- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Bắc Nam Phảng Phất Nụ Cười: Trò Chuyện Cùng Anh Hai An Phú (phần 1)

 

 

noi-ngoai-deu-thuong-cover

Bìa tuyển tập truyện ngắn Nội Ngoại Đều Thương
của Khiêm Cung Dương Văn Chung
(nxb Quán Âm Sơn: Tân Tây Lan, 2009)

 

Lời giới thiệu của Hai Trầu: Anh Hai An Phú tên thật là Dương Văn Chung, bút hiệu Khiêm Cung, tuổi Ất Hợi, sanh quán tại làng Bắc Nam, quận An Phú, tỉnh Châu Đốc, hiện định cư tại Sydney, Úc Đại Lợi, tác giả tập truyện Nội Ngoại Đều Thương do nhà xuất bản Quán Âm Sơn (Tân Tây Lan) ấn hành năm 2009.

Viết về vùng quê Thất Sơn Mầu Nhiệm ngày xưa, không ai qua nổi học giả Nguyễn Văn Hầu; viết về vùng Tân Châu ngày trước, không ai qua nổi bậc tiền bối Nguyễn Văn Kiềm; còn viết về vùng Xà Tón (Tri Tôn) chắc chắn không ai qua nổi nhà văn Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa; nhưng viết về vùng Bắc Nam, Vĩnh Trường, Đồng Cô Ky, Đồng Đức Thượng với những mùa cá tôm, chim chóc, lúa thóc chín vàng đồng, tôi tin không ai qua nổi nhà văn Khiêm Cung Dương Văn Chung.

Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn những mẩu trò chuyện cùng tác giả Nội Ngoại Đều Thương dưới đây, qua những mùa màng vùng sông nước Bắc Nam thuộc quận An Phú, tỉnh Châu Đốc, cách nay có gần bảy tám chục năm xa xưa ấy. Hy vọng chia sẻ cùng các bạn một chút tình quê qua những câu chuyện kể của người già còn nặng lòng với chốn cũ một thời….

Trân trọng

Hai Trầu
Kinh xáng Bốn Tổng ngày 06-06-2011

 

 

Hai Trầu (HT):

Kính thăm anh Hai An Phú,

Được biết anh Hai có kể chuyện trong cuốn sách Nội Ngoại Đều Thương, anh ký tên Khiêm Cung. Xin anh Hai hôm nào rảnh anh kể chút xíu về bút hiệu Khiêm Cùng này nghe chơi anh Hai.

Hai An Phú (HAP):

Kính Anh Hai Kinh Xáng Bốn Tổng,

Khi tôi gởi truyện ngắn đầu tiên “Một chuyến vượt biên” để xin đăng trên Văn Nghệ Tuần Báo phát hành tại Sydney, tôi lấy bút hiệu là Vi Trần, vì tôi khiêm nhường ví phận mình bé bỏng, không đáng quan tâm, như một hột bụi ở thế gian. Nhà văn Hồ Ông, Chủ bút Văn Nghệ Tuần báo, trước khi đăng, có nhắn tin cho tôi nơi Mục Thư Qua Tin Lại rằng từ trước đã có người lấy bút hiệu Vi Trần rồi, tôi nên chọn bút hiệu khác, bằng không thì những đứa con tinh thần do mình mang nặng đẻ đau trở thành con của người khác. Tiếc bút hiệu Vi Trần lắm, nhưng vì sợ mất con, tôi đành chọn một bút hiệu khác, Khiêm Cung. Khiêm Cung vừa là bút hiệu vừa là phương châm tôi áp dụng trong cuộc sống, luôn luôn khiêm tốn và hòa nhã, lễ độ, kính nhường người khác. Cố gắng thực hành theo phương châm, nhưng thật tình mà nói, vì là phàm phu, tạp khí tích lũy từ nhiều đời, lửa sân vẫn chưa tắt hẳn, anh Hai ơi.

