Trang chính » Biên Khảo, Tiểu luận Email bài này

Cách mạng Ebook

KindleDemographics_thumb.jpg

 

 

 

Bắt đầu với một bài phỏng vấn đăng trên talawas vào cuối năm 2009, sự cố Thơ Đến Từ Đâu (TĐTĐ), như một trái bóng tuyết, lăn xuống sườn dốc nền văn học phân hóa của Việt Nam, sưu tập tiếng ồn trên đường lăn, đường kính và trọng lượng của trái bóng tăng trưởng theo cấp số nhân và gây thương tích cho không ít các tác giả hải ngoại có tác phẩm in và phát hành tại Việt Nam. Có người cho rằng toàn bộ sự kiện chỉ là một cơn bão trong chén trà, nhưng người viết bài này thì tin rằng câu chuyện không nhất thiết chỉ đơn giản như thế. Thơ Đến Từ Đâu, theo tôi, là giọt nước làm tràn ly, làm tràn cái “chén đắng” của người làm văn học hải ngoại.

Ngay từ những bước đầu gian nan, nền văn học này đã bị/được dán cho nhãn hiệu “Cánh tay nối dài” của văn học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 bất kể những chuyển động, khai phá, làm mới hoàn toàn độc lập với nền văn học trong giai đoạn chiến tranh trước đó ở miền Nam. Đánh giá này đặc biệt được ưa thích trong giới cầm chịch nền văn học nội địa bởi vì họ có thể, một cách thiếu lương thiện, gán cho nó những thuộc tính tiêu cực (được vua, thua giặc) khi cần thiết phải so sánh với nền văn học “chính thống” trong nước. Ngay cả khi được ai đó giao phó trách nhiệm nghiên cứu nền văn học này, kết quả cũng vô cùng phiến dện bởi vì “công trình” nghiên cứu được thực hiện “chỉ với mớ kiến thức đến từ một thu lượm bắt đầu và chấm dứt ở một thời điểm nào đó giữa một lục cá nguyệt” như tôi đã đề cập trong bài tiểu luận “Khi kẻ đồng lõa là nhà văn” trên mạng Hội Luận.

Cách nhìn này cũng được một số trí thức Âu Mỹ, với mục tiêu nghiên cứu chính yếu là “chiến tranh Việt Nam” thay vì “văn chương Việt Nam,” chia sẻ và áp dụng trong việc chọn lọc tác phẩm cho các chương trình giới thiệu văn học chiến tranh, điển hình là nhóm William Joiner Center (WJC) do Kevin Bowen lãnh đạo. Trong “Danh mục sách dịch sang tiếng Anh” ở vietnamlit.org, toàn bộ tác phẩm gồm văn xuôi và thơ do nhóm này thực hiện là của các tác giả sống trong nước và hầu hết là quan chức lớn nhỏ của hội nhà văn Việt Nam, một hội đoàn nằm dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của nhà nước cộng sản Việt Nam. Xin lưu ý là nhóm WJC có ảnh hưởng không chỉ trong phạm vi học đường gồm các hệ thống đại học Mỹ mà còn với một số cơ quan truyền thông như National Public Radio (NPR) và Public Broadcast Service (PBS) của Hoa Kỳ trong lãnh vực giới thiệu lịch sử chiến tranh và văn chương chiến tranh Việt Nam với khán thính giả Anh ngữ. Chỉ riêng điều này cũng đủ để đưa tác giả Việt Nam hải ngoại vào một vị trí vô cùng bất lợi so với đồng nghiệp “lề phải” của họ tại Việt Nam. Bên cạnh những gian truân, những cay đắng đã trải qua trong công cuộc xây dựng một nền văn học lưu vong từ con số không, những ứng xử vừa kể chỉ có thể làm đầy thêm cái chén đắng mà người viết hải ngoại sẽ phải uống cạn vào một lúc nào đó trong đời mình.

Bị cấm đoán hoặc làm ngơ, văn học Việt Nam hải ngoại chỉ có thể được đón nhận công khai bởi chính cái tập thể từ đó nó mọc ra: độc giả Việt Nam hải ngoại, và số độc giả này thì rất giới hạn về số lượng so với trong nước và có nguy cơ suy giảm cùng với thời gian, nhất là khi tiếng Việt trở thành thứ yếu đối với các thế hệ di dân tương lai. Ngay từ giữa những năm 90, giới làm văn học hải ngoại đã lên tiếng báo nguy về sự “lão hóa” của văn học Hải ngoại. Trong tạp chí Văn học số 153-154, nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã phân tích về khả năng này trong tiểu luận “Tình trạng lão hóa trong sinh hoạt văn học.” Sáng tác và biên khảo từ những cây bút năng nổ nhất của hải ngoại cũng bắt đầu thưa đi từ thời điểm này. Có vẻ như số phận nền văn học của người Việt lưu vong đã được phong kín: tàn lụi cùng với thế hệ di dân đầu tiên!

*

Tuy nhiên, cũng chính vào thời điểm này, một số diễn biến mới đã lần hồi giúp làm giảm đi nỗi lo ngại về sự lão hóa hay ngay cả cái chết của văn học Việt Nam Hải ngoại: “Đổi mới” ở Việt Nam và thương mại hóa Internet ở bình diện thế giới. Tuy vậy, không phải tất cả những cống hiến cho niềm hy vọng về sự trường tồn của văn học Hải ngoại từ hai sự kiện trên đều có cùng giá trị. Sự thật cho thấy Đổi mới, đặc biệt trong lãnh vực văn chương văn hóa, ở Việt nam chỉ đưa đến những cái bánh vẽ về một nền văn học Việt nam “không biên giới” hơn là những tiến bộ thật sự. Sự kiện “Thơ đến từ đâu,” nằm chông chênh giữa ước muốn chia sẻ tâm tư của tác giả ngoài nước và việc thực hiện nghị quyết 36 của nhà cầm quyền trong nước, giúp cho thấy biên giới “trong ngoài” trong đời sống và trong văn chương sẽ tiếp tục tồn tại cùng với sự vắng mặt của quyền tự do phát biểu tư tưởng của người viết, ở bên này và bên kia biên giới lãnh thổ của đất nước.

Trong khi đó, Internet, đặc biệt khi được chính thức phổ cập hóa/thương mại hóa vào năm 1997, giúp xóa bỏ dần những biên giới địa lý, nới rộng lãnh thổ văn chương của người Việt hải ngoại, gia tăng lượng người đọc, làm giảm đi nỗi lo bị tàn lụi và quên lãng mà chỉ mấy năm trước đó đã là một ám ảnh không nguôi của các tác giả lưu vong. Bắt đầu dưới dạng mail list khiêm nhường, tạp chí văn học điện tử “Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng” (VHNTLM) ấn hành số đầu tiên vào tháng bảy năm 1995 từ sáng kiến của nhà văn Phạm Chi Lan đánh dấu điểm xuất phát của nền văn học điện tử Việt Nam, cả trong lẫn ngoài nước. Áp dụng định nghĩa mà nhà lý luận Nguyễn Hưng Quốc sử dụng trong Văn Học Việt Nam Thời Toàn Cầu Hóa (1), VHNTLM là tạp chí văn chương “số” đầu tiên của Việt nam bởi vì nội dung gồm những sáng tác mới ra lò và xuất hiện trước hết trên Internet. Sau đó không lâu, ấn bản điện tử của các tạp chí định kỳ “cổ điển” (bản in giấy) lần lượt xuất hiện trên Internet, bắt đầu với Thế Kỷ 21 (Lê Đình Điểu), Văn Học (Nguyễn Mộng Giác), Văn (Nguyễn Xuân Hoàng), Hợp Lưu (Khánh Trường), và Việt (Nguyễn Hưng Quốc). Đây là thời kỳ đầu của văn chương “số hóa,” cũng theo định nghĩa của Nguyễn Hưng Quốc trong sách đã dẫn, trong đó tác phẩm in được chuyển sang dạng số (digitalized) để có thể đọc được trên Internet. Hiện tượng này xảy ra đúng như mong mỏi của người viết trong tiểu luận “Đôi điều về những sinh hoạt văn học của tuổi trẻ Hải ngoại trên liên mạng” đăng trên tạp chí Văn Học và VHNTLM vào năm 1997.

Đã có những tiến bộ nhảy vọt trong phát triển của văn học mạng Việt Nam trong những năm về sau, trước hết ở Hải ngoại và sau đó tại nội địa. Hiện nay, những địa chỉ quen thuộc nhất của bạn đọc văn chương trên liên mạng đang là tienve, damau, talawas (đã đình bản), vanchuongviet, gio-o, Diễn đàn Thế kỷ và một số diễn đàn văn chương khác. Ở hải ngoại, Diễn Đàn Thế Kỷ (hậu thân của tạp chí Thế Kỷ 21) do nhà văn Phạm Xuân Đài phụ trách là một quay lưng dứt khoát với hình thức cổ điển để bước vào không gian văn chương số. Trong khi đó, ở nội địa, trang mạng Văn chương Việt của Nguyễn Hòa và thân hữu đã có những bước phát triển nhảy vọt về lượng và phẩm, đặc biệt đóng góp của tác giả hải ngoại ngày càng xuất hiện khá nhiều và đều đặn trong thời gian gần đây. Không giống như việc ấn hành lại một số tác phẩm chọn lọc từ bản in của một tạp chí định kỳ, ở các tụ điểm văn học online này, người đọc có cơ hội thưởng thức những sáng tác, biên khảo mới nhất của các tác giả đã thành danh hoặc mới xuất hiện, cả trong lẫn ngoài nước. Đó là chưa kể đến việc các tác phẩm của ngoại quốc cũng được thường xuyên giới thiệu, chủ yếu trên tienve và damau.

