Trang chính » Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 30, Dịch Thuật, Sáng Tác, Sang Việt ngữ, Truyện ngắn Email bài này

Nói với mấy ổng đừng giết ba

♦ Chuyển ngữ: 0 bình luận ♦ 15.07.2007

 

 

 

 

 

 

“Nói với mấy ổng đừng giết ba, Justino à! Lại đi, nói với mấy ổng giùm ba. Trời ơi! Mày làm ơn làm phước. Năn nỉ mấy ổng. Nói mấy ổng ở hiền gặp lành!”

“Không được. Ông sếp trong đó không muốn nghe bất cứ chuyện gì về ba hết á.”

“Bắt ổng phải nghe. Mày thông minh lắm mà. Nói với ổng là hù cho tao sợ là được rồi. Làm ơn làm phước đi mà.”

“Nhưng có ai muốn hù ba làm chi. Mấy ổng tính giết ba luôn kìa. Mà tui cũng không muốn vào trỏng làm chi nữa .”

“Vào thêm lần nữa giùm ba đi. Một lần thôi, rồi không được thì tính sau.”

“Hổng được. Tui hổng thích đi. Tui mà vô đó là người ta biết ba là tía của tui rồi. Tui quấy rầy mấy ổng, sớm muộn gì mấy ổng cũng phanh phui ra đủ thứ, rủi mấy ổng bắn tui luôn thì sao. Cứ để im như vậy cho rồi tía à.”

“Vô trỏng chút đi mà, Justino. Năn nỉ mấy ổng tội nghiệp giùm tao. Chỉ nói vậy cũng được nữa.”

Justino cắn chặt hai hàm răng lắc đầu nói không.

Và anh ta tiếp tục lắc đầu một lúc mới thôi.

“Nói ông sếp cho ba gặp ông Đại tá. Nói cho ổng hay là tao già lắm rồi – có còn đáng gì đâu chớ. Giết ba thì cũng đâu thay đổi được gì. Uổng công thôi mà. Nói ổng ăn ở hiền lành để đức cho con cháu. Nói với ổng tha cho ba làm phước đi mà.”

Justino nhỏm dậy khỏi đống đá nơi anh ta đang ngồi và bước về phía cánh cổng giàn gỗ vây súc vật. Rồi anh ta quay lại nói, “Được rồi, tui vô đó. Nhưng lỡ mấy ổng bắn tui luôn thì ai lo cho vợ con tui chớ?”

“Trời sanh trời dưỡng, ở đó mà lo, Justine à. Con vô trỏng rán coi xem có thể năn nỉ gì đuợc giùm ba không. Đó mới là điều quan trọng.”

Người ta bắt lão lúc tờ mờ sáng. Giờ này đã xế trưa nhưng lão vẫn ở đó, trói cứng vào một cây cột, chờ đợi. Lão bứt rứt không yên. Lão cố ngủ được chút nào hay chút ấy cho lòng bình thản mà không được. Lão cũng không đói. Lão chỉ muốn sống. Bây giờ biết rõ là người ta nhất định sẽ giết mình, lão không khao khát gì hơn là được sống, hệt như người vừa được cấp cứu hồi sinh thèm được sống.

Có ai ngờ chuyện xảy ra lâu lắm rồi và đã chôn vùi theo năm tháng như lão nghĩ lại có lúc sống lại. Cái chuyện lão buộc phải giết Don Lupe ấy mà. Cũng chẳng phải vụ giết người khơi khơi như đám dân ở Alima cố vu oan cho lão, mà có lý do hẳn hoi. Lão nhớ: Don Lupe Terreros, dẫu là chủ khu đất Puerta de Piedra – nhưng còn là đồng hương của lão – lại chính là người mà lão – thuở ấy tên là Juvencio Nava, có bổn phận phải triệt đi, bởi vì người kia không cho lão thả súc vật vào ăn cỏ trên khu đất của ông ta trong khi cả hai là người cùng làng với nhau.

