Một Nhật Bản, yếu đuối và rúng động, thu hút lòng thương của thế giới
Tất cả – những thành phố lớn nhỏ bị san bằng trong trận lũ bùn lầy và chết chóc – thật là khủng khiếp và dường như không thể nào hiểu thấu. Nhưng, cố tìm một hình ảnh mạch lạc, bất cứ cái gì để hiểu rõ hơn, tôi tìm thấy qua hình ảnh những người bị vây khốn, dũng cảm, mặc bộ áo màu trắng phủ toàn thân với mặt nạ phòng hơi độc, giữa các lò nguyên tử đang sôi sục của nhà máy Fukushima thuộc thành phố điêu tàn Okuma.
Được mệnh danh là “Fukushima 50,” họ kiên trì điều động dẫn nước biển vào làm nguội nhiên liệu đang ở trong một tiến trình tự hủy, họ mạo hiểm liều chết. Tờ New York Times tường trình, “Đối với một số nhân viên hoạt động trong địa hạt năng lượng nguyên tử, hành xử này chẳng có gì là bất bình thường.” Có lẽ thật thế. Nhưng đây cũng là một hành xử đúng với truyền thống lịch sử được thể hiện trong văn hóa Nhật Bản. Cuộc Chiến Đấu Cuối Cùng của Giòng Họ Kusunoki, nói về trận giao tranh ở Shijo Nawate năm 1348, là một trong những hình ảnh được lưu truyền trong hội họa điêu khắc của Nhật, trên rất nhiều ấn bản bằng gỗ (được thực hiện bởi Utagawa Kuniyoshi, cùng với nhiều tác giả khác, vào thế kỷ 19 và bởi Ogata Gekko vào thế kỷ 20), đã miêu tả những chiến sĩ bất hạnh đang kháng cự với trận mưa tên.
Những chiến sĩ bại trận này – vị chỉ huy của họ bị trúng thương và đã tự tử để tránh bị bắt sống – là nguồn cảm hứng sáng tạo cho người Nhật, tượng trưng cho lòng can đảm, sự phản kháng, và tinh thần võ sĩ đạo. Vì thế nhóm Fukushima 50 can đảm chịu đựng mức độ phóng xạ 250 millisieverts, gấp năm lần mức độ an toàn, cũng tương tự những võ sĩ trong giòng họ Kusunoki đang kháng cự lằn tên của kẻ thù.
Quan niệm phổ biến về người Nhật là họ có một cuộc sống rất thứ tự, trong đó sự thanh tĩnh là một lý tưởng được biến thành quan niệm thẩm mỹ, trong thi ca, làm vườn, cắm hoa, trà đạo, hay những geisha cung cách. Tuy thế lịch sử Nhật Bản, một lịch trình ghi lại nhiều tai họa, cả thiên nhiên lẫn nhân tạo, giúp chúng ta hiểu vì sao đây cũng là một nền văn hóa phản kháng. Người Nhật biết rằng họ đang sống rất nguy hiểm trên những hòn đảo núi lửa đầy hiểm trở. Ngọn núi tiêu biểu của Nhật Bản, Phú Sĩ Sơn, là một núi lửa. Ngọn Asama ở giữa Honshu đã phun lửa đều đặn suốt 1,500 năm – lần cuối cùng vào năm 2009. Hỏa thần, một khía cạnh đặc thù của họ, được thờ phượng; cái cảm giác sống xa đất liền, bị tách rời, luôn bị nguy hiểm – vì lửa cháy, động đất, ngập lụt, bão tố, cũng như tai họa bị đánh bom – là một phần trong văn hóa Nhật, không chỉ là những kẻ sống sót mà là những người chiến thắng và giúp họ trở nên tốt đẹp hơn.
“Chúng ta sẽ tái thiết,” Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan nói sau cơn thảm kịch mới vừa xảy ra, và hứa hẹn là quốc gia này sẽ hùng mạnh hơn, chuẩn bị hữu hiệu hơn để đối phó với tai họa tương tự. Bạn có thể nói là ông ấy dường như chẳng hứa hẹn thêm điều gì khác. Nhật Bản gần như không có nội địa. Dân Nhật hầu hết đều sống dọc theo bờ biển. Núi non, thì xây đường hầm thông qua, chứ không để sống trên đó. Và ở những nơi có phong cảnh trải rộng, như vùng đồi núi chập chùng Hokkaido, dân cư sống rất thưa thớt. Qua cửa sổ toa xe lửa, lúc xe chạy về hướng Bắc từ Tokyo, ngang Sendai và các thành phố duyên hải ở Minamisanriku, Kesennuma, Okuma, và nhiều nơi khác – những thành phố hiện nay đã bị cuốn trôi – ta có thể thấy người Nhật sống với một mật độ đô thị bất bình thường, những ngôi nhà thấp, ấm cúng tiện nghi, kề vai dựa má với nhau, phố là những con đường nhỏ hẹp, như họ đã từng sống hằng bao năm trong suốt lịch sử. Tôi cho rằng họ có thể sống thật gần gũi với nhau như thế là nhờ vào sự cố gắng giữ gìn phong cách lịch sự, tương kính, tự túc tự cường, và làm việc chăm chỉ nghiêm túc. Một xã hội kém lễ độ hơn có lẽ sẽ đòi hỏi phải có đất rộng hơn, hay hàng rào cao hơn, hay nhà phải nuôi chó để canh phòng.