*

Song song với những phát triển trong lãnh vực phổ biến/cập nhật nội dung văn học online là những hoạt động nhằm chuyển sách in qua dạng điện tử và phổ biến chúng trên hệ thống Internet. Trong số các nỗ lực giới thiệu tác phẩm của các ngòi bút thuộc dòng văn học miền Nam Việt Nam (VHMNVN) trước 1975 và văn học hải ngoại sau 1975, phải kể đến Tủ sách TalawasThư viện Trên Kệ Sách. Tủ sách điện tử talawas, gồm nhiều tác phẩm tiêu biểu/quan trọng của các tác giả thuộc nền VHMNVN 54-75, cho phép bạn đọc đọc trực tiếp khi nối mạng, hoặc có thể in ra để xem dần. Trên Kệ Sách là một thư viện điện tử khá tân tiến, bên cạnh việc đọc trực tiếp tác phẩm trong dạng iPaper với hình thức trình bày giống như sách in, có thể tải xuống máy trong dạng PDF để in ra hoặc xem trên máy vi tính. Cho đến gần đây, đã có khoảng 120 tác phẩm được phổ biến trên mạng này, bao gồm nhiều thể loại và có sự góp mặt của nhiều tác giả tăm tiếng ở hải ngoại.

Trong “sự kiện” TĐTĐ, “Nên hay không nên xuất bản sách trong nước” của Nguyễn Hưng Quốc là một trong số những bài viết hiếm hoi tôi đã đọc một cách thích thú, đặc biệt ở những phân tích chính xác tâm lý của tác giả hải ngoại về về ước mơ/nguyện vọng chính đáng được chia sẻ tư duy/cảm xúc của mình cùng đồng bào trong nước. Tuy vậy, trong khi hoàn toàn đồng ý trên nguyên tắc với phát biểu “Internet là con đường giao lưu hữu hiệu nhất giữa trong và ngoài nước,” tôi nghĩ rằng còn có nhiều việc phải làm để đưa nhận định này vào hiện thực, đặc biệt để giải quyết những vấn đề gai góc cộm lên từ sự kiện TĐTĐ và những sự kiện tương tự.

Trong bài viết đã dẫn, Nguyễn Hưng Quốc trích đặc phái viên BBC Chính Vỹ về việc “Rất nhiều tiểu luận, bản dịch xuất hiện trên Thơ, Hợp Lưu, Việt… [đặc biệt bài viết, sách của Nguyễn Hưng Quốc] đã được photocopy nhiều lần, và một ít trong số đó đã trở thành tài liệu giảng dạy trong các trường đại học” để kết luận rằng tác giả hải ngoại không cần phải in sách trong nước mà vẫn có thể đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc ở Việt Nam. Theo tôi, điều này không nhất thiết áp dụng được cho tất cả tác giả hải ngoại bởi vì không phải ai cũng được bạn đọc trong nước hăng hái tìm đọc và chuyền nhau bản photocopy! Những số liệu về tình hình truy cập của thư viện Trên Kệ Sách cho thấy ngoại trừ các tiểu thuyết dữ kiện như Mekong, Dòng Sông Nghẽn Mạch của nhà văn Ngô Thế Vinh hay các bộ sử của sử gia Tạ Chí Đại Trường, số lượng sách thuộc các thể loại khác được tìm đọc và tải xuống không nhiều lắm. Điều này không có nghĩa là các thể loại này, chủ yếu là sáng tác, kém giá trị mà có thể chỉ vì chúng không phải là mục tiêu của những công trình nghiên cứu học thuật của sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước. Cùng với tủ sách talawas, Trên Kệ Sách thường chỉ được “tìm đến” khi cần thiết cho nhu cầu biên khảo nhiều hơn là thưởng thức văn chương. Không có gì sai với điều này, bởi vì các thư khố online này và các cơ sở tương tự trong nhiều năm qua đã phục vụ tốt bạn đọc ở vị trí của một trung tâm qui chiếu và bảo quản văn học ở qui mô nhỏ. Nhưng để đi xa hơn nữa trong việc đưa tác phẩm đến “tận tay” bạn đọc thì các cơ sở này chưa hội đủ điều kiện.

Cái “chưa đủ” trong lập luận của Nguyễn Hưng Quốc chính là quan niệm “người đọc phải tìm đến tác phẩm” mà tác giả đã mang vào bài viết của mình. Trên thực tế, đặc biệt thực tế của văn học hải ngoại, chính là tác phẩm phải tìm đến người đọc, cách này hay cách khác. Cho nên Nguyễn Thị Hoàng Bắc phải hứng chịu búa rìu dư luận chỉ vì muốn thổi (thoảng) một cơn gió trên quê hương [thôi mà!]. Lẽ ra người ta không nên nặng nhẹ Nguyễn Thị Hoàng Bắc và những Nguyễn Thị Hoàng Bắc, bởi vì không có ai cho họ một chọn lựa nào khác hơn cái quyền KHÔNG [nên/được] xuất bản tác phẩm của mình trong nước. Vì sao?

Internet trong thời gian qua không nhất thiết đã thực hiện được điều mà đa số tác giả hải ngoại kỳ vọng: mang sách của họ đến với độc giả trong nước, vốn trên nguyên tắc phải nhiều gấp bội số độc giả hải ngoại nếu dựa trên tỷ lệ dân số. Quý tác giả có tác phẩm tham gia chương trình Trên Kệ Sách chẳng hạn, thường không biết có bao nhiêu độc giả trong và ngoài nước thật sự đọc một cách trọn vẹn công trình của mình. Họ rất hiếm khi nhận được hồi đáp từ bạn đọc. Ngoài ra, việc sách được phổ biến miễn phí có thể đưa đến cách đánh giá hời hợt, sai lầm về giá trị của tác phẩm, đến từ chính việc không phải tốn tiền mua sách. Cái cảm giác về chuyện “tặng không” đứa con tinh thần của mình cho đời mà vẫn không được “đời” đón nhận một cách nồng hậu nhất định không ngọt ngào tí nào đối với bất cứ ai!

Ở vị trí của độc giả trong nước, đọc một tác phẩm dài hơi trên máy vi tính không phải là điều có thể thực hiện bất cứ lúc nào cũng được. Hệ thống nối mạng thường là không ổn định lắm, việc truy cập không nhất thiết là dễ dàng. Đó là chưa kể đến nạn tường lửa, nạn tin tặc! Nếu được phép tải sách xuống máy thì cũng không tiện lợi lắm vì hoặc là vẫn phải đọc trên máy vi tính, hoặc phải in ra để đọc dần. Nhưng quan trọng hơn hết, một độc giả bình thường trong nước có thể không có đủ thông tin về văn học hải ngoại và các tác giả thuộc nền văn học bị cấm đoán này. Không biết thì không tìm đọc, ngay cả khi tác phẩm đang ở trong dạng… tình cho không, biếu không trên Internet! Đó là chưa nói đến tâm lý hoài nghi giá trị văn học của những tác phẩm “miễn phí” trên mạng mà người viết đề cập ở trên.

Một trong những phó sản không đáng hoan nghênh của các thể chế tự do dân chủ mà tuyệt đại đa số người Việt hải ngoại thừa hưởng là nạn lạm phát. Ở lãnh vực văn chương, đó là nạn lạm phát tác giả và tác phẩm bởi vì ở đây người ta có quyền tự do in ấn, xuất bản sách của mình mà không phải qua một hệ thống sàng lọc nào hết. Ngoài ra, bởi vì đội ngũ phê bình văn học hải ngoại không được dồi dào nếu không muốn nói là thiếu thốn, sinh hoạt đọc/điểm/phê bình sách tuy có nhưng phần lớn tập trung vào tác phẩm của một số các tác giả quen thuộc với độc giả hoặc quen biết với người điểm sách. Như là một hệ quả, không ai biết đã có bao nhiêu sách kém/thiếu chất lượng trong tổng lượng sách phát hành tại hải ngoại! Niềm hoài nghi của bạn đọc đối với sách miễn phí trên Internet, do đó, không phải là không có cơ sở.

Cơ chế xuất bản và phát hành trong nước thì hoàn toàn ngược lại, tác giả không thể đưa tác phẩm của mình đến với công chúng thưởng ngoạn một cách trực tiếp. Phải có ít nhất một cơ quan đứng ra nhận trách nhiệm biên tập, in ấn, và phát hành. Trong khi ai cũng biết những qui định nghiêm ngặt này chủ yếu nhắm vào mục tiêu kiểm soát/kiểm duyệt nội dung của tác phẩm, và do đó ảnh hưởng trầm trọng và thường là một cách tiêu cực lên cách đánh giá nội dung văn chương, điều này đã, ít nhất ở bề mặt, tạo cho người đọc cái cảm giác là tác phẩm đã trải qua một quy trình sàng lọc nhất định, và vì vậy, giá trị của tác phẩm có thể tin cậy được. Đó là chưa kể đến việc người đọc phải bỏ tiền túi để mua sách, chi tiết này chỉ có thể đóng góp thêm giá trị cho cuốn sách được chọn mua. Cũng có thể chính điều này, không nhiều thì ít, ảnh hưởng lên tâm lý tác giả hải ngoại bởi vì thù lao từ tác quyền, tuy không nhiều và không hề là lý do chính cho việc in sách trong nước, giúp tạo cảm giác là công sức của họ được ghi nhận qua việc người đọc phải trả giá để thưởng thức tác phẩm của họ.

