Trang chính » Dịch Thuật, Sáng Tác, Sang Việt ngữ, Trích đoạn tiểu thuyết Email bài này

Tiểu Khải Huyền – phần 2

♦ Chuyển ngữ: 0 bình luận ♦ 23.06.2011
minor_apoc_cover_thumb.jpg

 

 

minor_apoc_cover

(nhấn vào để xem phần 1)

 

 

Ai đó bấm chuông cửa. Tôi mở then bằng bàn tay run rẩy. Một người đàn ông, có vẻ say rượu, đứng trước cửa, vịn tay vào khung cửa.

“Ông nên lấy nước để xài bởi vì tụi tôi sắp cúp nước đấy,” anh ta nói, và ợ ra cả một đám mây nồng mùi rượu chưa tiêu hóa.

“Tôi không cần nước.”

“Tôi nghĩ ông nên đổ nước đầy bồn và chậu. Chúng tôi sắp cúp nước nguyên ngày.”

“Cám ơn. Chắc có chỗ bể ống nước phải không?”

“Tất cả mọi thứ đều bể. Tôi ngồi đây một phút được không, mệt quá trời quá đất.”

“Rất tiếc ông bạn tôi không được khỏe. Tôi phải gọi xe cứu thương.”

“Dạo này chẳng có ai khỏe cả. Vậy thì tôi sẽ chẳng làm phiền ông nữa. Nhớ giữ sức khỏe.”

“Anh cũng vậy.”

Anh ta qua gõ cửa nhà hàng xóm của tôi. Tôi vội vã chạy dọc hành lang trở về. Lúc này Hubert đang ngồi thẳng trên ghế. Hắn cười một cách đau đớn, để che đậy sự hoảng hốt bất ngờ.

“Tôi gọi bác sĩ nhé?”

“Không cần đâu. Tôi khỏe lại rồi. Mình đang bàn đến đâu rồi nhỉ?”

Một vạt nắng giạt ngang những mái nhà của thành phố như một con diều lớn. Chú chim sẻ, bạn tôi, đáp xuống thanh sắt của bao lơn và ngạc nhiên vì tôi không chào nó.

“Hubert, chuyện này có chút ý nghĩa gì không? Anh có thực sự tin rằng chuyện này có ý nghĩa không?”

“Bây giờ cậu mới hỏi à?”

“Tại sao trong suốt cuộc đời anh, anh không bao giờ khoan nhượng? Cho dù như thế nào đi nữa. Có phải tại kích thích tố. Hay vì một sức mạnh nào khác cao cấp hơn thúc đẩy anh?”

“Đừng quấy rầy anh ấy, anh ấy phải về nhà.” Rysio đẩy tôi ra.

“Trụ sở Đảng thì không gần hơn hay sao?”

“Cậu thấy đó. Không phải mọi cái chết đều giống nhau.” Hubert nói bằng một giọng bị bóp nghẹt. “Tất cả chúng ta đều cần điều tiên tiến, cái hoành tráng, cái thánh thiện. Đó là thứ mà cậu có thể cống hiến cho chúng tớ.”

“Để đền bù tội lỗi của cậu, bạn già à,” Rysio chêm vào, và cố nở nụ cười. “Lương tâm của cậu phải gánh vác những thứ của riêng cậu và luôn cả những thứ của bọn tớ.”

“Nhưng mà bọn họ cũng có nhiều như thế,” tôi nói trong tuyệt vọng, ảnh hưởng bởi cơn hoảng loạn của ngày mùa thu đáng ghét ấy.

“Bọn họ không có ở đây. Chỉ mình cậu với Thượng Đế hay là, nếu cậu muốn, thì chỉ cậu với lương tâm của cậu.”

“Thế bọn họ ở đâu?”

“Xa lắc xa lơ trên một hành tinh nhỏ bé và bất hạnh.”

“Hubert, thật là câu nói đùa ngu ngốc. Kẻ nào đó sắp đặt cho anh làm chuyện này?”

“Không, không phải chuyện đùa. Cậu biết điều đó quá rõ mà. Cậu đã chờ bọn tớ. Bao nhiêu năm trời. Hãy thành thật một lần và thú nhận cậu đã và đang chờ đợi.”

Hắn nhìn tôi một lúc lâu bằng con mắt tốt còn lại rồi bắt đầu tìm cái va li, mà hắn đã đạp ngã trong cơn bệnh ban nãy.

“Hubert, hãy trả lời tôi – anh có nghĩ rằng chuyện này cần thiết lắm không?”

Hắn nặng nề bước về phía tôi, đặt cánh tay hắn lên vai tôi, và hôn hai má tôi với cặp môi lạnh băng của hắn. “Hãy có mặt ở số 63 đường Vistula lúc 11 giờ. Halina và Nadezhda sẽ chờ cậu ở đấy. Mấy cô ấy ở trong ngành kỹ sư.”

“Kỹ sư ngành tự thiêu à?”

“Đừng làm khó thêm, bạn già à,” Rysio xen vào.

Một cơn cuồng nộ bất ngờ chộp lấy tôi. “Đừng nói với tôi như thể anh chỉ là một trong những thằng mà khi viết không dùng dấu chấm dấu phảy đéo gì hết!”

