Trang chính » Dịch Thuật, Sáng Tác, Sang Việt ngữ, Trích đoạn tiểu thuyết Email bài này

Tiểu Khải Huyền – phần 1

♦ Chuyển ngữ: 0 bình luận ♦ 22.06.2011
MinorApocalypse_thumb.jpg

 

Tadeusz Konwicki, nhà văn và đạo diễn điện ảnh Ba Lan. Sinh ngày 22 tháng 06, 1926 tại Naujoji Vilnia, gần Vilnius nơi ông sống trọn thời thơ ấu. Đầu thế chiến II, Vilnius lần lượt bị Liên Bang Xô Viết và Đức Quốc Xã chiếm đóng. Sau chiến tranh, Vilnius bị sáp nhập vào Liên Bang Xô Viết và Konwicki bị trục xuất về Ba Lan. Trở về thủ đô Warszawa năm 1947, vừa viết văn vừa viết báo, Konwicki là một trong những cột trụ của khuynh hướng văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ông nổi tiếng với nhiều tác phẩm văn chương và điện ảnh. Vào thập niên 50, Konwicki đánh mất niềm tin vào chủ nghĩa Cộng Sản và không còn được hưởng những ưu đãi lúc ban đầu. Ông được biết đến nhiều qua hai cuốn tiểu thuyết xuất bản “ngoài luồng”: Mặc Cảm Ba Lan (1977) và Tiểu Khải Huyền (Mała Apokalipsa, 1979). Tiểu Khải Huyền, một tác phẩm châm biếm mô tả ngày cuối cuộc đời một nhà văn bị thất sủng giữa một xã hội đóng khung ý thức hệ nhàm chán. Tiểu Khải Huyền được đạo diễn Constantin Costa-Gavras chuyển thành phim năm 1993. Bản Anh ngữ A Minor Apocalypse của Richard Lourie. Aventura xuất bản 1984. ISBN 0-394-72442-9.

Trích đoạn tiểu thuyết Tiểu Khải Huyền đăng trên Da Màu đúng vào sinh nhật của tác giả Tadeusz Konwicki – 22, tháng 06 – 1926.

 

 

MinorApocalypseTận thế đã đến rồi đây. Nó đang đến, nó đang lết dần đến, hay đúng hơn, nó là ngày tàn mạt của thế giới riêng tôi, cái điều đang lén lút đổ ập lên tôi. Chung cuộc thế giới của riêng tôi. Nhưng trước khi vũ trụ tôi sụp đổ thành đá vụn, tan rã thành những nguyên tử, bùng nổ vào hư vô, chặng cây số cuối cùng của đoạn đường lên đồi Golgotha chờ đợi tôi, vòng cuối cùng trong cuộc đua này, vài nấc cuối cùng lên hay xuống cái thang chẳng mang ý nghĩa gì.

Tôi thức dậy vào khoảnh khắc u ám khi những ngày vô vọng của mùa thu bắt đầu. Tôi nằm trong giường nhìn vào khung cửa sổ đầy những đám mây úng mưa, nhưng thực ra chỉ một đám mây lớn giống như tấm thảm đen đúa tuổi đời. Đây là thời khắc biên soạn những cuốn sách đời sống, thời khắc tính sổ những công việc trong ngày. Có một thời người ta làm sổ sách lúc nửa đêm trước khi chìm vào giấc ngủ ngon, bây giờ người ta đấm ngực vào sớm mai, đánh thức bởi tiếng đập thình thịch từ trái tim hấp hối của họ.

Có một trang giấy trắng trong tầm tay, trên bàn viết. Chất nổ của người viết đương đại, ma tuý của cá nhân bị thương tích. Bạn có thể nhận chìm chính mình vào vực thẳm trắng tinh và bằng phẳng của trang giấy, ẩn trốn chính mình và vũ trụ riêng tư của mình, thứ mà chẳng bao lâu sẽ bùng nổ và tan biến. Bạn có thể làm ô uế mầu trắng không được bảo vệ ấy bằng hận thù, nọc độc cuồng nộ, đàm nhớt hôi thối, nhưng sẽ không ai ưa thích điều đó, ngay cả chính tác giả. Bạn có thể đổ cái ngọt ngào của sự hòa hợp nhân tạo, thuốc trường sinh của sự can đảm giả tạo, mật ngọt của sự nịnh bợ vào cái trinh trắng trống rỗng và mọi người sẽ thích điều ấy, ngay cả chính tác giả.

Biết rẽ bên nào trong vòng đua cuối này? Về bên trái cay đắng hay bên phải ngọt ngào? Cũng đám mây ấy vẫn ở bên ngoài cửa sổ, hay một tụ mây biến thành đồng dạng với nhau. Trên những cái chân dài, mỏng mảnh của mưa nhảy nhót trên bệ cửa sổ rỉ sét. Một thời có cái gì đó ở nơi ấy. Những dáng hình, những sắc mầu, những mảnh vụn của cảm xúc trong sự chuyển động hung bạo. Đời sống của riêng tôi, hay của ai khác. Nhiều khả năng là thứ đời sống ngụy tạo nào đó. Một tập hợp cắt dán những bài đọc, những thứ dở dang, những phim ảnh cũ, những loạn tưởng hao hụt, những huyền thoại, những ước mơ không thành. Đời tôi. Một mẩu cắt nhỏ làm bằng chất đạm và bụi vũ trụ.

Nhập chung vào đám mây ấy hoặc trong những cụm mây tụ đọng là Cung Văn Hóa, mà một thời, trong buổi thanh xuân của nó, đã là Cung Văn Hóa và Khoa Học Joseph Stalin. Tòa dinh thự bề thế với những chóp nhọn đã dấy lên sự sợ hãi, thù ghét và ngay cả nỗi kinh hoàng phù phép. Một đài tưởng niệm của sự kiêu căng, một tượng đài của sự nô lệ, một chiếc bánh bằng nhiều lớp đá của sự ghê tởm. Nhưng bây giờ nó chỉ là một trại binh dựng ngược to lớn, xoi mòn bởi nấm, mốc, một nhà nghỉ mát cũ kỹ bị bỏ quên ở một ngã tư nào đó ở Trung Âu.

Vài cửa sổ nháy mắt với tôi như những ngọn lửa nhỏ bé yếu ớt. Lẳng lơ với sự quen thuộc trơn tru. Nhưng ai đã dựng ngược tôi lên? Tôi bị đặt nằm nghiêng. Tôi bị gạt qua một bên. Tôi nằm nghiêng bên trái và lắng nghe tiếng tim mình, mà không thể nghe được. Tôi đã nghĩ tới chuỗi mong manh của những phản ứng hóa học làm cho mí mắt tôi mở ra, cho bao tử tôi sôi réo, da trên trán tôi nhăm nhúm, hoặc làm cho cái bọng đái tầm thường kêu kẽo kẹt với cái đau bị bóp nghẹt.

