- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Truyện Ngắn Ai-len

Trích lời tựa cho tuyển tập Irish Short Story (Truyện Ngắn Ai-len) của NXB Granta

Cover-IrishShortStory

 

*

Truyện ngắn, đối với tôi, là một thể loại tự nhiên, nói tới nó thì cũng khó và dễ, như là, đi bộ. Chúng ta có cần một lý thuyết cho một cuộc tản bộ không? Một bàn chân đặt xuống trước khi một bàn chân khác, như thế, có cần một lý thuyết? Có thể, cũng cần. "Tôi viết một truyện ngắn như tôi sẽ làm một bài thơ," Raymond Carver từng viết như vậy, "một dòng rồi một dòng kế tiếp, và tiếp tục một dòng nữa. Chẳng lâu lắm tôi có thể thấy một dàn trải truyện – và tôi biết đó là truyện của tôi, một truyện mà tôi từng đã ao ước viết xuống."

Chính những điều đơn giản là những gì huyền nhiệm nhất.

"Bạn có biết cái đang viết sẽ là một truyện ngắn hay là một tiểu thuyết?" Đây là một trong những câu mà những người cầm bút hay được hỏi. Câu trả lời là "có, có chứ", bởi chưng nhà văn suy nghĩ với hình dạng, hình thể. Nhưng mà thực là trái khóay để hỏi một nhà văn họ biết nhiều ít tới mức độ nào khi mà bản thân chính họ đã tốn rất nhiều thời giờ cho chuyện làm sao để đừng biết tới điều này.

Nhà văn Mỹ Flannery O’ Connor nói về truyện ngắn "Good Country People" (Dân quê tốt bụng) đã đi vào văn học sử của bà như sau: "Khi tôi khởi sự viết truyện này, tôi không biết sẽ có một nhân vật có học vị tiến sĩ với một chiếc chân gỗ trong truyện. Một buổi sáng đang mô tả hai phụ nữ mà tôi có biết chút gì về họ thì đột nhiên tôi nhận ra tôi đã trang bị cho một trong hai bà một cô con gái với một chiếc chân gỗ. Tôi cũng mang vào truyện một người đi bán dạo những cuốn thánh kinh, nhưng tôi không biết tôi sẽ làm gì với ông ta. Tôi không biết ông ta sẽ đánh cắp chiếc chân gỗ 10 hay 12 dòng trước khi ông ta thực sự làm chuyện đó, nhưng khi tôi biết nó sẽ diễn ra như vậy, thì cũng lập tức tôi nhận ra nó là điều tất yếu phải tới."

Flannery O’ Connor không nói khi nào thì bà biết đang viết một truyện ngắn, hay không chừng nó là chương thứ nhất của một tiểu thuyết, hoặc là một sơ thảo của một bài thơ dài – ta có thể đoán chừng, khi khởi sự mọi thứ còn quá sớm sủa. Sự không biết của nhà văn có lẽ là cố ý, nhưng nó tự diễn biến trên một không gian được thiết lập. Câu văn là một không gian như thế, truyện kể là một không gian khác. Ở cả hai trường hợp, thể loại và sự ngạc nhiên là cùng một thứ, và những lạc thú của tính tất- yếu-phải-xảy-ra cũng là những lạc thú có dạng hình.

Đây không phải là một lập luận bênh vực cho một lý thuyết thiên về tính thơ của tiểu thuyết để đáp trả lại một lý thuyết thiên về mặt xã hội của nó – do đó đáng để nói rằng: chúng ta không biết bằng cách nào tiểu thuyết chuyển tải ý nghĩa, nhưng chúng ta có biết đôi chút bằng cách nào truyện ngắn có thể làm chuyện này. Có một điều gì có tính bất khả giảm thiểu trong chuyện này: "Một truyện ngắn là một cách nói mà không có cách nào khác để nói nữa," O’ Connor từng phát biểu như thế và nói tiếp rằng, "chúng ta cần tất cả và từng mỗi chữ trong truyện để nói ý nghĩa ấy là gì." Trong khi đó, tiểu thuyết không chấm dứt bởi ý nghĩa riêng của nó, vì thế nó cần phải xây dựng một cấu trúc, hay đặt để lên một cấu trúc, thực hiện một chuyển dịch từ một câu truyện đến một mưu cấu.

