Tác phẩm đoạt các giải thưởng:
* Giải văn chương quốc tế IMPAC Dublin
* Giải tác phẩm đầu tay MCAUSLAN
* Giải PARAGRAPHE HUGH MACLENNAN cho tiểu thuyết
* PRIX DES LIBRAIRES tỉnh bang Québec (Canada)
và vào chung kết:
* Giải Scotiabank Giller.
* Giải Văn Chương Quan Toàn Quyền Canada.
* Giải Rogers Writers’s Trust Fiction
* Giải Các Nhà Văn Khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth Writers’ Prize)
Rawi Hage sinh ở Beirut, Lebanon, và trải qua chín năm nội chiến. Di dân qua Canada năm 1992.
Ngày hôm sau, tôi mượn xe gắn máy của George. Tôi hẹn Rana ở ngoại ô khu phố, góc một chung cư đầy những người trước đây chưa bao giờ gặp mặt chúng tôi. Rana leo lên ngồi sau lưng tôi và chúng tôi chạy xe thẳng lên núi. Nàng gài hai bàn tay ôm quanh thắt lưng tôi. Tôi lái xe trên đá sỏi, lao vào giữa những ngọn đồi. Lúc ngừng xe, tôi đưa khẩu súng cho Rana, vòng tay qua vai nàng, đặt tay tôi lên tay nàng, và hai chúng tôi duỗi thẳng tay, nhắm về phía những ống lon sét rỉ. Nàng vừa bắn vừa cười. Rồi nàng gỡ tay tôi ra, đẩy tôi lui ra sau, cầm súng một mình, nhắm và bắn. Rana cười rồi bước về phía tôi, lắc đôi hông, quơ khẩu súng lên không. Nàng chĩa mũi súng vào ngực tôi. Chớp nháy cặp mi dài một cách nghịch ngợm, nàng bảo: Bây giờ em có súng, em sẽ theo anh tới Roma và bắn anh nếu anh bỏ em.
Từ xa, Beirut trông như một dải đồi xi măng nhỏ bé, đầy ắp những chung cư không có đường phố, không có cột đèn, không có con người.
Ở phía đó, khu Hồi Giáo, nàng chỉ. Em chưa bao giờ gặp một người Hồi Giáo. À không, có vài con nhỏ Hồi Giáo trong trường, nhưng chúng nó đã dọn đi khi chiến tranh bắt đầu. Một đứa tên là Faten; đứa kia, em không nhớ… Không nhớ nổi.
Tôi ôm Rana và hôn lên cổ nàng. Làn gió mát và mềm mại làm núm vú nàng cương lên dưới lớp áo vải bông mỏng. Tôi luồn tay vào ngực nàng, mầy mò đôi vú, tôi mút hai núm vú đỏ và tròn của nàng.
Rana lo lắng nhìn quanh, sợ gặp những kẻ đi lang thang, bọn người yêu cảnh hoang dã và những tay săn chim, khi tôi luồn tay vào trong cái quần jeans chật của nàng, nàng nói: Đừng, Bassam. Ở đây không được đâu. Bassam, ngừng lại!
Tôi không ngừng. Tôi thở phì phò như con chó săn và ép cứng vào người nàng; Người Rana cứng đờ, nàng nắm lấy tay tôi, đẩy tôi ra. Rồi nàng chĩa súng vào tôi.
Khi em nói ngừng, anh phải ngừng! Ngừng lại, nàng hét một cách giận dữ.
Tôi bước về phía nàng. Tôi nắm lấy cổ tay nàng, quay mũi súng vào ngực tôi, nói, Bóp cò đi!
Nàng kêu, Anh làm đau cổ tay em.
Tôi lấy lại khẩu súng. Hai chúng tôi thở hì hạch và lặng thinh.
Chúng tôi chạy sâu vào giữa những ngọn đồi. Chúng tôi ngừng xe, nhìn xuống thành phố. Một đám mây dài hình nấm bung lên từ mặt đất ở khu Tây Beirut.
