Trang chính » Biên Khảo, Giới Tính, Lý Luận, Quan Điểm Email bài này

dày dày sẵn đúc một tòa … văn chương

Virginia, 09 tháng 11 năm 2007

 

Mến chào chị Ngọc Anh,

Cám ơn chị đã gửi thư góp ý cho bài Toang Hoang Ngoài Phố Chợ: Tâm Thư gửi nhà văn Kiệt Tấn (“Tâm Thư”) đăng trên tháng Ba năm nay trên số Da Màu 21 chủ đề nữ quyền. Bài góp ý của chị làm tôi nghĩ có lẽ một cuộc đối thoại lô-gích về cách phát biểu tình dục trong văn chương là một điều nan giải, vì khi nói đến đề tài này chúng ta làm hỗn hợp chuyện “công khai” (văn chương) với chuyện “riêng tư” (tình dục), xóa nhòa biên giới giữa văn hóa và bản năng. Tôi hiểu, và vô cùng thông cảm, rằng đây không phải là một bài dễ viết cho chị; bài góp ý của chị đã biểu lộ nhiều xung đột, mâu thuẫn. Đọc xong bài của chị, tôi không rõ ai là người hiểu lầm ai.

Mặc dù bài Tâm Thư của tôi chú trọng đến cách phát biểu về tình dục trong văn chương như một cử chỉ chính trị, hoặc vô tình hay cố ý chị đã tranh cãi nhiều về “quyền” tự do tình dục của người phụ nữ và các vấn đề trong đời sống gia đình và xã hội, rồi cuối bài, có lẽ thấy mình hơi…lạc đề, chị bỗng thay đổi chiều hướng, tôn vinh nhà văn Kiệt Tấn và những người về hùa với ông, bênh vực cái nhìn khắt khe của nhóm này về cách phát biểu tình dục “toang hoang” của các nhà văn nữ như một phản ứng cao thượng, phát xuất từ ý thức muốn ngăn ngừa tệ trạng xã hội:

Nếu có những người lên tiếng phản bác phong trào viết về tình dục, chẳng riêng gì phái nữ, thì xin đừng hiểu lầm mục đích của họ …. Họ càng không có ý chống đối cá nhân, mặc dầu họ có đề cập đến tên của một vài cá nhân cầm bút nào đó. Họ viết vì họ sốt ruột khi thấy trước mắt một xã hội quá băng hoại, từ sự bán dâm của trẻ con Việt Nam ở Căm Bốt, đến việc lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn của các cô gái Việt ở miền quê, hay những câu chuyện “ôm” như đọc báo ôm, hớt tóc ôm, cà phê ôm, karaoke ôm… Họ lo lắng vì trong số những đứa trẻ mới mấy tuổi đầu đã phải bán đi thân thể của mình … có thể là những đứa con đứa cháu của bạn bè họ; họ càng lo lắng hơn khi những đứa trẻ chưa đủ lớn thay vì vào lớp học lại trốn học tìm cách xoay sở để có được một hai chục đô la để vào những quá cà phê ôm, hớt tóc ôm.v..v… với mục đích được ôm những người đàn bà lõa thể hầu thoả mãn sự tò mò hay bản năng của mình …. Phong trào viết về tình dục nở rộ chắc chắn không giúp làm giảm bớt những tệ nạn đó. Đó chính là điều họ lo sợ buộc họ phải lên tiếng.

Thưa chị, nhà văn Kiệt Tấn, trong suốt bài Sục Cặc Trước Bàn Thờ không hề một lần đả động đến việc cải cách xã hội, hay ngăn ngừa những tệ trạng hiện nay ở Việt Nam. Thêu dệt cho một người, một nhóm, những mục đích cao cả mà họ không hề có, hay chưa hề biểu lộ trước đây, có phải là một cách … đánh trống lảng, một cách ngụy biện? Tôi cũng không nghĩ chị đặt nhiều tin tưởng vào cái lập luận đường cùng này. Nhà văn Kiệt Tấn đã xác định, và chính chị cũng nhận ra, rằng bài Sục Cặc chỉ nên được coi như một thứ “dâm thư hạng bét.”

Tôi nghĩ, nếu chúng ta có trước mắt một xã hội băng hoại, mãi dâm wholesale như chị đã nói, có lẽ không vì các nhà văn phụ nữ đã quá bạo tay viết huỵch toẹt về những điều cấm kỵ, mà chính vì từ lâu họ đã chưa có đủ cơ hội thẳng tay, thẳng miệng nói ra những điều cần được phát biểu, “chém cha” dư luận?

Nhà văn Phạm thị Hoài đã biểu lộ rất trung thực cảm giác bị bưng bít trong một xã hội hai mặt, một đằng tôn vinh “văn chương văn hóa cao,” một đằng dấm dúi những dối trá, những điều có liên hệ đến dục vọng của con người. Trong tiểu thuyết Thiên Sứ, cô bé Hoài, 14 tuổi, chất vấn cách mình đã được giáo dục—toàn là những truyện ngớ ngẩn mà “người lớn hạ cố viết cho lũ trẻ, của bố thí hèn hạ.” Cô gái mới lớn cảm thấy mình được giải phóng (và cũng thấy vô cùng xâu hổ vì sư giải phóng này) khi có dịp đọc Nhãn Đầu Mùa, một tác phẩm kích dục mềm (soft porn) chẳng mảy may câu nệ vấn đề luân lý hay nghệ thuật cao:

Tôi đã hoa mắt trước một rừng hoa thơm cỏ lạ, rồi đánh liều hái bừa, một cuốn sách không quá dày, không quá mỏng, “Nhãn đầu mùa.” Không thể nhớ người ta kể chuyện gì trong đó …. Điều duy nhất đọng lại trong tôi là mối tình của một cô du kích xinh đẹp và một anh bộ đội lực lưỡng. Không. Không phải chuyện mối tình. Các chuyện cổ tích chẳng đầy dẫy những mối tình đó sao? Chúng chẳng gợi gì hơn một bài học luân lí, giản đơn và không hiếm khi ngốc nghếch …. Còn ở đây, tôi đã mê mải, … đã hẫng vào một trạng thái chưa từng biết, toàn bộ nửa dưới cơ thể không hoạt động bình thường nữa ….