Những truyện ngắn ít khi kêu rền rỉ, cách mà những tiểu thuyết đôi khi gây loại tiếng động này; chúng được phép dễ dàng thao tác trong tinh xảo. Một vài nhà văn cho rằng truyện ngắn quá "dễ" và như thế không đáng kể lắm, một số khác cho rằng chúng là thể loại khó nhất. Nhưng nếu cuộc tranh luận là về dễ đối nghịch với khó, thì rõ ràng chúng ta không nên coi thường chỗ dễ của nó. Và cho dù là có dễ để viết cái gì như là một truyện ngắn (vì nó không dài), thì rất khó để viết một truyện ngắn hay.

Người viết truyện ngắn xuất sắc của Ai-len Frank O’ Connor cho rằng truyện ngắn là một thể loại văn chương tinh chất,"được kích động bởi chính những nhu cầu riêng biệt của chính nó hơn là bởi tiện ích của chúng ta". Tôi không dám quả quyết tiểu thuyết có được viết cho tiện ích của chúng ta, nhưng có lẽ nó viết cho sự thỏa mãn. Đấy là điều mà độc giả than phiền về truyện ngắn, rằng chúng không thỏa mãn được mấy. Truyện ngắn là những chú mèo trong các thể loại văn học; đẹp, nhưng hơi quá tự vo tròn cho sự thưởng thức của người đọc. Tuy nhiên rõ ràng truyện ngắn đối với người viết là thứ tạo thỏa mãn, bởi chưng chúng là những thứ được tựu thành. Chúng trở thành một thực thể riêng, tự đứng vững, cho dù bạn là người viết nên chúng: chúng chấm dứt một khi chúng đạt tới trạng thái tự nhiên.

Một số truyện ngắn đạt tới trạng thái ấy. Một số tiếp tục đi tới. Một số vứt bỏ giá trị có sẵn ban đầu cho một kết thúc khác lý thú hơn sau đó. Để đạt tới điều này, một số người viết đề kháng, đạp lùi, làm nhẹ, chuyển cách, trở vòng lại qua một lối khác. Sự thống-nhất-của-những-lực-thúc-bách (unity of impulses) nổi tiếng của Poe thì tốt rồi, nhưng ngay cả như bạn có biết lực thúc bách ấy rồi thì nó nhiều phần sẽ tiêu tán ngay khi bạn ngồi xuống bàn viết.

Có những truyện ngắn trong tuyển tập này được chọn bởi vì nó được viết một cách đẹp đẽ, như truyện "The Trout" (Con cá hồi) của Sean O’Faoláin, và có những truyện hơi thiếu gọn gàng, nhưng hay ho. Đây là điều mà chính Sean O’Faoláin gọi là "cá tính", khi nói rằng cái ông ta thích trong truyện ngắn là cú đánh bất ngờ và tính thơ. Độ căng trong truyện ngắn thì luôn luôn là giữa vẽ đẹp của một bài thơ và đời sống cảm được của tiểu thuyết.

Frank O’Connor bắt cầu được qua chỗ hở giữa tính mỹ học và tính văn hóa bằng một cách lãng mạn hơn. Ông viết: "Có trong truyện ngắn ở điểm tách biệt cá tính nhất của nó mà chúng ta không tìm thấy trong tiểu thuyết , ấy là một tỉnh thức cao độ về sự cô đơn của con người." Tập truyện The Lonely Voice (Tiếng Nói Đơn Độc) của ông, xuất bản vào năm 1963, cho tới nay vẫn là cuốn sách được đề cập tới trong bất kỳ cuộc thảo luận nào về thể loại truyện ngắn. Câu hỏi mà ông đặt ra – cũng như câu hỏi cúa tập truyện này – là tại sao nhà văn Ai-len thành công khả quan nhất ở thể loại truyện ngắn.

