- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

ĐẶNG THÂN: ĐIỂN HÌNH CỦA VĂN HỌC HẬU-ĐỔI MỚI

 

Mr-Do-Lai-Thuy-005-

Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy trước sân ga “hiện đại.”

 

Trước Đổi mới và Mở cửa, 1986, một số truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu như “Bến quê”, “Bức tranh”, “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”… gây cho người đọc nhiều băn khoăn, bối rối. Báo Văn nghệ bấy giờ, tôi nhớ, đã mở một hội thảo, triệu các nhà văn, nhà phê bình khả kính về để cùng đọc cho ra. Vốn quen với những truyện có cốt truyện, con người có tính cách, nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, chủ đề tư tưởng rõ ràng…, nay đọc Nguyễn Minh Châu thấy khó hiểu cũng phải. Đọc văn mới, quả thực, phải có mã đọc mới, mà mã đọc này, xét cho cùng, lại phụ thuộc vào mã văn hóa thời đại. Công lao của Đổi mới, có thể nói, đã mở ra một thức nhận: không có mã đọc vĩnh cửu, thời nào có mã đọc ấy. Chả thế, chỉ một hai năm sau đó, các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài được người đọc tiếp nhận một cách dễ dàng, hồ hởi, mặc dù “khó đọc” hơn Nguyễn Minh Châu nhiều.

Ấy vậy mà hiện nay, chỉ chừng khoảng hai mươi năm sau, người đọc lại đang đứng trước một thách đố mới. Văn mới mới (nếu có thể gọi như vậy) xuất hiện ngày một nhiều. Mà khởi xướng cho lần này đa số là các nhà văn trẻ, thậm chí rất trẻ. Các tác phẩm của họ đa số là tiểu thuyết, một thể loại vốn quá ngưỡng với tư duy văn học Việt Nam… Chừng ấy những cái “ngoại biên”, “phi/chưa chính thống”, “giải trung tâm”… đó càng làm khó cho sự tiếp nhận văn học hậu-Đổi mới, tức đổi mới (không viết hoa) từ dưới lên, này.

Tiểu thuyết 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] của Đặng Thân là điển hình của văn chương hậu-Đổi mới. Nó có đầy đủ những đặc điểm của tiểu thuyết hậu-hiện đại. Ở đây, tôi chỉ xin nêu ra hai đặc điểm: sự phân mảnh và tính diễu nhại. Sự phân mảnh này làm cho cái Một, cái Duy nhất trở thành cái nhiều, chứ không phải cái-không-có-gì. Một câu truyện, mà thường là “chuyện lớn”, trở thành nhiều câu chuyện, một trung tâm trở thành nhiều trung tâm, một tư tưởng trở thành nhiều tư tưởng. Mà câu chuyện nào, trung tâm nào, tư tưởng nào cũng đều quan trọng như nhau cả, nếu có hơn kém là tùy ở hệ quy chiếu của người đọc. Nhân vật của 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] cũng vậy, thực ảo lẫn lộn. Trong đó, tác giả không phải chỉ là kẻ dẫn chuyện, mà là một nhân vật trong truyện, như các nhân vật khác. Có thể, vị thế “chân trong chân ngoài”, hoặc hoàn toàn là “người trong cuộc” này làm cho tính diễu nhại Đặng Thân trở thành tự diễu nhại. Người đọc cũng tự diễu nhại. Biết nhìn mình như một kẻ khác, nhất là có thái độ với mình vừa nghiêm túc vừa hài hước, bao dung là bước đầu của sự thức tỉnh.

Tiểu thuyết Đặng Thân, tuy là một cuốn sách in để đọc, nhưng lại có kết cấu như thể của một tiểu thuyết mạng. Câu chuyện trôi chảy tự nhiên, nhiều khi phụ thuộc vào những nhân vật chen ngang. Đó là một tác phẩm mở.

Nếu coi những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là văn chương hiện đại, thì tiểu thuyết Đặng Thân là hậu-hiện đại. Xã hội ta chưa đi hết con đường hiện đại hóa. Hiện đại vẫn vừa là ga đến cũng lại là ga đi. Nên, người đọc Đặng Thân hôm nay mới bước đầu có ự bức xúc xã hội và những bức xúc thẩm mỹ hậu-hiện đại, chưa có được bề dày như của người đọc Nguyễn Huy Thiệp ngày xưa. Nhưng, công nghệ tin học bây giờ đang san phẳng thế giới. Một mã đọc mới phù hợp với thời-hiện-nay đã hình thành trong văn học thế giới và đang hình thành trong văn học Việt Nam. Nên điều không thể, hoặc tưởng như không thể, đang lừng lững trở thành có thể.

1/2010 – Đ.L.T

bài đã đăng của Đỗ Lai Thúy