúc đó nó mười một tuổi. Nó đàn dương cầm. Nó có giọng ca vàng, có những ngón tay dài và ông thương nó lắm. Thằng bé em, với mái tóc vàng của mẹ, cặp mắt nâu và chân tay dài? Nó là con cưng của mẹ nó, và nó tin ông khi ông bảo mẹ chúng nó sẽ trở về.

Ông không khóc khi bọn họ đến bắt ông. Ông dắt tay hai thằng con trai và khi con ông hỏi làm sao mẹ biết mình ở đâu, ông trả lời bà ấy biết chứ rồi bảo thằng bé đừng khóc.

Rồi cái ngày mùa đông ấy đến. Ông bị bọn họ tách ra khỏi hàng cùng với hai thằng con trai ra cái sân phía sau doanh trại.

Ông nắm tay thằng con lớn còn nó cầm tay em nó, ông vẫn mặc quần áo đẹp như thể sắp đi dạo ở công viên Lazienki. Đám sĩ quan có trang bị vũ khí bảo cha con ông dừng lại. Ở nhà ông nói tiếng Yiddish thành ra ông hiểu được tiếng Đức của bọn họ khi họ bảo hai thằng bé đẹp trai. Ông mỉm cười với họ – nụ cười thất thần – và vỗ nhẹ lên đầu Shmuel, bởi nó đứng cạnh ông.

Tụi nhỏ dễ thương quá, bọn họ nói, ông có thể chọn lựa.

Ông có thực sự hiểu ý bọn họ không? Ông trả lời họ là không. Không còn nhiều thời gian, họ nói. Ông có thể chọn một đứa để họ bắn và bỏ xác lại với những người tù khác.

Ông không tin được chuyện ấy. Làm sao ông có thể tin được? Chỉ có bộ óc con người mới có thể nghĩ ra một thứ tra tấn đơn giản như thế và ông đã được dành cho giây phút của riêng mình. Điều gì đã xoáy vào tim ông lúc đó? Có điều gì không? Ông quay đi, ôm mặt và gào lên. Bọn họ bảo họ sẽ bắn cả hai đứa nếu ông không chọn và khi ông quay lại nhìn hai đứa trẻ – chỉ trong vài giây đồng hồ – ông không bao giờ còn là ông nữa. Ông đã run rẩy và ông là Abraham, ông là Thượng Đế. Ông có thể ban bố hoặc lấy đi một mạng người và ông nắm lấy Shmuel lúc ấy đang khóc và không dám quay mặt nhìn thằng em tóc vàng mảnh mai, đứa bé mà lúc ấy không bày tỏ một cố gắng nào để níu lấy ông hoặc để nói một câu gì, hoặc để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra, và ông quay lưng.

Sao lúc đó bố không hôn con, hở bố?

Bố nghĩ bọn họ sẽ giết con ở đó ngay lúc đó phải không? Có phải vì vậy mà bố tất tả bỏ đi?

Bọn họ cười nói và dẫn con đi, họ cho con một thỏi sô-cô-la.