Bom, Rana nói, coi kìa, một trái bom mới rơi xuống.
Trông giống chất nổ hơn, tôi nói.
Khi chúng tôi chạy xe xuống dốc đồi, hai bàn tay Rana vuốt ve ngực tôi. Bấm móng tay vào thịt tôi, nàng bảo, Lẽ ra em phải bắn anh ở chỗ này.
Mẹ tôi chạy lê lên lầu với bọc rau, thịt, bánh mì trong tay.
Bà gọi tôi vào bếp. Mày với con Rana đang có gì với nhau phải không? Sáng nay ngồi uống cà phê với tao, mẹ nó hỏi tao về hai đứa mày.
Bà ấy hỏi gì vậy?
Về công ăn việc làm của mày, và ướm thử xem mày có muốn đi với tao lại nhà bà ấy. Bà ấy bảo con Rana đến tuổi có chồng có con được rồi.
Tụi con chỉ là bạn thôi, tôi nói.
Đứng nói dối tao, Bassam. Tao coi con Rana như con ruột của tao, nó không phải là loại gái lăng nhăng. Nếu mày không tính chuyện lâu dài với nó thì đừng có làm hỏng cuộc đời con người ta. Ở đây thiên hạ người ta xì xào. Người ta bàn tán. Tôi bước đi. Mẹ tôi hét sau lưng tôi, Ừ, cứ như bố mày ấy. Ông ấy cứ đi đi về về. Con người vô tích sự, ông ấy là đồ vô tích sự.
Tôi nghe tiếng cửa nhà bếp sập sau lưng mình.
Hơn mười ngàn trái bom đã được thả xuống, và tôi mắc kẹt giữa hai bức tường đối diện với bà mẹ run rẩy của tôi. Bà nhất định không xuống hầm trú ẩn nếu tôi không xuống cùng với bà. Mà tôi thì nhất định không trốn dưới lòng đất. Tôi, kẻ xuất thân từ dòng dõi những chiến sĩ can trường, chỉ chịu chết giữa đất trời, trên mặt đất bùn lầy và trong tiếng gió hú!
Mẹ tôi nhẩy chồm lên mỗi lần nghe tiếng nổ. Bà gọi tên hết thánh nữ này tới thánh nữ khác nhưng các vị trinh nữ bận rộn ấy, chẳng ai trả lời bà.
Petra, con bé hàng xóm, bò lê trên những bậc thang cẩm thạch, gõ cửa nhà tôi; nó nhìn thanh kiếm lấp lánh và khuôn mặt chiến sĩ của tôi với vẻ nghi hoặc, rồi lấy tay che miệng và thì thào điều bí mật gì đó vào tai mẹ tôi. Mẹ tôi đứng dậy đi thẳng vào nhà tắm. Bà trở ra với hộp Kotex và nói, hết mất rồi, cưng à, nhưng đừng lo, cháu đi theo bác.
Cái thân hình bé bỏng đang hành kinh đứng dậy, khuôn mặt đỏ nhừ vì xấu hổ. Con bé chạy vụt vào bên trong, lẩn vào phòng ngủ mẹ tôi.
Tôi bước xuống cầu thang, ra khỏi cao ốc, băng qua con đường vắng tanh về phía tiệm tạp hoá Abou-Dolly. Tiệm đóng cửa, nhưng Abou-Dolly sống với gia đình ở nhà sau. Tôi gõ cửa. Người chủ mở hé cánh cửa. Nhìn thấy tôi, ông ta cau mày hỏi tôi cần gì. Kotex, tôi nói. Đóng cửa rồi; ông ta trả lời bằng giọng khô lạnh. Chuyện này khẩn cấp! Tôi nói.
Vào đây.