Nó gây nên sự xô đẩy của chữ và hình ảnh chúng ta gọi là ý tưởng bên trong hoặc bên ngoài đầu óc tôi, nó khiến cho một cụm sóng – mong chờ, một sự co thắt của hận thù – xuất đầu lộ diện; nó làm cho chiếc tên lửa của sự sợ hãi điều không biết vĩnh cửu được bắn lên không gian hoặc bắn một băng đạn của sự khoái lạc biết được một mảnh sự thật. Chuỗi nhỏ ấy của những phản ứng hóa học một ngày kia bỗng nổ bùng cho rất nhiều bạn bè tôi, và tôi không biết bây giờ họ ở đâu, phải chăng họ đang ăn năn gần một nhúm những đám hơi lân tinh bốc lên trong lòng đất nghĩa trang hay là họ đang thoái bộ trong những cơn co giật và rung chuyển của những con sóng cá nhân, chạy đua trong vực sâu của vô hạn hay nẩy văng từ bức tường trống trải ở khúc cuối sự vô hạn ấy rồi sẽ trở về đây, nơi tôi không còn hiện hữu.

Những tiếng động đầu tiên của đời sống đã có thể nghe thấy trong chung cư. Chung cư này, đầu máy lớn lao này trôi chậm chạp vào đời sống thường nhật. Và vậy nên tôi đưa tay tìm điếu thuốc đầu ngày. Thuốc lá trước khi ăn sáng mang lại mùi vị tuyệt vời nhất. Nó làm bạn giảm thọ. Từ bao nhiêu năm nay tôi đã vất vả rút ngắn đời mình. Tất cả mọi người đều rút ngắn đời mình một cách lén lút. Phải có một nguyên do nào đó cho tất cả những chuyện ấy. Một mệnh lệnh nào đó từ trên, hoặc có thể là quy luật thiên nhiên trong cái thế giới nạn nhân mãn này.

Tôi thích sự chóng mặt mịt mù trong đầu tôi sau khi đã rít một hơi dài khói thuốc đắng. Tôi muốn nói một điều từ biệt phù hợp nào đó với thế gian. Bởi ngay từ thời ấu thơ tôi đã tách rời khỏi cõi sống này, nhưng tôi không thể hoàn tất công việc ấy. Tôi lảng vảng ở những khúc đường rầy xe lửa băng ngang, tôi đi qua những căn nhà có mái đổ sụp, tôi uống tới khi say mèm, tôi đối đầu gây gổ với bọn du côn. Tôi đang đến gần vạch mức cuối cùng. Tôi đang ở khúc quanh cuối cùng. Bằng cách nào đó tôi muốn nói lời từ biệt với bạn. Tôi thèm được hú vang bằng âm thanh phi nhân tính để người ta có thể nghe thấy tôi từ xó xỉnh xa xôi nhất của hành tinh và có lẽ trong những giải thiên hà lân cận hoặc nơi Thượng Đế cư ngụ. Điều ấy có phải là vô nghĩa không? Hay là một bổn phận? Hay một lệnh truyền bản năng gửi đến chúng ta, những kẻ đắm tàu trôi dạt, chúng ta những kẻ trôi dạt trong vũ trụ, hét vang qua những kỷ nguyên vào không gian của những vì sao.

Chúng ta đã trở nên thân mật với vũ trụ. Khi mọi thi sĩ ham tiền, mọi nhà văn châm biếm ngu ngốc, và mọi nhà báo lọc lừa chùi miệng mình vào vũ trụ thì tại sao tôi không thể ngẩng đầu tới chỗ vệ tinh Sputniks sét rỉ và chất phế thải của các phi hành gia, đặc cứng như xương lướt qua. Vì vậy tôi muốn một cách nào đó nói lời từ biệt. Suốt đêm, tôi nằm mơ thấy những cái răng. Tôi nằm mơ thấy mình giữ một chồng răng như những hạt bắp trong tay. Trong một chiếc răng còn có cả vết trám, một vết trám răng rẻ tiền từ một phòng nha khoa hợp tác ở Warszawa. Để nói một điều gì đó trọn vẹn về chính tôi. Không phải như một lời cảnh cáo, chẳng phải một điều hiểu biết, cũng không phải để giải trí. Đơn giản chỉ là để nói ra một điều gì đó không người nào khác có thể tiết lộ. Bởi vì trước khi chìm vào giấc ngủ hoặc có thể trong cái chập chờn thoáng qua của cơn buồn ngủ, tôi bắt đầu hiểu ý nghĩa của sự hiện hữu, thời gian, và đời sống vượt ra ngoài cõi sống này.

Tôi hiểu sự huyền bí đó trong một phần giây đồng hồ, qua một khoảnh khắc của những ký ức xa vời, một giây phút ngắn ngủi của sự trấn an nỗi sợ hãi điều bất an sắp tới, rồi buông mình chìm sâu vào những cơn mộng dữ của tôi. Mọi người bằng cách này hay cách khác căng kéo bộ óc được máu huyết nuôi dưỡng của mình tới mức vỡ tung để cố hiểu ra. Nhưng tôi thì đã tới gần. Tôi muốn nói, đã có lúc tôi đến gần. Và tôi có thể cho đi hết những thứ tôi sở hữu, cho tới mảnh vụn cuối cùng – nhưng, thực ra, tôi chẳng làm chủ thứ gì nên tôi chỉ có thể cho đi thật nhiều những hư vô – để thấy được điều bí mật ấy qua tất cả sự đơn giản của nó, để thấy nó một lần và quên nó đi mãi mãi.

Tôi là con vật hai chân ra đời không xa dòng sông Vistula (1) bao nhiêu, từ giống nòi cũ kỹ và điều đó có nghĩa là tôi thừa hưởng tất cả những kinh nghiệm loài hai chân của họ trong di thể của tôi. Tôi đã chứng kiến chiến tranh, cơn điên khủng khiếp của loài hữu nhũ tàn sát lẫn nhau đến khi gục ngã vì kiệt sức. Tôi đã quan sát sự ra đời của đời sống và sự kết thúc của nó qua cái mà chúng ta gọi là sự chết. Chúng ta đã biết tất cả sự tàn bạo của chủng loại của tôi và tất cả nét thiên thần khác thường của nó. Tôi đã phiêu du qua những lối đi gai góc của sự tiến hóa cá nhân mang tên phần số. Tôi là một phần của bạn. Tôi là một gã Homo sapiens vô danh hoàn hảo. Thế thì tại sao một cơn bốc đồng của cơ may lại không thể trao phó cho tôi sự bí mật của nó nếu như, sớm muộn gì, điều bí mật ấy cũng sẽ được phô bày.

