Trang chính » Tạp văn Email bài này

Vụn vặt vài từ khác biệt Bắc-Nam về hoa quả

maudon1_thumb.jpg

 

 

maudon1

Mẫu đơn [1]

 

Bạn tôi nguyên là "công nhân hợp tác lao động" đi từ đất Bắc, hiện cư ngụ tại Dresden. Nhân có lần tôi đến đó tham dự buổi họp mặt thường niên của Trung tâm Văn bút Lưu vong (Exil P.E.N., Zentrum der Schriftstellerinnen und Schriftsteller im Exil deutschsprachiger Länder), tôi ghé thăm cô.

Hạ tuần tháng năm, mùa hoa đỗ quyên sắp tàn, hoa mẫu đơn đang độ khoe sắc. Một lần đi dạo chung, tôi chỉ cô một bụi cây rực rỡ hoa đỏ trong vườn người lạ, tấm tắc:

– C. xem, bụi hoa mẫu đơn kia đẹp quá!

Bạn tôi chau mày:

– Hoa này mà là hoa mẫu đơn à?

– Chứ là hoa gì?

– Mẫu đơn ở ngoài em khác, hoa tí tẹo, đơm từng chùm kia.

Tôi ngạc nhiên và thắc mắc quá đỗi, thầm hỏi: "Mẫu đơn quái quỉ gì mà tí tẹo, lại còn đơm từng chùm? Không thấy mẫu đơn của… người ta toác hoác như cái chén ăn cơm thế kia sao?" Sau đó chúng tôi "trao đổi ý kiến" qua lại, xém chút cãi nhau mà cuối cùng vẫn không "nhất trí" về một mẫu số chung cho cái gọi là "hoa mẫu đơn".

Sau đó về nhà, ngẫm lại, tôi chạnh nghĩ: "Hay là ở xứ Bắc người ta gọi bông tranghoa mẫu đơn?" Chui vào tin mạng tìm tòi, thì y như rằng:

 

maudonhongphan

Mẫu đơn hồng phấn [2]

 
 

maudoncam3

Trang cam (Nam) / Mẫu đơn cam (Bắc) [3]

 

Làm sao tôi quên được những bụi bông trang trong vườn nhà ngoại nằm cạnh con sông đục lờ phù sa, bùn non nhão nhoẹt lúc nước ròng, nơi làng Phước Hậu, đất Vĩnh Long thuở xa xưa ấy. Một cây mít cổ thụ che tàn ẩm mát cạnh lối đi lót gạch tàu. Nhiều bụi trang đơm bông mũm mĩm. Trang là loại cây kiểng dân giả dễ bón quén, thường được người miền Nam trồng trong vườn nhà, vừa để làm cảnh vừa để dâng bông cúng Phật. Sắc bông trang đa dạng: từ trắng sữa, vàng lưu huỳnh, vàng kim, cam nghệ, hường phấn, đỏ lựu, đến tím phớt; cánh hoa mũm mĩm, ửng sắc lóng lánh như ngậm sương mai.

Cảnh vườn và ngôi nhà ngoại đã được tôi văn vẻ kể lại trong truyện ngắn "Mưa phấn" [4]:

"… Cũng có thể đó là ánh sáng toả ra từ mấy chân đèn cầy hình chim hạc trên trang thờ, từ khói hương trầm mặc của lư đồng, từ chiếc bình cắm bông trang màu gạch cua, từ lời kinh tiếng mõ vừa trầm trầm lê thê vừa trong trẻo nhọn hoắt, như âm dội của mũi tên sắt lao vào tấm chiêng đồng …"

Liên quan tới bông trang, nam nữ phương Nam có câu hò đối như sau:

Nữ gợi ý:

"Hò ơ… (chớ)… Biết anh thích mắm cá trèn,

Nên em chịu khó… ờ.

Hò ơ… (chớ)… Nên em chịu khó bẻ thêm đọt xoài."

Nam đối:

"Hò ơ…(chớ)… Chớ bông trang trước cửa, ai sửa bông trang vàng?

Ngày thời chuyện vãn… ờ.

Hò ơ… (chớ)… Ngày thời chuyện vãn, nên tối lại mơ màng thấy em."

Tôi còn sưu tầm được hai câu ca dao có cách dụng ngữ mỹ cảm lạ lùng, gờn gợn niềm chấp nhận số phận, dẫu tôi không thấu hiểu ẩn ý:

"Gió đưa, gió đẩy bông trang.