Giữa căn phòng khóa trái, tôi lột hết quần áo trên mình và tủi hổ bật khóc với cô bé mười bốn tuổi ngơ ngác trong gương ….

Sau này, nhiều tác phẩm xuất sắc, bằng cách này cách khác đến tay tôi, nhưng không cuốn nào xóa nổi dấu ấn quyết định của Nhãn đầu mùa …. Có những kẻ may mắn, cánh cửa dẫn họ đến thế giới trí thức là cánh cửa sơn son thếp vàng …. Cánh của của tôi sặc mùi da thịt nhớp nhúa, đằng sau nó là bóng tối tội lỗi và bí ẩn, nhưng quyến rũ biết bao, vô tận biết bao ….[1]

Nhà văn Phạm thị Hoài, trong những đoạn văn súc tích, đã thử thách lập luận từ trước được chấp nhận như chuyện nghiễm nhiên—cái lập luận cho rằng có một khoảng cách giữa văn hóa “cao” và văn hóa “thấp.” Nhưng trong một xã hội chưa dám đối diện với sự thật, thì oái oăm thay, cái bị coi là bóng tối, cái bị khinh bỉ là nhơ nhớp, của thân thể đàn bà, của mong muốn xác thịt, chính nó lại trở nên gần gũi và sống thực hơn những truyện cổ tích “hạ cố” mà người lớn, không cần tìm hiểu, vẫn trút xuống đầu con trẻ. Buồn thay, nhân vật Hoài trong Thiên Sứ đã cảm thấy tủi nhục, xáo trộn, vì trong xã hội của cô bé này, chẳng ai nghĩ ra chuyện phân tích hay định nghĩa những ý niệm như “đẹp,” “xấu,” “hiện diện,” “không hiện diện,” “tự do,” “tù túng,” “ảo,” “thực,” "trí thức," "kém học," "vô tội," "có tội," "trẻ con," người lớn v.v…. Vì vậy, ý thức hệ/sự hiểu biết, qua hình ảnh một Thiên Sứ, không phải là phép lạ, hay cứu cánh, mà là một thảm họa. Sự xuất hiện của ý thức hệ, vì không được đáp ứng bởi môi trường bên ngoài nó, trở thành một trống vắng, một cái chết.

Trong Tâm Thư gửi nhà văn Kiệt Tấn, tôi đã so sánh cách phát biểu về giới tính và tình dục của những nhà văn nữ hiện nay như những baby steps chập chững khai phá kinh nghiệm đàn bà. Cách những nhà văn nữ tả về thân thể mình, chuyện có kinh hàng tháng, chuyện đau đẻ, những khoái cảm của núm vú, mòng đóc, âm hộ trong lúc thủ dâm, hay khi làm tình với đàn ông, đã bị chỉ trích là chuyện thô tục, kém thẩm mỹ, kém văn chương, nhưng đã có ai phân tích hay đặt tiêu chuẩn một cách lô-gích và tỉnh táo, thế nào là “nghệ thuật” và thế nào là “phản nghệ thuật”? Hay bất cứ một cuộc bàn luận nào, cũng cho ta thấy rằng giữa “nghệ thuật” và “phản nghệ thuật,” giữa “văn chương gợi cảm” và “dâm thư” chỉ là một ranh giới run rẩy, mơ hồ, xam xám?

Tiện đây, xin được trích đoạn văn trong bài của chị,

Tôi không nghĩ rằng những người mà cô cho rằng ‘ở thế hệ bố của cô’ đã dạy khôn, hoặc đạo đức giả; theo tôi họ chỉ có ý bảo rằng muốn viết gì thì viết, viết vì mục tiêu văn chương vị nghệ thuật hay vị nhân sinh đều được cả …

Thưa chị, đoạn văn trên vẫn không phủ nhận điều “đạo đức giả” mà tôi đã thấy ở các nhà văn đàn ông về “nghệ thuật viết tình dục.” Trong Tâm Thư, tôi than phiền rằng hình như nhà văn Kiệt Tấn và những nhà văn đàn ông khác chỉ dung túng sự hiện hữu của tình dục trong văn chương khi nó được tả khéo léo, ý nhị, nghệ thuật, còn nếu vụng về mà tả quá trắng trợn, quá thô lỗ thì nên câm…bút còn hơn. Sự tự mãn của nhà văn Kiệt Tấn, và của những nhà văn khác–bao gồm những nhà văn tự coi mình có cái nhìn “nhân nhượng” về nữ quyền (nhưng chỉ không thích chuyện "heo nọc xà quần heo nái")–là đã tách biệt văn chương gợi cảm (erotica, nhưng vẫn được coi là “vị nghệ thuật”) ra khỏi dâm thư (pornography), mà không cần chất vấn hay đặt ra những tiêu chuẩn để có thể phân biệt hai lãnh vực này.