Hụt hẫng, Rysio lùi ra phía cửa. “Không có dấu chấm câu làm cậu khó chịu à?” hắn hỏi một cách gượng gạo.

“Nếu anh dùng dấu chấm câu, biết đâu mình sẽ không phải trình diễn màn chết chóc ở đất nước này.”

Một tràng sấm rì rầm vang động từ đầu này tới đầu kia thành phố. Gió đẩy tung những cánh cửa ban công rên rỉ. Lẽ ra tôi đóng chúng lại nhưng quả đấm cửa đã rụng mất.

“Cho bọn tớ mượn năm ngàn đi taxi. Thời tiết này anh ấy không đi bộ về nổi đâu.” Rysio lấy cái va li tẩm bùa mê từ tay Hubert và nhìn ra ngoài hành lang tối.

Tôi moi tờ giấy bạc năm ngàn złoty (1) ra khỏi túi áo. Bọn họ nhận tiền không một lời cám ơn và tiến về phía lối ra. Và rồi chúng tôi được tiếp đón bằng một loại tiếng rền rĩ, loại âm thanh cao của đường dây điện thoại dự đoán thời tiết xấu. Người ta đã tạo ra tiếng rên rỉ đó từ nhiều năm nay, từ dạo mà thế giới này còn là nơi chốn yên tĩnh và bình thường.

Hubert dừng lại trước một đống dép cũ mà bằng cách nào đó đã dồn lại trong suốt quá trình một đời người.

“Cậu ngưng viết tự lúc nào? Tôi không còn nhớ nữa,” hắn nói, nhìn nghiêng một bên và không thấy đống tạp nhạp trên nền nhà.

“Nhưng tôi vẫn viết đấy mà.”

“Cậu mới khởi sự viết lại đây thôi. Cậu đang viết chúc thư của cậu. Nhưng tôi muốn hỏi về sáng tác hư cấu của cậu kìa.”

“Tôi không nhớ. Hình như năm, hình như bẩy năm trước. Ấy là lúc tôi bằng một cú mà loại bỏ được hai tay kiểm duyệt một của riêng tôi, một của nhà nước. Tôi viết truyện cho một tờ báo chui và đấy là bài viết cuối cùng. Sau đó thì tôi tự do và bất lực.”

“Cậu được sinh ra để làm nô lệ. Sự nô lệ giải phóng cậu, nó cho cậu mượn đôi cánh, nó biến cậu thành một thứ vĩ nhân tỉnh lẻ. Và rồi để trừng phạt cậu, nó tước đoạt hết mọi thứ như một mụ phù thủy gian ác nào đó.”

“Chế độ nô lệ luôn luôn tan rữa dưới tay những kẻ nô lệ,” Rysio nói. “Cậu hiểu tôi nói gì không, ông bạn già?”

Cái âm thanh cao chói ấy, một thứ âm thanh rất tốt để giết chuột, xuất hiện lần đầu trong chung cư của tôi cách đây vài tháng. Tôi bỏ ra bao nhiêu tuần lễ cố tìm cho được nguồn gốc của nó, tôi mò mẫm gác xép và tầng hầm, nhưng chẳng tìm thấy gì. Nó bộc phát bất ngờ và bất chợt tắt đi sau khoảng bốn chục phút gì đó. Ban ngày, và cả ban đêm nữa. Nó khiến những kẻ ở trong chung cư luôn ở trong tình trạng nhấp nhổm, chờ đợi đầy hoảng hốt.

“Nhưng tôi đã hoàn tất bản tường trình này rồi. Không phải bản tường trình, một bài văn điếu. Tôi viết nó trong đầu và quên nó ngay sau đó. Một tác phẩm văn chương cho riêng một người.”

“Đừng phí lời, hãy dành những ngôn từ tốt đẹp nhất cho tối nay. Ở đó cậu sẽ phải hét lớn với tất cả sức lực của cậu. Những ý tưởng tuyệt vời nhất của cậu. Nhân dân sẽ viết nó xuống và lưu trữ nó, như những tiết đoạn trong Kinh Thánh. Tuyệt tác văn chương của cậu.”

Hắn lần tìm và siết thật chặt tay tôi trong bóng tối. Tôi nghĩ tôi bắt gặp một tia mỉa mai trong con mắt còn lại của hắn. Và tôi lại chìm vào cơn phẫn nộ.

“Ai bày cho anh làm chuyện này? Thằng chó đẻ nào bám sát tôi vậy?”

“Phải có một một người nào đứng ra làm việc đó. Cậu được cống hiến một cơ hội. Cậu là người đứng hàng đầu. Cậu sẽ qua mặt tất cả những đối thủ của cậu. Bọn chúng nó sẽ thì thầm chế nhạo điều cậu làm. Đây sẽ là thắng lợi tuyệt đối đầu tiên của cậu đối với chúng nó.”

“Nhưng có đáng không? Quần chúng có nên tự thiêu hàng ngày ngoài kia. Ở trung tâm, bên bờ tường điện Cẩm Linh, ngọn lửa sẽ làm khách bàng quan trên khắp thế giới mê sảng. Nhưng những ngọn lửa địa phương của chúng ta, gây ra bởi sự cẩu thả, sẽ chỉ làm thế giới khó chịu và mang những biến chứng không cần thiết vào khung cảnh rộn ràng của cuộc chiến giữa cái tốt và cái xấu. Nghe đây, Hubert, có khi nào thái dương hệ của chúng ta đi trệch khỏi con đường thiên định và bây giờ đang bị ném vào vực sâu của vũ trụ, nơi những số mạng khổng lồ sẽ hòa giải tất cả chúng ta? Có thể có một sự thắng hay bại chung đang chờ chúng ta không?”