Những chữ này có một chút phẩm chất của lễ hội, có sự xa hoa của kẻ nhàn rỗi, những lươn lẹo của kẻ lệch lạc. Nhưng, sau cùng, tất cả các người – những kẻ mà thỉnh thoảng lại sang số cho những nếp cuộn trong não bộ lười biếng của mình – sẽ phải tùy thuộc vào cùng những khao khát và tham vọng. Cùng những nỗi sợ hãi và những phản xạ tự hủy. Cùng một sự nổi loạn và sự cam chịu.

Hai mụ đàn bà giao hàng say rượu vừa tông đổ một chồng két cao chất đầy chai sữa. Bây giờ, họ đứng bất động quan sát những kết quả của tai họa, trải nghiệm quá trình phức tạp nhưng cùng lúc thật đơn giản là biến đổi một đống hỗn độn thành trò cười. Chiếc cánh mỏng của màn mưa trong vướng lên chung cư của chúng tôi, nơi đang rã mục vì tuổi tác. Một chung cư Warszawa (2) xây cất từ cuối thời chủ nghĩa Stalin, khi chủ nghĩa này đã suy đồi, thời kỳ mà chủ nghĩa Stalin đã Ba-Lan-hóa và rách tả tơi.

Tôi phải thức giấc. Tôi phải ra khỏi giường và thực hành mười lăm động tác mà chẳng cần bận tâm về ý nghĩa của chúng. Một sự tích tụ những thói quen máy móc. Thứ ung thư được chúc lành của thông lệ truyền thống vô nghĩa. Thế nhưng cuộc chiến vừa qua đã không chỉ lấy đi mạng sống của hàng chục triệu người. Không nằm trong dự tính, cuộc chiến vừa qua còn làm tan nát tòa cung điện vĩ đại của văn hóa âu châu về đạo lý, mỹ thuật, và tập quán một cách tình cờ. Nhân loại đã lái ngược về những hang hốc âm u và những hang động băng đá trong những chiếc xe Rolls-Royce, Mercedes và Muskovich của họ.

Bên ngoài, thành phố của tôi nằm dưới một đám mây mầu của tấm thảm đen cũ kỹ. Thành phố mà số mạng đã đẩy đưa tôi đến từ nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mà tôi không còn nhớ và càng lúc càng ít mơ về. Số mạng chỉ run rủi tôi vài trăm cây số, mà đã tách rời tôi khỏi cuộc sống cũ không toàn vẹn bằng sự tái sinh hoàn toàn vĩnh cửu. Thành phố này là thủ đô của một dân tộc đã bốc hơi vào hư không. Đó cũng là chuyện cần giải bày. Nhưng nói với ai? Với những kẻ không còn hiện hữu với chúng ta, những kẻ đang trôi vào lãng quên? Hay có lẽ với những kẻ đang nghiền nát những con người và trọn vẹn những quốc gia?

Thành phố bắt đầu kêu rền rĩ như sợi dây chằng máy. Nó được khuấy động từ cơn ngầy ngật của giấc ngủ. Chuyển động về phía số phận của nó, thứ mà tôi biết và cũng là thứ mà tôi tránh né.

Một con nhện từ trần nhà buông mình xuống bằng sợi chỉ vô hình. Con vật tội nghiệp, bây giờ gầy rộp vì thực ra đến mùa này trong năm thì chẳng còn một con ruồi nào. Nó đã sống với tôi như thế từ mùa xuân. Tôi giúp cho việc săn mồi của nó trở nên dễ dàng. Chúng tôi trở thành bạn vì nhu cầu. Vì một lý do nào đó nó không có đồng nghiệp nào, và đồng nghiệp của tôi thì đã an nghỉ. Thành ra trước hết tôi sẽ cầu nguyện một chút. Cho tôi, cho những người gần gũi với tôi, và cho những bạn bè tôi đã chết. Lời nguyện cầu thực tế và súc tích nghe như một tối hậu thư đầy nước mắt mà tôi tự biên soạn lấy.

Những đòi hỏi thông thường, một chút lịch sự đó đây. Khi tôi cầu nguyện, những ý nghĩ phạm thượng, đỏm dáng và nhát sợ vo ve trong đầu. Tôi xua đuổi chúng đi, cho dù chúng chỉ là cách bày tỏ kiến thức khiêm nhường của tôi được nhìn trên cấu trúc mênh mông, lỗi thời của những nguyên lý về tôn giáo được bao bọc trong công trình xây dựng ảm đạm và u sầu mà con người đã gây dựng trong những kỷ nguyên sáng sủa và đen tối, tốt lành và tàn nhẫn. Rồi tôi bỏ một thời gian dài cho việc giã từ, cuộc giã từ không bao giờ kết thúc và đầy tuyệt vọng của tôi, để xua đuổi điều ác nghiệt của tôi, những khao khát gian manh, những tâm tư ngặt nghèo của tôi, với những thao tác đầy tính cách lễ nghi.

Tôi tự do. Tôi là một trong rất ít những người của một đất nước chìm trong nền nô lệ hoàn toàn trong suốt. Thứ nô lệ bao phủ bởi lớp áo nhếch nhác của lớp sơn bóng đương đại. Tôi đã giao tranh một cuộc chiến dài và không đổ máu để có được thứ tự do cá nhân tội nghiệp. Tôi chiến đấu cho một nền tự do riêng tôi chống lại những cám dỗ, những tham vọng, và những ham muốn thường xua đuổi con người một cách mù quáng vào lò sát sinh. Đến cái gọi là nhà sát sinh hiện đại của nhân cách, danh dự và cho một thứ gì đó nữa của con người, những thứ mà chúng tôi đã quên mất từ lâu lắm rồi.

Tôi tự do và cô độc. Chịu cô độc là một cái giá đủ nhỏ để trả cho sự xa hoa chẳng mấy lớn lao của tôi. Tôi thả tôi ra trong vòng đua cuối cùng, khi mà mức đến đã có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Tôi là một người tự do và vô danh. Những sự trốn chạy và gục ngã của tôi xảy ra khi tôi mang cái mũ của sự vô hình, những thành công và tội lỗi của tôi giăng buồm trên những chiếc tầu hộ tống nhỏ vô hình, và những cuốn phim, những cuốn sách của tôi bay vào vực thẳm của những tủ sắt vô hình. Tôi tự do và khuyết danh.

Tôi mồi điếu thuốc khác. Với một bao tử trống rỗng. Ngày tận cùng thế giới của riêng tôi đã đến rồi đây. Tôi biết chắc chắn điều đó. Sự kết thúc không đúng lúc thế giới của tôi. Những gì sẽ là điều báo trước của chúng. Một cú đau nhói, xuyên thủng trong lồng ngực bên dưới xương ức? Tiếng rít bánh xe khi chiếc xe dộng trên cần thắng.