Ban đầu lão cũng chẳng làm gì quá đáng vì lão nghĩ nhường nhịn một tí cũng chả thiệt thòi gì. Nhưng rồi mùa hạn hán kéo đến, khi lão thấy bầy gia súc cứ lần lượt theo nhau lăn ra mà chết, thân thể quắt queo vì đói, và cái cách ông bạn láng giềng Don Lupe không cho lão thả gia súc vào đồng cỏ của mình, thì lão bắt đầu khoét hàng rào cho lũ gia súc gầy guộc chui qua ăn trộm cỏ. Don Lupe không thích chuyện ấy, bắt phải vá lại lỗ hổng, và Juvencio Nava lại moi ra lỗ hổng khác. Thành ra ban ngày lỗ hổng bị lấp lại, ban đêm lại được moi ra. Bầy gia súc đứng chờ sát hàng rào để thưởng thức mớ cỏ xanh mà ở bên vùng đất khô cằn này chúng chỉ có thể ngửi được cái mùi cỏ tươi.

Rồi lão với Don Lupe cãi nhau hết trận này tới trận khác mà không thỏa thuận được gì.

Cho tới một ngày kia Don Lupe bảo lão, “Này Juvencio, ông mà còn lùa thú qua vườn nhà tôi, tôi sẽ giết tụi nó cho mà coi.”

Lão vặn lại, “Ơ kìa, Don Lupe, mấy con bò của tui có đi lạc qua bên ấy ăn cỏ đâu phải lỗi ở tui. Tụi nó thì biết gì mà lỗi với phải. Ông giết tụi nó, ông phải bồi thường.”

***

Thế là hắn ta giết một con bò non của mình.

Chuyện ấy xẩy ra hồi tháng Ba ba mươi lăm năm về trước, bởi qua tháng Tư thì mình đã trốn lên núi, tránh lệnh truy nã. Mười con bò mình nộp cho quan tòa chẳng giúp gì được, ngay cả cái nhà đem ra thế chấp cũng không giúp mình khỏi tù tội. Cứ tưởng khi vét sạch hết mọi đồng xu cắc bạc, người ta sẽ để cho mình yên nhưng người ta nhất định không để mình yên. Vì vậy mình qua ăn nhờ ở đậu thằng con trai trên chính giải đất của mình ở phía bên này tên là Palo de Venado. Con trai mình lớn lên lập gia đình với con nhỏ Ignacia và vợ chồng nó đã có với nhau tám mặt con. Như vậy chuyện ấy xảy ra lâu lắm rồi và đúng ra là phải quên nó đi. Vậy mà người ta đâu có chịu quên.

Mình cứ ngỡ chi ra khoảng một trăm pesos là mọi chuyện êm đẹp. Don Lupe chết bỏ lại vợ với hai đứa con còn đang bò lê la. Sau đó không lâu vợ hắn ta cũng chết – thiên hạ bảo là vì quá buồn. Người ta đem hai đứa nhỏ cho mấy người bà con xa nuôi. Vậy là đâu còn gì để bận tâm nữa.

Kẹt một điều là bọn họ vẫn cố tình cho là vì mình đang bị lệnh truy nã phải đem ra tòa xử chỉ để hù mình và cho họ cơ hội tiếp tục cướp hết tài sản của mình. Mỗi khi có ai tới làng, họ lại xù xì với mình, “Có người lạ trong thị xã, Juvencio à.”

Thế là mình lại phải trốn lên núi, lẩn lút giữa những bụi cây trường sinh rậm rạp, ăn lá cây cố mà sống vật vờ. Nhiều khi đang nửa đêm mình phải tất tả lủi đi với lũ chó lau nhau sủa sau lưng. Mình đã sống như thế gần hết đời. Không phải một hay hai năm mà thôi đâu. Cả một đời như thế.

***

Và bây giờ người ta đến bắt lão ngay lúc không ngờ nhất, lão cứ nghĩ người ta đã quên hết chuyện ấy rồi, lão tin là ít ra những ngày cuối đời lão cũng được sống yên ổn. “Ít ra,” lão nghĩ, “Mình cũng được an hưởng tuổi già. Mấy ổng bỏ qua cho mình.”