Bông búp về nàng, bông nở về anh."

Cũng trong tin mạng, tôi đọc được một giai thoại về Từ Hy Thái hậu và hoa mẫu đơn như sau:

"Trong cung Di Hòa Viên, Trung Quốc có vườn hoa mẫu đơn. Mẫu đơn là ‘quốc hoa’ của người Trung Quốc vì nó tượng trưng cho quyền quí, và là loài hoa mà Từ Hi Thái Hậu yêu quí nhất.

Nơi đây, đã từng xảy ra một câu chuyện vô cùng lãng mạn kiểu Từ Hi Thái Hậu – Tiểu Lan.

Sáng hôm ấy, Từ Hi Thái Hậu, sau khi tắm xong, chỉ khoác một tấm áo mỏng manh rồi đi dạo đến vườn hoa mẫu đơn. Theo sau nàng là chàng thái giám Lý Liên Anh, người nghệ sĩ tài hoa mà nàng yêu nhất trên đời. Giữa vườn mẫu đơn rộn ràng hương sắc, chợt một làn gió thổi qua làm bay đi tấm áo khoác mong manh trên người Thái Hậu. Chàng thái giám giật mình nhặt lấy tấm áo, cúi đầu dâng trả chủ nhân. Từ Hi Tiểu Lan cất giọng:

– Nhà ngươi đã nhìn thấy gì trong vườn hoa mẫu đơn đang lộng lẫy?.

Lý Liên Anh, không một phút chần chừ suy nghĩ, đã tâu:

– Thưa Thái Hậu, thần vừa nhìn thấy một đóa mẫu đơn màu đen đẹp nhất trong vườn mẫu đơn đầy hương sắc sáng nay." [5]

Nhưng, cho tới bây giờ, tôi vẫn chưa rõ tiếng Bắc gọi mẫu đơn, loài hoa vương giả đất Trung hoa, là hoa gì?

Suy tư lan man, tôi lại thắc mắc, không biết tại sao, đằng đẵng qua bao thế kỷ Nam tiến, cớ gì ngôn ngữ lại đổi thay nhiều lúc rốt ráo đến như vậy? Từ hoa nhài hoá thành bông lài, thôi thì cứ cho rằng vì… ngọng mà ra. Nhưng từ hoa mẫu đơn thành bông trang, hoặc hoa đại trở thành bông sứ, dường như hơi… bị kỳ cục. Ngôn ngữ cùng một chủng tộc không dưng rớt mất bản chất, biến dạng thành hai con đường sắt song hành theo nhau tới vô tận. Những khác biệt này, hẳn không phải tại ngọng hay kỵ huý kỵ hoét gì, mà có lẽ phát xuất từ hai nguồn ngôn ngữ khác nhau. Có phải chăng?

Dẫu xuất xứ từ đâu đi nữa, nhài cùng đại, lài với sứ cứ vậy mà chung sống cận kề. Ca dao miền Nam có hai câu sau đây biểu dương cá tính đàn ông, "xử lý" gọn bâng cả sứ lẫn lài:

"Bông sứ cùng với bông lài,

Tui quyết bẻ hết, khỏi ai cằn nhằn."

Ngắn gọn về hoa, vụn vặt bàn qua quả. Một vài tên gọi Bắc-Nam cho cùng một loại trái cây đã bắt tôi đôi phen lúng túng.

Vào… thế kỷ trước, vườn nhà ấu thơ của tôi ở phố Tân Định có trồng hai cây mận đỏ, một chua một ngọt. Cây mận ngọt, còn được gọi là mận hồng đào hay mận da người, phóng túng đơm trái quanh năm suốt tháng. Cây mận chua cần kiệm, chỉ ra hoa kết trái vào mùa nắng. Tôi "kết" cây mận chua hơn, vì cho trái ngậm nước mơn mởn, giòn sậc, chấm muối ớt, ngon rịn mồi hôi.

Trong bài viết này, tôi không có ý bàn về hương vị các loại trái cây, mà chỉ muốn vụn vặt đôi điều về phương ngữ. Người Việt miền Nam kêu thứ cây trái trong ảnh dưới đây

 
 

traimannam

Trái mận (Nam) / Quả roi (Bắc) [6]

mận, còn dân đất Bắc gọi là roi. Từ này, ở trong Nam, khi trẻ con nghe người lớn gằn giọng hỏi: "Muốn ăn roi không thì nói?", là rúm người, lắc đầu nguây nguẩy.