Bên ngoài, mấy người đàn bà vẫn đang bàn tán về tai họa sữa đổ. Họ ngồi trên những két nhựa cũ kỹ mầu đen xám, mồi thuốc và nhìn dòng sữa lỏng chảy len lỏi; xuống bể nước đọng, nơi ùng ục ợ ra hơi nước, không còn nghi ngờ gì nữa, nước nóng từ cơ xưởng cung cấp hơi nóng và điện lực đã lại bắt đầu chảy vào ống nước chính do sự sai sót. Và rồi tôi bỗng nhiên nhận ra rằng bao nhiêu năm không có ai đi giao sữa, rằng tôi đã quên đi hình ảnh những người nữ công nhân mà tuổi tác không thể xác định đẩy những chiếc xe đựng các chai sữa dạo nào, và trong trí tôi, hình ảnh ấy đã kết hợp với những năm tháng xanh tươi khi tôi và thế giới này còn trẻ trung.

Dường như bọn họ đang làm một phim tập, tôi tự nhủ, và dán trán mình vào khung kính cửa sổ. Nhưng tôi chỉ thấy con đường với những sinh hoạt thường nhật. Những đám đông người vội vã bên những cao ốc trên đường đi đến sở làm. Như thường lệ khi nhiệt độ tăng lên vào buổi sáng, một khối vụn từ mặt đá lót tường của Cung Văn Hóa nứt ra và rơi xuống con rạch bị nước soi mòn lởm chởm giữa những tòa dinh thự. Chỉ tới lúc đó tôi mới nhận ra con chim đại bàng trên bức tường của công trình xây dựng vĩ đại ấy, một con đại bàng trên nền đen, nghĩa là, trên một nền đỏ đã bị mưa gió bôi đen. Con đại bàng trắng của chúng tôi đã cầm cự rất vững bởi nó được nâng từ phía dưới bởi quả địa cầu khổng lồ, thứ được xoắn chặt lấy bởi một cặp búa liềm. Rãnh nước hay phát ra âm thanh trầm như tiếng sáo bầu. Rồi đến gió, có lẽ vẫn là gió mùa hạ hay bây giờ có thể là gió mùa đông, xé toạc từ phía quảng trường Diễu Binh và xoay phía mầu bạc của những cây bạch dương về phía mặt trời, phía bị giam hãm bởi những đám mây ẩm ướt.

Tôi đã hết thuốc lá. Và khi hết thuốc bạn lại bỗng nhiên thấy thèm thuốc kinh khủng. Thế nên tôi mở hộc tủ kế tiếp của chiếc rương giấu báu vật, nơi tôi giữ những lá thư táo bạo, những hồ sơ cũ kỹ, những bật lửa vỡ và những biên nhận thuế, những tấm hình từ thời thơ ấu của tôi cùng những viên thuốc ngủ. Và kìa, giữa những cụm bông gòn và những cuộn băng keo thuốc từ cái thuở tươi đẹp độ nào khi mà đời còn đáng cho tôi lao đầu vào những chiến dịch chính trị, trong những ngóc ngách bọc quanh bởi tuổi tác ấy tôi tìm thấy một trang giấy ố vàng từ thuở xa xôi nào đó, tờ giấy như một chữ tượng hình Ai Cập mang danh tính hoàng tộc trên một đài tưởng niệm hay một bia mộ; tờ giấy mà có một lần tôi khởi sự viết một bài văn không bao giờ kết thúc. Tôi bắt đầu công việc ấy vào thời điểm kỳ diệu của năm mới, ngay sau đêm giao thừa, với cơn say ngầy ngật dễ thương rộn rã trong đầu.

Tôi bắt đầu vào ngày đầu năm mới bởi vì tôi chìm đắm trong dị đoan và muốn cử hành chu kỳ mới mẻ sinh học và chiêm tinh học bằng một tác phẩm nào đấy. Về sau tôi nhận ra rằng năm mới của tôi bắt đầu vào cuối mùa hạ hay đầu mùa thu, thế nên tôi ngưng viết và từ đó đến nay không viết thêm được chữ nào.

Và rồi trong tờ giấy đó – một thời trắng tinh, bây giờ vàng ố, qua bao nhiêu năm tháng, mùa màng lê thê – đã không hề kết thúc, không hề hoàn tất, với khẩu hiệu phai mờ của nó, thứ ơn lành cho những cảnh quan đầy khát khao, những ý tưởng được tán tụng, những mô tả thiên nhiên đáng yêu.

Tôi thổi lớp bụi từ những nhà máy Warszawa khỏi cái xác của trí tưởng tượng tôi đã đóng thành sáp và đọc những chữ, vốn là tín điều của một vị công khanh Ba Lan thế kỷ 19: “Nếu quyền lợi nước Nga cho phép, tôi sẽ hân hoan chuyển hướng cảm xúc tôi về phía quê cha đất tổ.” Điều gì đã vướng víu trong đầu tôi lúc ấy nhỉ? Có phải tôi muốn đọc lời nguyền ấy mỗi sáng cho các con tôi trước khi ăn điểm tâm chăng? Hay tôi đã dự tính chép nó lại vào dịp lễ Giáng sinh và gửi cho các quan ngự sử khoa học, văn chương, và điện ảnh, cùng những bè bạn cùng thời. Hay là tôi đã cố gắng chinh phục cảm tình của bọn kiểm duyệt để họ lờ đi cái tác phẩm sinh non từ nguồn cảm hứng thiếu máu?

Những tấm kính cửa sổ rung lên ảo não. Tiếng còi hoảng loạn của xe cảnh sát bắn vọt lên từ con phố lẻ nào đó. Tôi liếc nhìn chiếc đồng hồ mà ông bạn Stanislaw D. đã mua cho trong chuyến đi Liên Bang Xô Viết. Nó chỉ tám giờ. Tôi biết điều đó mang ý nghĩa gì rồi. Mỗi ngày vào giờ đó, một xe vận tải bọc sắt có máy lạnh chở thực phẩm cung cấp cho những bộ trưởng và những bí thư đảng chạy băng băng xuyên thành phố, được những xe thùng của cảnh sát hộ tống.

Đoàn xe chớp đèn băng ngang chung cư tôi làm tung tóe những vũng sữa đọng trên đường phố. Những người giao sữa cổ quái rời khỏi căn nhà cũ kỹ nào đó để bắt đầu một ngày. Họ dụi tàn thuốc xuống lề đường sình lầy, và trao đổi những câu giã từ lén lút.