Lão bám vào niềm hy vọng ấy với cả tấm lòng. Vì vậy mà lão không thể nào hình dung ra được lão lại có thể chết như thế này, hoàn toàn bất ngờ, trong khoảnh khắc này của đời người, sau khi đã vùng vẫy tuyệt vọng để lẩn tránh Tử thần, sau khi đã tiêu phí những năm tháng đẹp nhất đời mình để chạy trốn hết nơi này đến nơi khác, bây giờ thân thể lão đã trở nên khô cằn và chai sạn như da thuộc vì dầu dãi nắng mưa, trốn tránh người đời.

Không phải là chính lão đã để cho bà vợ bỏ lão mà đi đó sao? Cái ngày hay tin vợ bỏ đi, lão đã không mảy may chút ý nghĩ sẽ đi tìm bà ấy về. Lão để mặc vợ đi mà không thèm tìm hiểu xem bà ấy theo ai hoặc đi đâu, và lão khỏi phải mất công đi xuống làng. Lão để cho vợ bỏ đi như đã để cho bao nhiêu thứ khác trôi tuột khỏi tay lão mà không bận tâm níu kéo. Chỉ còn sót lại một thứ cho lão quan tâm là chính cái mạng của lão, chứ không còn thứ gì khác. Lão không thể để cho ai giết lão. Không thể. Nhất là ngay lúc này.

Nhưng đó cũng là lý do người ta giải lão từ Palo de Venado về. Họ đã chẳng mất công trói lão. Lão lủi thủi bước đi, chính sự sợ hãi đã trói gô lấy lão. Bọn họ biết lão chả làm sao còn trốn được với thân hình già nua, với đôi chân khẳng khiu như vỏ cây, co thắt vì sợ chết. Bởi đó là nơi lão phải đến. Cõi chết. Người ta đã bảo lão như thế.

Khi mà lão hiểu ra được, lão bắt đầu thấy nhói lên trong dạ dầy thứ cảm giác thường đột ngột xảy ra mỗi khi lão cận kề với Thần Chết, làm con mắt lão mở lớn vì sợ và miệng lão phồng lên chứa đầy nước chua mà lão phải miễn cưỡng nuốt xuống. Cái thứ làm chân lão nặng nề trong khi đầu lão mềm nhũn cùng với trái tim đập thả ga vào lồng ngực. Không, lão không thể nào chịu được cái ý tưởng là người ta sắp giết lão.

Nhất định phải còn chút hy vọng nào đó. Ở đâu đó thế nào cũng còn chút hy vọng còn sót lại. Có thể mấy ông ấy bắt lầm. Biết đâu người ta truy nã anh chàng Juvencio Nava nào đó chứ không phải lão.

Lão bước đi cạnh bọn họ, hai tay buông xuôi hai bên mình. Sớm tinh mơ trời còn tối và bầu trời không một vì sao. Gió thổi hiu hiu, vấy lên chút bụi đất khô nồng nặc mùi nước tiểu quen thuộc trên những con đường đầy bụi đất.

Cặp mắt đã lé đi vì thời gian của lão nhìn xuống đất, ngay chỗ bàn chân lão sắp bước lên, dù trời còn tối mịt. Trên nền đất ấy là cả cuộc đời của lão. Sáu mươi năm sống trên nền đất ấy, nắm chặt lấy đất ấy trong lòng bàn tay, nếm vị của đất như người ta nếm thử cái vị ngon của thịt thà. Từ biết bao lâu lão đã vò nát đất ấy bằng mắt, thưởng thức từng miếng như thể sẽ không bao giờ còn được thưởng thức nữa, bao giờ cũng nghĩ biết đâu đó lại chả là lần cuối.