Câu trả lời của chính Frank O’Connor là nó nằm ở sự đơn độc có thể tìm thấy giữa những "nhóm người bị kéo chìm xuống”. Đây là những người ở bìa lề xã hội; những kẻ nằm ngoài vòng pháp luật, những kẻ mơ mộng và những người thất bại. "Truyện ngắn chưa bao giờ có một nhân vật to tát", O’ Connor nói và dẫn chứng một ý của ông về "Con người nhỏ" (The Little Man) – [làm như tất cả tiểu thuyết là về những nhân vật lớn]. Người dân nước Mỹ một thời có thể bị xem là bị kéo chìm xuống, vì nước Mỹ làm thành bởi những cộng đồng di dân, nhưng những chủ thể riêng biệt của truyện ngắn là "những quan chức của Gogol, những nông nô trong truyện của Turgenev, những gái đĩ của Maupasant, những giáo viên và y sĩ của Chekov", và chúng ta có thể chú ý, không có một nhân vật người Anh, bất kể loại nào, là đáng chú ý trong truyện ngắn. Tiểu thuyết đòi hỏi "khái niệm về một xã hội bình thường", và dù điều này, như O’ Connor dường đề nghị, là có trong xã hội Anh, thì trong xã hội Ai-len có một thứ gì như nỗi tuyệt vọng, nó đẩy những nghệ nhân ra chỗ khác. Thể loại hình thành, truyện ngắn, "tự bản chất tiếp tục giữ một khoảng cách với cộng đồng – nó mang tính lãng mạn, cá nhân và ương ngạnh.

Trong một tiểu luận tựa đề "Từ trong ra ngoài: Một lý thuyết về Truyện ngắn", John Kenny cho rằng truyện ngắn đã phát triển mạnh ở những nền văn hóa ở đó những hình thức truyền khẩu từng có mặt lâu đời trực tiếp đụng đầu với thách thức tới từ những thể loại văn học mới, được trang bị với hệ ý tưởng hiện đại. Lý thuyết của O’ Connor đặt truyện ngắn vào thể loại cụng đầu giữa truyền thống và hiện đại. Truyện ra đời từ sự phân mảnh của những giá trị vững chắc truyền thống và sự thiếu vắng những giá trị mới, và điều này đưa tới ở người cầm bút một phản ứng, ấy là sự rút vào bên trong bản ngã khi đối đầu với một thực tại càng lúc càng phức tuế. Điều đầu tiên để nói về những ý này của O’ Connor la` chúng có lý vào thời điểm đó. Truyện ngắn tự cốt lõi có là một sự lên tiếng xác định của bản ngã hay không – một bản ngã nhỏ nhưng mạnh mẽ – thì đối với người cầm bút rõ ràng họ cảm nhận được như vậy.

Thực lý thú để thử nghiệm cảm thức "con người nhỏ " trước một thực tại Ai-len mới nhiều tự tín hơn trước, một thực tại ở đó những cái viết hay ho tiếp tục bung nở. "Bị kéo chìm xuống” (submerged) có phải là một từ vựng khác thay vì nói "nghèo khó" chăng? Có đâu đó ở đây chữ "nông dân" trong hàm ý ? Có không ít sự cảm hoài về một Ai-len, nhất là Ai len thôn dã – và quan trọng để nhấn mạnh rằng đây không phải là lỗi của những nhà văn Ai-len. Họ có thể gần gũi với những nghệ thuật truyền khẩu gồm trong đó truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện dân gian đồn đãi, thế nhưng tạo ngôn từ là một chức năng hiện đại. Tiểu thuyết của Ai-len thường đào xới vào quá khứ, nhưng những câu truyện góp lại ở tuyển tập này cho thấy truyện ngắn thì nhẹ nhàng và tinh nhạy đủ để tự nó là cái đương thời.

Nếu bạn muốn thấy đời sống như là nó đang được sống "ngay bây giờ" (bây giờ của truyện) chỉ cần đọc qua những tác phẩm của Neil Jordan, Roddy Doyle, và quả đúng vậy, của Frank O’Connor. Trong khi đó những ai nghĩ truyện ngắn là vô hại vì gần gũi với truyền thống dân giã là chưa đọc John McGahern, mà những truyện ngắn của ông tương đương như lăn tròn một quả lựu đạn trên sàn bếp.

