- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Đọc Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng của Nhã Ca

 

Đọc Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng của Nhã Ca

Cứ mỗi lần Tết đến, biến cố kinh hoàng Tết Mậu Thân lại trở về trong ký ức và chúng ta liên tưởng đến những tác phẩm viết về trang sử đau thương này, nổi bật nhất là cuốn Giải Khăn Sô cho Huế của Nhã Ca. Như mọi người biết, bên cạnh tác phẩm này Nhã Ca còn có nhiều tác phẩm phơi bày tình trạng bi thảm của cả dân tộc đang bị đọa đày dưới ách cộng sản. Xuân Đinh Hợi sắp đến, để tưởng nhớ quê hương vẫn còn phải sống dưới chế độ phi dân chủ, chà đạp nhân quyền, xin mời độc giả cùng tôi đọc lại cuốn “Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng” của Nhã Ca.

Viết về Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng, một tác phẩm xuất bản đã từ lâu, chắc có người sẽ cho rằng đó là một việc quá muộn màng. Nhưng theo tôi, một tác phẩm đầy nhân bản tính và là một thiên trường ca về nỗi thống khổ đang kéo dài của cả dân tộc như tập Hồi Ký này thì bao giờ cũng vẫn còn nguyên thời gian tính. Dầu đọc sớm hay đọc muộn, dầu viết hôm qua hay viết hôm nay, điều cốt yếu là người đọc đón nhận tác phẩm với tất cả tấm lòng và nghe theo sự thôi thúc của lòng mình ghi lại một vài cảm tưởng để trao đổi với bè bạn.

Nhà đại thi hào Dante, trong tác phẩm “Comedia Divina“ (Hoài kịch của thần linh) đã treo trên cổng vào địa ngục mà ông mô tả một tấm bảng: “Bước qua ngưỡng cửa này hãy bỏ lại đằng sau tất cả mọi niềm hy vọng“. Địa ngục của Dante dầu ghê rợn đến mấy cũng chỉ là sản phẩm của tưởng tượng. Còn địa ngục mà Nhã Ca mở cửa cho ta nhìn vào là địa ngục có thật, trong đó Nhã Ca vừa là nhân chứng vừa là nạn nhân cùng với gia đình, với bè bạn và mấy chục triệu đồng bào. Vậy mà lạ thay, trong địa ngục kinh hoàng ấy vẫn còn chan chứa niềm hy vọng đượïc nuôi dưỡng bởi tình người: tình gia đình, tình bằng hữu và lòng nhân ái. Tình người nuôi dưỡng niềm hy vọng đó đã là nguồn sống, khi âm ỉ, khi bùng lên, như ngọn lửa tuy bị đẩy vào chốn hang sâu vẫn không hề tắt, chỉ chờ ngày được đưa ra giữa vùng trời tràn ngập dưỡng khí để tỏa hơi ấm và ánh sáng.

Tình gia đình

Những tình tiết và những mẩu đối thoại trong tập Hồi Ký Nhã Ca bộc lộ tinh yêu tha thiết giữa vợ chồng, cha con, mẹ con và anh chị em trong gia đình. Tình gia đình vốn là chuyện bình thường nhưng lối diễn tả kín đáo mà nồng nàn của tác giả khiến người đọc cảm động, nhất là khi những biến cố đau lòng làm cho tình gia đình càng tha thiết nồng nàn hơn. Đặc biệt tình yêu Nhã Ca-Trần Dạ Từ đã được thăng hoa bởi sự giao hợp giữa hai tâm hồn nặng nợ văn chương. Bài thơ “Hòn đá làm ra lửa“của Trần Dạ Từ vang vọng tràn trề trong tập Hồi Ký. Tôi đọc bài thơ ấy lần đầu cách đây hơn 15 năm. Hồi đó tôi đã hết sức khâm phục những tư tưởng mới lạ, lối diễn tả độc đáo, tinh thần bất khuất và sự nẩy mầm và lớn lên của hy vọng trong những giờ phút tuyệt vọng nhất. Nay Hồi ký Nhã Ca đã dọi thêm nhiều tia hào quang vào bài thơ ấy. Một số thi tứ của Trần Dạ Từ đã trở thành những điệp khúc trong tập Hồi Ký, tạo thành một bản hòa âm với hai giai điệu khác nhau nhưng rất ăn khớp và rất nhịp nhàng.