Rồi, như thể muốn bày tỏ điều gì, lão nhìn đám người đang đi song song với lão. Lão sẽ bảo họ tha lão, cho lão đi; “Tui có làm hại ai đâu, mấy cậu à,” lão đã tính nói thế nhưng lại lặng im.

“Lát nữa mình sẽ nói với mấy ổng,” lão nghĩ. Và lão chỉ nhìn bọn họ. Lão còn có thể tưởng tượng họ là bạn của lão, nhưng lão không muốn. Họ có phải bạn của lão đâu. Lão chả biết bọn họ là ai. Lão nhìn họ đi cạnh lão và thỉnh thoảng cúi nhìn xem con đường rẽ nhánh đến đâu.

Lão gặp họ lần đầu vào lúc chiều tối, cái giờ khắc chập choạng khi vạn vật như muốn bong lên vì nóng. Bọn họ băng ngang những luống đất, dẵm lên đám bắp non. Vì thế mà lão phải chạy ra bảo họ là bắp mới trồng còn non lắm. Nhưng họ chẳng thèm nghe.

Lão gặp họ đúng lúc. Lão bao giờ cũng may mắn gặp mọi thứ đúng lúc. Đúng ra lão đã có thể trốn đi, lẩn lên núi vài tiếng đồng hồ, chờ bọn họ bỏ đi thì xuống. Mùa này lẽ ra đã có mưa, nhưng trời lại không mưa và những cây bắp héo rũ. Chẳng bao lâu tất cả sẽ khô quắt lại.

Thành ra thật là uổng công lão lặn lội xuống núi để lọt vào tay bọn họ như thể rớt xuống lòng hố sâu và không bao giờ leo ra được nữa.

Bây giờ đi cạnh bọn họ, lão loay hoay tìm cách năn nỉ họ thả lão. Lão không nhìn thấy mặt họ, lão chỉ nhìn thấy thân mình họ, trôi lại gần rồi giạt ra xa. Thành ra khi nói lão chẳng biết họ có nghe không nữa. Lão bảo, “Tui có làm hại ai hồi nào đâu.” Lão nói vậy. Nhưng không có gì thay đổi. Không người nào thèm chú ý đến lão. Không có khuôn mặt nào xoay qua nhìn lão hết. Bọn họ tiếp tục bước đi như lũ người mộng du.

Rồi nghĩ không còn gì để nói, lão đành tìm nguồn hy vọng nơi khác. Lão buông tay xuôi hai bên thân mình và đi ngang những căn nhà đầu tiên trong làng, giữa bốn người bọn họ, nhòe nhoẹt bóng đêm.

“Thưa Đại Tá, tội nhân về tới.”

Cả bọn dừng lại ngay trước khung cửa hẹp. Lão đứng một cách kính cẩn, hai tay mân mê chiếc mũ, chờ xem có ai bước ra không. Nhưng chỉ có tiếng nói vọng ra, “Tội nhân nào?”

“Thưa Đại tá, người từ Palo de Venado. Ông già mà Đại tá ra lệnh cho tụi tôi đi bắt về đó.”

“Hỏi xem nó có bao giờ sống ở Alima không,” tiếng nói từ trong vọng ra.

“Ê, cha nội. Có bao giờ sống ở Alima chưa?” ông Trung sĩ vừa nhìn lão vừa lập lại câu hỏi.

“Có. Nói với ông Đại tá là tui sanh ra ở đó. Rồi tui sống luôn ở đó tới mấy lúc gần đây.”

“Hỏi xem nó có biết Guadalupe Terreros không.”

“Ông xếp hỏi cha nội có biết ông Guadalupe Terreros không?”

“Ông Lupe hả? Biết chớ. Nói với ông xếp là tui biết. Ổng chết rồi.”

Người bên trong đổi giọng nói: “Thì biết là chết rồi.” Và cái giọng ấy tiếp tục nói, như thể đang đối thoại với ai đó sau bức vách đan bằng sậy.