“Còn cái gì có thể thắng hay thua ngoài những cái chúng ta có thể thắng hay thua?”

“Thôi được rồi, hai anh nên đi về đi.”

Tôi mở cửa. Chẳng hiểu sao, bọn họ còn lảng vảng thêm trước khi ra về. Hubert bắt đầu đọc tấm thẻ ghi tên chủ hộ gắn bên chuông cửa nhà láng giềng tôi. Bọn họ luôn luôn tò mò ít nhiều về đời sống tôi, cho dù một hình thức tốt đẹp đòi hỏi sự khinh bỉ chính sự hiện hữu của tôi. Hắn đọc cái bảng tên, tấm biển của Bí Thư Uỷ Viên Trung Ương, mà không biết phía sau cánh cửa ấy, một ông già về hưu lây lất cơn hấp hối đã mười năm nay, mà ngày nào cũng tìm cách chết nhưng không thành công. Những giọt nước dơ dáy nhỏ xuống từ các bậc và cạnh của cầu thang. Người gác dan của chúng tôi, còn được gọi một cách thời thượng là quản lý chung cư, một tên điên hết thuốc chữa, đang lau chùi bậc thang. Hắn đã được tuyên dương trên ti vi và được nhắc tới trên báo chí, nhưng hắn vẫn tiếp tục lau rửa cầu thang, người quản lý chung cư duy nhất trong nước còn làm công việc ấy.

“Đừng yếu bóng vía, ông bạn già,” Rysio nói.

“Tôi phải nghĩ kỹ đã.”

“Họ chờ cậu lúc mười một giờ đấy. Halina và Nadezhda,” Hubert chêm vào.

“Giả như tôi không làm thì sao?”

“Thì cậu sẽ lại tiếp tục sống như cậu đã từng sống cho đến bây giờ.”

Họ xuống thang, dìu nhau như hai ông thánh, như hai anh em thánh Cyril và Methodius (2).

Tự nhiên tôi nhớ Rysio từ những năm tháng xa xưa khi hai chúng tôi còn trẻ. Tôi nhớ một đêm say mèm ở một nông trại nào đó gần Warszawa, hai chúng tôi ngủ cạnh nhau trên một lớp đệm rơm. Dạo ấy Rysio làm cái nghề gì đó nửa nhà phê bình nửa nhà điểm phim. Một cô gái say rượu nằm giữa hai đứa tôi, tôi không bao giờ gặp lại cô ta nữa. Hai chúng tôi nằm nửa mê nửa tỉnh trên tấm áo mưa mầu xanh, mà tôi đã phải trải ra cho ba đứa. Cô gái rên rỉ trong cơn say nặng độ. Rysio mầy mò cô ta, và thở phì phò với thèm muốn bất ngờ, còn cô gái thì xoay lưng lại phía hắn. Mặt cô ta quay lại phía tôi, tôi có thể cảm được hơi thở mê ngủ ẩm ướt của cô trên má tôi. Rysio không chịu thua; say mèm nhưng vẫn nỗ lực làm việc, hắn mò mẫm cô ta, xé áo quần cô ta, tuồn xuống dưới thân thể bất động của cô, và thở gấp rút man dại. Và rồi, khi tôi đã chìm vào giấc ngủ sôi sục, Rysio rõ ràng là cũng đạt được mục đích, bởi bỗng dưng hắn rên rỉ và bật người ra trên lớp cỏ khô điên rồ. Không hề hay biết về những khoái lạc của hắn, cô gái nhẹ nhàng thở vào người tôi. Chỉ tới sáng hôm sau khi ngầy ngật cơn say đêm trước, chúng tôi phục hồi trên chiếc giường thôn dã ấy, tôi vất vả chui vào chiếc áo khoác mưa, tự động thọc tay vào túi, và hoảng hốt phát hiện ra rằng trong đêm tối, cái túi đã là nạn nhân dục vọng của Rysio, rằng hắn đã làm tình với túi áo đi mưa của tôi với sự nồng nhiệt bốc cháy của tuổi trẻ, dám chắc đấy cũng là lần đầu tiên của đời hắn.

Bây giờ Rysio viết văn không hình dạng, không chấm phẩy, đóng vai phụ tá cho Hubert, và là một hình ảnh đáng kính trong thế giới văn chương. Tôi trở về phòng để nhìn bọn họ qua khung cửa sổ. Ngay lúc đó, như phép lạ, một chiếc tắc-xi trống chạy qua, nhưng họ đón hụt và chững chạc bước về phía đại lộ Nowy Świat (3). Tôi tò mò muốn biết họ có bị theo dõi không. Nhưng không có chiếc xe nào từ lề đường lái ra và cũng không có ai chạy ra từ chỗ bóng tối nhá nhem của bất kỳ dãy chung cư nào.