Từ những điều trên, có thể hiểu được tại sao đối với một số các tác giả hải ngoại hệ thống in ấn và phát hành trong nước là con đường duy nhất hoặc chí ít, công hiệu nhất, để đưa tác phẩm của họ đến với đa số độc giả nội địa. Tất nhiên đây không phải là một chọn lựa tối ưu bởi vì nhiều khi họ phải chấp nhận một số thỏa hiệp ngụy trang dưới cái tên hiền lành “biên tập” để đứa con tinh thần của họ có cơ hội xuất hiện trên văn đàn quốc nội. Và hậu quả là những tranh luận huyên náo kiểu TĐTĐ, trong đó, một cách vô cùng lạc đề, trọng tâm của thảo luận không phải là giá trị tự thân của tác phẩm mà là… phẩm cách của [các] tác giả! Những “tranh luận” kiểu này, mà tôi cho là vô bổ, đã xảy ra hơn một lần và chắc chắn sẽ tiếp tục trừ phi xuất hiện một giải pháp có thể đáp ứng nguyện vọng chính đáng của tác giả và trong cùng một lúc không để những đứa con tinh thần của họ bị khống chế/làm què quặt bởi hệ thống kiểm duyệt của nhà cầm quyền trong nước. Không dễ dàng gì để thỏa mãn cùng một lúc cả hai yêu cầu chính đáng và khẩn thiết này!

Cũng may mà chúng ta sống trong thời điểm của mạng hóa (webinization), của văn chương số và văn chương số hóa. Không những thế, chúng ta đang ở vào giai đoạn bước-qua-dậy-thì của một cuộc cách mạng ngoạn mục nhất nhì trong lịch sử nhân loại, cuộc cách mạng có khả năng đẩy lùi cuộc cách mạng in ấn đầu tiên vào vị trí thứ yếu chỉ trong một vài thập niên trước mắt: cách mạng ebook (the ebook revolution).

*

Ebook là một từ được sử dụng rộng rãi để chỉ sách báo văn kiện trong dạng số (digitized). Toàn bộ tác phẩm ấn hành trong chương trình Trên Kệ Sách có thể được xem là ebook bởi vì chúng nằm trong định nghĩa này. Tuy nhiên, ebook mà bài viết này nhắm tới thuộc về một thể loại mới, sở hữu ít nhất hai thuộc tính quan trọng: khả năng thay thế sách in một cách toàn diện trong việc đáp ứng nhu cầu đọc của độc giả và hơn thế nữa, khả năng đáp ứng những yêu cầu mới của nền văn chương số và số hóa (digital & digitalized).

Cùng với sự phát triển đến chóng mặt của Internet là những chương trình ứng dụng, đặc biệt trong lãnh vực thông tin. Điện thoại di động chẳng hạn, bắt đầu như là một thiết bị tiện lợi thay thế hệ thống điện thoại cổ điển với đám dây nhợ lôi thôi, cùng với những phát kiến và ứng dụng mới, ngày càng thông minh hơn và có khả năng thay thế máy vi tính ở nhiều lãnh vực. Song song với diễn biến này là sự xuất hiện của những máy đọc ebook từ những cơ sở thương mại nổi tiếng như Amazon (Kindle), Barnes & Noble (Nook), Sony (Reader)… và nhanh chóng lan qua lãnh vực phần mềm ứng dụng (app/application) dành cho điện thoại thông minh/smartphone và tablets (iPhone, iPad, Google Android Xoom & Galaxy Tab, Blackberry Playbook, và còn nhiều nữa…). Ebook reader hoặc “máy đọc,” cụm từ được người viết sử dụng từ điểm này trong bài để chỉ các thiết bị điện tử hoặc chương trình điện toán ứng dụng đề cập ở trên, có những lợi thế rõ rệt so với cung cách đọc “cổ điển” hoặc “truyền thống” dành cho sách in, nhờ vào tiến bộ kỹ thuật ở nhiều lãnh vực cùng với việc kiện toàn hệ thống phân phối sản phẩm. Có thể kể ra một số những lợi điểm vượt hẳn sách in như dưới đây:

· Thư viện bỏ túi: Mỗi máy đọc là một thư viện bỏ túi và do đó di động, có thể chứa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cuốn sách được sắp xếp/lưu trữ một cách thứ tự, vô cùng tiện lợi cho việc truy cập.

· Ngay lập tức: Sách được phân phối ngay đến tài khoản của bạn đọc sau khi hoàn tất dịch vụ mua trên hệ thống/kênh phân phối online.

· Bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu: Sau khi sách được gởi đến hoặc được tải xuống máy đọc, người đọc có thể đọc sách bất cứ lúc nào bất kể máy đọc có đang nối mạng (online) hay không (offline). Nếu người đọc sở hữu nhiều máy đọc khác nhau, sách trong cùng tài khoản có thể đọc được từ tất cả các máy đọc này.

· Tiện nghi hơn đọc sách in: Hầu hết các máy đọc đều kèm theo những tiện ích mà sách in không thể nào so sánh được, thí dụ như nhớ giúp người đọc trang cuối cùng (ngay cả khi dùng các máy đọc khác nhau nhưng nhập vào cùng một tài khoản), đổi font chữ lớn nhỏ tùy thích, “nhảy” ngay đến chương hoặc trang chọn lựa, tìm (search) bất cứ cụm từ nào trong sách đang đọc, đọc vào ban đêm mà không cần đến đèn đuốc, v.v…

Cùng với những tiện nghi kể trên, máy đọc ebook đưa khái niệm liên văn bản (hypertext) vào thực tế “đọc” một cách trực tiếp và ngay tức khắc, điều mà sách in hoàn toàn bất lực. Hypertext là “loại văn bản phi tuyến tính, liên văn bản, đa tâm, bất định và bất liên tục, nặng tính chất tương tác cũng như tính chất trình diễn” (Nguyễn Hưng Quốc, sđd). Ebook, khi được nối mạng (online), cho phép nhảy đến các điểm nối kết (link) trong bài. Tính trình diễn được thể hiện với không chỉ ngôn ngữ mà còn với âm thanh, hình ảnh tĩnh hoặc động, và với ebook, điều này hoàn toàn nằm trong khả năng. Một cách ngắn gọn, ebook, xuyên qua máy đọc, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đọc và phổ cập hóa các tác phẩm thuộc nền văn chương số.

Những tiện nghi kể trên giúp gia tăng số lượng độc giả và sách xuất bản/ấn hành trong dạng ebook một cách vô cùng nhanh chóng. Trong Văn Học Việt Nam Thời Toàn Cầu Hóa, dựa trên số liệu về ebook cho năm 2004 của tạp chí Business Week, Nguyễn Hưng Quốc đã tiên đoán tương lai của ebook ở đoạn văn dưới đây:

Ngày trước, nói đến sách, người ta liên tưởng ngay đến giấy. Bây giờ có sách điện tử (ebook). Đã đành trên phạm vi thế giới, sách điện tử chưa thực phổ biến và chưa phải là một đe doạ đối với sách in theo kiểu truyền thống. Nhưng nên nhớ là tuổi tác của sách điện tử còn quá nhỏ. Để trở thành phổ biến, sách in cần đến mấy trăm năm. Sách điện tử, ngược lại, chỉ mới manh nha. Mới manh nha nhưng nó lại đầy tiềm lực, và do đó, đầy tương lai: Nó được nuôi dưỡng, trước hết, trong lãnh vực giáo dục, nơi đào luyện các thế hệ người đọc sắp tới. Cứ thử vào thư mục trên mạng của các thư viện đại học mà xem: số lượng sách điện tử càng ngày càng nhiều. Tại Úc, người ta đang chuẩn bị phát hành các loại sách giáo khoa các cấp, từ tiểu học đến trung học, dưới hình thức sách điện tử để trẻ em khỏi phải mang những túi xách nặng trĩu sách vào lớp học. Cuộc cách mạng giáo dục mà chính phủ Lao Động tại Úc hiện đang hô hào có một nội dung rất cụ thể: mỗi học sinh một chiếc máy vi tính cầm tay (laptop). Cả ngày các em tìm và đọc tài liệu, viết bài, trao đổi thư từ với bạn bè và thầy cô giáo, thậm chí, chơi game trên máy vi tính. Việc các em ấy, sau này, thích đọc sách điện tử hơn sách in là điều có thể đoán được. Nhìn các em bây giờ, do đó, có thể mường tượng hình ảnh sinh hoạt văn học trong vài thập niên tới.