HT:

Rất cảm ơn anh Hai cắt nghĩa rành mạch bút danh Khiêm Cung. Trong Nội Ngoại Đều Thương anh Hai có nhắc lại làng quê của anh qua cái tựa “Làng Tôi” anh viết:

Tôi sanh ra tại làng Bắc Nam. Hiện nay mồ mả ông bà tôi vẫn còn tại đó. Làng này thuộc lãnh thổ Miên, còn gọi là làng Đồng Đức Thượng, giáp ranh với làng Đồng Đức Hạ bấy giờ thuộc tỉnh Châu Đốc, Việt Nam. Từ chợ Châu Đốc lên Nam Vang qua ngã Bình Di, đi bằng đường thủy được khoảng mười lăm ki lô mét, bạn sẽ gặp một chỗ đất bồi thành cù lao rất lớn ở giữa sông gọi là Cù lao Ba tại làng Vĩnh Trường, tiếp tục đi khoảng mười lăm ki lô mét nữa lại gặp một cái cồn gọi là Cồn Cát, rồi đến Cồn Bắc Nam. Một con sông nhỏ hiền hòa chảy qua Bắc Nam, trước khi đổ ra sông cái. Cửa sông nhỏ này ngó ra Cồn Bắc Nam. Dân trong làng thường phân biệt làng Bắc Nam thành hai xóm: xóm trong gần nguồn sông, người Miên ở; xóm ngoài là khu vực vàm sông, giáp mối giữa sông nhỏ và sông cái, nơi định cư của người Việt và người Hoa. Lúc bấy giờ Việt-Miên-Lào là ba nước Đông Dương thuộc Pháp. Người Việt và người Miên sống với nhau rất hòa thuận(1).

Xin anh vui lòng cho biết thêm chi tiết về bối cảnh lịch sử thời niên thiếu của anh.

5177428620_cece803754_z

Bản đồ Nam Kỳ (Cochinchina) vào năm 1942 (nguồn: Mạnh Hải’s Photostream)

HAP:

Tôi xin hồi đáp anh Hai Trầu một số chi tiết liên quan đến làng Bắc Nam của tôi:

Khoảng cuối thập niên 40, gia đình tôi dọn lên một chiếc ghe, chèo chống đi vô vùng rạch Miên, địa danh là Hà Rùm để làm nghề cá mắm. Ở Hà Rùm được hơn một năm, gia đình tôi quay trở về làng Bắc Nam. Lúc bấy giờ cha tôi còn bới tóc vì ông theo quan niệm xưa, tóc là của cha mẹ sanh ra, để tóc là thờ kính ông bà, cha mẹ. Trên đường từ Hà Rùm về, Ông Nội tôi nhắn rằng Ông cho phép cha tôi hớt tóc ngắn, vì tên cò tây trú đóng ở Vàm Bắc Nam nói ai để tóc là Phật Giáo (Phật Giáo Hòa Hảo). Lúc đó người Pháp bắt đầu lo sợ người Việt Nam nổi loạn, họ sợ Việt Minh, họ sợ Hòa Hảo. Ông Nội cũng cho biết chú Út tôi bị tên cò tây nghi ngờ là Việt Minh nên bắt chú vào đồn đánh đập khảo tra, nhưng sau đó được thả ra, còn nhà của cha tôi bỏ trống, cò tây sợ là nơi trú ẩn của Việt Minh nên đốt rụi.

Trở về đến Bắc Nam, gia đình tôi tiếp tục ở dưới ghe, tôi thấy thanh niên trong làng lén lút luyện tập võ nghệ, học đường quyền, đường roi, múa kiếm, múa thương…, họ tập diễn hành với tầm vông vạc nhọn. Cảnh tượng na ná như trong các truyện Tàu mà lúc lên sáu, lên bảy tôi đã đọc cho ông Cố tôi nghe. Rồi một ngày nọ, tôi thấy tên cò tây vẫn mặc áo sơ-mi, quần sọt trắng, đội nón cối trắng, hai tay bị trói, mình mẩy lấm lem bùn đất, bị thanh niên bắt dẫn đi trên đường, tôi không biết người ta giải y đi đâu, y có bị đưa đi “mò tôm” hay không. Tôi tưởng đâu sự cai trị của người Pháp đã chấm dứt rồi, nhưng sau đó người Pháp một lần nữa trở lại trú đóng tại làng tôi.

Chau Doc from above

Toàn diện thị xã Châu Đốc ngày nay, có đường biên giới Tây Bắc (gần vị trí làng Bắc Nam) giáp với Campuchia, Nam giáp huyện Châu Phú, Tây giáp huyện Tịnh Biên và Đông giáp huyện Phú Tân.(nguồn: diendan.mientay.net)

HT:

Thưa anh Hai An Phú,

Hồi nhỏ nghe nói đến Tây là đã sợ rồi, nay nhơn anh Hai nhắc ông nội của anh cho phép thân phụ của anh cắt tóc ngắn vì sợ Tây tưởng mình là Phật Giáo Hòa Hảo rồi bắt chặt đầu, chỉ tưởng tượng thôi mà đã tản thần hồn rồi anh Hai. Nhờ anh giải thích mà tôi biết thêm khá bộn làng quê Bắc Nam của anh ngày xưa ấy.