Có một lần Hubert treo cổ trong tủ áo của mình; hắn đã bị săn đuổi một cách tàn nhẫn trong một chiến dịch, bởi vì dạo ấy, khoảng cuối những năm sáu mươi, chế độ vẫn còn đủ sức mạnh cho những màn trình diễn tàn bạo và những chiến dịch càn quét độc địa. Thành ra Hubert treo cổ, nhưng dĩ nhiên đó là lần đầu tiên hắn ta làm chuyện ấy và hắn cũng chưa mấy thành thạo. Chiếc dây thừng bị đứt, tủ áo đổ nghiêng, Hubert sống sót. Vâng, hắn sống sót, để vài năm sau đó, hắn có thể tuyên đọc bản án tử hình cho tôi.

Thêm một tràng sấm nữa trong bầu trời thấp và chật chội. Tôi vào nhà tắm để tắm gội. Những ống nước bắt đầu khậm khoạc thứ chết tiệt gì đó, đó là chút nước còn sót lại mà đường ống nấc cụt văng ra. Tôi tắm gội một cách máy móc, tự hỏi trước khi đón nhận chuyện phải xảy ra cho mình thì tắm rửa mặc quần áo có phải là điều phải bận tâm không. Nhưng, cuối cùng thì người ta cũng phải đón nhận cái chết như đón nhận Thánh Thể, ăn mặc gọn gàng cùng với sự kính cẩn. Nhưng mà tôi có phải chết không? Có kẻ nảo buộc tôi phải nhẩy xuống cầu hoặc tẩm đẫm xăng lên người tôi chứ? Quyết định là của tôi, phải không nào? Tôi có thể chết trong danh dự hoặc tiếp tục sống một cách nhục nhã.

Chuông lại reo. Tôi nghĩ chắc Rysio và Hubert quên cái gì đó hoặc trở lại để hủy bỏ án lệnh. Tôi chạy vội ra cửa mặc những giọt nước còn sót lại bám trên người rụng xuống. Một ông già mang cái bọc da lớn đang ngổi trên bậc thang.

“Ông tìm tôi phải không?” tôi hỏi.

“Vâng, đúng vậy. Tôi được chỉ thị đến tắt hơi đốt.”

“Nhưng năm nay ông đã tắt ba lần rồi mà.”

“Làm sao tôi biết được, lúc đầu người ta bảo tôi tắt, rồi người ta bảo tôi mở. Bọn họ chẳng biết họ đang làm gì. Ngày nào cũng có nhà bị nổ đường ống hơi đốt, thế là họ làm như thể đã có cách giải quyết rồi, và họ bảo tôi cúp hơi đốt. Căn hộ của ông còn đây là may mắn lắm đó bởi vì tôi có một danh sách những chỗ đã tiêu tùng.” Ông ta đưa cho tôi coi một mảnh giấy ố bẩn.

“Ồ, vậy tiện đây sao ông không cúp điện luôn cho rồi. Với tôi thì cứ vô tư.”

“Chẳng ăn nhằm gì đến ông,” ông già nói, với nụ cười ma mãnh, và ông ta nhẩy bật vào nhà tắm. “Nhưng nó lại quan trọng cho tôi. Tôi chỉ được phép tắt hơi đốt.”

Và thực vậy, trong một phần giây đồng hồ, ông ta đã đóng cái khóa van lại, tháo cái vỉ ghi lò sưởi, và ngồi trên mép bồn tắm mồi một điếu thuốc đang sắp rã ra từng mảnh.

“Thật là tuyệt khi được tắm một cái bằng nước ấm. Cho dù chỉ để rửa đít, xin lỗi cái câu lỗ mãng,” ông già vừa thuyết giảng vừa nhìn quanh nhà tắm. “Nhưng cậu làm quái gì được, lệnh là lệnh. Hay là cậu nói với ông giám đốc, cậu hiểu ý tôi mà. Cứ nói chuyện với đầu gối ấy.”

“Tôi không cảm thấy muốn nói chuyện với ông giám đốc. Hôm nay tôi chết rồi.”

Người thợ ống nước già bật cười vui nhộn. “Tại sao cậu lại nghĩ chuyện ấy ngày hôm nay nhỉ, những chuyện đang xảy ra ngoài kia chưa đủ hay sao? Hôm nay ông Bí thư Nga Sô ấy tới đây. Bọn họ trang trí cả thành phố. Đầy rẫy ban nhạc hòa tấu khắp nơi từ sáng sớm. Họ bảo có một thứ lễ lạc gì đó, ngày lễ lớn nào đó của họ, có thể cũng là một ngày lễ lớn của mình nữa. Họ đổ đầy hàng hóa trên các quầy hàng, khắp nơi, gần Cung Văn Hóa, xuống tận sông Vistula; quần chúng đang xếp hàng từ sáng sớm mà cậu lại đang chuẩn bị để chết.”

“Tôi chết để làm bẽ mặt họ.”

Người thợ ống nước tóc bạc chùi những giọt nước mắt ứa ra vì cười. “Cậu đúng là tay tiếu lâm. Nếu mình theo nhau chết để làm bẽ mặt bọn họ, thì sẽ chẳng còn mống Ba Lan nào sống sót. Cậu biết gì không, tớ sẽ nối hơi đốt lại cho cậu, nhưng tớ sẽ khóa cái tay van lại. Tớ sẽ mở nó đủ lớn để cậu có thể dùng hơi đốt, chỉ cần xài cẩn thận.”