Tương tự, chị nói đến “mục tiêu văn chương vị nghệ thuật vị nhân sinh” nhưng không định nghĩa mục tiêu này có những yếu tố nào. Thiếu một định nghĩa rõ ràng cho tiêu chuẩn “vị nghệ thuật vị nhân sinh,” e rằng chúng ta sẽ đối diện vấn nạn cực quyền trong tiểu thuyết Trại Súc Vật (Animal Farm) của George Orwell, đại loại “tất cả những loài vật đều bình đẳng, nhưng một vài loài vật sẽ bình đẳng hơn.”

Trong câu tiếp theo, chị nhận xét,

[V]iết vì mục đích khác thì thật là nguy hiểm, không riêng cho người cầm bút mà cả cho độc giả nữa, vì đó là vấn đề dễ đưa đến việc hạ thấp con người nói chung và người phụ nữ nói riêng, trong khi mục đích đầu tiên có thể rất tốt đẹp của người viết là muốn tranh đấu quyền làm người của cả hai phái hay của riêng phụ nữ.

Thưa chị, chị không nói “viết về mục đích khác” là mục đích gì, và câu cuối có phần tối nghĩa, “trong khi mục đích đầu tiên có thể rất tốt đẹp của người viết là muốn tranh đấu quyền làm người của cả hai phái hay của riêng phụ nữ.” Như vậy một nhà văn khi viết, chỉ có một mục đích, hay 2, 3 mục đích khác nhau? Và nếu mục đích chính vẫn là “muốn tranh đấu quyền làm người của cả hai phái hay của riêng phụ nữ” thì dù cho cách viết của một nhà văn có phần “kém thẩm mỹ” thì ít nhất, nó vẫn còn yếu tố “vị nhân sinh” phải không chị? Và nếu đã đạt được mục tiêu này, thì chắc không nên bị kiểm duyệt?

Như tôi đã trình bày trong Tâm Thư, cái “nguy hiểm” ở đây không phải là sự trắng trợn khi phát biểu về tình dục, mà là chiều hướng lãng mạn hóa hoặc thẩm mỹ hóa dục vọng, hay chỉ nhìn thú tính qua lăng kính nghệ thuật mà chối bỏ khía cạnh “sơ đẳng” và “tận cùng” của nó. Văn hào Proust, trong Lối Ngõ của Swann (Swann’s Way), gần một thế kỷ trước, đã nhận thấy điều này. Swann, một trưởng giả người Do Thái, muốn được xã hội thượng lưu Paris chấp nhận, cố theo sát mốt thời trang và phong cách dân trí thức salon Pháp, nhưng lại đem lòng say mê Odette, một cô điếm hạng sang, có dung nhan và thân hình cực kỳ gợi cảm, nhưng ít học, trơ trẽn và máy móc trong cách quyến rũ đàn ông. Để chối bỏ cảm giác bên lề của mình (vừa là Do Thái, vừa mê một loại demi-mondaine kém trí thức), Swann đã thẩm mỹ hóa mối liên hệ này, và trong một khoảnh khắc đã nghĩ rằng chàng không chỉ say mê xác thịt của Odette, mà chính vì Odette gợi cho chàng những cảm giác thanh thoát, cao thượng, vừa gần gũi với đạo Do Thái vừa không hoàn toàn xung đột với Thiên Chúa Giáo: Odette như hình ảnh Zipporah (vợ Moise) trên tường Giáo Đường Sistine. (Trong Cựu Ước, Zipporah là người phải dùng dao cắt bao qui đầu của Moise, thi hành một nghi lễ circumcision chớp nhoáng, làm chồng bị máu me, nhưng cũng giúp chồng “theo đúng luật Do Thái” khi bất thần phải đối diện với Chúa Trời. Trước khi bị Zipporah cắt bao qui đầu, Moise, mặc dù là lãnh đạo dân Do Thái, chưa bao giờ “bị” như vậy vì được lớn lên trong văn hóa Ai Cập không có tục lệ cắt bao qui đầu cho con trai). Nhưng cảm giác “thanh thoát” của Swann chỉ là một ảo tưởng. Sự chối bỏ hiện thực của Swann, mặc dù với mục đích nâng cao sự liên hệ của chàng với Odette, thật ra đã như một trừng phạt của vô thức—sự chối bỏ này đã hạ thấp nhân phẩm của Swann và cũng xóa bỏ con người thật của Odette. Về sau, Swann nhận ra là mình không yêu mà cũng không kính trọng Odette. Trong cơn sốt ái tình, Odette đã trở thành một phương tiện nghệ thuật, một bức tranh “mượn,” qua cái nhìn của Swann.

Nếu đúng như chị nói, trong một “cuộc đời con người vốn tương đối, chẳng ai dại gì lấy con người làm chân lý cho mình cả,” thì đó là điều hết sức nản lòng. Trong “cái nhìn tương đối” của chị, tôi chỉ thấy một thế giới hạn hẹp, với những lệ thuộc và nhu cầu luân hồi của một tập thể răm rắp theo mục đích của tiền định: mục đích có người bạn đời để nương tựa, mục đích có con cái để tiếp nối dòng dõi, sứ mệnh sinh tồn của xã hội v.v… Qua cái nhìn của chị, tôi chưa thấy tinh thần độc lập, đúng với nghĩa “con người” muốn tự khai phá, định nghĩa hành trình cuộc đời cho chính mình, hay ước nguyện được tìm hiểu, học hỏi, rồi mến trọng tâm hồn của người yêu, người bạn hôn nhân của mình. Tôi hy vọng trong thế kỷ 21, người phụ nữ sẽ không vì địa vị xã hội, quyền lợi vật chất hay những bất an trong tình cảm mà an phận, để mình bị dùng như một phương tiện cho đàn ông hay bất cứ ai xóa bỏ họ.