Tôi bước vào nhà. Căn nhà nực mùi sà bông chế tạo trong làng, mùi hạt cà phê, mùi rau thối vùi dưới cái tủ lạnh ồn ào, mùi hai con mèo ăn thịt lũ chuột nâu mập mạp, và mùi con gái chủ tiệm, chị Dolly, người đang ngồi cho đứa con sơ sinh bú từ cái vú trắng và tròn làm tôi khát nước. Khi tôi bước vào, Dolly che đứa bé và vú mình lại bằng tấm chăn bông mầu hồng. U-Dolly, vợ ông chủ tiệm, đang ngồi đan ở góc nhà; thằng con rể, Elias, mặc quần có dây đeo đang nhìn chăm chăm vào vách tường, hút thuốc. Cả nhà tụ tập quanh hai ngọn nến thảm thương đang chập chờn một cách man dại và ma quái, hắt bóng cả nhà lên Địa Ngục và những bức tường đang bốc cháy của chốn ấy.
Abou-Dolly, gã đàn ông trung niên không có con trai; người mà cái biệt danh nhắc nhở đến con gái lớn của ông ta, đưa tôi hai gói Kotex. Muốn lấy loại nào? Ông ta hỏi.
Tôi đưa hai gói băng lại sát ngọn nến và đưa lên mũi hít hà, cử chỉ này làm vợ ông ta rùng mình thở hắt ra và lẩm bẩm phản đối. Mày ngửi làm gì vậy? Abou-Dolly chạy vội về phía tôi giật lấy hai gói băng. Đi ra, đi ra. Gã bắt đầu xô tôi; tôi đẩy lại gã. Con rể gã nhặt cây chổi cán dài để dọa tôi. Tôi giật một gói từ tay Abou-Dolly, luồn tay kia vào thắt lưng, rút khẩu súng. Tôi móc khẩu súng ở ngón tay, mũi súng chĩa xuống sàn nhà. Um-Dolly hét lên, Nó có súng! Nó có súng! Dolly giật dòng sữa nóng ra khỏi miệng đứa bé, làm đứa nhỏ khóc ré lên, và chạy vội qua phòng bên cạnh.
Nắm chặt cái gói, tôi bước ra khỏi cửa, bỏ đi vào vùng không gian dịu mát. Tiếng Abou-Dolly hét sau lưng tôi, Tao biết bố mày, tao biết bố mày, ông ấy là bạn tao, ông ấy sẽ thấy nhục nhã khi biết con trai mình thay đổi như thế. Một thằng vô lại! Thật là ô nhục, mày dám làm mất mặt tao ngay trong nhà của tao, trước mặt vợ con tao. Quân vô lại! Mày là cái thứ ấy, con à, một thằng vô lại. Rồi ông ta nhổ xuống nền nhà và nguyền rủa thế hệ của tôi và những thứ giống như tôi. Tên vô lại bưởc đi giữa những cao ốc, tránh những trái bom rơi. Tên vô lại băng qua những rãnh nước cống nhỏ xuống từ những ống nước bể. Hắn bước đi với khẩu súng trong tay này và gói bông gòn mềm mại trong tay kia.
Ngày hôm sau, George ghé qua để lấy chiếc xe gắn máy của hắn.
Chiếc xe được dựng nghiêng một bên, trên một vũng dầu khô hình tròn, dưới bóng râm của tiệm bán rau trái, đối diện bệnh viện, quay lưng về phía nhà thờ. Tôi đưa chìa khóa cho George; hắn đong đưa chiếc vòng ở ngón tay giữa và bảo, Đi lại đằng kia nói chuyện.