HAP:

Hồi còn nhỏ, đi theo cha tôi vào một cái chùa Miên, tôi thấy trên tường có treo một bức tranh vẽ 3 người Miên châu đầu vào nhau, một cái nồi nước bắc lên trên 3 cái đầu đó, rồi đốt lửa lên nấu nước, một người “An Nam” (tên nước Việt Nam thời Pháp thuộc) đứng coi nấu nước, phía dưới bức tranh ghi lời nói: “Đừng nhúc nhích đổ nước của ông”. Theo các bậc tuổi tác, bức tranh đó do người Pháp vẽ để nhắc nhở, khích động người Miên căm thù người Việt đối xử tàn nhẫn với người Miên khi xăm chiếm nước họ. Đến thời Việt Minh, người Việt và người Miên trong làng cũng có xích mích nho nhỏ. Một bữa tôi thấy một toán thanh niên Miên trong làng, không rõ có phải do người Pháp xúi giục hay không, đeo cà tha (bùa Miên), nói súng bắn không lủng, ồn ào kéo đi đánh Việt Minh. Việt Minh cho nổ một phát súng (có lẽ tự chế), cả đám người Miên xanh mặt xanh mày bỏ chạy.

HT:

Rồi sao gia đình anh lại phải dời khỏi làng Bắc Nam, và về đâu anh Hai?

HAP:

Năm 1948, nhân chuyến đi bán xoài, mẹ và chị tôi đưa tôi ra tỉnh lỵ Châu Đốc học, gia đình tôi vẫn còn ở trên chiếc ghe và luôn luôn ở tư thế hễ yên thì ở, không yên thì chèo chống đi tản cư. Lúc bãi trường tôi có về thăm gia đình tại Bắc Nam. Tôi không nhớ chính xác năm nào, có lẽ năm 1950, gia đình tôi tản cư về quê ngoại ở An Phú, Châu Đốc; một số đồng hương vẫn còn tiếp tục cư ngụ ở Bắc Nam, vì họ coi Bắc Nam là quê cha đất tổ.

300px-AnPhumap

Bản đồ huyện An Phú,thuộc tỉnh An Giang,nơi gia đình tác giả Khiêm Cung Dương văn Chung sinh sống trong thập niên 1950: đây cũng là nơi tiếp nhận dòng chảy đầu tiên của sông Hậu từ Campuchia vào Việt Nam.

HT:

Và anh còn nhớ năm nào làng Bắc Nam này lại thuộc hẳn bên Miên?

HAP:

Đến năm 1954, Pháp rút quân, khối Đông Dương gồm 3 nước Việt-Miên-Lào tan rã, có lẽ từ lúc đó người Việt mới hoàn toàn rời khỏi Bắc Nam vì sợ Miên “cáp duồn” (chặt đầu người Việt).

HT:

Từ bấy đến nay, có lần nào anh Hai về lại Cồn Bắc Nam thăm lại mộ phần ông bà không?

HAP:

Năm 2007 tôi có về Cồn Bắc Nam thăm đình làng mà bà con đã dời từ làng Bắc Nam về đó. Còn mồ mả ông bà tôi thì dời về đất nhà của chị tôi ở xã Đồng Ky.

HT:

Còn con sông Bắc Nam thi sao anh Hai ? Cá tôm nhiều lắm hông? Rồi có khi nào anh mê bắt cá tôm vùng nước ngọt sông sâu ấy rồi bỏ học không? Còn cá trên đồng vùng Bình Di, Bắc Nam nữa. Anh Hai rảnh rỗi kể cho em út nghe chơi anh Hai.

HAP:

Thưa anh Hai Kinh Xáng Bốn Tổng,

Nghe Anh Hai hỏi đến con sông Bắc Nam, bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu ở nơi chôn nhau cắt rún hiện về trong đầu tôi. Trong Nội Ngoại Đều Thương tôi nói dòng sông đó là dòng sông kỷ niệm, nay có thể đặt cho nó thêm cái tên là dòng sông tiền hay dòng sông vàng bạc, vì nó là mạch sống của cư dân với quá nhiều cá tôm từ Biển Hồ đổ xuống.