Trong tinh thần khai phá, tìm hiểu ý thức hệ và thế giới hiện hữu của một người, “phương tiện” hay "mục đích" nào, dù có chiều hướng lý tưởng hay lãng mạn, vẫn nên được chất vấn, phân tích. Thí dụ, trong hội họa, tranh lõa thể từ bao thế kỷ nay, dù có “vị nhân bản” hay “vị nghệ thuật” thế nào đi nữa, thật sự vẫn không vượt qua mức “gợi dục,” vì dục vọng hay đối tượng gợi dục (fetish) của người đàn ông thường được dựa trên vẻ đẹp lý tưởng tùy thuộc vào mốt của mỗi thời đại, mỗi văn hóa (và sự lý tưởng hóa này cũng là một cách xóa bỏ hiện thực đa diện, bằng xương bằng thịt của phụ nữ.)

Trong xã hội phong kiến Trung Hoa, hình ảnh bàn chân trần của một phụ nữ bị bó chân từ nhỏ, với những ngón chân bị ép quặp như "đóa hoa sen" là một kích thích cho đàn ông, nó nói lên sự lệ thuộc tột cùng của phụ nữ. Trong xã hội Nhật Bản, cái gáy dài của một người đàn bà, dưới những sợi tóc mai đen thẫm, vươn ra từ cổ áo kimono là một hình ảnh vừa thanh thoát, vừa cực kỳ gợi cảm cho đàn ông. Thời Phục Hưng ở Tây Âu, một thân thể đàn bà đẹp là một thân thể “Rubenesque”—những phụ nữ lõa thể của Ruben, của Rembrandt trông rất phì nhiêu, đằm thắm, với làn da mịn, hồng, vú nhỏ, bụng to, mông to, tròn. Thời nay, một thân hình đàn bà lý tưởng là một thân hình của … búp bê Barbie, chân dài, ngực nở, mông thon. (Ở đây, lời than phiền của nhà văn Lê thị Huệ về sự vô ý thức của những nhà văn nữ bị “dùng” như phương tiện gợi dục cũng có lý nếu ám chỉ những truyện của Đỗ Hoàng Diệu—những người đàn bà của Đỗ Hoàng Diệu là những nạn nhân có vóc dáng Barbie với thân hình gợi cảm, cặp đùi dài, tâm hồn nhậy cảm và lý trí thụ động, như bị thôi miên—những nhân vật, theo lời nhà văn Lê thị Huệ, là “những con mồi béo bở cho đàn ông khai thác.”) Điều này cho ta thấy không có một sự khác biệt rõ rệt giữa nghệ thuật gợi cảm và những hình ảnh, phim, hay sách chuyên gợi dục. Thậm chí, một bức tranh, một cuốn phim, một tác phẩm văn chương có thể vừa đạt được mục tiêu “vị nghệ thuật vị nhân sinh” vừa khiêu khích gợi dục.

Họa sĩ Balthus, với bức tranh Bài Học Ghi-ta (The Guitar Lesson), tả một cô bé vị thành niên bị bà giáo dạy đàn guitar nắm tóc, bắt đè ngửa trên đùi là một thí dụ. Tư thế “dâng hiến” của cô bé gợi đến tượng điêu khắc Thương Cảm (La Pietà) của Michelangelo, và cấu trúc formal của bức tranh làm người xem tranh nghĩ đến ảnh hưởng nghệ thuật có nhiều liên hệ đến Thiên Chúa Giáo của thời Phục Hưng, nhưng cử chỉ của hai nhân vật trong tranh, cô bé với những ngón tay bứt đầu vú bà thầy giáo, bà giáo dùng sức mạnh áp chế cô bé, gợi lên ý tưởng bạo dâm, chuyện cưỡng bức tình dục một đứa trẻ và chuyện đồng tình luyến ái—tất cả tạo ra cấu trúc khiêu dâm taboo gần như chế ngự đặc tính formalism cổ điển của bức tranh.

La Pieta

Thương Cảm (La Pietà) – Michelangelo

guitar lesson

Bài Học Ghi-ta (The Guitar Lesson) – Balthus

Vì nghệ thuật và dục vọng vừa đối nghịch vừa đi đôi với nhau, nhà văn Kiệt Tấn đã nhận xét rất chính xác, là khi những nhà văn nữ viết thẳng thừng về chuyện … vọc lồn, họ đã không làm đàn ông hứng thú, mà trái lại, đã làm phái nam phải “toát mồ hôi lạnh.” Nhưng tiếc thay, Kiệt Tấn đã không tìm hiểu tại sao tại sao những nhà văn nữ đã cố tình làm chuyện này, mà lại để điểm mù của giới tính chi phối, đưa đến một kết luận tự kỷ, theo tiền định …đàn ông, bằng cách kết tội những nhà văn nữ là không biết viết văn chương gợi cảm. Tôi nghĩ, mục đích của những nhà văn nữ, nhất là những nhà văn táo tợn show all làm phái nam bị … kinh hoàng, rõ ràng không phải để khiêu dâm hay quyến rũ đàn ông mà là chống trả lại cái nhìn của đàn ông: đó là một cách viết theo kinh nghiệm phái nữ (writing the feminine), một cách phơi bày hiện thực trực tiếp với người đọc, một cách thử thách, đập vỡ thành kiến.