Điều Nguyễn Hưng Quốc tiên đoán chắc chắn sẽ xảy ra. Có điều, có lẽ không cần đến vài thập niên! Và điều “Chưa phải là mối đe dọa…” vào năm 2004 đã là “Đã là…” vào đầu năm 2011. Gần đây Amazon công bố số liệu (07/2010) về sự kiện ebook vượt qua sách in (02/2011) về tổng số sách do công ty này bán được (2). Một tin khác, cũng rất đáng được quan tâm, công ty phát hành sách Borders vừa khai phá sản (02/2011), và một trong những lý do chính được nhật báo Wall Street Journal chỉ ra một cách chính xác như dưới đây:

[Borders đã] thất bại trong việc vun xới một hiện hữu đầy ý nghĩa trên liên mạng hoặc trong lãnh vực ngày càng phổ cập của ebook, đặc biệt vào thời điểm mà những tiệm sách đồ sộ không còn thu hút được sự lưu tâm của xu hướng văn hóa đại chúng nữa! (3)

Những thay đổi lớn trong xu hướng văn hóa đại chúng (broad cultural trend) có dính líu đến kỹ thuật thường phát khởi từ và tiếp nhận trước hết bởi giới trẻ. Tuy vậy, những số liệu thống kê về độ tuổi của những người sở hữu máy đọc Kindle của Amazon làm đảo lộn dự đoán thông thường của đa số về khả năng tiếp thu nền văn hóa đọc mới của giới trung niên và lão thành. Theo biểu đồ dưới đây, thành phần đông đảo nhất (75.7%) gồm những người trên 34 tuổi. Có nhiều cách giải thích hiên tượng này, nhưng theo người viết, lý do quan trọng nhất vẫn là những dễ dàng và tiện lợi trong việc khiển dụng máy đọc, bất kể là thiết bị điện tử (Kindle, Nook…) hoặc phần mềm ứng dụng cài đặt trên tablet hoặc điện thoại thông minh các loại. Điều này đã giúp tháo gỡ cái rào cản gồm những yêu cầu tối thiểu về kiến thức và thao tác kỹ thuật mà không ít những người lớn tuổi khó vượt qua. Có thể nói, bên cạnh hệ thống phân phối ebook đầy hiệu năng, “dễ dàng và tiện lợi” trong việc sử dụng máy đọc là yếu tố quan trọng nhất trong việc ”mang ebook đến tận tay bạn đọc” mà người viết nhắc đến nhiều lần ở trên. Cái đám đông mù chữ số mà Nguyễn Hưng Quốc nói đến trong sách đã dẫn có lẽ sẽ không nhiều lắm chính vì cái yếu tố dễ dàng và tiện lợi này. Nếu phải mù chữ số, nguyên nhân nhiều phần sẽ là do chọn lựa hơn là do thiếu khả năng hội nhập.

 

Thanh niên (18-34) – 22%
Trung niên (35-54) – 38.4%
Cao niên (over 54) – 37.3%

KindleDemographics

Nguồn: Kindle Demographics
http://kindleculture.blogspot.com/2009/04/kindle-demographics.html

 

Những diễn biến và số liệu nêu trên cho thấy cuộc cách mạng non trẻ ebook mang tính khẩn trương, toàn diện, và toàn cầu. Độc giả và tác giả khắp nơi đều nằm trong tầm ảnh hưởng của nó, cách này hay cách khác. Tất nhiên là người ta có thể chọn đứng ngoài hoặc ngay cả chống đối nhưng không thể từ chối sự hiện hữu của cuộc cách mạng này, đơn giản bởi vì không thể chống lại một điều không hề xảy ra! Lý do phổ biến nhất để không phải tham gia cách mạng ebook sẽ/vẫn là “cái cảm giác không thể thay thế/tước bỏ được của việc nâng niu, ôm ấp cuốn sách in ngát hương giấy mới…” Đó là chưa kể đến xác hoa ti gôn héo khô nằm e ấp giữa hai trang sách, dấu son môi nhạt nhòa của khung trời ngày cũ, giọt nước mắt một lần nhỏ xuống trang giấy (và sẽ không bao giờ bốc hơi) từ cuộc tình ngang trái, vân vân và vân vân… Người viết không hề có ý định tranh cãi về những điều như thế cũng như sẽ không tranh cãi về một điều tương tự: lửa. Một cách thận trọng, có thể cho rằng lửa được loài người khám phá và học cách chế ngự hơn nửa triệu năm về trước, nhưng điều này không hề ngăn cấm món cá sống (sushi) của Nhật tiếp tục là một trong những thực đơn ưa thích của nền ẩm thực thế giới!

Thay vào đó, thử bàn về cuộc cách mạng ebook và nền văn học tiếng Việt, trong đó có phần đóng góp quan trọng của tác giả/tác phẩm ở bên ngoài đất nước.

*

Tôi cho rằng thay vì tránh né hay trì hoãn, giới làm văn học hải ngoại cần thiết phải rút ra những nội hàm quan trọng từ cuộc cách mạng này, và áp dụng những lợi thế của ebook để phá bỏ những rào cản cuối cùng trong việc mang tác phẩm của mình đến với bạn đọc tiếng Việt trên toàn thế giới, đặc biệt đến người đọc trong nước. Công cuộc này, nếu thực hiện tốt, sẽ không chỉ chấm dứt những tranh luận vô bổ nhắm vào cá nhân người viết thay vì giá trị tự thân của tác phẩm mà còn giúp khai quang con đường đưa đến nền văn hóa đọc mới cho giới thưởng ngoạn văn học Việt ngữ nói chung.

Một nền văn hóa đọc, cổ điển hay hiện đại, có những yêu cầu đặc thù của nó. Văn hóa đọc mới cần có tác phẩm trong dạng/hình thức mới, tức dạng số hoặc số hóa, cần một hay nhiều hệ thống/kênh phân phối đến người đọc, và sau hết, cần có người đọc. Những điều kiện này được thỏa mãn bởi cuộc cách mạng ebook, dù đang ở giai đoạn phát triển, như đã trình bày ở trên. Có thể nói các sách in ấn hành bởi các nhà xuất bản tăm tiếng trên thế giới trong thời gian gần đây thường đi kèm với ít nhất một ấn bản trong dạng ebook. Những cơ sở phát hành ebook mọc ra ngày càng nhiều hơn, trong đó các trung tâm hàng đầu gồm có Amazon, Google Books, Barnes and Noble, Apple iTune (iBooks), và một số các trung tâm “tự phát hành” như Smashwords.com… Ở yêu cầu thứ ba, độc giả, số lượng người đọc ebook gia tăng hàng ngày, và nhất định sẽ nhanh chóng thay thế phần hao hụt ở số lượng độc giả “cổ điển” trong những năm tháng sắp tới. Một trong những yếu tố thúc đẩy việc gia tăng số lượng độc giả ebook một cách vô cùng nhanh chóng (và chưa được người viết đề cập đến) là ebook làm giàu thêm kinh nghiệm đọc của độc giả thay vì buộc họ phải chọn lựa giữa nó và sách in. Sự thật là tất cả độc giả ebook cũng là độc giả sách in, và trong số họ, tôi không tin là đã có nhiều người liệng bỏ tủ sách chọn lọc của mình. Nếu một ngày nào đó vai trò sách in trở nên thứ yếu, chính là vì nó không có khả năng đáp ứng những yêu cầu của một nền văn chương mới, văn chương số và số hóa.

Những sự kiện nêu trên, tuy vậy, dựa trên những phát triển mới nhất trong lãnh vực sách báo Âu Mỹ, chủ yếu là sách báo Anh ngữ, thứ ngôn ngữ mạnh hàng đầu thế giới. Liệu cuộc cách mạng ebook sẽ có những ảnh hưởng đáng kể nào lên một ngôn ngữ yếu kém như tiếng Việt, đặc biệt văn chương Việt ngữ, trong đó có văn chương hải ngoại?

Để đọc tác phẩm số/số hóa với sự dễ dàng và tiện lợi vượt xa sách in, chúng ta cần đến máy đọc. Các thiết bị điện tử này không phải rẻ tiền, nghĩa là không phải độc giả nào, đặc biệt độc giả trong nước, cũng có khả năng mua sắm được. Tuy vậy, theo một báo cáo tìm thấy trên trang mạng Vietnam Financial Review của bộ tài chánh Việt Nam trong tháng 8, 2010, số lượng khách hàng điện thoại thông minh tăng 15% hàng năm. Các báo cáo nghiên cứu thị trường của các hãng sản xuất điện thoại di động quốc tế cũng ghi nhận khuynh hướng này ở Việt Nam và các nước láng giềng. Như vậy chỉ còn là vấn đề thời gian để khả năng hòa nhập nền văn hóa đọc mới trở nên phổ cập hơn ở Việt Nam (4).

Thứ đến, để mang ebook đến “tận tay” người đọc, cần đến khả năng in ấn và phát hành. Khâu in ấn không phải là điều khó thực hiện, và không những thế, rất ít tốn kém. Đây là một lợi thế của ebook mà sách in không thể nào so sánh được. Không cần đến những nhà máy in hiện đại và hàng tấn giấy đắt tiền, một ấn bản điện tử duy nhất của tác phẩm đủ để phân phối đến độc giả của nó ở khắp địa cầu. Tất nhiên là cần có một hay nhiều kênh phát hành ebook để thực hiện công việc phân phối tác phẩm một cách hữu hiệu như thế. Ở phần trên, người viết có nhắc đến Amazon, Google Books, Barnes and Noble, Apple iTune (iBooks), những cơ sở phát hành ebook lớn nhất nhì thế giới. Hiện tại (tháng 3, 2011), những trung tâm này, một cách đáng tiếc, không chính thức hỗ trợ tác phẩm viết bằng tiếng Việt chính vì vị trí nhược tiểu của Việt ngữ trên thị trường sách báo thế giới. Hiện nay các trung tâm này thường chỉ chấp nhận Anh ngữ và một nhúm các ngôn ngữ ở Âu châu như Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha… mà thôi. Bản thân người viết đã bỏ nhiều thì giờ, công sức, và ngay cả sử dụng chính tác phẩm của mình như là vật tế thần với hy vọng mang tác phẩm Việt ngữ đến với chương trình Kindle Direct Publishing (KDP) của Amazon nhưng tiếc đã không gặt hái được kết quả nào đáng kể. Cũng không thể trách Jeff Bezos, vị chủ tịch “lắm mồm và ồn ào nhất” của công ty Amazon, bởi vì ngay cả thứ ngôn ngữ sử dụng bởi 1.5 tỷ người Hoa cũng chưa được ông ta ngó ngàng đến.

