Trang chính » Biên giới trong Văn Chương, Biên Khảo, Nhận Định, Phê Bình Email bài này

Băng Qua Tháp Babel: Salman Rushdie và Dã Sử Vượt Biên

enchantressofflorencecover_thumb.jpg

LTS: Đinh Từ Bích Thúy tường thuật buổi ra mắt sách mới của Salman Rushdie, Nàng Phù Thủy Thành Florence (The Enchantress of Florence), lúc 7 giờ chiều, ngày 30 tháng Sáu, 2008, 6th và I Streets, Historic Synagogue (trong Chinatown), Washington, DC. Bài nhận định này cũng tổng kết và phân tích những dư luận/phê bình về tác phẩm và nghệ thuật tiểu thuyết của Rushdie.

enchantress of florence cover

Hoa Thịnh Đốn: Ngày 30 tháng Sáu vừa qua, trong buổi ra mắt tác phẩm mới nhất với tựa đề Nàng Phù Thủy Thành Florence (The Enchantress of Florence), nhà văn Salman Rushdie, khi được hỏi câu, “Ông viết cho loại độc giả nào?” đã mượn lời nhà văn da đen Hoa Kỳ Ralph Ellison Người Vô Hình (The Invisible Man) đáp lại như sau, “tôi viết cho khán giả cùng màu da với tôi, và bất cứ ai mà tôi có thể lôi cuốn.”

Mặc dù một số người tham dự có thể coi câu trả lời này … không có phần khiêm nhường, nhưng phải công nhận rằng Rushdie rất thẳng thắn. Như bất cứ một nhà văn nào trong thời đại hôm nay, sống trong một thế giới đã bị thu hẹp bởi kỹ thuật, chiến tranh, lịch sử bị xâm chiếm hay đàn áp, Rushdie muốn duy trì mối giao cảm với độc giả Ấn Độ-những người cùng quê quán với ông–đồng thời, ông cũng muốn … được cả thế giới chú ý đến. Ông nói rằng sứ mệnh của một nhà văn hậu hiện đại và hậu thuộc địa là, “cho người đọc nhìn thấy những xứ sở thoáng tưởng là xa lạ hay kỳ diệu, nhưng dần dà trở nên chính thế giới gần gũi của chúng ta.”

Trong buổi đọc sách, Rushdie lên án cụm từ “hiện thực huyền ảo” (magic realism). Nhà văn gọi đây là một định nghĩa “đầy thành kiến và sai lệch” của một Tây Phương vẫn còn bị giam hãm trong ảo tưởng của thuyết Khai Sáng. Trong cái nhìn này, Rushdie, người đã chứng kiến và tái tạo sự thất bại của Ấn Độ trong những thập niên sau Độc Lập qua tác phẩm Những Đứa Con của Nửa Đêm (Midnight’s Children), đã cùng khuynh hướng với Garcia Gabriel Marquez. Trong diễn văn Nobel đọc năm 1982, “Sự Cô Đơn của Châu Mỹ La-tinh,” (“The Solitude of Latin America”), Marquez đã định nghĩa “hiện thực” của nhà văn Châu Mỹ La-tinh là một hiện thực không huyền ảo, mà trái lại đã quá “thật” đến nỗi nó trở nên một ác mộng trong đời sống:

[Lịch sử đẫm máu] của xứ sở quê hương tôi là cả một hiện thực vượt ra mọi khuôn khổ (outsized reality) … Một hiện thực không ở trên trang giấy, mà chính là cái ngự trị trong chúng tôi, nó quyết định từng giây phút vô số những cái chết của chúng tôi … Cái hiện thực này không đòi hỏi nhiều ở trí tưởng tượng của chúng tôi, vì vấn đề của chúng tôi thật ra là không có đủ những phương tiện thông thường hay lô gích để làm cuộc sống của chúng tôi “dễ hiểu hơn.” Sự thiếu thốn này là nguồn gốc nỗi cô đơn của chúng tôi.[i]