Seán O’Faoláin, một ngòi bút truyện ngắn trụ cột khác của Ai-len thế kỷ 20, từng đặt vấn đề với quan điểm viễn mộng về truyện ngắn. Trong cuốn The Short Story, xuất bản năm 1948, ông viết : Văn chương Ai-len ở vào thời đại của chúng ta đã đi tới một giai đoạn rực rỡ trong một bầu khí lãng mạn với quan điểm kẻ cầm bút gần như là những thầy tu: bạn không chỉ viết, mà sống để viết, một cam kết tận hiến, nó là một phần của sự vực dậy của kẻ viết văn trên toàn cõi Ai-len.

Thực vậy, số truyện ngắn về các linh mục và sự buồn rầu của họ không được chọn vào tập sách này là không ít những cha xứ, những thầy dòng, những vị giám mục, tất cả đều cô đơn, lắng buồn, khi để mắt khảo dò con chiên dòng xứ của họ, và 99% họ sống kiêng khem. Tôi để chúng ra ngoài vì chúng dường không thực, và thay vào đó tôi chọn hai truyện của Maeve Brennan và Colm Tóibín, về sự cô quạnh của người mẹ của những linh mục này, tôi nghĩ là thú vị hơn.

Cùng một cách có thể nói: mối xao xuyến bất an về tính bất khả thấu biết của tiểu thuyết đã chiếm khá nhiều trang trong các truyện ngắn; và có vẽ như rất nhiều điều được viết ra trong văn học Ai-len thực sự là mối xao xuyến bất an về Anh quốc. Đôi khi, quả nhiên làm như "Anh quốc" và "tiểu thuyết " là hai từ ngữ có thể hoán chuyển lẫn nhau.

Có lẽ xét cho cùng nó là một khát vọng về điều mà O’Connor gọi là "khái niệm về một xã hội". Ở chỗ thiếu vắng nó, chúng ta phải làm những gì có thể làm được. Và nếu như chúng ta không thể làm hay bằng họ, thì chúng ta phải làm sao cho thú vị hơn. O’ Faoláin thẳng thắn không ít khi nói rằng điều ông thích ở truyện ngắn là cá tính, mà vấn đề của người Anh là họ chẳng có cá tính nào . "Thực tế cho thấy người Anh ngưỡng mộ khí chất nghệ sĩ: chỉ có điều là họ không biểu lộ nó được."Tính kiệm màu (dullness) là chủ đích của nước Anh. "Nói tóm lại, cách sống theo khuôn mẫu Anh là nặng về xã hội mà nhẹ về cá nhân và cá tính, so với người Pháp."

O’Faoláin không thể đặt người Mỹ vào qui trình này: "Tôi không thể hiểu tại sao nước Mỹ nên phải tạo ra những cá tính lý thú trong truyện ngắn, trừ phi câu trả lời là: có thể xã hội Mỹ còn chưa bị qui ước hóa." Ngay cả những người Mỹ bị "bị kéo chìm xuống" của O’Connor cũng trồi dậy khá nhanh chóng. Tôi không muốn hạ giảm thanh danh của O’Faoláin hay O’Connor, là hai anh hùng mà tôi vẫn nguyên lòng mến mộ như thời mình còn trẻ. Thượng đế cấm cản điều đó. Tôi chỉ muốn nói, nó còn đó cả: Định kiến quốc gia thì vẫn là định kiến, ngay cả khi bạn tới từ một nước nhỏ can trường như là Ai-len.

Điều gây thú vị cho tôi là cách O’Faoláin và O’Connor nói, không phải là người Ai-len tuyệt diệu ra sao như là những nghệ nhân, mà họ độc địa ra sao như những nhà phê bình. O’Faoláin mô tả những điều kiện sinh hoạt của nghệ nhân Ai-len "đặc biệt khó khăn đã bị thêm phức tạp bởi tôn giáo, chính trị, sự thiếu tinh tế của dân quê, sự thiếu kích thích tố, thiếu tính đa dạng, nghèo đói lan tràn cùng khắp, nạn kiểm duyệt, sự o ép trong xã hội, vân vân ". Một người Ai-len có cao vọng, O’Connor viết, "vẫn có thể không kỳ vọng điều gì cả trừ sự thiếu thông hiểu, sự nhạo báng và bất công".