Trở ngại đến từ vị trí yếu kém của Việt ngữ tuy có thể gây khó khăn cho công việc phát hành ebook nếu chỉ dựa vào các hệ thống phân phối lớn và gần như tuyệt hảo nói trên, không nhất thiết phải làm cho việc này trở nên bất khả. Vẫn còn có nhiều lựa chọn trong việc đưa ebook tiếng Việt đến tận tay bạn đọc. Chúng ta có thể sử dụng các trung tâm “tự phát hành” (Ebook self-publishing center) hoặc tự đảm nhiệm công việc này ở vị trí của một trung tâm xuất bản và phát hành ebook, hoặc kết hợp thực hiện cả hai điều trên cùng một lúc, điều mà người viết tin rằng nên và cần.

Bằng cách sử dụng các trung tâm “tự phát hành” uy tín trên Internet, chúng ta có thể lợi dụng hệ thống phân phối của họ để đưa sách đến tay bạn đọc một cách nhanh chóng và hiệu quả. Trung tâm tự phát hành Smashwords.com chẳng hạn, bên cạnh khả năng quản lý hệ thống phát hành riêng của mình, còn giúp phân phối sách nằm trong “Premium Distribution List” (PDL) đến các “kênh” phân phối ebook quan trọng khác như Apple, Amazon, B&N, Diesel, Kobo, và Sony. Một điều người viết chưa rõ là các ebook Việt ngữ (bị từ chối nếu phát hành trực tiếp trên một số kênh phân phối nói trên) có được chấp nhận xuyên qua “Premium Distribution List” của Smashwords hay không. Trong mọi trường hợp, sử dụng các hệ thống tự phát hành cho phép ebook có nhiều cơ hội đến với một khối lượng độc giả đông đảo hơn và đồng thời tạo điều kiện cho việc xâm nhập các hệ thống ấn/phát hành ebook lớn nhất hành tinh.

Tự xuất bản và phát hành ebook tất nhiên sẽ đòi hỏi nhiều hơn tài nguyên và công sức của nhóm thực hiện. Tuy nhiên, một cơ sở xuất bản và phát hành ebook của người Việt hải ngoại sẽ vô cùng cần thiết trong giai đoạn này để không chỉ đáp ứng những yêu cầu của văn chương số/số hóa (văn hóa đọc mới) mà còn để giải quyết một số vấn nạn cơ bản vốn là nguyên nhân đưa đến những tranh cãi vô bổ, thừa sôi bỏng nhưng thiếu hòa nhã trong vụ TĐTĐ và các sự kiện tương tự …

Trước hết, một cơ sở in ấn và phát hành ebook ở hải ngoại sẽ giúp các tác giả giải quyết khâu kỹ thuật trong việc tạo/định dạng (format) và ấn hành tác phẩm theo yêu cầu dành cho ebook cũng như việc đưa tác phẩm vào các kênh phân phối đề cập ở trên. Cơ sở này đồng thời giúp giải quyết các vấn đề kỹ thuật mà người đọc có thể gặp phải trong việc sử dụng máy đọc các loại. Ngoài ra, việc quản lý số lượng sách bán được và tiền thu nhập từ việc bán sách trên nhiều kênh phân phối cũng được đảm nhiệm bởi trung tâm này. Nói chung, ở nhiều khía cạnh, một cơ sở tự xuất bản khiêm nhường như vậy thật ra có thể đảm nhiệm các chức năng tương tự một hệ thống xuất bản và phát hành “cổ điển” có tầm cỡ.

Tuy vậy, tiến bộ kỹ thuật không thể giải quyết một số vấn nạn căn bản mà văn học hải ngoại phải đối diện, trong đó có việc thẩm định giá trị của tác phẩm sẽ được xuất bản và phát hành. Cuộc cách mạng ebook, với tất cả những ưu điểm của nó, thật ra không giúp gì được cho việc nâng cao chất lượng tác phẩm. Không những thế, với giá thành rẻ mạt cùng với những yêu cầu tối thiểu về kiến thức kỹ thuật liên quan đến việc ấn/phát hành ebook, nạn lạm phát “tác phẩm” và từ đó nạn lạm phát “nhà văn,” “nhà thơ” sẽ chỉ có thể tăng chứ không giảm. Trên thực tế, điều này đã xảy ra trên các hệ thống tự xuất bản mà người viết đề cập ở trên. Thử nhìn qua đại tác phẩm Bông Cỏ May của Le Hoang Truc với những lời [tự] giới thiệu người viết tạm dịch dưới đây:

Một tập hợp gần 200 bài thơ tiếng Việt của Le Hoang Truc, một trong các nhà thơ sáng tạo và có hiệu năng nhất trong nhiều thế kỷ vừa qua… Thơ hài hước của cô/bà [Le Hoang Truc] từng được so sánh với thơ của thi sĩ bất tử Hồ Xuân Hương.

Một tệ nạn khác, nạn xâm phạm tác quyền (copyright infringement), cũng có vẻ như đang trên đà phát triển. Tuyển tập 32 Truyện Ngắn Hay do Pham Lam Khai thực hiện gồm nhiều truyện ngắn “hay và đặc sắc” của các tác giả trong nước như Bảo Ninh, Chu Lai, v.v… và đề giá bán gần 10 đô la trên hệ thống tự phát hành Smashwords. Trừ phi sách được xuất bản với sự đồng ý của quý tác giả có tên trong tuyển tập, và trong trường hợp này người viết xin chân thành tạ lỗi cùng biên tập viên kiêm nhà xuất bản Pham Lam Khai, sự hiện diện của một tập hợp như vậy mang nhiều vết tích của một vụ ăn cắp hầu như công khai tài sản trí tuệ mà các tác giả liên hệ cần lưu tâm (và chấp nhận nợ người viết một chầu café!).

Ở vị trí một cơ sở ấn/phát hành ebook hải ngoại, những hiện tượng tiêu cực như thế có thể tránh được với việc thành lập một ban tuyển đọc tin cậy bao gồm các nhà phê bình, lý luận, và các tác giả uy tín để thẩm định, chọn lọc, và giới thiệu các tác phẩm sẽ được ấn/phát hành trong dạng ebook. Bằng cách thực hiện tốt phần tuyển đọc, người viết tin rằng cơ sở xuất bản ebook hải ngoại sẽ nhanh chóng xác lập vị trí quan yếu và vô cùng hữu ích của nó không những cho người viết ở hải ngoại mà cả trong nước nữa, đặc biệt cho các tác giả không muốn dựa dẫm vào hệ thống xuất bản “lề phải.” Thêm vào đó, nhờ ở vị trí độc lập độc đáo của ban tuyển đọc, điều mà tất cả các biên tập viên của tất cả các nhà xuất bản nội địa chỉ có thể mơ ước, tác phẩm gởi đến của cơ sở xuất bản này chắc chắn sẽ không bị phân biệt đối xử bởi những tiêu chí ngoài văn chương, đặc biệt là chính kiến! Để tránh những xâm phạm tác quyền công khai hay lén lút, cơ sở ấn/phát hành ebook hải ngoại có thể giúp tác giả trong việc xác lập và bảo vệ tác quyền của mình trong các ấn bản khác nhau (ebook hoặc sách in) bằng cách áp dụng một ISBN (International Standard Book Number) riêng biệt cho mỗi ấn bản. Sau hết, cho các thực khách trung thành của món shushi văn chương, sách in theo yêu cầu (Print On Demand hoặc POD) có thể được thực hiện bằng cách hợp tác với các cơ sở in ấn có thiện chí. Thư Ấn Quán, do nhà văn Trần Hoài Thư trách nhiệm, có nhiều kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ in theo yêu cầu này và trong nhiều năm qua đã có những đóng góp lớn lao và đầy ý nghĩa trong việc phục hồi và bảo tồn một số tác phẩm thuộc nền VHMNVN 54-75.