Hiện thực hay huyền ảo, Nàng Phù Thủy Thành Florence, như những tác phẩm nổi tiếng trước của Rushdie (Những Vần Thơ của Quỷ (The Satanic Verses), Tiếng Thở Dài Cuối Cùng của Tên Hồi (The Moor’s Last Sign) có thể được gọi là được viết trong thể chắp nối (pastiche) từ những dã sử, huyền thoại của Tây Phương và Trung Đông—như những truyện biến thể từ thế giới Một Ngàn Lẻ Một Đêm. Nàng Phù Thủy Thành Florence kết hợp bối cảnh cung điện dát vàng thời đại Medici ở Florence với màu sắc “thâm cung bí sử” của vua Akbar, vị vua giòng dõi Mông Cổ của Ấn Độ vào thế kỷ 16.

Truyện bắt đầu khi một anh chàng da trắng, tóc vàng, với tên Ý rất kêu là Mogor dell’ Amore (“Mông Cổ của Tình Ái”) đến cung địa cua Akbar bảo rằng y có họ hàng với nhà vua vì mẹ hắn, Qara Koz, nàng phù thủy thành Florence, cũng là bà cô của vua Akbar, xuất thân từ Ấn Độ–nhưng bị xóa ra khỏi lịch sử vương tộc vì nàng đã kết hôn với một vị vua Ba Tư trước khi lưu lạc sang Florence. Rushdie nói rằng cấu trúc truyện của ông không hẳn là mới lạ, trước Nàng Phù Thủy Thành Florence đã có truyện dã sử bằng thơ Orlando Furioso (Orlando Cuồng Điên) của nhà thơ Phục Hưng Ý Ludovico Ariosto, nói về sự xung đột cũng như tình yêu giữa những hiệp sĩ theo Thiên Chúa Giáo phò vua Charlemagne (tượng trưng cho văn minh) và những mỹ nhân vô đạo tượng trưng cho những xứ sở “mọi rợ” của Á Châu và Phi Châu). Truyện thơ về Orlando kết hợp nhiều huyền thoại cổ của Âu Châu, xuất xứ từ truyện Vua Arthur và Những Hiệp sĩ Bàn Tròn của Anh cũng như truyện Hùng Ca Roland của Pháp, để ca ngợi chủ thuyết nhân bản đa văn hóa lúc đó đang thịnh hành ở Ý. Rushdie phát biểu,

Tôi thường say mê những truyện lịch sử về những cô công chúa bị dùng như con cờ chính trị, thường được các bậc anh, cha, cống hiến cho vương quốc ngoại bang. Tôi nghĩ trong lịch sử họ thường kém may mắn, có lúc họ bị cưỡng ép đồng hóa vào văn hóa ngoại bang, có lúc, sau khi làm tròn sứ mệnh đổi chác, họ bị trả về quê mẹ, chết trong quên lãng, hay bị lịch sử xóa bỏ. Là nhà văn, tôi không chấp nhận những kết cuộc như vậy, tôi thích viết lại lịch sử (lịch sử là khoa chuyên môn ngày xưa của tôi ở đại học) và tái tạo những kết cuộc khác, khả quan hơn, bao quát hơn. Tôi muốn những vị công chúa này được có quyền lực, từ Châu Á băng sang Châu Âu để gây nhiều chấn động, làm đảo điên lịch sử ….

Nhiều nhà phê bình nghĩ Rushdie dùng huyền thoại về những …Huyền Trân Trung Đông cũng chỉ để nói về mình: một nhà văn Ấn Độ dùng tiếng Anh–như di sản thời lục địa–để cải hóa truyền thống văn chương Anh và Tây Phương nói chung ở thời nay. Qua cách dã sử hóa những nàng công chúa đã chịu sứ mệnh “băng qua bờ cõi” (còn có nghĩa là những “dịch giả” vì chữ translator theo gốc La-tinh là “băng qua”), Rushdie đã gợi lại trong óc người tham dự nhiều thực trạng buồn thảm trong lịch sử bang giao giữa những thế giới dị biệt.