Bỗng dưng chuông cửa tôi kêu vang. Tôi chết lặng bên cửa sổ, không tin ở tai mình, bởi tôi biết chắc bao nhiêu năm nay cái chuông ấy không xài được. Nhưng âm thanh quý phái nghe như tiếng mộc cầm lại reo lên, và lần này có vẻ cương quyết hơn. Khoác chiếc áo choàng cũ, quà tặng của ông anh rể, Jan L., tôi thận trọng bước ra phía cửa. Tôi mở cửa. Hubert và Rysio đang đứng ở cầu thang. Cả hai cùng diện những bộ cánh đẹp nhất của ngày chủ nhật, thứ trang phục làm tôi nhớ đến giữa những năm bảy mươi vô tư lự.

Hubert cầm một cây gậy ở tay phải và một va li đen đầy hắc ám ở tay trái. Chẳng hiểu sao tim tôi bắt bắt đầu đập nhanh, thường thì họ chỉ tìm đến tôi mỗi năm hai lần và mỗi lần thăm viếng đều đánh dấu những thay đổi cơ bản trong đời tôi.

“Tụi mình vào chơi được không? Có sớm quá không?” Hubert hỏi một cách vui vẻ.

Tôi đã quen với những nụ cười giả tạo của bọn họ, những nụ cười che giấu việc khuấy động đời sống riêng tư của tôi.

Tôi cười một cách vô tư lự, mở cửa với đầy vẻ hiếu khách, và khi họ bước vào, với đủ bộ dạng và kiểu cách cần phải có, tôi hiểu ngay ra được mục đích của chuyến viếng thăm này. Nhờ họ, tôi đã ký hàng tá những đơn thỉnh nguyện, những bài tưởng niệm, và những kháng thư qua bao nhiêu năm tháng, gửi đến cái chế độ luôn luôn ù lì của chúng tôi. Vài lần nó đã làm mất đi của tôi một hợp đồng, và rất nhiều lần, tôi bị tước đoạt một cách bí mật những quyền dân sự; một cách thực tế, hàng ngày tôi phải gánh chịu những xách nhiễu vô hình mà chỉ nhắc lại cũng thấy xấu hổ nhưng mà, bao nhiêu năm tháng dồn lại như thế đã giúp tôi xa lánh cuộc đời. Thành ra chúng tôi trao đổi những cái ôm thắm thiết, mỉm cười với nhau như những người bạn nối khố, trong khi tâm trí tôi căng thẳng và cổ họng tôi khô đắng.

Cuối cùng tôi nhận ra mình đang ở trong phòng khách của tôi, chúng tôi ngồi trong những ghế bành bằng gỗ, cùng hàng với nhau, như thể chúng tôi đang ở trên máy bay lướt vào một cuộc phiêu lưu huyền bí và đầy kích thích nào đó.

“Thấy cậu cũng khỏe đấy nhỉ,” Hubert nói, đặt cái va li đen đầy nét hắc ám xuống bên cạnh.

“Thấy anh cũng khỏe phải không,” tôi nói bằng giọng thân mật.

Trong khoảnh khắc, chúng tôi nhìn nhau bối rối. Hubert chống bàn tay gân guốc trên cây gậy của hắn. Con mắt bị mù của hắn ta bất động, mắt kia chớp liên tục và nhìn tôi với cái nhìn pha lẫn thiện cảm và mỉa mai. Trước đây, có lần hắn bị tra tấn, có lẽ bởi lực lượng kháng chiến bí mật chống Cộng hoặc bởi những viên chức điều tra của công an an ninh, và vì sự kiện đó – chuyện bây giờ đã chìm vào quên lãng – hắn ta phải chống gậy và sức khỏe suy kém. Rysio, người đã từng là một thiên thần tóc vàng trong trí nhớ tôi, bây giờ hói và mập ra, vị thày cả thượng phẩm của cuốn tiểu thuyết ngụ ngôn không cốt truyện mà trong đó không có chấm câu cũng không có đối thoại.

Với từng này tuổi chúng tôi coi cũng còn được lắm, điều đó đúng. Nhưng rồi khoảnh khắc im lặng kéo dài khá lâu và một điều gì đó cần được nói ra.

“Các anh uống gì nhé?”

“Uống một tí chẳng hại gì,” Hubert nói. “Cậu có thức uống gì nào?”

“Vodka tinh khiết. Làm bằng khoai tây. Khoai nhập cảng.”

“Như vậy lại càng không nên từ chối.” Giọng của Hubert rầm rộ như thể được điều chỉnh cho một nơi rộng hơn căn phòng bừa bộn của tôi.

Trong khi tôi lấy chai và ly từ tủ chén đĩa, cả hai cùng kín đáo quan sát căn phòng. Chất lỏng chế biến từ khoai tây nhập cảng bắt đầu sôi ùng ục khi tôi co ro ngồi xuống cạnh ghế. Hút một điếu thuốc khi bao tử trống rỗng có hại cho sức khỏe, nhưng tọng một trăm gram vodka khoai tây vào người thì đúng là rước thần chết vào nhà. Hoặc còn tệ hơn thế.

Tôi nâng ly. “Chúc may mắn.”

“Chúc sức khỏe cậu,” cuối cùng, Rysio nói để xóa bỏ sự im lặng và uống cạn ly.

Bên ngoài, gió đã lắng xuống một lúc và những cây bạch dương xoay phía lá chín và xanh về phía chúng tôi. Thiệt là xui xẻo, chung cư của tôi yên tĩnh một cách khác thường và sự im lặng của chúng tôi càng lúc càng trở nên lộ liễu. Nhưng tôi đã quyết định chắc chắn là sẽ không nói ra và bắt họ phải bộc lộ ý đồ của họ.

Hubert thận trọng đặt ly của hắn qua một bên. “Cậu ít ra ngoài đấy nhỉ,” hắn nói.

“Đúng vậy. Mùa thu làm mình không khỏe trong người.”

“Một chút trầm cảm chăng?”

“Đại khái vậy.”

“Cậu vẫn đang viết đấy chứ?”

“Mình mới bắt đầu.”

Hắn nhìn tôi với niềm nghi hoặc lộ liễu. Rysio rót cho mình một ly nữa.

“Tính viết gì?”

“Không thể cho biết trước được. Tôi chỉ cảm thấy như muốn viết ra một sự vô lý nho nhỏ nào đó về chính tôi.”

“Cậu luôn viết về chính cậu.”

“Anh có thể đúng. Nhưng tôi muốn viết về những người khác nữa.”

“Lẽ ra cậu phải làm chuyện đó từ lâu rồi.”

“Để khi sắp chìm xuồng thì nhảy ra.”

Toàn bộ sự việc có vẻ như một buổi thẩm tra. Tôi thấy mình như một học sinh tiểu học tham gia cuộc thi tốt nghiệp. Nhưng, cuối cùng thì cả đời tôi cũng đã từng cảm thấy như thế, dẫu có hay ho lắm thì cũng chỉ là một cậu học trò.

“Nào, Rysio,” Hubert chợt nói. “Đã đến lúc bàn vào công việc rồi đấy.”