*

Trở lại với vấn nạn TĐTĐ. Thơ NÊN đến từ… ebook! Ebook, như đã trình bày, là một giải pháp không chỉ khả thi mà còn vượt trội những lựa chọn hạn hẹp mà tác giả hải ngoại đang có: nên hay không nên in sách trong nước (với nhiều phiền toái và khả năng phải thỏa hiệp)! Với ebook, tác giả có thể mang sách của mình đến tận tay bạn đọc trong nước mà không phải thỏa hiệp với hệ thống kiểm duyệt của nhà cầm quyền. Ebook đưa nhận định “Internet là con đường giao lưu hữu hiệu nhất giữa trong và ngoài nước” của Nguyễn Hưng Quốc từ lý thuyết vào thực tế, và giúp chấm dứt những tranh luận vô bổ nhắm vào phẩm cách tác giả như đã xảy ra trong vụ TĐTĐ. Không những thế, ebook còn có khả năng sửa sai các tác phẩm đã bị làm thành dị dạng bởi lưỡi kéo kiểm duyệt trước đây bằng cách cho ấn hành nguyên bản trong dạng ebook, cho phép bạn đọc có cơ hội so sánh và tự rút ra những kết luận về tác hại của kiểm duyệt lên đời sống văn hóa của chính họ và của đất nước. Và khả năng này không chỉ áp dụng riêng cho tác giả ở hải ngoại mà cả tác giả trong nước nữa. Một điều quan trọng mà tác giả trong nước cần lưu ý là vấn đề tác quyền. Trong mọi trường hợp, chỉ nên hợp đồng bản quyền sách in khi xuất bản và giữ lại cho mình tác quyền trọn vẹn ở các định dạng khác, kể cả và nhất là ebook. Như vậy, tác giả có thể chọn xuất bản cùng một cuốn sách trong dạng ebook không cắt xén, không “biên tập” chừng nào tác giả chấp nhận chịu trách nhiệm về những điều mình viết xuống (kể cả việc bị công an văn hóa sách nhiễu).

*

Với tất cả những dễ dàng và thuận tiện trong việc ấn/phát hành ebook, một số thức giả nghĩ xa trông rộng có thể đưa ra mối quan ngại về khả năng cạnh tranh của các cơ sở xuất bản trong nước, đặc biệt những cơ sở quốc doanh với số ngân khoản không giới hạn có thể làm giảm hay ngay cả triệt tiêu sự quan yếu của một cơ sở ấn/phát hành ebook hải ngoại và biến những nỗ lực xây dựng một cơ sở như thế trở nên vô nghĩa. Đây là một quan ngại hợp lý, và một hay nhiều cơ sở ấn/phát hành ebook quốc nội nhất định sẽ xuất hiện, sớm hay muộn (4). Câu trả lời của người viết là không những không nên lo ngại mà còn nên cầu mong cho các cơ sở này xuất hiện càng sớm và càng nhiều!

Đã có ít nhất một cơ sở xuất bản trong nước cất những bước “e ấp” vào lãnh thổ ebook (5), và điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Vào khoảng tháng 10 năm 2010, Nhã Nam ấn hành 4 ebook trên hệ thống Smashwords, và tất cả đều là sách dịch được số hóa từ dạng cổ điển (sách in) ấn hành bởi chính nhà xuất bản này trước đó. Tại sao toàn sách dịch? Có thể bởi vì sách dịch được ưa thích hơn các thể loại khác. Có thể bởi vì các tác giả là người ngoại quốc và qua đời đã lâu (không nên làm phiền người chết!). Cũng có thể đây là một phương án tốt để thăm dò khả năng của thị trường ebook phôi thai ở Việt Nam, nhưng người viết e rằng mục tiêu thăm dò không chỉ dừng lại ở đó. Bất kể vùng vẫy ở môi trường nào, dưới “đất” hay trên” siêu không gian,” các cơ sở xuất bản nội địa không thể nào thoát khỏi mạng lưới kiểm duyệt tinh vi và hiệu quả của nhà cầm quyền. Để kiểm soát những gì được phát hành, bất kể là sách in hoặc ebook, nhà cầm quyền chỉ cần khống chế những người chịu trách nhiệm các cơ sở in ấn và phát hành, một việc vô cùng đơn giản và vô cùng dễ dàng đối với các thể chế toàn trị. Cho nên, Nhã Nam hay bất cứ cơ sở xuất bản nào khác sẽ không bao giờ có được toàn quyền quyết định trong việc giới thiệu đến công chúng thưởng ngoạn các tác phẩm toàn vẹn, phản ánh trung thực tư tưởng và chữ nghĩa của tác giả. Điều an toàn nhất cho Nhã Nam và các cơ sở xuất bản tương tự là in lại trong dạng ebook các sách đã được cấp phép (nghĩa là đã được “biên tập” bởi công an văn hóa)và phát hành trong dạng sách in trước đó. Chính là điều này chứng minh sự cần thiết không thể thay thế được của một cơ sở ấn/phát hành hải ngoại, nơi mưu đồ áp đặt các hàng rào phi văn chương, đặc biệt là chính kiến, của bất cứ thế lực nào sẽ không có cơ hội được thực hiện! Trong cùng một lúc, việc xuất hiện các cơ sở ấn/phát hành ebook trong nước sẽ có những đóng góp tích cực của nó, đặc biệt ở mặt phát triển số lượng độc giả ebook ở nội địa, một yêu cầu thiết yếu cho việc hòa nhập vào nền văn hóa đọc mới của thế giới nói chung và khả năng thưởng thức một cách thuận tiện các tác phẩm nằm ngoài hệ thống kiểm duyệt của nhà nước nói riêng. Cho nên, hãy cùng cầu mong điều này sớm xảy ra ở Việt Nam (5).

*

Như đã nhấn mạnh nhiều nơi trong bài viết, việc xây dựng một cơ sở ấn/phát hành ebook của giới làm văn học hải ngoại không chỉ cần thiết mà còn cấp bách, và cần đến sự đóng góp của nhiều bàn tay. Vươn dậy từ hoang tàn đổ nát của cuộc chiến nồi da xáo thịt, những người viết ngoài nước, trong hơn ba thập kỷ lưu vong, xuyên qua kinh nghiệm ở tầm vóc thế giới mà họ thu thập được bằng cách học hỏi, thử nghiệm, sáng tạo, phê phán, và sàng lọc, đã cách này hay cách khác cống hiến cho một số những chuyển hướng quan trọng của văn học Việt Nam nói chung và văn học trong nước nói riêng.

Sống và làm việc trên các đất nước phát triển Âu Mỹ, người viết hải ngoại không chỉ chứng kiến mà còn cọ sát với những chuyển động mới nhất của cuộc cách mạng ebook hầu như mỗi ngày. Đây là những trải nghiệm mà đồng nghiệp của họ ở trong nước không dễ dàng gì có được. Ở vào giai đoạn non trẻ của cuộc cách mạng ebook, chính vào thời điểm này, giới làm văn học hải ngoại một lần nữa cần thiết phải nhận lấy vai trò tiên phong trong việc xây dựng một nền văn hóa đọc mới cho nền văn học Việt ngữ, bắt đầu với việc xây dựng một cơ sở ấn/phát hành ebook cho chính mình.

Sẽ luôn luôn có những thử thách lớn chờ đợi người ở tuyến đầu, nhưng điều này hoàn toàn nằm trong dự kiến.
 

PN 04/2011

 

Ghi chú:

  1. Văn Học Việt Nam Thời Toàn Cầu Hóa, Nguyễn Hưng Quốc – Văn Mới, California, USA, 2010.
  2. Tin mới nhất từ tạp chí kỹ thuật online Engadget cho thấy số lượng ebook bán ra tăng gấp ba lần hàng năm, và trong cùng một lúc, số lượng sách in sút giảm ở tất cả các thể loại chính: http://www.engadget.com/2011/04/15/e-book-sales-triple-year-over-year-paper-books-decline-in-every/
  3. Borders’s finances crumbled amid declining interest in bricks-and-mortar booksellers, a broad cultural trend for which it offered no answers. The bookseller suffered a series of management gaffes, piled up unsustainable debts and failed to cultivate a meaningful presence on the Internet or in increasingly popular digital e-readers. Its online struggles proved critical as consumers became accustomed to getting books mailed to their doorsteps or downloaded to handheld electronic devices.
  4. Trong lần về Việt Nam gần đây, người viết nhận thấy các loại “máy đọc” đề cập trong bài được bày bán trong các cửa hàng vi tính/điện tử ở các thành phố lớn. Tuy giá thành còn cao, điều này là một khích lệ cho việc du nhập và phát triển cách mạng ebook tại Việt Nam.
  5. Khi bài này đang còn trong dạng chưa hoàn chỉnh, người viết nhận được tin là nhánh ebook của nhà sách Phương Nam trong nước đã bắt đầu hoạt động. Đây là một tin đáng khích lệ cho việc phổ cập hóa ebook ở nội địa.

bài đã đăng của Phùng Nguyễn

Cancel


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

23 Bình luận

  • Ninh Hòa says:

    Kindle và KoboReader dùng kỹ thuật e-ink (mực điện tử), nên nhẹ hơn iPad nhiều, và có thể đọc ngoài trời nơi có nhiều ánh sáng, và cũng không tốn pin. Mỗi thiết cụ có điểm lợi/hại khác nhau, tùy nhu cầu người dùng thôi.

  • Kính anh/chị Điền L.;

    Cám ơn tin tức về thiết bị đọc Kindle. Tôi không có Kindle nên cảm thấy khá bất ngờ về chuyện Kindle cần đèn để đọc vào ban đêm. Có một số lập luận nhằm bênh vực sự khiếm khuyết này, nhưng tôi nghĩ điều tốt nhất là Amazon phải khắc phục ở các version mới của Kindle. Tôi không gặp trở ngại đọc ebook trên các thiết bị iPad, iPhone, Android, v.v… ngày hay đêm!

