- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Hoa Giữa Rừng Gươm

 

 

Minna-Amal

Hai chị em Minna (trái) và Amal (phải) đang nói chuyện
với phe phái của Mubarak ở quảng trường Tahrir
(Ảnh: Nicholas D. Kristof, New York Times)

 

Bọn côn đồ ủng hộ chính phủ tại Quảng Trường Tahrir dùng gậy, lưỡi lê, kiếm và dao cạo hôm thứ Tư (2-2) để cố đè bẹp phong trào dân chủ tại Ai Cập, nhưng, với tôi, giây phút đáng nhớ nhất của một ngày bệnh hoạn là một cảm hứng: nhìn hai phụ nữ đương đầu một đám đông.

Tôi có mặt tại Quảng Trường Tahrir, theo dõi đám người trẻ tuổi võ trang đổ vào la hét ủng hộ Tổng Thống Hosni Mubarak và đánh những người biểu tình đòi dân chủ. Tất cả mọi người, kể cả tôi, cố gắng tránh chỗ cho họ, và những người bị thương được mang đi làm tình hình căng thêm. Rồi hai chị em cỡ trung niên tiến tới, Amal và Minna, đi về phía quảng trường để nhập vào phong trào đòi dân chủ. Đầu họ bịt khăn theo kiểu cổ truyền của Hồi Giáo, trông họ dụt dè và mảnh mai trước đám côn đồ vây chung quanh, xô đẩy, la lối họ.

Dầu vậy, cạnh những thứ xấu xa nhất của nhân loại, vẫn có thể tìm thấy điều tốt đẹp nhất. Hai chị em giữ vững lập trường. Họ bình tĩnh giải thích cho đám đông tại sao họ muốn thay đổi để có dân chủ và kiên nhẫn nghe những lời la hét của đám đông ủng hộ Mubarak. Khi hai người đàn bà không chấp nhận bị áp đảo, bọn đàn ông mất hứng và bắt đầu tản mác– và hai phụ nữ tiếp tục đi tới trung tâm Quảng Trường Tahrir.

Tôi tới gần hai phụ nữ và nói với họ là tôi đã lo lắng cho sự can đảm của họ. Tôi ghi vội tên họ xuống và hỏi tại sao họ mạo hiểm tới Quảng Trường Tahrir mà không sợ đám đông làm hại. Amal trông rất điềm đạm, trả lời tôi, “Chúng tôi cần dân chủ tại Ai Cập. Chúng tôi chỉ muốn điều các ông có”.

Nhưng khi chúng tôi cố phỏng vấn hai phụ nữ trên video, đám côn đồ lại vây chúng tôi. Tôi nhượng bộ những phần tử của đám đông bằng cách phỏng vấn họ (trong khi một người chùi dao cạo), và hai chị em lại tìm cách lỉnh ra và tiếp tục tiến về phía trung tâm Quảng Trường Tahrir, cũng còn được gọi là Quảng Trường Giải Phóng, để làm phần việc của họ cho dân chủ Ai Cập.

Côn đồ và can đảm chung sống cả ngày tại Quảng Trường Tahrir như thế đó. Thỉnh thoảng những sự việc này đã được giới truyền thông trình bầy như là “đụng độ” giữa các phe phái đối nghịch, nhưng có một chút sai sự thực. Đó là tổ chức đàn áp của chính quyền, nhưng dựa vào bọn côn đồ võ trang, chứ không phải cảnh sát hay quân đội.

Lực lượng ủng hộ Mubarak đến bằng xe bus, và làm sao họ có thể vượt qua các trạm kiểm soát là điều bí mật. Những lực lượng này xuất hiện vào cùng thời gian cả ở Alexandria và Cairo, và có vẻ như họ đã được cho biết mang cùng một thứ biểu ngữ và la cùng một thứ khẩu hiệu. Họ tách rời phóng viên ngoại quốc, đặc biệt là đoàn quay phim, có thể vì họ không muốn những hình ảnh tàn bạo được ghi nhận. Một số nhà báo đã bị đánh, mặc dầu từ xa khuất nẻo, những người Ai Cập bị nặng hơn cả.

Quảng Trường Tahrir đã tương đối yên lành, cho đến khi đám côn đồ xuất hiện, một phần vì những người tình nguyện phía thân dân chủ đã kiểm soát căn cước và khám khí giới tất cả những người đến. Một người bị tình nghi là cảnh sát đột nhập, đã bị bắt với một khẩu súng vào thứ Ba (1-2) khá gần nơi tôi, và tôi rất cảm kích cách những người tình nguyện đã tước khí giới và kéo anh ta tới một đơn vị quân đội – đồng thời quây một vòng bảo vệ chung quanh để anh ta khỏi bị đánh.

Ngược lại, đám đông thân Mubarak khởi sự đánh. Lúc đầu, quân đội ngăn họ đến gần đám đông thân dân chủ, nhưng rồi đám côn đồ thân Mubarak ập vào quảng trường và bắt đầu tấn công.

Không có cách nào biết rõ ngay có bao nhiêu người đã bị thiệt mạng và bị thương trong vụ xáo trộn Ai Cập. Trước vụ bạo động hôm thứ Tư, Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Navi Pillay nói số người chết có thể tới 300, nhưng bà cho biết đã căn cứ vào những tường trình “chưa được xác nhận”. Có một vài người mất tích, kể cả một viên chức cao cấp của Google là Wael Ghonim, người đã ủng hộ các nhà vận động dân chủ. Vào thứ Tư, chính quyền nói thêm ba người đã thiệt mạng và hàng trăm người đã bị thương; tôi nhìn thấy một số người không cử động và ít ra họ cũng bị thương trầm trọng. Những con số này so sánh với khoảng trên 100 bị giết khi Iran đè bẹp phong trào thân dân chủ vào năm 2009 và có lẽ 400 đến 800 bị giết tại Bắc Kinh năm 1989.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Iran đã bị thế giới lên án vì những sự tàn ác này, chẳng lẽ Mubarak lại không bị lên án tương tự? Cố lên chứ, Tổng Thống Obama. Ông nợ những người biểu tình vì dân chủ hiện bị tấn công ở đây, đồng thời lịch sử cùng những lý tưởng cao đẹp của chúng ta cần một lời tuyên bố mạnh mẽ hơn nhiều về vụ đàn áp man rợ này.

Ngày càng thấy rõ rằng Mubarak không phải là thuốc chữa cho tình trạng bất ổn tại Ai Cập; mà chính là nguyên nhân. Con đường đi tới sự ổn định tại Ai Cập đòi hỏi sự ra đi tức thời của Mubarak.

Nhưng với tôi, khi nhớ lại cái ngày ghê rợn và đẫm máu này, tôi sẽ không chỉ được gợi lại sự tàn bạo mà dường như Mubarak đã bảo trợ mà còn cả sự can đảm và phong thái của những người Ai Cập đã liều mạng để dành lại đất nước họ. Và không thể tưởng được, những người biểu tình vì dân chủ đã giữ vững vị trí của mình cả ngày tại Quảng Trường Tahrir cho dù bị tấn công bởi vũ khí. Trên hết, tôi sẽ được hứng khởi bởi gương hai chị em đương đầu với bọn côn đồ của Mubarak. Nếu họ có thể dùng chân lý như vũ trang để chống cự bọn ác ôn của Mubarak, liệu tất cả chúng ta có thể làm như vậy được không?

 

Nguồn: Nicholas Kristof, Watching Thugs With Razors and Clubs at Tahrir Sq. (Feb. 2, 2011)

bài đã đăng của Nicholas Kristof