Tiếng Bắc, cây mận, quả mận là loại thực vật chỉ thích hợp phong thổ cao nguyên Đà lạt, mà người Nam kêu là táo. Còn táo, theo tiếng Bắc lại là loại quả hình thù như thế này… này:

 
 

bomtao

Trái bôm (Nam) / Quả táo (Bắc) [7]

Giống cây trái này, thổ ngơi nhiệt đới phương Nam không có, nên người Nam mượn đỡ từ pomme của người Pháp, phát âm thành trái bôm (thỉnh thoảng thấy có người viết không dấu ^, là loại trái từng được nhập cảng từ Liên bang Sô-viết, Trung cộng và Hoa kỳ, mà dân Việt trong thời chiến tranh quốc cộng nếm mùi nhiều rồi, không thích ăn nữa).

Quả táo, theo Sáng thế ký, thuở khai thiên lập địa là thứ "trái cấm", treo trên cành Tri thức trong vườn Địa đàng. Nàng Eva, nghe rắn Tội lỗi xúi giục, bất tuân lời răn của Thượng đế, đã cùng chàng Adam cắn thử một miếng, theo kiểu:

"Ngày nào lòng tôi đã
biết vui biết buồn, ôm mối tương tư.
Ngày nào cánh Thiên Đường
đã mở hé tình yêu là trái táo thơm.
Tôi ghé răng cắn vào.
Miệng môi ngọt đắng, tình yêu cuối đường.
Là trối trăn cuối cùng,
giấc mơ não nùng vội tan." [8]

Ðể rồi chàng và nàng bị trục xuất ra vườn Địa đàng. Trong ý thức của hậu duệ Adam và Eva, "trái cấm" mang hình tượng quả táo, nhưng thật ra, đó là lỗi dịch thuật chữ malum, vừa có nghĩa "ác tính" vừa có nghĩa "cây táo", từ tiếng La-tinh. (Das gängige Bild vom Apfel als verbotener Paradiesfrucht beruht nicht auf der Bibel, sondern auf einer falschen Übersetzung des lateinischen Wortes malum, das sowohl "böse" als auch "Apfelbaum" bedeuten kann.) [9]

Thực tế hơn, khoảng cuối thế kỷ 17, khoa học gia người Anh Isaac Newton, lúc ngồi suy tư chuyện thế sự bên gốc cây táo, bị một trái táo rơi nhằm ngay đầu. Thần trí bèn vỡ lẽ, xui ông khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn, khai phóng một loạt những phát minh cho ngành khoa học tự nhiên về sau.

Riêng dân miền Nam, mỗi khi nghe nói tới trái táo, nhiều người nghĩ ngay đến loại táo ta, là thứ trái tròn tròn nho nhỏ như vầy nè, quí vị ơi:

 
 

taota

Trái táo ta (Nam) / Quả … ? (Bắc) [10]

Loại trái chua chua ngọt ngọt, chấm với muối ớt này, hình như tiếng Bắc gọi là quả ô mai thì phải?

Có những loại cây trái bầu bạn thân thiết suốt thời ấu thơ và hoa niên tôi ở Sài gòn. Khẩu vị má tôi chuộng rau trái. Bản tính ba tôi ưa bôn ba phóng khoáng, sành điệu ăn uống, biết nhiều món ngon vật lạ. Anh chị em tôi, vì vậy, được và bị nếm đủ mùi thực vật cũng như động vật. Khẩu vị tôi gần với sở thích má: thích ăn rau trái. Mùa nào trái nấy. Nhưng chỉ có một vài loại trái cây được tôi đặc biệt chiếu cố: xoài, đu đủ, dưa hấu, sa-pô-chê và hầu hết các loại trái chua chấm muối ớt hay nước mắm đường như mận, cóc, ổi, me dốt, xoài tượng, … Thời tiểu học, tôi từng là bạn hàng thân thiết của á xẩm con có gương mặt bầu bĩnh, hai má đầy mụn, bán cóc, ổi, xoài tượng, đu đủ xanh ngâm nước cam thảo ở gần nhà. Vào những năm đầu trung học, ba tôi, sau khi đón anh và tôi ở Nguyễn Bá Tòng, cho xe tạt ngang trường Gia Long đón chị tôi. Trong khi chờ chị tan lớp, ba thường dẫn anh em tôi đi uống nước sinh tố trái cây. Tôi chỉ gọi quẩn quanh ba thứ: đu đủ, mít hay mãng cầu xiêm.