“Guadalupe Terreros là ông già tao. Khi lớn lên, tao tìm ông ấy, người ta bảo tao là ông ấy chết rồi. Lớn lên mà biết cái ngọn nguồn gốc rễ của mình đã chết đâu phải là chuyện đơn giản. Vậy mà chuyện ấy lại xẩy ra cho anh em tao.

Về sau tao biết thêm được là ông già tao bị người ta chém bằng mã tấu sau đó còn bồi thêm một cây gậy thúc bò vào bụng. Người ta kể là lúc tìm được thì ông ấy ngắc ngoải ngoài con suối hai ngày trời rồi, lúc ấy ổng còn đau đớn lắm mà vẫn năn nỉ người ta săn sóc giùm gia đình mình.

Dần dần rồi người ta quên mất tiêu. Người ta cố quên chuyện ấy đi. Nhưng cái điều người ta không thể nào quên được là khi khám phá ra kẻ gây ra chuyện ấy vẫn còn sống khơi khơi, ngày ngày nuôi dưỡng cái linh hồn thối tha của nó bằng ảo tưởng của ba cái chuyện tu thân tích đức. Tao không thể tha thứ cho nó dù tao không biết nó là ai nhưng cái điều tao biết nơi nó trốn thúc đẩy tao đi tìm tới cùng để lấy mạng nó cho xong. Tao không thể tha thứ cho cái chuyện nó còn sống. Nó không xứng đáng được sinh ra trên đời này.”

Đứng bên ngoài, lão nghe tỏ tường những điều ông Đại Tá nói. Rồi ông ta ra lệnh, “Đem nó đi, trói nó lại cho nó biết thế nào là đau đớn, rồi bắn bỏ cho tao.”

“Ông Đại tá ơi, làm ơn ngó xuống giùm tui!” lão năn nỉ. “Bây giờ mạng tui không còn đáng gì hết. Tui cũng sắp chết rồi. Già cả rồi. Tha chết giùm tui đi mà!”

“Đem nó đi!” Giọng nói từ phía trong vọng ra.

“Ông Đại tá ơi, tui đã trả cái nợ ấy gấp trăm ngàn lần rồi. Người ta tịch thu của tui hết mọi thứ. Người ta trừng phạt tui hết cách rồi. Tui trốn chui trốn nhủi bốn chục năm nay như thằng cùi thằng hủi, lúc nào cũng lo người ta có thể giết tui bất cứ lúc nào. Ông Đại tá ơi, tui không đáng phải chết như thế này. Ít nhất cũng để trời xá tội cho tui. Đừng giết tui! Đừng ra lệnh giết tui mà!”

Lão vật vã như đang bị tra tấn, tay đập chiếc mũ xuống đất không ngừng. Miệng gào khan.

Ngay lập tức tiếng nói từ phía trong vọng ra, “Trói nó lại cho nó uống tí rượu cho nó say để lúc bị bắn nó không thấy đau.”

***

Cuối cùng thì người ta cũng làm được cho lão im lặng. Lão đó, xụm một đống dưới chân cây cột. Thằng Justino con trai lão lăng xăng hết đến rồi đi, hết đi rồi bây giờ lại đến.

Anh ta đặt ông già nằm vắt ngang lưng con lừa. Anh buộc lão chặt vào cái yên để lão không ngã tụt xuống đường. Anh còn trùm cái giỏ lên đầu lão để lỡ ai thấy người ta không hoảng sợ. Rồi anh đốc con lừa đi nước rút để kịp về tới Palo de Venado mà lo sắp xếp việc canh thức người cha quá cố.

“Con dâu của ba và bầy cháu nội của ba sẽ nhớ ba,” con trai lão lẩm bẩm một mình. “Tụi nó sẽ nhìn mặt ba mà không tin đó là ba. Khi thấy mặt ba đầy lỗ đạn, thế nào tụi nó cũng sẽ nghĩ ba bị tụi chó rừng ăn thịt.”

 

 

Hoàng Chính chuyển ngữ từ Tell them not to kill me trong tập The Burning Plain and Other Stories

 

 

bài đã đăng của Juan Rulfo

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)