Pocahontas, công chúa bộ lạc da đỏ Powhattan của tiểu bang Virginia vào thế kỷ 16, người đã có công hòa giải những xung đột giữa đám dân Anh đến khai phá Jamestown và bộ lạc bản xứ da đỏ, đã bị chính quyền Anh dùng như một “bích chương quảng cáo”—cho sang Anh, đặt lại tên thành Rebecca, cải tín ngưỡng sang Thiên Chúa Giáo, để chứng minh với dân Anh vào thời đó (đồng thời khuyến khích chuyện khai thác lục địa Hoa Kỳ) là bọn mọi da đỏ của Tân Thế Giới thật ra rất “nhu mì” và có thể khuất phục.

Không phải chỉ người Tây Phương mới mang tật duy ngã về văn hóa và giới tính. Huyền thoại Trọng Thủy Mỵ Châu của Việt Nam đã cho ta thấy rằng Mỵ Châu đã bị tước mất nhân quyền hai lần trong một cuộc đời ngắn ngủi: lần đầu khi vua cha gán ghép vào hôn nhân với Trọng Thủy, lần thứ nhì khi nàng bị cha chém đầu, cũng chỉ vì nàng đã quá tin cậy … đàn ông. Trong truyện Huyền Trân, mặc dù Huyền Trân được gả cho vua Chế Mân của Chiêm Thành để đổi lấy hai Châu Ô, Lý, nới rộng bờ cõi Việt Nam, người đời vẫn có câu ca dao khinh bỉ bọn “mọi rợ” người Chiêm không biết thân phận, thích leo trèo …làm sang:

Tiếc thay cây quế giữa rừng,
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, để tránh cảnh Huyền Trân bị “ô nhiễm” bởi văn hóa “lạc hậu” của Chiêm Thành bắt buộc nàng phải chết theo Chế Mân khi nhà vua băng hà, anh ruột nàng, vua Trần Anh Tông, bèn sai cận thần là Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang, rồi tìm cách cứu Huyền Trân mang về nước. Trần Khắc Chung bày kế thành công, cứu được Huyền Trân đưa xuống thuyền, đưa về Đại Việt bằng đường biển. Theo sách sử, để “trả thù dân tộc,” Trần Khắc Chung đã tư thông với công chúa. Nhưng Huyền Trân cũng không được lấy Trần Khắc Chung, mà vẫn phải theo “cách sống đạo đức” khi về quê nhà. Tuân theo di mệnh bố là Thượng hoàng Nhân Tông, công chúa đành đầu gia Phật Giáo, yên phận … đi tu. Chán thay!

Có lẽ vì cũng biết rằng các công chúa trong lịch sử không hẳn được băng qua bờ cõi, Salman Rushdie đã biến họ thành những nàng Kiều và phù thủy đầy uy quyền nhưng vẫn mơ hồ huyễn hoặc trong thế giới văn chương của ông. Trong truyện, Jodha, người vợ lý tưởng của vua Akbar, là một người vợ …hoàn toàn sống trong trí tưởng tượng của nhà vua.

Rushdie cũng không thoát khỏi lời chỉ trích của các nhà phê bình phụ nữ. Ông bị kết tội là “lý tưởng hóa gái điếm với những bí quyết làm tình thần sầu hoặc những loại đàn bà thông minh nhưng lăng loàn, không có thật trong đời sống.” Chuyện Rushdie lúc truớc kết hôn với một người mẫu nổi tiếng, và chuyện ông thích cặp bồ với những minh tinh trẻ đáng tuổi con cháu, là chuyện thường được báo chí Mỹ đề cập đến.

Mặc dù trong thời đại mà văn hóa đã trở thành một món hàng, và một nhà văn ăn khách được đối xử như một tài tử điện ảnh, giới trí thức Hoa Kỳ, và ngay cả ở Anh, vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận “hiện tượng” Salman Rushdie. Milan Kundera, trong tuyển tập bình luận Nghệ Thuật Tiểu Thuyết (The Art of the Novel), đã nhận xét:

Đến lúc Kafka được chú ý đến nhiều hơn Joseph K. (nhân vật trong truyện Phiên Xử (The Trial), thì lúc đó Kafka sẽ chết sau khi đã chết.[ii]