Rysio gật đầu.

“Có gì để tôi ký phải không?” Tôi dò dẫm đoán mò và nheo mắt nhìn cái va li đen.

“Không, bây giờ là chuyện khác. Có lẽ cậu nên bắt đầu, Rysio ạ.”

“Cứ tiếp đi, nói tiếp đi, vì cậu nhập đề mà,” Rysio nói một cách nồng nhiệt.

Một sự ấm áp ngu ngốc dâng ngập trong tôi. Tôi tự động đưa tay lấy chai rượu, định rót cho Hubert một ly nữa trong khi nghĩ cách xoay sở.

“Cám ơn, vậy đủ rồi.” Hắn chặn tôi lại với giọng điệu trịnh trọng. Tôi cho đó là một điềm xấu.

Thực ra tôi dửng dưng. Tôi là con người tự do treo chênh vênh trên thành phố này, người mà, từ một khoảng cách và với sự ngạc nhiên đầy thanh thản, quan sát những con người kỳ lạ cùng với những việc làm kỳ lạ của họ. Không suy nghĩ, tôi mở cái ti vi đang đặt trên mặt bàn. Tôi nghe tiếng gió hú, tiếng vải đập lạch phạch, nhưng một lúc sau, hình ảnh một phi trường trang trí đầy vẻ lễ lạc hiện dần lên phía trên những chấm mầu bạc. Một vệ binh danh dự đông cứng ngang màn hình, vài thường dân đang cố che gió bằng áo khoác ngoài trong khi, phía trên người vệ binh danh dự và đám thường dân, những lá cờ đỏ, như những cánh buồm căng phồng trong gió, rụt rè chen lẫn giữa chúng là những lá cờ hai mầu trắng đỏ của Ba Lan.

“Bây giờ, nào,” Hubert nói, quyết định phá vỡ sự im lặng. “Khá lâu bọn mình không nói chuyện với cậu.”

Tôi hít một hơi dài, và tự thấy xấu hổ, tôi chuồi sâu xuống lòng ghế.

“Vâng, lâu lắm mình không liên lạc,” Tôi nói bằng giọng tự nhiên. “Tụi mình là thứ chủng loại đang tan biến.”

“Người nào cũng lo cho bản thân mình,” Rysio tiếp lời.

“Nhưng tôi vẫn theo dõi hoạt động của anh.”

“Những hoạt động nào,” Hubert nói với cái quơ tay chối bỏ. “Bọn tớ là lũ người giữ những ngọn lửa tàn.”

“Đó là thực trạng. Tôi thực sự nghĩ quốc gia đang chết dần,” tôi nói, không biết bọn họ đang toan tính điều gì.

“Bao nhiêu năm đấu tranh. Bọn mình đã già hết cả rồi, bọn mình hết xài được trong việc bịt miệng những bản thông tin bán chính thức, những tờ báo định kỳ, những kháng cáo mà hầu như chẳng ai thèm đọc. Dĩ nhiên bọn trẻ cũng đọc đấy. Nhưng chúng nó lập gia đình, có con cái, mua những chiếc xe Fiat nho nhỏ, từ bỏ đấu tranh, và xoay qua trồng cà chua. Bọn mình đã bị đè bẹp bởi đám tư sản, một thứ tư sản xô-viết.”

“Cuối đường rồi, nghĩa địa cả rồi,” Rysio thêm, trong khi tiếp tục đổ rượu vào ly của mình.

Nước giột vào nhà qua những cánh cửa ban công bị hở. Lẽ ra tôi phải tìm miếng khăn rửa chén để chặn bớt những hư hại, nhưng tôi cũng chẳng muốn làm chuyện ấy gì cho lắm, vả lại tôi cũng hơi mắc cở khi làm công việc ấy trước mặt những đồng nghiệp mình. Cuộc nói chuyện của chúng tôi không suôn sẻ. Thật khó mà chuyện trò về những điều mà suốt ngày mình phải nghĩ tới rồi lại còn mơ đến trong những giấc ngủ tồi tệ của chúng tôi. Có một lúc mọi việc xem ra có khá hơn. Chúng tôi là con cái của thế kỷ mười chín. Cha ông chúng tôi đã từng tham gia Binh Đoàn Pilsudski hay đạo quân bí mật của ông ấy, và trong thế chiến hai chúng tôi tham gia Lực lượng Kháng Chiến Ba Lan hay Liên Đoàn Thanh Niên Chiến Đấu. Có nghĩa là, bây giờ thì nói thế nào nhỉ, có nghĩa là, làm cách nào giải thích sau bấy nhiêu năm, nghĩa là, dẹp mẹ nó hết đi, bây giờ chả còn ý nghĩa mẹ gì hết, đến cuối thế kỷ thứ hai mươi huy hoàng của chúng tôi, một thế kỷ của độc tài và nền dân chủ buông thả, sự thánh thiện ngu ngốc và sự gian manh rực rỡ, nghệ thuật không có sức mạnh và nạn cuồng chữ mọc lên như nấm dại.

Tôi thấy con mắt còn lại của Hubert dán vào tôi. “Cậu đang nghe đấy chứ?” hắn hỏi.

“Vâng, dĩ nhiên rồi.”

“Chúng tớ có một đề xuất cho cậu. Thay mặt cho tất cả đồng nghiệp của chúng ta.”

Xương sống tôi lạnh buốt, và thật chậm rãi, tôi gạt ly của mình qua một bên.

“Mấy anh muốn đề xuất cái gì?”

“Tối nay lúc tám giờ, cậu tự thiêu ngay trước trụ sở Uỷ Ban Trung Ương Đảng.”

Không có gì thay đổi trên màn hình – gió, sự quẫy đập của những lá cờ, sự chờ đợi. Chỉ khác là bây giờ đã có thể nghe được tiếng nhạc cung kính, trang nghiêm từ phòng thâu.

Tôi nuốt nước bọt trộn với vodka.

“Anh đùa đấy hở, Hubert?”

“Không, tớ không đùa đâu.” hắn lau những giọt mồ hôi vô hình trên lông mày.

“Nhưng sao lại là tôi? Tại sao mấy anh lại đẩy chuyện này cho tôi?”

“Còn ai khác bây giờ? Phải có người nào làm việc đó chứ.”

“Tôi hiểu, tôi hiểu mọi chuyện, tôi chỉ không hiểu tại sao lại là tôi.”

Hubert liếc nhìn Rysio. “Tớ đã nói với cậu là chuyện này thế nào cũng xảy ra.”

Rysio nhìn xuống nền nhà. “Nghe này,” cuối cùng hắn nói trong dằn vặt, “Chúng tớ đã bàn tính chuyện này lâu lắm rồi. Chúng tớ đã phân tích tất cả những ứng viên có thể chọn. Và cuối cùng, chúng tớ dừng lại ở cậu.”