Hơn nhiều quốc gia khác, Nhật bản là một gia đình, có một ngôn ngữ, một hệ thống luật lệ, tin tưởng vào số mệnh vĩ đại của nước họ và cố vượt qua mọi trở ngại để đạt đến. Cái biểu tượng đoàn kết này làm tăng sự đố kỵ được bộc lộ trong sự nhạo báng nông cạn (không cần phải nhìn đâu xa xôi hơn cuốn phim chế nhạo Lost In Translation (Thất Thoát trong Diễn Dịch) đã miêu tả Nhật Bản như một hài kịch với phát âm ngọng nghịu, bắt chước văn hóa Tây phương (một cách máy móc) như hình ảnh phản chiếu từ tấm gương nơi thiên hạ giải trí; nếu không thế thì người Nhật cũng giống như người máy, không bao giờ cười, một xã hội kiêu ngạo, không thân thiện với người ngoại quốc, của những người kiếm lương hay những tên đồ tể cá voi. “Tôi nghĩ đó là điểm cốt yếu,” một người phụ nữ đã nói trong vở kịch của Alan Bennett, khi nhìn thấy một người đàn ông Nhật rơi nước mắt trong tiệm cà phê Anh, “họ là những người không biết khóc.”
Những người lao động nhọc nhằn, những kẻ thành công ngoại hạng trong một guồng máy chạy trơn tru – đó là cảm tưởng nông cạn ban đầu của du khách. Dĩ nhiên bề ngoài để lộ phần nào diễn biến của nội tâm, nhưng chẳng mấy lâu người ta sẽ phát hiện nhiều điểm tương đồng hơn dị biệt và rất nhiều điều để thán phục. Niềm tự hào dân tộc của họ rất mạnh, vì thế rất có thể chúng ta trở nên quá đáng khi chỉ nhìn họ như một thành trì của nghi lễ. Sự thật là quốc gia này có một dân số rất đông người già và ít sinh sản, giá lao động lại rất cao vì thế đa số những hàng điện tử và máy ảnh của các thương hiệu danh tiếng đều được làm ở Trung quốc. Không vì thế mà trở nên kiêu căng hay tự đại, trái lại, người Nhật có cảm tưởng mình bị trù ẻo, dễ bị tổn thương, bị vây bủa trong sức ép xã hội và cuộc sống đắt đỏ (đối với người sống ở Tokyo, đi Honolulu rẻ tiền hơn là đi Sapporo), hậu quả là họ có cảm tưởng sống như phải nheo mắt trước cuồng phong.
Với một nhận thức nhạy bén về đất đai hạn hẹp, tài nguyên thiếu thốn, và thời tiết khắc nghiệt, người Nhật đã thận trọng trì hoãn ngày đại họa có thể xảy ra, bằng cách biến đổi địa lý kỳ lạ của họ, cho dù có phải thay hình đổi dạng hoàn toàn. Hậu quả là cái phong cảnh thiên nhiên của họ vốn đã kỳ lạ lại càng kỳ lạ hơn; đây là một nơi dường như bị ma ám rất đỗi. Những đường nét thiên nhiên mất tự nhiên vì quá ngay ngắn trật tự và vững chắc, vẻ nhân tạo hiển hiện khắp mọi nơi. Cái khái niệm kềm chế và gói ghém, đã chế ngự cuộc sống người Nhật, cũng chế ngự phong cảnh thiên nhiên. Những dòng sông được tráng xi măng để chảy đúng hướng, bờ sông được chất chồng bằng nhiều tầng lớp khối bê tông; đường xá và cầu hiện diện cả những nơi tưởng chừng không thể có. Đường hầm Seikan dài 33 dặm (52 km) nối liền Honshu với Hokkaido phía dưới eo biển Tsugaru là đường hầm xe lửa dài nhất thế giới. Các đài kiểm soát, các tường thành bảo vệ ở khắp nơi dọc theo bờ biển càng củng cố diện mạo Nhật Bản như một thành lũy kiên cố ngay giữa đại dương. Đây, dĩ nhiên, chỉ là ảo tưởng.