Án fatwa của nhóm Hồi Giáo cực đoan cách đây 20 năm đã biến Rushdie thành một “con gián” của thế giới văn chương—vừa “khổng lồ–vì tầm mức quan trọng nhưng hiểm nghèo của quyền tự do phát biểu, vừa “đáng ngượng và cần phải chui nhủi” vì Rushdie không chịu giữ vai trò một nhà văn ngoan ngoãn mẫu mực, mà vẫn duy trì những thái cực đầy mâu thuẫn. Dưới áp lực của cộng đồng Hồi giáo ở Anh muốn “hòa giải” với chính quyền Khomeini, Rushdie lúc đầu đã tuyên thệ rằng ông là người “sẽ tu chỉnh và thi hành quy luật Hồi giáo” làm nhiều giới trí thức thất vọng cho sự “hèn nhát” của ông. Được ít lâu thì Rushdie cực lực chối bỏ chuyện “tín đạo” của ông bằng cách tuyên bố:

Tôi phải chối bỏ chuyện thần thánh hóa văn chương …. Tôi không thể chấp nhận khái niệm về nhà văn như tiên tri của thế tục. Đặc quyền duy nhất của văn chương là đặc quyền được làm diễn đàn thảo luận, nơi sự tranh đấu về ngôn ngữ được tiến hành.[iii]

Trên một khía cạnh nào đó, “tai tiếng” của nhà văn đã lấn át giá trị văn chương của ông. Trong lúc đứng sắp hàng đợi đến phiên được Rushdie ký sách, người viết phỏng vấn nhóm khán giả tham dự. Trừ một số nhỏ là những độc giả thật sự hâm mộ văn chương của Rushdie, phần nhiều những người đến tham dự chưa hề đọc hoặc chỉ đọc dở dang những tác phẩm của ông. Họ đã đến nghe Salman Rushdie đọc sách vì nghe nói ông là người “ăn nói vui nhộn và rất có duyên ở công cộng,”nhưng nghĩ nhà văn không hấp dẫn lắm trên trang giấy. Truyện của ông “quá bao quát,” “huyễn hoặc thái quá,” “hời hợt trong cách miêu tả tâm lý nhân vật.” Jhumpa Lahiri, một nhà văn Hoa Kỳ gốc Ấn Độ từ hai tháng trước đã ra mắt tuyển tập truyện ngắn mới nhất, Mảnh Đất Không Quen (Unaccustomed Earth) cũng ở cùng địa điểm, trái lại đã được nhiều người khen là có một cách phân tích tâm lý nhân vật “sát với đời sống, thật thanh lọc, thật mạnh mẽ và khó quên.”

Khái niệm giòng chính về tiểu thuyết hiện đại vẫn không thay đổi gì nhiều từ mấy chục năm nay. Tác phẩm Phiên XửBiến Hóa (Metamorphosis) của Kafka vẫn được coi là tiêu chuẩn của loại tiểu thuyết “siêu thực/hiện sinh” được giới trí thức Âu Mỹ yêu chuộng. Trong cùng thời gian Rushdie phải đi trốn vì án tử hình, Kundera, hoàn toàn ngẫu nhiên, đã phân tích tác phẩm Phiên Xử của Kafka như sau:

Toàn diện cuộc sống nội tâm của Joseph K. bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh đã đàn áp lên hắn. Không còn điều nào khác, kể cả ký ức, những suy nghĩ siêu hình, hay sự nhận xét của Joseph K. về người khác được gọi là đáng kể ngoài chuyện bị hoàn cảnh đàn áp. Kafka không cần biết đến những yếu tố nội tâm đã thúc đẩy hành động của một nhân vật, mà đặt một câu hỏi hoàn toàn mới mẻ: còn gì để khai phá trong một thế giới mà những yếu tố bên ngoài đã trở nên quá gò ép đến nỗi những thúc đẩy tâm lý của nhân vật thành vô nghĩa và thừa thãi? Quả thật, đâu có gì có thể thay đổi cái án của Joseph K. hoặc thái độ của hắn, cho dù hắn có những thèm muốn đồng tình luyến ái hay những chuyện tình bi thảm trong quá khứ chăng nữa?[iv]