“Tôi đâu cần hơi đốt. Tại sao ông không lấy cái máy sưởi nhỏ đi làm kỷ niệm nhỉ.”

“Cậu dễ động lòng đấy nhỉ. Tôi không phiền gì khi bị từ chối. Làm ơn ký vào đây, nhé.”

Tôi đi với ông ta ra hành lang. Tiện tay ông ta vuốt ve cái áo khoác của tôi, treo bên khung cửa.

“Len tốt đấy nhỉ. Hàng ngoại chắc.”

“Ông cầm lấy xài đi. Mặc cho ấm, giữ sức khỏe.”

“Cậu nói gì thế? Tớ có thể trả tiền cho cậu. Tớ đưa cậu năm mươi ngàn.”

“Tôi cho không ông đấy. Chỉ cần một điều là khi mặc nó vào, nhớ gửi đến linh hồn tôi một tiếng thở dài, được không?”

“Cậu phải là một là nghệ sĩ, đúng không nào? Cậu thích chuyện tiếu lâm, đúng không?”

Nhưng rồi ông ta cuộn cái áo một cách khéo léo, nhét vào trong bọc, và thoắt một cái ông ta đã ở trước cửa nhà láng giềng của tôi, bấm chuông cửa, cái nhìn nghiêm trang trên nét mặt.

Tôi trở về phòng mình ngồi xuống chiếc ghế bành vẫn còn ấm hơi người Hubert. Gió mang những mảnh âm nhạc khắp thành phố. Cho cái áo đi là một điều hay, nó sẽ làm cho việc mặc quần áo đơn giản hơn và việc nhảy vào thế giới bên kia dễ dàng hơn. Tôi sẽ trả đời tôi lại cho bọn họ đúng như cái cách mà nó đã được trao cho tôi: một cách giận dữ. Một biểu tượng. Lại thêm một biểu tượng nữa. Liên hệ đến vĩnh hằng hay tới những tên ngu ngốc của thời hiện tại? Một cử chỉ phức tạp và không thể giải đoán. Một cử chỉ làm liệt bại chế độ bù nhìn của chúng ta tiêu thụ bởi sự nô dịch hoặc để kết tội người Nga vĩnh cửu ẩn náu sau bề mặt đang tan rữa của Liên Bang Sô-Viết? Một sự phản kháng chống lại sự nô dịch của một xã hội, hay của một quốc gia. Trong vô số loại tự do, mình đang nói về thứ tự do nào, thứ mà nhân danh nó tôi sẽ nhảy vào lửa, ngọn lửa linh thiêng của sự chết? Đó là cái gì vậy? điều vô nghĩa hay là sự Thăng Thiên.

Vào phút chót, tôi vẫn luôn có thể biến đi vào một lỗ chuột nào đó, tôi nhủ lòng để tự an ủi, nhưng tôi biết tôi sẽ không đi đâu ngoại trừ cái nơi tôi đã được chỉ định phải đến, chỗ tôi phải đi. Tôi mặc quần áo giản dị nhưng gọn gàng. Họ đã ra lệnh cho tôi gào thét, và đối với tôi, đó là điều tệ hại nhất. Tôi có thể chịu được ngọn lửa, nhưng không chịu được sự hổ thẹn. Một chiến sĩ phải ngang tàng và táo bạo. Tôi đã làm lỡ mất bao nhiêu cơ hội đam mê dục vọng chỉ vì quá xấu hổ khi mở cúc quần của mình.

Tôi mở truyền hình lên. Tôi phải làm một việc gì đó. Tay tôi run rẩy, tôi không thể tập trung đầu óc. Một máy bay xuất hiện trên màn hình, và bên cạnh đó hai người đàn ông mập mạp đang hôn vào miệng nhau. Đó là Tổng Bí Thư của chúng tôi và Tổng Bí thư của bọn họ, gã người Nga, Nga Hoàng của những Nga Hoàng, chủ nhân ông của một nửa thế giới. Bí thư của chúng tôi có khuôn mặt nhân từ của một vị Hồng Y hay một người gác dan, hoặc như người ta thường gọi thời gian gần đây, một quản lý chung cư. Lịch sử và tính di truyền đã ban tặng cho người Nga khuôn mặt của một người Tây Mông Cổ. Họ ôm nhau rồi lắng nghe bài quốc ca. Bây giờ bài “Lao Động Quốc Tế Ca” đã thành quốc ca của chúng tôi. Một thứ đồ phế thải do đàn anh vĩ đại chuyền xuống tay chúng tôi, như một chiếc áo khoác cũ kỹ.

Tôi bỏ giấy tờ tùy thân vào túi. Đi đâu tôi cũng mang nó theo. Họ, tên, ngày sinh, tên bố, tên mẹ, chiều cao, mầu mắt, chẳng thứ nào quan trọng. Thứ quan trọng là cái mật mã trong đó, một vài mẫu tự, một hàng số. Cảnh sát, chính quyền địa phương, dịch vụ y tế biết tôi qua những chi tiết ấy. Nhờ vậy mà máy vi tính biết tôi và bảo đảm là tôi không trốn mất, là tôi không trốn tránh những kẻ áp bức tôi, và không cho những người dám hỗn xược bảo vệ tôi một chút thông tin nào.

