Từ 1957 đến 1986, gia đình Duvalier nắm quyền hành tuyệt đối ở Haiti. François Duvalier, “Papa Doc”, được sự yểm trợ của một băng quân phiệt Tonton Macoutes, tự bầu mình làm Tổng Thống suốt đời và, trong khi đưa quốc gia vào sự nghèo đói chưa từng thấy, đã cầm quyền như một nhà độc tài tới lúc chết năm 1971. Ông ta tự coi mình là một nhà văn và năm 1966 cho xuất bản cái mà ông ta mệnh danh là Những Tác Phẩm Chủ Yếu mà ông ta cho là thể hiện tinh hoa trung thực của văn chương Haiti. “Thân phận của người dân Haiti là chịu đựng.” Tổng Thống Jean-Claude Duvalier, người thừa hưởng chức vị từ ông bố độc tài của mình, nói vào năm 1980. Sự tàn bạo xảy ra dưới chế độ Duvalier nhiều không kể xiết và người dân Haiti sống trong một tình huống gần như là nô lệ. Điều kiện sức khỏe tồi tệ, nạn mù chữ tràn lan, và các phương tiện truyền thông bị đặt trong tình trạng kiểm duyệt gắt gao của nhà cầm quyền. Hầu hết giới cầm bút và nghệ sĩ sống lưu vong, ở Montreal, Paris, New York, và Dakar. Paulé Bartón, nguyên làm nghề chăn dê, bị bỏ tù vì châm biếm Duvalier trong một truyện ngắn. Sau khi được trả tự do, ông rời Haiti qua sống ở nhiều quốc gia vùng Caribbean, viết truyện dân gian. Paulé Bartón mất ở Costa Rica năm 1974.
Chú thích của người dịch: bản tiếng Việt giữ đúng phong cách chuyện kể dân gian với văn phong bình dị của tác giả qua bản tiếng Anh “Emilie Plead Choose One Egg” của Howard Norman, trong tuyển tập God’s Spies: Stories in Defiance of Oppression (MacFarlane Walter & Ross xuất bản 1999, ISBN I-55199-040-7).
Emilie vừa chuyện trò với Bélem vừa nhìn lũ chim lao xao làm tổ. “Đoán nhé. Con chim nào sẽ ấp nỗi buồn hôm nay.” Emilie nói, cô nói, “Em sẽ đem quả trứng đó lại cho người đàn ông đã lấy con lừa của em trừ nợ, em sẽ tặng ông ta thứ ấy như món quà điểm tâm!”
“Phải ông thuế vụ không?” Bélem nói.
Emilie nói, “Đúng rồi, hôm nay anh đoán giỏi,” cô tiếp, “Nào bây giờ đoán xem quả trứng nào ấp nỗi buồn bên trong.”
Bélem nói, “Làm sao mà đoán được? nhìn xem bao nhiêu là trứng kìa!”
“Sống thì phải lựa chọn chứ,” Emilie nói, “Mỗi sáng tìm một câu đố để tháo gỡ điều khúc mắc của nó, rồi lấy sợi dây thừng ấy buộc điều suy nghĩ xui xẻo vào một cây nào đó ở đây.”
Bélem hát, “Buộc chặt điều xui rủi vào thân cây chốn này, Chiên cái trứng ưu phiền ấy cho người chủ nợ sáng nay,” rồi anh nói, “Làm thành bài ca hay được đấy!” và anh cười.
Emilie, cô nói, “Em sẽ hát bài ấy trên đường đến căn lều ông ta, em sẽ hát cho con lừa của em nghe nữa. Nhưng bây giờ phải đoán xem, quả trứng nào đã!”
Nhưng Bélem nói, “Anh đang thở dài đây. Ngoài đó có nhiều trứng quá! Anh nói cho em biết mắt anh đã lo lắng nhìn từng quả trứng một, tất cả chúng giống hệt nhau,” anh nói thêm.
Tới Emilie, “Phải chọn mau đi! Ông chủ nợ ấy đang ngáp dài trên bàn ăn sáng rồi kìa mau đi!” Emilie nói.
Bélem nói, “Nói cho em biết này. Em hỏi anh thứ khó trả lời. Em hỏi một gút thắt quá chặt, em nói điều bí hiểm bên dưới chỉ mỗi một con chim!”
“Phải chọn chứ! Giờ này ông chủ nợ đang ngồi ở bàn điểm tâm rồi,” Emilie nói.
Bélem nói, “Giống như hỏi uống nước từ cùng một cái giếng có ngon hơn nếu như nước đựng trong sô được mang đến từ con lừa hay con bò, con nào? Như hỏi trong hai khúc cây cùng kích thước để khều trái chanh, khúc nào làm trái chanh ngon hơn?”
Emilie nói, “Phải chọn đi bạn tôi à. Anh phải nếm nước trong cổ họng mình cho dù ai đem nước ấy đến cho anh kia mà. Anh phải vắt trái chanh lên lưỡi mình dù nó được khều bởi khúc cây nào kia mà. Ông chủ nợ chọn lấy con lừa của em thay vì bộ bàn ghế, quả là ông ta đã chọn thứ này thay vì thứ kia, anh biết điều đó không?”
Bélem nói, “Được rồi. Anh bảo quả trứng nào cũng mang nỗi buồn, nỗi buồn của ngày hôm nay ở bên trong, anh nói vậy được không nào, anh nói vậy đó!” Anh nói.
Emilie bảo, “Đấy đâu phải là sự chọn lựa, thiệt tình, đấy đâu phải là chọn lựa! Bây giờ cả con lừa lẫn con bò đều làm đổ nước, cạn sạch, bây giờ những trái chanh đã héo quắt thành con mắt vàng vọt của kỳ đà trên cây, bây giờ lão chủ nợ đang có lòng tham muốn cả bộ bàn ghế của em. Quả trứng nào sẽ ngăn chặn tất cả những điều ấy, hở anh?” Emilie nài nỉ anh mau mắn chọn một quả trứng.
Nhưng Bélem không thể chọn lựa, thành ra Emilie đem bàn ghế của cô giấu đi. Emilie bảo, “Xong rồi, xong rồi, anh bạn Bélem của em,” cô xoa dịu bằng cách đó.
Lúc ấy Bélem có một vết thương mà anh cảm nhận được đâu đó trong anh, nhưng anh không thể tìm ra nó. Anh nói, “Emilie, anh thấy đau chỗ nào đó trong người, em có nhìn thấy vết thương không?”
Emilie nói, “Không,” Cô che cái bàn và những cái ghế bằng những tàng lá hình lược.
Bélem, anh nói, “Nước muối của biển sẽ tìm ra vết thương trong người anh, bao giờ nó cũng tìm ra khi anh bơi trong nó, nó luôn luôn rửa sạch vết thương của anh.” Nhưng Emilie biết vết thương của sự mập mờ và sự không-chọn-lựa đã thấm quá sâu bên trong để nước muối của biển có thể chà rát mà rửa sạch cho Bélem lúc này.