    PN

  • Điền L. says:

    Cám ơn tác giả Phùng Nguyễn đã cho một bài viết rất chi tiết về ebook. Tôi có mua Kindle Wi-Fi và có nhận xét sau:
    – Trong bài viết PN có 1 nói máy đọc ebook “đọc vào ban đêm mà không cần đến đèn đuốc, v.v…”. Sư thực thì Kindle phải cần đèn để đọc, y như ta phải dùng đèn để đọc sách vậy (trong khi iPad thì không cần đèn vì màn ảnh LCD tự phát ra ánh sáng).
    – Có khá nhiều mạng Việt Nam có ebook bằng tiếng Việt và có khá nhiều sách, nhất là truyện chưởng. Thí dụ như người đọc có thể tải xuống tòan tập 14 truyện của Kim Dung dưới dạng prc đọc thẳng bởi Kindle.

  • Phùng Nguyễn says:

    Xin được trả lời chung quý anh chị Nhã Thuyên, Đặng Đình Túy, Vi Lãng:

    A. Kế hoạch xây dựng và phát triển một cơ sở ấn/phát hành ebook cho tác giả hải ngoại (và các tác giả trong nước muốn ấn hành tác phẩm của mình một cách độc lập) đang ở trong giai đoạn đầu. Theo dự định, những bước sau đây sẽ được thực hiện:

    1. Tái thiết kế mạng Trên Kệ Sách http://kesach.org để có thể đáp ứng được chức năng mới liên quan đến việc ấn/phát hành ebook

    2. Thành lập ban tuyển đọc xuyên qua việc mời các nhà phê bình, lý luận, và các tác giả uy tín ở hải ngoại để thẩm định, chọn lọc, và giới thiệu các tác phẩm sẽ được ấn/phát hành trong dạng ebook

    3. Thành lập ban kỹ thuật để giúp thực hiện các thao tác kỹ thuật trong việc hoán chuyển định dạng của bản thảo và các yêu cầu khác trong quy trình ấn/phát hành ebook.

    Vì mọi việc chỉ mới bắt đầu nên chưa có đủ thông tin về thành phần ban điều hành cơ sở phát hành ebook Kệ Sách và danh sách Ban tuyển đọc. Tuy nhiên, Kệ Sách dự định sẽ phát hành đợt ebook đầu tiên (khoảng 5 đến 10 đầu sách) vào khoảng giữa tháng 5/2011. Vào lúc đó sẽ đồng thời công bố danh sách các tác giả trong Ban tuyển đọc.

    B. Quý tác giả muốn tham gia chương trình ebook của trung tâm phát hành ebook Kệ Sách cần chuẩn bị một bản thảo trong dạng MS Word (.DOC) với một số quy định về thể thức định dạng (format) mà chúng tôi sẽ thông báo một cách chi tiết trên trang nhà kesach.org. Bản thảo sẽ được ban tuyển đọc bình chọn và đưa vào danh sách các tác phẩmsắp ấn hành . Sẽ có một số thảo luận cụ thể giữa tác giả và ban điều hành về các chi tiết liên quan đến ISBN, giá bán, hình thức thanh toán thu nhập từ việc bán sách v.v… Nói chung, bản quyền của ấn bản ebook thuộc về tác giả và tác giả có thể chọn phát hành miễn phí tác phẩm của mình nếu muốn. Ngoài ra, tác giả sẽ có cơ hội phổ biến cùng một tác phẩm trong dạng sách in (đã xuất bản từ trước) nếu có yêu cầu của độc giả.

    C. Trong thời gian đầu, Kệ Sách sẽ sử dụng Smashwords Ebook Publishing Center để phát hành tác phẩm với các lý do như đã trình bày trong bài viết (… sử dụng các hệ thống tự phát hành cho phép ebook có nhiều cơ hội đến với một khối lượng độc giả đông đảo hơn và đồng thời tạo điều kiện cho việc xâm nhập các hệ thống ấn/phát hành ebook lớn nhất hành tinh). Hệ thống này sử dụng tiếng Anh và chỉ nhận thẻ tín dụng, trong khi không phải là trở ngại cho bạn đọc ở hải ngoại, có thể tạo khó khăn cho bạn đọc trong nước (như trong ý kiến của Vi Lãng). Điều này nằm trong dự kiến và chúng tôi có chuẩn bị một số phương án dự định sẽ thực hiện trong bước kế tiếp. Một trong các phương án này là tự đảm nhiệm việc phân phối ebook đến tay bạn đọc trong nước sử dụng hệ thống tương tự như của Vinapo (độc giả có thể dùng text message trong điên thoại di động để nạp tiền mua sách vào tài khoản của mình. Text rất thông dụng với người sử dụng điện thoại di động/smartphone trong nước).

    D. “Bảo mật” ebook là một con dao hai lưỡi, trong khi có thể ngăn chặn phần nào thất thoát về thu nhập của tác giả, việc gây khó khăn cho bạn đọc có thể tạo “thất thoát” về số lượng người mua sách . Mục tiêu chính của trung tâm phát hành ebook (và hy vọng cũng là của quý tác giả tham gia) không hề là lợi nhuận mà là đưa tác phẩm đến tận tay người đọc, vấn đề bảo mật tuy quan trọng nhưng không nằm ở vị trí hàng đầu. Trong thời gian đầu, Kệ Sách sẽ áp dụng hệ thống bảo mật của các trung tâm/kênh phát hành ebook nơi sách được phân phối.

    E. Cùng với mục tiêu “đưa tác phẩm đến tận tay người đọc” trong dạng ebook, trung tâm phát hành ebook Kệ Sách còn có tham vọng giới thiệu với bạn đọc một ấn bản trung thành với sáng tạo nguyên thủy của tác giả, nghĩa là không phải nằm trong hệ thống kiểm duyệt của bất cứ thế lực nào . Điều này có vẻ như bình thường với tác giả hải ngoại (in sách ở hải ngoại) nhưng là một ước muốn không dễ thực hiện với quý tác giả trong nước (như Nhã Thuyên đã phát biểu “Điều một người viết quan tâm vẫn là việc liệu tác phẩm sẽ đến được với bạn đọc như thế nào, có trọn vẹn hay không …”). Kệ Sách có thể giúp thực hiện việc phân phối tác phẩm một cách “trọn vẹn” nhưng không thể giúp tác giả không bị quấy nhiễu bởi các cơ quan “văn hóa” trong nước . Đây là điều mà các tác giả phải tự quyết định cho mình .

    Trên đây chỉ là những giải đáp sơ lược để trả lỡi một số thắc mắc của quý anh chị . Hy vọng sẽ có cơ hội trình bày một cách chi tiết và cụ thể hơn trong một tương lai gần .

    PN

  • Nhã Thuyên says:

    Tôi có đến tham dự buổi ra mắt hệ thống phân phối sách của Vinapo hôm trước theo lời mời của họ và trước đó đã gửi cho Ban Tổ Chức đường link bài viết của anh Phùng Nguyễn, bởi từ góc độ người viết, tôi nhận thấy những băn khoăn của anh Phùng Nguyễn cũng là băn khoăn chung: Liệu vấn đề kiểm duyệt sẽ được giải quyết như thế nào? Làm thế nào với các sách không có giấy phép mà tác giả muốn phát hành thẳng bằng ebook? Với các sách đã có phép và in sách giấy, khi họ phát hành ebook, họ sử dụng bản của tác giả gửi hay bản đã được cấp phép?… Tất cả những điều này không dễ trả lời vì họ không phải cơ quan xuất bản mà chỉ là một hệ thống phân phối. Liệu tác giả có thể tự chịu trách nhiệm về nội dung của tác phẩm mình như là một dạng tự xuất bản?
    Các vấn đề về bảo mật thì họ đã có những giải pháp về kĩ thuật (có vẻ) rất khả thi, dù tôi không rành về vấn đề này.
    Điều một người viết quan tâm vẫn là việc liệu tác phẩm sẽ đến được với bạn đọc như thế nào, có trọn vẹn hay không và làm thế nào để có một ban tuyển đọc như ý kiến của tác giả Đặng Đình Túy đã nêu ở trên.
    Nếu có một nhóm chủ trương phân phối, ấn hành ebook ở hải ngoại thì chăc chắn là một cơ hội quý giá với người viết.

  • Cám ơn anh Phùng Nguyễn về bài viết rõ ràng, giàu chi tiết kỹ thuật mà những kẻ già nua như chúng tôi không rành mấy. Theo tinh thần bài viết, nếu không hiểu sai, chắc hẳn(1)đã hoặc đang có sự thành hình của nhóm chủ trương ấn hành và phát hành ebook ở hải ngoại (mà có lẽ anh là một trong những thành viên?)(2) và một ban tuyển đọc nhằm chọn lựa những tác phẩm gửi đến? Nếu không trở ngại, xin cho biết thành phần hai tổ chức nói trên.
    Ngoài ra, trong vị thế người viết chúng tôi sẽ phải làm gì để có tác phẩm mình trên ebook? Thân, ĐĐT

  • vi lãng says:

    Tôi thường xuyên mua sách vở & hàng hóa qua mạng (mới nhất là vài tác phẩm VN qua smashwords.com) nên không gặp trở ngại gì trong việc mua bán. Tuy nhiên, nếu muốn tác phẩm của mình được phổ biến qua các nxb trên mạng, có thể tác giả VN nên để ý đến vài điểm:

    1. Độc giả ở trong nước có thông thạo tiếng Anh đủ để hoàn tất việc mua sách, nếu qua mạng nước ngoài?
    2. Đa số dịch vụ thương mại đều thanh toán tài khoản điện tử, qua credit cards, Paypal, 2Checkout, v.v. Không biết những dịch vụ này có phổ biến trong nước chưa?
    3. Nếu không muốn tác phẩm mình trở thành “của chùa” như anh NamDao đã nhắc nhở, sách bán phải dùng ‘khóa’ (thông dụng nhất là diện DRM), tuy rằng những người biết nhiều về kỹ thuật tin học vẫn có thể ‘mở khóa’ được, nếu muốn. Đằng khác, sách khóa bằng DRM phải dùng một phần mềm khác để đọc (thí dụ như “PDF + khóa DRM” phải dùng Adobe Digital Editions). Chuyện này có gây trở ngại cho người đọc ở VN không?