Tôi nghĩ đến kinh nghiệm của đứa bé gái lần đầu có kinh, được mẹ dặn phải gói kỹ …của nợ vào tờ nhật trình, gói kín như một niềm xấu hổ truyền kiếp. Một ngày kia đứa bé lớn lên, trở thành một nhà văn, và muốn xé toạc những niềm xấu hổ từ trước đã bị gói kín qua hai, ba lần giấy báo. Xé toạc và viết thẳng thừng, như muốn la hét trước công chúng: tất cả những “món đồ” này, chúng chỉ là những sinh hoạt của thân thể, của kinh nghiệm sống, không hơn, không kém. Chẳng có gì phải xấu hổ, và chẳng có gì phải dấu diếm, vì dấu diếm là tự đày đọa mình ra khỏi thân thể, ra khỏi ý thức hệ đàn bà, là chối bỏ hiện thực giới tính và đời sống. Văn chương sẽ sống động hơn, sẽ “thật” hơn, nếu cái nhìn và kinh nghiệm phụ nữ được ghi chú. Nhà văn Lê thị Thấm Vân đã nhận xét:

Tôi nghĩ tới Kiều của Nguyễn Du. Mười lăm năm lưu lạc, ngã vào lòng không biết bao nhiêu loại đàn ông …. Mười lăm năm biết bao đêm, biết bao lần mà không dính “bầu.”Kiều dày dạn phong sương, đủ mọi ngón nghề, nhưng nghề ngừa thai hoàn toàn không đề cập. Nếu tác giả là đàn bà, có lẽ việc đầu tiên tác giả sẽ cho biết ngay là Kiều không có buồng trứng tốt, thuộc loại “cây độc không trái” không thể sinh đẻ được cho độc giả chúng tôi khỏi phải thắc mắc, rồi sau đó hãy mổ xẻ nhân sinh quan, triết lý đạo Phật, tài mệnh tương đố, thân phận kiếp người.[2]

Cử chỉ “xé toạc gói của nợ” không chỉ được biểu lộ qua những đoạn tả tỉ mỉ về thân thể và tình dục phụ nữ gần đây, mà nó đã bắt nguồn từ ước nguyện của nhà văn phụ nữ muốn trực diện, muốn tự mổ xẻ thân phận mình. Hồ Xuân Hương “của trăm năm trước” tuy là một thí dụ nổi bật, vẫn chỉ là một trong những nhà văn, nhà thơ phụ nữ với muôn vàn cử chỉ “xé toạc” đa diện, đa màu. Chỉ nói đến Hồ Xuân Hương trong văn chương Việt Nam như hiện tượng có một không hai là vẫn còn thiếu sót, thiển cận.

Ở đầu thế kỷ 20, trong thập niên 1930-1940, Thụy An (Lưu thị Yến) có lẽ là một trong những nhà văn phụ nữ đầu tiên chất vấn ý niệm feminine, và những ẩn dụ của ý niệm này. Trong tập truyện ngắn Bốn Mớ Tóc, Thụy An khai phá 4 ý niệm về mái tóc đàn bà: (1) mái tóc là vẻ đẹp cổ điển, lãng mạn của người đàn bà, được định nghĩa từ hướng nguời chồng không muốn vợ cắt tóc; (2) mái tóc là truyền thống, tương tự như “cái trinh” che chở người con gái—khi cô con gái chưa chồng muốn cắt và uốn tóc theo mốt thời trang mới thì làm bà mẹ bị khủng hoảng vì lo sợ rằng mái tóc đã cắt ngắn, như cuộc sống hiện đại, sẽ làm cô con gái dễ bị tổn thương hơn lúc mái tóc còn dài, còn “gói kín” vóc dáng; (3) mái tóc là biểu hiện của giới tính và bản sắc—khi một người đàn bà ốm nặng, bị bắt buộc phải cắt tóc thì thấy như mình như bị cướp mất đi giới tính và bản sắc; (4) mái tóc là tục lụy, là gánh nặng mà một phụ nữ mang nặng tinh thần xã hội và cách mạng muốn trút bỏ.[3]

Sau Thụy An, trong thập niên 1960-1970 là những nhà văn Túy Hồng, Nguyễn thị Thụy Vũ, Nguyễn thị Hoàng, Nhã Ca, viết về những nhân vật đàn bà sôi nổi, chất vấn cái nhìn khắt khe, lý tưởng hóa (và nhiều đàn áp) của truyền thống và văn hóa. Trong truyện Lòng Thành, Túy Hồng viết về những người đàn bà có dáng đi khắc khổ, hoặc “chanh chua như tướng cướp,” bại hoại vì chuyện kiếm chồng và trau dồi sắc đẹp bên ngoài.[4] Trong truyện ngắn Bà Điếc, Nguyễn thị Thụy Vũ viết về Linh, một cô gái lỡ thời tuổi Dần, với thân thể “giàu sang thịt mỡ, co kéo suông đuột như cây cột nhà,” nhưng với một bộ óc cay cú, sắc bén, chán ngán người tình “lì lợm, nhạt nhẽo,” và khinh bỉ cô em, một “con đàn bà trống trải, ngu muội.”[5] Nguyễn thị Thụy Vũ, trong truyện Lòng Trần, cũng viết về một ni cô, khi hấp hối, thèm được nếm muỗng nước mắm mặn khắm.[6] Nhã Ca thường nói lên tâm trạng trạng “ly thân” của đàn bà, bị xâu xé giữa lý tưởng và hiện thực, giữa khả năng và bất lực. Nhã Ca không trắng trợn thẳng thừng như những nhà văn phụ nữ sau này, nhưng trong bài thơ “Một Đoạn Nhã Ca,” ta vẫn nghe thấy giọng mời mọc, khiêu khích:

Tôi phanh thây tôi cho mọi người nhìn tôi và phán đoán
trong vườn tôi có lá xanh có trái thơm
và cũng có chồi hư
hoa quỳnh vất vưởng bên hoa hồng dại
cỏ tóc tiên mọc lẫn cùng cỏ tranh
trong huyết đỏ luân lưu có huyết bầm khổ ải
trong tiếng ca hát có tiếng chửi rủa thề nguyền
chim họa mi đậu trên cành cao
nào ngờ dưới cỏ xanh cóc đang rên xiết
tôi mở rộng cửa vườn rồi
mời mọi người vào xem [7]

Trước khi kết tội những nhà văn phụ nữ hiện thời trong việc họ đã đi quá xa, nên nhớ rằng giang sơn xác thịt của họ, cho dù có “tận cùng,” có “toang hoang” đến đâu cho nữa, chỉ là một tiếp nối tự nhiên từ con đường ý thức hệ đã được các nhà văn của thế hệ bà ngoại, mẹ, dì, cô của họ khai phá, bắt đầu từ 70 năm trước, từ Thụy An, Mộng Sơn, Nguyễn thị Vinh trong khoảng thời gian 1930-1950 đến những nhà văn phụ nữ ở thời điểm 50-75 đã nêu lên ở trên.

Hiện nay, nhà văn Lê thị Thấm Vân, khi viết tường tận về kinh nghiệm một người đàn bà thủ dâm như một cách “giữ mình” trước những cám dỗ xác thịt vô luân (trong Xứ Nắng, nhân vật chính thủ dâm như một cách làm dịu đi những dồn nén căng thẳng đã được tạo ra bởi hoàn cảnh sống gần gũi với người em trai chồng), cũng đã cảm nhận tính chất mâu thuẫn và “hậu hiện đại” trong chính cử chỉ “xé toạc/viết toạc” này. Mặc dù hành động thủ dâm trong Xứ Nắng được nhân vật chính coi như là một cách trấn giữ, để nàng “hoàn toàn thuộc về mình,” sự mô tả tỉ mỉ về cảm giác một phụ nữ tự làm mình được khoái cảm là cách “mở rộng cửa vườn” (vừa nghĩa đen vừa nghĩa bóng)—xác nhận một hành động phạm vi, vượt biên (transgress) trong nghệ thuật viết văn. Lê thị Thấm Vân đã khẳng định tính chất “vượt biên” ngay trong truyện của chị:

Tôi đi vào phòng tắm, lần mò như kẻ bị móc mắt, nhưng cũng quyết chí đi. Như kẻ vượt tù, tin chắc rằng chân trời mình chỉ cách mình một cách nhẩy cao. Vượt biên, thõng chân xuống nước là chạm phải mặt đất. Cậu Thịnh kể chuyện vượt biên tám lần mới lọt, lần nào cũng như xem phim trinh thám. Còn tôi đây, đang dò dẫm bước …. Đi theo tiếng gọi của thể xác, trong tôi….

Cánh cửa phòng tắm bật tung ….

Tôi chịu hết nổi, tuột gấp quần, chỉ kịp qua khỏi đầu gối …. Tôi ngồi bệt xuống sàn xi măng ẩm nước … ngón tay tôi run run đút sâu …luồn lách qua từng thớ thịt khe rãnh nhầy nhụa ấm nóng. Sóng cuồn cuộn trên vũng bụng. Ngón tay hút chặt. Đầu môi con bạch tuột. Tôi biết tôi muốn gì, làm gì, ngay trong giây phút này. Tôi hoàn toàn thuộc về tôi. Cái quẫy mình của con kình ngư.[8]

Trong sự “vượt biên”/”mở rộng cửa vườn” để kết hợp lý tưởng với hiện thực, tôi không nghĩ những nhà văn phụ nữ thời nay đã phây phây xử dụng “quyền tự do làm tình” của họ mà bất chấp giới hạn. Ngược lại, tôi thấy rằng họ đã tìm cách “vượt biên” để nói ra những đau đớn, những giới hạn, những ly thân, những đè nén từ lâu chưa được giải tỏa. Trong tiểu thuyết Mùi Hương Quế, Dương Như Nguyện nói về những tình yêu “bị mắc cạn giữa hai dòng” văn hóa Mỹ Việt. Khi Dương Như Nguyện tả về mối tình sa-đích giữa Uyên, một luật sư Việt Nam, với một người tình Mỹ thích chuyện bạo dâm, chị muốn nói lên sự xung đột giữa ý niệm thành công “bên ngoài” và mặc cảm tự ti “bên trong” của một phụ nữ chưa thoát ra khỏi tâm trạng bị đàn ông da trắng và lịch sử đô hộ và tẩy não.

Tương tự, trong truyện ngắn Lý Bỏ C…, một truyện “vượt biên” táo bạo vì đề cập đến đề tài phá thai, nhà văn Lê thị Huệ diễn tả rất xác thực tâm trạng một cô sinh viên Việt Nam, khi biết được mình có bầu với bạn trai sống chung, đã bị dằn vặt giữa mặc cảm tội lỗi và ước nguyện được sống một cuộc đời tự quyết, không bị lịch sử hay quá khứ chế ngự:

Phía trên cửa sổ của quán, bức tường treo đầy hình những tấm áp phích các cô gái ăn mặc theo thời trang 1960, mi ni cong mông vú nẩy. Tôi nhìn lên bức ảnh cô gái mặc cái áo tím lá cờ Mỹ trồi lên từ mặt nước biển cười toe với bảng hiệu "Life, Liberty, and the Pursuit of Happiness."