Hắn lái, tôi ngồi sau ôm eo. Chúng tôi chạy xuống khu Quarantina, tới chỗ đường xe lửa cũ nơi xóm nhà tồi tàn của dân Kurdish đã bị chiếm đóng và huỷ hoại bởi dân Thiên Chúa Giáo. Bây giờ mặt đất nơi đây bằng phẳng, những mái tôn, những con hẻm nhỏ, những vũng nước cống đã bay hơi hết, bị càn quét và san bằng. Những chiến binh đã bị tàn sát trong lạnh lùng. Những người đàn bà của họ đã bỏ trốn trong những con thuyền nhỏ bập bềnh trên sóng Địa Trung Hải, tay bồng những đứa trẻ chân trần mũi chảy thò lò. Đây là nơi mà Abou-Nahra và đồng bọn đã ùa vào trại, giết bọn đàn ông, nhổ răng vàng của họ; chính nơi đây hắn đã đoạt được tiếng tăm của một vị thủ lãnh bạo tàn. Đoàn quân thắng trận của hắn đã xuyên thủng sọ quân chiến bại bằng lưỡi lê và diễu hành trên đường phố. Xác chết bị cột sau những xe díp, nhảy chồm trên những con đường tráng nhựa và quăng quật trong những con hẻm nhỏ.
Căn trại bây giờ là đồng cỏ, với cỏ dại mọc từ những xác người rã mục, từ tro tàn của những bức tường cháy rụi, và đạo quân ruồi nhặng đã một thời no say mải miết trên máu và những vỏ đạn rỗng.
Nói đi, tôi bảo. Nói đi, trước khi những thứ chôn dưới chân bọn mình đội đất chỗi dậy.
Tao không làm ở sòng bài nữa, George nói. Tao bảo Najib, bà con xa của tao, làm thế chỗ của tao. Mày vẫn có thể mánh mung ở đó, tao sẽ chỉ nó cách làm.
Sao mày lại đi?
Abou-Nahra muốn tao làm một số việc.
Việc gì?
Tao sẽ lên đường đi Israel để huấn luyện. Lực lượng đang thiết lập quan hệ với bọn Do Thái ở khu dưới phía nam.
Sai rồi, tôi thì thầm.
Không đâu, Bassam, tụi mình cô độc trong cuộc chiến này, và dân mình bị tàn sát hàng ngày. Còn mày… có ông nội bị sát hại… có bố bị giết… mày… mày… Tụi mình phải liên kết với ma quỷ để cứu vớt đất nước mình. Làm cách nào để mình tống khứ bọn Syria và bọn Palestine đây?
Tao sẽ ra đi, bỏ mảnh đất này lại cho ma quỷ, tôi nói.
Mày không tin tưởng vào bất cứ thứ gì.
Bọn trộm cắp, lũ vô lại như tụi mình, tôi nói, đã bắt đầu có niềm tin từ hồi nào vào bất cứ điều gì chứ?
Chúng tôi xuôi xa lộ xuống bãi biển. Những con đường trống trải; đó là một ngày mùa hạ, gió ấm áp. Chúng tôi ngồi bên bờ ngắm dòng nước.
Những con thuyền nhỏ bồng bềnh, những đợt sóng con dạt vào bờ, và chúng tôi ngồi thinh lặng. Đêm xuống, chúng tôi đốt lửa bằng giấy mỏng, rồi hút rồi nhìn chăm chăm rồi ngắm nghía rồi hoang tưởng, rồi cười rồi hút thêm nữa. Chúng tôi đốt điếu xì ke tới tận đầu ngón tay, và dập tắt tàn lửa bằng móng tay. Tôi có ảo giác thấy cây cối, đồng bằng, và một ngôi nhà – một căn nhà bỏ ngỏ, và bóng tối có mặt trời chu du một đường thẳng chứ không phải vòng tròn, một mặt trăng đứng nguyên tại chỗ và đêm xuống được thắp sáng bằng đèn cầy, bằng những vì sao bằng không gì ngoài hai lỗ nhỏ mà ánh sáng xuyên qua đó rồi đáp xuống mặt một đại dương. Đất bốc mùi ẩm ướt, nhưng cỏ thì có mầu nâu, đang chết và nổi trôi trên nước mặn. Tôi đứng dậy, bước đi, và gặp một ngư phủ; chúng tôi đi lướt qua nhau trong im lặng