Làng Bắc Nam phía trước là sông, sau hè là rừng tre, không có đất để làm nhiều rẫy ruộng như ở Vĩnh Lộc, Vĩnh Trường, Phước Hưng, Đồng Ky…v.v., cư dân Bắc Nam sống bằng nghề cá mắm. Tôm càng xanh bò chầm chậm trên lớp rong dưới nước trong, cá trê, cá lóc, cá leo… lảng vảng ở mé nước ven sông, con nít như tôi cũng mê lắm, anh Hai à, chỉ cần lấy mũi chỉa ba phụp một cái là dính liền. Tôi cũng bắt cá bằng những cách nhẹ nhàng như giăng câu, đặt lờ… Vùng Bình Di cũng như Bắc Nam, đất thấp, mỗi năm có mùa nước ngập, khoảng tháng Bảy ta, nước từ từ dâng lên, ngập cao hơn mặt đất một hai mét, tới tháng Chín ta nước mới rút xuống, nước ngập mang theo phù sa và cá tôm vào đất liền, do đó mà đồng vùng Bình Di, Bắc Nam cũng có nhiều tôm, cá, ốc…v.v. ở các ao đìa.

Ở xứ cá có rất nhiều chim cò, chúng nó bu lại để ăn cá. Hồi còn nhỏ tôi cũng mê bẫy chim cò lắm đó anh Hai. Tôi học cách của người lớn làm bẫy đạp đặt trên cạn, dụ cho con cò bước cẳng lên cái bẫy,  cái vòng dây buộc xiết cái cẳng nó, còn bẫy mổ thì đặt trên đất có nước ngập lắp xắp, phía dưới cái dây thòng lọng có móc con cá linh sống đang lội, con cò muốn ăn con cá phải chõ mỏ qua cái thòng lọng, cái bẫy giựt, dây thòng lọng treo cổ con cò. Tôi muốn kể anh nghe cái trò tiêu khiển quái ác nầy để tôi sám hối đó anh Hai.

Mam Ca Chau Doc

Một góc trong khu chợ mắm Châu Đốc.  
Vì đây là vùng nhiều tôm cá, từ lâu người dân đã tạo ra truyền thống làm mắm, tập trung phần nhiều ở phường Núi Sam (nguồn:diendan.mientay.net)

HT:

Anh Hai An Phú,

Nghe anh kể cá tôm trên sông Bắc Nam thấy mà mê. Anh Hai rành ba cái vụ gài bẫy bắt cò nữa. Thiệt là tài dách. Tôi dưới này muốn bắt cò, cứ chiều chiều là đi cặp theo mấy vườn tre lúc cò dìa vườn tre để ngủ. Tôi khoái bắn nạng giàn thun. Mình đứng rình chờ cho con cò vừa đáp xuống hai chưn đang tìm nhánh tre để đứng; lúc đó nếu mình giương nạng giàn thun bắn một cái rẹt ngay cần cổ hoặc cái đầu, tệ lắm mới nhắm bắn cái mình nó vì bắn cái mình cò ít khi nào té liền mà nó còn gượng giương cánh bay tiếp, khi bị bắn bất ngờ con cò trúng đạn đất sét chới với rớt xuống đất liền.

Nói thì nghe coi bộ dễ ăn vậy, nhưng khó bắn trúng cò lắm nhe anh Hai. Ở Mặc Cần Dưng mấy năm 1949, 1950, làng tôi có thằng cháu trong xóm tên là Bảo, kêu tôi bằng cậu dù nó lớn hơn tôi năm mười tuổi, nó bắn cò bằng nạng giàn thun theo cách tôi vừa kể thiệt là tài dách. Mười viên đạn đất sét lúc nào nó cũng được mười con là thường. Thịt cò mà xào mướp hương ăn ngọt lắm nhe anh Hai.

Ngoài ra, nếu có gài bẫy, tôi chỉ biết loại bẫy cò ke thôi anh Hai, mấy loại bẫy anh kể, tôi có biết chút chút nhưng hổng rành cho lắm.