Tôi ra khỏi nhà. Tôi phải rời xa bốn bức tường này. Rời bỏ một căn hộ không giống như đưa ra một quyết định. Tôi còn cả một ngày trước mặt. Những tài sản được tạo ra và những triều đại bị hủy diệt trong vòng mười hai tiếng đồng hồ, các đế quốc bùng phát và suy tàn trong mười hai tiếng đồng hồ.

Bước xuống thang lầu, tôi liếc nhìn hộp thư và mở ra cầu may. Cái nắp cào lên hộp thư, vãi ra những vẩy rỉ sét. Trong ấy không có gì ngoài những mạng nhện tả tơi. Thì cũng vậy thôi. Bao nhiêu năm nay bưu điện chẳng mang cho tôi một tin vui nào.

Ra ngoài, tôi bị cuốn bởi một dòng cuồng lưu âm nhạc. Hệ thống thông tin công cộng đang bùng phát, ban nhạc chơi như sấm động, nơi nào đó, một chiếc trống trận khua náo bằng sự chai lì đầy ảm đạm. Bên Cung Văn Hóa, nơi mà một thời đã quyến rũ tôi như một chốn linh thiêng, như một mộ địa kinh khiếp chỗ những hồn ma gian ác đang ăn năn, đó đây, những cặp có khuôn mặt tươi trẻ mặc áo khoác và áo lót thêu vùng Kraków trang trí với hạt chuỗi hình đĩa dẹp, đeo lông công và dây đăng ten Żywiec nhảy múa tung tăng. Người chỉ đạo ban vũ đang nhịp chân và hát bằng giọng trầm, lai tiếng Nga, “Tôi từ Kraków, vâng, tôi từ đó!”

Theo thói quen tôi xếp hàng trước quầy bán báo và mua một bao thuốc lá, nhưng báo đã hết. Đó cũng là một điềm xấu. Thành công trong việc mua được một tờ báo vào buổi sáng luôn là thành công đầu tiên của chúng tôi. Một người kẹp dưới nách một tờ báo luôn trở thành điểm thu hút sự chú ý. Có một lần tôi đã từng có quan hệ thân mật với một cô gái chỉ vì cô ta nhìn ngấu nghiến vào tờ báo của tôi. Không ai đọc báo, mặc dù có được một tờ báo là công việc khó khăn. Nhưng bạn phải có một tờ báo. Đó là tập quán.

Một người đàn ông có khuôn mặt mỏng teo và con mắt đượm vẻ u uất bước ra khỏi căn chung cư phía bên kia đường. Tôi quen mặt anh ta. Cả khu phố biết anh ta. Gã là một nhân vật, một con người kỳ quặc, một viên chức mà vì những lý do khó hiểu nào đó, đã không tự xây cho mình một dinh thự như tòa lâu đài trong khu nhà của nhà nước mà lại dọn ra ở với bọn tôi, đám gia súc dân giả của nước Cộng Hòa Nhân Dân. Gã nhìn tôi và tôi nhìn gã; chúng tôi không cúi đầu chào nhau bởi vì anh ta chào tôi thì sẽ không phù hợp và danh dự không cho phép tôi chào anh ta. Gã chui vào một chiếc Mercedes mầu đen và lái đi dài theo con đường, một chiếc xe bảo vệ lập tức nối đuôi xe anh ta.

Tôi luôn có một linh cảm kỳ lạ là số phận tôi sẽ gắn liền với phần số anh ta. Tôi nghĩ là anh ta cũng có cùng niềm nghi hoặc ấy. Thế nên tôi âm thầm quan sát cuộc sống đạm bạc của viên chức ấy, sự đến và đi của anh ta, những bài diễn văn nhàm chán của gã trên truyền hình; tôi theo dõi những chuyến công du của gã trên báo chí và luôn luôn chào hỏi vui vẻ chiếc xe vận tải có máy lạnh của nhà nước chở đến cho gã xúc xích Đức, thịt bò nướng, mề gà, và phó mát ít chất béo. Tôi cho rằng, gã cũng bị thôi thúc bởi ý tưởng gian manh nào đó, và cũng kín đáo theo dõi cuộc sống nhàm chán không kém của tôi.

Tôi bước xuống đường Nowy Świat, lúc này đầy ắp cờ quạt, cờ đỏ, cờ trắng-đỏ. Trên những lá cờ trắng-đỏ của chúng tôi mầu đỏ đã tăng dần theo năm tháng, trong khi mầu trắng càng lúc càng giảm đi. Bây giờ cờ của chúng tôi chỉ còn lại một vạch trắng nhỏ trên nền đỏ. Và như vậy, những dinh thự nhỏ và cũ kỹ kia, giống lũ ấu trùng bằng gạch liên tục đan những vỏ kén thạch cao, phân phối những bó cờ đầy mầu sắc lễ lạc và ngủ gà ngủ gật trong vực những con hẻm nhỏ của đường phố cùng với bọn học trò, nhân viên văn phòng và công nhân hãng xưởng đang diễn hành. Phía trên đám đông lễ lạc có một giải băng khổng lồ phần phật bay với những chữ: LỄ KỶ NIỆM LẦN THỨ BỐN MƯƠI NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN BA LAN MUÔN NĂM.