"Giấc Mơ Mỹ" Hừm. Tôi không phải là con nhỏ trong tấm biểu ngữ. Nhưng tôi có mơ những thứ như con nhỏ mơ không? Tôi là đứa con gái Việt Nam hai mươi mí không biết đời sẽ trôi về đâu. Tôi chạy vắt cờ tị nạn sang Mỹ vào năm 1975. Chiến tranh là chuyện của đàn ông bày ra. Nhưng tôi bị vạ lây. Đời là những cú vạ lây này nối tiếp vạ lây nọ. Nếu mẹ tôi không sanh tôi ra đời. Tại sao mẹ lại đẻ con ra đời làm gì. Nếu không có chiến tranh Việt Nam những người Mỹ không đến Việt Nam thì bây giờ tôi đâu có đang ngồi ở đây. Tại sao các ông sang nước Việt của tôi làm gì. Nếu không có cái pác ty ở nhà Phước Trắng thì tôi đâu gặp Đen, giờ này tôi khỏi ngồi đây một mình co dúm như con vịt bị dội nước nóng sắp bị người ta cứa cổ làm tiết canh. Sống là lao vào những cái vạ lây. Tôi lao hay ai bẫy tôi vào.

Mà tại sao tôi bỗng giận và ghen với con nhỏ Mỹ kia. Tại sao con nhỏ có thể mạnh dạn giăng cái biểu ngữ kia còn tôi thì đang muốn tan như cục nước đá biến xóa mất sự có mặt của mình trên cõi đời này …. Cho tôi mất thây như cục nước đá tan biến đi. Tôi không muốn hiện diện nữa. Tôi kẹt giữa cái gì mà kinh khủng còn hơn Việt Nam kẹt giữa các đế quốc Nga Tàu Mỹ trong cuộc chiến Cộng Sản nữa.[9]

Có lẽ những nhà văn phụ nữ thời nay cũng “vượt biên” để nhận định rằng, ở lúc này, tình dục trong văn chương vẫn chỉ là chữ nghĩa, là lập luận, là một lời ngỏ ý, là thách thức chống lại cấu trúc tiền định, là một kế hoạch giải phóng, nó chưa/không hẳn là hành động. Đặng Thơ Thơ, trong truyện Hai Tháng Cho Một Tình Yêu, đã cho ta thấy rằng chuyện thương lượng tình dục cũng chỉ là một trò chơi … chữ, mà những cụm từ như “ở bên ngoài,” hay “vào bên trong” là những từ bấp bênh, đầy ẩn dụ, mãi mãi lững lờ, úp mở: ai vào “trong,” ai ở “bên ngoài”?[10] Tình dục qua chữ nghĩa chỉ là tiếng gõ dạm cửa, đánh tiếng gọi linh hồn người chủ nhà ở bên trong.

Tuy nhiên, chữ nghĩa, lời nói, gọi chung là speech, theo Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, được “bắt nguồn từ suy nghĩ":

Vấn đề chữ nghĩa, lời nói có thể khuyến khích những hành động vi phạm chưa đủ là một lý do để cấm đoán chữ nghĩa và lời nói. Những quyền tự do trong Tu Chính Án Thứ Nhất (First Amendment) [như quyền tự do ngôn luận và quyền tự do tín ngưỡng] sẽ gặp sự đe dọa hiểm nghèo nhất khi chính quyền có ý đồ kiểm soát cách suy nghĩ của người dân hay cho ra những đạo luật dựa trên mục đích bất chính này. Quyền được suy nghĩ là bước đầu của tự do dân chủ, và chữ nghĩa, lời nói phải cần được bảo vệ ngoài phạm vi kiểm soát của chính quyền, vì chữ nghĩa và lời nói bắt nguồn từ suy nghĩ.

(Ashcroft v. Free Speech Coalition, 535 US 234, 253 (2002) (Một kháng án thử thách luật liên bang Ngăn Ngừa Nạn Bán Dâm Trẻ Em (The Child Pornography Prevention Act of 1996), đuợc Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ duyệt xử và bác án, xác định (affirm) cách phân tích luật pháp của Tòa Quản Hạt Liên Bang thứ Chín (Ninth Circuit Court) là đúng tiêu chuẩn với ý đồ của Hiến Pháp)).

miss liberty decouverte

Nữ Thần Tự Do Mở Toang Hoang (Miss Liberty Découverte) — Jean Lagarrigue (1971)

Quyền tự do ngôn luận và quyền tự do tín ngưỡng trong Hiến Pháp Hoa Kỳ được coi là những quyền căn bản và quan trọng nhất của người dân trong một xứ sở tự do. Người ta than phiền, “ở xứ Mỹ, tụi nó tự do nhiều thứ quá” mà có lẽ không nhận thấy rằng ý niệm tự do dân chủ của công dân Hoa Kỳ đã được dựa phần lớn trên chữ nghĩa, tiêu chuẩn, cách phân tích tường tận “ý đồ nguyên thủy” (original intent) của những chính khách đã thiết kế bản Hiến Pháp Hoa Kỳ cách đây hơn 200 năm trước. Sự xung đột—và cũng là nền tảng của văn bản Hiến Pháp—là cách định nghĩa và áp dụng các quyền tự do căn bản của con người qua nhiều cái nhìn và thời đại lịch sử. Không ai đương nhiên chấp nhận Hiến Pháp là một văn bản tuyệt đối, bất di bất dịch. Có lẽ chính vì sự úp mở, dằng co này mà Hiến Pháp Hoa Kỳ vẫn còn được tồn tại đến ngày hôm nay. Nó đòi hỏi ở người công dân Hoa Kỳ không chỉ là trình độ “đọc" theo nghĩa thông thường, mà còn phải hiểu và biết phân tích ngôn ngữ, cùng với tinh thần cởi mở, không chấp nhận những giải pháp dễ dàng hay những chiều hướng áp bức.