Cây ngọc bích của tôi đặt trên bệ cửa sổ. Mãi đến lúc này tôi mới nhận ra nó đâm ra nhiều cành, đám lá non và mạnh khỏe mới dầy làm sao. Èo uột bao nhiêu năm trời bây giờ bỗng nhiên, không do nguyên nhân bên ngoài nào, nó mọc vươn cao, bung ra những cành bề thế đầy đầu mấu.

“Cậu thấy đó,” Hubert nói nhẹ, “một hành vi như thế chỉ có ý nghĩa nếu nó khuấy động được nhân dân ở Ba Lan này và mọi nơi khác trên thế giới. Cậu được độc giả Ba Lan biết đến và cũng có một chút tên tuổi ở phương Tây nữa. Chuyện đời của cậu, cá tính của cậu thì tuyệt vời cho công tác này. Hiển nhiên là chúng tớ không thể thuyết phục cậu làm việc ấy và ngay cả thử thuyết phục chúng tớ cũng không làm, đây là chuyện giữa cậu và lương tâm của cậu. Tớ chỉ muốn phát biểu cái ý kiến không phải là của tớ hay của Rysio mà là của cả một tập thể đang tìm cách dấy lên một phong trào phản kháng. Tớ không khéo ăn khéo nói, cậu thông cảm nhé.”

“Tôi không tin là cái chết của tôi có thể đóng vai trò mà mấy anh mong đợi. Tôi biết có những người mà sự hy sinh của họ sẽ thành biểu tượng toàn cầu.”

Hai gã tò mò nhìn tôi. Hubert xoa những ngón tay đang ngả mầu xanh tím.

“Chắc cậu lại đang nghĩ đến Jan chứ gì?” Hắn hỏi.

“Dĩ nhiên rồi. Cả thế giới biết phim của ông ta, và sách của ông ta được đọc trên nhiều quốc gia trong bộ môn văn chương thế giới của nhiều khóa học. Năm nào mình cũng nôn nóng chờ ông ta thắng một cái Oscar hay được giải Nobel.”

Một nụ cười thấp thoáng trên mặt Hubert. “Trả cái giá ấy thì quá đắt. Giá quá đắt cho tổ quốc và cho tập thể chúng ta. Cậu là đúng nhất.”

“Thì hẳn thế. Nhưng còn những nhà làm phim, những nhà soạn nhạc thì sao? Tôi có thể kể ngay cho các anh một loạt tên tuổi sáng giá hơn tôi.”

“Bạn già ơi, chỉ có cậu là phù hợp nhất,” Rysio nói, và đưa tay lấy chai rượu. Rõ ràng hắn thấy tôi đang yếu đuối và điều ấy cho hắn thêm tự tin.

“Mạng sống và máu là hai thứ cần phải hy sinh một cách sáng suốt,” Hubert nói một cách mệt mỏi. “Những người khác có vai trò khác phải gánh vác. Mỗi quặng vàng của thiên tài đều sở hữu giá trị cao nhất của nó trong cái đất nước đang bị tàn sát này. Cái chết của họ không làm phong phú chúng ta bao nhiêu mà lại bần cùng hóa chúng ta một cách khủng khiếp.”

“Nhưng tại sao không là anh, hay là Rysio?”

Hai gã liếc nhìn nhau một cách ghê tởm. Cái bù lu bù loa của tôi làm họ bối rối.

“Thế thì tại sao chúng tớ phải tìm đến cậu?” Hubert hỏi. “Hãy cứ thành thật mà nói. Cái chết của cậu rất ngoạn mục, nó là một sự thăng tiến khác. Cậu không nhận ra điều đó à?”

“Cậu mới chính là người, ông bạn già ơi,” Rysio chêm vào, anh ta yếu đuối và bây giờ đang chịu đựng cùng với tôi.

“Hãy nghe tôi nói này, Hubert. Tôi không bao giờ can thiệp vào việc hành xử đời sống nghệ thuật của chúng ta. Tôi không bao giờ xen vào chuyện của mấy anh, chuyện đối lập đầy bất trắc trong một quốc gia mà không ai thèm quan tâm tới. Nhưng mà bây giờ tôi phải nói cho các anh biết tôi nghĩ gì. Các anh đã dung dưỡng những tay sáng tạo mù, điếc, cái bọn mà trong dục vọng kỳ diệu về nghệ thuật của chúng vẫn sáng tạo ra thứ nghệ thuật quần chúng, xinh đẹp nhưng không nhận ra chính nghệ sĩ chúng ta đang bò lê trong bùn lầy và chúng không thấy được những thống khổ thường nhật của xã hội chúng ta. Chúng nó vất vả canh giữ ngọn lửa thiên tài nhen nhúm bên trong chúng nó và vui vẻ khai thác sự tuyên truyền đại quy mô của chế độ, cái thứ hàng ngày huyênh hoang về chúng nó đồng thời nuôi dưỡng những mặc cảm của riêng chế độ ấy bằng sự nổi tiếng thế giới của chúng nó. Các anh, thứ đối lập ốm o, chẳng những đã dành mất chỗ của bọn vỗ tay thuê, mà còn xức dầu cho chúng nó bằng sự quyến rũ của việc chấp thuận con đường phải đạo. Chúng nó phát phì nhờ vào sự lưu vong, sự sỉ nhục, sự vô danh của chúng ta. Chúng nó tự do nhảy nhót từ khu vườn linh thiêng của nghệ thuật quốc gia này qua khu vườn khác, bởi chúng ta đã bị trục ra khỏi những nơi ấy hoặc chúng ta đã tự ý bỏ đi. Khi các anh đi loanh quanh năn nỉ chúng nó ký vào ngay cả những kháng cáo nhân đạo khiêm tốn nhất; thứ mà có thể làm mất lòng đội ngũ lãnh đạo hoang đàng của chúng ta, chúng nó ngạo mạn xô đuổi các anh đi với hai bàn tay trắng, nháy mắt đồng lõa với bầy đàn của chúng để nói rằng các anh là bọn xách động, là những công an chìm. Sự vĩ đại của chúng nó bắt nguồn từ sự tự ý còi cọc của chúng ta. Tài năng của bọn chúng bung ra từ các mộ phần nghệ sĩ của chúng ta. Thế thì tại sao không phải là một đứa trong bọn chúng nó trả giá cho những thập niên của sự vĩ đại siêu nhân và trang trọng của chúng nó bằng một cái chết thể chất tàn bạo?”

Tôi tắt máy truyền hình, lúc đang chiếu đám thường dân và lính tráng nôn nóng chờ đợi ai đó. Một cơn mưa đá bất ngờ dập ngang ban công, thổi chiếc bao cao su tránh thai đã khô quắt – vướng trên lan can sắt – bay vào vực thẳm. Những bao cao su tránh thai ấy là những bó hoa tím ban tặng cho tôi bởi đám láng giềng tầng trên vào những ngày nghỉ của họ.