Tôi chìm vào suy nghĩ, xăm xoi cái khẩu hiệu, thứ thu hút sự chú ý của một ông già đã về hưu đang cặp tờ báo dưới cánh tay.

Ông ta cười với tôi đầy ngụ ý, “Cậu cũng phát hiện ra đấy chứ?”

“Xin lỗi, phát hiện gì ạ?”

“Ơ này, đừng giả bộ nữa mà.”

“Ý ông muốn nói lễ kỷ niệm bốn mươi năm phải không?”

“Bọn nó thêm vào đấy bao nhiêu năm,” ông ta nói và cười. “Trí nhớ tôi tốt lắm mà.”

“Ông nghĩ tụi nó làm điều đó à?”

“Tôi không nghĩ, Tôi biết chắc điều đó.”

“Cho tôi coi tờ báo của ông. Mình xem lại cái ngày.”

“Cậu thật thiếu nhận xét. Từ lâu rồi, ngày tháng trên báo đã bị xóa hết đi rồi, như thể có ai đó dẵm giầy bố lên bản in. Cứ xem đây thì biết.”

Ông ta đưa tờ báo về phía tôi và tôi vồ vội lấy. “Ê, cậu làm gì vậy!” Ông già hưu trí phản đối. “Vợ tôi chưa xem mà.”

“Tôi xin ông. Tôi phải có một tờ báo.”

Ông ta xé toạc tờ Trybuna Ludu mỏng tanh từ tay tôi.

“Buông ra, buông ra, không tôi gọi cảnh sát.”

“Tôi ốm nặng. Tôi có thể phải đi bệnh viện. Tôi có thể chết.”

“Ai cũng nói vậy hết.”

Tờ báo rách toạc làm đôi, và phần nằm trong tay tôi là một nửa quý giá gồm trang điện ảnh, những chương trình giải trí sân khấu và truyền hình, danh sách những phòng khám và nhà thuốc cấp cứu, những bài giáo dục quần chúng, và thông báo về những tuyến đường giao thông công cộng không phục vụ khách hàng. Ông ta có cái nửa mà không ai thèm đọc – những thông điệp chính trị, những bài nói chuyện, gồm diễn văn của cái viên chức tôi biết, những tiểu luận về sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản, những nghị quyết kêu gọi gia tăng sự hiểu biết về ý thức hệ.

“Kẻ trộm! Kẻ trộm!” ông già trở thành nạn nhân hét lớn bằng tiếng Nga, nhưng chẳng ai để ý đến ông ta bởi vì, trong ngày lễ ấy, ai cũng gào thét cả.

Tôi mang theo chiến lợi phẩm nhanh chóng lẩn vào đám đông. Tôi cảm thấy một chút thú vị nào đó khi được gọi là “kẻ trộm” bằng tiếng Nga, một từ ngữ tôi nhớ từ thời thơ ấu. Tôi cũng có cuốn hướng dẫn thành phố Warszawa ngày hôm nay. Ngay lúc ấy tôi được hai viên công an trẻ chào một cách lịch sự. “Thưa ông, mời ông đi qua lối này với chúng tôi.”

Chúng tôi đi vào con hẻm ngắn nơi có những bức tường ẩm ướt vì nước tiểu. Cũng đúng lúc vì trời vừa mới lại bắt đầu mưa.

“Giấy tờ,” gã cao nói.

Tôi đưa cho hắn cuốn sách nhỏ cũ nát mà trong mười lăm phút đầu tiên hành trình của tôi, đã chứng tỏ là cần thiết. Hành trình của tôi đến đâu nhỉ? Cơn lạnh buốt chạy xuyên qua tôi.

“Hôm nay ngày mấy?” tôi hỏi.

“Anh hỏi làm gì?” gã thấp nói một cách nghi hoặc.

“Cũng nên biết chứ.”

Hai đứa trao đổi những cái nhìn, rồi gã cao nhấn mạnh, “Hai mươi hai tháng bẩy.”

“Tháng bẩy gì? Cuối mùa thu rồi. Đã bắt đầu có mưa đá.”

Không buồn trả lời tôi, gã cao bắt đầu ghi những chi tiết cá nhân tôi xuống giấy. Gã lùn nhìn tôi bằng con mắt thiếu thân thiện. Đồng nghiệp của hắn chỉ cho hắn chi tiết nào đó trong giấy tờ tùy thân của tôi, và hắn gật đầu.

“Anh không ngạc nhiên khi thấy chúng tôi ghi xuống à?” hắn hỏi.

“Chuyện ấy xảy ra cho tôi hoài.”

“Vậy là không tốt rồi. Anh đi đâu đây?”

“Tới quán Gia Đình.”

“Nghĩa là sao?”

“Đó là một quán nhậu bán bơ sữa, chỗ tôi thích.”

Còn muốn hỏi năm nay là năm nào nhưng tôi cảm thấy như vậy thì quá đáng. Có ai đó từ trong bóng tối của con hẻm đi về phía tôi.

“Kìa, khỏe không?” hắn nói bằng tiếng Nga, và vỗ vai tôi một cách thân mật. Tôi nhận ra Kiolka Nachalow. “Tôi quen anh này. Có chuyện gì thế?”

“Làm ơn tiếp tục đi,” gã cảnh sát cao nói, gằn từng chữ.