Thí dụ, vấn đề “sở hữu và phổ biến những tài liệu kích dục” (possession and pandering of pornographic materials) là vấn đề hiện đang được Tối Cao Pháp Viện tranh cãi sôi nổi, phần lớn vì mạng internet đã gia tăng tình trạng bán những hình ảnh có chiều hướng kích dục của trẻ vị thành niên có thật và “hư cấu” (virtual). Ngay ý niệm “tài liệu kích dục” như chị biết là một ý niệm vẫn được đang thảo luận (thế nào là “kích dục,” thế nào là “nghệ thuật,” còn vừa “kích dục” và “nghệ thuật” thì có phạm luật không? Đại loại là những điểm đã được thảo luận ở trên.) Ý niệm “sở hữu” (possession) và ý niệm “phổ biến”/"làm thỏa mãn tính hiếu kỳ" (pandering) ở tài liệu kích dục cũng không phải là những ý niệm đơn giản, vì còn những yếu tố phức tạp khác liên hệ đến chúng, như sự khác biệt giữa “lời nói không có ý định quảng cáo” (non-commercial speech) là "lời nói" được Hiến Pháp bảo vệ và “lời rêu rao quảng cáo có tính cách thương mại" (commercial speech) là "lời nói" không được sự bảo vệ tuyệt đối của Hiến Pháp. Như chị đã thấy, "pornography” là một đề tài gây rất nhiều nhiễu nhương cho cách phân tích chữ nghĩa, trong lãnh vực chính trị, hành pháp, tư pháp cũng như văn chương.

Trong bài góp ý, chị đã viết:

Thực tế đã có biết bao người đọc văn chương ngoại ngữ rành rẽ gấp bao lần Việt ngữ, đầu óc họ vẫn tiếp tục bị bó rọ trong hàng rào mặc cảm tự tôn để không thể nào tiếp cận được vùng trời bao la của vũ trụ trong đó khía cạnh tình dục cũng chỉ là một.

Câu “[đ]ọc văn chương ngoại ngữ rành rẽ” cần phải được phân tích thêm. Nếu "đọc văn chương rành rẽ" chỉ có nghĩa là người đọc hiểu được những từ vựng trong một tiếng ngoại ngữ thì vẫn chưa đủ, một người đọc, cũng như một công dân trong một nước dân chủ tự do, phải biết “xé toạc”/"phanh phui" những bẫy ngầm của ngôn ngữ đã bị ảnh hưởng bởi thành kiến, phải biết chất vấn, phải có trí sáng tạo, và trên hết, phải sống thực với chính mình. Nếu đạt được những tiêu chuẩn này, thì tôi nghĩ một người đọc cũng có thể trở nên một người viết thẳng thắn hay ít nhất, một người biết suy nghĩ và biết quyết định cho chính mình. Cũng không nên nghĩ rằng tiêu chuẩn này chỉ cần được áp dụng cho một xã hội có "dân trí khá cao" như chị nói, mà nên là tiêu chuẩn căn bản cho tất cả mọi người muốn được trở thành con người biết suy nghĩ. Từ ý thức "biết suy nghĩ" này, một người sẽ biết cư xử và hành động độc lập.

Bây giờ, chúng ta lại quay về điểm khởi đầu mà nhà văn Phạm thị Hoài đã ngụ ý trong Thiên Sứ: một con người biết suy nghĩ phải được sống trong một xã hội thoáng khí, rộng mở, toang hoang, không bị bưng bít, kiểm duyệt.

Trân trọng,

Đinh Từ Bích Thúy

Chú thích:

[1]Phạm thị Hoài, Thiên Sứ (Đa Nguyên: 1990), tr. 23-24.

[2] Lê thị Thấm Vân, Xứ Nắng (Anh Thư: 2000), tr. 117.

[3]Uyên Thao, “Thụy An,” trong Các Nhà Văn Nữ Việt Nam 1990-1970 (Xuân Thu: 1991), tr. 279-286.

[4]Túy Hồng, Lòng Thành, trích từ tuyển tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng Ta (Sóng, Saigon: 1974), tr. 669-693.

[5] Nguyễn thị Thụy Vũ, Bà Điếc, trong tuyển tập Ba Miền 10 Khuôn Mặt (nxb Kim Anh, Saigon: 1970?), tr. 205-243.

[6] Nguyễn thị Thụy Vũ, Lòng Trần, trong Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng Ta, tr. 397-415.

[7]Trong tuyển tập Nhã Ca Thơ (Vietbook, USA: 1999), tr. 127.

[8]Xứ Nắng, (sđd) tr. 125-126.

[9] Lê thị Huệ, Lý Bỏ C …, mạng Gió-O.

[10] Đặng Thơ Thơ, Hai Tháng Cho Một Tình Yêu, Hợp Lưu số 69

bài đã đăng của Đinh Từ Bích Thúy

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)