    VL

  • Phùng Nguyễn says:

    Cám ơn Nhã Thuyên đã đọc và góp ý. Da Màu có đăng tin về công ty Vinapo và kế hoạch ebook của họ. Đây là một tin đáng khích lệ, tuy nhiên như Nhã Thuyên đã đề cập, Vinapo và các cơ sở tương tự không thể quyết định giá trị của tác phẩm vì họ không sinh hoạt như là một nhà xuất bản văn học chuyên nghiệp. Ngoài ra, thủ tục xuất bản trong nước như tôi đề cập trong bài viết đòi hỏi phải có một cơ sở nào đó chịu trách nhiêm nội dung của tác phẩm, và có vẻ như Vinapo chưa có một phương án cụ thể nào để đáp ứng yêu cầu này. Một cơ sở kinh doanh cần thiết phải nhắm vào lợi nhuận trước hết, và do đó, rắc rối với nhà cầm quyền là điều cuối cùng chủ nhân các cơ sở này muốn chạm vào. Theo tôi, trách nhiệm về nội dung là vấn đề mà các tác giả sẽ phải đối diện nếu không muốn tác phẩm của mình phải nằm trong guồng máy “biên tập” của nhà nước.

    Trong mọi trường hợp, tôi chân thành mong các cơ sở xuất bản/phân phối ebook và các tác giả tham gia ở trong nước đạt được những thành quả tốt đẹp.

    PN

  • Nhã Thuyên says:

    Cảm ơn bài viết thú vị và rõ ràng của tác giả Phùng Nguyễn. Hiện nay, ở Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những công ty đang xây dựng hệ thống kĩ thuật để xuất bản ebook và phân phối toàn cầu, và tôi thấy đây có thể xem là một cơ hội tốt cho người viết, tương tự như Createspace của Amazon vậy. Tôi cũng đã đồng ý gửi bản thảo cho một công ty phân phối ebook ở Việt Nam để “thử nghiệm” việc số hóa tác phẩm và đưa đến công chúng trong thời gian tới. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề còn mơ hồ với người viết như bảo mật, quảng bá, v.v. Hơn nữa, các công ty ở Vn như tôi được biết chỉ phụ trách về kĩ thuật số hóa mà không quan tâm về nội dung. Họ cũng đang băn khoăn về việc “giấy phép” phát hành ebook nữa.
    Hi vọng xuất bản ebook sẽ tạo một không gian mới cho người viết chuyên nghiệp và không bị ám ảnh quá nặng về vấn đề kiểm duyệt.

  • Nhân quý ông tác giả Nam Dao và Phùng Nguyễn có đề cập tới giới độc giả, tui cũng xin có chút ý kiến của người đọc thuần túy. Không có thẩm quyền gì trong ngành xuất bản và phát hành. Tui chỉ có ý kiến những gì thấy và biết trong phạm vi môi trường chung quanh mình đang sinh sống.

    @ E- book đang trên đà phát triển. Có thể trong một chiều hướng khác. Nó khó có thể thay thế sách vở in trên giấy. Ít lắm là trong vài thập niên trước mắt.
    @ Những nhà sách lớn ở Hoa Kỳ, tui thấy vẫn còn khá nhiều khách hàng lui tới. Riêng, bọn tui hay vào cữa hiệu Haft Prize Books Store để tìm mua sách hoặc phim ảnh xưa nay. Giá rất rẽ mà sách cũng không thiếu. Đây là nơi trao đổi sách đúng hơn. Một quyển sách mua 10 $, coi xong, đem lại đây bán lại chừng 2 $, người mua mua lại khoảng 4-5 $, còn rất mới.
    @ Học sinh sinh viên của Hoa Kỳ được hưởng kỷ thuật tân tiến của computer trong giáo dục hơn 10 năm nay, nhưng ai cũng biết sách giáo khoa vẫn còn hiện diện. Thư viện trên toàn nước Mỹ vẫn nhộn nhịp hoạt động.
    @ Theo tui nghĩ, người viết sẽ viết thật hay những gì họ kinh nghiệm và chiêm nghiệm được. Mặt này, người trong nước sẽ viết hay hơn về những đề tài quốc nội. Và ngược lại.

    Tất nhiên, khi một tác phẩm có giá trị nghệ thuật thì giá trị này vượt không gian và thời gian. Truyện Kiều, dù đọc ở đâu cũng hay như nhau. Les Trois Musquetaires của Alexandre Dumas, père thì người Mỹ người Ý chắc cũng cảm nhận hào khí Chính Nhân Quân Tử – Honête Homme bàng bạc trong sách vậy thôi.

  • Phùng Nguyễn says:

    Kính anh Nam Dao;

    Xin cám ơn anh đã đưa ra những câu hỏi quan trọng và thực tế. Tôi tin là các tác giả khác ở Hải ngoại và cả trong nước cũng có những thắc mắc tương tự. Tôi xin cố gắng trả lời các câu hỏi này trong giới hạn sự hiểu biết của mình. Mong quý bạn đọc có thẩm quyền trong các lãnh vực liên hệ bổ túc và sửa sai nếu cần thiết. Xin cám ơn trước .

    1. Tác quyền ebook có phần khác với tác quyền sách in. Với trung tâm phát hành Smashwords.com, nơi tôi chọn để bắt đầu kế hoạch ebook, tác giả giữ bản quyền ấn bản (edition) ebook ấn/phát hành bởi trung tâm phân phối này. Nếu tác giả muốn, Smashwords giúp mua với giá rẻ ISBN để áp dụng cho ấn bản này (khoảng 10 US$). Tác giả có thể chọn ngưng phát hành ấn bản ebook này bất cứ lúc nào mà không bị ràng buộc bởi điều khoản nào cả. Tôi không biết chắc về qui định của các trung tâm phát hành khác.

    2. Với ebook, các nhà phát hành sẽ áp dụng phí tổn dịch vụ khoảng 25% – 50% trên giá bán. Hệ thống kế toán của họ sẽ giúp tác giả trong việc kiểm soát số tiền thu nhập và các chi tiết khác.

    3. Rất khó khăn để bảo vệ tài sản trí tuệ của tác giả nếu “kẻ cắp” có khả năng kỹ thuật cao. Ngay cả các trung tâm ấn hành lớn như Amazon, áp dụng kỹ thuật DRM (Digital Right Management) lên ebook nhưng vẫn không ngăn cản được kẻ xấu chuyền tay nhau các ấn bản ebook đã bị “bẻ khóa”. Một cách ngắn gọn, tác giả có thể bị “thất thu” vì các hoạt động thiếu lương thiện này, nhưng sẽ không “mất trắng” vì phần lớn độc giả văn chương là người lương thiện (nếu không thì hỡi ơi văn chương!).

    4. Chúng ta đang ở trong giai đoạn đầu của việc xây dựng và phát triển một cơ sở ấn/phát hành ebook cho tác giả hải ngoại (và cả trong nước). Những quan tâm về đường hướng, kế hoạch xuất bản cần được thảo luận rộng rãi bởi những người chủ trương và ban tuyển đọc.

    Mong tiếp tục nhận được ý kiến của quý tác giả /độc giả
    PN

  • namdao says:

    Gửi anh Phùng Nguyễn

    Những ý của anh về vấn đề này rõ ràng, khúc triết. Cũng như anh, tôi tin trong 2, 3 năm nữa dạng sách (sách E) này sẽ đưa người viết hải ngoại về với độc giả trong nước.

    Tôi có một số ý kiến:

    1 – Vấn đề tác quyền. Như anh nhận xét, những tác giả phải thận trọng. Tác quyền trên sách E có gì khác tác quyền với sách in không? Có thể nào một tác phẩm có 2 tác quyền (sách G, sách E) không?

    2 – Thường ra, với sách G, NXB (editor) giữ tác quyền, thoả thuận với tác giả về 1 khoản lump-sum và sau là một số % trên tiền bán sách. Với sách E thì có vậy không? Nếu cũng vậy, phải có 1 công ty xuất bản có đăng ký, và phải ký hợp đồng với tác giả, phù hợp với pháp luật nơi đăng ký, đồng thời có phương pháp để tác giả kiểm soát được số sách bán.

    3 – Tôi có gặp 1 anh bạn có dụng cụ đọc, anh ấy download toàn bộ sách talawas và Trên kệ sách, hoàn toàn free. Anh ta cũng làm thế với những tác phẩm trong nước…Vậy làm sách như anh đề nghị phãi tìm cách tránh thế nào cho sản phẩm không là “của chùa”!

    4 -Tôi nghĩ sản phẩm của editor sách E phải có đường hướng về: in sách loại nào, với cách nhìn “văn hoá đọc” ra sao, và nhắm loại độc giả nào, ở đâu? Vân vân…Nếu không, chữ nghĩa sẽ lạm phát phi mã!

11 Pingbacks »

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)