Tất nhiên, có những thay đổi trong thế kỷ 21, với nghèo đói tạm biến mất (trong suốt mười năm qua) và sự thành công của những nhà văn Ai-len chính thức được xem là niềm tự hào của đất nước. Nhưng có lẽ vẫn còn đúng là nếu Ai-len yêu bạn thì bạn tất đã làm một cái gì trật trịa đâu đấy. Vẫn một cảm thức bất an chưa tan biến về cách thức những nhà văn của xứ sở này thương lượng những ý tưởng khác nhau về một chữ "Ai-len" (đất nước mà bạn nói tới, đối chọi với nơi chốn mà bạn đang sống), cho người đọc ở cả trong nước lẫn ngoài nước. Chúng ta di chuyển, những vòng tròn nhỏ dần, quanh vấn đề mà O’Faoláin lên tiếng vào năm 1948. "Không có mấy nhà văn Ai-len là không đứng vào trong phong trào đòi độc lập chính trị cho Ai-len, nhưng ngay lập tức sau khi điều này đạt được họ trở nên những người phê phán quốc gia. Điều này khiến tất cả đám chính trị gia cho rằng nhà văn là một bộ tộc chẳng thể tín cậy. Ho quả như vậy. Ấy là sở trường của họ.

Tôi khởi sự tìm đọc O’ Connor có lẽ ở tuổi lên 10 hay 12. Tôi chọn truyện "The Mad Lomasneys’ (Gia đình Lomasney Nổi Dóa) vì nó ở lại cùng tôi từ đó đến nay. Nếu bạn tự hỏi đây có phải là sự chọn lựa cúa một đứa trẻ 12 tuổi hay không, tôi thú nhận là có, rằng lý do truyện ngắn là thể loại quan trọng đối với những nhà văn của thế hệ tôi bởi vì tác phẩm của O’Connor, O’Faoláin và Mary Lavin là dễ tìm thấy trên kệ sách trong gia đình tôi, sát cạnh cuốn Cộng hòa Ai-len của sử gia Dorothy Macardle, và cuốn Three To Get Married của Linh mục Fulton J Sheen.

Những cảm thức của chúng tôi thành hình bởi những chọn lựa sắc sảo của Giáo sư Augustine Martin, người đã cho vào chương trình học những truyện ngắn, gồm trong đó "The Road to The Shore"(Con đường tới bờ biển), một truyện ngắn đã hé mở cho tôi thấy những khả thể và những thỏa mãn thẩm mỹ bên cạnh những gì đáng biết về những nữ tu. Chúng tôi đã học tiếng Pháp qua Guy de Maupasant, và tiếng Đức qua những truyện ngắn của Siegfried Lenz; dù truyện ngắn lúc đó là một thể loại phổ thông thì nó dường chưa được nẩy nở đúng mức trong ngôn ngữ Ai-len, những khích động lớn lúc ấy ở trong thi ca. Tồn đọng lại trong tôi buổi ấy vẫn là một ý tưởng rằng truyện ngắn là lý thú, hữu ích và đáng yêu, những hay ho mà Macardle hay Sheen không đem lại được.

Tôi luôn thấy sự khiêm tốn của truyện ngắn là quyến rũ. Mức độ quan trọng trong nghề văn là một câu hỏi khác. Tham vọng muốn chiếm lấy một thẩm quyền cao trọng lớn lao có thể khích động tác phẩm, nhưng cũng có thể phá hủy nó. Thực sự những nhà văn tìm tới những loại thẩm quyền khác nhau: Ngày nay một tập trung vào thể loại truyện ngắn được xem như một dấu hiệu về mưu cầu giữ cho thuần chất trong nghề viết, cái viết, hơn là một dấu hiệu về sự chưa tới được tiểu thuyết. (Tất nhiên không phải luôn luôn là vậy). O’Faoláin đã thống trách sự phổ thông của truyện ngắn cũng là sự bị tạp hóa mà đã tới từ làn sóng thương mại hóa, khiến cho cả người viết lẫn người biên tập đều cảm thấy nhụt bớt nhuệ khí.