HAP:

Anh Hai Kinh Xáng Bốn Tổng,

Tôi bắn nạng giàn thun dở lắm, ít khi trúng mục tiêu. Nghe anh nói cò xào mướp hương phát thèm, nhưng bây giờ mướp hương thì dễ kiếm chớ cò thì làm sao tìm ra, anh Hai. Tôi có nghe nhưng chưa hề thấy cái bẫy cò ke, anh Hai tả sơ cho anh em biết cái bẫy nầy ra sao đi anh Hai.

HT:

“Bẫy cò ke” thiệt tình cũng thông dụng như bẫy cần, bẫy đạp, bẫy bật anh Hai à. Hình dáng của nó cũng giống như các loại bẫy trên là có một cái cần làm bằng nhánh tre hay nhánh tầm vông tùy theo mình muốn gài bắt loài chim hay loài thu rừng nào mà mình muốn bắt với cái vòng thay vì hình tròn như vành rổ thì người ta làm cái vòng bằng hình tam giác; rồi cũng có cây bật gài với mồi bằng trái cò ke chin, khi chim vào ăn mồi, cây bật liền bật lên đập gãy cổ chim. Ngoài các loại bẫy cần, bẫy đạp, bẫy bật, bẫy cò ke, vùng kinh xáng Bốn Tổng của tôi còn có bẫy lỗ, bẫy cặp(còn gọi bẫy kẹp), bẫy đạp nữa để dùng vào việc gài bắt các loại thú rừng hoặc chim chuột nữa nhe anh Hai. Những loại bẫy này phần lớn là do kinh nghiệm bắt chim cò cùng rắn, chồn, heo rừng, hươu, nai từ lúc mới khai hoang đất lâm làm ruộng mà có và chính nông dân chế biến ra ráo trọi.

Trong cuốn Nội Ngoại Đều Thương, anh Hai có viết truyện ngắn "Thằng Chum Xứ Cá"(2). Truyện này anh sáng tác trong hoàn cảnh nào thưa anh Hai? Thằng Chum có thiệt ngoài đời không? Nếu có, nó còn ở lại làng Bắc Nam của anh hay dời đi nơi nào? Những năm tháng sau này, có lần nào anh gặp lại Thằng Chum không, anh Hai?

HAP:

Tôi viết truyện “Thằng Chum Xứ Cá” là viết theo lời tâm sự của Thằng Chum. Thằng Chum có thật, hoàn cảnh của nó y hệt như tôi, số phận đẩy đưa thế nào mà nó và tôi cùng đi định cư ở Úc một lượt, bây giờ ngày nào hai đứa cũng gặp nhau.

HT:

Rất vui được biết nhân vật "Thằng Chum" có thật và đang ở gần anh. Mỗi ngày hai anh gặp nhau và uống cà phê nhắc chuyện xưa còn gì vui bằng, phải hông anh Hai?

Trong truyện "Thằng Chum Xứ Cá" anh kể, không gian là làng Bắc Nam, thời gian câu chuyện vào năm1947. Lúc đó thằng Chum mười tuổi.  Nó sanh ra trong một gia đình nghèo. Sau phải lưu lạc lên Biển Hồ sống nghề cá mắm. Những năm tháng ấy, anh có kể cảnh má Chum xúc cá bằng cái rổ, miệng có đường kính cả thước tây, gọi là "rổ bộng". Sao người ta kêu là "rổ bộng" anh Hai?

HAP:

Kính anh Hai Kinh Xáng Bốn Tổng,

Tôi cũng không biết tại sao cái rổ lớn như vậy kêu là “rổ bộng,” dầu lớn hay nhỏ, cái rổ nào cũng có cái lòng trống (bộng, không đặc) để đựng đồ. Đặc biệt, bà-con chỉ gọi cái rổ lớn sâu lòng là rổ bộng.

HT:

“Rổ bộng” trên vùng Bắc Nam của anh, dưới miệt kinh xáng Bốn Tổng (Núi Sập), Mặc Cần Dưng (Châu Thành, Long Xuyên), Tân Bình (Lấp Vò), đâu đâu cũng đều gọi là rổ xúc hết anh Hai. Gọi rổ bộng có lẽ do miệng rộng như miệng cái ống bộng chăng?