hoàn toàn – không một liếc mắt, không một thoáng nhìn. Tôi mơ thấy một cái bàn, một người đàn bà với những bàn tay nhuốm thuốc nhuộm, và một chiếc ghế gẫy, tất cả chung một mái nhà. Tôi thấy những cánh cửa mở sẵn mà tôi buộc phải mở ra. Tôi bước về phía cánh cửa thứ nhất và kéo nó ra với hết sức mình; tôi bước vào và đi nhanh tới cửa thứ nhì, nhưng nó đã bị khóa. Tôi ở lại đó bao nhiêu ngày, van xin cánh cửa mở ra. Rổi tôi ngủ thiếp đi và tôi mơ thấy cánh cửa mở ra. Một người đàn bà trần truồng mang một cái túi cười với tôi và nói, Cởi quần áo ra. Tôi nhìn xuống và thấy quần áo mình tan thành nước. Tôi gom nước lại, đưa cho bà ta. Bà ta giữ nó trong tay và đổ nó vào mắt tôi. Bây giờ, bà ta bảo, đi qua cánh cửa thứ ba và nếu cậu thấy bố cậu thì nói với ông ấy là cậu đã bỏ quần áo. Tôi thấy hai lối đi. Tôi sẽ chọn lối đi hẹp, tôi nói. Tôi có giấc mơ khác, và trong giấc mơ ấy tôi ở dưới sông; tôi cầm miếng bánh mì ném cho một con chim. Tôi băng qua sông và tìm thấy cánh cửa thứ tư. Tôi đẩy nó với hết sức mình, nhưng không mở được. Tôi khẽ chạm vào nó bằng ngón tay, thì nó mở ra. Tôi vào một khu vườn với chiếc ghế và một quyển sách. Tôi ngồi lên ghế, hút thuốc. Rồi tôi hát, và một cánh cửa khác mở ra cho tôi. Tôi chạy vội qua và lọt vào vùng trống rỗng không cây, không bàn, không ghế, không cánh chim, không trăng, không ánh sáng, không tư tưởng. Tôi đứng yên, nhắm mắt lại. Tôi mơ thấy một bông hoa lớn. Tôi ngửi nó. Tôi trèo lên cành nó và dọn giường ngủ trên những cánh hoa. Rồi tôi ngủ và tôi lại có một giấc mơ khác, tôi thấy một đứa bạn đầm trong vũng ánh sáng và máu.
George và tôi chạy xe về, con đường trước mặt được soi sáng bởi luồng ánh sáng duy nhất chiếu tỏa dưới những lồng ngực tê cứng của chúng tôi, những khớp xương ngón tay, và những con mắt nặng nề, đỏ hoe của chúng tôi. Chúng tôi chạy xe về phía thành phố tối đen được thắp bởi những đèn lồng tù mù treo trên những chướng ngại vật. Những tia sáng yếu ớt của thành phố phản chiếu từ những chiếc giầy nhà binh bóng loáng.
Khi tôi về nhà điện thoại reo nhưng tôi không bắt. Tôi nằm ngả xuống giường. Tôi không ngủ được. Tôi luồn tay dưới áo lấy khẩu súng ra giấu dưới nệm giường. Những tiếng động từ tầng dưới vọng lên: mèo cắn nhau, thỉnh thoảng tiếng chân đuổi bắt nhau, tiếng thì thầm, những tiếng thầm im lặng thấm vào đầu óc và những giấc mơ tôi rồi biến dạng thành những lời quen thuộc.
Bỗng nhiên bàn tay mẹ tôi lay tôi dậy, kéo tấm chăn và năn nỉ tôi thức dậy. Xuống đây; người ta đang tấn công vào xóm mình. Xuống và tránh xa cửa sổ. Làm cách nào mà mày ngủ được như thế chứ? Bom nổ khắp chung quanh thế này.
Bà láng giềng Nahla bên cạnh mẹ tôi, cũng năn nỉ tôi. Hãy thương mẹ mày đi cháu ạ. Đi xuống hầm trú ẩn với tụi tao. Bà ấy đã chờ mày suốt ngày suốt đêm. Sao mày lại vô tâm được đến như thế chứ? Cả đêm bà ấy không ngủ được. Còn mày ở đâu? Con sẽ núp giữa hai vách tường, tôi nói, dì với mẹ đi xuống đi; con ở đây không sao đâu.