Tương tự, nhà phê bình David Gates của tờ International Herald Tribune đã nhận định như sau:

[Khác với cách kể chuyện “dễ dãi” và tự mãn của Rushdie], Kafka không miêu tả sự biến hóa của Gregor Samsa là một phép lạ mà là chuyện đáng xấu hổ thì đúng hơn, và không có chỗ nào trong tiểu thuyết Kafka biểu lộ lòng tự mãn là chính ông đã sáng tạo ra hoàn cảnh của nhân vật “người hóa gián” này.[v]

Hình như những nhà phê bình da trắng, nêu không cố ý kỳ thị, vẫn không thoải mái trong chuyện chấp nhận thể loại tiểu thuyết dã sử/fantasy mà họ đã định nghĩa là hiện thực huyền ảo của những nhà văn Châu Á hoặc Châu Mỹ La-tinh, vì thể loại này không “thâm thúy” hay “bề thế” đủ cho khuôn mẫu nặng về lý trí của Tây Phương. Nhà phê bình Michael Dirda của tờ Washington Post đã phát biểu như sau:

Mặc dù ông ta thiên về thể truyện cổ tích dã sử, Salman Rushdie đáng được coi như một nhà văn có nhiều cơ hội đoạt giải Nobel. Vì vậy, độc giả có lẽ sẽ ngạc nhiên khi thấy ông đã xuất bản một quyển sách chỉ có giá trị tương đương với chuyện tình nhẹ tênh của mùa hạ (summer fling). Nàng Phù Thủy thành Florence là một truyện lôi thôi, lếch thếch … nghiễm nhiên trộn nhào lịch sử với huyền thoại … và rõ là một tác phẩm “nhỏ” nếu so sánh với những tuyệt tác như Tiếng Thở Dài Cuối Cùng của Tên Hồi và Những Đứa Con của Nửa Đêm.[vi]

Có lẽ giới trí thức da trắng cũng không hoàn toàn an tâm trong việc Rushdie liên kết những điểm tương đồng giữa văn hóa Tây Phương và văn hóa Tây Phương, và vẫn muốn duy trì thành ngữ của Kipling, “Đông là Đông và Tây là Tây.” Trong truyện, Rushdie đã nhận xét rất sâu sắc qua lời của gã “Mông Cổ của Tình Ái”:

Có lẽ thảm họa của thế giới không phải vì chúng ta quá cách biệt, mà vì chúng ta quá giống nhau.[vii]

Để chứng tỏ khái niệm phổ quát và vượt biên giới của văn hóa, Rushdie đã dựa nhiều vào kiến thức lịch sử học rất quảng bác của ông. Nàng Phù Thủy thành Florence là một tác phẩm hư cấu đầu tiên có trang thư mục ở cuối sách. Mặc dù được coi như một nhà văn thử nghiệm thích phô trương cách ông cải tiến cấu trúc, Rushdie thích dùng quá khứ như nguồn khai thác vô biên. Hình như nhà văn không chấp nhận hình ảnh “cô đơn” của con người hiện đại—một con người không truyền thống, cộng đồng, hay lý lịch. Ngược lại, những tác phẩm của ông đều tôn vinh sự biến hóa kỳ diệu của con người từ di dân đến cư dân của hoàn cầu. Khái niệm biến hóa của Rushdie không dựa trên niềm tin tôn giáo, mà trên sự nghi hoặc và trí tưởng tượng của nhà văn trước những dữ kiện lịch sử. Trong Những Vần Thơ của Quỷ, Gibreel ngẫm nghĩ trong lúc nửa tỉnh nửa mê:

Thiên thần thì tương đối dễ trị. Biến bọn họ thành dụng cụ thì họ sẽ đàn hát cho mình. Con người thì khó khuất phục hơn, vì vỏ họ cứng hơn …. Con người có thể nghi hoặc bất cứ điều gì, ngay cả những tang chứng trước mắt …. Thiên thần không có quyền tự quyết …. Tự quyết là bất đồng, bất khuất; là chối bỏ [hiện thực có sẵn].”[viii]