“Gia đình Lomasney Nổi Dóa” của O’Connor chưa được cho vào bao tuyển tập. Lý do có lẽ là vì truyện này không thể hiện cái ý niệm Ai-len bình thường có thể nhận ra được. Nó không nói tới sự chào đời của Nhà Nước Tự Do Ai len, như truyện "Guests of the Nation" (Những người khách của đất nước), hay về thời thơ ấu ngây thơ trong truyện "My Oedipus Complex"(Mặc cảm ơ đíp của tôi) hay "My First Confession" (Lần xưng tội đầu tiên của tôi). Tôi không gạt bỏ những truyện này vì chúng "Ai-len" quá: nhiều truyện của O’ Connor khá tốt, tôi chỉ muốn thấy khi chúng ta lắc cái bao đang yên vị kia thì cái gì sẽ xảy ra. Tôi nhận ra khi làm điều này tôi đã tìm ra nhiều những truyện ngắn về chọn lựa và sự thiếu chung tình trong truyền thống Ai len, hơn là về những linh mục. Tôi không biết điều này mang ý nghĩa gì; tại sao ví dụ O’Faoláin và William Trevor, cả hai đã viết cơ hồ bất tận về tình yêu và phản bội. Hay đẩy vấn đề tới xa hơn, tại sao "cái này/ hay cái kia" (either/or) là một câu hỏi được nhiều nhà văn, như Keith Ridgway hay Hugo Hamilton đề cập tới, nhớ là cả hai ông đều trả lời là chọn "cả hai".

Chọn lựa có phải là một vấn đề riêng của Ai-len? Thế còn bao vấn đề khác nữa: sự bị miệt thị, bị xem khinh, cảm giác tội lỗi – được nói tới rất nhiều trong tuyển tập này. Những vấn đề quyền lực. Vấn đề gia đình, đơn vị cơ bản nhất trong văn hóa Ai-len, với những vận hành nằm ngoài chọn lựa của chúng ta. Mãi cho tới gần đây lắm, tái giá là chuyện không thể có ở Ai len , dù rằng điều này chẳng là giải đáp cho câu hỏi con người ta có thể yêu bao nhiêu bận trong đời, và yêu là gì?

Đi xa hơn một chút, chúng ta có thể hỏi: có phải tất cả những truyện ngắn Nga, Pháp, Mỹ, Ai-len đều là về niềm cô độc? Tôi không dám chắc. Đây có thể là một phần của sự phi lý của nhà văn khi nhìn vào chính mình, hay là sự phi lý nói chung của sự ta đang sống. Dây liên hệ và sự thiếu nó là một trong những đề tài lớn trong truyện ngắn, nhưng những yếu tố xã hội thay đổi, những khái niệm về tình ái đổi thay, và: càng nghĩ sâu xa hơn về thể loại văn chương những ý tưởng của bạn càng rút nhỏ lại. Đời sống tự nó có thể là một vụ việc đơn độc (hay không là thế): tôi chỉ có thể nói rằng truyện ngắn nói tới những đổi thay. Có cái gì đã thay đổi. Có điều gì sẽ được biết tới ở cuối câu truyện – hay gần như được biết – mà trước đó đã không được biết. "Chúng ta đơn độc" có thể là một điều được nhận ra như vậy, nhưng những nhận biết khác chắc chắn đều là có thể.

 

======

[1] Anne Enright: chủ biên tuyển tập The Granta Book of Irish Short Story: Sinh 11-10-1962, đoạt giải Man Booker năm 2007 với tiểu thuyết The Gathering (Cuộc Gặp Mặt).

[2] Sean O’Faolain (22-2-1900 – 20-4-1991), tác giả của Midsummer Night Madness and Other Stories (1932, tập truyện), A Nest of Simple Folk (1933, tiểu thuyết), Bird Alone (1936, tiểu thuyết), Selected Stories (1978) And again? (1979, tiểu thuyết), Sean O’Faolain Toàn Tập Truyện Ngắn (1980)

[3] Flannery O’ Connor (25-3-1925 – 03-3-1964), nhà văn Mỹ, tác giả của Wise Blood (1952, tiểu thuyết), A Good Man Is Hard To Find (1955,) tập truyện, Mystery and Manners (1969, tập tiểu luận)

[4] Frank O’Connor (1903 – 10-3-1966). Nhà văn Ai-len, tác giả của những tập truyện Guest of the Nation (1931), Bones of Contention (1936), Crab Apple Jelly (1944), The Common Chord (1947), Traveller’s Samples (1951), Domestic Relations (1957), A Set of variations (1969), The Cornet Player Who Betrayed Ireland (1981)