Không, đi xuống! Tụi tao cần có người đàn ông dưới hầm trú ẩn. Xuống ngay bây giờ đi, con trai cưng. Tao van mày, trên mồ mả ông mày, xuống đi!
Chúng tôi nghe một tiếng nổ lớn. Một quả bom rơi đâu đó gần lắm. Hai người đàn bà thét lên và quăng mình nằm ép xuống sàn nhà. Gần quá! Trái này gần quá, hai người nói và chỗi dậy chạy ra hành lang. Thuỷ tinh và những mảnh đá vụn từ trên cao rơi xuống đường. Mẹ tôi run rẩy. Tôi nhìn vào mắt bà và nhận thấy những nếp nhăn đã ứa lên, đẩy nước mắt bà xuống hai gò má hóp.
Mấy đứa nhỏ, con tôi! Nahla gào lên.
Tôi níu tay Nahla lại, không cho bà chạy ra ngoài. Trái thứ nhì sắp xuống đấy, tôi nói. Ở yên đây!
Nahla cố chạy nhưng tôi giữ bà lại. Bà vùng vẫy trong tay tôi như con thú bị giam cầm. Rồi bà cào mặt tôi và chạy thoát. Tôi chạy theo bà xuống cầu thang. Trong cơn hoảng loạn, bà gào tên mấy đứa con suốt đoạn đường xuống con phố đầy mảnh thuỷ tinh vỡ. Một tiếng nổ lớn xuyên thủng, xô lắc căn chung cư. Tôi thấy ngực mình bị ép lại. Tôi nghe tiếng động của thuỷ tinh vỡ rơi sau đó; Tôi thấy một lớp khói dầy có vị bụi cũ và đất cằn. Mùi của bột và bánh mì khét xô tôi qua đám khói lên thang lầu, nơi mà, tôi gọi trong hụt hơi, Mẹ ơi.
Chương 7
Bố mẹ tôi, lúc còn sống ghét nhau, bây giờ đây yên nghỉ bên nhau, trong những chiếc hộp gỗ dưới lòng đất.
Ông bà đã cãi nhau và hét vào mặt nhau khi bố tôi về nhà muộn ban đêm hơi thở nồng mùi rượu và hai bàn tay thua bài của kẻ mê cờ bạc tát lên mặt mẹ tôi, làm mắt bà bầm tím, rồi săn đuổi bà vào tận nhà bếp dưới những chiếc dĩa để tách bay tung và trên đống đĩa đựng đồ ăn vỡ vụn. Bây giờ, dù là hai xác chết bị cắn xé ngấu nghiến bởi lũ giun nhớp nhúa, họ vẫn tiếp tục kê tủ đứng vào cổ họng nhau dưới lòng đất ẩm.
Tôi ném nắm đất đầu tiên lên quan tài mẹ tôi, rồi quay lưng, rảo bước về nhà, xa lánh tiếng cầu kinh rền rỉ, và làn khói trắng của nhang, và nước mắt.
Những ngày sau đó, làng giềng và bạn bè lại gõ cửa nhà tôi, nhưng tôi không mở. Tôi hút thuốc. Một cách nào đó, sự im lặng của những soong chảo lách cách, sự yên tĩnh của máy thâu thanh, sự vắng mặt của tiếng chổi quét sột soạt, sự lẻ loi, đem lại cho tôi sự bình yên.
Gió tự tung tự tác thổi qua hai lỗ hổng lớn trong căn nhà. Chỉ có gió vào; chỉ có gió là có thể vào. Một đêm nọ khi mở cửa ra ngoài mua thuốc lá, tôi tìm thấy một đĩa bánh mì trên bậc cửa. Người láng giềng đã để ở đó, khi những đốt xương ngón tay họ đã đỏ bầm và mệt đừ vì gõ cửa nhà tôi.