Song song với khái niệm chối bỏ hiện thực có sẵn là nhận thức sâu đậm về nguồn gốc của nhà văn. Rushdie nói rằng Nàng Phù Thủy Thành Florence cũng là một truyện tình đẹp, không phải giữa Qara Koz, nàng phù thủy, với những người đàn ông xứ lạ, mà giữa nàng với cô tì nữ Gương Soi, người có khuôn mặt rất giống Qara Koz và đêm nằm cùng giường với nàng. Gương Soi là bạn đồng hành thân thiết nhất của Qara Koz trên quãng đường gian truân xa xứ, người duy nhất biết hết về lai lịch nguồn gốc của nàng phù thủy.

Cuối cùng, thì những bàn cãi sôi nổi về Salman Rushdie vẫn có thể được đúc kết như cuộc co kéo không ngừng nghỉ giữa khoa học và nghệ thuật, giữa lý trí và óc tưởng tượng, giữa ngờ vực và tin tưởng. Những nhà phê bình Âu Mỹ không hoàn toàn chấp nhận thế giới “hiện thực huyền ảo” của Rushdie hoặc của Marquez vì họ không muốn nhìn nhận khái niệm “mọi rợ/mê tín” trong chính họ. Như Adrew Lâm đã nhận định rất

nhạy cảm trong bài tiểu luận Đứa Trẻ Giữa Hai Thế Giới (Child of Two Worlds):

Khi sống trong một không gian chưa tiến bộ hoàn toàn, nơi đất đai ruộng vườn còn ngự trị trong tâm khảm chúng ta, nơi những ràng buộc tình cảm có giá trị vĩnh viễn, và nơi truyền thống còn ở trong thể dạng cụ thể, là được sống trong một thế giới thần tiên.[ix]

Trong tâm khảm người Tây Phương, sống trong “một thế giới thần tiên” có lẽ đồng nghĩa với chuyện sống cùng ma quỷ, những cực đoan và bạo động hiện thể của Bọn Họ–một

cuộc sống nhiều bất trắc trong một “hiện thực” vượt khuôn khổ ….

Gã “Mông Cổ của Tình Ái” đã nói đúng. Thảm kịch của Đông và Tây là một nỗi cô đơn vô nghĩa và dài dẳng.


[i] Gabriel Garcia Marquez’s Nobel Address, “The Solitude of Latin America,” đọc ngày 8 tháng 12 năm 1982, http://nobelprize.org/nobel_prizes/literature/laureates/1982/marquez-lecture-e.html

[ii] Milan Kundera, “Sixty Three Words,” trong tuyển tập bình luận The Art of the Novel (Harper & Row: 1988), bản dịch tiếng Anh từ nguyên bản tiếng Pháp của Linda Asher, tr. 145.

[iii] Salman Rushdie, “Is Nothing Sacred,” trong truyển tập bình luận Imaginary Homelands (Granta: 1991), tr. 427.

[iv] Milan Kundera, “Dialogue on the Art of the Novel, trong The Art of the Novel, tr. 26.

[v] David Gates, Salman Rushdie’s ‘The Enchantress of Florence’: A long paean to the power of dreams, International Herald Tribune (ấn bản quốc tế của tờ New York Times), ngày 5 tháng 6 năm 2008, http://www.iht.com/articles/2008/06/07/arts/IDSIDE7.php.

[vi] Michael Dirda, The Enchantress of Florence by Salman Rushdie, Washington Post, ngày 25 tháng 5 năm 2008, http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2008/05/22/AR2008052203533.html

[vii] Salman Rushdie, The Enchantress of Florence (Random House: 2008), tr. 135

[viii] Salman Rushdie, “Mahound,” The Satanic Verses (Picador: 1997), tr. 95.

[ix] Andrew Lâm, từ Những Giấc Mơ Hương (Perfume Dreams: Reflections on the Vietnamese Diaspora) (Heyday Books: 2005), tr .14.

bài đã đăng của Đinh Từ Bích Thúy

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)