Tình bè bạn

Bên cạnh tình gia đình, tình bạn chiếm một chỗ đứng quan trọng trong tập Hồi Ký. Tác phẩm này cho ta thấy tác giả không những có vô số bạn bè, phần lớn là bạn văn, mà cách Nhã Ca viết về bè bạn còn làm người đọc cảm động như được chia sẻ mối thân tình và nỗi thương yêu của Nhã Ca đối với họ. Điểm đặc sắc nhất là Nhã Ca, dầu chỉ vẽ lên một vài nét chấm phá về bè bạn, đã thể hiện được cá tính độc đáo của mỗi người và, quan trọng hơn, đã truyền được lòng yêu thương trân quí của Nhã Ca đối với từng người sang độc giả. Cảm động và hồi hộp nhất, như nhiều người đã viết, là những đoạn nói về Mai Thảo. Tình bạn và những ân huệ nhận được từ bạn bè đã là nguồn sinh lực để Nhã Ca tiếp tục sống, ngay cả những khi hoàn toàn tuyệt vọng và đang bị mê hoặc bởi ý muốn, bởi cám dỗ tự hủy mình và cả gia đình.

Lòng nhân ái

Tình người trong tập Hồi Ký không chỉ thu hẹp trong tình gia đình, tình bằng hữu mà tỏa rộng sang nhiều người khác tấm lòng nhân ái đậm đà bao la. Giữa những hoàn cảnh nhiễu nhương và nhiều khi rất bi đát trong hai nhà tù lớn nhỏ, Nhã Ca đã ban phát và đón nhận vô vàn tình thương, vô vàn cưu mang từ những người xa lạ nhất mà nhờ đó đã trở thành gần gụi thân thiết.

Thể hiện đẹp nhất tình người là những đoạn Nhã Ca viết về vị cao tăng Hòa Thượng ThíchTrí Thủ. Khi kể lại những tình tiết trong mối giao hảo với “Ôn“, tác giả đã vẽ lên hình ảnh sáng ngời của lòng nhân ái, của một tâm hồn thanh khiết và cao thượng, nhìn đời sáng suốt mà vẫn một mực bao dung. Kể lại chuyện Ôn giải hòa giữa hai Thầy Thiện Minh và Trí Quang, Nhã Ca kết luận: ”Được vậy, vì Ôn tới với mọi người, trước tiên, bằng một tấm lòng.“ Tập Hồi Ký đầy dẫy những tấm lòng, những tấm lòng thắng được cả địa ngục.

Đơn sơ nhất và sâu sắc nhất là câu Hòa Thượng nói với Nhã Ca, khi bà kể với Hòa Thượng “về người này, người kia, những giúp đỡ quí giá của tình bạn mà nhờ đó tôi (Nhã Ca) đã không gục ngã. Hòa Thượng nghe chuyện với nụ cười hiền hòa, dạy bằng giọng giản dị:

– Không chỉ riêng lòng tốt ông này bà kia đâu, con ạ. Đôi khi cả cái cây bụi cỏ bên đường cũng đã có lúc giúp đỡ con mà con không thấy hết đó thôi. Tất cả, là ơn nghĩa chúng sanh. Ơn chúng sanh vô lượng. Con phải luôn nhớ điều ấy.“

Lời dạy của Ôn không những đã được tác giả lặp lại hai lần trong hai chương khác nhau mà còn được dành nguyên một chương trong tập Hồi Ký chứng tỏ ơn nghĩa chúng sanh là một chân lý đã được Nhã Ca ghi lòng tạc dạ. Riêng tôi (xin phép mở một dấu ngoặc), lời dạy của vị cao tăng như đã nói dùm tôi một niềm tâm sự mà tôi hằng ấp ủ. Bởi tôi cũng tin rằng tất cả những gì tốt lành hạnh phúc mình nhận được trên đời đều là “ơn nghĩa chúng sanh” đúng như lời dạy của Hòa Thượng, và vì tôi là tín đồ Thiên Chúa giáo, tôi xem đó là những hồng ân và xác tín rằng đó là hồng ân phát xuất từ nguồn Yêu Thương tuyệt đối là Thiên Chúa.