“Tất cả bọn tớ đều không ít thì nhiều bị xâu xé bởi sự ghen tị,” Hubert nói, hơi bị bất ngờ. Hắn ta xanh xao. Hắn xoa những ngón tay vào nhau một cách căng thẳng, những ngón tay bây giờ đang đổi qua mầu xanh thẫm. “Nhưng hôm nay hãy khoan nói về chuyện đó. Có thể lúc nào khác.”

“Nhưng nếu tôi thi hành lệnh của các anh rồi thì lúc nào mình mới nói chuyện đây?”

“Này, bạn già ơi, cậu biết mà,” Rysio nói, đặt ly rượu qua một bên, “mấy tranh cãi kiểu này đi ra ngoài luồng rồi đấy.”

“Tôi không bao giờ phát biểu điều gì cho dù tôi giận sôi lên trong bụng. Hubert, tôi có cần phải nói cho anh biết tên của những đứa đã bỏ ra cả một đời cộng tác chặt chẽ với chính quyền trong khi vẫn giả bộ như đang đi con đường độc lập của riêng chúng nó không? Tác phẩm của chúng nó, những thứ được khéo léo khoác lên chiếc áo thời trang quần chúng. Nỗi buồn thế sự, cái u uất phương tây, và luôn cả chứng đau nhức thần kinh của bọn tả phái. Rồi khi chúng ta trở nên Xô-Viết hoá đến mức mà một giáo phái của đám phi pháp bộc phát nơi đây, một tham vọng mơ hồ được liếm láp điều cấm kỵ, một khoái cảm thảm thương trong dâm thư chính trị được khoác lên lên bởi lớp áo ngủ mỏng của sự ám chỉ, rồi khi ở Ba Lan nảy sinh ra sự lầm lạc đó, cuộc đấu tranh có hoạch định của việc tự biện minh cho tất cả những tội lỗi trong việc thỏa hiệp, bọn chúng là những kẻ đầu tiên thèm khát tiếng vỗ tay, nôn nóng chờ sự thành công, bọn chúng buộc chặt vào những gì mới mẻ của sự việc và xả rác vào nghệ thuật bằng những cử chỉ giả dối của bọn Rejtans (3) xảo trá, bọn chúng trát bùn vào thứ nghệ thuật nghèo nàn của chúng ta, bọn chúng chà đạp mảnh lương tâm cuối cùng của chúng vào nền văn chương ấy. Tại sao các anh lại gục ngã trước bọn chúng khi chúng nó đạp lên thập giá của các anh để hái những trái táo dung dưỡng niềm tự hào của chúng nó? Tại sao các anh phải tưới lên chúng nó sự ngưỡng mộ khi số phận chúng nó hoàn toàn đối nghịch với số phận của các anh?”

“Cậu tự chọn số phận cho riêng cậu. Đây không phải là lúc bàn thảo những chuyện đó. Rysio, đã tới giờ mình phải đi rồi phải không?” Hubert cúi ra trước một cách nặng nề và kéo cái cặp táp đen ra khỏi gầm bàn, cái cặp táp có thể chứa đựng một thỉnh nguyện thư xin xóa bỏ án tử hình, một tập thơ chưa được kiểm duyệt, hay một trái bom nội hóa.

“Chờ một chút, Hubert.” Tôi chặn tay hắn lại. “Nói cho tôi biết ở đây, trong riêng tư giữa tôi với anh, tại sao anh lại chỉ định tôi?”

Hắn gỡ tay hắn ra khỏi tay tôi. “Tớ không chỉ định. Tớ cũng có quyền hạn giống như cậu vậy thôi. Và cùng có những trách nhiệm.”

“Nhưng phải có cái gì đó về tôi khiến cho tôi thích hợp với công tác hơn những người khác chứ.”

Mưa làm mờ đục hết khung cửa sổ. Gần đó, một đứa trẻ đàn một giai điệu bằng một ngón tay, giai điệu mà tôi nhớ ngược về bao nhiêu năm tháng cũ, bao nhiêu năm tháng đã qua.

“Hẳn nhiên là cậu luôn luôn bị ám ảnh bởi sự chết,” Hubert thì thầm bằng giọng khàn đục. “Tớ không bao giờ coi mặc cảm của cậu như một thứ làm dáng văn chương. Cậu thân cận với sự chết, cậu chẳng nên sợ nó. Cậu đã chuẩn bị cho cậu, và cho bọn tớ, để sửa soạn một cách cẩn thận cho cái chết của cậu. Vậy chứ trước khi chúng tớ đến thì cậu nghĩ gì?”

“Sự chết.”

“Thấy không. Nó ở bên cạnh cậu. Cậu chỉ việc đưa tay ra đón nó.”

“Chỉ đưa tay ra.”

“Đúng, chỉ cần có thế.”

“Hôm nay?”

“Hôm nay, lúc tám giờ tối, khi đại hội Đảng vừa kết thúc và các đại biểu trên toàn quốc rời khỏi trụ sở.”

“Còn những người khác thì sao?”

“Người khác nào?”

“Những người cần thiết cho quốc gia.”

“Trong tội lỗi cũng như trong sự thánh thiện, trong sự tuân phục và trong sự dấy loạn, trong sự phản bội và sự cứu chuộc, họ sẽ mang linh hồn của quốc gia vào vĩnh cửu.”

“Anh nói dối. Anh mắc nghẹn vì những rác rưởi ấy, mắt anh lồi ra khỏi hốc mắt.”

Rysio nhảy ra khỏi ghế, gạt đổ ly rượu của hắn. “Để yên cho anh ấy!” hắn hét, và bắt đầu lục lọi áo sơ mi của Hubert. Hubert đã cứng người và duỗi thẳng chân như thể muốn nhìn đôi giầy bốt lấm bùn của mình. Rysio vội nhét những viên thuốc giống như hạt đậu vào môi Hubert, cặp môi đang đổi tím tái dần. Hắn đổ ép vài giọt nước qua kẽ răng nghiến chặt của Hubert. Hubert nghiến hai hàm răng, nhắm hai mắt, rồi cắn một viên thuốc làm đôi và cố nuốt xuống.

(còn tiếp)

—-

(1) Vistula: dòng sông dài nhất và quan trọng nhất ở Ba Lan (651 dặm Anh).

(2) Warszawa: thủ đô nước Ba Lan.

(3) Tadeusz Rejtan (1742-1780) nhà quý tộc Ba Lan, người được coi như biểu tượng lòng ái quốc khi ông chống lại việc chia cắt đất nước Ba Lan năm 1773.

bài đã đăng của Tadeusz Konwicki

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)