Trái mãng cầu, miền Bắc gọi là quả na, có hai loại: mãng cầu ta (na ta) và mãng cầu xiêm (na xiêm) hay mãng cầu gai (na gai). Mãng cầu ta có loạt dai và loạt bở. Hạt na đen nhánh tựa sắc răng nhuộm khéo của đàn bà, con gái xứ Bắc trước đây, và cũng là đề tài châm chọc quí cô lỡ thì mà còn kén chọn, qua câu ca dao thâm thuý dưới đây:

"Răng đen nhưng nhức hạt na,
Kén đi kén lại nó ra hạt bầu." [11]

 
 

mangcauta

Trái mãng cầu ta (Nam) / Quả na ta (Bắc) [12]

Ở đây, mùa này, các cửa tiệm thực phẩm á châu đang bày bán xoài Hồi quốc. Cũng ngọt, cũng ngon đó, nhưng dường như thiếu hương nắng nhiệt đới của xoài cát quê nhà. Thỉnh thoảng thấy bán ổi, chôm chôm, măng cụt và đu đủ "bay" (Flugpapaya, chỉ loại đu đủ chín nhập cảng bằng đường hàng không) Thái lan, tôi mua về ăn thử. Thua xa lắc chôm chôm Long thành, măng cụt Lái thiêu, đu đủ miền Nam. Ăn để hồi tưởng. Ăn bằng khẩu vị của hoài niệm. Ăn để đặt nghi vấn về những danh gọi cây trái trong tiếng Việt. Không biết cha sinh mẹ đẻ ra chúng là ai, mà nhiều loại trái cây có tên cúng cơm nghe ngộ nghĩnh quá chừng: bòn bon, chôm chôm, đu đủ, sầu riêng, mãng cầu, măng cụt, v.v….

Chúng, các loại trái cây kể trên, đã đồng hành theo tôi qua biết bao mưa nắng sắt se, cho tới lúc tôi rời quê hương. Xa nhưng không quên. Mà dường như thắm thiết hơn. Vì vị chua của mận của táo Đà lạt, vị ngọt lìm lịm của xoài, săn sắt của đu đủ, tha thiết của mít, vị mát khoảng khoái của dưa hấu được tẩm thêm hương liệu của nhung nhớ, của thương tưởng về những tháng năm đã bạt ngàn, những người thân yêu đã lìa xa. Nhưng, trong tâm tưởng tôi, tất cả đã đọng lại thành những hương vị đậm đà hoài niệm về một quãng thời gian cùng nơi chốn đã mờ khuất.

(Đức, tháng 7. 2011)


[1] http://dotrangtri.net/hoa-mau-don/9671.html

[2] http://www.hoatuoidep.com/tu-van-hoa-tuoi/y-nghia-tang-hoa/358-y-nghia-cac-loai-hoa.html

[3] http://www.botanyvn.com/cnt.asp?param=news&newsid=661

[4] "Hòn còng lửa", tr. 155, Văn Mới, California, U.S.A., 2002.

[5] http://nhatchimai.forumvi.net/t481-topic

[6] http://www.forvn.com/forums/viewtopic.php?id=6279

[7] http://bee.net.vn/channel/1982/201004/Qua-tao-uc-45000-dong-va-chuyen-tiet-kiem-1751204/

[8] "Bao giờ biết tương tư", nhạc và lời Phạm Duy & Ngọc Chánh.

[9] http://de.wikipedia.org/wiki/Adam_und_Eva

[10] http://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%A1o_ta

[11] Các câu hò đối và ca dao trong bài viết này được tôi sưu tầm từ http://e-cadao.com/cadaosearch.asp

[12] http://www.tin247.com/mang_cau_va_cong_dung-10-56258.html

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Cancel


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

6 Bình luận

  • Cảm ơn nhà văn Hai Trầu cảm ơn đã cho em hiểu được hai câu thơ “Răng đen nhưng nhức hạt na,
    Kén đi kén lại nó ra hạt bầu.” Lâu nay em hay nhầm tên gọ của loại quả này

  • ngô nguyên dũng says:

    Kính thưa nhà văn Hai Trầu,

    cám ơn Anh Hai đã quan tâm và cho biết thêm chi tiết về “bông nở” và “bông búp”.