Trở lại chuyện cha của Chum hay đi nhắp cá lóc hoặc câu rê, giăng câu, đặt lờ, đặt lọp. Anh có giải nghĩa: "Câu rê khác với nhắp cá lóc ở chỗ nhắp thì lưỡi câu móc vào đuôi con cá nhỏ còn sống như cá linh, thả dây nhợ câu xuống nước cho con cá mồi lội, cá lóc đớp cá mồi, mắc lưỡi câu. Còn câu rê dùng mồi giả là một mảnh thiếc nhỏ uốn hơi cong gắn vào sợi nhợ, gần lưỡi câu, thả mảnh thiếc và lưỡi câu xuống nước, di chuyển mảnh thiếc qua lại cho nhanh, cá lóc thấy mảnh thiếc chiếu loang loáng, tưởng cá mồi, phóng lên đớp, mắc câu" (3).

Ở chỗ tôi dưới này, câu nhắp giống với câu nhắp trên Bắc Nam (An Phú), nghĩa là cũng dùng mồi chạy như cá linh, cá rô, cá rằm, móc lưỡi câu đằng đuôi con mồi và bỏ lưỡi câu chìm xuống mặt nước chừng một tấc rồi cầm cần câu nhắp nhắp nơi các gốc gáo, hoặc trong đống chà, nhợ câu ngắn, cần câu vừa tay cầm, không quá ngắn và cũng không phải dài như cần câu rê, câu phượt.  Còn câu rê còn gọi câu quăng, cần câu dài, nhợ câu dài, quăng nhợ câu móc mồi ếch con, nhái, cóc thật xa rồi kéo rê từ từ lại, làm cho cá lóc tưởng con mồi đang còn sống nhảy ngang mà táp miếng mồi.

Ngoài ra, ở vùng tôi còn có câu phượt. Cấn câu và mồi câu, nhợ câu cũng giống y như câu rê nhưng khác cách kéo mồi, câu phượt kéo nhanh hơn câu rê. Cả hai loại câu này người ta dùng cọng rau muống gắn thêm vào lưỡi câu từ mũi tới chột lưỡi câu nhằm mục đích làm cho lưỡi câu không bị vướng cỏ khi mình rê hay phượt.

Cũng nhớ anh kể thời kỳ mặc quần áo bằng bao bố tời và nạn rệp rận cắn. “Thằng Chum Xứ Cá" cũng bị nạn rận cắn như vậy. Ngày nay, hai anh có lần nào ngồi nhắc với nhau về những ngày cơ hàn với nạn mặc bố tời và rận cắn này hông anh Hai?

HAP:
Hình như cái vui sướng mau qua, còn cái khổ cực thì khó mà quên được, anh Hai à! Thằng Chum cũng như tôi, thường nhắc lại cảnh nhà nghèo phải mặc bao bố, vải ta, rận cắn nổi mẩn đỏ một vòng lưng quần, cắn răng chịu ngứa.

HT:

Rồi còn ngủ nóp nữa. Anh có kỷ niệm gì về những lần ngủ nóp này, thưa anh Hai?

HAP:

Thưa anh Hai,

Như tôi đã tả chi tiết trong Nội Ngoại Đều Thương thế nào là cái nóp đệm. Thằng Chum thường nhắc chuyện ngày xưa nó ngủ nóp trên khoang ghe, rồi lăn trở sao đó mà cả người lẫn nóp lọt tuốt xuống sông, nó may mắn mở miệng nóp ra được, lội vào bờ, xém chút nữa thì gia đình nó cúng cơm cho nó rồi!

Vùng Bắc Nam có nhiều muỗi mòng, chiếc nóp làm bằng đệm lá bàng rất dầy, muỗi không chích thủng, người nằm ngủ bên trong không bị muỗi chích như ngủ mùng nằm sát vách mùng. Trước khi vào nóp, phải giở miệng nóp ra, đậy miệng nóp lại nhiều lần để quạt cho muỗi bay đi nơi khác rồi lẹ lẹ chui vào nóp, đóng nóp lại; có con muỗi nào còn sót lại trong nóp, nó cứ đờn ò e hoài, không ngủ được, phải ra khỏi nóp để quạt trở lại.

Cái nóp có thể xếp gọn lại như cái túi ngủ ở các nước phương Tây, mang theo người để khi cần mở ra ngủ, [mà] cái nóp lại rộng rãi hơn cái túi ngủ nhiều. Có điều bất tiện là người nằm trong nóp không thấy được bên ngoài, cho nên hồi phong trào đạo đâm đạo lụi, tôi cũng như Thằng Chum, sợ bị đâm, đem nóp vào ngủ trong mui ghe, vừa ngủ vừa lo, thấy toàn ác mộng.

bài đã đăng của Hai Trầu