Tôi đi dài theo những con đường và bắt gặp mình trên lối vào nghĩa trang. Tôi hút thuốc, leo qua hàng rào, đứng trước một mô đất. Ngôi mộ vẫn chưa được lấp đất. Tôi đứng và lắng nghe tiếng thì thầm của bố mẹ. Hay đó là tiếng gió vỗ lên những cây thánh giá bằng đá trắng?
Khuya hôm đó, Nabila và George bẻ khóa cửa nhà tôi để vào. Nabila mặc đồ đen. Bà lao về phía tôi.
Gầy nhom, bà nói. Nhìn mày kìa, vàng vọt và gầy ốm quá đi thôi. Mày phải ăn. Dì mang thức ăn cho mày đây này. Bà ngồi ở cạnh giường tôi và nói, Con phải ăn, Bassam ạ. Làm ơn ăn giùm.
Geroge đứng lặng thinh, có vẻ hơi xa cách. Nó đi vòng quanh những đồ đạc gãy đổ, nhìn qua những lỗ thủng trên tường. Rồi nó rút bao thuốc lá, lấy một điếu đưa cho tôi. Khi nó bật cây diêm, Nabila rít vào mặt nó, Hút vậy đủ rồi. Nó phải ăn. Nhìn nó vàng khè kìa.
Ngày hôm sau, tôi trở lại bến tầu để làm việc. Gã cai Abou-Tariq thong thả bước về phía tôi. Gã chia buồn, và tôi cám ơn gã. Tôi có thể nhận ra rằng gã đang chờ dấu hiệu của nỗi buồn hoặc thấy tôi chảy nước mắt như những đợt sóng nước mặn rụng xuống chân chúng tôi và vỡ tan trên bờ mặt bê tông của bến tầu. Nhưng tôi không có nỗi buồn nào để dành hoặc để phô trương. Nếu có điều gì chăng thì cái chết của mẹ tôi đã giải thoát tôi. Bây giờ tôi không bỏ gì lại sau lưng. Cái chết của mẹ đã đem tôi đến gần chim chóc và xa loài người hơn. Chim bay, và tôi khao khát đến chuyện tôi cất cánh. Tôi muốn đi lạc, với đầu tôi gần mặt đất, ngắm nghía những viên sỏi lăn qua, và ngửi mùi bụi đất. Bây giờ tôi là sinh vật gần loài chó hơn loài người.
Cuối ngày, tôi trở về căn hộ của mình và thấy Rana ngồi chờ trên bậc thang. Tôi đi băng qua nàng không nói một lời. Nàng bước theo lên cầu thang, vào phòng ngủ của tôi. Rồi nàng đi quanh nhà thu nhặt những mảnh đồ đạc bị vỡ và những hòn đá rải rác.
Để đó đi, tôi nói.
Không! Nàng quát và bật khóc. Rồi cầm lấy tay tôi, nàng bảo, Anh phải sửa sang lại nhà cửa. Anh nghe không? Nghe em nói không?
Nàng nhặt những đồ vật, nước mắt rơi lả chả, và la tôi, Bao nhiêu ngày anh không nói một câu nào.
Tôi lặng thinh.
Đủ rồi! Nói cái gì đó đi! Nói gì đi! Nàng đẩy tôi bằng hai lòng bàn tay. Tôi định bỏ đi nhưng nàng chặn lối. Không! Anh sẽ không đi đâu hết nếu anh chưa nói gì với em. Không đâu.
Tôi đẩy nàng ra; nàng bật trở lại và chặn lối ra của tôi: Không, không. Không được im lặng nữa.
Tôi lại đẩy nàng. Nàng tát tôi. Tôi giữ tay nàng và mạnh tay đẩy nàng xuống nền nhà bụi bặm, rồi tôi bước xuống cầu thang, ra phố.
Hoàng Chính chuyển ngữ trích đoạn tiểu thuyết từ nguyên bản “DeNiro’s Game,” Anansi xuất bản 2008