    Rất tiếc là tôi không được đọc cả truyện “Trao thân con khỉ mốc” của nhà văn Phi Vân để hiểu tường tận ngọn ngành.

    Trân trọng,
    NND.

  • Hai Trầu says:

    Kính chào nhà văn Ngô Nguyên Dũng,

    Nhơn đọc bài “Ấn Độ Du Ký”, rồi đọc lại bài này, xin ghi một đoạn đối đáp trong truyện “Trao Thân Con Khỉ Mốc” trích trong tác phẩm “Đồng Quê” của Phi Vân nhắc đến “bông búp bông nở”, để chia sẻ với tác giả:

    “Hương Ba vội-vàng mở khay hộp. Ông Tộc trưởng nâng từ chiếc vòng, sợi dây chuyền lên nhìn, bỗng nhiên mắt ông sáng hoắc lạ thường, chép miệng hỏi:

    – Ủa, sao lại có đôi bông nở mà không có bông búp ?

    Chánh Khá rối loạn chực nói, nhưng đã bỡ ngỡ nhìn mọi người.

    Hương Ba lẹ miệng đỡ lời :

    – Thưa bông búp là hồi “ăn trầu uống rượu” kia. Lời tục người ta nói :”Bông búp về nàng, bông nở về anh”, vì đường xa-xuôi quá, chúng tôi tưởng “bông nở” không, cũng đủ lễ rồi vậy….

    Ông Bái ngồi chăm-chỉ nghe đến đó, bỗng nhiên khóc lên rưng-rức:

    -Nhà tôi vô phước. Trời ơi, con làm nhục cha nhục mẹ chi vậy hỡi con…! Sanh con tưởng gả được chỗ môn đăng hộ đối, ai dè họ khi mình đến đỗi này …” (Đồng Quê của Phi vân, trang 45-46).

    Trân trọng,
    HT

  • phạm thị thanh says:

    Lâu lắm mới …gặp lại NND. Bài viết rất hưng phấn. Cho thấy tác giả đang ở vào …mùa yêu. Vì chỉ có tình yêu thì mới đâm bông kết trái, hay nói theo giọng Bắc thì là đơm hoa, kết…quả. Hay kiểu tình Bắc duyên Nam thì gọi là đơm hoa, kết trái.

  • Ngô Nguyên Dũng says:

    Anh Black Raccoon mến,

    cám ơn Anh đã giải thích giùm tôi hai câu ca dao.

    Trong một truyện ngắn khác, tôi viết đã lâu, tôi có đề cập và tìm cách giải thích hai câu ca dao này. Tôi cũng nghĩ như anh: bóng gió nhắc lại một duyên tình không suông sẻ. Lễ vật hứa hôn được đàng gái hoàn lại cho đàng trai. Từ “bông” lẽ đó còn ám chỉ món nữ trang “bông tai”.

    Thắc mắc của tôi: Tại sao lại có “bông búp” và “bông nở” ở đây?

    Hay là trước kia, ở quê Nam, có thói tục, con gái tới tuổi cập kê thường đeo đôi bông tai “bông búp”, như một biểu tượng hàm ý: “chưa lập gia đình”. Còn loại bông tai “bông nở” dành riêng cho những người đã có chồng???

    Nếu vậy, phụ nữ lớn tuổi chưa chồng đeo bông tai hoa gì, “búp”, “nở” hay “kết trái tòn teng”?

    Trân trọng.

  • Bông trang

    Gió đưa gió đẩy bông trang
    Bông búp về nàng bông nở về anh
    (Ca dao)

    Tui hiểu câu trên có nghĩa là hai người xa nhau, duyên phận lỡ làng, đồ tế nhuyễn hoàn lại. Người đàn ông con trai không đành lấy lại hết, đôi bông tai vàng búp hoa thì cho cô gái, mình nhận lại cặp bông nở thôi. Nghĩa là xa thì xa vẫn còn thương. Tui không chắc hiểu như vậy có đúng không (?).

    Cám ơn nhà văn NND, đoản văn thật hay.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)