“Chúng tôi đang ở trong tình trạng thảm bại,” nhà văn Haruki Murakami nói với tôi bốn năm trước đây, khá lâu trước khi xảy ra cơn khủng hoảng hiện nay. Ông ấy miêu tả sự tan vỡ của baburu keizei, bong bóng kinh tế, năm 1991 và 1992, đã làm cho người ta choáng váng và, lắm khi, bị phá sản. Như tôi đã viết trong tác phẩm Ghost Train to the Eastern Star (Chuyến Xe Lửa Ma Về Ngôi Sao ở Hướng Đông), khoảng thời gian bất an này lại được nối tiếp bằng hai sự kiện khác vào năm 1995làm phá vỡ quan niệm của người Nhật về sự vững chắc và thường tính của Nhật bản: cuộc động đất ở Kobe và cuộc tấn công bằng hơi độc sarin trong đường hầm Tokyo.
Những sự kiện này, Murakami nói, là một chấn thương, như ông đã diễn tả trong quyển Underground (Dưới Lòng Đất): “Trước năm 1995, làm giàu là mục tiêu tối hậu. Nhưng làm việc cực nhọc đã không đưa chúng tôi đến vị trí tốt đẹp hơn. Chúng tôi thấy rằng tiền bạc không phải là giải đáp. Chúng tôi có mục tiêu. Chúng tôi đạt được nó nhưng những thành công này không mang hạnh phúc cho chúng tôi.” Murakami cho là người Nhật đã bị lạc đường. Khi tôi hỏi ông mục tiêu hiện nay của Nhật Bản là gì, ông trả lời: “Mục tiêu của chúng tôi là được hạnh phúc và tự hào. Và chúng tôi đang tìm kiếm một mục tiêu mới.” Ông lạc quan là họ sẽ tìm thấy mục tiêu mới bởi vì người Nhật mong muốn thế. Ông nói: “Người Nhật là kho tàng của nước Nhật.”
Trận động đất Kobe tổn thất chừng 6,500 mạng sống, và trận tấn công đường xe điện ngầm của tổ chức Aum Shirikyo giết chết 13 người. “Cả hai sự bùng nổ khủng khiếp này đều xảy ra dưới chân của chúng tôi, dưới lòng đất,” Murakami viết với quan điểm của ông. “Khủng khiếp” trong hoàn cảnh này chỉ ở mức độ tương đối, bởi vì cái thế giới đầy kinh hoàng mà Murakami thảo luận với tôi vào một ngày đông giá ở Tokyo bốn năm về trước có vẻ nhỏ bé so với cơn đại nạn có thể đã làm mất mạng hơn 25,000 người, xóa sạch bao nhiêu là thành phố, và, vì sự hư hại của lò nguyên tử, đã làm nhiễm độc và băng hoại tinh thần không chỉ riêng nước Nhật mà còn cả thế giới.
Japan đã bị vùi dập vì bom nguyên tử, nhưng bạn có thể tranh luận rằng – nhiều người đã làm điều này – họ bị trừng phạt vì đã khởi xướng một cuộc chiến tranh không ai chấp nhận. Và nhiều người Nhật đã rất thực tế về màn cuối này. Nhìn thấy tôi rơi nước mắt ở Nagasaki 30 năm về trước, anh thông dịch người Nhật của tôi, Hiroyuki Agawa, một nhà sử học về chiến tranh danh tiếng, đã bật cười và nói, “Nhưng nếu chúng tôi có H-bom lúc ấy, chúng tôi đã ném bom xứ sở của ông!”
Những câu hỏi mà Murakami đã hỏi – vai trò gì? mục tiêu nào? – có lẽ đã được trả lời. Yếu đuối, rúng động vì trận động đất, bị ngập lụt và bị tàn sát tập thể bởi cơn sóng thần, bị nhiễm độc vì sự thiệt hại của các nhà máy nguyên tử, Nhật bản được cả thế giới, và điều này hoàn toàn chính đáng, xem là nạn nhân và được xót thương. Từ trước cho đến bây giờ,
Nhưng bây giờ, kêu gọi sự quan tâm của thế giới, và thế giới cũng nhiệt tình đáp lại, Nhật Bản có khuôn mặt của con người – một người bị thương tích, cũng giống như bao nhiêu người khác giữa cơn hoạn nạn. Chúng ta có nhân tính nhiều nhất khi chúng ta sợ hãi. Nhưng Elias Canetti đã viết, “Một khi (nỗi sợ hãi) đã được trấn áp, nó biến thành hy vọng.” Lịch sử đã chứng tỏ Nhật Bản có trí nhớ rất dai, và lòng nhân ái với Nhật Bản lúc này sẽ không bao giờ bị lãng quên.”