Lý thú đọc Nhã Ca

Nguyễn Xuân Nghĩa đã nhận xét chí lý rằng những đoạn Nhã Ca tả lại cuộc gặp gỡ với các “quan cách mạng“ mới hay cũ hoặc với một số nhân vật sắt máu của Giải Khăn Sô cho Huế là những đoạn “lý thú nhất, sảng khoái nhất“.(xem Nguyễn Xuân Nghĩa: Đọc Nhã Ca Hồi Ký, trong Đặc San Văn, số đặc biệt về Nhã Ca, tháng 11 & 12, 2005 trang 211-217). Tôi muốn phụ hoạ thêm là khi đọc Hồi Ký Nhã Ca cảm giác “lý thú và sảng khoái” đã đến với tôi trên nhiều trang nhiều đoạn, ngay cả những đoạn vẽ lên cảnh não lòng, ê chề, điêu đứng nhất. Những hành vi tàn độc man rợ của chế độ từ cấp trên đến cấp dưới, từ chuyện đọa đày vô tiền khoáng hậu, đến những thảm cảnh kinh tế mới, thăm nuôi, đói khát, sợ hãi, trốn tránh, cho đến sự ngu xuẩn, ngạo mạn, ngụy biện và giả nhân giả nghĩa của tầng lớp thống trị … đã được rất nhiều cây bút kể lại tường tận. Dầu vậy, khi đọc trong Hồi Ký những điều ta đã biết, đã nghe nhiều lần, ta vẫn có cảm tưởng như đang được đọc những điều mới lạ, vì ngòi bút linh động sắc bén của Nhã Ca khiến ta càng đọc càng cảm thấy « lý thú, sảng khoái ». Và đặc sắc nhất là những đoạn Nhã Ca diễn tả sự nồng ấm của tình ngưòi. Tình người là chiếc phao cho người đắm thuyền giữa biển mênh mông bám lấy để còn hy vọng, để tin chắc rằng sẽ không vùi thân đáy biển mà sẽ trôi dạt được đến bến bờ của sự sống.

Văn phong

Đièu đập mạnh nhất vào mắt độc giả là lối hành văn nhát gừng của tập Hồi Ký. Có khi chỉ viết một chữ rồi chấm câu. Vì những tình tiết của một cuốn phim lướt nhanh qua trước mặt chỉ kịp chụp bắt bằng một hai chữ? Hay là tác giả đã phải dùng lối hành văn điện tín vì một lý do thực tế là sự tàn bạo của chế độ tràng giang đại hải, nếu viết theo lối hành văn bình thường thì giấy mực nào cho đủ và biết bao giờ mới xong? Cũng có thể tác giả có dụng ý dùng nhịp điệu câu văn để diễn tả sự thảng thốt, sự hụt hẫng của ngưòi đã “mất ngày tháng“? Hay nói theo một kiểu nói mà người Đức ưa chuộng: cảm giác như đất nơi mình đang đứng bỗng bị ai lôi đi , cuốn đi mất hút? Dầu các giả thuyết trên đây đúng hay sai, lối hành văn đứt đoạn ấy rất phù hợp với kịch tính của câu chuyện đang kể, nhất là những màn những cảnh ngộp thở củûa ác mộng kinh hoàng.

Vài nơi khác trong tập Hồi Ký giọng văn nhát gừng không nhằm biểu hiện sự hụt hẫng, sự mất ngày tháng, mất đất đứng dưới chân mà là nhịp điệu hơi thở đứt quãng của một “con bé“ (có tên là Trần thị Thu Vân) hồi hộp, e sợ khi nói chuyện với người yêu, và đã kêu la thất thanh khi nghe chàng trai cho biết chàng hiện đang ở tại một khách sạn và hẹn nàng ngày mai tới đó để gặp: “Khách sạn? Con bé mà dám leo lên một khách sạn giữa thành phố Huế? Có mà muốn tự tử“.

Tuy nhiên bên cạnh những câu văn thu gọn vào một hay vài ba chữ, nhiều khi ta thấy lóe lên đây đó những câu những dòng mà Nhã Ca vì xúc động hay vì cảm giác lai láng của hồn thơ đã viết với một văn phong trữ tình óng chuốt, tạo thành những câu những đoạn đầy chất thơ dưới dạng văn xuôi. Một điểm đặc biệt nữa là trong những hoàn cảnh mà bình thường ai cũng sợ hãi đến tê liệt mọi giác quan thì Nhã Ca vẫn bình tĩnh quan sát, ghi nhớ, để sau này kể lại tỉ mỉ từng chi tiết với ngòi bút sắc bén làm chấn động não cân người đọc, cho người đọc nhìn thấy trước mắt một hoạt cảnh linh động khi hài hước khi bi thương để rồi mãi mãi không quên.

Kết luận

Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng là một cuốn phim địa ngục kinh hoàng, nhưng đồng thời cũng là một thiên trường ca đặc sắc về tình người, chứa chan hy vọng và yêu thương. Đặc điểm này khiến ta không lạ gì khi nghe Nhã Ca tiết lộ: Trong mấy chục tác phẩm của bà, Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng là một trong những tác phẩm bà ưng ý nhất.