“Này bạn trẻ, thoải mái chút coi. Danh số của các anh đâu?” hắn nói, vẫn bằng tiếng Nga.

“Cái gì?”

“Ở đây lẽ ra phải có một con số,” hắn nói, kéo tay áo đồng phục của viên công an.

“Chúng tôi từ Học Viện Cảnh sát Goledzinow.”

“Cũng vẫn phải có một con số ở đây!”

Với một chút sượng sùng nhưng vẫn cố gắng giữ tác phong, hai viên công an trả lại giấy tờ tùy thân cho tôi và rảo bước.

“Anh có cần gạch không? Một ít gạch Stalin tốt.”

“Anh có điên không? Tôi cần gạch làm gì chứ?”

“Để xây dacha (4), căn nhà của anh đó. Bọn nó đang phá đổ Xưởng Sắt Warszawa. Anh có thể mua rẻ.”

“Cám ơn, khỏi cần.”

“Tôi có thuốc ngừa thai tốt từ cửa hàng nhà nước. Tôi sẽ để cho anh giá công nhân viên, lăm mươi złoty.”

“Tôi không xài thuốc ngừa thai.”

“Hay là anh với tôi chia nhau nửa lít.”

“Cám ơn nhưng tôi không được khỏe.”

“Tôi có thể bán cho anh một ít thuốc mỡ Szostakowki. Đến thẳng từ vùng Baltic.”

Tôi không nhớ tôi quen Kolka như thế nào. Hắn đã có mặt ở Warszawa nhiều năm nay, luôn luôn dính líu tới những mánh mung kỳ quặc. Bố hắn, một tướng lãnh của KGB, đã là viên chức tư vấn của Lực Lượng Đặc Biệt Szczecin. Sau khi về hưu, ông ta cởi bỏ quân phục Ba Lan, khoác lại đồng phục Nga, thu xếp hành lý và về với gia đình ông ta ở Moskva (5). Còn Kolka thì ở lại Ba Lan cho dù đôi khi hắn bị đánh vỡ mặt lúc say rượu.

“Tôi phải đi.” Tôi nói, cho có nói.

“Tôi cũng phải chạy thôi. Anh đi về phía nào, phải hay trái?”

“Đi thẳng. Qua phía bên kia đường.”

“Thế thì thôi vậy, nhớ giữ sức khỏe. Bất cứ lúc nào gặp rắc rối thì tìm tôi ở Paradise.”

Hắn rảo bước, như chạy, trong khi tôi đứng ở lối vào quan sát một thanh niên trong trang phục tỉnh lẻ và thấy anh ta đang cúi đầu chào tôi hoặc ai khác sau lưng tôi. Nhưng không có ai sau lưng tôi, nên tôi cúi đầu chào lại với chút ngạc nhiên. Gã thanh niên cười một cách e dè. Một gã tóc vàng với con mắt nhiệt tình, có rất nhiều thanh niên như thế trong Đạo Quân Hậu Phương Kháng Chiến bí mật thời chiến.

“Thế rồi bỗng nhiên cái chết tìm đến. Cái chết bạo tàn tìm đến trong đêm ấy, cái đêm lạnh bầu trời thắp sáng những vì sao,” cậu thanh niên tỉnh lẻ ngâm câu thơ bằng giọng dịu dàng.

Bạn đụng đầu với những người điên càng lúc càng nhiều; không ai bận tâm chữa trị họ nữa bởi những bệnh viện tâm thần đã đầy cứng viên chức nhà nước đủ loại. Có một thời kỳ chỉ những kẻ cơ hội chủ nghĩa mới bị nhập viện như một lời cảnh cáo, nhưng chẳng bao lâu sau đó thì không còn chỗ cho ai nữa bởi chuyện ấy đã trở thành thời thượng cho viên chức cao cấp để bảo vệ chính mình khỏi thanh trừng, bị tước quyền, hay kết án, bằng cách tự ký giấy cho mình nhập nhà thương điên.

Làm ra vẻ dửng dưng, tôi đi lướt qua cậu thanh niên và băng qua đường. Tôi trầm mình vào không gian ấm áp, nồng mùi hôi mốc của quán rượu Gia Đình có bán bơ, sữa. Một hàng dài chờ đợi trước quầy tính tiền. Cái dấu hiệu xui xẻo này làm tôi bất an. Tôi ngập ngừng luồn quanh những chiếc bàn nhỏ, tráng men nứt nẻ, và quyết định bỏ đi thì nghe tiếng ai đó gọi từ hàng người, “Chào đằng ấy!”

Tôi muốn bỏ chạy, bởi vì tôi vừa nhận ra anh của Rysio, nhưng đã muộn mất rồi.

“Cậu đấy à?” tôi hỏi bằng giọng bực bội.

—————-

(1) Złoty: đơn vị tiền tệ của Ba-Lan.

(2) Cyril và Methodius: anh em hai vị thánh Chính Thống Giáo, gốc Hy Lạp, truyền giáo ở Bulgaria, Moravia và Pannonia thế kỷ thứ 9.

(3) Nowy Świat: Đại lộ chính ở thủ đô Warszawa.

(4) Dacha: nhà nghỉ mát

(5) Moskva: thủ đô nước Nga, viết theo mẫu tự La Tinh.

bài đã đăng của Tadeusz Konwicki

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2025 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)